• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
0 Rating 541 views 0 Likes 0 Comments

 

Ở Quảng Nam, có một làng gần như 100% là người gốc Chăm. Đó là làng Đồng Dương nằm trên địa bàn xã Bình Định, huyện Thăng Bình. Từ thời xa xưa, trong cộng đồng người Chăm Đồng Dương đã lưu truyền truyền thuyết khá hấp dẫn và lý thú về nguồn gốc của làng Chăm độc nhất ở Quảng Nam này!

Truyen thuyet ve ngoi lang goc Cham o Quang Nam hinh anh 1
Những di tích còn sót lại của người Chăm ở xứ Quảng.

Truyền thuyết thuật lại rằng thời xa xưa, không biết vì lý do gì giữa hai nước Chiêm và Việt nổ ra chiến tranh. Vua Việt tiến đánh quân Chiêm ở tận Đồng Dương. Ở vào thế chống đỡ, không còn cách nào khác, tướng Chiêm mới huy động cả thảy tám mươi con ngựa chiến. Đuôi ngựa được cột thêm vào một tàu lá cau. Bốn chân cột thêm bốn cái lục lạc.

Khi hai bên lâm trận, mùa tháng Sáu, trời nắng chang chang nên khói bụi bay mù trời. Rồi lục lạc cũng huyên náo. Sau ba ngày ba đêm, thấy khó có thể cầm cự, quân Chiêm phải kéo cờ trắng đầu hàng. Đặc biệt, trong đám hàng binh, vua Việt phát hiện có một nàng công chúa xinh đẹp. Ngài bèn bắt về để làm vợ cho một vị hoàng tử. Nhưng, ngài hoàn toàn không biết nàng công chúa này đã có thai.

Tương truyền rằng vì thế cho nên mới có dòng họ Trà nối nghiệp ở Đồng Dương bây giờ. Người ta kể rằng, sau đó, công chúa về Nghệ An làm vợ hoàng tử và sinh ra một đứa con trai. Tất nhiên, đó là một người Chiêm.

"Chim có tổ người có tông", lớn lên, có lẽ do mẹ là công chúa Chiêm cho biết nguồn gốc nên người con mới lần vào Điện Bàn, coi như tìm về quê cha đất tổ. Đầu tiên, ông đến làng La Huân, nay thuộc xã Điện Thọ. Nghề nghiệp chính của ông là làm thầy... phù thuỷ. Tức pháp sư.

Tên nôm na của pháp sư là ông Hai Lánh. Đã là pháp sư, dĩ nhiên, theo truyền thuyết ông rất giỏi pháp thuật, có thể kêu mây gọi gió. Làng La Huân bấy giờ nghèo lắm. Dân nghèo nên không có tiền đóng góp.

Tất nhiên, đình làng chỉ là đình tranh. Mỗi năm có chuyện họp hội, làm lễ ở đình làng, người dân thường kêu ca về sự nghèo khó, khốn khổ của mình, rằng "Khổ quá, coi cái làng La Qua bên cạnh, họ giàu, đình là đình ngói. Còn mình chỉ đình tranh. Trời mưa gặp cúng lễ thì biết tránh mô cho khỏi ướt".

Cứ mỗi lần có chuyện cúng, ông Hai Lánh thường nghe bà con than thở. Thấy vậy, ông mới buột miệng nói "Muốn có đình ngói thì ta đổi đình ngói". Tưởng nói chơi, hoá ra ông lại làm thật.

Tối hôm ấy, ông lấy đậu xanh ngâm cho ra mộng. Mộng từ hạt nứt ra, nên còn gọi là cựa. Đến tối, ông đứng trước bàn thờ, khói hương nghi ngút, mới lầm rầm trong miệng làm phép. Tức thì, bao nhiêu hạt đậu đều biến thành âm binh.

Ông bèn sai âm binh đi khiêng đình tranh La Huân sang làng La Qua để đổi đình ngói La Qua. Mọi việc diễn ra gần như hoàn hảo. Sáng ra, dân hai làng thức dậy, nghe bảo có chuyện lạ ở đình, kéo nhau rần rần đi coi. "Quái, răng lại thế ni?".

Ở La Huân, đình tranh trở thành đình ngói còn ở La Qua đình ngói lại biến thành đình tranh. Lý trưởng và các vị chức sắc trong làng tức lắm, mới nhìn kỹ và phát hiện đình tranh có một dây bầu. "Đình ni đích thị là đình của làng La Huân rồi". Họ bèn đi kiện lên trên. Với chứng cứ rành rành, ông Hai Lánh bị vua bắt giam vào ngục.

Truyen thuyet ve ngoi lang goc Cham o Quang Nam hinh anh 2
Các nghệ nhân dân gian người Chăm. Ảnh tư liệu.

Không biết ông bị giam bao lâu thì đến ngày lễ quốc khánh năm nọ, triều đình cần làm "phường môn", tức cổng ngõ, sao cho đẹp. Biết ông là thầy phù thuỷ có tài, vua bèn sai quân lính lôi ông từ ngục ra, bảo "Nghe nói nhà ngươi có tài, ngươi phải trổ tài để trẫm xem thử". Ông thưa vua xin thắt hai con rồng gọi là "lưỡng long tranh nguyệt".

Vua sai người đem lụa để ông thắt. Thoáng chốc, ông đã thắt xong một con rồng rất đẹp. Ông bảo rồng này chưa làm mắt, làm mũi. Vua thấy ông tài quá, bèn cho ông tự do đi lại, không phải giam vào ngục.

Nhưng ngay tối hôm đó, ông lẻn ngồi lên lưng con rồng vừa thắt xong, hô biến. Tức thì con rồng biến thành con rồng thật. Rồng bay lên, đưa ông về đất Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Đến Bình Trung, ông thả chiếc giày bên trái để báo tin. Rồi ông vào Đồng Dương.

Cũng từ đây, ông Hai Lánh bắt đầu cuộc đời lang bạt để trốn tránh sự truy lùng của triều đình. Đặc biệt, khi đến Đồng Dương, ông lấy vợ và sinh ra hai người con đặt tên là Trà Huyền An và Trà Huyền Chơn, tên tục gọi là ông Chóng và ông Đụn.

Sau đó, ông tiếp tục đến khu vực Hòn Tàu, nay thuộc địa phận huyện Quế Sơn để gầy dựng sự nghiệp. Không ngờ, ông gặp một con cọp dữ. Thế là ông đánh nhau với cọp. Điều trớ trêu là sức người sức cọp gần như ngang bằng với nhau nên hai bên cứ giằng co.

Cọp thua thế hơn, chạy lên Trà Linh. Ông đuổi theo. Lần này, ông đánh đến ba ngày ba đêm. Cọp ra máu nhiều, đâm khát nước, mới mò ra bờ suối để uống một hơi dài rồi chết ngay tại chỗ. Ông Hai Lánh bấy giờ cũng sức cùng lực cạn và chết theo.

Dân làng Trà Linh tiếc thương, mới chôn thi thể ông. Từ sự tích này mà hiện nay ở Trà Linh còn hai mả, mả ông Hai Lánh và mả... cọp. Tương truyền, mả ông rất thiêng. Đàn bà, con gái không dám đi ngang.

Tuy nhiên, có một điều kỳ lạ là họ Trà dù chiếm hơn 90% dân số toàn thôn, tức trên 130 hộ nhưng trong văn tế cùng tiền hiền làng hồi trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, những ông này lại đứng sau hai người Kinh có công lập làng.

Nguyên văn văn cúng, theo trí nhớ của ông Trà Díu là "... Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai canh/ Tiền tổ, hậu tổ/ Tiền năng sư bách nhãn, hậu năng sư bách nhãn/ Tiền quế công chi vị, hậu quế công chi vị/ Châu Văn Tuý, Trịnh Khắc Thiệt, Trà tộc, ông Chóng, ông Đụn, Trà Huyền An, Trà Huyền Chơn, các chư tộc phái...".

Trong đó, Châu Văn Tuý và Trịnh Khắc Thiệt là hai người đứng đầu đơn lập làng. Càng đặc biệt hơn khi hai ông tiền hiền làng là Châu Văn Tuý và Trịnh Khắc Thiệt đều không có con cháu nối nghiệp.

Có thể nói, truyền thuyết nói trên là một trong những truyền thuyết suy nguyên (mythologie étiologique) nhằm suy đoán, giải thích nguồn gốc họ Trà ở làng Đồng Dương hiện nay. Ngay cái tên nhân vật Hai Lánh, thiển nghĩ, đó cũng chỉ là một cách gọi đầy ngụ ý, thể hiện rõ cuộc đời lang bạt của một người có lai lịch đầy bí hiểm mà thôi!

Theo news.zing.vn

 

0
Total votes: 0
prancham
User not write anything about he.
Be the first person to like this.

It will be interesting:

By: On June 8, 2018
0 Rating 520 views 0 likes 0 Comments
Read more
By: On May 4, 2018
0 Rating 405 views 0 likes 0 Comments
Read more
By: On August 23, 2017
0 Rating 308 views 6 likes 0 Comments
Read more