Cham Blogs
On April 30, 2015 in Văn hóa Champa /
Tin cộng đồng /
0
Rating
339
views
1
Likes
0
Comments
theo vovworld.vn
(VOV5) - Âm nhạc và ca múa có vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Chăm. Tại các lễ hội truyền thống, những buổi biểu diễn ca múa dân gian của người Chăm, không thể thiếu bộ nhạc cụ, yếu tố làm nên nét riêng, mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc Chăm. Nhạc cụ truyền thống của người Chăm rất phong phú, đa dạng, bao gồm các nhạc cụ thuộc bộ gõ như: trống Ghi- năng, trống Paranưng; các nhạc cụ thuộc bộ hơi như kèn Saranai và các nhạc cụ thuộc bộ dây như kèn Ca nhi, nhị Mu rùa...
Trống ghinăng là loại nhạc cụ không thể thiếu trong các dịp lễ hội của người Chăm |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Trong các lễ hội của người Chăm không bao giờ thiếu tiếng trống Paranưng. Đây là loại trống tròn, một mặt được căng bằng da và gắn vào tang trống bằng những sợi dây dẻo, đan chéo nhau. Trống thường được hòa âm cùng kèn Saranai và trống Ghi-năng. Khi chơi trống, những ông thầy đặt trống trước bụng,vành trống tì vào đùi, dùng các ngón tay vỗ vào mặt trống để tạo ra những âm thanh vang rền, trầm bổng khác nhau. Theo quan niệm của người Chăm, bộ ba trống Paranưng, kèn Saranai và trống Ghi-năng tượng trưng cho 1 con người. Ông Quảng Dựng, một nghệ nhân của Trung tâm Văn hóa thông tin huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cho biết: “Kèn Saranai là đại diện cho cái môi. Còn Paranưng đại diện cho bụng. Còn trống Ghi- năng là 2 đầu gối. Kèn Saranai, trống Ghi- năng, trống Paranưng thì chơi trong những ngày lễ hội của dân tộc. Đám ma cũng dùng kèn Sananai nữa. Cái đó là những ông thầy sắp xếp. Khi lễ hội, ông thầy mưng-tồn mới được đánh. Không phải ông Tồn là không được đánh. Trống Ghi-năng và kèn Saranai thì ai thuộc đều được đánh”.
Kèn saranai của người Chăm |
Trống Ghi-năng có hình dạng tương tự như trống cơm của người Việt nhưng lớn hơn. Khi diễn tấu, bao giờ trống ghi năng cũng đi thành 1 cặp và được đặt chéo nhau, một mặt tiếp đất, một mặt hướng lên trời. Những tiết tấu sôi động của trống Ghi-năng góp phần làm cho không khí buổi lễ thêm tưng bừng, rộn ràng.
Còn kèn Saranai là là nhạc cụ thổi bằng hơi, gồm 3 phần: phần chuôi làm bằng đồng, bên trong có gắn lưỡi gà dùng để thổi, phần thân bằng gỗ và loa kèn. Các nghệ nhân thường ví kèn Saranai là phần đầu của bộ ba trống Paranưng, kèn Saranai, trống Ghi-năng, bởi tiếng kèn Saranai thường mở đầu cho mỗi điệu thức hay chuyển từ điệu này sang điệu khác.
Tiếng trống Paranưng, kèn Saranai và trống Ghi-năng luôn làm say đắm lòng người nghe. Thế nhưng, để sử dụng được những nhạc cụ này không phải là dễ. Đó là những kỹ thuật khó, đòi hỏi phải dày công tập luyện. Những người tập đánh trống, thổi kèn phải tìm một nơi xa làng, để khi thổi kèn hay khi vỗ trống, âm thanh không vang về tới làng. Ông Quảng Dựng cho biết: “Trống Paranưng, kèn Saranai không được thổi trong làng. Khi học đánh trống Paranưng, kèn Saranai thì phải ra nương rẫy nào đó xa để đánh, cho khỏi âm vang to, sợ ông già ngủ không được. Nghe nói là đừng có đánh trong làng không thì ma quỷ sẽ về làng”.
Người Chăm ở Bình Thuận, Ninh Thuận không chỉ chú trọng vào việc chơi nhuần nhuyễn nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình mà họ còn biết làm ra trống, kèn. Để làm một bộ 3 nhạc cụ đó, người lành nghề cũng phải mất một tháng ròng. Ở Ninh Thuận có nghệ nhân Thiên Sanh Thềm, là người biết chơi và biết làm các loại nhạc cụ. Ông Thềm cho biết: “Tôi nhận đào tạo các con cháu còn trẻ đến khi có kết quả. Giờ nghệ nhân làm được trống, kèn ở đây không còn nhiều và đều già nên tôi làm để truyền lại cho con cháu. Những người được học đều đã làm được còn vài người vẫn đang học”.
Trống Paranưng, kèn Saranai và trống Ghi-năng là bộ ba nhạc cụ không thể thiếu trong các dịp lễ hội của người Chăm. Nếu thiếu một trong 3 nhạc cụ này sẽ không tạo được bản độc tấu âm thanh đặc sắc và người Chăm cũng không bao giờ chơi nhạc khi thiếu 1 trong 3 loại nhạc cụ độc đáo này. Trống Pananưng hay kèn Saranai, trống Ghi -năng của người Chăm chỉ xuất hiện trong các lễ hội, không phục vụ sinh hoạt đời thường của người dân. Đó là những nhạc khí thiêng, gắn kết con người với thế giới thần linh./.
Nga Anh
Total votes: 0
prancham
User not write anything about he.
Like (1)
Loading...