• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
Khánh Sơn
by On March 18, 2013  in Văn hóa Champa /
0 Rating 387 views 0 Likes 0 Comments

Đợt khai quật kéo dài từ nay đến 30.9, trên diện tích 500m2. Tháp Mẫm (hay còn gọi tháp Mắm) là di tích nổi tiếng của di sản văn hóa Champa trên đất Bình Định. Những năm 1934, 1935, J.Y Clayer - nhà khoa học Pháp và Hội Nghiên cứu Đông Dương từng phát hiện tại đây nhiều hiện vật quý như tượng Drapalla, chim thần Garuda, rắn Naga, Makara...Năm 2002, hai bức tượng voi và sư tử lại được tìm thấy ở tháp Mẫm, mỗi tượng nặng 2 tấn. Tháp Mẫm, với giá trị kiến trúc, điêu khắc độc đáo của mình, được xem là một trong những đại diện tiêu biểu của nghệ thuật Chăm – Bình Định qua khái niệm “phong cách tháp Mẫm”. Hiện Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng) có một phòng chuyên đề trưng bày 67 hiện vật, niên đại từ thế kỷ XII - thế kỷ XV gọi là phòng Tháp Mẫm.
Về một số tượng, phù điêu phát hiện ở tháp Mẫm
Nằm ở phía Bắc chùa Thập Tháp, giữa suối Bàn Khê và sông Quai Vạc thuộc địa phận thôn Vạn Thuận, f. Nhơn Thành, tx An Nhơn, tháp Mẫm giờ chỉ còn là một gò đất um tùm xoài, mít với lởm chởm gạch vụn và đất sỏi.

Tượng đá ở Tháp Mẫm.
Nguồn gốc và tên gọi
Gò tháp Mẫm do ông Mắm cai quản, nên người dân Vạn Thuận gọi gò tháp Mẫm là gò ông Mắm. Vì thế có người lầm tưởng tên gọi tháp Mẫm là phiên âm từ tiếng Mắm, song thực tế thì vậy mà không phải vậy.

Theo bà con thôn Vạn Thuận kể lại thì gò này từ lâu đã thuộc đất vườn của nhà họ Nguyễn, do ông Nguyễn Mai (đã chết) cai quản. Từ gò này, ông Nguyễn Mai khai thác củi, trồng cây trái thu hoa lợi để cúng giỗ từ đường họ Nguyễn - một dòng họ lớn ở thôn Vạn Thuận.
Ông Nguyễn Mai lấy bà vợ người Đập Đá làm nghề bán mắm dạo, nên người ta gọi là Ông Mắm, bà Mắm, lâu dần thành quen. Khi bà Mắm mất, ông Mai lấy vợ lẽ là bà Huỳnh Thị Hạ, hiện giờ có nhà ở ngay gò tháp Mẫm.

Theo lời kể của thầy Thích Mật Hạnh trụ trì chùa Tân An, bà Huỳnh Thị Hạ vợ ông Mắm và nhiều cụ cao niên khác, thì gò Tháp Mẫm đã có từ trước chứ không liên quan gì đến tên ông Mắm. Các cụ kể, năm 1934 có một đoàn khảo cổ dùng xe, máy khai quật Gò Ông Mắm, lấy đi nhiều tượng đá và cổ vật quí hiếm. Sau đó, người dân tiếp tục đào lấy gạch về xây nhà, còn đá xanh thì cạy về làm hòn đá mài hoặc kê ang nước. Sư thầy chùa Tân An cũng lấy được một ít gạch về xây chùa. Còn giới sưu tầm đồ cổ thì tiếp tục lén lút đào bới tìm tượng quí.
Năm 2002, khi dùng xe cơ giới xúc đất ở Gò tháp Mẫm làm đường bê tông, người ta đã phát hiện được 2 tượng sư tử và voi - sư tử ở hai hố khác nhau, mỗi tượng nặng gần hai tấn, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định.

Tượng voi- nhìn chính diện.
Những hiện vật vô giá 

Theo các tài liệu để lại thì cuộc khai quật qui mô năm 1934, 1935 mà bà con thôn Vạn Thuận chứng kiến là do nhà khảo cổ học J.Y Clayes và Hội nghiên cứu Đông Dương thực hiện.
Đợt khai quật này đã thu được rất nhiều hiện vật đẹp, phong phú như tượng, phù điêu các vị nam thần, nữ thần, vũ nữ, tượng Drapalla, tượng phật, chim thần Garuda, Naga, sư tử, voi, Makara...được chạm khắc rất công phu mang tính nghệ thuật cao đem trưng bày ở Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng hiện có riêng một phòng tháp Mẫm, trưng bày 67 hiện vật, niên đại từ thế kỉ XII - XV có nguồn gốc xuất xứ từ tháp Mẫm, trong đó có một số tượng nổi bật, như:
Tượng thần sáng tạo Brahma, một trong ba vị thần quan trọng nhất của Ấn Độ giáo.
Brahma là thần sáng tạo, một trong ba vị thần quan trọng nhất của Ấn Độ giáo. Đôi khi Brahma còn được xem là thần của sự thông thái.
Nghệ thuật truyền thống thể hiện Brahma ở dạng phù điêu với bốn đầu, bốn tay cầm bốn vật tượng trưng. Mỗi cái đầu của thần được xem như tượng trưng cho một pho kinh Veda. Vật cưỡi của thần là chú ngỗng Hamsa. Mặc dù là một trong ba vị thần tối cao, ở Ấn Độ Brahma ít được thờ cúng hơn so với hai vị thần còn lại là Vishnu và Shiva.

Tượng Gajasimha, hay còn gọi là voi - sư tử, là con vật thần thoại Ấn Độ. Thông thường, đầu voi tượng trưng cho sự thông thái của các thần và mình sư tử thể hiện uy quyền của các vua. Năm 2002, nhân dân Nhơn Thành cũng đã tình cờ phát hiện thêm tại tháp Mẫm một tượng có hình dạng và kích thước gần giống như tượng này.

Tượng thần Shiva, vị thần phức tạp nhất, và đồng thời có nhiều quyền năng nhất trong số các vị thần Ấn Độ giáo. Thông thường người ta biết đến Shiva như là vị thần hủy diệt, đồng thời cũng là thần sáng tạo. Ngoài ra, theo thần thoại Ấn Độ, Shiva còn là vị thần của những vũ điệu (dõng chúa), thần sơn cước, thần chết. Shiva được thờ cúng rộng rãidưới hình dạng một linga.
Tác phẩm này thể hiện Siva trong tư thế ngồi xếp bằng, trên mình có sợi dây rắn Naga quấn qua vai. Mặc dù phần đầu, hai cánh tay phụ, một phần tay phải trước và những vật cầm tay đã bị gãy vỡ, tác phẩm vẫn còn rõ những chi tiết chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo thể hiện qua các đồ trang sức trên cổ, tay và trang phục. Tác phẩm mang phong cách Tháp Mẫm, tuy nhiên motip chuỗi ngọc trai gợi nhắc đến phong cách Mỹ Sơn A1, một ví dụ điển hình cho khuynh hướng kế thừa những chi tiết của các phong cách nghệ thuật đi trước của các tác phẩm điêu khắc Champa.
Tượng thủy quái Makara. Theo thần thoại Ấn Độ, thủy quái Makara là vật cưỡi của thần đại dương Varuna. Trong điêu khắc Chăm, Makara còn được gọi là rồng, thường hay được thể hiện thành một cặp đôi đối xứng nhau, đặt ở lối vào các ngôi đền, giữ gìn sự yên tĩnh, tôn nghiêm cho nơi thờ cúng, trú ngụ của các vị thần linh. Tác phẩm Makara ở tháp Mẫm này là một tượng tròn, ở tư thế nằm, được cách điệu với sự pha trộn nhiều chi tiết của nhiều con vật khác nhau, hai chân trước cùng đầu vươn cao, lòng bàn chân mở ra phía trước tạo nên tư thế vừa ngộ nghĩnh vừa hung dữ.
Tượng sư tử-nhìn chính diện.
Tượng Garuda có mình người, mỏ và cánh của chim nhưng đầu và chân lại giống sư tử. Chim đứng xòe cánh, tay phải cầm một con rắn hai đầu, miệng ngậm đuôi rắn, chân phải đạp lên một đầu rắn khác.
Tượng Rồng được thể hiện ở dạng tượng tròn, tư thế nằm, hai chân trước đặt hướng về trước, hai chân sau đưa ngược lên về sau tạo nên dáng vẻ rất ngộ nghĩnh. Chiếc vòng lục lạc đeo ở cổ khắc họa thêm nét sinh động, vui tươi. Đầu rồng có vẻ chưa tương xứng với toàn bộ bố cục tác phẩm. Các chi tiết tinh xảo trên mình, đầu và đuôi rồng là sự kết hợp của nhiều con vật khác nhau. Toàn bộ tác phẩm thể hiện sự khéo léo, óc sáng tạo và tính hài hước của các nghệ sĩ Chăm.
Thông thường, rồng được thể hiện thành một cặp đôi, đặt song song trước lối ra vào của tháp Chăm. Hiện vật còn lại cùng cặp với hiện vật này đang được trưng bày tại bảo tàng Guimet ở Paris.
Trong số các tượng, phù điêu mang phong cách tháp Mẫm còn có hai tác phẩm khá độc đáo là phù điêu thần Siva bốn tay và tượng chim thần Garuda.
Phù điêu thần Siva 4 tay hiện được trưng bày ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là một trong những tác phẩm đẹp. Ở đây, thần Siva ngồi trong tư thế hai chân chùng xuống, hai cánh tay của thần đưa lên đầu trong tư thế rất đặc biệt. Đầu đội miện có gắn những hạt cườm chạy quanh trên đỉnh miện. Giữa trán có đính huệ nhãn - đó là con mắt thứ ba để thần nhìn thấu suốt về cuộc sống hiện tại và tương lai. Hai hàng lông mày của thần được kéo dài từ tâm trán đến vành tai, hai tai chảy dài đến cằm và đeo những vòng trang sức, đặc biệt cổ thần Siva đeo cườm nổi. Hai tay còn lại của thần, tay trái cầm cây đinh ba có cán, tay phải cầm một thanh kiếm. Cổ tay và hai cánh tay cũng được trang trí nhiều vòng ngọc quí.
Quanh bụng thần Siva đeo một vòng cườm, phần dưới có đeo một dây thắt lưng và mặc sampot chảy dài từ bụng đến gót chân, giống hình chiếc lưỡi uốn cong. Đây là đặc trưng trang phục trong điêu khắc tháp Mẫm. Trên sampot được trang trí những hoa văn hình tam giác và hình zich - zắc, loại hoa văn này ngày nay vẫn còn lưu lại trên vải dệt của một số dân tộc ít người ở Cao Nguyên miền Trung Việt Nam. Phía sau lưng thần là một tấm dựa lưng được trang trí theo hình ngọn lửa, đây là một bố cục mới lạ trong nền điêu khắc Chămpa mà trước đó chưa hề thấy xuất hiện. Tác phẩm này có niên đại thế kỷ XII.
Phù điêu thần Siva có 4 tay đang trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chămpa Đà Nẵng là một trong những tác phẩm đẹp và có giá trị, góp phần làm phong phú kho tàng nghệ thuật điêu khắc Chămpa mang phong cách tháp Mẫm - đó là giai đoạn mà nền điêu khắc Chămpa đạt đến trình độ cao trong cách tả thực.
Tượng chim thần Garuda còn có một tiêu bản khác khá đẹp (xem ảnh), được chạm khắc trong tư thế đứng, cao 0,96m, hai tay giơ lên, nắm chặt hai rắn Naga để lộ hai bàn tay mạnh mẽ, dứt khoát, mặt nhìn thẳng về phía trước, trên đầu trang trí ba chuỗi cườm nổi vòng qua trán chạy dài đến cổ. Trán chia đôi bởi một gờ nổi bổ dọc từ đỉnh đầu xuống cổ, nhô cao, hai mắt tròn mở to để lộ sống mũi cao.
Cách thể hiện chim thần Garuda mang phong cách Bình Định khác với Garuda ở Trà Kiệu, đó là hoa văn trang trí cầu kỳ, hoa nhiều cánh, có những hình xoắn móc, dây lưng thường đính những hạt viền tròn, cách điệu cao giống như một con thú. Còn phong cách Trà Kiệu là loài có lông vũ, hình thức thể hiện mũ hay niệm trên đầu là những hình lá đề xếp thành từng tầng.
tượng chim
Định hình một phong cách đặc trưng của vùng miền
Rõ ràng với tượng chim thần Garuda, phù điêu thần Siva và một loạt tượng, phù điêu khai quật được ở tháp Mẫm đã minh chứng một cách thuyết phục rằng nghệ thuật điêu khắc đá của người Chămpa xưa trên đất Bình Định đã đạt đến đỉnh cao và mang một phong cách riêng. Phong cách ấy được các nhà nghiên cứu gọi là phong cách tháp Mẫm, đại diện cho khuynh hướng thẩm mỹ và phong cách tháp của cả tỉnh Bình Định, không thua kém gì với phong cách tháp Po-na-ga Khánh Hòa.
Hiện nay các tiêu bản chim thần Garuda mang phong cách Bình Định có một số được bảo quản tại các di tích tháp Chăm ở Bình Định và Bảo tàng Bình Định, một số khác đang được lưu giữ ở Bản tàng lịch sử Việt Nam ở Hà Nội, Bảo tàng lịch sử tại TP. Hồ Chí Minh và Bảo Tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Mặc dù tháp Mẫm đã phế tích từ khi nào, và lý do ra sao, chưa ai giải thích được, song qua những gì mà các nhà khảo cổ phát hiện được, họ đã xếp tháp Mẫm thuộc niên đại từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII và là tháp đại diện cho khuynh hướng thẩm mỹ và phong cách tháp Bình Định, gọi là phong cách tháp Mẫm, song hành cùng phong cách tháp Po-na-ga Khánh Hòa.
Ngày nay, đường lên gò tháp Mẫm khá thuận lợi nhờ nó nằm gần QL 1A và có đường bê tông bằng phẳng rộng lớn.Tháp mẫn giờ đã trở thành phế tích chỉ còn trong các tư liệu khảo cổ và viện bảo tàng.
0
Total votes: 0
Khánh Sơn
User not write anything about he.
Be the first person to like this.

It will be interesting:

By: On March 25, 2018
0 Rating 704 views 2 likes 0 Comments
Read more
By: On November 30, 2020
0 Rating 379 views 1 like 0 Comments
Read more
By: On October 6, 2018
0 Rating 232 views 1 like 0 Comments
Read more