• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
kevin cham
by On July 15, 2015
1,057 views

 Written by Ts. Po Dharna

 

am duong 10

 

Nhân đọc bài viết của Quảng Đại Tuyên về “Bước đầu tìm hiểu về triết lí âm dương thông qua hình ảnh cánh diều Chăm” đăng trên web của Inrasara, những bài thuyết trình của Pgs. Ts. Thành Phần về “âm dương” ở TPHCM và quan điểm của một số trí thức Chăm thường nhắc đến “âm dương” ăn sâu vào văn hoá Chăm, một số độc giả trong nước xin Champaka.info trả lời cho biết dân tộc Chăm có triết lý “âm dương” hay không? Nếu có, thì đâu là nguồn gốc của sự du nhập triết lý “âm dương” vào nền văn hoá Chăm?

 

Để trả lời cho câu hỏi này, BBT Champaka.info xin Ts. Po Dharma, chuyên gia về lịch sử và nền văn minh Champa, cho biết thế nào là quan điểm của ông về triết lý âm dương Chăm.

 

Dân tộc Chăm không bao giờ có triết lý âm dương

Pgs. Ts. Po Dharma

(Viện Viễn Đông Pháp)

 

Trong quá trình lịch sử, Đông Nam Á là khu vực tập trung nhiều quốc gia và chủng tộc chia làm hai khối rỏ rệt. Dân tộc Chăm, Campuchia, Lao, Thai và Mã Lai Đa Đảo, v.v. chịu ảnh hưởng nền văn minh Ấn Giáo, trong khi đó dân tộc Việt theo khuôn mẫu văn hoá của Trung Quốc. Phát xuất từ hai nền văn minh khác nhau, dân tộc Việt và Chăm đã đón nhận hai khái niệm hoàn toàn khác nhau về qui luật cấu trúc vũ trụ. Đối với dân tộc Việt, “âm dương” là triết lý nhằm giải thích cho sinh tồn của “vũ trụ”, trong khi đó dân tộc Chăm lại dựa vào qui luật “tanaow-binai / lakei-kamei” (đực-cái / nam-nữ) để làm nền tảng để giải thích cho mối liên hệ giữa Chăm Ahier (Balamon) và Chăm Awal (Hồi Giáo). Chính đó là trọng tâm của vấn đề cần cứu xét lại trước khi đi đến kết luận dân tộc có chịu ảnh hưởng triết lý “âm dương” của dân tộc Việt hay không?

 

Triết lý âm dương của dân tộc Việt

 

Âm dương (tiếng Hán: Ying Yang) là hai khái niệm để chỉ hai thực thể đối lập, tạo nên toàn bộ vũ trụ, bao gồm những qui luật liên quan đến nền tảng của không gian học, thiên văn học, triết học, y học, vật lý học, v.v. Theo triết lý này, “âm” thể hiện cho những gì yếu đuối nhỏ bé, tối tăm, thụ động, nữ tính, mềm mại... đối lập nó là “dương” thể hiện sự mạnh mẽ, cho ánh sáng, chủ động, nam tính, cứng rắn.. Qui luật giải thích “vũ trụ” dựa trên âm và dương được gọi là triết lý “âm dương”.

 

Ai cũng biết, “Âm dương” là qui luật phát sinh từ nền văn minh Trung Quốc. Kể từ đó, các chuyên gia về Đông Phương học đưa ra kết luận rằng “âm dương” là triết lý chỉ dành cho các dân tộc nằm trong không gian văn hoá của Trung Quốc, đó là xã hội người Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn trong đó có Việt Nam. Người Chăm là dân tộc chịu ảnh hưởng nền văn minh Ấn Giáo, không bao giờ có triết lý “âm dương” như dân tộc Việt mà chỉ có qui luật: tanaow-binai / lakei-kamei (đực cái / nam nữ)

 

am duong 20
Biểu tượng âm dương của dân tộc Việt

 

Qui luật “tanaow-binai / lakei-kamei” của dân tộc Chăm

 

Qui luật “tanaow-binai / lakei-kamei” (đực cái / nam nữ) là khái niệm phát xuất từ qui luật Linga và Yoni nằm trong nền văn minh Ấn Giáo, không liên hệ gì với triết lý âm dương của dân tộc Việt. Theo triết Ấn Giáo, Linga biểu tượng cho dương vật và Yoni biểu tượng cho âm vật, là hai hình tượng thiêng liêng nhất được tồn thờ trong nền văn min Ấn Giáo.

 

Tục thờ Linga và Yoni có nguồn gốc từ Ấn Độ. Tín ngưỡng này gắn liền với triết lý dựa vào mối kết hợp giữa dương vật của đàn ông và âm vật của đàn bà, cấu thành động cơ của mọi sự sáng tạo. Theo triết lý này, vũ trụ sẽ bị diệt vong, nếu vũ trụ này chỉ có Linga (dương vật) nhưng không có Yoni (âm vật), hay ngược lại. Và vũ trụ này cũng bị tiêu diệt, nếu vũ trụ này có cả hai yếu tố Linga (dương vật) và Yoni (âm vật), nhưng không kết hợp với nhau một cách sung túc về tình dục.

 

Người Chăm là cộng đồng chịu ảnh hưởng nền văn minh Ấn Giáo. Tục thờ Linga và Yoni vẫn còn thể hiện hôm nay qua nhiều tục lễ của người Chăm nhất là lễ Kate và Ca-mbur trên đền tháp. Và mối liên hệ giữa Linga và Yoni vẫn còn đó, nhưng người Chăm gọi là qui luật “tanaow-binai / lakei-kamei” (đực-cái / nam-nữ).

 

Đối với người Chăm, “tanaow-binai / lakei-kamei” là triết lý của hai thực thể đối lập nhau nhưng không thể tách rời với nhau. Hoàn toàn khác hẳn với triết lý “âm dương” của dân tộc Việt, qui luật “tanaow-binai / lakei-kamei” của dân tộc Chăm chỉ áp dụng vào không gian rất giới hạn nhằm giải thích cho mối liên hệ giữa Awal và Ahier, tức hai thực thể tín ngưỡng hoàn toàn khác nhau về triết lý và nghi lễ, nhưng lúc nào cũng gắn liền với nhau một cách có hệ thống, không thể tách rời nhau được. Awal và Ahier là hai thuật ngữ có nguồn gốc lịch sử riêng:

 

• Awal là từ Á Rập có nghĩa “trước, khởi đầu”. Chăm Awal ám chỉ cho những người Chăm đã theo Hồi Giáo “trước” triều đại Po Rome, tức là Chăm Bani hôm nay.

 

• Ahier cũng là từ Á Rập, có nghĩa là “sau, cuối cùng”. Chăm Ahier ám chỉ cho những người Chăm chấp nhận Po Uluah là đấng thượng đế “sau” triều đại Po Rome, tức là Chăm Balamon hôm nay.

 

Cho đến hôm nay, người ta không biết triết lý “tanaow-binai / lakei-kamei” đã xuất hiện trong xã hội Chăm từ lúc nào. Theo truyền thuyết Chăm cho biết, trước vương triều Po Rome, Hồi Giáo đã có mặt tại vương quốc Champa, nhưng sự hiện diện của Hồi Giáo chỉ nằm bên lề của xã hội. Các chức sắc Acar của Chăm Bani không đóng vai trò gì trong triều đình bên cạnh vua chúa Champa như các vị tu sĩ Basaih của Chăm Balamon. Sự cách biệt này đã gây ra bao xung đột giữa hai cộng đồng, buộc vương triều Po Rome phải giải quyết vấn đề bằng cách triển khai qui luật "tanaow-binai / lakei-kamei” (đực cái / nam nữ) để làm biểu tượng cho sự gắn bó giữa Chăm Awal và Chăm Ahier, tức là hai tín ngưỡng hoàn toàn đối lập nhau, nhưng không thể tách rời với nhau được, như mối liên hệ giữa nam và nữ.

 

Chăm Awal và Chăm Ahier là hai cộng đồng tín ngưỡng biểu tượng cho hai thực thể: tanaow-binai / lakei-kamei (đực cái / nam nữ). Kể từ đó, tất cả những gì nằm trong hai tín ngưỡng này đều được phân chia thành hai thực thể khác nhau, hoặc Tanaow-lakei (nam) hay Binai-kamei (nữ), dù đó là các bậc tu sĩ, những vật dụng, thức ăn, màu sắc áo quần mà người Chăm thường dùng trong lễ tục. Tanaow-lakei (nam) hay Binai-kamei (nữ) là hai yếu tố đối lập nhau nhưng luôn luôn đi đôi với nhau, không thể tách rời với nhau được trong tín ngưỡng của người Chăm, cấu thành yếu tố cơ bản để Awal và Ahier cùng nhau phát triển và tồn tại. Những thuật ngữ đối lập nằm trong hệ thống tín ngưỡng Awal và Ahier là:

 

• Tanaow (đực) – Binai (cái)

• Lakei (nam) – Kamei (nữ)

• Klam (ám chỉ cho nam, những gì có màu rực rở nếu là khăn vải, có thịt nếu là thức ăn và có nhiều hương ngọt nếu là bánh trái) – Yuer (ám chỉ cho nữ, những gì có màu lờ nhạt nếu là khăn vải, không có thịt hay ít ngọt nếu là thức ăn)

• Pagruak (úp lại, ám chỉ cho cách nằm của đàn ông khi làm tình) – Pa-ndang (nằm ngữa, ám chỉ cho cách nằm của đàn bà khi làm tình)

 

Dựa vào qui luật vừa nêu trên, người Chăm đưa ra hàng loạt danh sách của các biểu tượng tanaow-binai / lakei-kamei (đực cái / nam nữ) trong cách cấu trúc tín ngưỡng Awal và Ahier như sau:

 

Biểu tượng Lakei-Kamei

• Basaih biểu tượng cho lakei (nam) – Acar biểu tượng cho kamei (nữ). Vì Basaih ngồi trong nghi lễ như đàn ông (crah kanal) trong khi đó Acar ngồi như đàn bà (jaoh angua)

• Basaih > kamei (nữ) – Acar > lakei (nam). Vì Basaih để tóc dài trong khi đó Acar cạo đầu như con trai

• Basaih > kamei (nữ) – Acar > lakei (nam). Vì Basaih mang bị túi có hình dạng âm vật và Acar mang bị túi có hình dạng dương vật

 

am duong 20-2
Tu sĩ Chăm Awal ngồi theo phong cách đàn bà
am duong 20-3
Tu sĩ Chăm Ahier ngồi theo phong cách đàn ông

 

Biểu tượng Klam-Yuer

Trong các lễ tục, một số dụng cụ, khăn vải, áo quần hay thức ăn, v.v. cũng đều mang biểu tượng cho Lakei (nam) và Kamei (nữ), luôn luôn đi đôi với nhau:

 

• Kaya klam, ám chỉ cho “lakei”, bao gồm bánh tét, bánh bột gạo hấp (kur) và chuối – Kaya yuer, ám chỉ cho “kamei”, gồm có nếp, bánh bột gạo hấp (kur) và chuối

• Aw klam, ám chỉ cho “lakei”, tức là áo có màu rất đậm – Aw yuer, ám chỉ cho “kamei”, tức là áo có màu hơi phai dợt

• S’alaw klam ám chỉ cho “lakei”, vì s’alaw klam là mâm cúng có thịt – S’alaw yuer ám chỉ cho “kamei”, mâm cúng không có thịt.

 

Biểu tượng Atau pa-ndang–Yang pagruak

Atau là thuật ngữ ám chỉ cho thần linh có nguồn gốc từ hệ thống Hồi Giáo và Yang là thần linh mang tính cách bản địa.

 

• Trong các lễ tục dành cho thần linh thuộc về “Atau”, thì người Chăm phải để nãi chuối nằm ngữa trên mâm cúng hay trải chiếu nằm ngữa (pa-ndang).

• Trong các lễ tục dành cho thần linh thuộc về “Yang”, thì người Chăm Ahier hay Awal phải để nãi chuối nắm úp lại trên nâm cúng hay trải chiếu nằm úp lại (pagruak).

 

Biểu tượng Tanaow-binai

 

Vào dịp cúng tế Po Yang In, người Chăm thường tổ chức lễ Paper Kalang (lễ thả diều). Lễ tục này có nguồn gốc từ Mã Lai. Trong lễ này gồm có hai con diều mang tên là Kalang tanaow (diều đực) và Kalang binai (diều cái). Đây là hai biểu tượng nằm trong hệ thống tanaow-binai / lakei-kamei (đực cái / nam nữ) của dân tộc Chăm, không liên hệ gì đến triết lý “âm dương” của người Việt như một số người thường hiểu lầm, để rồi từ đó họ tự chế biến ra bao lý thuyết mơ hồ nhằm giải thích cho sự hòa hợp các yếu tố: trời-đất, đực-cái, đất-nước, mặt trời-mặt trăng, không trung-mặt đất, hình tròn-hình vuông, vân vân, không liên hệ gì đến truyền thống lễ Paper Kalang (lễ thả diều) của dân tộc Chăm.

 

Tóm lại, người Chăm là dân tộc chịu ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Giáo, không bao giờ có qui luật “âm dương” của Trung Quốc như dân tộc Việt. Nếu một số trí thức Chăm hôm nay thường bàn về triết lý “âm dương” trong nền văn hoá Chăm, thì đó chỉ là quan điểm mang tính cách suy diễn, không dựa vào cơ sơ khoa học nào, vì những lý do sau đây.

 

1). Yếu tố ngôn ngữ

Trong kho tàng ngôn ngữ, người Chăm không có cụm từ để ám chỉ cho “âm dương”. Thế thì từ “âm dương” xuất hiện từ đâu đến? Có chăng “âm dương” chỉ là cụm từ do một số trí thức Chăm vừa sáng chế ra dưới chế độ xã hội chũ nghĩa, mang tính cách suy đoán, phát xuất từ sự nhằm lẫn giữa qui luật tanaow-binai / lakei-kamei (đực-cái / nam-nữ) của người Chăm và triết lý “âm dương” của dân tộc Việt.

 

Một khi ngôn ngữ Chăm không có từ vựng để ám chỉ cho “âm” và “dương”, thì người ta có quyền đưa ra kết luận ngay: văn hoá Chăm không có qui luật “âm dương” hay chịu ảnh hưởng ít nhiều về qui luật này.

 

2). Yếu tố lịch sử

Người Chăm là thần dân của vương quốc Champa xưa kia. Sau tám thế kỷ đương đầu với cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt, chấp nhận cúi đầu sống dưới nền đô hộ của nhà Nguyễn kể từ năm 1692 và chịu bao thống khổ của chính sách đồng hoá và diệt chủng của hoàng đế Minh Mệnh kể từ năm 1832, nhưng dân tộc Chăm không tiếp thu từ những yếu tố gì mang tính cách văn hoá, tín ngưỡng hay nghệ thuật của dân tộc Việt, ngoại trừ một vài chi tiết rất nhỏ nhoi nằm bên lề của nền giao lưu văn hoá, như:

 

• Vây mượn vài từ tiếng Việt: klan thu = trần thủ, lik kleng = lý trưởng, aen ngai = ơn nghĩa, cip = chịu, v.v.,

• Vẽ biểu tượng “âm dương” trên trống baranang mà người Chăm cũng không biết tên gọi biểu tượng này là gì. Sự hiện diện của biểu tượng “âm dương” trên trống của người Chăm chỉ bắt đầu dưới thời vua Minh Mệnh, tức là vào lúc Minh Mệnh buộc dân tộc Chăm phải mời người Kinh diễn tuồng hát bội trong lễ múa Rija để phô trương cho tinh thần đoàn kết dân tộc Chăm-Việt.

• Bắt chước vài món ăn có dầu mỡ: cien = chiên, sao = xào…

• Văn hoá ăn đủa thay vì ăn bóc kể từ thời Ngô Đình Diệm

 

am duong 20-1
Hát bội (hình trên hết) trong lễ Rija Chăm dưới thời Minh Mệnh
am duong 20-4q
Biểu tượng âm dương trên trống Chăm kể từ thời Minh Mệnh

 

Ai cũng biết, tanaow-binai / lakei-kamei (đực cái / nam nữ) là qui luật ra mời vào thời Po Rome (1627-1651), tức là vào thời kỳ hưng thịnh của Champa, một quốc gia độc lập không bao giờ chấp nhận những yếu tố văn hoá của dân tộc Việt ở phương bắc xâm nhập vào đất nước này. Kể từ đó, là tanaow-binai / lakei-kamei (đực cái / nam nữ) là qui luật riêng của dân tộc Chăm dựa vào triết lý Linga và Yoni của Ấn Giáo, chứ không phải là qui luật chịu ảnh hưởng triết lý “âm dương” của dân tộc Việt.

 

3). Yếu tố biên giới

Mặc dù nằm trong khu vực Đông Nam Á, nhưng dân tộc Chăm có khái niệm về biên giới hoàn toàn khác biệt so với các dân tộc khác. Theo truyền thống, biên giới Champa là ranh giới mang tính cách chính trị và tín ngưỡng, có yếu tố thần quyền trấn giữ, nhằm

 

• Ngân cấm bất cứ ai dùng bạo lực để xâm nhập vào lãnh thổ của mình.

• từ chối mọi yếu tố văn hoá hay nghệ thuật của dân tộc khác du nhập vào lãnh thổ của mình, dù văn hoá này là triết lý âm dương của người Việt đi nữa.

 

Và biên giới thần quyền này vẫn còn có hiệu lực cho đến thời Việt Nam Cộng Hoà. Mặc dù chung sống trên địa bàn dân cư ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, nhưng phong tục Chăm không bao giờ chấp nhận người Kinh xây dựng nhà cửa trong biên giới thôn làng của họ. Ngay trong gia đình, con em người Chăm cũng không có quyền nói tiếng Việt, vì truyền thống Chăm xem đây là tiếng nói ngoại lai, không thể xử dụng trong biên giới văn hoá và xã hội của dân tộc này.

 

*

 

Dân tộc Chăm và Việt là hai cộng cồng chịu ảnh hưởng hai nền văn minh hoàn toàn khác biệt. Nếu dân tộc Việt có triết lý “âm dương” thì dân tộc Chăm cũng có qui luật “tanaow-binai / lakei-kamei” (đực cái / nam nữ). Đây là hai triết lý phát xuất từ hai nguồn gốc khác nhau và có hai mục tiêu hoàn toàn khác nhau.

 

Để giải thích cho hai thực thể đối chọi nhau nhưng không thể tách rời với nhau trong văn hoá Chăm, thì các nhà nghiên cứi nên dựa vào qui luật “tanaow-binai / lakei-kamei” để phân tích vấn đề, chứ không nên xoá bỏ qui luật “tanaow-binai / lakei-kamei” để thay vào đó triết lý “âm dương” của dân tộc Việt, không liên hệ gì với yếu tố văn hoá của dân tộc Chăm.

 

Theo Champaka.info

 

Like (1)
Loading...
1
Kaka
<p><span style="color: #0000ff;"><em>dưới đây là bài viết phản hồi của một độc giả (London, Oct/2015) gởi qua info@nguoicham.com</em></span></p> <p>Xin mạn phép được góp chút ý kiến về bài viết 'Văn Hoá Chăm không có triết lý Âm Dương của dân tộc Việt' của Tiến Sĩ Po Dharma do Kevin Chăm đăng trên t... View More
October 18, 2015 Edited