• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
Linh Dang
by On October 13, 2014  in Văn hóa Champa / Lịch sử Champa /
0 Rating 940 views 2 Likes 2 Comments

" Katê - lễ hội bản địa truyền thống Champa: Sự tiếp nối của văn minh Sa Huỳnh"  ( CHAU DONG KIEU-pleirem) 

Nguồn: https://www.facebook.com/groups/LichsuChampa/

Gần đây xuất hiện một chùm ý kiến trái chiều với dòng chảy tự nhiên của truyền thống Kate. Một nhà nghiên cứu hàng đầu người Cham đã có cách tiếp cận, nhìn nhận và đánh giá lễ hội Kate đang thực hiện ở hải ngoại theo một cách khác thường và “phát minh” ra hai định nghĩa khác nhau về Kate mà sự thật, Kate chỉ có một ý nghĩa duy nhất vốn có được các thế hệ người Chăm tiếp nối nhau lưu giử. Tên gọi Kate có thể khác, hình thức tổ chức có thể khác nhau theo thời gian, không gian nhưng “định nghĩa”, nội dung và ý nghĩa Kate thì chỉ có duy nhất một.

Kate từng có nhiều tên gọi khác nhau như là lễ hội truyền thống, lễ hội tin ngưỡng bản địa, và là lễ hội dân gian đó là theo GS-TS Trần Ngọc Thêm, TS Phan Quốc Anh. Trong tài liệu nghiên cứu của mình ThS Trương Văn Món, Ngô Văn Doanh và ThS Đàng Năng Hòa cho Kate là lễ hội truyền thống dân gian đặc sắc nhất. Đặc biệt theo nghiên cứu của TS Phan Quốc Anh, ThS Đàng Năng Hòa và tư liệu trong Đại Nam Nhất thống Chí cho rằng Kate là lễ hội dân gian có qui mô lớn như tết nguyên đán. Dân gian là yếu tố bản địa trung tính không phụ thuộc tôn giáo. Theo đa số các nhà Champa học, Kate là lễ hội bản địa dân gian truyền thống.

Trong nghiên cứu của Harak Champaka 40, 41 và PGS-TS Po Dharma, Kate chỉ là lễ tục Ahier, lại còn có phát hiện ra định nghĩa khác tại hai hội đoàn Champa ở Hoa Kỳ mâu thuẩn với Kate ở quê nhà. Qua bài viết ngắn này, chúng tôi không có tham vọng nói hết về Kate, vẫn còn nhiều điều bí ẩn cần nhiều nghiên cứu thêm mới giải mã được, chỉ muốn nhấn mạnh ở hai điểm mà độc giả có thể tự mình kết luận được là:

1/. Kate có một định nghĩa duy nhầt hay có thể có hai định nghĩa như Harak Champaka đã tìm thấy ở hai hội đoàn khác nhau tại Mỹ và khác với ý nghĩa Kate bên nhà hay không?

2/. Kate là lễ tục Ahier hay là lễ hội truyền thống dân gian?

Do phát hiện mới này, khiến tất cả các bài nghiên cứu liên quan đến Kate, tất cả các DVD, you tube về Kate phải được duyệt lạI, để thấy, và mừng là Kate luôn hoành tráng và sinh động, nhất là Kate 2009 được xem là Kate lớn nhất từ trước đến nay.

A/. Kate, có duy nhất một định nghĩa hay nhiều định nghĩa?:

PGS-TS Po Dharma định nghĩa Kate, trong trang 15 và 16, Harak CPK 41, cho là theo ý nghĩa Ahier (tàn dư Balamon) Kate là lễ tế Yang Po amư là duy nhất nam thần Shiva; Theo ý nghĩa tín ngưỡng địa phương là lễ tạ ơn ba vị thần linh Po Klaung Garai, Po Rame, Po Ana Nagar, cũng là biểu trưng của thần Shiva và Bhargavati.

“..lễ tục Kate truyền thống, một khi đến xứ Hoa Kỳ, đã trở thành hai lễ hội và mang hai ý nghĩa khác nhau, tùy theo quan điểm của từng hội đoàn.”

Còn Kate bên nhà:

Theo báo Du Lịch Việt Nam, Kate: “như là ngày tết, là lễ hội thiêng liêng để tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, tổ tiên ông bà, tạ ơn các thần linh đã giúp mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.” Trong báo Bình Thuận: “ nhằm tưởng nhớ đến những người đã khuất, anh hùng dân tộc, các vị Vua (được người Cham tôn vinh làm thần), tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên.”

Theo Sakaya ThS Trương Văn Món: “Đây là lễ hội của người Chăm nhằm tưởng nhớ các vị Nam thần như Pô Klong Garai, Pô Rôme (vua)… Và tưởng nhớ ông bà tổ tiên, trời đất đã phù hộ độ trì cho con người.” Quê hương online cho rằng: “ Kate là tết Cham nhằm tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ, tổ tiên ông bà, tạ ơn thần linh”. Theo TS Phan Quốc Anh, đây là lễ trọng như ngày tết nguyên đán, cúng tế thần- vua, cầu cúng thần linh, ông bà tổ tiên phù hộ độ trì, chúc tụng nhau may mắn, phát đạt. Nhiều nhà Champa học đã dẫn ở trên và các báo đài đều ý chung như nhau.

Tóm lại Kate có duy nhất một định nghĩa: LÀ LỄ TƯỞNG NIỆM VÀ TẠ ƠN THẦN- VUA, ANH HÙNG, TIỀN NHÂN, ÔNG BÀ, TỔ TIÊN, CẦU MONG AN BÌNH, HẠNH PHÚC CHO CON CHÁU CHAMPA.

Căn cứ trên hiện thực nêu trên và thực tế đại lễ Katê tại Hội Bảo Tồn Văn Hóa Champa và Hội Truyền Thống Champa Hoa Kỳ các năm qua, chúng tôi thấy hoàn toàn đúng như Kate bên nhà, cần thiết phải ghi công họ vì đã tổ chức liên tục các Lễ hội Kate mẫu mực để đời cho ngàn năm con cháu mai sau tự hào.

B/. Kate là Lễ tục Chăm Ahier hay là lễ hội dân gian?:

Theo PGS-TS Po Dharma trang 18, Harak CPK 41: “Trong hệ thống tín ngưỡng người Chăm, cũng như tín ngưỡng của nhiều dân tộc chịu ảnh hưởng nền văn minh Ấn Giáo trong khu vực Đông Nam Á, dân tộc Chăm Ahier và Awal chỉ có lễ tục (culte, cérémonie) chứ không bao giờ có lễ hội (fête, festival)”. Ông ta nhìn thấy Kate chỉ là lễ tục Ahier thờ thần Shiva và Bhargavati.

Trên lý thuyết và thực tiển trong sinh hoạt tâm linh của người Ahier không có tên Shiva và Bhargavati, như GS-TS Trần Ngọc Thêm trong phần “Balamon và văn hóa Việt Nam” có đề cập: “đối với số đông người dân Chăm, thần Siva, tượng Linga,v.v.. chỉ là hình thức, còn ước vọng phồn thực và lòng sùng kính các nữ thần địa phương, các anh hùng dân tộc mới là nội dung.” Hơn thế nữa, ý nghĩa Kate hôm nay ít hoặc không liên quan đến Shiva, Brahma, Vishnu, hay Bhargavati thuộc văn minh Balamon vì các lẽ sau:

1/. Truyền thống thờ mẫu và văn hóa mẫu hệ không bị phai nhạt, dù trải qua thời kỳ đầu lập quốc Lâm Áp, ảnh hưởng Trung Hoa văn hóa trọng nam, (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư) sau đó tiếp thu văn minh Ấn độ trong nhiều thế kỷ, cũng phụ hệ, đến thế kỷ thứ X, nhận thêm văn minh Hồi giáo là phụ hệ, trọng nam. Ngày nay người Cham vẫn nguyên vẹn tôn vinh Po Ana Nagar, là Nữ Thần Mẹ Xứ Sở, được người Việt tiếp thu và lưu giử truyền thống thờ mẫu, với những tên gọi khác như: Thiên Y Ana, Bà Chúa Sứ, Chuà Thiên Mụ, Muk Juk. Đất nước Chămpa lúc cực thịnh là một vương quốc giào có kháp nơi đền đài, dinh thự, vàng bặc châu báo và lễ hội múa hát quanh năm (theo Wikipedia và Đại Việt Sử Ký toàn thư). Một trong các lễ lớn đó chắc chắn là dấu vết của Kate, vì Kate chỉ có duy nhất ở Champa, có sẵn, không là yếu tố ngoại nhập (theo Huỳnh Ngọc Trảng). Phải Chăng đó là lễ hội Po Ana Nagara? Hoặc dể hiểu nhất là tại khởi nguồn Vương quốc Champa, chưa có vua, thì lời tụng của On Kadhar lúc bấy giờ chắc chắn chỉ có một Po Ana Nagar.

2/. Từ thế kỹ 15, Champa là quốc gia hồi gíao: Kể từ thời Po Kabrah (1448-1482/ 1460-1494) các vua ở Pangduranga đều theo Hồi Giáo Bàni, nhưng vẫn còn giử những nghi lễ truyền thống của hoàng gia. Khi đó nếu có Kate thờ Thần- Vua, liệu người Cham có còn chấp nhận Vua là thần Shiva nữa hay không Hay là Vua chính là thiên sứ của Allwah, vẫn mô hình Thần- là Vua trị vì vương quốc Champa?!! Trong triều đình Po Rame, đa số theo đạo Hồi giáo. Quyền lực trong tay nhưng yếu tố bản địa và tàn dư Balamon vẫn được tôn trọng trong các sinh hoạt tâm linh theo phương châm “hoà hợp hòa đồng tôn giáo”. Đó là sự tiếp tục tham dự của Ahier và “Gru urang” trong lễ lớn Kate của dân tộc. Không phải ngẫu nhiên trong lời tụng ca công đức các ngài của On Kadhar có đề cập đến các thần Islam: Po Allwah, Po Li, Po Phuatimâh, Po Biruw, Po Hanim Pan, Nai Mâh Ghang Tang Nagar, v.v. (trong Po Dharma, HCK 41, T.17).

3/. Tháp Cham là của chung Champa, đền thờ Ahier là thang Banrach: Trong lời tụng ca của tất cả các On Kadhar hiện nay trong cung thỉnh, ca ngợi công đức các ngài, và cung tiển, vào dịp lễ Kate, không bao giờ thấy xuất hiện từ Shiva, Vishnu, Brahma, hay Bhargavati. Luôn có tên của các vị vua Champa, là của chung của mọi người Cham, không thể của riêng Ahier. Các tháp Chàm là những tượng đài, lăng tẩm tưởng niệm các vì vua không thể hiểu nhầm là nhà thờ Balamon hay Ahier. Nhà thờ Balamon, hay Ahier là Thang Banrach trụ trì bởi các Po Dhia (theo Mai Tường & Bá Đại Long).

4/. Người Bani có dự Kate Cham không?:

Theo lời kể của một cụ già làng Phước Nhơn dịp Kate 1993 trên tháp Po Rame: “Trước 75, dòng tộc Po Rame tại Phước Nhơn dến lễ ngài thường xuyên hằng năm bằng lễ vật và tiền mặt. Chúng tôi tập trung ở thang Po Yang giửa làng Phước Nhơn rồi cùng nhau đến thẳng Danauk Po Rame và lên tháp làm lễ ngài. Nay khó khăn nên thưa thớt hơn.”

Theo lời kễ của các nhân sĩ trí thức Cham gốc Islam như mik Yasin Ba, Thanh Ngoc Co, Dohamide và một số bạn trẻ từng là vũ công trong đoàn văn nghệ: “ Kate ở Mỹ từng là ngày hội rất lớn và vui, người Cham Islam đông nên đảm trách hầu hết các khâu chuẩn bị lễ hội Kate…” Được Qasim Từ khẳng định: ““gần 13 năm, kể từ năm 1982 đến năm 1995, Katê trở thành một lễ hội Champa tại hải ngoại (ở Pháp, ở Danmark, ở Hoa Kỳ) do hội CSC-Champa và IOC-Champa tổ chức mà đa số thành viên của hội này là bà con Chăm Bani và Chăm Islam. Và trong ngày đại hội Katê này lúc nào cũng có sự hiện diện của nhiều sắc tộc Champa khác như Jarai, Bahnar, Stieng ở hải ngoại và hai nghệ sĩ Chế Linh (Chăm Ahiér) và Từ Công Phụng (Chăm Islam)”

PGS-TS Po Dharma cũng khẳng định trong trang 19 Harak Champaka 41:

“…số lượng người Chăm Awal tham gia trong ngày lễ hội Kate tại quê nhà hôm nay rất đông đảo. Sự hiện diện của họ đã chứng minh rằng dù Kate là lễ tục của Chăm Ahier nhưng đã trở thành di sản văn hóa chung của vương quốc Champa mà mỗi người Chăm phải có bổn phận bảo tồn và phát triển.”

Năm 2000 và 2004, Lễ hội Kate tại Ninh Thuận co sự tham gia của tất cả các địa phương có người Cham cư trú, có cả Cham Islam Nam Bộ. Gần đây cộng đồng Cham Bani Bình Thuận đã lên làm lễ Katê năm 2009 tại Bimong Po Sah Inư, theo nhiều nguồn tin, báo Binh Thuận, Xalo tin tức và Doanh Nhân Sài Gòn.

5/. Vai trò quan trọng của người Raglai- Lễ rước hoàng bào ngày trước Kate:

Đáng chú ý là hoàng bào của Vua từ các đền tháp ở Ninh Thuận và Bình Thuận đều được người Raglai, gia đình Ja Angui, đồng loạt cất giử: ngày cuối tháng 6 (Cham lịch) tất cả các đền tháp đều cử người làm lễ rước hoàng bào từ nhà Ja Angui đến Danauk để ngày Kate đón lên các đền tháp làm lễ. Nghi lễ này hiện nay còn thực hiện tại tháp Po Klaung Garai, Po Rame, Po Sah Inư, Đền Po Inư Nưgar, Đền Po Binthor, Po Dam, Po Klaung Mưnai, nhà thờ hoàng tộc Cham tại Bình Thuận.

Vậy thì Kate là lễ hội dân gian chung của dân tộc Cham không phân biệt tôn giáo tín ngưỡng.

C/. Kate là lễ tục hay hễ hội?:

Theo PGS-TS Po Dharma trong Harak CPK 41, trang 19:

“..lễ tục Kate truyền thống, một khi đến xứ Hoa Kỳ, đã trở thành hai lễ hội và mang hai ý nghĩa khác nhau, tùy theo quan điểm của từng hội đoàn.”

“…biến lễ tục cổ truyền Kate sang mô hình hiện đại của ngày kỷ niệm bậc tiền nhân Champa cũng như sự dân chủ hóa lễ hội này thành ngày quốc lễ Champa… quyết định ngày quốc lễ và mô hình kỷ niệm anh hùng liệt sĩ Champa.”

Và ông ta tự mình trả lời:

“Nếu Kate tại Việt Nam hôm nay đã trở thành một ngày lễ rất trang nghiêm trong phần lễ tục và rất linh đình và nhộn nhịp qua phần lễ hội, là vì Kate được tổ chức trong biên giới cổ truyền của nó, từ ý nghĩa của lễ tục cho đến nội dung của lễ hội, không mang nội dung chính trị, không trang điểm màu sắc văn chương đấu tranh, không bài diễn văn và cũng không có lời cảm tưởng, cảm tạ, cám ơn, v.v. chỉ làm phiền hà quần chúng đang chờ xem lễ hội.”

Tuy với chung một ý nghĩa, tưởng niệm- tạ ơn tiền nhân, nhưng hình thức thể hiện lại phong phú vô cùng. Ví dụ: năm 2000 tại tháp Po Klaung Garai, phó chủ tịch tỉnh Ninh thuận đọc bài diễn văn khá dài và khá tai tiếng: “…Kate của người Cham Balamon…” để nhận được góp ý ngay từ các nhà nghiên cứu đến tham dự như: Ngô Văn Doanh, TS Nguyễn Chí Bền và nhân sĩ trí thức Cham. Kate làng tổ chức tại văn phòng của Hợp tác xã, thường có một phút mật niệm. Kate tại mỗi gia đình thì sự đa dạng và phong phú đến bất ngờ, tùy điều kiện và cảm nhận của gia chủ. Đây là sự thật vì nhiều người quan niệm rằng có lợi cho con cháu hơn là cho tiền nhân, giúp giáo dục con cháu luôn nhớ về cội nguồn không bị mất bản sắc khi đi xa quê, xa gia đình, nơi chốn thị thành nhiều cám dỗ.

Quả vậy, chỉ cần đọc lại các bài mô tả và xem các DVD về Kate, ta có thể cảm nhận được không khí linh thánh của lễ hội, sự sôi động, nhộn nhịp, hoành tráng lạ thường, như không phải do con người tạo nên, chói lòa, bừng vở, lan tỏa khắp nơi từ đền tháp-xã hội- cá nhân, cộng đồng, địa phương, đất nước, vùng người Cham cư trú rất tự nhiên.

Vậy thì Kate luôn là lễ hội truyền thống dân gian Champa hoành tráng, đặc sắc và độc đáo nhất Đông Nam Á, vẫn luôn hoành tráng, nhân bản, làm ngây ngất lòng người dù là Cham hay Việt hay người nước ngoài, theo như sự khẳng định của nhà Champa học, TS Phan Quốc Anh: “… lễ hội luôn diễn ra trong một không gian lớn từ các đền tháp đến làng, dòng họ và cuối cùng là gia đình. Katê cũng là dịp để người Chăm từ mọi miền đất nước trở về quê cha đất tổ để cùng đoàn tụ cùng gia đình bạn bè, dòng họ. Lễ hội Katê là một lễ hội dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hóa của người Chăm, là tấm gương phản chiếu sinh hoạt cộng đồng; nơi hội tụ những giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc. Do đó, lễ hội không những gắn với đền tháp cổ kính – nơi hội tụ những giá trị kỹ thuật và mỹ thuật đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật của nền văn hóa Chăm mà còn gắn với những yếu tố khác của văn hóa như: đồ cúng tế, ẩm thực, y phục…Đặc biệt, đến với lễ hội Katê quí khách sẽ thưởng thức một nền âm nhạc độc đáo, với những bài thánh ca, ca ngợi các vị vua hiền có công với dân, với nước. Lễ hội còn những phần biểu diễn trước công chúng một nền ca – múa - nhạc dân gian với một phong cách riêng, độc đáo.”

D/. Chúng ta cần làm gì?

Đến đây thì chúng ta thấy rõ ngày lễ hội Kate là ngày giổ tiền nhân, quốc tổ, và gia tiên Champa, là di sản quý báo, lưu truyền cho muôn đời con cháu mai sau.

Người Cham tại hải ngoại, nhất là tại Hoa Kỳ cần đoàn kết và bản sắc trên con đường phát triển và hội nhập, rất nên phát huy những gì cộng đồng mình đã đạt được. Cái khác biệt nếu có trong chúng ta là “cách nhìn nhận về Kate” mà mọi người đều có trách nhiệm. Hãy ngồi lại với nhau, tôn trọng nhau, mọi khác biệt, nếu có, sẽ tiêu tan, để cùng nhìn về một hướng.

Giá như những “lễ hội Kate đó”, trong 13 năm (từ 1982 đến1995) tổ chức chung (theo Qasim), được liên tục thì cộng đồng Cham ở Hoa Kỳ có lẽ đã tiến một bước dài, có thể chúng ta đã có một đại diện Dân biểu trong chính quyền tiểu bang, và thấy nhiều đám cưới của con em Cham mình với nhau trên đất Hoa Kỳ này. Dù là Aval, Ahier, Islam, Tin Lành hay Thiên Chúa, chúng ta vẫn còn điểm chung Kate Cham, Champa. Hãy ngồi lại với nhau trước khi quá muộn, lúc chúng ta không còn gì chung để nói chuyện và cải vã nhau. Hãy vì con cháu mà cảm thông tha thứ cho nhau, điều lành sẽ đến với con cháu Champa. p\S CHAU DONG KIEU-pleirem.

0
Total votes: 0
Linh Dang
User not write anything about he.
Like (2)
Loading...
2
Linh Dang
Tôi rất đồng ý với phần kết của tác giả Chau Dong Kieu: "...Lễ hội Kate là ngày giổ tiền nhân, quốc tổ, và gia tiên Champa, là di sản quý báo, lưu truyền cho muôn đời con cháu mai sau. Người Cham tại hải ngoại, nhất là tại Hoa Kỳ cần đoàn kết và bản sắc trên con đường phát triển và hội nhập, rất nê... View More
2
2
October 13, 2014
Linh Dang
Xin lỗi sa-ai Tiến sỹ Quảng Đại Cẩn, thì ra bài trên đây là của sa-ai, đã viết vào tháng 6-2010, lúc mà Chế Mỹ Lan có viết vài bài để phản hồi cho Tiến sỹ Po Dharma liên quan đến đề tài Lễ hội Katê. Hôm nay, trên nhóm Thảo luận về các vấn đề Champa của facebook, Thành Thị Nông Thôn, lần đầu tiên ngh... View More
October 15, 2014

It will be interesting: