Blogs
Categories
1. Ảnh hưởng của chữ viết Ấn Độ đến lịch sử chữ viết Champa.
Ấn Độ là một quốc gia sớm có chữ viết. Nhờ những khám phá về khảo cổ học đã xác định được ngay từ nền văn hóa Harappa chữ viết đã được sử dụng phổ biến trong công việc hành chính cũng như thường ngày.
Đến khoảng thế kỉ V TCN, ở Ấn Độ xuất hiện một loại chữ khác gọi là chữ Kharosthi. Đây là một loại chữ phỏng theo chữ viết vùng Lưỡng Hà.Sau đó lại xuất hiện chữ Brami, một loại chữ được sử dụng rộng rãi. Các văn bia của Asoka đều viết bằng loại này. Trên cơ sở chữ Brami, người Ấn Độ lại đặt ra chữ Davanagari có cách viết đơn giản thuận tiện hơn. Đó là thứ chữ mới để viết tiếng Sanskrit. Đến nay ở Ấn Độ và Nepan vẫn dùng loại chữ này ( Vũ Dương Ninh:73).
Như vậy, nền văn minh Ấn Độ đã sáng tạo ra ít nhất là 4 loại chữ viết khác nhau.
Champa sớm tiếp xúc với nền văn minh Ấn Độ, đã tiếp nhận văn tự Ấn Độ ngay từ ngày lập quốc. Một đặc điểm của chữ viết Champa là ghi chép trên bia đá, nội dung bia kí thường phản ánh việc dâng tế thần linh, tường thuật lại biến cố đã xảy ra đối với vương triều, ca ngợi công đức của thần linh và bậc minh vương tiền nhiệm. Văn bia được khắc chữ từ thế kỉ IV đến thế kỉ XV bằng cả văn tự Chăm cổ và Sanskrit ( Lương Ninh:239).
Sau thế kỉ XV, người Champa không viết chữ lên bia đá nữa mà viết trên những vật liệu khác như giấy, tre, vải, da…
Nói đến chữ viết Champa là nói đến chữ Akhar Thrah, một loại chữ được dùng phổ biến cho đến ngày này vẫn còn lưu truyền.
Từ chữ Akhar Thrah, người Champa đã biến hóa thêm nét thành nhiều chữ viết khác nhau, có chức năng sử dụng vào những mục đích khác nhau.
Đó là :
- Akhar Yok : chữ bí ẩn.
- Akhar Atwơr : chữ treo, chữ tắt.
- Akhar Kalimưng : chữ con nhện, chữ thấu.
Ngoài ra còn có chữ chỉ thấy trên bia kí là :
- Akhar Hayap
- Akhar Rik
Tất cả các kiểu chữ và biến thể Akhar ( chữ viết) đó điều bắt nguồn từ một trong những chữ viết ở miền Nam Ấn Độ thuộc hệ văn tự Brami.
Qua những lần biến thể chữ viết ngày càng phù hợp với âm tiết của tiếng Champa . Sự tiếp nhận văn tự Ấn Độ để taok nên Akhar Thrah là một bước phát triển mới của lịch sử ngôn ngữ Champa. Bởi vì, người Ấn Độ nếu không có sự hướng dẫn cần thiết sẽ không đọc được Akhar Thrah.
Trên cơ sở chữ phạn và lấy dạng nét cong của chữ phạn, người Chăm đã xây dựng thành một hệ thống văn tự Chăm cổ để ghi chép tiếng nói của mình, gồm 16 nguyên âm, 31 phụ âm, khoảng 32 dấu âm sắc và chính tả ( Hà Bích Liên: 117).
2. Ảnh hưởng của sử thi Ấn Độ trong văn học Champa.
Ấn Độ có hai bộ sử thi rất đồ sộ là Mahabharata và Ramayana. Hai bộ sử thi này được truyền miệng từ nửa đầu thiên niên kỉ I TCN rồi được chép lại bằng khẩu ngữ, đến các thế kỉ đầu công nguyên thì được dịch ra tiếng Sanskrit (Vũ Dương Ninh:75).
Người Champa đã đón nhận hai bộ sử thi theo cách tư duy của họ và phù hợp với tâm lí của cộng đồng. Văn học Champa khá phát triển với nhiều thể loại phong phú như : Thần thoại, sử thi, truyện cổ, thơ ca, văn xuôi, văn vần…
Thơ ca Champa rất dồi dào âm điệu, nội dung trữ tình và thường là thơ lục bát gieo vần lục tứ và bát lục. Bên cạnh văn học viết, văn học dân gian của người Chăm cũng khá phát triển dưới nhiều thể loại và phản ánh nhiều nội dung về tâm lí dân tộc và các khía cạnh xã hội (Huỳnh Công Bá :204).
Đặc điểm của văn học thành văn của Champa là phản ánh thời cuộc, khắc họa nhiều mặt của đời sống xã hội, ca ngợi tình yêu lứa đôi, tình yêu gia đình và quê hương. Nhưng các tác phẩm có giá trị cao về nghệ thuật và nội dung thường khuyết danh người sáng tác. Điều này, nói lên các tác phẩm đó là do quá trình sáng tác của cả cộng đồng và qua các thế hệ nối tiếp cùng tham gia sáng tác.
Những bản trường ca anh hùng cũng khá phong phú, được sáng tác liên tục, phổ biến rộng rãi và lưu truyền đến ngày nay. Bên cạnh việc tiếp nhận văn học Ấn Độ trực tiếp vào những thời điểm Hindu giáo ảnh hưởng sâu sắc. Sau này, dòng chảy của văn học Ấn Độ vẫn đến được với Champa qua trung gian là Malaysia, một quốc gia cũng ảnh hưởng văn minh Ấn Độ.
Dĩ nhiên khi đến Champa, những dòng tư tưởng cũng có khác để phù hợp, với cuộc sống và sinh hoạt Champa. Đó là những thể loại văn học dân gian, với những bài hát lễ, hát giao duyên, những kinh văn, bài xướng ca được biểu diễn vào dịp lễ quan trọng liên quan đến Hindu giáo.
3. Ảnh hưởng của tôn giáo Ấn Độ đến Champa.
Ấn Độ là nơi sản sinh ra rất nhiều tôn giáo, trong đó quan trọng nhất là Bàlamôn giáo về sau là Hindu giáo và Phật giáo. Ngoài ra còn có một số tôn giáo khác như đạo Jain, đạo Xích ( Vữ Dương Ninh :85).
Bàlamôn giáo sớm được truyền bá ở Đông Nam Á và một thời kì dài độc tôn làm quốc giáo. Ở Ấn Độ Bàlamôn chia hạng người ra thành giai cấp rất chặt chẽ.
- Braman (Bàlamôn) là đẳng cấp của những người làm nghề tôn giáo.
- Ksatơrya là đẳng cấp của các chiến sĩ.
- Vaisya là đẳng cấp của những người bình dân làm các nghề như chăn nuôi, làm ruộng, buôn bán, một số nghề thủ công.
- Suđra là đẳng cấp của những người cùng khổ, vốn là con cháu của các bộ lạc bại trận không có tư liệu sản xuất.
Nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của chế độ đẳng cấp là sự phân hóa giai cấp, sự phân công về nghề nghiệp và sự phân biệt về bộ tộc. Nhưng các tăng lữ Bàlamôn thì dùng uy lực của thần linh để giải thích hiện tượng xã hội ấy ( Vũ Dương Ninh :86).
Nếu như Bàlamôn giáo ở Ấn Độ nghiêm khắc bao nhiêu thì ở Champa chế độ đẳng cấp rất mờ nhạt. Vì Bàlamôn giáo không những là quốc giáo mà còn là hệ tư tưởng của giai cấp thống trị, tôn giáo của đẳng cấp trên. Do vậy, Bàlamôn giáo chỉ ảnh hưởng trong cung đình, dòng dõi quý tộc mà thôi.
Champa tiếp nhận tư tưởng Bàlamôn giáo của Ấn Độ kết hợp với tín ngưỡng địa phương làm cho sắc thái của tôn giáo có sự biến sắc rõ ràng.
Trong ba vị thần tối cao của Bàlamôn giáo là Braman, Siva, Visnu, thì thần Siva được coi trọng hơn cả, thể hiện qua vị trí nơi đặt tượng thần, thường là gian điện chính, nơi trung tâm, điều này thấy rõ ở các đền tháp Champa.
Tôn giáo Ấn Độ ảnh hưởng khá mạnh mẽ ở Champa từ niềm tin, tư tưởng, tư duy về kĩ thuật, đến trang phục đời thường. Dĩ nhiên cũng bị dân gian hóa nhiều nên trở thành bản sắc riêng của Champa.
Bên cạnh niềm tin vào các vị thần Ấn Độ, người Champa còn thờ phụng nhiều vị thần khác có nguồn gốc siêu nhiên hay những công thần khai quốc. Việc nhân thần hóa được thờ phượng cùng với các thần linh Ấn Độ là điều hiếm hoi chỉ thấy ở Champa.
Có lẽ ngày từ Ấn Độ, Bàlamôn không có người sáng lập, không hệ thống giáo lí chặt chẽ nên khi đến Champa nó dễ bị xâm nhập vào tín ngưỡng dân gian bản địa. Do vậy, Bàlamôn giáo ở Champa thiên nhiều về nghi thức cúng lễ ở đền tháp và những lễ hội dân gian hơn là chú tâm học tập kinh kệ.
4. Ảnh hưởng của kiến trúc, điêu khắc Ấn Độ đến nghệ thuật xây dựng tháp Champa.
Thời cổ trung đại Ấn Độ đã có một nền nghệ thuật phong phú đặc sắc, bao gồm nhiều mặt, trong đó nổi bật nhất là ngành kiến trúc, điêu khắc. Thời Harappa, nhà cửa chỉ mới xây bằng gạch, đến vương triều Morya nghệ thuật kiến trúc đá mới bắt đầu phát triển mà các công trình tiêu biểu là cung điện, chùa tháp, chùa tháp, trụ đá (Vũ Dương Ninh :80).
Như vậy, tất cả những công trình công cộng, công trình tôn giáo đều làm bằng vật liệu bền, thể hiện sức mạnh uy quyền của nhà vua và vương triều. Nói chung nghệ thuật tạo hình Ấn Độ phần lớn nhằm vào đề tài tôn giáo, nhưng vì bắt nguồn từ cuộc sống thực tế, nên tính hiện thực vẫn thể hiện rất rõ nét, ví dụ tượng nhiều tay nhiều đầu là phỏng theo tư thế của đội múa trong đền chùa và cung đình (Vũ Dương Ninh :82).
Khi các tôn giáo Ấn Độ, vượt biên giới qua các eo biển mà truyền qua Tích Lan, Java, Cao Miên, Thailand, Mianmar, Tây Tạng, Khotan, Turkestan, Mông Cổ, Trung Hoa thì nghệ thuật Ấn Độ cũng lan tràn theo vào các xứ đó (Will Durant :387).
Champa cũng đón nhận dòng chảy của nền văn minh Ấn Độ từ biển đông. Một điều dễ nhận thấy kiến trúc đi cùng với tôn giáo. Hầu hết, các công trình kiến trúc ở Champa đều phục vụ cho nhu cầu tôn giáo, dù cho những tác phẩm điêu khắc, kiến trúc đạt được giá trị mỹ thuật cao so với đương đại cũng đều nói lên đề tài tôn giáo.
Trong suốt chiều dài lịch sử Champa, vương triều nào khi lên nắm quyền đều cho xây dựng hoặc trùng tu công trình tôn giáo để chứng tỏ sự tồn tại của vương triều mình, phô trương sức mạnh quốc gia, nhưng quan trọng hơn cả vẫn nhằm vào mục đích tạ ơn thần linh qua việc dâng lễ vật cúng cho đền tháp. Vì đã phù trợ sức mạnh và chiến thắng cho vương triều.
Như các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cùng chịu ảnh hưởng văn minh Ấn Độ, vật liệu cơ bản và chủ yếu để xây dựng đền tháp là gạch và đá. Có thể nói, Champa là bậc thầy về kĩ thuật chế tác gạch, trải qua bao thế kỉ, những tháp gạch Champa vẫn còn tươi rói, màu sắc ánh hồng, vàng, kết dính với nhau một cách kì lạ mà nhiều nhà khoa học còn chưa thể giải mã hết.
Trên tổng thể thân tháp bằng gạch, những thợ điêu khắc đã chạm trỗ hoa văn, những con vật thiên liêng của Hindu giáo hay cảnh sinh hoạt trong cung đình, rất sinh động và chân thật.
Đặc điểm của gạch Champa là mềm, xốp nên khi dựng xong hình thể, dáng tháp hoàn chỉnh, sau đó sẽ chạm, khắc, khảm lên tháp những môtip mà nhà vua và quần chúng nhân dân muốn gởi gắm vào.
Tháp Champa thường gồm 3 tầng, tầng trên cùng là đặt các vị thần quốc giáo, tầng giữa thường diễn tả hoạt động sống của cung đình, tầng đề là tầng âm chỉ gia cố nền móng cho vững chắc không có trang trí.
Mỗi một ngôi tháp chỉ có một lối vào chính cũng là vị trí đặt các nhân thần (Vua được thần thành hóa), đồng thời là thực hành các nghi lễ chính thức vào những ngày lễ trong đại của Bàlamôn giáo. Các mặt còn lại đều là cửa giả và đóng kín.
Hình thể của một tháp Champa bao giờ cũng thu nhỏ dần khi càng lên cao. Trên chóp đỉnh thường đặt một Linga. Người Champa đã tiếp thu kĩ thuật xây dựng tháp từ Ấn Độ, nhưng qua bàn tay kĩ sư Champa các khối tháp trở nên hài hòa, cứng rắn, mạnh mẽ, dễ gần gũi nhưng đầy bí hiểm. Quan sát tháp ở bất cứ vị trí đâu và vào lúc nào cũng thấy nét uy nghiêm tráng lệ.
5. Ảnh hưởng của lịch pháp Ấn Độ đến cách tính lịch của Champa.
Từ rất sớm người Ấn Độ đã biết chia một năm làm 12 tháng, mỗi tháng 30 ngày, mỗi ngày 30 giờ, cứ 5 năm thì thêm 1 tháng nhuận. Các nhà thiên văn học Ấn Độ cổ đại đã biết được quả đất và mặt trăng đều hình cầu, biết được quỹ đạo của mặt trăng và tính được các kì trăng tròn trăng khuyết. Họ còn phân biệt 5 hành tinh Hỏa-Thủy-Mộc-Kim-Thổ, biết được một số chòm sao và sự vận hành của các ngôi sao chính. Tác phẩm thiên văn học cổ nhất của Ấn Độ là quyển Siddhantas ra đời vào khoảng thế kỉ V TCN (Vũ Dương Ninh :82).
Người Champa đã sớm tiếp thu và biết cách tính lịch pháp. Không những thế các học giả trong triều đình Champa lúc bấy giờ đã nghiên cứu và tính khá thạo vị trí di chuyển theo thời gian của các hành tinh để định thời gian một cách chính xác ( Huỳnh Công Bá : 117).
Từ ngày đầu dựng nước Champa đã tiếp thu hệ thống lịch Saka của Ấn Độ một cách chủ động. Trong tiếng Champa lịch gọi là Sakawi hay Takawi. Một năm của người Champa là 12 tháng, một tuần có 7 ngày. Cách tính trên dựa vào sự vận hành của mặt trăng và của các chòm sao.
Lịch pháp được ứng dụng khá rộng rãi trong nông nghiệp để biết sự biến đổi của tiết trời mà gieo trồng và chọn giống vật nuôi cho thích hợp. Đồng thời Champa vốn là cư dân hoạt động mạnh mẽ trên con đường hàng hải quốc tế, nên lịch được ứng dụng để xem ngày, giờ dự đoán bão tố trước khi ra khơi.
Bên cạnh đó, mỗi một mùa tương ứng với một kiểu thời tiết, đều diễn ra những lễ hội có tính chất cộng đồng như lễ Rija Nagar, lễ hội Kate để cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Hiện nay, người Champa quần cư theo cộng đồng tôn giáo, nên lịch pháp cũng theo lịch tôn giáo vì thực hành theo lễ thức tôn giáo. Với ba nhóm Chăm cơ bản tương ứng với 3 loại lịch riêng và tất nhiên trong sinh hoạt cũng sử dung Tây lịch.
- Người Chăm Braman có Sakawi Ahier.
- Người Chăm Bani có Sakawi Awar.
- Người Chăm Islam có Sakawi Islam.
Trong vương triều Po Rome, đã có sự kết hợp lịch Ahier và Awar tạo thành một hệ thống lịch mới gọi chung là lịch âm dương.
Như vậy, bên cạnh lịch Tây, người Champa còn có 4 loại cách tính lịch khác trong hoạt động tôn giáo. Chính điều này, mặc nhiên gây khó khăn lớn trong cộng đồng vì thiếu sự thống nhất về ngày tháng hành lễ và kiên cự trong lễ cưới, ma chay. Sự phân bố dân cư theo địa bàn tôn giáo kéo theo sự phân hóa khu vực sử dụng lịch pháp.
Kết luận.
Từ thế kỉ II-XV, văn hóa Champa đậm nét ảnh hưởng văn minh Ấn Độ. Trong những năm đầu công nguyên văn minh Ấn Độ cũng từng lan tỏa đến Việt Nam. Điển hình là sự xuất hiện trung tâm Phật giáo Luy Lâu ở Bắc Ninh. Tuy nhiên, do sự đô hộ của Trung Quốc, người Việt bị nền văn minh Trung Hoa thống trị sâu sắc.
Sự gặp gỡ của nền văn minh Trung Quốc và nền văn minh Ấn Độ thể hiện rõ ràng ở Việt Nam và Champa trong tổ chức đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội.
Khi Việt Nam, từng bước thoát khỏi sự thống trị của Trung Quốc cũng là giai đoạn Champa đã đạt được nhiều thành tựu văn minh. Trước nhu cầu phát triển kinh tế đất nước và khắc phục những gánh nặng do chính sách khai thác thời Bắc thuộc để lại Việt Nam đã kiến thiết lại đất nước.
Các vương triều Việt Nam đã thi hành một chính sách thống nhất và liên tục. Đó là chính sách Nam tiến, đã từng bước đẩy lùi nền văn minh Ấn Độ ở Đông Nam Á mà Champa là một đại diện.
Có thể nói rằng, sự sụp đổ của nền văn minh Champa là sự sụp đổ của nền văn minh Ấn Độ trước nền văn minh Trung Hoa. Vương quốc Champa không còn tồn tại nữa, nhưng những giá trị đặc sắc nhất của văn minh Champa vẫn còn bảo tồn và được các tộc người hậu duệ Champa lưu truyền.
Như các quốc gia cùng ảnh hưởng văn minh Ấn Độ, các Stupa tức Bimon Kalan ( theo tiếng Chăm). Là ngôi đền thiên liêng của quốc gia thờ các vị thần có nguồn gốc Ấn Độ như Brahma, Siva, Visnu, Ganesa, Nandin cùng các nhân thần.
Ảnh hưởng về kĩ thuật xây dựng đền tháp như việc chọn các vật liệu có tính năng bền vững, các môtip, các hình thể tháp. Ví dụ : tháp Po Klong Garai ở thành phố Phan Rang. Bên cạnh một tháp chính còn có hai ngôi tháp phụ là nơi để dâng lễ có mái tháp hình yên ngựa hay mái thuyền biểu tượng của ngọn núi thiên liêng Meru ở Ấn Độ.
Nét đặc sắc của đền tháp Champa là ảnh hưởng kiến trúc Ấn Độ nhưng vẫn có nét riêng, độc đáo chỉ thấy ở Champa. Có giống chăng là các tượng thần được thờ phượng trong các ngôi tháp.
Còn điêu khắc của các đền tháp Champa, ngoài hình tượng ngọn lửa ở các góc tháp ( như hình tượng rồng chầu nguyệt ở các ngôi đình người Việt), có nhiều hình tượng trang trí rất sinh động, phổ biến hơn cả là những nét chạm khắc trực tiếp lên thân tháp quan cảnh sinh hoạt, múa hát trong cung đình của các vũ nữ Apsara, các nhân vật trong sử thi Mahabrata hay các thần hộ pháp.
Be the first person to like this.