• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
mydung
by On October 25, 2013  in Văn hóa Champa /
0 Rating 158 views 0 Likes 0 Comments
Dấu ấn văn hóa Chăm trên đất Quảng Bình
 

 

Từ năm 137 đến năm 1069, trong vòng 932 năm, Quảng Bình từng là nơi cư trú của dân tộc Chăm và một số dân tộc thiểu số khác. Từ thế kỷ XI trở về sau, người Chăm rút dần về các tỉnh phía nam. Dù vậy, văn hóa Chăm vn còn ghi lại những dấu ấn trên đất Quảng Bình đáng để cho chúng ta tìm hiểu và trân trọng.Dấu ấn văn hóa Chăm trên vùng đất này nằm trong một số sinh hoạt và phong tục của cư dân làng xã

(như việc làm vụ lúa chiêm, tục thờ cá voi, thờ sinh thức khí…). Thành Khu Túc, lũy Hoàn Vương (trên Đèo Ngang), tượng Bồ Tát Quan Thế Âm và một số hình vẽ trên vách động Phong Nha… có thể xem là những di sản văn hóa Chăm còn lại trên đất Quảng Bình.

 

SUMMARY

CHAMPA CULTURE STAMP IN QUANG BINH

   From 137 to 1069, within about 932 years, Quang Binh used to be the inhabitancy of Champa people and other ethnic minorities. Since the 11th century, Champa people have moved gradually to the Southern provinces of Vietnam. Despite of this, the Champa culture is still left in Quang Binh, which  is worth for us discovering, respecting and protecting.

   Champa culture in this area is recognized in some customs and activities of the local inhabitants (such as growing fifth month rice crop (Vụ lúa Chiêm), worshiping Whales (tục thờ Cá Voi), worshiping genital organs and so on. Khu Tuc wall, Hoan Vương rampart (on Đeo Ngang pass), the statue of Quan The Am, and some drawings on the walls of Phong Nha cave), which are regarded as Champa cultural heritages in Quang Binh.

 

       1. Quảng Bình thời sơ sử thuộc nước Văn Lang, sau đó là Âu Lạc. Nhà Hán xâm lược nước ta đặt vùng đất này thành quận Nhật Nam (quận kéo dài đến tỉnh Quảng Nam). Thế kỷ thứ II, nước Lâm Ấp của Khu Liên ra đời (sau này là Bắc Chiêm Thành). Lâm Ấp còn có tên khác là nước Hoàn Vương, phía Bắc kéo dài đến đèo Ngang. Thời kỳ thuộc Lâm Ấp, Quảng Bình có 2 châu: Địa Lý (ngày nay là 2 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh), Bố Chính (Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hóa ngày nay).

       Năm 1069, nhà Lý cử binh tướng tiến công xuống phía Nam đánh nhau với quân Chiêm Thành. Vua Chiêm là Chế Củ bị bắt, phải cắt 3 châu Địa Lý, Bố Chính, Ma Linh (từ Bắc Quảng Bình đến Gio Linh- Quảng Trị) để được thả về. Quảng Bình trở thành một bộ phận của nước Đại Việt từ đây.

       Như vậy từ năm 137 đến năm 1069, trong vòng 932 năm, Quảng Bình từng là nơi cư trú của người Chăm và một số các dân tộc thiểu số khác… Từ thế kỷ thứ XI trở về sau, người Chăm rút dần vào các tỉnh miền trong. Dù vậy, văn hóa Chăm đây đó vẫn còn ghi những dấu ấn trên đất Quảng Bình đáng cho chúng ta cần tìm hiểu, và trân trọng.

       2. Trước hết, dấu ấn văn hóa Chăm nằm ngay trong một số sinh hoạt, một số phong tục của cư dân các làng xã. Nông dân Quảng Bình một năm cũng làm hai vụ lúa chính. Vụ tháng 5 gọi là vụ Chiêm, lúa Chiêm. Vụ Chiêm được xem là vụ lúa do người Chăm tạo ra. Trong các bữa ăn hàng ngày, nhất là vào mùa Đông mưa rét, món mắm là món được nhiều người ưa thích. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, mắm vốn có nguồn gốc từ văn hóa ẩm thực Chiêm Thành. Món mắm Quảng Bình rất đa dạng, nguyên liệu bao gồm cả thủy hải sản, cả dưa cà… Ví như: mắm cá hố, cá thu, cá bè, mắm ruốc, mắm còng, mắm cáy, mắm tôm sú, mắm cà, mắm dưa, mắm nhỏ v.v…

       Tục thờ cá voi, dường như chỉ có ở miền biển Quảng Bình trở vào. Phải chăng tín ngưỡng này cũng có nguồn gốc từ văn hóa Chăm? Hiện nay ở Quảng Bình có các làng xã sau đây còn miếu thờ cá voi: Cảnh Dương (Quảng Trạch) 2 miếu thờ mang tên Miếu Ông, Miếu Bà; Thanh Hà (xã Thanh Trạch- Bố Trạch) đền thờ tọa lạc gần cửa sông Gianh; Sa Động (Bảo Ninh- TP Đồng Hới) đền thờ được gọi là Lăng Ông; Quảng Phú đền mới được phục chế lại mang tên là Miếu ÔngTại các đền miếu thờ Đức Ông, hàng năm, dân các làng xã thường tổ chức tế cúng, hát chèo cạn, bơi trải… Một số bộ xương cá voi còn được lưu giữ ở Cảnh Dương, các nơi khác thì bị bom đạn hủy hoại gần hết.

       Tục lệ coi trọng sinh thực khí trong tín ngưỡng phồn thực cũng là một tục lệ rất đáng lưu ý. Hàng năm 4 làng: Động Hải, Hà Thôn, Phú Đức, An Ba (4 làng nằm bên dòng sông Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới) đều có tổ chức bơi trải. Trên các thuyền có gắn hình Muống- Nhọn, hai hình ảnh biểu trưng của sinh thực khí, của âm dương, thiên- địa, nhân (2 làng đầu mỗi làng 1 cặp, 2 làng sau ghép lại thành 1 cặp- tất cả là 3 cặp Muống- Nhọn). Theo hai nhà nghiên cứu Nguyễn Tú và Văn Lợi: tục gắn hình tượng Muống- Nhọn trên các thuyền bơi của các làng vừa nói trên là tiếp thu, kế thừa tín ngưỡng phồn thực của cư dân Chăm Pa trước đây. Tục lệ này ngày nay còn thấy trong sinh hoạt văn hóa của người Chăm ở Phan Thiết (xem: Địa chí văn hóa miền biển Quảng Bình- trang 194-196).

       Ở nhiều thôn xã của Quảng Bình hiện thời bà con vẫn còn dùng nước giếng, trong đó có một ít cái giếng xây theo hình vuông, ví như giếng nước chính của làng Phúc Kiều (một làng cổ của xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch). Giếng hình vuông được xem là kiểu giếng của dân tộc Chăm.

       Dấu ấn và di sản văn hóa Chăm trên đất Quảng Bình được các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa tìm thấy trên một số di vật, thành quách. Năm 1923, tượng Bồ tát Quan thế âm Bodhisattva Avalokitesvara bằng đồng nặng 35kg do Henry de Pircy phát hiện ở Đại Hữu đã khẳng định sự hiện diện của Phật giáo trong văn hóa Chăm trên đất Quảng Bình (Tượng này hiện được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh). Đặc biệt thành Khu Túc, một công trình thành quách phía Bắc của người Chăm đã được mô tả khá kỹ trong một số tập sách xuất bản từ trước năm 1945. Sách “Du lịch Quảng Bình” của học giả Nguyễn Kinh Chi, trong mục “Thành Kẻ Hạ” viết:

       “Ở đó có di tích một cái thành bằng đất, hình vuông mỗi bề ước 200m, thành có trổ 3 cái cổng; ở trong đất có lẫn lộn những hòn gạch lớn, xung quanh thành có dấu vết sông hào, nhưng nay đã làm thành ruộng. Dân ở đó thường kêu là thành Lồi- tức là Chiêm Thành. Cũng có kẻ gọi là thành Kẻ Hạ- nghĩa là thành ở làng Cao Lao Hạ. Cứ theo các nhà khảo cổ thời có lẽ là thành Chăm thật vì những hòn gạch thấy ở đó giống như gạch xây ở các di tích Chiêm Thành còn lại bây giờ”.

       Về thành Khu Túc, nhà giáo Lương Duy Tâm ghi rõ trong sách “Địa lý- Lịch sử Quảng Bình”: Thành xây vào khoảng thế kỷ thứ IV đời vua Chiêm Phạm Hồ Đạt. “Thành xây giữa 2 con sông Lô Dung (sông Son) và Thọ Linh (sông Gianh), chu vi 6 dặm 170 bộ, xây gạch cao 2 trượng, trên lại có tường cao trên 1 trượng, có mở nhiều lỗ vuông… thành có 13 cửa, tất cả cung điện đều hướng về phía Nam. Chung quanh thành có hơn 21.000 ngôi nhà, dân chúng ở chung quanh” (Những dòng trên đây tác giả chép từ sach Thủy Kinh chú). Nhà giáo Lương Duy Tâm  cũng đã dẫn cả lời giám mục Cadie mô tả thành Lồi- Kẻ Hạ “vuông mỗi bề chừng 200m, lũy đất dày chừng 5m ở chân, 3m trên mặt chừng 2m (Sđd trang 127-128). Thành Khu Túc- Kẻ Hạnay thuộc làng Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch.

       Dấu vết thành lũy Chăm Pa còn được thấy ở dải Đèo Ngang. Trước đây người ta vẫn thấy trên sườn núi có dấu vết của một thành đá cũ, tương truyền là Thành Phạm Văn (một vị vua của người Chăm), tức thành Hoàn Vương. Ngay cả thành Uẩn Ảo (thành nhà Ngò), một thành cổ ở Lệ Thủy, các cụ già thuở trước cũng gọi là Thành Lồi (thành này ngày nay đã bị hủy hoại theo năm tháng).

       Động Phong Nha cũng từng ghi dấu ấn của người Chăm một thời họ đến đây. Dấu tích Bàn thờ họ lập nên, chữ ký của họ khắc ghi trên vách đá vẫn còn trong hang động.

       3. Trên đây chúng tôi lược ghi lại một đôi nét về dấu ấn của văn hóa Chăm trên đất Quảng Bình. Những tư liệu mà chúng tôi thu thập được qua các chuyến điền dã, qua các tư liệu sách báo, chắc chắn còn rất ít ỏi và  còn những thiếu sót này nọ. Mong được độc giả thông cảm và chỉ giáo cho.

 

 

TRẦN HOÀNG

Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.         Du lịch Quảng Bình (Bản chép tay- Thư viện Quảng Bình).

2.         Địa lý- Lịch sử Quảng Bình- Lương Duy Tâm (1998)- Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình xuất bản.

3.         Địa chí văn hóa miền biển Quảng Bình- Văn Lợi (cb)- 2001- Nxb Văn hóa Thông tin.

4.         Sổ tay địa danh du lịch các tỉnh Trung Trung Bộ (Nhiều tác giả- Phần Quảng Bình do Trần Hoàng viết).

5.         Trên đường tiếp cận một vùng văn hóa- Trần Hoàng- 1996- Nxb Văn hóa.

theo dulichsaigonact.vn

0
Total votes: 0
mydung
User not write anything about he.
Be the first person to like this.

It will be interesting: