• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
0 Rating 644 views 0 Likes 0 Comments

Ngô Viết Trọng

Bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng được hình thành với một quá trình gần giống nhau. Bắt đầu là những bộ lạc nhỏ ở kề cận nhau, vì nhu cầu nào đó mà hợp lại với nhau hoặc thôn tính lẫn nhau. Dần dần các bộ lạc nhỏ yếu biến mất và các bộ lạc mạnh trở thành những tập thể xã hội lớn hơn gọi là “nước”. Các xã hội ngày xưa cứ thế mà diễn tiến như là một việc tất nhiên. Điển hình như nước Trung Hoa ngày nay là một tập hợp của hàng vạn nước nhỏ tạo nên!

Xã hội Việt Nam cũng là một quần thể gồm nhiều dân tộc có tiếng nói, phong tục tập quán khác nhau hợp lại. Trong đó Việt tộc (người Kinh) chiếm đa số. Về lãnh thổ, Việt Nam là một dải đất hình chữ S nằm ven Biển Đông, chạy dài từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu. Để tạo dựng được một giang sơn như thế, Việt Nam không thể tránh khỏi việc phải thôn tính hoặc xâm lấn đất cát của một số nước láng giềng! Đó là công việc của người xưa đã phải làm để tồn tại.
Trên dải đất hình chữ S Việt Nam hiện nay vẫn tồn tại nhiều chùa miếu, lăng mộ, đền tháp lâu đời của các dân tộc thiểu số nằm rải rác khắp nơi. Nổi bật là những dấu tích thành trì, những ngôi tháp cổ biểu tượng cho nền văn minh cổ của dân tộc Chiêm Thành ở miền Trung. Đặc biệt là khu Thánh địa Mỹ Sơn ở Quảng Nam đã được tổ chức quốc tế UNESCO chọn là một trong các di sản văn hóa thế giới.
Khu Thánh địa Mỹ Sơn đã ghi lại dấu tích một thời vàng son của dân tộc Chiêm Thành. Thời Việt Nam còn nằm dưới ách Bắc thuộc, Chiêm Thành – tên cũ là Lâm Ấp rồi Hoàn Vương – đã nhiều phen gây bối rối cho Trung Hoa qua những vụ tranh chấp lãnh thổ, ngăn cản bước bành trướng của đế quốc to lớn này. Rất nhiều viên thứ sử, thái thú, huyện lệnh tàn ác của Trung Hoa đã mất đầu dưới tay người Chiêm. Người Chiêm cũng từng đánh vào các nước Mã Lai, Java, Chân Lạp, có lần còn đột kích luôn vào cả đảo Hải Nam để cướp ngựa nữa. Nói chung dân tộc Chiêm Thành đã có một quá khứ oanh liệt chẳng kém ai!
Ngày nay thì người Chiêm đã trở thành thiểu số trong cộng đồng Việt Nam. Trong bài “Tìm Hiểu Cộng Đồng Người Chăm Tại Việt Nam”, Tiến sĩ Dân tộc học Nguyễn Văn Huy có đoạn viết:
“Nhiều người sẽ hỏi dân số vương quốc Chiêm Thành xưa bây giờ ở đâu? Không lẽ họ đã bị tiêu diệt hết sao? Con số 100.000 người Chăm tại Bình Thuận và Châu Đốc có phản ánh đúng sự thật không?
Câu trả lời là dân chúng gốc Chăm vẫn còn nguyên vẹn. Người Chăm đồng bằng không đi đâu cả, họ đã ở lại trên lãnh thổ cũ tại miền Trung và với thời gian đã trở thành công dân Việt Nam một cách trọn vẹn. Có thể nói không một người Việt Nam nào sống lâu đời tại miền Trung mà không mang ít nhiều dòng máu Champa trong người. Điều này cũng rất dễ khám phá, ít nhất là về hình dáng: da ngăm đen, vai ngang, mặt vuông, tóc dợn sóng, vòm mắt sâu, mắt bầu dục hai mí, mũi cao, môi dầy, miệng kín. Cũng không phải vô tình mà cách phát âm của người miền Trung khác hẳn phần còn lại của đất nước, với nhiều âm sắc thấp của người Champa. Đó là chưa kể những danh từ có nguồn gốc Champa. Cũng không phải tình cờ mà các điệu múa hát của người Chăm trở thành những điệu múa hát trong cung đình và ngoài dân gian thời Nguyễn. Nêu ra một vài trường hợp cụ thể trên để chứng minh một điều: dân cư vương quốc Champa cũ đã hội nhập hoàn toàn vào xã hội Việt Nam. Nhắc lại quá khứ của người Chăm cũng là nhắc lại quá khứ của cộng đồng người Việt tại miền Trung nói chung.”
Lời nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy chắc không xa thực tế mấy. Những cuốn Việt sử xưa nhất đều có chép vụ tháng giêng năm Ất Tị (1365) quân Chiêm đã bắt hàng trăm thanh thiếu niên nam nữ của Đại Việt đang vui chơi Hội Xuân ở đất Bà Dương (Hóa Châu) đem về nước! Bắt về để làm gì? Nếu muốn giết đám trẻ đó, người Chiêm đủ khả năng để giết tại chỗ mà! Tiếp theo, mỗi lần Chế Bồng Nga sang đánh Đại Việt thắng trận lại bắt về không biết bao nhiêu thiếu nữ và đàn bà trẻ để làm gì nếu không phải là làm quà ban thưởng cho các quan quyền làm thê thiếp hay nô lệ? Tới năm Nhâm Ngọ (1402), nhà Hồ chiếm được xứ Động Chiêm và Cổ Lũy của Chiêm Thành, đưa lính tráng vào trước để khai khẩn đất đai tính chuyện ăn ở lâu dài. Thế nhưng năm sau, khi đưa vợ con những người này vào để đoàn tụ gia đình bằng thủy lộ, không may lại gặp bão đánh chìm thuyền bè, hầu hết số người này đều bị chết đuối. Vậy, những người lính làm di dân không may ấy sẽ tìm vợ ở đâu nếu không phải là những đàn bà Chiêm Thành? Tới thời Trịnh Nguyễn phân tranh, các chúa Nguyễn còn đưa bao nhiêu đợt tù binh bắt được của họ Trịnh vào khai khẩn đất Chiêm Thành nữa, họ cũng phải lập gia đình chứ? Nhưng họ dễ gì kiếm được đàn bà Đại Việt khi đang ở trên đất Chiêm!
Thực tế như ở Thừa Thiên – Huế, chỉ điểm sơ ở các làng Vân Thê (xã Thủy Thanh), La Vân (La Chữ), An Mỹ (Thế Lại Thượng) đã có nhiều cư dân mang họ Chế. Hỏi dân địa phương họ ước tính người họ Chế trong ba làng đó đã lên tới vài ngàn người. Đó là chưa nói đến các họ khác mà vua Minh Mạng đã ban cho những người Chiêm trên toàn quốc: Bá, Đàng, Hứa, Lưu, Hán, Lộ, Mã, Châu, Ngụy, Từ, Tạ, Thiên, Ức v.v…
Đến đây thiết tưởng cũng nên nói sơ về vấn đề “Họ” của người Chiêm một chút:
Ngày xưa người Chiêm chưa có họ. Những người đã đạt được một địa vị quan trọng trong xã hội thường tự chọn tên một vị thần, một vị thánh, một vị vua danh tiếng, một đấng anh hùng mình tôn sùng ghép vào tên mình để tăng thêm vẻ tôn quí. Như chữ “Chế”, chữ “Trà” đứng trước tên người mang ý nghĩa như một biểu tượng về một tước vị, một giai cấp cao sang hoặc để “thiên mệnh hóa” cái địa vị đương thời của người ấy. Sau này một số người Chiêm đầu hàng các vua Việt mới được các vị vua ấy ban “họ chính thức” theo ý nghĩa Việt Nam.
Đến đời vua Minh Mạng thì nước Chiêm bị sát nhập hẳn vào Việt Nam. Vua Minh Mạng đã bắt buộc những người Chiêm chưa có họ đều phải nhận cho mình một họ trong danh sách các họ do vua chỉ định để triều đình tiện việc thống kê hộ tịch.
Ngày nay dân tộc Chiêm đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng Việt Nam, lãnh thổ cũ của Chiêm Thành cũng đã trở thành một phần lãnh thổ Việt Nam. Vậy ta có thể coi lịch sử Chiêm Thành như một phần của lịch sử Việt Nam không? Sao lại không được nhỉ? Làm sao phủ nhận được sự liên can lịch sử của triều đại Chế Bồng Nga nước Chiêm Thành với lịch sử thời Trần mạt của Đại Việt? Người viết nghĩ cộng đồng Việt Nam cũng có thể hãnh diện với lòng chung thủy, dám hi sinh mạng sống của mình để giữ tròn trinh tiết với chồng của một vương phi Mỵ Ê, hãnh diện với những công trình văn hóa mà dân tộc Chiêm đã để lại cho đất nước Việt Nam lắm chứ!
Còn nữa, nói tới dân tộc Chiêm mà quên nói tới vị vua anh hùng Chế Bồng Nga là một điều thiếu sót! Đó là một vị anh hùng đúng nghĩa, anh hùng chính hiệu!
Sở dĩ người viết phải nhấn mạnh điểm anh hùng đúng nghĩa, anh hùng chính hiệu vì ngày nay người ta hay lạm dụng danh hiệu anh hùng quá đáng như anh hùng diệt tăng, anh hùng sản xuất phân xanh, anh hùng lao động v.v…! Danh hiệu này được dùng như một phần thưởng để ban phát một cách vô tội vạ! Điều mỉa mai là vẫn có lắm kẻ mê say nó đến quên mạng! Người viết còn nhớ hồi ở tù cải tạo, có một số bạn tù đói thắt ruột nhưng khi ra lao động vẫn cố gắng cuốc đất tối đa để cuối tuần được bầu làm “anh hùng lao động”! Lạm dụng đến nỗi có người phải than ngày nay là thời đại “ra ngõ gặp anh hùng”!
Vậy, phải như thế nào mới xứng đáng là anh hùng chính hiệu?
Theo nghĩa nguyên gốc thì anh là vua loài hoa, hùng là vua loài thú. Ngay chữ “anh” đã tự nó xác định cái ý nghĩa đẹp đẽ, thơm tho, tinh khiết của chính nó! Chữ “hùng” thì mang ý nghĩa sức mạnh, khả năng, lòng quả cảm, sự khôn khéo, sự chiến thắng…
Hai chữ này đi chung với nhau nó trở thành tiếng kép để chỉ hạng người vượt trội những người khác về mặt tài năng hay đức độ, tạo nên được những thành tích phi thường có lợi cho nhân quần xã hội, ít nhất họ cũng để lại được một tấm gương sáng đẹp cho người đời soi chung.
Từ ngữ anh hùng thường chỉ dùng giới hạn trong phạm vi một dân tộc, một đất nước, một liên bang thôi. Không nghe ai nói tới anh hùng quốc tế bao giờ! Để được gọi là anh hùng chính hiệu, nhân vật đó phải được dư luận quốc dân gạn lọc qua một thời gian dài mới định được!
Trong bộ sách “Tam Quốc Chí” của văn hào La Quán Trung, ở hồi thứ 21, có đoạn Tào Tháo uống rượu luận anh hùng với Lưu Bị nghe rất lý thú, xin lược lại như sau:
Trong khi uống rượu, Tào Tháo hỏi Lưu Bị có biết anh hùng trong thiên hạ đời nay là ai không? Lưu Bị đã nêu lên một số người đang có danh vọng, đang cát cứ một phần lãnh thổ của nước Trung Hoa đương thời, nhưng tất cả đều bị Tào Tháo bác đi. Tào Tháo cho Viên Thuật là nắm xương khô trong mả, Viên Thiệu thì mặt bạo mà gan non, thấy của thì quên mệnh, Lưu Biểu chỉ có hư danh mà không có thực tài, Tôn Sách thì dựa vào uy danh của cha, Lưu Chương là chó giữ nhà, Trương Tú, Trương Lỗ, Hàn Toại… là đám tiểu nhân lúc nhúc không đáng đếm xỉa. Tiếp đó Tào Tháo dõng dạc nói: “Người anh hùng ấy à? Anh hùng phải là người nuôi chí lớn trong tim óc, lại phải có mưu cao kế giỏi, có tài bao tàng cả máy Vũ Trụ trong lòng, có chí nuốt Trời mửa Đất, ấy mới đáng mặt anh hùng chứ!”. Lưu Bị hỏi lại: “Ai là người đáng mặt như thế?”. Tào Tháo không còn úp mở nữa, chỉ thẳng vào Lưu Bị rồi lại chỉ vào mình mà nói: “Anh hùng trong thiên hạ đời nay chỉ có sứ quân và Tháo!”. Lưu Bị nghe rụng rời cả chân tay, đôi đũa ông đang cầm cũng rơi xuống đất…
Theo cách luận này thì muốn làm anh hùng quả thật là khó!
Mạc Đăng Dung là một tướng có tài, khi triều Lê suy yếu, loạn lạc khắp nơi, ông ra công đánh Nam dẹp Bắc rồi cướp ngôi nhà Lê dựng nên triều nhà Mạc. Công nghiệp như thế nhưng chưa thấy sử sách nào khen ông ta là anh hùng cả! Vì sao? Vì Mạc Đăng Dung chỉ có “hùng” mà không có “anh”! Vì ông đã cam tâm dâng hiến một phần lãnh thổ của Đại Việt cho Trung Hoa để cầu chước bảo vệ ngai vàng, phản lại quyền lợi của dân tộc!
Nguyễn Thân, một đại thần triều Nguyễn thời Pháp thuộc là người nhiều mưu lắm kế, giúp Pháp dẹp được rất nhiều cuộc khởi nghĩa, nhất là diệt được phong trào Văn Thân của Phan Đình Phùng. Ông là một vị tướng bách chiến bách thắng, đã được chính phủ Pháp tặng Bắc Đẩu bội tinh đệ ngũ hạng rồi Bắc Đẩu bội tinh đệ tứ hạng. Với triều Nguyễn, ông được phong Cần chính điện Đại học sĩ, Túc liệt tướng Diên Lộc quận công. Bước đường công danh như vậy là đã tột đỉnh. Thế nhưng cuối cùng ông chỉ để lại trong lòng người dân Việt vỏn vẹn cái danh hiệu “Việt gian”! Vì ông cũng chỉ có “hùng” mà không hề có “anh”, cam tâm làm tay sai cho ngoại bang, giết hại những người dân tranh đấu cho quyền lợi dân tộc!
Ngược lại, các nhân vật như Triệu Thị Trinh, Trần Bình Trọng, Đặng Dung, Phan Đình Phùng, Đề Thám, Trương Định, Nguyễn Thái Học v.v… là những người không chịu khuất phục trước bọn giặc cướp nước, quyết kháng chiến tới cùng, dù thất bại họ vẫn được quốc dân nhớ ơn thờ kính, xưng tụng là những bậc anh hùng. Tên tuổi họ ngàn năm vẫn sáng ngời trong sử sách!
Trở lại chuyện vua Chế Bồng Nga: Khi ông lên ngôi vua thì nước Chiêm vừa trải qua một trận dịch hạch khủng khiếp. Ông vừa lo việc hàn gắn vết thương cũ vừa lo việc phát triển quân đội để tái chiếm những vùng đất cũ của Chiêm Thành đã bị Đại Việt xâm chiếm. Trong bước đầu ông đã thành công rất vẻ vang. Nhờ mưu trí tuyệt vời, quân đội hùng mạnh, ông đã chiến thắng Đại Việt nhiều trận oanh liệt. Nhưng ông không hề nuôi ý định thôn tính Đại Việt. Ông đã sáng suốt nhận ra được những mối nguy sẽ xảy đến nếu Chiêm Thành thôn tính Đại Việt: Thứ nhất, dân Đại Việt sẽ quật cường vùng dậy như nhiều lần trước họ đã làm với người Trung Hoa. Thứ hai, nếu Đại Việt không vùng dậy nổi thì Chiêm Thành sẽ thành ở sát cạnh Trung Hoa, chẳng khác chi con dê phải ở sát cạnh một con báo! Ông đã cố thực hiện một giải pháp khác giữ được an toàn cho nước Chiêm hơn. Ông chủ trương duy trì sự tồn tại của một nước Đại Việt để làm bình phong che chắn thế lực Trung Hoa! Dùng Trần Húc con vua Nghệ Tôn không thành, ông lại định dùng Trần Nguyên Diệu, con thứ vua Duệ Tôn làm con bài chủ cho giải pháp này! Nhưng mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên! Không ngờ cuộc đời của một vị vua anh hùng ngang dọc một thời lại bị kết thúc đau đớn chỉ vì một sơ suất nhỏ! Ông đã không thực hiện được ước nguyện. Nếu Chế Bồng Nga cẩn thận hơn một chút, không biết cục diện khu vực Đông Nam Á ngày nay sẽ ra thế nào! Phải chăng đó là sự dàn xếp của định mệnh?
Người viết vốn thích đọc lịch sử nước nhà, đã từng gặp nhiều đoạn sử oái oăm. Đôi khi chỉ cần một sự rủi may nhỏ nhoi cũng đủ làm thay đổi cả một cục diện lớn. Khi đọc qua đoạn sử này người viết không thể không suy nghĩ băn khoăn. Rõ ràng nhân vật Chế Bồng Nga, về nhiều mặt không thể tách rời dòng sử Việt được. Vì thế nên người viết mạo muội gom góp một ít tài liệu viết nên thiên tiểu thuyết lịch sử Chế Bồng Nga: Anh hùng Chiêm quốc.
Có một điều người viết xin thưa trước với quí độc giả: Tuy viết tiểu thuyết lịch sử chứ không phải khảo cứu lịch sử, nhưng người viết luôn chủ trương xây dựng tác phẩm của mình không đi quá xa nguồn chính sử! Tiếc rằng tài liệu về nhân vật Chế Bồng Nga trong chính sử quá hiếm và quá ngắn gọn. Về dã sử tuy có nhiều hơn nhưng thường rất mơ hồ, hoang đường nên sự gạn lọc khá khó khăn. Vì vậy, thiên tiểu thuyết lịch sử này có thể vấp nhiều lầm lỗi dễ gây sự hiểu biết sai lạc cho độc giả như nhà văn tiền bối Lan Khai từng vấp phải. Theo chính sử, nhân vật Đỗ Tử Bình là một viên quan tham lam, gian dối, sự gian dối của y đã tạo thành ngòi nổ cho trận chiến Việt – Chiêm năm 1377 mà kết quả là quân Việt đại bại, vua Trần Duệ Tôn bị giết. Thế mà trong tập tiểu thuyết lịch sử Chế Bồng Nga của nhà văn Lan Khai, nhân vật Đỗ Tử Bình lại được biến thành người giết được Chế Bồng Nga, là vị cứu tinh của nhà Trần! Thật sự người bắn hạ được Chế Bồng Nga chính là Đô tướng Trần Khát Chân, lúc đó Đỗ Tử Bình qua đời đã lâu.
Hi vọng với sự tiến triển của ngành nghiên cứu sử học, trong tương lai người ta sẽ tìm thêm được những tài liệu lịch sử về nước Chiêm chính xác hơn. Mong quí độc giả ai thấy những thiếu sót trong tập sách này xin chỉ giáo cho. Người viết lúc nào cũng sẵn sàng lắng nghe và xét lại để bổ chính khi sách được tái bản.
Sacramento, tháng 3 năm 2011
Trân trọng kính chào quí độc giả!
Sau khi quân Mông Cổ bị thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược hai nước Đại Việt và Chiêm Thành, hai dân tộc này đã trải qua một thời gian sống hòa bình, thân thiện bên nhau ngót hai mươi năm. Vua Đại Việt Trần Nhân Tôn cũng như vua Chiêm Chế Mân đều rất cảm kích lòng dũng cảm, ý chí bất khuất của nhau trước lũ giặc lớn Mông Cổ. Khi vua Nhân Tôn đã xuất gia, trong một lần vân du sang Chiêm Thành, ngài đã hứa gả người con gái út của ngài là Huyền Trân công chúa cho vua Chế Mân. Thế nhưng khi vua Chế Mân xin thực hiện lời hứa đó, triều đình Đại Việt lúc bấy giờ đã do vua Anh Tôn lãnh đạo lại dùng dằng không muốn chịu. Bất đắc dĩ vua Chế Mân phải dâng hai châu Ô và Rí cho Đại Việt để làm sính lễ. Việc này đã làm cả triều đình lẫn dân chúng nước Chiêm bất mãn.
Năm Bính Ngọ*, Huyền Trân công chúa được vua Chế Mân phong làm hoàng hậu. Nhưng cuộc tình duyên này không được lâu dài. Vua Chế Mân sống với Huyền Trân công chúa chưa được một năm thì mất. Hoàng tộc Chiêm Thành tôn hoàng tử trưởng Chế Chí lên kế vị vua cha.
Vua Anh Tôn thương em, sợ Huyền Trân sẽ bị hỏa thiêu với chồng theo tục lệ Chiêm Thành – vua mất thì các hậu, phi của vua cũng phải hỏa thiêu theo vua(?) nên sai Đại hành khiển Trần Khắc Chung lập mưu cướp bà đem về Đại Việt.
Vụ cướp lại công chúa đã làm người Chiêm càng thêm bất bình. Vua Chế Chí quá tức giận, đã tìm cách chiếm lại hai châu đất cũ. Thế là tình hình giao thiệp giữa hai nước bấy giờ càng ngày càng trở nên căng thẳng. Năm Nhâm Tý*, vua Anh Tôn thân hành đem quân đánh Chiêm Thành. Vua Chế Chí thấy quân Trần quá mạnh, có ý muốn đầu hàng. Ngặt nỗi quân dân Chiêm vì quá phẫn uất, thúc ép ông phải kháng cự. Kết quả vua Chế Chí đã bị bắt sống. Vua Anh Tôn bèn hội các quan ở Đồ Bàn để bàn định việc cai trị nước Chiêm. Vua hỏi:
-Nay vua Chiêm đã bị bắt, quân Chiêm đã tan rã, ta có nên nhân dịp này đặt quan lại để cai trị nước Chiêm không?
Thiên tử chiêu dụ sứ Đoàn Nhữ Hài thưa:
-Đánh bại quân đội một nước có thể dễ nhưng cai trị một nước thì rất khó! Muốn cai trị nước Chiêm không phải bệ hạ chỉ để lại một số quan lại là đủ! Tuy rằng có thể tuyển mộ những binh lính tại địa phương nhưng làm sao tin tưởng chúng được? Còn nếu để lại nhiều binh lính của ta thì rất bất tiện: nào giải quyết vấn đề lương thực, vấn đề tình cảm gia đình, làm sao cho lớp binh lính xa nhà ấy được yên tâm để phục vụ? Chưa hết, nếu lỡ quân Bắc lại sang xâm lấn, lực lượng ta đã bị xé mỏng, bấy giờ tính sao? Theo thiển ý của thần, bệ hạ nên lựa chọn một người nào đó trong hoàng tộc nước Chiêm, phong cho y làm chúa rồi bắt y triều cống hàng năm thì vẫn lợi hơn là cai trị nước Chiêm để rồi gánh thêm bao nhiêu mối lo âu, xin bệ hạ xét định!
Các quan đều tán thành ý kiến ấy. Vua Anh Tôn nghe lời, phong cho người em Chế Chí là Chế Đà A Bà Niêm làm Á hầu để cai quản nước Chiêm, lấy hiệu là Chế Năng. Ổn định tình hình nước Chiêm xong, vua Anh Tôn cho rút quân về nước.
Nhưng Chiêm Thành thần phục Đại Việt chưa bao lâu lại trở chứng. Do tinh thần phẫn nộ của dân Chiêm về mối hận Ô Rí thúc đẩy, Chế Năng lại bước theo con đường Chế Chí đã đi. Năm Mậu Ngọ* Chế Năng kéo quân xâm phạm hai châu Ô và Rí. Lúc bấy giờ ở Đại Việt vua Trần Minh Tôn đã lên thay vua Anh Tôn, ông cử Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn đem quân chinh phạt Chiêm Thành. Trước khi xuất quân, vua Minh Tôn nói với Huệ Vũ:
-Với uy vũ của thúc phụ, chuyến đi này nhất định phải thành công. Tuy thế, trẫm chưa biết phải xử trí thế nào khi đã chiến thắng. Thúc phụ có cao kiến gì không?
Huệ Vũ đáp:
-Trước đây Thượng hoàng đã chinh phạt Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm. Thượng hoàng có hỏi ý các quan có nên chiếm đất Chiêm không, các quan đều bàn chưa nên. Lý do là sợ phải xé mỏng lực lượng của ta trong khi mối đe dọa của phương Bắc vẫn còn đó. Thượng hoàng bèn lựa một người trong hoàng tộc Chiêm phong làm chúa để y cai quản lấy nước Chiêm, buộc hàng năm triều cống Đại Việt. Lần phạt Chiêm này cũng chẳng xa cách lần trước mấy, tình hình cũng chẳng khác nhau, tôi nghĩ ta cũng nên bắt chước kế hoạch của Thượng hoàng là hơn!
Vua Minh Tôn nói:
-Nếu thúc phụ cũng có ý ấy, xin thúc phụ cứ tùy tiện!
Huệ Vũ bèn cử Hiếu Túc hầu Lý Tất Kiến đi tiên phong. Trong trận đụng độ đầu tiên, quân Chiêm đã kháng cự rất mãnh liệt. Quân Đại Việt thua lớn, Hiếu Túc hầu Lý Tất Kiến bị tử trận. May có Điện súy Phạm Ngũ Lão tiếp ứng kịp thời quân Đại Việt mới chuyển bại thành thắng. Quân Chiêm lại tan tác chạy. Huệ Vũ thừa thế tiến thẳng vào tới Đồ Bàn. Chế Năng hoảng sợ phải dẫn cả hoàng gia chạy sang nương náu ở Java là quê mẹ của ông ta. Triều đình Chiêm Thành như rắn mất đầu, các quan lại, các lãnh chúa người đầu hàng, kẻ chạy trốn hết.
Chiếm xong Đồ Bàn, Huệ Vũ bèn cho yết bảng phủ dụ chiêu an dân Chiêm. Ông kêu gọi ai làm công việc gì nay trở về với công việc nấy. Ông cũng ra lệnh cấm tuyệt quan quân Đại Việt quấy nhiễu dân Chiêm. Ai phạm tội nặng như giết người, hiếp dâm đều bị xử chém. Tội vừa như cướp bóc, trộm cắp thì phải chịu đánh đòn, trường hợp nghiêm trọng có thể bị tước quân tịch và bắt làm nô lệ. Nhờ lệnh đó, dân Chiêm có phần yên lòng, dần trở lại làm ăn như cũ.
Một hôm Huệ Vũ cho đòi tất cả các quan chức lớn nhỏ cũ của nước Chiêm đã đầu hàng tập trung tại nhà hội Vĩnh Xương trong thành Đồ Bàn rồi tuyên bố:
-Trước đây Trần đế đã đánh bại Chế Chí, đáng lẽ ngài đã sát nhập nước Chiêm vào lãnh thổ Đại Việt! Thế nhưng vì lòng nhân ái, ngài đã phong Chế Năng làm Á hầu để cùng các ngươi cai quản nước Chiêm! Không hiểu sao Chế Năng và các ngươi lại ôm lòng phản trắc, gây hấn tạo tình trạng bất an cho dân cả hai nước. Trần triều bất đắc dĩ lại phải ra tay trừng phạt. Nay nước Chiêm thêm một lần nữa coi như đã mất! Với quyền lực trong tay, ta sẽ đặt các quan Đại Việt cai trị dân Chiêm! Còn các ngươi, ta có thể giam vào ngục thất hoặc đày ải làm nô lệ suốt đời cho biết thân, các ngươi nghĩ thế nào?
Nghe Huệ Vũ hỏi thế, các quan chức Chiêm Thành đều lộ rõ nét mặt buồn bã lo âu nhưng chẳng ai dám hé môi. Huệ Vũ nhìn khắp bọn họ một lượt rồi nói tiếp:
-Ta nói như thế có phải không? Tại sao triều đình Đại Việt đã dung dưỡng các ngươi, trả quyền chức cho các ngươi, cho các ngươi tự cai trị lấy nhau, thế mà các ngươi lại a tòng với kẻ phản bội chống lại Trần triều như các ngươi đã hành động vừa rồi? Tại sao các ngươi không biết khuyên Chế Năng bỏ cái thói ăn cháo đá bát ấy? Một người khuyên y có thể không nghe nhưng nhiều người khuyên lẽ nào y lại chẳng nghe? Cũng bởi các ngươi không tốt nên y mới dễ dàng thuyết phục cùng nhau làm cái việc vong ân bội nghĩa ấy! Kinh nghiệm xương máu đã rành rành trước mắt, Đại Việt ta đâu còn dám để các ngươi tự trị? Chính các ngươi đã tự đưa dân tộc các ngươi đến chỗ diệt vong! Các ngươi còn có lời gì để nói nữa không?
Không khí im lặng ngột ngạt bao trùm cả sân hội. Đám cựu quan chức Chiêm Thành hầu hết gục mặt âu sầu tuyệt vọng. Bỗng một cụ già khoảng ngoài bảy mươi lấy can đảm đứng dậy tiến lên quì lạy Huệ Vũ rồi nói với giọng tha thiết:
-Bẩm Đại vương, chúng tôi đã lỡ dại phạm tội với thiên triều! Cúi xin thượng quốc mở lượng hải hà bỏ qua lỗi lầm cho lũ mán mọi lạc hậu này! Nếu Đại vương cho nước Chiêm chúng tôi được tự trị một lần nữa, dân Chiêm chúng tôi xin thề chẳng bao giờ còn dám phản bội! Nếu chúng tôi còn phạm lời thề xin trời tru đất diệt!
Nghe vị cựu quan già làm thế, nhiều người khác cũng bắt chước nhau cúi lạy Huệ Vũ:
-Cúi xin Đại vương mở lượng hải hà tha thứ cho dân Chiêm chúng tôi một lần nữa! Chúng tôi sẽ tuân phục thờ kính thiên triều như thờ cha mẹ, chẳng bao giờ còn dám ăn ở hai lòng!
Huệ Vũ đợi đám cựu quan chức Chiêm Thành van lạy một hồi rồi mới hỏi:
-Có chắc các ngươi thề không bao giờ còn phản bội thiên triều nữa không?
Một thoáng hi vọng lóe lên, đám cựu quan chức Chiêm Thành đồng loạt hô lớn:
-Chúng tôi xin thề! Chúng tôi xin thề! Kẻ nào sai lời xin trời tru đất diệt!
Huệ Vũ lại nhìn khắp đám người Chiêm sa cơ thất thế một lượt rồi tiếp:
-Thề với trời đất không phải là chuyện chơi đâu! Khi được phong tước Á hầu để cai quản dân Chiêm, Chế Năng đã long trọng thề sẽ tuyệt đối trung thành với thiên triều, thế nhưng rồi y lại phản bội lời thề! Kết quả y đã làm được cái gì? Chỉ thấy cảnh xương tan máu đổ giáng lên đầu dân Chiêm! Chính bản thân Chế Năng đã trở thành kẻ vong gia thất thổ khốn đốn ở quê người! Các ngươi phải nhớ bài học đó! May là thiên tử lòng nhân bao la nên cử ta đánh dẹp! Nếu việc này giao cho một tướng khác, chưa chắc các ngươi còn được yên lành như hôm nay! Thấy các nguơi đã biết hối hận về sự phản bội của mình ta cũng động lòng. Ta biết các ngươi chỉ vì ngây ngô dại dột nên bị Chế Năng dụ dỗ hoặc ép buộc phải làm việc quấy thôi! Vốn tình thiên tử thương dân Chiêm chẳng khác gì dân Đại Việt! Ngài đâu muốn để dân Chiêm phải buồn khổ, đau lòng! Khi ta xuất chinh, ngài đã cho phép ta được quyền tùy tình hình mà giải quyết. Để thể hiện lượng khoan hồng của thiên tử, ta sẽ cho nước Chiêm được tự trị một lần nữa, các ngươi nghĩ thế nào?
Đám dân Chiêm đang âu sầu ủ rũ như vừa chợt tỉnh ngủ, họ ngơ ngác nhìn nhau như dò hỏi. Nhưng cũng chẳng có một ai lên tiếng. Huệ Vũ lại tiếp:
-Quân bất hí ngôn, ta thay mặt thiên tử cho dựng lại nước Chiêm thật đấy! Triều đình Đại Việt muốn có một nước Chiêm mới mẻ biết sống thuận hòa với Đại Việt để dân chúng hai nước cùng được yên ổn làm ăn. Một nước Chiêm mới cần phải có một triều đình mới để cai trị muôn dân. Nhưng muốn có một triều đình vững mạnh phải kết hợp được thật nhiều nhân tài. Các ngươi tất biết rõ những ai hiện ở trong nước đáng mặt nhân tài. Các ngươi hãy thăm dò, vận động, tiến cử những người có tài có đức ấy đứng ra giúp nước. Nước Chiêm có lập lại được hay không là do chính các ngươi! Ta hứa khi nước Chiêm đã được tái lập quân Đại Việt sẽ rút về nước!
Nghe đến đây quan dân Chiêm đồng loạt reo vui:
-Đội ơn Thánh hoàng! Đội ơn Đại vương! Thánh hoàng vạn tuế, vạn vạn tuế!
Huệ Vũ nở một nụ cười tươi tắn:
-Đã đồng lòng như vậy, các ngươi phải gắng làm tròn bổn phận của mình! Ta sẽ tiếp tay cho các ngươi!&
0
Total votes: 0
prancham
User not write anything about he.
Be the first person to like this.

It will be interesting: