Cham Blogs
On July 28, 2015 in Văn hóa Champa /
0
Rating
252
views
2
Likes
0
Comments
(Báo Quảng Ngãi)- Lần theo dấu tích của lịch sử, chúng tôi đến với tòa thành đất của người Chămpa có niên đại cách nay trên 1.000 năm trong sự ngỡ ngàng và nể phục đối với người xưa.
Thành Chămpa có một không hai trên dải đất miền Trung và cũng là thành cổ hiếm hoi trên đất Việt, đó chính là thành cổ Châu Sa, ngày nay thuộc địa phận các xã Tịnh Châu, Tịnh An, Tịnh Khê, Tịnh Thiện (TP.Quảng Ngãi). Theo các nhà nghiên cứu, thành Châu Sa được xây dựng vào khoảng thế kỷ VIII-IX.
Lịch sử dần hé lộ
Đối với người dân đất Quảng, cụm từ “Châu Sa” luôn ẩn chứa sự huyền bí bởi nó gắn với lịch sử của người thiên cổ. Về xã Tịnh Châu, chúng tôi được nghe nhắc đến các địa điểm gắn với từ “Châu Sa” như chợ Châu Sa, làng Châu Sa, và đặc biệt là thành cổ Châu Sa. Nơi đây được người Chămpa cổ chọn làm vị trí xây dựng nội thành, vị trí có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự tồn vong của vương triều Chămpa. Theo sách Đại Nam Nhất thống chí, thành này có tên gọi là thành Châu Sa, đồng thời cũng đưa giả thuyết là trong vương quốc Chăm thành này mang tên gọi Đại La.
Quả thật, sống trong thời đại chủ yếu phương tiện cơ giới thay cho sức người, chúng ta không khỏi khâm phục trước sự sáng tạo và công sức xây đắp thành lũy của người Chămpa xưa. Trải qua hàng nghìn năm, thành cổ dẫu đắp bằng đất nhưng vẫn uy nghi, sừng sững, vẫn mãi tồn tại như nét đẹp văn hóa của người Chămpa. Theo kết quả đo đạc của các nhà khảo cổ học, bờ thành cổ Châu Sa cao 4m, mặt thành rộng 5m, đáy thành rộng trên 25m, hào thành rộng khoảng từ 40-50m.
Gốc gác thật sự của thành Châu Sa được coi là bí ẩn trong suốt một khoảng thời gian dài. Sách Đại Nam Nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn có đoạn chép: “Thành Châu Sa ở xã Châu Sa huyện Bình Sơn, chu vi 5 mẫu, 5 sào. Tương truyền có hai thuyết: Một thuyết nói là Đại La của nước Chiêm Thành, có thuyết nói là thành Vệ Thành của Tam Ti đời Lê, chưa rõ thuyết nào đúng”.
Đại Nam Nhất thống chí chỉ dừng lại ở mức độ mô tả chu vi thành nội Châu Sa. Đến năm 1924, nhà khảo cổ học người Pháp, ông Henri Parmentier, khi nghiên cứu văn hóa Chăm đã đến khảo sát và vẽ bình đồ thành Châu Sa. Tuy nhiên, nhà khảo cổ học người Pháp này cũng chỉ mô tả thành nội và một càng cua phía tây của thành Châu Sa. Qua nghiên cứu của tiến sĩ, nhà khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi-Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh và đồng nghiệp, càng cua phía đông của bản vẽ thành Châu Sa được bổ sung và cũng đã phát hiện thành ngoại của thành Châu Sa. Thành nội là khu trung tâm với hai càng cua bên ngoài, gồm 4 bờ thành thuộc xã Tịnh Châu. Thành ngoại bao bọc trung tâm thành nội và các vùng đất đai màu mỡ của đồng bằng các xã Tịnh An, Tịnh Châu, Tịnh Thiện, Tịnh Khê. Khu vực thành chằng chịt hệ thống sông ngòi nối với các hào thành, đảm bảo cho việc đi lại bằng thuyền và ra biển.
Một trong những cổng ở thành nội Châu Sa. |
Các nhà nghiên cứu không tìm thấy dấu vết người Việt xây thành Châu Sa. Qua nhiều minh chứng, các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về khảo cổ học kết luận thành Châu Sa do người Chàm tạo dựng. Niên đại xây dựng thành Châu Sa ở vào thế kỷ VIII-IX, khi vua Indra Varman II lập kinh đô Indrapura, đánh dấu triều đại mới mà quyền lực từ phương Nam vùng Panduranga chuyển về phương Bắc vùng Amaravati. Thành Châu Sa được xây dựng để bảo vệ kinh đô Indrapura.
Trước đây, tại làng Châu Sa, người Pháp đã phát hiện một văn bia đá thuộc giai đoạn Đồng Dương. Hiện văn bia này được lưu giữa tại Bảo tàng Lịch sử Hà Nội. Văn bia được dịch là: “Trong ngôi đền này, một vị thượng quan tên là Po Klung Pimilis năm 893 đã dựng một linga để tôn vinh vua SriJaya Indravarman (875-890), đến năm 903 lại dựng một tượng thần Siva tên là Sri Sangkara để tôn vinh vua Sri Jaya Simhuvarman (890-899).
Vua đương ở ngôi Sri Jaya Bhadra Varman (901-916) cúng tặng các thần một ấm bạc và một tù và và hoàng hậu Surendradevi là em gái út của vị thượng quan (trên) đã cúng ruộng”. Ngoài ra, tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi cùng đồng nghiệp cũng đã phát hiện ở khu vực thành cổ nhiều hiện vật mang đậm phong cách Chánh Lộ, Trà Kiệu, đặc trưng văn hóa của người Chămpa trên đất Quảng Ngãi.
Cấp bách bảo vệ di tích
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi đã lập lý lịch di tích thành Châu Sa và đã được Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận đây là di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1994. Tham quan di tích thành Châu Sa, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự kỳ vĩ của công trình kiến trúc cổ, song cũng không khỏi xót lòng khi chứng kiến thực trạng di tích thành cổ bị xâm hại một cách nghiêm trọng. Thành Châu Sa nằm xen lẫn ở khu dân cư và khu vực sản xuất của người dân nên ngày càng bị xâm lấn, đào bới, nhiều hào thành đã bị lấp.
Trên đường dẫn chúng tôi xem thành cổ, ông Đặng Sách-Nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Châu, thở dài nói: “Thành cổ quý giá ngay trước mắt không bảo vệ, phá hỏng rồi sau này muốn khôi phục không phải đơn giản. Cơ quan chức năng phải làm sao cho dân thấy lợi ích của việc bảo vệ thành cổ”. Ông Phan Đình Độ-Giám đốc Bảo tàng tỉnh cũng tỏ ra lo lắng trước thực trạng di tích bị xâm hại. Ông Độ cho rằng, Nhà nước đã phân cấp quản lý di tích, thành Châu Sa nay thuộc TP.Quảng Ngãi quản lý, bảo vệ. Bảo tàng tỉnh đang làm lại bản đồ khoanh vùng bảo vệ theo số hóa, trước đó làm thủ công nên khó xác định điểm để cắm mốc bảo vệ.
Trên đất Quảng Ngãi, dấu vết của nền văn hóa Chămpa có còn chăng là những phế tích, là những mảnh vỡ của nền văn hóa tiêu biểu một thời. Riêng chỉ có thành cổ Châu Sa là di tích có quy mô lớn và nguyên vẹn, rõ nét nhất. Mong rằng cơ quan chức năng của tỉnh khẩn trương vào cuộc để bảo vệ di tích thành cổ Châu Sa.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ
theo baoquangngai.vn
Total votes: 0
mydung
User not write anything about he.
Like (2)
Loading...