Cham Blogs
On July 29, 2015 in Văn hóa Champa /
0
Rating
2,270
views
0
Likes
0
Comments
ĐÁM TANG CỦA NGƯỜI CHĂM (AHIER)
NHÌN TỪ THUYẾT “TƯƠNG ĐỐI VĂN HÓA”
Cách đây hai năm (28/12/2013), một bài viết mang tựa đề “Tục đẽo xương sọ thành đồng xu ở Ninh Thuận” của một tác giả mang tên Nguyễn Khiêm Tốn, được đăng trên trang điện tử 24h.com.vn, bài viết này ghi nhận đám tang và nghi lễ nhập Kut của người Chăm Ahier (Chăm Bàlamôn) ở Ninh Thuận như một hủ tục lạc hậu và ghê rợ, cùng ngày báo Dân Việt cũng chép lại bài viết này. Bài viết nhanh chóng hướng phải sự phản ứng của dư luận đặc biệt là của cộng đồng người Chăm, Sohaniim đã viết một bài phê bình bài báo này và được đăng tải trên webite Gulpatoan.com. Một năm sau bài viết này được đăng tải lại trên trang vtc.vn với nhan đề “Kỳ bí tục đẽo sọ người chết thành hình xu để thờ ở Ninh Thuận” (10/1/2014). Gần đây nhất, một bài báo ký tên Xuân Hướng đăng trên trang baodansinh.vn với nhan đề: “Hủ tục “đẽo sọ người chết” ở làng Chăm” (24/6/2015), bài viết này sau đó bị sự phản biện trên trang Inrasara.com.
Nhân những bài viết có hướng nhìn nhận, đánh giá, đưa thông tin phiến diện và sai lệch về đám tang của người Chăm Ahier ở Ninh Thuận nói riêng và nền văn hóa Chăm nói chung, chúng tôi thực hiện bài viết này với hy vọng đóng góp những ý kiến phản biện, nhằm đánh giá lại di sản văn hóa Chăm đang cố tình bị bóp méo. Trọng tâm của bài viết là muốn hướng đến sự đánh giá những nền văn háo khác biệt trong cái nhìn của thuyết “tương đối văn hóa”, một học thuyết tích cực vẫn chưa được phổ biến nhiều trong giới nghiên cứu, đánh giá và bình luận văn hóa ở Việt Nam.
Từ thuyết “tương đối văn hóa”…
Thuyết “tương đối văn hóa” là một học thuyết bắt nguồn từ phương Tây nhằm phản biện và phê phán lại các lý thuyết “vị chủng văn hóa” hay “tiến hóa văn hóa”, mà nội dung là việc lấy tư duy, trình độ phát triển văn hóa, văn minh phương Tây để so sánh với các nền văn hóa khác, rồi xem các nền văn hóa ấy là khác biệt và lạc hậu… Trong khi đó thuyết “tương đối văn hóa” cho rằng, các đặc trưng của một nền văn hóa phải được nhìn nhận trong tổng thể văn hóa mà chúng hợp thành. Theo đó, để nhìn nhận, đánh giá một nền văn hóa chúng ta cần phải có sự am tường, phải là một bộ phận, phải tôn trọng và học cách tôn trọng nền văn hóa đó, đánh giá nền văn hóa đó theo cách mà chính các chủ thể của nền văn hóa nhìn nhận chứ không phải từ các “cặp mắt” của người ngoài cuộc hay lấy tiêu chuẩn của một nền văn hóa khác để xét đoàn và đánh giá nền văn hóa này.
Cũng theo quan điểm này, các nền văn hóa (bao gồm tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, lễ nghi, đạo đức, chuẩn mực xã hội…) khi được so sánh, tham chiếu với nhau thì không có cao – thấp, dã man – văn minh, lạc hậu – phát triển… Tất cả mọi so sánh giữa các nền văn hóa đều là khập khiển và thiển cận. Cũng như vậy, các giá trị truyền thống, đạo đức và tinh thần của mỗi cá nhân, mỗi nền văn hóa mà họ thuộc về cũng chỉ là tương đối và phải được nhìn nhận trong gốc độ của chính chủ thể của nền văn hóa đó. Như vậy, sự “đúng” hay “sai”, “đạo đức” hay “vô đạo đức”, “văn hóa” hay “phi văn hóa” cũng chỉ là tương đối, một giá trị có thể là “đúng” với nền văn hóa này, nhưng có thể là “sai” với nền văn hóa khác, có thể là “đạo đức” với nền văn hóa kia, nhưng lại là “phi đạo đức” với nền văn hóa khác, tùy theo quan niện về chân lý, thẩm mỹ và đạo đức của từng cá nhân, từng nền văn hóa.
Theo Herscovits (nhà nhiên cứu người Mỹ), “cha đẻ” của thuyết “tương đối văn hóa”, học thuyết này được ra làm ba phương diện:
1. Phương diện phương pháp luận: được thể hiện: khi miêu tả các giá trị của các nền văn hóa khác nhau thì cần phải miêu tả bằng chính các thuật ngữ của các nền văn hóa ấy. Mục đích của phương pháp này là cố gắng tìm hiểu nền văn hóa từ trong lòng nó bằng ánh sáng của chính xã hội đó. Đây là phương pháp cơ bản trong nghiên cứu nhân học theo cách nghĩ cách nhìn của người bản địa. Đó là một quá trình tìm hiểu lâu dài vì nhà nghiên cứu phải thâm nhập, hiểu rõ họ, sống cùng với họ ngay cả phải thực hành những nghi thức tôn giáo, tín ngưỡng.
2. Phương diện triết học: Đó là sự thừa nhận có nhiều con đường phát triển văn hóa khác nhau. Đây là chủ nghĩa đa nguyên. Với quan điểm triết học này, các nhà tương đối luận văn hóa phủ nhận các nền văn hóa phát triển theo một con đường mà phải phát triển theo nhiều con đường khác nhau. Đây cũng là cách để chống lại chủ nghĩa đế quốc phương Tây (trong bối cảnh toàn cầu hóa, hiện tượng hòa nhập). Đây chính là chủ thuyết không tuyệt đối hóa một kiểu phát triển văn hóa nào.
3. Phương diện thực tiễn đánh giá: Điều này được nói lên rằng, trong thực tế rất phức tạp, bao hàm cả việc tiến bộ lẫn lạc hậu. Nên khi xem xét một nền văn hóa nào cũng phải thực tiễn đánh giá. Điều này có nghĩa là, nhà nghiên cứu phải thực tiễn vào nền văn hóa, sống trong nó, làm việc trong nó, khi ấy mới có một cái nhìn trung thực được.
Thí dụ, để hiểu văn hóa phương Đông, một người phương Tây không sinh sống, không tham gia sinh hoạt, lao động, giao tiếp, tham gia hoạt động tôn giáo – tín ngưỡng văn hóa của người phương Đông thì không thể hiểu và nghiên cứu văn hóa phương Đông trọn vẹn được, và chắn hẳn sẽ có nhiều ngộ nhận trong cách đánh giá nền văn hóa phương Đông. Tương tự một người Việt, muốn hiểu các văn hóa, phong tục, lễ hội trong văn hóa Chăm, ngoài quá trình điền dã thực tế, họ phải thật sự thâm nhập vào nền văn hóa ấy, hoặc ít nhất phải tôn trọng, học cách tôn trong nền văn hóa ấy, nhìn nhận và đánh giá các giá trị văn hóa theo cách mà bản thân dân tộc ấy đánh giá.
Trong thực tế lịch sử, khi Thiên chúa giáo được truyền sang phương Đông, từ buổi ban đầu những người lãnh đạo giáo hội và người phương Tây cho rằng tập tục thờ cúng tổ tiên của người phương Đông là một hủ tục, một hình thức thờ cúng ma quỷ, vi phạm những giá trị chuẩn mực của phương Tây về sự tôn thờ Thiên chúa, rõ ràng là trái với đức tin. Khi nhìn nhận các nền văn hóa của người thổ dân ở Châu Mỹ và Châu Phi các nhà thực dân phương Tây cũng xem họ như là những dân tộc man rợ và tự ban cho mình nhiệm vụ khai hóa những dân tộc ấy theo tiêu chuẩn văn minh của người phương Tây…
Ở Việt Nam, cũng do cách nhìn nhận văn hóa không theo tính tương đối mà chúng ta vấp phải một số ngộ nhận văn hóa và ảnh hưởng đến quá trình phát triển bền vững ở vùng các dân tộc ít người. Cụ thể các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, vốn có hình thức sinh hoạt “nương rẫy”, trước đây người đồng bằng cho rằng hoạt động kinh tế gắn với “nương rẫy” là du canh, du cư, là nguồn gốc của đói nghèo và lạc hậu ở các tộc người này. Nhưng thật ra, sinh hoạt kinh tế “nương rẫy” bắt nguồn từ vị trị địa lý mà họ sinh sống, hoạt động kinh tế này góp phần rất lớn cho việc bảo vệ môi trường, mọi sự xâm nhập và quy hoạch lại hoạt động kinh tế truyền thống của người bản địa đã làm cho các giá trị văn hóa truyền thống, môi trường, thảm sinh vật ở khu vực này nhanh chóng bị suy thoái…
Thuyết “tương đối văn hóa” xuất hiện ở Mỹ và đang phát triển mạnh mẽ ở phương Tây thay cho thuyết “vị chủng văn hóa” đã lỗi thời, mang nhiều tính bảo thủ, cực đoan. Thuyết “tương đối văn hóa” cũng đang du nhập và dần dần trở nên phổ biến trong giới nghiên cứu văn hóa ở các nước Châu Á, đặc biệt trong lúc nhân loại đang bước vào thời kỳ hậu hiện đại. Ở Việt Nam ngành văn hóa học, nhân học đang phát triển, thuyết “tương đối văn hóa” là một lý thuyết thực tiễn, phù hợp với nghiên cứu, nhìn nhận các nền văn hóa ở Việt Nam hiên đại, nhất là trong bối cảnh một quốc gia đa dân tộc thì lý thuyết này lại càng cần thiết.
… Đến phong tục mai táng người chết của người Chăm Ahier
Những bài viết liên quan đến phong tục đám tang của người Chăm gần đây của Xuân Hướng và trước đó là của Nguyễn Khiêm Tốn với những cách nhìn nhận tiêu cực và phiến diện về lễ tục này của người Chăm đã thể hiện một sự “vị chủng” trong nghiên cứu, nhận định về văn hóa của dân tộc Chăm. Các tác giả, không đứng trên quan niệm của chủ thể văn hóa, mà lấy những chuẩn mực, giá trị của người Việt để đánh giá các giá trị của văn hóa Chăm.
Đối với người Chăm việc lấy 9 mảnh xương trán (nam lẫn nữ, chứ không phải nữ 9, năm 7 như các tác giả ghi nhận) của người đã khuất, đẽo thành hình tròn nhỏ (các tác giả gọi là các đồng xu) rồi bỏ vào các hộp bằng kim loại gọi là Kloang (chứ không phải sành như tác giả ghi nhận) có ý nghĩa thiêng liêng của nó, mà bằng cảm quan của một người khác dân tộc thì đấy là hiện tượng lạ lùng và tiêu cực. Người Chăm Ahier cho rằng, khi một người chết đi thì phải hỏa táng, lấy tro cốt bỏ xuống biển, sông, hồ.. để tiêu hủy, trong quá trình ấy thi hài bốc cháy và tiêu tan, nhưng lại đại diện cho đứa trẻ sẽ được tái sinh ở kiếp sau (theo các văn bản Chăm), đấy cũng là một biểu hiện cho sự hủy diệt để tái tạo của thần Shiva (vị thần quan trọng trong Hindu giáo).
Nhưng, trong quá trình này, người ta không hỏa thiêu toàn bộ, mà giữ lại 9 mảnh xương trán, khắc thành hình tròn nhỏ và bỏ vào Kloang để lưu giữ với ý nghĩa giữ lại một phần ký ức với người thân, để con cháu tưởng nhớ, thờ phượng. Đồng thời việc giữ lại 9 mảnh xương trán (đại diện cho trí tuệ của người đã mất) lúc nào cũng hướng về với con cháu, sau đó được đưa vào nhập kut của dòng họ (mẹ), để cho người đã mất luôn hướng về tổ tiên, ông bà thể hiện truyền thống đạo lý, mối liên hệ với tổ tiên, gắn liền với truyền thống tộc họ, tập tục thờ cúng ông bà không chỉ của người Chăm, mà còn có trong văn hóa Việt.
Nó thể hiện sự thành kính của người đang sống giành cho người đã khuất, của con cháu giành cho tổ tiên. Là sự duy trì, nối tiếp giữa quá khứ và hiện tại, truyền thống và đương thời, hầu giáo dục con cháu thành kính đến tổ tiên, luôn hướng về tổ tiên để mà sinh sống, ứng xử cho phù hợp với truyền thống, đạo đức xã hội, làng xóm. Sự kính nể, sợ hãi tổ tiên và những người đã khuất luôn khiến cho người đang sống hướng thiện để được tổ tiên phù hộ, không bị trừng phạt, về mặt đạo đức và luân lý xã hội đây là một điểm tích cực.
Vậy thì, khi đánh giá tục lễ lấy xương trán trong tang lễ của người Chăm (Ahier) như một hủ tục, các tác giả đã cố tình làm “méo mó” văn hóa của dân tộc Chăm. Hủ tục là những tục lệ lạc hậu, lỗi thời, vi phạm thân thể, quyền con người…Nhưng tiếc thay, tục lệ lấy 9 mảnh xương trán của người Chăm không hề có những hiên tượng như trên, nó không làm tốn thời gian, tiền bạc, không gây độc hại, ô nhiễm môi trường, không vi phạm thân thể con người (người đang sống),…, mà hoàn toàn thể hiện giá trị nhân văn cao cả, mà như tôi đã đề cập ở trên. Khi nhận định lễ tục này là một hủ tục, rõ ràng các tác giả đã không đứng trên lập trường, quan điểm của chủ thể văn hóa, mà lại lấy lái chuẩn mực văn hóa của mình để đánh giá dân tộc khác, rồi tùy tiện kết luận “đúng”, “sai”, “văn hóa” và “phi văn hóa”, “đạo đức” và “vô đạo đức”.
Khi viết về văn hóa của dân tộc khác, dù không phải là những nhà nghiên cứu văn hóa, nhưng với tư cách là người ghi nhận, đánh giá về văn hóa các tác giả cần phải đứng trên bình diện của chủ thể văn hóa để nhìn nhận về giá trị văn hóa của dân tộc đó. Chính vì không nắm vững được được lý thuyết “tương đối văn hóa”, mang tính cảm quan và “vị chủng” văn hóa, mà các tác giả đã có những nhìn nhận sai lệch, phiến diện đối với văn hóa dân tộc Chăm, các tác giả đứng trên góc độ văn hóa Việt để nhìn nhận, đánh giá và xét đoán một cách ngờ nghệch, ngu xuẩn về các giá trị đạo đức, chân lý, thẩm mỹ trong lễ tục của người Chăm.
Khi đọc những bài viết này, chúng tôi có cảm tưởng, các tác giả chưa bao giờ chứng kiến đám tang của người Chăm một cách tường tận, hoặc chỉ điễn dã một cách qua loa, tường thuật sai lệch lời nói, phát biểu của các nhân chứng, rồi thêm thắt, thậm chí bịa đặt chúng cho phù hợp với ý hướng bóp méo, xuyên tạc thực tế của người viết báo. Những sai lầm, cẩu thả về kiến thức, chi tiết các nhân vật, sự kiện, các ngộ nhận, định kiến về quan điểm của các tác giả đã được nhà văn Inrasara và trước đó là anh Sohaniim, những người Chăm am tường về văn hóa mình, phê bình và phản bác, nên ở đây tôi không nói nữa. Cái mà tôi muốn hướng đến trong bài viết này là việc cảnh tỉnh về thực trạng của những người viết lách về văn hóa, nhưng lại không có đạo đức văn hóa, thiếu những hiểu biết tối thiểu về lý thuyết nghiên cứu và tiếp cận văn hóa tộc người, đặc biệt là thuyết “tương đối văn hóa.
Đây là một thực trạng đáng buồn và ngày càng trở nên phổ biến không chỉ trong giới báo chí, phóng viên về văn hóa, mà còn trong giới các nhà nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam, vì sự thiếu vắng việc nghiên cứu, tim hiểu và phổ cập thuyết “tương đối văn hóa” vốn đã thịnh hành ở phương Tây từ rất lâu. Chính hiện tượng này đã tạo nên tình trạng ngày càng xuất hiện nhiều bài viết, bài báo đề cập đến các tập tục truyền thống của các dân tộc thiểu số nhưng nhìn nhận nó như những hiện tượng tiêu cực, như các hủ tục, man rợ…
Thí dụ, trong văn hóa của người H’mông có phong tục kéo, bắt vợ, nhưng sự kéo, bắt vợ chỉ là hình thức, chứ không phải là hủ tục như một số nhà báo (không chịu khó thâm nhập thức tế), tục lệ này cho phép nam nữ có quyền tự do lựa chọn bạn tình, và họ đến chợ tình để thực hiện nghi thức, kéo, bắt vợ, cô gái giả vờ chống trả, sau đó thì có thể kết hôn với nhau và thủ tục cưới xin không có thách cưới như một số người hiểu nhầm… đây là một tục lễ rất nhân bản, mà một người không am hiểu văn hóa H’mông có thể dễ dàng đánh giá nó như một hủ tục lạc hậu.
Gần đầy nhất, một số bài báo lại viết về cái gọi là tục “ngủ mái” của người Thổ ở Như Xuân, Thanh Hóa, đăng trên báo người lao động của T.Minh-T.Hóa. Nhưng sau đó đã bị sự phản ứng dữ dội vì cộng đồng người Thổ vốn không có tập tục “ngủ mái” này, đây là một cách làm việc tùy tiện của một số nhà báo khi viết về văn hóa tộc người, xúc phạm nghiêm trọng đến bản sắc văn hóa, danh dự của người dân tộc Thổ, làm ảnh hưởng đến giá trị thuần phong mỹ tục không những của cộng đồng dân tộc Thổ tại huyện Như Xuân nói riêng mà còn ảnh hưởng đến giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện nói chung.
Kết luận
Văn hóa là một giá trị tự thân, mỗi dân tộc có một cách nhìn nhận, ứng xử văn hóa riêng, việc áp đặt sự nhìn nhận và ứng xử của nền văn hóa này với nền văn hóa kia là một hình thái của chủ nghĩa “thực dân” văn hóa, nó sẽ dẫn đến những tiêu cực của cộng đồng, xã hội khi nhìn về một nền văn hóa khác biệt. Lỗi của hiện tượng này, bắt nguồn từ các nhà nghiên cứu và viết lách về văn hóa, chính những cảm nhận chủ quan của họ sẽ tác động và ảnh hưởng đến đông đảo đại chúng và tạo nên những ngộ nhận, hiểu nhầm về văn hóa. Một nhà nghiên cứu hay viết lách nghiêm túc và có trách nhiệm, không bao giờ đưa ra quan điểm về một nền văn hóa, khi họ không từng là một phần của nền văn hóa ấy, để viết về người Mnông Gar, nhà dân tộc học G. Condominas phải là từng là “người con” của làng Sar Luk (làng của người Mnông Gar); để viết về người Tây Nguyên, J. Dournes, phải từ bỏ Paris “hoa lệ”, dấn thân vào tộc người, đi chân trần, đóng khố, ở nhà sàn và nói một thứ tiếng “bản địa”, sống chung và như một người Tây Nguyên suốt nhiều năm…
Trong bối cảnh của một đất nước Việt Nam đa dân tộc, đa văn hóa, việc các nhà nghiên cứu, bình luận văn hóa cần đánh giá nền văn hóa của dân tộc theo tính “tương đối văn hóa” là một đòi hỏi, nhu cầu hết sức chính đáng và hợp thời. Trong mỗi nền văn hóa, mỗi dân tộc có những giá trị, những biểu cảm, những hình thức thể hiện và thực hành tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, tùy theo niềm tin, nhân sinh quan, giá trị đạo đức và thẩm mỹ của mỗi dân tộc. Thế cho nên những nhận định mang tính phê phán như “lạc hậu”, “mê tín” hay “hủ tục” đối với một nền văn hóa hay một các thức thực hành văn hóa luôn cần được nghi vấn, bởi lẽ nó đang được so sánh với một nền văn hóa khác, trong cảm quan của một người ngoại tộc, luôn đề cao tinh thần “vị chủng văn hóa”, hay được nhìn nhận từ một hệ giá trị khác một cách khiên cưỡng.
Cuối cùng, trở lại các bài viết ấy, tôi thấy rằng các tác giả đã cố tách mình ra khỏi quan điểm của tộc người. Ngay trong bài viết của mình, tác giả Xuân Hướng, khi phỏng vấn TS. Phan Quốc Anh, một nhà quản lý văn hóa đồng thời là người nghiên cứu về phong tục tang ma của người Chăm Ahier, đã viết: “Người Chăm cho rằng những mảnh xương sọ theo thời gian đã bị mục nát, nên việc nhập Kut là tạo ra sự bền vững, niềm tìn về sự vĩnh hằng và bất tử của con người. Con người dù chết đi nhưng vẫn luôn luôn tồn tại bên cạnh người thân và gia đình”. Những động thái văn hóa bắt nguồn từ những nhận thức, quan niệm nhân văn như thế này, lại bị tác giả xem như “Tập tục lạ, dị biệt này cần phải sớm được chất dứt, để phong tục về thờ cúng ma chay ngày càng văn minh hơn. Đây cũng là câu hỏi đặt ra cho các ngành chức năng”. Thế thì tôi cũng tự đặt câu hỏi, đâu là tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm và “tương đối văn hóa” của một người viết bài về một nền văn hóa?
JASHAKLIKEI
Panduranga, 7/2015
Độc giả gởi bài qua info@nguoicham.com
Total votes: 0
bbt@nguoicham
User not write anything about he.
Be the first person to like this.