• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
Thạch Ngọc Xuân
by On February 25, 2013
0 Rating 332 views 2 Likes 1 Comments
MỘT VÀI GÓP Ý VỚI NHẠC SĨ NAM LỘC XUNG QUANH BÀI HÁT "TÌNH SỬ HUYỀN TRÂN".
Chuyện tình huyền sử Chế Mân - Huyền Trân đã xảy ra cách đây hơn 700 năm (1306). Đây là cuộc tình hy hữu chưa từng xảy ra trong tiến trình lịch sử ở các nước Đông Nam Á, xuất phát từ sự gắn bó, liên kết giữa hai nước Việt - Chiêm trong một liên minh chống lại mưu đồ đánh chiếm vùng Đông Nam Á của quân Mông Cổ hung bạo. Trong vài năm gần đây, giới văn nghệ sĩ xuất hiện một số tác giả đã lấy cảm hứng từ bi kịch tình sử này để tạo ra tác phẩm theo gốc độ quan điểm riêng của mình mà quên đi những yếu tố lịch sử, những sự kiện có thật đã từng xảy ra trong quá khứ.
Đơn cử như bài hát "Tình Sử Huyền Trân" của nhạc sĩ Nam Lộc (xin mời mở link ở dưới để nghe). Bài hát có giai điệu hay, mượt mà và không kém phần sâu lắng, nhưng rất tiếc tác phẩm đã không tạo một chút ấn tượng gì tốt đối với một thính giả khó tính như tôi. Nghe đến câu "giã từ mẫu quốc nàng theo Chế Bồng sang Chiêm" mà tôi đã cười đến chảy nước mắt, giai điệu hay như thế, nốt nhạc bay bỗng là thế, không biết vì lý do gì mà một nhạc sĩ được coi là "khá nổi tiếng" lại nỡ buông ra những ca từ làm đảo ngược cả nhiều triều đại lịch sử như vậy? Mặc dù có một số nét tương đồng, nhưng hai vị vua tài năng lỗi lạc kia đều gắn với những biến cố, thời điểm lịch sử hoàn toàn rất khác nhau. Ấy thế mà, nhạc sĩ đã đồng nhất xem Vua Chế Mân với Chế Bồng Nga như thể là Một, đây là nhầm lẫn tai hại vô tình làm mất đi toàn bộ giá trị của tác phẩm, có lẽ do kiến thức lịch sử của nhạc sĩ "tài ba" này còn quá nhiều hạn chế (tôi vẫn muốn khẳng định như vậy, dù không biết ông này đã cố tình hay vô ý đi nữa).
- Chế Mân, hay Jaya Sinhavarman III, là vị vua thứ 34 của vương quốc Chiêm Thành (tức là vua thứ 12 của triều đại thư 11) vào thế kỷ 14, làm vua được 19 năm (1288 - 1307).
- Chế Bồng Nga ( ?- 23 tháng 1 năm 1390), hay Che Bonguar, là tên hiệu của vị vua thứ 3 thuộc vương triều thứ 12 (tức là vị vua đời thứ 39) của nhà nước Chiêm Thành. Trong thời kỳ ông cầm quyền, nhà nước Chiêm Thành rất hùng mạnh, từng đem quân nhiều lần xâm phạm Đại Việt của nhà Trần. Ông bị giết năm 1390 khi đang đem quân tấn công Thăng Long lần thứ 4 (theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, quyển VIII, bản điện tử, trang 282).
Vấn đề thứ hai là câu chuyện tình giữa Chế Mân và Công chúa Huyền Trần, nhiều tác giả xưa nay chỉ dựa vào "bia miệng" từ ngàn đời mà nhìn nhận sự kiện một cách phiến diện, thiếu khách quan, thêu dệt cho nhiều yếu tố thiếu trung thực để tiện cho việc viết kịch và các tác phẩm tân nhạc, cải lương. Chúng ta cần cần phân tích đánh giá một cách trung thực, khách quan những sự kiện và nhân vật lịch sử sau đây:
1) Chế Mân (Jaya Simhavarman III) là một thanh niên anh hùng đã không chịu lùi bước trước kẻ thù, một vị vua tài ba lỗi lạc, nổi tiếng khắp vùng Đông Nam Á. Trong cuộc kháng chiến của dân tộc Chiêm Thành chống lại quân xâm lược Mông Cổ vào các năm 1282 - 1285 thì tất cả mọi quyền hành và các quyết định quan trọng nhất đều ở trong tay Chế Mân vì vua Chàm bấy giờ tuổi đã già. Chế Mân là đại tướng cầm quân Champa đánh nhau với quân Toa Đô ở Vijaya (Qui Nhơn), kinh đô của Champa, một vị anh hùng trẻ tuổi của dân tộc Champa.
Ngày 16 tháng 7 năm 1282, Hốt Tất Liệt ra lệnh điều động 5 nghìn quân của tỉnh Hoài Triết Phúc Kiến gồm 100 hải thuyền, 250 chiến thuyền giao cho Toa Đô chỉ huy chuẩn bị đánh chiếm Chiêm Thành... Một trong những nguời cương quyết chống lại âm mưu xâm lược của Hốt Tấtt Liệt là thái tử Harijit (Chế Mân) con vua Indravarman V... Lúc bấy giờ vua Chiêm đã già. Chế Mân nắm tất cả trọng trách trong nước.
Trong Kinh thế đại điển tự lục tờ 570 chép lời Hốt Tất Liệt nhận định về Chế Mân như sau: "...Lão vương (Indravarman V) không có tội gì, kẻ nghịch mệnh là con (Chế Mân) của y, nếu bắt được thì cứ theo như việc cũ của Tào Bân, trăm họ không giết một người."
Trong "An Nam truyện" của Nguyên Sử, quyển 109 trang 5b chép: "...ngày 16 tháng 4 năm 1284, An phủ sứ Quỳnh Châu là Trần Trọng Đạt nghe Trịnh Thiên Hựu nói rằng Giao Chỉ thông mưu với Chiêm Thành, sai 20000 quân và 500 thuyền ứng viện. Vua Trần Nhân Tông lại gởi thư đến hàng tỉnh, đại lược nói Chiêm Thành nội thuộc tiểu quốc, đại quân đến đánh thật đáng xót thương.
Nằm trong giai đoạn 30 năm lịch sử (1258 đến 1288), thời gian mà Nhà Nguyên xâm lăng Đại Việt: vào năm 1284-1285 Vua Chế Mân Champa đã đem quân cứu viện cho Vua Trần Nhân Tông để đánh bại cuộc xâm lăng của quân Nguyên ở Nghệ An.
1282-1284: Dưới sự thống lãnh của Toa Đô, nhà Nguyên ào ạt xâm lăng Champa nhưng bị Vua Chế Mân giáng trả oanh liệt đánh bại quân Nguyên lui về cố quốc.
1292:Trên đường rút quân khỏi đảo Sumatra của nước Java (Nam Dương), quân Nguyên đổ bộ lên bơ` biển Champa lại bị Vua Chế Mân đánh bạt ra biển Nam Hải để lại cả trăm chiến thuyền tan nát và hàng vạn xác chết nằm ngổn ngang bên bờ cát trắng của miền biển Champa .
Kể từ 1253 khi Hốt Tất Liệt tiêu diệt được nhà Tống và lập nên nhà Nguyên cho đến khi Hốt Tất Liệt qua đời vào năm 1294, đây là giai đoạn lịch sử làm cho Đại Việt thời Trần Nhân Tông và Champa thời Vua Chế Mân vô cùng khốn khổ với mộng xâm lăng của quân Nguyên, và hai nhà Vua của hai quốc gia Việt – Chiêm dựa lưng vào nhau để chống quân Nguyên, đó cũng là lý do Trần Nhân Tông và Chế Mân rất có hảo cảm với nhau.
Theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục trang 556 chép: Tháng ba năm Tân Sửu (1301), thượng hoàng Trần Nhân Tông sang chơi Chiêm Thành. Thựơng hoàng xuất gia ở núi Yên Tử, thường muốn đi chơi xem khắp núi sông nhân du lịch đến một địa phương tiện đường sang chơi Chiêm Thành. Ngài đã lưu lại ở đây trong thời gian 9 tháng, cảm kích trước tài năng lỗi lạc và tinh thần hiếu khách của đất nước Champa, để thắt chặt tình hòa hiếu giữa hai nhà nước, Trần Nhân Tông đã hứa gả Công chúa Huyền Trân cho vị vua phương Nam là Chế Mân.
2) Trần Khắc Chung là con người như thế nào và ông ta có phải là người yêu, là mối tình đầu của công chúa Huyền Trân hay không?
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Trần Khắc Chung tên thật là Đỗ Khắc Chung người ở Giáp Sơn cùng quê với mẹ của vua Trần Hiến Tông và cũng là thầy dạy học của hai vị vua Trần Minh Tông, Hiến Tông. Năm Ất DẬu, Thiệu BẢo năm thứ bảy (1285), Khắc Chung làm Chi hậu cục thủ có em ruột Đỗ Thiên Hư cũng là một người nổi tiếng đương thời từng được cử làm sứ thần sang Nguyên năm 1288. Đỗ Khắc Chung lấy Bảo Hoàn. Khoảng đời Trùng Hưng, nguời Nguyên vào cướp, cha mẹ Bảo Hoàn hàng giặc, ruộng đất, tài sản đều bị tịch thu sung công. Đến khi vua lên ngôi, xuống chiếu trả lại.
Mùa hạ tháng 4 năm Kỷ Sửu (1289). Ông là một trong những người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên năm 1285 được vua ban quốc tính nên đổi là Trần Khắc Chung và được phong chức Đại Hành Khiển, vào năm 1289 tức là lúc công chúa Huyền Trân vừa chào đời.
Ông đã giữ nhiều chức vụ khác nhau và quan trọng trong suốt bốn triều đại (Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông), ông đã từng là thuyết khách, tể tướng, thượng thư, ngự sử đại phu, đại an phủ kinh sư, quan nội hầu, sư bảo và là sứ giả cùng với an phủ sứ Đặng Vân chỉ huy chiến dịch cứu thoát công chúa Huyền Trân... Ông là cột trụ của nhiều triều đại hiển hách đời Trần, sống cùng thời với vua Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Mạc Đỉnh Chi..
Năm 1285, Trần Khắc Chung làm sứ giả sang thương thuyết với Nguyên khi xong ra về, Ô Mã Nhi là một tướng của quân Nguyên bảo với các tướng dưới quyền rằng: "Người này (tức Trần Khắc Chung) ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ tự nhiên, không hạ chủ nó xuống là Chích, không nịnh ta lên là Nghiêu, mà chỉ nói: "Chó nhà cắn người"; giỏi ứng đối. Có thể nói là không nhục mệnh vua. Nước nó còn có người giỏi, chưa dễ mưu tính được. (Đại Việt sử ký toàn thư trang 52).
Như vậy, Trần Huyền Trân (công chúa Huyền Trân) sinh năm 1289, đến năm năm 1306 khi gả công chúa Huyền Trân thì thượng hoàng Nhân Tông (1258 - 1308) lúc đó khoảng 47 tuổi, vua Anh Tông là anh ruột của Huyền Trân (1276 - 1320) ở tuổi xấp xỉ 30 và công chúa độ khoảng tuổi 18, vua Chế Mân vào khoảng 35 đến 40 và Trần Khắc Chung 40-50.
Sở dĩ ta có thể tính được như vậy, là vì trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mông Cổ của Vương quốc Champa vào năm 1283 thì Chế Mân đã là thái tử cầm quân Champa giao chiến với Toa Đô ở Thành Gỗ gần kinh đô Vijaya của Champa, còn Trần Khắc Chung lúc nhận nhiệm vụ thuyết khách, đi gặp tướng Mông Cổ Ô Mã Nhi vào tháng giêng năm 1285 ít nhất cũng phải trên 20 tuổi. Vậy thì ở thời điểm gã công chúa Huyền Trân, Trần Khắc Chung khoảng 40 đến 50 tuổi.
Nhận định:
- Như vậy có thể thấy, Chế Mân với Huyền Trân giữa một bên là vua của một nước hùng mạnh, tài ba lỗi lạc, sánh duyên với một Công chúa sắc đẹp tuyệt trần hẳn là đôi uyên ương đẹp đôi vừa lứa, môn đăng hộ đối, đúng với câu trai tài gái sắclà thế.
- Khi Huyền Trân chưa tới 18, thì Trần Khắc Chung đã khoảng 50 tuổi, đã chạc tuổi với thượng hoàng Trần Nhân Tông lúc bấy giờ. Một vị tướng đã có vợ lại bằng tuổi cha mình, liệu có thể có tình yêu sâu đậm và là "mối tình đầu" của thiếu nữa chưa tròn 18 hay không? Hơn nữa, khi Chế Mân sai sứ sang hỏi về việc hôn lễ, nhiều triều thần nhà Trần phản đối, chỉ có Văn Túc Vương Đạo Tái và Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung là người chủ trương tán thành. Nếu là người yêu, là mối tình đầu của nhau, thì ít nhiều Trần Khắc Chung cũng phải có thái độ phản ứng cuộc tình này, nếu chưa nói đến mức độ gay gắc? Đằng này ông lại có chủ trương tán thành, điều đó đã khiến không ít người đời phải suy nghĩ, vì rằng nhân cách Trần Khắc Chung thời ấy không thể sánh với Phạm Lãi - một vị tướng tài ba của nước Việt ở Trung Hoa thời Xuân Thu Chiến Quốc, người đã giúp Việt vương Câu Tiễn tiêu diệt nước Ngô và ông được người đời sau khen là:
Người như ngọc chuốt, lòng tựa lửa hồng
Đức còn chảy mãi, nhân tỏ vĩnh hằng.
- Năm 1307, khi Chế Mân qua đời, theo lệnh vua Trần Anh Tông, Trần Khắc Chung vào Chiêm Thành cứu được Huyền Trân đưa về Thăng Long. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì ông đã tư thông với công chúa trên đường về. Sau đó, sử thần Ngô Sĩ Liên đã lên án ông ta quá nặng nề, điều đó đã vẽ lên một con người thật của Trần Khắc Chung.
Trong ĐVSKTT trang 92, Ngô Sĩ Liên viết: "Thói gian tà của Trần Khắc Chung thật là quá quắt lắm! Không những hắn giỡ trò chó lợn ở đây mà sau này còn hùa vào với Văn Hiến vu hãm quốc phục thượng tể vào tội phản nghịch, làm chết oan đến hơn trăm người. Thế mà hắn được trọn đời phú quý. Khổng Tử nói: "Kẻ gian tà được sống sót là may mà được thoát tội chăng?"
Song sau khi hắn chết, gia nô của Thiệu Vũ Vương đào xác hắn lên mà vằm nhỏ ra thì lời thánh nhân càng đáng tin."
Hoặc ở trang 114 ông lại lên án một lần nữa: "Còn như Trần Khắc Chung cũng là nhân vật của một thời, vua trao cho hắn chức vị sư bảo, và đem việc nước hỏi hắn, đáng lẽ phải hết lòng trung khuyên can, để cho vua mình trở thành Nghiêu Thuấn mới phải. Thế mà lại hùa vào với kẻ quyền quý làm hại người ngay thẳng, đi theo bọn gian tà, đẩy người lành đến nỗi oan khiên, hãm đức vua việc tội lỗi. Việc ấy mà nhẫn tâm làm được, thì còn việc gì mà không nhẫn tâm làm được nữa. Sau lại xui vua cầu công đi đánh Chiêm Thành, thì cái thói nịnh hót lại hiện ra nữa. cho nên bậc làm vua khi chọn người hiền phải xét kỹ họ, là bở sợ rằng có đứa tiểu nhân như bọn Trần Khắc Chung có thể lọt vào trong đó vậy."
Trên đây là những dữ liệu lịch sử mà tôi nêu ra với mục đích giúp chúng ta nhìn nhận trung thực những biến cố, cũng như nhân cách nhân vật có thật trong lịch sử, một vị anh hùng dân tộc, vị vua anh minh, lỗi lạc và nhiều mưu lược - Chế Mân. Đồng thời, có thể bào mòn đi cái "bia miệng" của người đời đã gắn cho cuộc tình huyền sử Chế Mân - Huyền Trân:
Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo.
hay: Tiếc thay cây quế Châu Thường
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo.
Theo cụ Nguyễn Văn Mại đậu Phó Bảng hai khóa (1885 và 1889) tự là Tiểu Cao (tự ý xem mình là đồ đệ xa xưa của danh sĩ Cao Tiên bên Tàu) đã giải thích rằng hai câu thơ trên phát xuất từ đời Vua Lý Thái Tông (1028-1054) dùng mỹ nhân để gả cho những lãnh chúa các vùng thượng du Bắc Việt giáp với Trung Hoa để họ khỏi quấy phá những làng mạc thượng du bắc phần Việt Nam và biến họ thành những phên dậu để ngăn quân Tàu . Người Mán người Mường ngày xưa ở các vùng cao miền bắc Việt Nam giáp với ranh giới Trung Hoa chứ không ở miền trung Việt Nam.
Năm 1301, gần ba trăm năm sau, Vua Trần Nhân Tông gả Công Chúa Huyền Trân cho Vua Chế Mân Chiêm Thành, một vài tác giả thi ca và bia miệng cũng dùng những câu thơ trên hoặc ngộ nhận hoặc hễ nói đến những câu thơ trên người thời nay nghĩ đến cuộc hôn nhân giữa Huyền Trân Công Chúa và Vua Chế Mân . Thực sự cuộc hôn nhân giữa Huyền Trân và Vua Chế Mân là giữa hai quốc gia có tiến trình lịch sử, có chủ quyền độc lập trên chính trường quốc tế, có một nền văn học nghệ thuật riêng biệt nhằm thực hiện sách lược Hòa Thân giữa hai quốc gia Việt – Chiêm.
Những câu thơ trên cũng có thể do vài anh thi sĩ thất chí hay vài anh hủ nho bất tài viết ra để rót vào miệng dân gian thời đó còn lưu truyền đến ngày nay .
Qua bài viết này, điều quan trọng mà tôi muốn nhắn nhủ với một vài văn nghệ sĩ trong tương lai nếu đặt bút viết những tác phẩm nào có liên quan đến sự kiện, nhân vật lịch sử trước hết phải tìm hiểu và phân tích thật sâu sắc, đồng thời cần giữ thái độ khách quan, nghiêm túc, tránh nhìn nhận cảm tính tự tôn, phiến diện mà rập khuôn theo "bia miệng" của người đời như nhạc sĩ Nam Lộc cùng với với đứa con tinh thần "Tình Sử Huyền Trân" mà tôi đã phân tích ở phần trên.
(Saradon).
http://chiasenhac.com/mp3/vietnam/v-pop/tinh-su-huyen-tran~truong-vu~1047913.html
http://mp3.zing.vn/bai-hat/Tinh-Su-Huyen-Tran-Truong-Vu/IW87D7W7.html
Kham khảo từ các nguồn tài liệu:
1) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Ngô Sỹ Liên).
2) Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Phan Thanh Giản - chủ biên)
3) Công chúa Huyền Trân và Trần Khắc Chung (Hồ Đắc Duy)
4) Thiên tình sử Huyền Trân công chúa - Hoàng hậu Parmecvati Champa (Thanh Trà)
5) 700 năm cuộc tình Chế Mân và Huyền Trân Công chúa (Dominique Nguyễn)
0
Total votes: 0
Thạch Ngọc Xuân
User not write anything about he.
Like (2)
Loading...
2
ranam
<p><object width="300" height="324"><param name="allowScriptAccess" value="always" /><param name="movie" value="http://chiasenhac.com/s/1047913.swf" /><param name="quality" value="high" /><param name="wmode" value="transparent" /><embed width="300" height="324" src="http://chiasenhac.com/s/1047913.s... View More
2
2
February 26, 2013

It will be interesting:

By: On September 6, 2018
0 Rating 301 views 0 likes 0 Comments
Read more
By: On December 5, 2018
0 Rating 587 views 2 likes 0 Comments
Read more