Cham Blogs
On December 21, 2015 in Tin cộng đồng /
Bút ký - Truyện /
Tổng hợp /
0
Rating
130
views
0
Likes
0
Comments
Có thể nói năm 2015 là năm thành công nhất của Thanh Niên Champa hải ngoại kể từ khi rời bỏ quê hương đến định cư tại Hoa Kỳ sau năm 1975. Cách đây không lâu, vào ngày 24/5/2015, một Nhóm Thanh Nữ Chăm đứng ra tổ chức Đại Hội Thanh Niên Champa thật hoành tráng tại trường Đại Học UC Davis California, với chủ đề Hồi Sinh Champa - Tiếp nhận những di sản quí báu của tổ tiên từ quá khứ đến tương lai (Pahadiip Champa - Taduel krân krung krâc muk-kei mâng kal tel harei hadei). Thành quả nổi bật của Đại Hội là thu hút đông đảo người Chăm đến tham dự, trong đó có người từ Pháp quốc, Campuchia, Việt Nam và khắp các tiểu bang Hoa kỳ. Điều cảm động nhất là đồng hương Chăm ba vùng: Campuchia, Châu đốc và Pandurangga lần đầu tiên trong lịch sử được ngồi chung trong một hội trường, có cơ hội làm quen với nhau và xác nhận chúng ta cùng nòi giống, cùng nguồn gốc văn hóa, lịch sử, nhưng bị ngăn cách địa lý trên 183 năm bởi hoàn cảnh điêu tàn của Vương quốc Champa (1832-2015). Đại Hội còn mang đến cho giới trẻ Chăm một ấn tượng sâu sắc về lịch sử và nền văn minh Champa rực rỡ, tỏa sáng một thời ở vùng Đông Nam Châu Á. Sau đây là một số hình ảnh sinh hoạt trong ngày Đại Hội Thanh Niên Champa tại Trường Đại Học UC Davis, California để qúi độc giả cùng chia sẻ.
Kế đến, vào đầu tháng 10 năm 2015, chúng tôi lại nhận được thư mời tham dự Đại Nhạc Hội Champa sẽ tổ chức tại thành phố San Jose, California vào ngày 28 tháng 11 năm 2015 của Ban Thanh Niên Thiện Chí Chăm làm cho chúng tôi thật phấn khởi, không biết đây là sự thật hay chỉ là quãng cáo thương mại. Không riêng gì Nhóm Cựu Học Sinh Poklaong (Hoa Kỳ) chúng tôi hồi hộp đón chờ đêm Đại Nhạc Hội Champa, nơi nào có đồng hương Chăm sinh sống chúng tôi đều nghe họ bàn đến Đại Nhạc Hội Champa. Đồng hương Chăm tại Hoa Kỳ mong mỏi Đại Nhạc Hội Champa như nông dân Chăm ở quê nhà trông ngóng những cơn mưa đầu mùa để tưới mát cho những cánh đồng lúa khô hạn; họ mong đến dự Đại Nhạc Hội để được thưởng lãm những lời ca tiếng hát bằng lời Chăm thân thương ngọt ngào như lời mẹ ru khi lọt lòng, họ đến với Đại Nhạc Hội để được gặp lại anh em bạn bè sau bao nhiêu năm xa cách. Dưới đây là một số hình ảnh và cảm xúc ghi lại trong Đêm Đại Nhạc Hội Champa và Kỷ Niệm 50 Năm Thành Lập Trường Trung Học Poklaong để quí độc giả, quí đồng hương xa gần không có cơ hội tham dự Đại Nhạc Hội Champa cùng chia sẻ, đặc biệt kính tặng bài viết này cho anh chị em thân hữu cựu học sinh Poklaong ở quê nhà.
Hằng năm cứ độ tuần lễ thứ tư của tháng 11 Dương Lịch, nhân dân Hoa Kỳ lại rộn ràng lên để chuẩn bị đón mừng ngày Lễ Tạ Ơn. Đồng hương Chăm tại Hoa Kỳ cùng hòa nhịp chia sẻ niềm vui chung với dân bản xứ, tổ chức tiệc Thanksgiving tại gia đình như mọi năm. Đặc biệt trong dịp Lễ Tạ Ơn năm nay, Ban Thanh Niên Thiện Chí Chăm tự nguyện tổ chức Đại Nhạc Hội Champa (Adaoh Tamia Riya Champa) với chủ đề Đêm Tạ Ơn (Malam ndua phuel) vô cùng ngoạn mục tại thành phố San Jose, California Hoa kỳ. Đồng hương Chăm đến xem khá đông từ khắp các thành phố, các tiểu bang Hoa Kỳ như: New York, Washington, Alaska, Seattle, Oregan, Los Angeles, Sacramento, San Francisco, Modesto, v.v… . Họ đến Đại Nhạc Hội với tấm lòng tạ ơn đất nước Hoa Kỳ, nơi đã và đang cưu mang họ trên bước đường tìm tự do; tạ ơn Ông Bà và Tổ Tiên, nơi mà họ đã cất tiếng khóc chào đời; tạ ơn các Ca Nhạc Sĩ Chăm đã cống hiến những lời ca tiếng hát cho Đời, cho dân tộc Champa được sinh sôi, phát triển và tồn tại đến ngày nay. Trong không khí thật vui tươi đầm ấm của Đêm Đại Nhạc Hội Tạ Ơn, khán giả được Ban Tổ Chức trình chiếu slideshow hình ảnh các Ca Nhạc Sĩ Chăm quen thuộc có những nhạc phẩm để đời như Ông Đàng Năng Quạ với các bài hát “Bhum Adei”, “Khik Bhum Pasai”; Ông Jaya Mưrang với bài hát “Harei Pataom Mbaok”; Ông Châu Văn Kên với bài hát “Jalan Nao”; Ông Quảng Đại Tựu với bài hát “Kak Tian Ka Anâk Nao Bac”; Ông Amưnhân với bài hát “Sep Gineng Harei Katé”. “Gặp Em Đêm Hội Ramưwan”; ngoài ra MC còn giới thiệu nhiều đến các Ca Nhạc Sĩ nổi tiếng khác như Chế Linh và Từ Công Phụng, v.v.v…Khi nhìn lại những hình ảnh các Ca Nhạc Sĩ thân quen làm cho chúng tôi chạnh nhớ đến thời gian còn ngồi ghế học đường dưới mái Trường Trung Học Poklaong, nơi đã để lại trong tâm khảm chúng tôi biết bao nhiêu kỷ niệm thời còn là học sinh; nhớ những ngày tháng tập dợt văn nghệ cho lớp, cho trường để thi đua với các lớp bạn, hay với các trường khác trong tỉnh dưới sự hướng dẫn của Thầy Giáo kiêm Ca Nhạc Sĩ Đàng Năng Quạ. Giờ đây Thầy đã thành người thiên cổ.
Mặc dầu tất bật với đời sống hàng ngày của xã hội Mỹ, một số anh chị em thanh niên nam nữ đã vượt qua mọi khó khăn để hội thảo, tập dợt văn nghệ hàng đêm trong thời gian chưa đầy hai tháng để cống hiến một chương trình ca múa nhạc Champa thật hấp dẫn đầy màu sắc dân tộc. Khán giả như bị cuốn hút vào dòng chảy văn nghệ từ đầu đến cuối mà không muốn ra về. Từ MC duyên dáng Ngọc Minh với chất giọng thánh thót trong sáng, đến MC Bá Trung Thiệu, Lưu Quang Sáng điển trai với chất giọng trầm ấm ngọt ngào, giới thiệu chương trình cả tiếng Chăm lẫn tiếng Việt rất lưu loát và chuyên nghiệp chẳng kém gì MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên và Nguyễn Ngọc Ngạn của Trung Tâm Paris By Night. Các diễn viên nam nữ mặc áo truyền thống Chăm thật xinh đẹp và đầy ấn tượng. Ban Đạo Diễn đã chọn những bài hát Chăm thật đặc sắc và phong phú. Ca sĩ nào hát cũng hay; theo cảm xúc riêng của chúng tôi ba bài hát hay và gây xúc động nhiều nhất là bài hát “Bangsa Champa”, một sáng tác của Ca Nhạc Sĩ trẻ Qasim Từ, do toàn ban hợp ca; bài hát “Sep Hari Bhum Cam” của Ca Nhạc Sĩ Đàng Năng Quạ, được trình bày bởi Ca Sĩ Chế Mỹ Lan và bài hát “Harei Pataom Mbaok” của Nhạc Sĩ Jaya Mưrang do Ca Sĩ Phú Bình Khả trình bày. Về các bài múa, chúng tôi nhận thấy múa “Ndua Buk” (Đội Buk) thật dễ thương và duyên dáng, riêng màng múa nam nữ giao duyên cuối cùng cũng rất sống động và vui nhộn, tiếc rằng trang phục nam chưa được xinh đẹp cho lắm.
Chương trình Đại Nhạc Hội kéo dài khoảng 3 tiếng rưởi đồng hồ, bắt đầu vào khoảng 6:00 tối đến 9:30 tối thì kết thúc, mọi người ra về nhưng lòng còn vấn vương không biết bao giờ lại được xem Đại Nhạc Hội Champa lần 2. Qua đêm Đại Nhạc Hội Champa đầu tiên, đồng hương Chăm phải thừa nhận là chương trình rất thành công và cảm ơn Ban Tổ Chức đã tạo cơ hội cho người Chăm đến với nhau bằng tình tự dân tộc, quên đi mọi dị biệt bất đồng, thông cảm, thuận hòa và coi nhau như anh em một nhà, cùng hướng về mục tiêu chung là xây dựng một Cộng Đồng Champa lành mạnh và phát triển.
Chương trình ca múa nhạc Đêm Tạ Ơn vừa chấm dứt, Ban Tổ Chức Đại Nhạc Hội Champa kính mời toàn thể đồng hương Chăm cùng các anh chị cựu Học Sinh Poklaong (Hoa Kỳ) đến tiền đình của hội trường để làm Lễ Kỷ Niệm 50 Thành Lập Trường Trung Học Poklaong. Đây cũng là lần đầu tiên Thầy Trò cựu học sinh Trường Trung Học Poklaong có cuộc hội ngộ ngắn ngủi với sự tham dự của hai thầy cũ Thành Phú Bá và Lưu Quang Sang. Mọi người tay bắt mặt mừng, tràn trề niềm vui, nước mắt rưng rưng cố nén nỗi cảm xúc dâng trào về cuộc tương phùng không hẹn mà đến. Thầy trò vui vẻ thăm hỏi, bạn bè hớn hở trò chuyện, quyến luyến nhau như không muốn tách rời. Hai thầy nay đã già, chẳng bao lâu nữa sẽ bước vào hạng U80. Còn các bạn đồng môn chúng ta ai cũng đã lên chức Ông Nội, Bà Ngoại cả rồi. Vui quá các bạn nhĩ!
Sau đó các trò mời thầy đứng chụp hình chung dưới tấm biểu ngữ ghi rõ dòng chữ akhar thrah : "50 Thun Pahader Nâm Krung Sang Bac Poklaong" (Kỷ Niệm 50 Năm Thành Lập Trường Trung Học Poklaong: 1965-2015). Bao nhiêu người chụp hình, quay phim thi nhau bấm nút, ánh sáng nhấp nháy liên hồi như tia chớp đầu mùa mưa. Bà con Chăm đứng bao quanh reo hò, vỗ tay chào mừng cảnh thầy trò Poklaong đứng dưới tấm biểu ngữ gợi bao thương nhớ về dĩ vãng của một ngôi trường mà hình ảnh luôn luôn hiện diện trong tâm thức người Chăm. Mặc dù một nửa thế kỷ đã trôi qua, hình ảnh đó vẫn chưa phai nhòa bởi nhiều lý do :
-Thứ nhất : Nhà trường được vinh dự mang tên một vị vua anh minh của Vương Quốc Champa : Poklaong Girai, gọi tắt là Poklaong. Ngài là vị vua tài ba, kinh bang tế thế, triều chế vững mạnh, dân tình no ấm thanh bình. Kỳ tích sáng chói liên quan đến đức vua để lại cho hậu thế là cụm đền tháp mang tên ngài đang đứng sừng sững trên ngọn đồi trầu (Mbon hala) gần Palei Cang và đập nước nổi tiếng Nha Trinh, mang nước tưới khắp cánh đồng Ninh Thuận, nuôi sống dân cư địa phương hằng bao thế kỷ qua.
- Thứ hai : Trường Poklaong được xem như một trung tâm đào tạo đông đảo trí thức Chăm. Đa phần họ là những người thành đạt hôm nay, đang sinh hoạt trên nhiều địa bàn trong nước dưới nhiều ngành nghề khác nhau như :Tiến Sĩ Giảng Viên Đại Học; Nhà Văn, Nhà Thơ đang sinh hoạt trong hàng ngũ văn học Việt Nam; Họa Sĩ, Nhạc Sĩ có tiếng tăm; Bác Sĩ, Nha Sĩ, Dược Sĩ đang hành nghề khắp nơi. Có người làm Đại Biểu Quốc Hội, Chánh Án Tòa Án Nhân Dân; nhiều người làm Giáo Viên và Hiệu Trưởng các trường trung và tiểu học.
- Thứ ba : Trường Poklaong là cơ quan phát hành Tập San Chăm đầu tiên với tên gọi Ước Vọng (Caong Takrâ). Trong đó có nhiều trí thức Chăm tham gia viết bài với nội dung phong phú, đề cập đến nhiều vấn đề văn hóa, xã hội Chăm. Đặc biệt những bài viết bằng chữ Chăm truyền thống (akhar thrah) rất được các chú bác lớn tuổi ưa thích. Mãi về sau này mới có những Tập San do người Chăm làm chủ như tờ Panrang, Tagalau phát hành trong nước; tờ Vijaya, Champaka phát hành ở hải ngoại.
- Thứ tư : Có sự trùng hợp khá lý thú giữa hoàn cảnh Trường Poklaong và thân phận Vua Poklaong Girai. Theo truyền thuyết, nhà vua xuất thân từ đứa bé mồ côi mẹ rất sớm, sống với ông bà nuôi nghèo khổ. Ban ngày Ông Bà phải đi mò cua bắt ốc nuôi cháu lớn lên từng ngày, ban đêm ẵm cháu đi xin bú nhờ ở các bà mẹ láng giềng. Ngài trưởng thành do nỗ lực vượt qua mọi khó khăn của hoàn cảnh và đạt được danh vọng vẻ vang bằng ý chí tự lực tự cường. Trường Poklaong cũng tương tự như thế, sinh ra trong hoàn cảnh côi cút, thiếu thốn mọi thứ: lớp học không có, thầy giáo không có, tiền bạc cũng không. Ông Chính phủ chỉ cấp tờ giấy phép thành lập trường và đề cử một ông Quản Đốc trông coi rồi phủi tay, chẳng ngó ngàng tới nữa. May mà có Cộng Đồng Chăm, đủ mọi thành phần, dang tay nâng đỡ nhà trường từng bước đi lên. Bên cạnh đó, không thể bỏ qua sự nỗ lực làm việc của thầy trò trường Poklaong. Thấm nhuần câu châm ngôn: " Sinh hoạt tự túc, Kỷ luật tự giác, Tháo vác tự cường" do nhà trường đề ra, học sinh Poklaong tỏ ra rất xuất sắc trong công tác tự điều hành mọi sinh hoạt của nhà trường. Họ đã lấy câu châm ngôn này làm kim chỉ nam xuyên suốt trong quá trình học tập và rèn luyện nhân cách, đồng thời cũng là hành trang mang theo trong cuộc sống sau này. Có thể khẳng định rằng: Trường Trung Học Poklaong sở dĩ đạt được những thành quả tốt đẹp trong sự nghiệp giáo dục của mình là do hai yếu tố: Sự nỗ lực làm việc của thầy trò trường Poklaong cộng với sự yểm trợ tích cực của đồng bào Chăm.
Trường Trung Học Poklaong được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cho phép thành lập và hoạt động kể từ năm 1965. Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, chế độ Miền Nam được thay thế bởi chế độ Cộng Hòa Xã Chủ Nghĩa Việt Nam, kể từ đó Trường Trung Học Poklaong đã bị giải thể và xóa tên, thay vào đó một tên khác rất xa lạ với đồng bào Chăm. Năm mươi năm trôi qua, Trường Poklaong chỉ còn lại là những hoài niệm trong ký ức của người Chăm vong quốc. Không biết đến bao giờ Chính Quyền Việt Nam hiện hành xót thương cho hậu duệ Champa còn sống xót sau cuộc tàn sát của Vua Minh Mạng đối với dân tộc Chăm vào những thập niên của năm 1830, để khôi phục lại tên trường Poklaong cho Đồng Bào Chăm?!
Trên đây là vài cảm nghĩ về Trường Poklaong sau 50 năm nhìn lại. Nhân dịp Lễ Tạ Ơn và Kỷ Niệm 50 Năm Thành lập Trường Poklaong, chúng tôi xin mãn phép thay mặt toàn thể cựu học sinh Poklaong, kính dâng lời cảm tạ đến quý thầy cũ Trường Trung Học Poklaong nói chung, đặc biệt các thầy Thành Phú Bá, thầy Đàng Năng Quạ (đã mất), thầy Lưu Quang Sang và thầy Nguyễn Văn Tỷ luôn luôn sát cánh, đồng hành với nhà trường từ khi thành lập đến lúc giải thể; đến thầy Jay Scarborough (người Mỹ) từng tận tụy dạy học và giúp đỡ nhà trường rất nhiệt tình; đến Đoàn Thanh Niên Thiện Chí Chăm, tiêu biểu là Đoàn Trưởng Quảng Văn Đủ (tức Tiến Sĩ Po Dharma) đã làm việc cật lực không kể thời gian. Ban ngày giúp xây dựng nhà nội trú, nhà vệ sinh, đào giếng v.v.v…, ban đêm hướng dẫn học sinh học tập, làm bài; đến Cựu Thiếu Tá Dương Tấn Sở, một vị ân nhân khả kính, đóng góp công lao to lớn trong việc hình thành và phát triển Trường Trung Học Poklaong; đến các bậc phụ huynh, bà con Chăm các thôn đã ủng hộ tiền bạc xây dựng ngôi trường hai tầng lầu xinh đẹp, nhưng rất tiếc ngày nay đã bị xóa hết dấu tích.
Chúng tôi biết các bạn trong nước không dễ dàng gì tập họp nhau làm Lễ Kỷ Niệm 50 Năm Thành Lập Trường Poklaong thân yêu của chúng ta. Thôi thì, chúng ta lên mạng gặp nhau, mặc sức tâm tình, kể chuyện Poklaong ngày xưa, chia sẻ những kỷ niệm vui buồn của một thời đầy ắp mộng mơ. Chúng tôi đề nghị các bạn mạnh dạn lập hồ sơ xin chính quyền Tỉnh Ninh Thuận cho phép thành lập Hội Thân Hữu Cựu Học Sinh Poklaong để chúng ta có ngôi nhà chung sinh hoạt, lâu lâu gặp nhau tâm sự, trao đổi, học hỏi, giúp nhau thăng tiến cuộc sống. Hy vọng chính quyền sẽ không hẹp hòi, phân biệt đối xử với tổ chức xã hội dân sự này. Chúc các bạn thành công.
Qua ba sự kiện nêu trên do thanh niên Chăm hải ngoại thực hiện trong năm 2015 là điểm son đáng hoan nghênh. Hy vọng thành tích này là tiếng gọi đàn để giới trẻ Chăm đứng lên, nắm tay nhau tiến bước trên con đường Hồi Sinh Champa (Pahadiip Champa).
theo Champaka.info |
Total votes: 0
admin
User not write anything about he.
Be the first person to like this.