• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
bbt@nguoicham
by On November 13, 2014  in Văn hóa Champa / Lịch sử Champa /
0 Rating 1,437 views 0 Likes 0 Comments

QUÁ TRÌNH DU NHẬP HỒI GIÁO Ở CHAMPA

1.      Đặt vấn đề

 Trong quá khứ, Hồi giáo được du nhập vào vương quốc Champa (một vương quốc cổ tồn tại trong giai đoạn 192 đến 1832, tài khu vực miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam). Ngày nay vương quốc Champa không còn nữa, nhưng Hồi giáo vẫn duy trì trong cộng đồng người Chăm, như đã nêu trên. Vì vậy, muốn nghiên cứu sự du nhập Hồi giáo vào Việt Nam thì chúng ta phải quay ngược quá khứ để nghiên cứu sự du nhập của nó vào vương quốc Champa cổ.

Khi nghiên cứu thời điểm du nhập của Hồi giáo vào vương quốc Champa, giới nghiên cứu thường phân ra làm ý kiến khác nhau : một bên cho rằng thời điểm Hồi giáo du nhập vào Champa là khoảng thế kỷ X – XIII, nếu chấp nhận ý kiến này, các học giả cho rằng Hồi giáo được du nhập trực tiếp vào Champa từ các nhà truyền đạo đến từ Trung Đông; trong khi bên kia lại phủ nhận quan điểm đó và xác định thời điểm muộn hơn là khoảng thế kỷ XV – XVII, điều này có nghĩa theo các tác giả Hồi giáo ở Champa chỉ được du nhập từ Hải đảo Đông Nam Á, mà trực tiếp nhất là thông qua Mã Lai.  

Trong bài viết này chúng tôi xin nêu lên những hai hướng nhận định và ý kiến trên. Hầu từ đó, đánh giá, tổng kết và đưa ra ý kiến của chúng tôi về quá trình du nhập Hồi giáo vào Champa trên hai bình diện : thời điểm du nhập và nguồn gốc quốc gia hay vùng văn hóa du nhập.

1.      Hai hướng nhận định về quá trình du nhập Hồi giáo vào Champa.

Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy, nhóm các nhà nghiên cứu ủng hộ ước thuyết thứ nhất gồm E. Aymonier, Ed. Huber, P. Ravaisse, G. Maspero… Đầu tiên, E. Aymonier, dựa vào một biên niên sử của hoàng gia Panduranga - Champa, đưa ra lập luận rằng từ năm 1000 đã có một ông vua Hồi giáo mang tên Po Awluah ( biến âm của Alla), vì vua đầu tiên của tiểu quốc phía nam này, nên từ đó ông nhận định Hồi giáo đã du nhập vào Champa sớm nhất là thế kỷ thứ X[1]. 

Khoảng năm 1922, P. Ravaisse lại cho công bố hai bia ký chữ Arab, được một sĩ quan Pháp khai quật được ở miền Trung. Bản thứ nhất là một ngôi mộ của một người tên Abu Kamil có niên đại 1039. Tấm bia thứ hai, có niên đại khoảng 1025 – 1035, đó là một thông báo cho cộng đồng Hồi giáo ở đây phải đối xử như thế nào với dân bản xứ khi tiếp xúc với họ. Từ kết quả này tác giả cũng nhận định, khoảng thế kỷ XI, đã có một cộng đồng Hồi giáo ở Champa[2]. 

 Tiếp đó, Ed. Huber và G. Maspero[3]khi nghiên cứu tài liệu của Tống Sử (thư tịch Trung Hoa), nhận thấy một lễ thức dùng trâu để tế lễ thần kèm theo lời khấn: “Allah Akhar”, từ đó hai tác giả đưa ra nhận định có thể Hồi giáo đã được du nhập vào Champa từ thế kỷ IX. 

Mặc khác, từ thế kỷ thứ XIII, các nghiên cứu cho thấy rằng, vị vua Champa là Jaya Sinharvarman III (Chế Mân), đã cưới một công chúa Jawa, được ghi nhận với tên Bia Tapasi (hoàng hậu Tapasi), từ đó các nhà nghiên cứu như G. Maspero cho rằng Islam giáo đã hiện hữu trong cung đình Champa từ thế kỷ XIII. Hay một số ghi nhận rãi rác trong các thư tịch của Trung Hoa như Tống Sử nói đến những người sứ giả họ Bồ, (Bố để chỉ người Arab đến từ Champa) cũng trong thế kỷ XIII[4]… 

Nhưng sau đó, lại xuất hiện một nhóm ý kiến khác cho rằng, chỉ từ thế kỷ XV – XVII, Hồi giáo mới du nhập mạnh mẽ vào Champa, và nó là kết quả của sự giao lưu tiếp xúc của người Champa với Thế giới Mã Lai, chứ không phải từ Trung Đông như trước đây.

Năm 1979, P.Y.Manguin là người đầu tiên phản đối quan điểm của P. Ravaisse đã nêu ở trên, ông cho rằng hai tấm bia đó chỉ xuất phát từ một quốc gia khác ngoài Champa[5]. Trong một hội thảo về bia ký Đông Nam Á (11/2011) Gs. Ludvik Kalus lại góp thêm những tư liệu và lập luận mới phát triển, làm rõ thêm ý tưởng nghiên cứu của P.Y. Manguin trước đó.

Một nhà nghiên cứu khác, Haji Adi Taha lại cho rằng Hồi giáo được du nhập vào Champa từ những thủy thủ Mã Lai mang đến, hoặc do chính người Champa trực tiếp học đạo từ người Mã Lai. 

Trong thời điểm này, theo nhiều nguồn tư liệu, Champa và Mã Lai có những mối quan hệ hết sức thân thiết, trong đó có đề cập đến cuộc viếng thăm của vua Po Kabrah đến viếng thăm Malayu[6], hay sự kiện năm 1594 vua Champa còn giúp đở một tiểu quốc là Sultan chống quân Bồ Đầu Nha[7].

 Cũng vào thế kỷ XVII, đặc biệt vào thời Po Rome (1627 – 1651), các văn bản Chăm như Damnay Po Rome, Damnay Po Tang Ahaok, Damnay Po Rayak (tiểu sử vua Po Rome, Po Tang Ahaok, Po Rayak)…ghi nhận các sự kiện quan trọng như sự kiện vua Po Rome sang viếng thăm Kelantan, kết hôn với công chúa Malai và học đạo Islam, ngoài ra Po Tang Ahaok, Po Rayak cũng được cử sang Mã Lai để học về tôn giáo, bùa phép, quân sự[8]…

Bên cạnh đó, cũng trong thời điểm này, thông qua các biên niên sử hoàng gia, các gia phả hoàng tộc của Mã Lai như Hikayat Seri Kelentan (gia phả dòng họ tiểu vương Kelentan), Riwayat Kelentan Sejarah Melayu (lịch sử Malayu)… ghi nhận rằng nhiều vị tướng Mã Lai cũng đến Champa như Ungku Omar, Abdul Hmid, tại đây, họ đã dạy giáo lý Hồi giáo cho dân chúng địa phương…[9].

Theo các tác giả trên, sự du nhập mạnh mẽ của Hồi giáo và sự hình thành cộng đồng Hồi giáo bản địa ở Champa hay là người Chăm Awal/Bani ngày nay phải bắt đầu từ thế kỷ XV, đặc biệt thế kỷ XVII và đó là kết quả của cuộc giao lưu văn hóa với Thế giới Mã Lai, chứ không phải từ Trung Đông. 

2.      Xác định niên đại và nguồn gốc du nhập Hồi giáo vào Champa

 Về phía chúng tôi, trong quá trình nghiên cứu, nhận thấy một số điểm sau: theo nhóm nhận định thứ nhất thì từ thế kỷ X –XIII, Hồi giáo đã bắt đầu du nhập vào Champa, và đó là kết quả của cuộc tiếp xúc với các thương thuyền buôn bán của người Ảrập từ Trung Đông. Nhưng những cứ liệu đó rất tản mạn, không có nhiều căn cứ và chưa cho thấy rằng trong thời kỳ này đã hình thành một cộng đồng Hồi giáo bản địa ở Champa, chưa đủ để tạo nên một cộng đồng người Chăm Awal/ Bani như ngày nay.

Trước hết, hai văn bia được tìm thấy vào năm 1922, có niên đại khoảng thế kỷ XI, chỉ cho thấy sự tồn tại rải rác của một cộng đồng Hồi giáo từ Trung Đông trên con đường buôn bán trên biển của họ đến Champa. Hai tấm minh văn này được viết bằng ngôn ngữ Arabic, một ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ với người dân Champa thời bấy giờ, ngay kể hôm nay, chữ Arabic chỉ được sử dụng một cách hạn chế trong giới tăng lữ Hồi giáo của cộng đồng ChămAwal/ Bani (các Po Acar). Đó chỉ là những chỉ dấu mờ nhạt và không đủ chứng minh rằng Hồi giáo đã du nhập vào Champa từ lúc đó, có thể những nhà truyền đạo đã ở đó, nhưng hoạt động của họ không đủ để du nhập một thứ tôn giáo mới vào Champa, tạo ra một cộng đồng Hồi giáo bản địa.  

Về ý kiến của E. Aymonier, khi cho rằng Hồi giáo xuất hiện ở Champa vào thể kỷ thứ X, vì trong biên niên sử hoàng gia Panduranga – Champa ghi nhân một ông vua Po Awluah, ông vua đầu tiên của biên niên sử, được ghi nhận là đã học đạo ở Mecca và trở về làm vua Champa từ thế kỷ X. Đây chỉ là một giả thuyết thiếu cơ sở thực tiễn, chỉ mang tính huyền thoại. Trên thực tế, biên niên sử Panduranga là một phả hệ về các vị vua của tiểu quốc Panduranga, được viết bằng ngôn ngữ Chăm hiện đại (akhar thrah), một thứ ngôn ngữ chỉ xuất hiện từ thế kỷ XVII, qua bia ký ở tháp Po Rome (Ninh Thuận). Nói cách khác, biên niên sử này được viết sau thế kỷ XVII và do đó không thể cung cấp một minh chứng chính xác về Po Awluah, vị vua đầu tiên xuất hiện trong biên niên này. Hơn nữa, Po Dharma, khi nghiên cứu về biên niên sử này lại xác nhận Po Awluah chỉ là một vị vua huyền sử (cùng với 4 vị vua kế tiếp trong biên niên sử)[10].

Hay các sự kiện được Tống sử ghi nhận về một lời khấn vái Hồi giáo, về những người họ Bồ ở Champa… chỉ cung cấp những chỉ báo hết sức nhạt mờ về ảnh hưởng Hồi giáo vào Champa giai đoạn X – XIII, đây có thể chỉ là những dấu hiệu cho thấy các thuyền buôn Hồi giáo từ Trung Đông đã xuất hiện ở Champa, nghĩ ngơi tại đó để lấy nước ngọt, tiếp nhiên liệu để tiếp tục đi sang Trung Hoa. Sự kiện vua Champa kết hôn với một công chúa Jawa chỉ cho thấy một mối giao thiệp và bước đầu tiếp xúc với các quốc gia Hồi giáo của Champa, nhầm tìm liên minh quân sự với các nước Đa Đảo…

Trên thực tế, hầu hết các tài liệu vẫn ghi nhận, trong thời kỳ này (thế kỷ X – XIII và XIII – XV) ảnh hưởng của Hindu giáo và Phật giáo trong hoàng gia vẫn còn giữ vai trò thống trị trong hệ thống tín ngưỡng Champa. Trong khi đó, tuyệt đại dân chúng, vẫn theo tín ngưỡng bản địa. Không có một căn cứ, một nguồn thông tin nào cho thấy đã xuất hiện một cộng đồng Hồi giáo người bản địa ở Champa vào thời điểm trước thế kỷ XV, cộng đồng Hồi giáo bản địa đầu tiên là cộng đồng Chăm Awal/Bani chỉ xuất hiện sớm nhất sau thế kỷ XV.

Theo hướng giả thuyết số hai, chúng tôi nhận thấy có nhiều ý kiến, nhận định xác đáng hơn. Như đã nói, các học giả theo giả thuyết này đã cung cấp những tư liệu hết sức phong phú (đã nêu ở trên) ở cả Champa và Mã Lai cho thấy trong khoảng thế kỷ XV – XVII, Champa và Mã Lai đã có mối quan hệ thân thiết, đặc biệt là về tôn giáo, tín ngưỡng bằng chứng là vua Po Rome sang học đạo và gửi các cận thần của mình sang Mã Lai học về giáo lý, tín ngưỡng Hồi giáo, ngược lại các vị tướng, tu sĩ người Mã Lai cũng sang Champa để truyền đạo. Sự du nhập Hồi giáo từ Mã Lai vào Champa và những tác động xã hội của nó còn được khắc họ rõ nét qua tác phẩm văn học nổi tiếng Champa: Nai mai meng Makah (công chúa đến từ Kelantan – Mã Lai)[11]… 

Ngoài ra, sở dĩ chúng tôi tán đồng với nhóm giả thuyết này, vì chúng tôi cho rằng, cộng đồng người Chăm Awal/Bani ngày nay, có những nét sinh hoạt tôn giáo, phong tục, quan niệm của mình rất gần gũi với Hồi giáo ở Mã Lai, hơn là Hồi giáo ở Trung Đông. Biểu hiện cụ thể, điển hình là trong lễ hội Rija Proang của người Chăm, một nghi lễ quan trọng của cộng đồng Chăm Awal, có mối quan hệ rất gần gũi với lễ Mak Yong vủa Mã Lai, từ nguồn gốc lễ là xuất phát từ việc hai hoàng tử Mã Lai sang thăm Champa, đến việc hành lễ, đồ tế lễ, nhạc cụ trong lễ đều rất gần gũi với nhau, cho đến các bài khấn vái trong lễ cũng bằng tiếng Mã Lai[12]… 

3.      Kết luận 

Trước kia vấn đề niên đại và nguồn gốc truyền bá Hồi giáo vào Champa dù có hai hướng ý kiến và nhận định khác nhau. Nhưng có thể khẳng định, quan điểm xuất hiện sau này cho rằng Hồi giáo được du nhập vào Champa từ khoảng thế kỷ XV, đặc biệt XVII, thông qua con đường buôn bán, giao lưu với thể giới Mã Lai (Đông Nam Á hải đảo) là có căn cứ và cơ sở hơn cả. 

Như vậy, có thể khẳng định, dù trong thời điểm khoảng thế kỷ X – XIII đã có sự xuất hiện của cộng đồng Hồi giáo từ bên ngoài đến thông thương và có thể truyền đạo với Champa nhưng dường như không hiệu quả. Hindu giáo và Phật giáo vẫn chiếm một vai trò chủ đạo trong vương quốc này. 

Hồi giáo chỉ thật sự du nhập vào Champa trong giai đoạn thế kỷ XV – XVII, mà đó là kết quả của cuộc giao lưu và tiếp xúc giữa hai nền văn hóa Champa và Mã Lai. Kết quả của quá trình đó là sự hình thành cộng đồng người Chăm Awal/Bani ở Ninh Thuận – Bình Thuận. Sau này, trên cơ sở cộng đồng này, mới xuất hiện của một cộng đồng Hồi giáo chính thống ở Nam Bộ. Đây là hai cộng đồng Hồi giáo duy nhất ở Việt Nam hiện nay.  

•        Tài liệu tham khảo:  

1.      Abdullah Zakaria bin Ghazali (2003): “Historical And Cultural relations between The Malay World And Indochina In Malay” đăng trong Pinisule Indochioise Et Monde Malais, BFEO, Kuala Lumpur. 

2.      E. Aymonier (1890): Légendes historiques des Chams, in Excursions et Reconnaissances XIV 32, pp. 145 206. 

3.       G. Maspero (1928): Le Royaume de Champa, Paris. 

4.      P. Ravaisse (1922): «Deux inscriptions çoufiques du Campa”, in Journal Asiatique XX, pp. 247 289.

5.      P-Y. Manguin (1979): “L’Introduction de l’Islam au Campa”, BEFEO LXVI, pp. 255 – 257. 

6.      P-B. Lafont (1988): “On relations between Champa and Southeast Asia”, trong Proceedings of the Seminar On Champa, Paris. 

7.      Po Dharma (1999): “Quatre Lexiques malais – Cam anciens”, EFEO, Paris.

8.      Po Dharma, G. Moussay, Abd. Karim (2000): Nai mai meng Makah, Kualalumpua, EFEO.  

9.      Po Dharma (2013): Vương quốc Champa: lịch sử 33 năm cuối cùng, Champaka 12, IOC.

10.  Sakaya (2008): “Raja Praong Ritual: a Memory of the Sea in Cham- Malay Relations”, in Ocean and Earth Sciences, Institute of Ocean and Earth Sciences, University of Malaya, Monograph, Series 3, pp. 97- 111.

11.  Sakaya (2013): Tiếp Cận Một Số Vấn Đề Văn Hóa Champa, Nxb Tri Thức, HN.

[1]E. Aymonier (1890): “Légendes historiques des Chams”, inExcursions et Reconnaissances XIV 32, pp. 145 206.

 [2]P. Ravaisse (1922): « Deux inscriptions çoufiques du Campa”, in Journal Asiatique XX, pp. 247 289.

 [3]Sakaya (2013): Tiếp Cận Một Số Vấn Đề Văn Hóa Champa, Nxb Tri Thức, HN, tr 96. 

[4]G. Maspero (1928): Le Royaume de Champa, Paris,pp. 3.

 [5]P-Y. Manguin (1979): “L’Introduction de l’Islam au Campa”, BEFEO LXVI, pp. 255 – 257. 

[6]Po Dharma (1999): Quatre Lexiques malais – Cam anciens, EFEO,  Paris , pp. 5. 

[7]P-B. Lafont (1988): “On relations between Champa and Southeast Asia”, trong Proceedings of the Seminar On Champa, Paris, pp. 65 – 75. 

[8]Sakaya (2013): Sđd, tr 592.

 [9]Abdullah Zakaria bin Ghazali (2003): “Historical And Cultural relations between The Malay World And Indochina In Malay”, đăng trong Pinisule Indochioise Et Monde Malais, BFEO, Kuala Lumpur, pp. 169. 

[10]Po Dharma (2013): Vương quốc Champa: lịch sử 33 năm cuối cùng, Champaka 12, IOC, tr 62. 

[11]Xem thêm: Po Dharma, G. Moussay, Abd. Karim (2000): Nai mai meng Makah, Kualalumpua, EFEO. 

 [12]-->Sakaya (2008): “Raja Praong Ritual: a Memory of the Sea in Cham- Malay Relations”, in Ocean and Earth Sciences, Institute of Ocean and Earth Sciences, University of Malaya, Monograph, Series 3, pp. 97 - 111.

Jashaklikei

 

0
Total votes: 0
bbt@nguoicham
User not write anything about he.
Be the first person to like this.

It will be interesting:

By: On December 5, 2018
0 Rating 600 views 2 likes 0 Comments
Read more
By: On November 14, 2018
0 Rating 680 views 2 likes 0 Comments
Read more