Cham Blogs
0
Rating
77
views
2
Likes
0
Comments
SỰ PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ CHĂM THỜI ÔNG DƯƠNG TẤN PHÁT
(Bài tham luận của ông Lưu Quang Sang đọc tại Hội thảo Kuala lumpur Malaisia ngày 21/9/2006).
Trên toàn lãnh thổ miền Trung Việt Nam ngày nay, từ đèo Ngang Quảng Bình đến miền cực nam Bình Thuận, xưa kia hiện hữu một quốc gia hùng mạnh chiếm một vị trí địa lý, văn hóa, kinh tế, chính trị quan trọng tại khu vực Đông Nam Á đó là Vương quốc Champa.
Người Chăm có ngôn ngữ chữ viết riêng dùng làm phương tiện chuyển tải các di sản văn hóa và đời sống tâm linh của dân tộc mình từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Trong bài viết này, tôi xin trình bày sơ lược công dụng của ngôn ngữ Chăm ở một thời điểm lịch sử nhất định, đồng thời nêu lên một số nhân tố tích cực làm xúc tác cho ngôn ngữ ấy phát triển. Đó là thời kỳ cuối của chế độ phong kiến nhà Nguyễn đến thời kỳ đầu của chế độ dân chủ theo phong cách Tây Phương của Ngô Đình Diệm.
Xã hội Chăm thời ấy được đặt dưới sự lãnh đạo của cụ Dương Tấn Phát, Tri huyện An Phước, là người có đầy đủ quyền lực chi phối mọi sinh hoạt của đồng bào Chăm trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, xã hội, tôn giáo, giáo dục v.v. Huyện An Phước bấy giờ thực sự là một trung tâm quyền lực và vai trò của Huyện trưởng trên thực tế vô cùng quan trọng đối với cộng đồng Chăm. Cụ Dương Tấn Phát - một nhân sĩ giỏi tiếng Hán thông tiếng Chăm, lại am tường sâu sắc phong tục tập quán Chăm, hãn đã đóng một vai trò nhất định đối với xã hội Chăm thời đó. Vậy thử tìm hiểu xem ngôn ngữ Chăm thời cụ Dương Tấn Phát phát triển như thế nào, cũng như tình hình sinh hoạt văn hóa xã hội của đồng bào Chăm phát triển ra sao.
Trước hết, xin phát họa vài nét về thân thế của cụ Dương Tấn Phát. Cụ sinh năm 1880 (năm canh thìn) tại làng Hiếu Lễ, Huyện An Phước, tỉnh Ninh Thuận và mất năm 1964 thọ 84 tuổi. Cụ được kế nhiệm chức Tri Huyện An Phước thay thế cụ Thiên Sanh Tây - người làng Hữu Đức. Cụ Thiên là một nhân sĩ trí thức Chăm, một nhà thơ đã lưu lại cho đời một số tác phẩm như Ariya Mayut, Ariya Po Thien,...cụ Dương làm Tri Huyện An Phước cho đến năm 1940 thì nghỉ hưu trao quyền lại cho cụ Quảng Đại Minh, người làng Chất Thường. Cụ Minh giữ chức Tri Huyện An Phước cho đến cuối năm 1946 thì nghỉ việc. Cụ Dương Tấn Phát một lần nữa tiếp tục trở lại chức vụ Tri Huyện An Phước kể từ năm 1947 theo yêu cầu của chính quyền quân sự Pháp. Đó là thời kỳ chinh chiến sội động giữa lực lượng quân sự Pháp và lực lượng kháng chiến Việt Minh.
Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: ở cùng hai thời kỳ làm Tri Huyện An Phước, thời nào cụ Dương Tấn Phát cũng thụ đắc nhiều quyền hành. Dưới thời Nam Triều, Tri Huyện An Phước kiêm luôn Chánh án Tòa Hòa giải với đầy đủ quyền tài phán xét xử người Chăm về hình cũng như hộ (người Chăm thời đó không bị xét xử tại tòa án Việt Nam). Các hồ sơ tư pháp như biên bản hòa giải hoặc các bản án xét xử đều được soạn bằng tiếng Chăm. Như vậy có thể nói, tiếng Chăm đã trở thành một thứ ngôn ngữ tư pháp dưới thời cụ Dương Tấn Phát. Việc xét xử luôn luôn căn cứ trên thực tại phong tục tập quán cũng như chế độ mẫu hệ Chăm lúc bấy giờ.
Sau nhiều năm nghiên cứu và soạn thảo, cụ Dương Tấn Phát đã hoàn tất Luật Phong tục và Gia đình Chăm sau này được nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Ngữ bình luận và giới thiệu. Dưới thời Đệ nhị Cộng hòa Việt Nam, Luật Phong tục và Gia đình Chăm của cụ Dương Tấn Phát được các tòa án tỉnh tham khảo khi xét xử các đối tượng là người Chăm. Đến thời người Pháp tái lập chính quyền đô hộ lần thứ hai sau đệ nhị thế chiến, cụ cũng được trao nhiều quyền hành từ hành chánh, tư pháp cho đến quân sự.
Lúc còn trẻ, tôi nhớ có một ngày, tại nhà cụ Quảng Đại Minh ở làng Chất Thường, cụ Dương Tấn Phát nổi cơn phẫn nộ chụp lấy cái ống nhổ chứa nước bã trầu đổ ập lên đầu viên Trung úy người Pháp tên Choumal, bởi viên sỹ quan này không chịu giao nạp cho Huyện xét xử một thuộc cấp người Chăm đã lỡ tay bắn chết một binh sĩ đặc phái của Huyện tại một đám tang ở làng Hoài Trung. Trước phản ứng đột ngột và quyết liệt của cụ, viên sỹ quan Pháp đành ngậm bồ hòn nhượng bộ.
Thêm một điều cần lưu ý nữa, dưới thời cụ Dương Tấn Phát, tất cả làng Chăm và Raglai trong tỉnh Ninh Thuận đều trực thuộc Huyện An Phước. Tỉnh Ninh Thuận, từ thời Nam Triều cho đến thời Ngô Đình Diệm bao gồm 3 Huyện: Thanh Hải, Bửu Sơn và An Phước. Tất cả đồng bào Chăm và Raglai, dù cư ngụ trong địa phận Bửu Sơn hay Thanh Hải cũng đều thuộc quyền quản lý của Huyện An Phước. Đây là tình hình thực tế hết sức thuận lợi cho việc quản lý và thống nhất cộng đồng Chăm vào thời bấy giờ. Với bối cảnh lịch sử như thế, vị Tri Huyện đã giữ một vai trò tối quan trọng là một điều dễ hiểu.
Mặc dù thời bấy giờ, đồng bào Chăm và Raglai không chính thức thụ đắc quy chế tự trị, nhưng trên thực tế Huyện An Phước có một vị trí rất đặc biệt gần như độc lập đối với chính quyền tỉnh lỵ.
Về mặt tổ chức chính quyền Huyện An Phước rất đơn giản: trên có Quan Huyện được vị Đề Lai phụ giúp điều hành công việc, dưới có các Cai Tổng (Kai Tong) phụ trách hành chính xã, dưới nữa là Lý Trưởng (Lik Kleng) quản lý các thôn làng. Để điều hành công việc, Huyện chỉ việc gởi công văn (gọi là Klat)xuống Kai Tong rồi Kai Tong chuyển klat xuống Lik Klơng để thi hành - Klat thì luôn được viết bằng tiếng Chăm.
Như vậy tiếng Chăm Akhar Thrah truyền thống đã trở thành một thứ ngôn ngữ phổ thông. Chính vì thế, những thanh niên Chăm trong mọi thành phần xã hội muốn tiến thân trên đường hoạn lộ thì nhất thiết phải học ngôn ngữ chữ viết truyền thống ấy. Những thanh niên yếu kém về chữ Chăm thì chỉ có thể đảm nhận những chức vụ tầm thường nhất ở cấp làng ấp, đó là Klum Mbien.
Trong đời sống cộng động, người Chăm giỏi chữ Chăm thì rất được trọng vọng. Họ là những người thường giúp đồng bào Chăm lập văn khế mua bán ruộng đất, nhà cửa bằng tiếng dân tộc mình. Đôi khi văn khế cũng được lập bằng chữ Nho, nhưng bằng chữ Chăm thì thông dụng hơn.
Về phương diện tín ngưỡng dân gian, cũng cần lưu ý về những nét đặc thù này: Qua các tang lễ của người Chăm Ahier (đam matai) hay người Chăm Awal(padhi), các thân nhân muốn gởi quà cáp cho người thân quá cố, phải tuân thủ các quy định chặt chẽ, chẳng hạn như quà đó phải được đựng trong Ciet, trên Ciet phải dán một tờ giấy (nhãn) ghi rõ tên và địa chỉ của người gởi, tên và quan hệ họ hàng với người nhận. Nếu gởi Ciet quà mà không nhãn là điều cấm kỵ, nhãn gởi quà luôn luôn phải được viết bằng chữ Chăm (không có ngoại lệ). Nếu người gởi không tự mình viết được nhãn quà bằng chữ Chăm hoặc không nhờ được người khác viết hộ là một điều bất hạnh. Như vậy, ngôn ngữ chữ viết Chăm truyền thống có một vai trò quan trọng đối với đời sống tâm linh của đồng bào Chăm.
Đối với các giáo viên Chăm vào thời bấy giờ, tuy không phụ trách một chương trình giảng dạy tiếng Chăm chính thức, song họ đều là những người rất rành rỏi chữ Chăm bởi vì họ là thành phần được xã hội Chăm trọng vọng. Chính họ là những người đóng vai trò giúp cho việc soạn thảo các giấy tờ cần thiết như đã được trình bày ở phần trên.
Một khía cạnh đời thường khác cũng đáng chú ý - trong những buổi giao du thân mật giữa trai gái Chăm, thường có lệ thách đố đọc chữ. Các cô gái Chăm, trong lúc mời các chàng trai đến nhà chơi dùng trà nước hay trầu cau thường không quên mời các chàng trai thử đọc một đoạn Ariya nào đó, để từ đó có thể đánh giá người mà nàng sẽ chọn làm bạn đời sau này. Lẽ dĩ nhiên, thanh niên biết chữ Chăm luôn được đánh giá cao - thử hỏi anh chàng mù chữ sẽ lúng túng như thế nào trước mặt phái nữ. Chính vì lẽ đó, để khỏi mất mặt, thanh niên Chăm không còn cách nào khác ngoài việc tìm thầy (gru) để mà học chữ Chăm. Đây có thể được xem là nhân tố tích cực thúc đẩy sự phát triển của ngôn ngữ Chăm lúc bấy giờ.
Dưới thời cụ Dương Tấn Phát, chưa có trường lớp chính thức dạy ngôn ngữ chữ viết Chăm. Thường thì thanh niên Chăm theo học tại gia tìm một vị trí thức nào đó, gọi là gru rồi sau đó theo thầy học chữ (tuei gru magru akhar), khi gru nhận đệ tử (anâk séh) thì thường cho xúc tiếng lễ nhập môn đơn giản, có rượu trứng và trầu câu để khấn vái các vị gru đã khuất xin trợ lực cho việc học hành có kết quả. Với lễ nhập môn như vậy, ta có thể hình dung được việc học chữ Chăm thời trước không đơn giản chút nào cho nên mới khấn vái người khuất mặt hầu mong được sự tiếp sức trong quá trình học tập. Thực ra, việc học chữ Chăm cũng không khó lắm, nếu học viên tiếp thu chậm có lẽ bởi do các gru còn truyền dạy theo lối xưa vừa rườm rà vừa thiếu phương pháp rõ ràng.
Tuy nhiên, ta cũng nên nhìn tục lễ "ew gru seh" dưới một góc độ khác. Nó là một lễ nghi mang tính tâm linh trong ý thức của người Chăm: "Tôn kính thầy là một đạo lý, trong lúc phản thầy là một trọng tội". Dân gian Chăm thường nói: Grang di gru jieng kra jieng hua tức là phản thầy sẽ thành khỉ thành vượn. Đạo lý này còn sâu thâm hơn đạo lý quân sư phụ của Khổng Tử nhiều.
Qua những điều nêu trên, có thể nhận thấy rằng ngôn ngữ Chăm thời bấy giờ đã hội đủ những yếu tố khách quan và chủ quan để làm tiền đề phát triển - một sự phát triển tự nhiên bởi tình hình văn hóa, xã hội thực tiễn.
Tiếp theo đây, xin trở lại vai trò của cụ Dương Tấn Phát sau thời Đệ nhị thế chiến tức là thời kỳ người Pháp trở lại Đông Dương và tái lập nền đô hô trên đất nước Việt Nam.
Trên thực tế, người Pháp quản trị mọi việc, chủ quyền Việt Nam giai đoạn này xem như không đáng kể. Trong tình hình như vậy, quận An Phước được Pháp yểm trợ càng trở nên mạnh mẽ hơn, đã tỏ ra khá độc lập với chính quyền Việt Nam đương thời. Năm 1947, văn phòng Huyện An Phước được dời về đặt tại tư gia cụ Dương Tấn Phát ở làng Phước Đồng. Từ đó, nơi này đã trở thành trung tâm quyền lực đối với toàn thể người Chăm và Raglai trong tỉnh Ninh Thuận. Lúc bấy giờ, vua Bảo Đại đặt văn phòng quốc trưởng tại Đà Lạt. Thuận theo đề nghị của người Pháp, quốc trưởng Bảo Đại quyết định thiết lập quy chế "Hoàng Triều Cương Thổ" theo đó tất cả những sắc dân thiểu số trên Cao Nguyên thuộc quyền quản lý của văn phòng quốc trưởng. Nói cách khác, đó là bước đầu xác lập quyền tự trị của các sắc dân thiểu số Tây Nguyên.
Bấy giờ, cụ Dương Tấn Phát thường lên Đà Lạt, có lẽ để vận động xin cho đồng bào Chăm gia nhập tổ chức Hoàng Triều Cương Thổ chăng? Cuộc vận động của cụ ra sao không rõ, chỉ có một sự kiện là vào năm 1948 tại làng Phước Đồng, đồng bào Chăm và Raglai đã tiến hành tổ chức một lễ hội vô cùng trọng thể. Tôi còn nhớ quan cảnh ngày lễ thật là tưng bừng náo nhiệt, đồng bào Chăm và Raglai đến tham dự đông đúc, quan khách gốm nhiều thành phần mà chủ lực là các viên chức Pháp. Trong buổi lễ hôm đó, cụ Dương Tấn Phát ăn mặc rất lạ lẫm: áo dài khăn đóng Việt Nam, trên áo dài lại khoác một chiếc áo truyền thống Chăm. Hình thức trang phục lạ lùng đã nói lên điều gì? Phải chăng bộ quốc phục Việt Nam là biểu tượng của đất nước Việt Nam và chiếc áo truyền thống Chăm là biểu tượng của dân tộc Chăm hiện hữu trên quốc gia này? Phải chăng nó biểu hiện giấc mơ tự trị của dân tộc Chăm trong cộng động quốc gia Việt Nam? Và ngày lễ hội nói trên phải chăng là chặng đường chuẩn bị đưa đồng bào Chăm gia nhập tổ chức Hoàng Triều Cương Thổ? Tôi không đủ cứ liệu để trả lời chính xác cho những nghi vấn ấy. Tôi chỉ nhớ một điều chắc chắn là sau ngày lễ hội đó, tờ đặc san Paris Match của Pháp có đăng bài tường thuật buổi lễ kèm theo tấm ảnh màu của cụ Dương Tấn Phát với hàng chú thích phía dưới tấm hình: "Mr. Dương Tấn Phát, le roi des Chams", nghĩa là ông vua Chăm Dương Tấn Phát. Tấm ảnh này được con cháu cụ cắt ra từ tờ báo trên gìn giữ cẩn thận cho đến ngày nay tại làng Phước Đồng. Tôi tin rằng các thế hệ Chăm trước tôi chắc không ai quên ngày lễ hội trọng đại đó. Họ gọi đó là ngày hội Jam-ah tức là ngày lễ hội ăn mừng của đồng bào Chăm.
Điểm đặc biệt đáng chú ý nữa đó là cụ Dương Tấn Phát đã đọc bài diễn văn khai mạc viết bằng tiếng Chăm có dịch sang tiếng Pháp và bài diễn văn đó được phân phát cho các khách mời người Phápvà Việt ngồi trên khán đài. Sau đó, cụ ngõ lời với đồng bào Chăm và Raglai cũng bằng tiếng Chăm. Tôi ghi lại sự kiện lịch sử này nhằm nói lên vai trò và vị trí quan trọng của ngôn ngữ Chăm trong thời bấy giờ.
Đến năm 1954, quân Pháp thua trận Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneve chia cắt đất nước Việt Nam thành hai miền Nam - Bắc, ông Hoàng Bảo Đại bay sang Pháp, Ngô Đình Diệm về nước lãnh đạo miền Nam đã thiết lập nên đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa. Vai trò người Pháp tại Đông Dương chấm dứt và người Mỹ vội vàng nhảy vào cuộc: Tình hình kinh tế - chính trị của miền Nam rẽ qua một khúc quanh mới. Chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu củng cố quyền lực. Huyện An Phước qua đó mà đổi thay: Nó lần hồi trở thành một quận hành chính bình thường như các quận khác trong tỉnh. Cụ Dương Tấn Phát lúc này vẫn còn giữ chức Quận trưởng An Phước nhưng uy thế bắt đầu suy giảm. Chính quyền tỉnh Ninh Thuận một mựcchủ trương phân hóa quận An Phước bằng những cải cách mới nhằm phân định lại ranh giới của quận này. Đây là chính sách chia để trị của chính quyền Ngô Đình Diệm. Nhưng cụ Dương Tấn Phát là một trở ngại rất lớn đối với ý đồ nêu trên. Do vậy chính quyền Ngô Đình Diệm phải tìm mọi cách triệt hạ cho bằng được đương kim quận trưởng An Phước.
Năm 1957, cụ Dương Tấn Phát đột ngột buộc phải thôi việc bàn giao lại chức vụ quận trưởng An Phước cho cụ Từ Công Xuân là một trí thức Chăm Awal thuộc làng Văn Lâm. Kể từ đó, bao nhiêu đổi thay đã đến với quận An Phước. Về nhân sự thì văn phòng Quận bắt đầu xuất hiện nhiều viên chức Việt Nam hơn. Về cải tổ hành chính thì ranh giới mới của quận An Phước được ấn định như sau:
- Các làng Chăm tọa lạc tại phía bắc Sông Cái gồm có làng Lương Tri, Thành Ý, Phước Nhơn, An Nhơn được sáp nhập vào quận Bửu Sơn.
- Các làng Chăm nằm phía Đông Dương quốc lộ số 1 (Sài Gòn - Hà Nội) bao gồm Bĩnh Nghĩa, Mỹ Nghiệp, Thành Tín, Tuấn Tú, Văn Lâm được sáp nhập vào quận Thanh Hải. Ngoài ra, các thôn ấp của người Raglai cũng đồng số phận.
- Một số làng Chăm còn lại thì trực thuộc quận An Phước, riêng một vài làng Việt như Phước An, Phước Thiện trước thuộc quận Bửu Sơn nay sáp nhập vào quận An Phước.
Trong khi đó, tại tỉnh Bình Thuận, huyện Phan Lý Chàm cũng đồng cảnh ngộ như huyện An Phước nhưng không bị phân chia, các làng xã Chăm và Raglai vẫn tiếp tục trực thuộc một huyện. Được như vậy, phải chăng là do sự đoàn kết chặt chẽ của đồng bào Chăm, các giới như thân hào nhân sĩ trí thức và chức sắc Chăm Ahier cũng như Awal với một lòng bảo vệ cho quyền lợi của mình?
Huyện An Phước sau ngày cải tổ hành chánh đã mất hẳn uy thế mà nó có trước kia, xã hội Chăm bị phân hóa trầm trọng, sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng trở nên rời rạc vì thiếu sự chỉ đạo thống nhất. Trước kia, chính vì Huyện Trưởng An Phước là người đôn đốc chỉ đạo thực hiện các lễ hội lớn như Kate, Cha-mbur, Yuel Yang, Palao Pasah...qua các thông từ bằng tiếng Chăm gởi các vị chức sắc Chăm Ahier cũng như Awal.
Huyện An Phước sau thời cụ Dương Tấn Phát thực sự đã mất vai trò lãnh đạo cộng đồng Chăm về mọi mặt làm cho xã hội Chăm ngày càng bị phân hóa. Các trí thức Chăm, nhất là thành phần phản đối chủ trương phân chia huyện An Phước thường xuyên bị công an theo dõi, hay làm khó dễ đã tạo nên một bầu không khí khá căng thẳng cho đồng bào Chăm. Các làng Chăm thuộc quận Bửu Sơn và Thanh Hải bắt đầu tiếp xúc với người Việt nhiều hơn và tiếng quốc ngữ đã trở thành ngôn ngữ thông dụng của mọi người. Ngôn ngữ Chăm đã lần hồi mất đi vai trò chính yếu của nó, mọi thư tịch, văn bản giao dịch dân sự không còn được viết bằng tiếng Chăm nữa.
Trên đây là thực trạng xã hội Chăm trên các mặt văn hóa - xã hội, tôn giáo dưới thời cụ Dương Tấn Phát cùng với sự phát triển của ngôi ngữ Chăm thời đó. Đến đây tôi xin kết thúc bài viết này với lòng hoài niệm đầy cảm xúc hồi tưởng về một cộng đồng xã hội Chăm thống nhất và ổn định dưới một mái nhà chung đầm ấm mà tôi gọi là mái nhà An Phước - nơi đó người Chăm một thời được sống an vui, hạnh phúc, ngôn ngữ chữ viết Chăm được trân quý và được sử dụng rộng rãi, mọi truyền thống dân tộc Chăm được thể hiện đầy đủ và được tôn trọng tuyệt vời. May thay, hôm nay ngôn ngữ chữ viết Chăm vẫn được sử dụng rộng rãi và chính thức đưa vào trường lớp một cách bài bản. Mong ước trong tương lai, akhar thrah sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng dân tộc Chăm tràn đầy sức sống.
(Lưu Quang Sang - Hội Bảo tồn Văn hóa Truyền thống Chăm Hoa Kỳ).
Total votes: 0
Thạch Ngọc Xuân
User not write anything about he.
Like (2)
Loading...
It will be interesting:
Related Blogs
Thạch Ngọc Xuân Information
Statistic
0 Blog Rating
70 Total Blogs
7 Total Blog Comments
Last Blog Comments
C
Xin c?m ?n ?
??c xong t??ng c