Cham Blogs
0
Rating
435
views
1
Likes
4
Comments
QUẢNG VĂN CHUNG Ninh Thuận, 15/4/2013
TRAO ĐỔI VỚI TS PO DHARMA Và CHAMPAKA
Xung quanh vấn đề chữ viết Chăm Akhar Thrah
Kính gởi : TS. Po Dharma và tập san Champaka.
Trong những năm gần đây, vấn đề chữ viết Akhar Thrah(AThr) của dân tộc Chăm đã trở thành đề tài chính trong các diễn đàn thư điện tử (email), gây ra nhiều xôn xao, bức xúc cho dư luận xã hội Chăm, đặc biệt là trong giới tri thức Chăm trong và ngoài nước; đáng lo ngại hơn là vấn đề này đã đưa đến tranh chấp, cải cọ gây gắt làm mất đoàn kết trong giới tri thức Chăm mà mọi người Chăm đều rất than phiền.
Tôi là một giáo viên người Chăm đã từng giảng dạy chữ Chăm trong suốt 25 năm qua tại Ninh Thuận, tôi rất lấy làm trăn trở và thắc mắc về những ý kiến và quan điểm của ông cũng như nhóm của ông (nhóm 13 tác giả của quyển sách “Ngôn ngữ Chăm, thực trạng và giải pháp”, NXB phụ nữ 2011). Tôi rất mong muốn được trao đổi với ông nhằm góp phần làm sáng tỏ vấn đề và qua đó ổn định phần nào dư luận rất sôi động xung quanh vấn đề chữ viết Chăm.
Bài viết của tôi sẽ điểm qua 7 phần sau :
I/ Sự hình thành ban biên soạn sách chữ Chăm (1978)
II/ Mục đích và nội dung của sự cải tiến chữ viết Chăm Akhar Thrah (Athr).
III/ Những lời phê bình chỉ trích vô căn cứ và thiếu khoa học của nhóm đối lập
IV/ Chữ Chăm chuẩn hóa và chữ Chăm truyền thống có gì khác nhau?
V/ Nội dung của kết luận cuộc Hội thảo Kuala Lumpur nói gì?
VI/ Nguyên nhân của sự chỉ trích và phê bình.
VII/ Kết luận.
Trước khi vào các đề tài thảo luận, tôi xin có lời chân thành cảm ơn TS. Po Dharma và tập san Champaka đã rất quan tâm đến các sinh hoạt Chăm nói chung và ngôn ngữ chữ viết Chăm nói riêng.I/ SỰ HÌNH THÀNH BAN BIÊN SOẠN SÁCH CHỮ CHĂM.
Sau ngày giải phóng, Tỉnh Thuận Hải (cũ) là tỉnh đầu tiên ở phía nam được chiếu cố sớm nhất trong việc đưa chữ viết các dân tộc thiểu số vào giảng dạy trong trường học. Tháng 5/1978, Ban biên soạn sách chữ Chăm (BSSCC) được hình thành để làm nhiệm vụ biên soạn sách giáo khoa tiếng Chăm và giảng dạy chữ Chăm trong các vùng có đông con em Chăm theo học. Những trí thức Chăm hàng đầu trong xã hội được huy động để hình thành khung chuyên môn và hành chánh hầu phục vụ cho việc biên soạn sách giáo khoa, đặt dưới sự chỉ đạo của các chuyên viên bộ giáo dục đào tạo và những nhà ngôn ngữ học Việt Nam.
Suốt 35 năm tổ chức giảng dạy, Ban BSSCC đã đào tạo được hơn 400 giáo viên đứng lớp tiếng Chăm và cho ra trường (tốt nghiệp tiểu học tiếng Chăm) gần một vạn rưỡi con em dân tộc Chăm đọc thông viết thạo tiếng Chăm akhar thrah (Athr), và đã xuất bản hơn 40 đầu sách. Quần chúng nhân dân Chăm hết sức vui mừng và phấn khởi thấy con em mình học tiếng Chăm cải tiến rất thuận lợi và có hiệu quả cao.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Champaka đã có hàng loạt bài phê bình chỉ trích thậm tệ - Có thể nói là bôi nhọ và xuyên tạc – những việc làm của các trí thức trong Ban BSSCC gây hoang mang trong xã hội Chăm, đặc biệt là trong giới trí thức trẻ. Chính vì thế mà tôi mong muốn được trao đổi lại một cách cặn kẽ đầu đuôi, nguồn gốc việc làm của các trí thức Ban BSSCC để làm sáng tỏ vấn đề, nghĩa là dư luận phải được thông tin hai chiều và phải biết đâu là SỰ THẬT, qua đó xã hội Chăm cũng sẽ được ổn định phần nào
Đấy là mục đích và nội dung của việc trao đổi hôm nay.
II/ MỤC ĐÍCH VÀ NỘI DUNG CỦA SỰ CẢI TIẾN CHỮ VIẾT CHĂM.
Ý nghĩ của sự cải tiến chữ viết Chăm đã được manh nha trong đầu óc của mọi người Chăm, vì chữ viết Chăm ( chữ cái và âm vần ) có những bất cập cần được thế hệ sau xem xét và điều chỉnh. Vì vậy, khi Ban BSSCC được hình thành và có chủ trương CHUẨN HÓA lại chữ viết Chăm một cách khoa học thì được mọi người hoan nghênh chân tình.
A/ MỤC ĐÍCH CỦA SỰ CẢI TIẾN.
1/ Vấn đề ngôn ngữ chữ viết là vấn đề khoa học.
Các ngôn ngữ chữ viết trên thế giới như : tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Việt, tiếng Chăm, vv … đã không ngừng biến đổi qua từng thời kỳ. Thử nhìn lại tiếng Anh, tiếng Pháp của thế kỷ 16 và thế kỷ 21 này có khác nhau không thì rõ. Còn tiếng Việt thì thời Alexandre de Rhodes, chữ “trời” được viết là “blời”. Nhưng hôm nay có ai còn lưu luyến với chữ “blời” đó nữa không?? Đó là khoa học. PoDharma viết: “Không ai có quyền chỉnh lý hay cải biên di sản này” là phản khoa học! Nếu một ngôn ngữ chữ viết tồn tại hàng chục thế kỷ mà không có một tí biến đổi nào, thì đó mới là chuyện lạ và đi ngược lại với sự phát triển ngôn ngữ loài người!
2/ Mục đích của sự cải tiến là để cho học sinh dễ học, người lớn dễ đọc và ngôn ngữ chữ viết dễ phát triển và dễ bảo tồn.
- Chữ Chăm có 4 cặp chữ viết na ná như nhau là: gă (g) và lă (l), dă (d) và pă prong (pp), pă sit (p) và thă prong (th), khă (kh) và như (nh). Từng cặp một na ná giống nhau, chỉ khác nhau ở một nét rất nhỏ hay một vòng thật nhỏ ở đầu con chữ. Vì vậy, khi viết nhanh thì không thể nào phân biệt được chữ gă và lă nữa!! Thực trạng là như thế đấy thì làm sao mà dạy cho trẻ trong trường tiểu học ? Vì thế mà phải cải tiến và khi đã được cải tiến thì mọi người đều hoan nghênh, kể cả CHAMPAKA ! (Po Dharma không bao giờ phản đối, phê bình về sự cải tiến chữ cái Chăm). Ai cũng ngạc nhiên, đáng lẽ Po Dharma phải la hoán lên là : “phá hoại cấu trúc chữ cái Chăm, chế biến chữ viết Chăm ! bán đứng văn hóa của tổ tiên !” Đấy cũng là một điều lạ !
- Cũng nhằm vào mục đích như trên mà phải cải tiến một số âm vần Chăm, nhưng lại bị nhóm CHAMPAKA phê bình chỉ trích kịch liệt ! Chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề này trong phần “nội dung của sự cải tiến”.
- Rõ ràng và khoa học, khi được cải tiến lại những “điều bất cập” nói trên thì chữ Chăm trở nên rất dễ học, dễ đọc và sẽ tồn tại lâu dài trong sự phát triển rất bình thường.
B/ NỘI DUNG CỦA SỰ CẢI TIẾN VÀ VAI TRÒ CỦA HAI NHÀ GIÁO LƯU QUÍ TÂN VÀ THIÊN SANH CẢNH
1/ Vai trò của hai nhà giáo Lưu Quí Tân và Thiên Sanh Cảnh
Trong thời kỳ Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền (1954 – 1963) chữ Chăm akhar thrah không được giảng dạy ở các trường học mà chỉ được dạy chữ Chăm latinh hóa.
Nhưng vào năm 1963 (năm chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ) chế độ mới lại cho phục hồi việc giảng dạy chữ viết akhar thrah. Các anh em giáo viên Chăm có mở một cuộc hội thảo để bàn luận : “Làm thế nào để đưa chữ Chăm cũ vào giảng dạy cho các em nhỏ ở tiểu học (6 – 11 tuổi) cho thuận lợi” dưới sự chủ trì của hai ông Lưu Quí Tân và Thiên Sanh Cảnh. Hội thảo này có lưu lại một số kết quả khá tích cực về việc cải tiến một số chữ cái và một số âm vần. Ví dụ : chữ cái “gă” thì lưng khắc xuống, chữ “lă” thì lưng hơi cong. Có 4 cặp chữ cái đã được chỉnh sửa lại. Về âm vần, trước đây có nhiều vần viết một kí hiệu mà được đọc nhiều cách (2 hay 3 cách đọc). Ví dụ : kí hiệu KOK (viết theo akhar thrah là “KOK -a$A” được đọc là : 1/ KÓ, 2/ KOK, 3/ KOG. Nay hội thảo này đưa ra giải pháp cụ thể quy định là một kí hiệu chỉ có một cách đọc. Khoảng 15 vần đã được chỉnh sửa như thế, nghĩa là khoảng 25 yếu tố chữ cái và âm vần được chỉnh sửa trong cuộc hội thăo này (tôi cho là rất khoa học) mà ai cũng trân trọng hai ông Lưu Quí Tân – Thiên Sanh Cảnh.
2/ Ban BSSCC đã cải tiến những âm vần nào ?
Ngoài 4 cặp chữ cái (8 con chữ) được chuẩn hóa như đã nói trên, Ban BSSCC đã tiến hành chuẩn hóa một số âm vần sau :
a/ Các vần viết giống nhau (1 ký hiệu) mà đọc khác nhau :
Ví dụ : CHÓ -g$A được đọc 3 cách thì phải được viết 3 cách khác nhau CHÓ, CHOK, CHOG.
Trước đây chỉ viết một ký hiệu CHÓ cho cả 3 cách đọc trên là không hợp lý, làm sao con trẻ từ 6 - 11 học được vì phải suy nghĩ theo ngữ cảnh mới hiểu nghĩa, từ đó mới viết đúng chính tả !?
b/ Các âm vần ngắn – dài :
Chữ Chăm không có dấu thanh sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng, nhưng lại có thanh đặc trưng là căng - chùng (ngắn – dài) :
- Ví dụ 1 : CHAAM - (chùng) và CHĂM - (căng) thì phải được viết 2 cách ( 2 ký hiệu khác nhau – chaam hay chăm: g!X gJ)
Trước đây chỉ viết một cách CHAAM - mà phải được đọc hai cách tùy theo nghĩa của câu. (!?)
-Ví dụ 2 : NIIK rYA - (chùng) có nghĩa là xà beng.
MƯ NIK r%A - (căng) có nghĩa là mùa gặt.
Trước đây chỉ viết một cách NIK r%A - mà phải được đọc hai cách tùy theo nghĩa của câu.
- Ví dụ 3 : TUK n&A - (căng) có nghĩa là giờ khắc.
TUUK n&^A - (chùng) có nghĩa là đốt (mía)
Trước đây chỉ viết một cách TUK n&A mà phải được đọc hai cách tùy theo nghĩa của câu.
Lưu ý : Tất cả các dấu âm đã sử dụng để phân biệt CĂNG – CHÙNG (trong chữ viết Chăm cũ akhar thrah), đều là những dấu âm truyền thống từ akhar thrah, chứ không phải dấu âm vay mượn ở một ngôn ngữ khác. Như vậy không thể nói là lai căng, vay mượn linh tinh như một vài người đối lập thường nói.
c/ Ba vần đặc biệt luôn được tranh cải là : croh ao không có dartha, chữ găk (g) làm phụ âm cuối ( ag ), balâu đi với dartha – dardua.
Tại sao 3 vần nêu trên luôn được tranh cải ? Lý do như sau :
- Vần croh ao: thông thường được đi với dartha. Nay ban BSSCC thừa kế từ các vị tiền bối Lưu Quí Tân và Thiên Sanh Cảnh để cải tiến hai âm vần này thành hai âm vần ngắn – dài. Ví dụ :
Viết KOK a$A - không có dartha là âm ngắn, đọc là KOK (nghĩa là đầu).
Viết KOÓK -a$A - có dartha là âm dài, đọc là KOÓK (nghĩa là con cò).
Po Dharma cố ý lờ đi 2 cơ sở vững chắc của ban BSSCC khi cải tiến hai vần này là : thừa kế kết quả chuẩn hóa Lưu Quí Tân - Thiên Sanh Cảnhvà vững chắc hơn nữa là từ từ điển Aymonier – Cabaton cách đây trên 100 năm (chữ Boh trong - và mok con mọt - viết như cách BBSSCC).
-Vần AG (poh gă) : chữ Chăm không viết được “âm ẮC” như Lắc hay Lag (rươu). Một số trí thức tiền bối đã dùng chữ cái g làm phụ âm cuối để viết được “âm ẮC” này ('C). Ban BSSCC dựa vào từ điển Aymonier – Cabaton và các nhà nghiên cứu lớn của người Chăm là cụ Bố Thuận và Thiên Sanh Cảnh cũng đã dùng chữ g làm phụ âm cuối ag (tài liệu này còn lưu giữ tại Ban BSSCC)
- BALÂU: chữ Chăm cũ cũng đã thường dùng balâu (0^ ) để làm cho dấu âm trở thành âm chùng (âm dài), như rup– ruup được tìm thấy trong tất cả những truyện kể Chăm cũng như ở các áng văn chương Chăm, nhưng không được viết thống nhất mà thôi.
Như thế mà Ts Po Dharma vẫn khăng khăng đả kích là chế biến linh tinh là thế nào?
d/ Những sự chuẩn hóa khác.
- Quy định lại 37 chữ cái thay vì 41 chữ, cho khoa học hơn.
- Cách viết “lang likuk” của từ có hai âm tiết phụ được quy định, thống nhất.
- Cách dùng pă sit – pă prong
- Cách dùng thă sit – thă proêng
- Chuẩn về số lượng vần tiếng Chăm
- Quy định văn phạm về : möê, nöê, nhöê, ngöê
- Quy định về nhị trùng âm : ai, u, ô, i
- Minh định chức năng dấu balâu ( ). Dấu balâu chỉ có chức năng duy nhất là hóa dài âm ngắn. Ví dụ : RUP (âm ngắn, không balâu) – RUUP (âm dài, có balâu).
III. NHỮNG LỜI PHÊ BÌNH, CHỈ TRÍCH VÔ CĂN CỨ VÀ THIẾU KHOA HỌC
TS Po Dharma và ban biên tập Champaka info (và sau này có những người ăn có a đua theo) không tiếc lời chỉ trích các trí thức Chăm đầu đàn đã đem hết năng lực và trí tuệ phục vụ cho việc chuẩn hóa chữ Chăm và biên soạn trên 40 bộ sách tiếng Chăm thành công tốt đẹp, được đồng bào Chăm hoan nghênh và phấn khởi. Những bậc đàn anh đó là : Lâm Gia Tịnh, Lâm Nài, Bạch Thanh Chạy, Qua Đình Bồi, Nguyễn Ngọc Đảo, Đàng Năng Quạ, Châu Văn Kên, Châu Văn Đỉnh, Quảng Đại Hồng v.v… mà một nửa quí vị này đã trở thành người thiên cổ.
TS Po Dharma cũng như nhóm a dua (13 tác giả của quyển sách dẫn trên) đã kết tội một cách vô căn cứ, thiếu cơ sở khoa học là ban BSSCC cải tiến chữ viết Chăm một cách tùy tiện, lai căng, kiểu nói sao viết vậy, học sinh càng học càng ngu; học sinh học chữ viết truyền thống dễ hơn chữ cải tiến, và cuối cùng đi đến kết luận một cách hồ đồ, rằng : “Ban BSSCC đào tạo một thế hệ trẻ đoạn tuyệt đối với thế hệ cha ông của họ. Đó là nguyên nhân trực tiếp làm cản trở việc bảo tồn di sản văn háo Chăm”.
Với những lời chỉ trích thiếu khoa học trên, tôi xin được làm sáng tỏ như sau :
1. Cải tiến một cách tùy tiện theo ý thích cá nhân ?
- Trước khi bắt tay vào việc biên soạn sách (nhiều đợt), các cán bộ của ban BSSCC đã bàn thảo kỹ càn, chín chắn : “làm thế nào đưa chữ viết akhar thrah vào trường học một cách suôn sẻ, thuận lợi ?” Các vị trong ban đã tiến hành những phiên họp nội bộ, họp mở rộng, những cuộc tọa đàm, hội thảo và sơ kết, tổng kết hàng năm, tất cả trên 40 phiên họp ! Thế mà gọi là tùy tiện à?
- Trong đợt chuẩn hóa đầu tiên vào năm 1979, Bộ Giáo Dục – ĐT đã cử một đoàn chuyên viên gồm 5 người, ăn ở một tuần lễ tại Ban BSSCC (Phan Rang) để hướng dẫn các cán bộ của Ban về mặt kĩ thuật và chuyên môn; như thế là chín chắn và trách nhiệm lắm chứ, sao nói “họ chế biến … làm cho chữ Chăm rắc rối thêm” ? (Phú Văn Hẳn sách đã dẫn trang 27)
- Trong những cuộc hội thảo, Ban BSSCC thường mời các trí thức lão thành người Chăm ở cả hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận (Thuận Hải cũ) và luôn luôn có chuyên viên (những nhà ngôn ngữ học) ở TP. HCM hoặc Hà Nội tham dự - Như vậy thì có thể nói là “tùy tiện” được không ?
- Trong buổi “tổng kết 5 năm biên soạn sách và dạy- học tiếng Chăm” vào năm 1982, Ban BSSCC đã mời hơn 200 đại biểu trí thức Chăm, 3 nhà ngôn ngữ học ở TP. HCM và sự tổng kết được UBND tỉnh Thuận Hải chủ trì và tiến hành trong 2 ngày. Làm việc như vậy, tôi cho là rất nghiêm túc và trách nhiệm !
- TS Po Dharma luôn luôn tự xưng mình là nhà khoa học (về môn lịch sử chứ không phải ngôn ngữ học), nhưng trong việc trao đổi với Ban BSSCC thì tỏ ra rất thiếu khoa học : Ban biên soạn nói : “Chúng tôi đã tiến hành trước sau hơn 40 phiên họp thì không thể nói là “tùy tiện” được. TS Po Dharma trả lời : “Các ông có họp một nghìn lần nhưng không mời các ông Thành Phần, Phú Văn Hẳn và Trượng Văn Món thì cũng như không họp gì cả !?? Ban BSSCC lại nói : “Vào năm 1979 Trượng Văn Món đang học lớp 6, Phú Văn Hẳn đang học lớp 10 và Thành Phần học năm thứ nhất đại học Văn khoa TP. HCM thì đâu có phải là đối tượng để mời bàn bạc về ngôn ngữ chữ viết akhar thrah được ?”. TS Po Dharma đành câm nín ! (3 người nói trên là phe nhóm Ts Po).
2. Cải tiến một cách “lai căng” ?
Nói đến “lai căng” là nói đến ngoại lai, nghĩa là vay mượn những yếu tố của dân tộc khác để giải quyết những khó khăn khúc mắc trong ngôn ngữ chữ viết của dân tộc mình. Trong những cải tiến của Ban BSSCC, tuyệt đối không có yếu tố nào là vay mượn cả ! Như thế thì sao cho là “lai căng” ?
Một ví dụ : Thời Alexandre de Rhôdes, tiếng phổ thông viết “blời”, ông “blời”; sau này được chuẩn hóa thành “trời”, nghĩa là phụ âm đôi bl được thay bằng phụ âm đôi tr. Như vậy, chúng ta có cho sự chuẩn hóa này là “lai căng” không ??
Tất cả sự cải tiến, chuẩn hóa chữ viết Chăm của ban biên soạn này không có một vần nào, dấu nào là vay mượn bên ngoài; nói “lai căng” là hình thức xuyên tạc và hạ bệ đấy thôi !
3. Nói sao viết vậy ?
Trong ngôn ngữ học, “nói sao viết vậy” là sai. Trong vấn đề chuẩn hóa của Ban BSSCC việc này rất dễ hiểu lầm và dễ “chụp mũ”, tôi xin phép được giải thích như sau :
Từ điển Chăm – Pháp (Dictionnaire Cam – Francais) của Aymonier và Cabaton (1906) là từ điển tầm nguyên, rất khoa học và uy tín đối với người Chăm cũng như các nhà Chăm học. Tôi xin đưa ra vài ví dụ để làm sáng tỏ :
- Chữ LWÔN (nuốt) : Aymonier viết 3 dạng : lwơn, lwan, lwôn. Nghĩa là nhiều vùng Chăm đọc khác nhau như thế; không thể kết luận là chữ nào đúng, chữ nào sai. Moussay chọn LWƠN; Ban BSSCC chọn LÔN (vì gần với giọng của vùng Phan Rang hơn).
- Chữ BANGU (hoa) : Aymonier viết 5 dạng : bangu, banguơ, bangwi, banguei, bangei (thể hiện những vùng dân tộc Chăm nói tiếng khác nhau). Moussay và cả Ban BSSCC cùng chọn BANGU (vì đa số người Chăm Ninh Thuân và Bình Thuận nói như thế).
- Chữ BIRUW : Từ điển Aymonier viết 10 dạng khác nhau (xin lưu ý là từ điển Aymonier là do các trí thức Chăm lúc đó viết). Moussay chọn, BBS cũng chọn. Ban BSSCC chọn cách viết gần đúng với cách đọc của đại đa số người Chăm bây giờ hơn.
Trong 3 cách viết chữ LUÔN trong từ điển Aymonier, không có ai dám nói cái nào đúng nhất cả. Moussay chọn lwơn, BBS chọn lôn. Vậy tại sao lại nói Ban BSSCC phá hoại chữ truyền thống, nói sao viết vậy .
4. Học chữ Chăm truyền thống dễ hơn học chữ Chăm cải tiến của Ban BSSCC?
Nói như thế giống hệt như nói: “Đọc tiếng Việt không dấu dễ hơn đọc tiếng việt có dấu!”. Vậy tôi xin mời TS PoDharma đọc thử 2 câu tiếng Việt không dấu này:
- Vo đe ( Hãy nói thử có mấy cách đọc và cách nào đúng nhất? )
- Nha may co khi gia lam (hãy nói cách đọc nào đúng nhất?)\
Bây giờ ông Tiến sĩ đã rõ là đọc chữ có dấu sẽ dễ hơn gấp 10 lần đọc chữ không dấu, vì phải suy nghĩ kỹ ý nghĩa của câu mới xác định được chính tả phải như thế nào mới đúng. Ông tiến sĩ mà còn như thế thì học sinh lớp 4-5 (10-11 tuổi) sẽ khó khăn như thế nào nữa?? Đấy là chỉ nói về tiếng Việt mà khó khăn đến thế đối với một ông tiến sĩ, nếu là chữ Chăm thì phải khó khăn gấp bội đối với một em tiểu học! Xin mời ông TS Po Dharma hãy thử tài đọc câu chữ Chăm này:
KOK đăm ngok KOK Kubao KOK
Hoặc Palei CHOK gâm CHOK gâm CHOK
Hãy thử đọc thì sẽ rõ là cực kỳ khó khăn vì viết giống nhau (1 ký hiệu) mà đọc hoàn toàn khác nhau (3 cách đọc). Còn đối với học sinh tiểu học thì sẽ…bế tắc có phải không?
Vì vậy, nếu viết theo chữ Chăm cũ thì bọn trẻ chỉ có một cách là “học thuộc lòng” chứ đừng hòng là đánh vần. Chính vì vậy, trước đây ông cha chúng ta chỉ dạy chữ Chăm cho các trẻ đã lớn từ 16 tuổi trở lên (thế là chữ Chăm ngoài trường học). Còn hôm nay ta phải dạy trong trường thì bắt buộc phải CẢI TIẾN theo cách Lưu Quí Tân hay cách BBSSCC mà thôi. Nói ngược lại chỉ là…gàng bướng và ngu ngốc!
Ở đây tôi xin nhấn mạnh thêm là,Tiến sĩ Po Dharma cố tình dùng chữ “truyền thống” để đối chọi với từ “cải tiến” để đả kích BBSSCC, để có cớ cho rằng “cải tiến” là phản “truyền thống”. Qua dẫn chứng ở trên, chữ Chăm AT “cải tiến” của BBSSCC chính là AT truyền thống, chứ không lai căng gì cả.
5. Dạy theo kiểu cải tiến của Ban BSSCC, học sinh càng học càng ngu?
Nói như vậy là: hoặc cố ý xuyên tạc, hoặc không biết gì về chữ Chăm!
Trong chữ viết Chăm, có hai vấn đề cần phân biệt rõ khi dạy học sinh:
- Một là: các VẦN viết theo1 ký hiệu (viết giống nhau) nhưng đọc khác nhau (như đã nói ở trên)
Rõ ràng chỉ người lớn mới suy nghĩ theo ngữ cảnh để hiểu NGHĨA mới viết ĐÚNG VÀ ĐỌC ĐÚNG (chuẩn hóa); nói một cách khác, phải bỏ đủ “dấu thanh” vào mới dễ hoc, dễ đọc. Trong thực tế, học chữ cải tiến, chỉ cần lưu ý giải thích rõ và so sánh 2 âm vần cũ và cải tiến thì học sinh sẽ nắm được ngay và sẽ đọc được chữ Chăm cũ.
- Hai là: các CHỮ CÁI có 4 cặp (8 con chữ) viết gần giống nhau từng cặp một, vì vậy mới có tình trạng các thầy dạy học theo lối cũ phải nhấn mạnh: “bí chữ gă(g) thì đọc là lă (l), bí chữ lă (l) thì đọc là gă (g)”. Như vậy tất cả người lớn thông thạo chữ akhar thrah (kể cả Po Dharma) khi đọc một câu chữ cũ cũng rất chậm (gấp 4 lần đến 8 lần so với tiếng việt cùng số lượng chữ). Nhưng khi chuẩn hóa như đã nói ở phần trên thì chữ akhar thrah này sẽ trở nên dễ đọc. Các em học sinh chưa bao giờ biết 8 loại chữ cái viết giống nhau (từng cặp) thì dĩ nhiên và rất logic là không đọc được chữ chưa cải tiến, trừ khi giáo viên hướng dẫn kỹ bằng bảng so sánh 2 lối viết cũ và mới một cách cụ thể thì các em sẽ đọc được ngay (nhưng rất vất vả, cũng như chính Ts Po cũng đã từng). Bản chất chữ Chăm là thế!
Chỉ có thế mà TS Po Dharma kết luận là: Ban BSSCC “đào tạo một thế hệ trẻ đoạn tuyệt với sự tiếp nối thế hệ cha ông của họ. Đó là nguyên nhân trực tiếp làm cản trở việc bảo tồn di sản văn hóa Chăm”, được PGS TS Thành Phần nhắc lại từng chữ một ở trang 80 của quyển sách đã dẫn.
6. Còn về ngôn ngữ Chăm được sử dụng ở các đài phát thanh thì không liên quan gì đến Ban BSSCC!!
IV. CHỮ CHĂM TRUYỀN THỐNG VÀ CHỮ CHĂM CẢI TIẾN CÓ GÌ KHÁC NHAU?
Chúng ta phải nhận định như thế này (đúng như TS Quảng đại Cẩn đã từng lưu ý): Từng thời kỳ chữ Chăm akhar thrah truyền thống phát triển từ thời Pôrômê (1627) đến nay có những cách viết không giống nhau:
1/ Từ 1627 đến 1906 (năm ra đời từ điển Aymonier): chữ Chăm viết rất tự do, thoải mái; điều này thể hiện rõ khi đọc các văn bản viết tay ở các vùng miền khác nhau: Panrang, Krong, Parik, Pajai và Chăm Jahet ở Campuchia. Ta có thể kiểm chứng qua từ điển Aymonier_Cabaton (1906). Một chữ được viết theo nhiều kiểu, và một cách viết có thể đọc theo nhiều âm và có ý nghĩa khác nhau
2/ Từ năm 1906 đến năm 1978 (năm Ban BSSCC ra đời): cách viết tự do thoải mái như nói trên đã giảm dần, chứng cứ rõ ràng là khi đọc văn bản ở đầu thế kí 20 (như Ariya Pô Parăng chẳng hạn) và từ điển của Bố Thuận. Đặc biệt là qua từ điển Moussay thì chữ akhar thrah đã mang một bộ mặt khác xưa nhiều: có qui cũ, có qui tắc chính tả rõ ràng hơn, nhất là qua sự chỉnh lý, chuẩn hóa của nhóm Lưu Quí Tân- Thiên Sanh Cảnh.
3/ Từ năm 1978 đến nay: với ban BSSCC, chữ Chăm akhar lại được rà soát xem xét lại từ hệ thống chữ cái đến hệ thống âm vần một cách cặn kẽ và chín chắn, làm cho akhar thrah dễ đọc hơn, trở nên trong sáng, phổ thông và truyền bá dễ hơn. Sao lại phá hoại di sản văn hóa Chăm???
Như thế thì akhar thrah không ngừng cải tiến với thời gian, đặc biệt cải tiến mạnh nhất từ năm 1906 ( trong vòng hơn 1 thế kỷ). Sau sự chuẩn hóa của Aymoner_Cabaton cũng như sự điều chỉnh lại một số chính tả của Từ điển Moussay và trước đó là từ điển Bố Thuận và việc chuẩn hóa sâu rộng của Lưu Quí Tân – Thiên Sanh Cảnh, akhar thrah trở nên sáng sủa hơn nhiều. Nhưng không một người Chăm nào lên tiếng phản đối là: “phá hoại di sản văn hóa Chăm, học sinh học chữ Chăm cải tiến không có triển vọng bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của chính họ” !!
Rõ ràng chữ Chăm truyền thống và chữ Chăm cải tiến chỉ là một.
Chỉ như vậy mà TS Po Dharma và Chămpaka đã có hàng loạt bài chỉ trích (mang tính cách chiến dịch) và các đàn em nối gót thầy Pô đã biên soạn hẳn một cuốn sách để đả kích, xuyên tạc và bôi nhọ nặng nề các trí thức Chăm của Ban biên soạn. Chúng tôi rất nghi ngờ sự khách quan, khoa học của chiến dịch này mà cho đó là có ý đồ không trong sáng…
V/ THỬ XÉT NỘI DUNG KẾT LUẬN CỦA HỘI THẢO KUALA LUMPUR.
Ts Po Dharma đã tổ chức hội thảo về ngôn ngữ chữ viết Chăm tại Kuala Lumpur (ngày 21 – 22/9/2006). Sau 2 ngày làm việc, Hội thảo có đưa ra kết luận 6 điểm, đáng lưu ý là có 5 điểm nhấn mạnh về việc bảo tồn và trân quý các di sản văn hóa Chăm. Chỉ duy nhất một điểm nói cụ thể về chữ viết Chăm : “Đề nghị ban BSSCC phải chỉnh sửa lại 3 vần này : Không dùng chữ gă (g) làm phụ âm cuối, (ag), croh ao luôn luôn có dartha, và không bao giờ có balâu trên dartha dardwa”.
Mọi người trong Ban biên soạn cũng như các trí thức Chăm khác đều rất thắc mắc : trong gần 60 vần được Ban BSSCC cải tiến rất thành công và mang lại hiệu quả tốt đẹp, “chỉ có 3 vần chưa hợp lý, yêu cầu phải điều chỉnh lại” (cứ cho là thế) thì đáng lý phải tuyên dương công trạng của các anh em trong Ban biên soạn mới phải, chứ sao lại có những lời phê bình, chỉ trích Ban BSSCC rất thậm tệ và tàn nhẫn như Champaka đã làm? Tại sao phải làm như thế?
Chỉ một sự kiện như vậy, chúng ta đủ lấy làm kỳ lạ và suy tư về thái độ thiếu khách quan và khoa học của Ts Po đã thốt ra những lời lẽ cường điệu hóa nhằm bôi nhọ, hạ bệ Ban BSSCC như :
- “ Ban BSSCC đã chế ra một loại chữ Chăm mới”(?!)
- “ Phá hủy một di sản ngôn ngữ chữ viết Chăm vô cùng giá trị của dân tộc”(?!)
- “ Tạo ra một mối rạn nứt trầm trọng trong cộng đồng người Chăm nhất là những người lớn tuối và giới trẻ” vv,..
VI/ NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ CHỈ TRÍCH VÀ PHÊ BÌNH.
Trong những “trận chiến email” giữa các trí thức Chăm và Champaka, chúng ta đã thấy một vài nhận định về nguyên nhân như sau :
1/ “ Sở dĩ Ts Po cực lực phản đối về sự cải tiến akhar thrah Chăm của BSSCC, vì đã hứa và cam đoan với Viện viễn đông bác cổ Pháp ( EFEO) là ông sẽ bảo tồn những tinh hoa của nền văn minh Champa trong đó có akhar thrah Chăm. Viện viễn đông rót kinh phí khổng lồ để Ts Po làm việc này, nhưng rất tiếc ông đã thất bại” (Theo Đạo Văn Chi - jayapaleichang@gmail.com ).
2/ “Po Dharma do quyền lợi riêng tư của mình, vì đã đăng ký loại chữ Chăm như thế (không có 3 vần đã nêu ra ở kết luận Hội thảo Kuala Lumpur) ở đại học INALCO-Paris, nơi Ts Po có giảng dạy ngôn ngữ chữ viết Chăm mà lớn tiếng đòi hỏi Ban BSSCC phải đưa 3 vần này trở lại theo akhar thrah truyền thống và chửi rủa các thầy trong BSSCC một cách thậm tệ …” ( Theo Báo Văn Anh, một tri thức Chăm Ninh Thuận).
3/ Còn nguyên nhân thứ 3 thì rất rõ là : Ts Po Dharma luôn kết tội Ban BSSCC đã phá hoại văn hóa Chăm, phá hủy di sản ngôn ngữ chữ viết Chăm và đã tuyên truyền là Nhà nước Việt Nam lấy danh nghĩa là ưu ái đối với dân tộc Chăm, đã tổ chức cho các con em Chăm được học chữ Chăm akhar thrah, sự thật là muốn… phá hủy akhar thrah Chăm…vv.. Những người chống đối lại Champaka đều bị Po Dharma kết tội là “Đội ngũ bút chiến của Hà Nội” nhằm chống phá cơ quan ngôn luận của Champaka và PGS.Ts Po Dharma. Sao lại thế???
4/ Việc làm của Ts Po Dharma thì ai cũng rõ vì là nhân vật đối lập với Nhà nước Việt Nam đang sống lưu vong ở nước ngoài. Tuy nhiên, thái độ các cán bộ đảng viên đang làm việc trong nước mà dám viết cả một quyển sách “Ngôn ngữ Chăm, thực trạng và giải pháp” theo đúng luận điệu bóp méo, xuyên tạc, bôi nhọ Ban BSSCC mà Po Dharma đã từng làm thì đa số tri thức Chăm không hiểu nỗi : mục đích để làm gì? Tại sao? Việc này đã gây nên bàn tán xôn xao trong dư luận Chăm!
VII/ KẾT LUẬN.
Qua phân tích trên đây, chắc chắn dư luận đã được sáng tỏ thêm nhiều về những sự kiện đã xảy ra xung quanh chữ Chăm, và chúng ta dễ dàng kết luận là :
1. Ban biên soạn sách chữ Chăm đã tiến hành cải tiến chữ viết Chăm rất nghiêm túc, đầy đủ tính khoa học. Không có lý do hay cơ sở nào để chỉ trích Ban BSSCC làm việc tùy tiện, lai căng, nói sao viết vậy, hay càng học càng ngu !!!
2. Đại đa số trí thức Chăm rất hoan nghênh và ca ngợi việc làm chính trực, khoa học, đầy trách nhiệm của Ban BSSCC đã mang lại hiệu quả rất cao trong việc giảng dạy tiếng Chăm trong các trường tiểu học vùng dân tộc Chăm, hoàn toàn ngược lại với lời xuyên tạc của một số người chống đối vì quyền lợi riêng tư.
3. Ts Po Dharma và Champaka cũng như nhóm chống đối của Po Dharma đã không đưa ra được những bằng chứng khoa học để thuyết phục các độc giả, mà chỉ thốt ra những lời phê bình, chỉ trích rập khuôn mang tính quyền lợi riêng tư mờ ám.
4. Trong những “trận chiến email” của các trí thức Chăm trong và ngoài nước, luôn luôn Champaka và Po Dharma bị kết tội là phá hoại sự đoàn kết của dân tộc Chăm, và có người còn đi xa hơn, đã kết tội Po Dharma là thiếu đạo đức khi có những hành động đả kích vô bổ về ngôn ngữ chữ viết Chăm cũng như các cá nhân tri thức tiêu biểu của dân tộc Chăm.
Chúng tôi hy vọng là TS Po Dharma, quí vị trí thức Chăm cũng như quí vị có trách nhiệm phát huy và bảo tồn chữ viết akhar thrah đã nắm được phần nào việc làm thiếu chính trực và thiếu khoa học của nhóm Champaka.
Trân trọng kính chào.
QUẢNG VĂN CHUNG
1
Total votes: 0
Thạch Ngọc Xuân
User not write anything about he.
Like (1)
Loading...
Vinh Thanh Porome Theo toi, don gian nhat la, neu ca nhan nguoi nao muon viet bai trao doi voi Ts Po Dharma hay CPK bat cu ve van de gi mang tinh xay dung, thi nguoi do chi nen goi bai den nguoi do hay den toa soan CPK la cach lam viec cua mot nguoi co hieu biet. Nguoc lai, moi nguoi chi thay bai go... View More
đã đến lúc các trí thức Cham ngồi lại với nhau để tìm hướng đi mới cho chữ viết Cham để tồn tại và phát triển...
Bết khi nào chúng ta mới nói hết vấn đề về chữ Chăm đây. Tại sao những trí thức Chăm không ngồi lại rồi đưa ra những ý kiến sau đó rồi thống nhất. Cứ tình hình như vây chúng ta " khác gì vạch áo cho người xem lưng". Hy vọng những trí thức Chăm chúng ta cùng đoàn kết một lòng và đừng cho thế hệ trẻ... View More