Người Chăm là một dân tộc có nền văn minh sớm phát triển. Họ đã xây dựng một Vương quốc Champa[1] hùng mạnh một thời trong khu vực. Vương quốc này để lại nhiều di sản văn hóa phong phú. Các thành tố văn hóa này được cấu thành từ sự sáng tạo, tiếp thu và cải biến qua nhiều đợt, sớm định hình trong sự đa dạng.
Champa là một quốc gia đa dân tộc[2] bao gồm dân tộc Chăm, các dân tộc vùng Tây Nguyên; trong đó người Chăm là dân tộc đóng vai trò hạt nhân, chi phối mạnh đến các dân tộc khác; tuy nhiên, trong phạm vi bài này tôi chỉ đề cập riêng văn hóa người Chăm.
Người Chăm Việt Nam gồm có 161.729 người (năm 2009), sống tập trung ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Phú Yên…Tuy nhiên, tổ tiên của họ vốn sống cả trên một vùng đất từ Quảng Bình đến Đồng Nai[3]. Do đó không gian văn hóa của họ cũng trải dài trên vùng đất này.
Yếu tố tâm linh dân gian
Trong văn hóa Chăm, ta thấy rõ sự tồn tại đan xen giữa yếu tố tâm linh dân gian trong tôn giáo… . Các tập tục, tín ngưỡng dân gian hình thành trong quá trình sinh sống được họ gìn giữ đến ngày nay. Champa không phải là vùng đất nảy sinh các tôn giáo nhưng là vùng đất hình thành nhiều tín ngưỡng bản địa.
1.Triết lí về vũ trụ nguyên sơ thuở hồng hoang xuất hiện trước khi Bà La Môn du nhập vào Champa. Sakkarai Krân ka Nam mâk mang kal lak[4] ghi nhận: Vũ trụ ban đầu là một cõi hư vô (elak) tối tăm mù mịt gồm có hai phần. Phần trên là trời (akal). Phần dưới là đất (tanâh riya). Thần trời kết hợp với thần đất sinh ra muôn vị thần (các Po yang), muôn vạn vật (suk sar) và con người (adam).
Triết lí này cho thấy dáng dấp lưỡng hợp âm – dương hiện hữu rất sớm. Nó đó xuất hiện trước khi dòng triết lí âm – dương[5] từ Ấn Độ du nhập vào Champa.
Triết lí trên giải thích thế giới một cách gần gũi với đời thường. Đứng trên mặt đất ta sẽ thấy gì trước tiên? Ngó lên thấy trời. Nhìn xuống thấy đất. Điều này thật trực quan.
2. Các lễ hội mang đậm yếu tố tâm linh. Người Champa có rất nhiều lễ hội. Sau đây là một số lễ hội chính còn tồn tại hiện nay.
Các lễ hội người Chăm có sự kế thừa nhiều yếu tố cổ xưa. Xưa đến đâu? Có lẽ chúng ta phải ngạc nhiên khi biết rằng văn hóa bản địa ban sơ thời kỳ săn bắn hái lượm, sản xuất nông nghiệp cổ sơ vẫn còn dáng dấp hiện hữu trong các lễ hội này. Các tín ngưỡng vạn vật hữu linh, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là những hình thức tín ngưỡng nguyên thủy của loài người, vẫn được tìm thấy.
Katé: Đây là lễ hội tải nhiều yếu tố mang tính chiều sâu về thời gian hơn cả. Nó là lễ hội có cội nguồn xưa nhất. Nghi lễ này có trước khi Bà La Môn du nhập vào Champa.
Đây nghi lễ mang tính tín ngưỡng dân gian hơn là niềm tin tôn giáo. Nó có ảnh hưởng nhiều từ các nghi thức Bà La Môn. Lễ hội Katé được người Chăm Ahiér[6] đứng ra tổ chức. Katé tưởng nhớ đến các anh hùng dân tộc, tổ tiên; chính vì thế, nó dễ dàng được dân tộc hóa, có sự tham dự của nhiều người Awal[7].
Ramâwan: Lễ hội này có nhiều điểm tương đồng trong lễ Ramadan của người Hồi giáo chính thống. Đây là lễ hội có sự tôn thờ đậm dành cho Allah, nó là biểu tượng cho cộng đồng Awal; tuy nhiên, lễ hội này cũng thờ cúng tổ tiên do kế thừa yếu tố văn hóa bản địa ban sơ như tôi trình bày trước.
Lễ Ramadan của người Chăm Hồi giáo chính thống chỉ tôn thờ duy nhất Đấng tối cao Allah. Họ không thờ cúng tổ tiên. Tuy nhiên, người Chăm Hồi giáo chính thống ở Ninh Thuận vẫn đi thăm mộ tổ tiên của họ vào dịp này. Điều này cho thấy họ vẫn kế thừa lễ Ramâwan của Awal.
Rija Nâgar: Đây là lễ hội đại diện cho dân tộc hơn cả. Nó là lễ hội dành chung cho cộng đồng Ahiér và Awal. Lễ hội này thờ Thần mẹ xứ sở Po Inâ Nâgar và các thần linh khác vào dịp năm mới.
Po Inâ Nagar là người phụ nữ có thật, được thần thánh hóa. Po Inâ Nagar được xem là thủy tố của người Chăm. Truyền thuyết kể rằng Po Ina Nagar là con gái của thần Po Kuk được ngài sai xuống trần gian để giúp người Chăm xây dựng vương quốc. Bà dạy người Chăm trồng lúa, dệt vải, nuôi tầm,…
3.Thông thường nhiều dân tộc chỉ sáng tạo ra điệu múa nhằm mục đích giải trí, nhưng người Champa không dừng lại ở đó. Ngoài những điệu múa mô phỏng các hoạt động sống thường ngày như hái rau quả, chài lưới, gặt lúa…Người Champa còn sáng tạo các điệu múa nhằm vào việc thờ thần linh. Người ta thống kê có đến 80 điệu múa[8] tương ứng với 80 vị thần.
Người Chăm có nhiều điệu múa nhưng chung quy ta xếp chúng vào 4 kiểu cơ bản: Biyén, Kmân, Mrai, Chron. Đây là tên của 4 loài chim: công, điểu cầm, gà lôi, ngang.
Theo truyền thuyết, Po Ina Nagar nắm lấy 4 vì tinh tú cho nở ra 4 con chim trên. Bà cùng các nàng tiên cưỡi xuống trần gian. Khi nhìn những con chim trên bay lượn đẹp người Chăm đã bắt chước động tác này để sáng tạo 4 kiểu múa mang tên 4 loài chim này. Về sau nhiều động tác múa được sáng tạo thêm.
Múa được xem là một hình thức gửi gắm lòng biết ơn đối với thần linh. Chính vì điều này, múa hiện hữu trong các lễ Rija. Nhiều dân tộc khi thờ cúng thần linh thường phải trang nghiêm, nhưng trong lễ Rija người Chăm nhảy múa rất vô tư.
4. Đối với nhiều dân tộc ăn uống là một lối sinh hoạt không mảy may liên quan gì đến tâm linh nhưng người ta phải bất ngờ khi thấy người Chăm Ahiér và Awal thực hành một nghi thức tâm linh. Đây là nghi thức thuộc tín ngưỡng đa thần.
Mỗi lần uống rượu, bia họ sẽ đổ xuống đất vài giọt để kính mời thần linh. Mỗi lần có thức ăn ngon thuộc các món thờ cúng truyền thống như chè, thịt gà,… họ đều thực hành nghi thức này. Họ nhẩm vài lời cầu sự che chở của thần linh.
5. Những thai nhi trong quan điểm của bác sĩ nó vốn chỉ là phần máu thịt đơn thuần. Phá thai ngày nay trở nên phổ biến. Hơn nữa, hiếm thấy dân tộc nào để ý đến linh hồn của thai nhi bất hạnh. Người Chăm thì khác.
Những thai nhi chưa ra đời, gặp một sự cố bất hạnh phải giã từ khi mới còn ở trong bụng mẹ. Người Chăm có tục Mbuic haluk để tưởng nhớ, bồi đắp cho sinh linh bất hạnh này. Linh hồn của các thai nhi này cũng được xem là thành viên trong các linh hồn của dòng tộc ở thế giới bên kia.
Nếu người phụ nữ bị sảy thai ở quê thì các Po Acar[9] sẽ lấy một nắm đất ở nơi nó để tượng trưng cho thi thể thai nhi. Nếu người phụ nữ sảy thai ở nơi xa lạ thì các Po Acar ra cạnh làng về hướng nam lấy một nắm đất để tượng trưng cho thi thể thai nhi. Nắm đất này được nắn theo hình người, quấn qua vài lớp vải trắng. “Thi thể của thai nhi” được Po Acar mặc nhiều lớp “áo”. “Áo” là một dải khăn màu trắng nhỏ được cắt theo hình thù tượng trưng áo người quá cố[10]. “Thi thể của thai nhi” được Po Acar thực hiện nghi thức tắm, rồi chôn trong Ghur[11], tương tự người chết.
Trong Mbuic haluk, người ta sẽ “gửi” nhiều quần áo, đồ sinh hoạt của trẻ con cho thai nhi. Các vật dụng này được Po Acar thực hiện nghi thức đọc vài đoạn kinh Qu’ran[12]của người Hồi giáo Bàni, để trao cho linh hồn của thai nhi bất hạnh.
Đây là nghi lễ mang giá trị nhân văn sâu sắc. Mbuic haluk cần được giữ gìn, lưu giữ cho người Chăm Awal.
6.Bố trí nhà cửa là công việc của kĩ sư. Đó là cách nghĩ của nhiều dân tộc. Người Chăm không chỉ có vậy. Làm nhà, người Chăm Awal thường hướng mặt nhà về phía aia harei tamâ (hướng tây). Họ tin rằng, làm nhà theo hướng này sẽ làm ăn phát đạt, sớm trở nên giàu có.
Vị trí đặt ngôi nhà cũng vậy. Ai có dịp đến thăm các làng người Chăm sẽ phát hiện một điều rất thú vị. Các ngôi nhà được sắp xếp theo một dãy thẳng. Hai bên dãy nhà là hai con đường thẳng táp. Tục này đã tạo ra một không gian rất thoáng cho các làng người Chăm. Trông rất ngăn nắp.
7.Người Chăm xem phun bet (cây bồ đề) là nơi trú ngụ của nhiều vị thần, có cả ma quỷ. Họ cảm thấy sợ hãi khi đi qua. Họ tin rằng cây này mang lại nhiều điều rủi ro, vì thế rất không ưa. Tuy nhiên họ không dám chặt bỏ. Họ tin rằng nếu đụng chạm đến cây này thần linh, ma quỷ sẽ khiến họ gặp nhiều bệnh tật.
8. Đối với người Thiên Chúa, mỗi lần gặp điều rủi ro họ sẽ cầu nguyện để Chúa giúp đỡ. Còn người Chăm thì sao? Họ sẽ cầu mong sự che chở của Po sang. Họ tin rằng Po sang luôn dõi theo bước chân của họ để che chở. Po sang là các linh hồn tổ tiên quá cố. Người Chăm cảm thấy tự tin khi được Po sang che chở. Điều này chỉ có ở người Chăm Awal, Ahiér. Người Chăm Islam cầu mong sự giúp đỡ từ Thượng đế Allah.
9.Sinh ra được một đứa con khỏe mạnh là mong muốn và niềm hạnh phúc lớn lao của người mẹ. Trong thời kì mang thai các bà mẹ không được nhìn thấy những hình ảnh kì dị vì sợ sẽ sinh ra những đứa con tật quyền. Khi sinh con ra còn non tháng, các bà mẹ sẽ tránh gặp người lạ. Và đặt biệt trong sân nhà có đốt lửa sáng. Tất cả điều này đều là niềm tin tâm linh nhằm tránh điều rủi ro.
Về tục đốt lửa có thể được giải thích như sau.: Buổi đầu ban sơ có nhiều rừng rậm kèm theo thú dữ, và dĩ nhiên là không thể loại trừ kẻ xấu lảng lách trong bóng tối, và cả ma quỷ - nỗi sợ hãi vô hình. Bóng tối mang lại sự sợ hãi cho các bà mẹ. Điều này gây tâm lí lo ngại. Ánh sáng của lửa sẽ mang lại niềm tin cho họ. Yếu tố này hình thành tục cho đến ngày nay.
10. Phụ nữ sở hữu nhiều vẻ đẹp. Phụ nữ lôi cuốn tâm hồn của nhiều chàng trai, mang lại sự say mê cho các chàng trai. Phụ nữ rất đẹp. Chính vì phụ nữ rất đẹp nên người Chăm cũng sợ ma quỷ, thần linh làm mê hoặc. Thần linh đối với họ không phải vị nào cũng mang lại điều tốt. Các cô gái trẻ, đặt biệt là các thiếu nữ tránh thả tóc khi đi qua bóng tối. Khi tắm ven sông suối họ cũng không buông xõa tóc để tránh Patao aia khap (Thần nước gây mê hoặc).
Điều thú vị ở đây là sự trân trọng, quí hóa của tình yêu đôi lứa. Một khi đã yêu một người con gái nào thì bạn sẽ hẹp hòi. Hẹp hòi vì muốn riêng tư cảm nhận vẻ đẹp của người yêu. Không người nào khác được phép cảm nhận vẻ đẹp của các cô gái ngoài người yêu của nàng. Đây thể hiện sự bí ẩn của tình yêu. Vì thế, họ không muốn bất kì một thứ ma quỷ, kể cả thần linh nào chiêm ngưỡng sắc đẹp của nàng. Khi một người con gái buông xõa tóc sẽ tạo ra nét gợi cảm. Nét gợi cảm này chỉ riêng người yêu của nàng chiêm ngưỡng. Thật là một điều kì bí trong tình yêu đôi lứa!
11. Người Kinh quan niệm họ sẽ giao cảm được với linh hồn thế giới bên kia và các thần thánh qua việc thấp nhang. Khói nhang bay ngun ngút sẽ khơi dậy niềm tin tâm linh cho họ. Ta thường thấy nhiều người Kinh thấp nhang thờ tổ tiên. Họ cũng thờ Phật, các vị Bồ tát… qua cây nhang cháy đỏ rực. Người Chăm thì niềm tin tâm linh được khơi dậy qua ngọn lửa pang jién (nến), khói gihluw asar (trầm hương).
Pang jién được làm bằng sáp ong. Người ta thường thắp sáng pang jién khi cúng tổ tiên thần linh. Trong lễ Ramâwan, họ đưa ra lời đối thoại với người quá cố cầu mong điều an lành qua ngọn lửa của các pang jién. Trong lễ Rija praong[13]có nhiều pang jién khổng lồ cao 1 – 1.5 m được thắp sáng để làm ý niệm tâm linh.
Champa vốn nổi tiếng là xứ sở của trầm hương. Nhiều nhà thơ người Chăm tốn nhiều màu mực để ca ngợi trầm hương. Trầm hương trở thành một đề tài trong nhiều bài văn, bài thơ giống như các cây tùng, cúc , trúc, mai… đối với văn học Hán. Trầm hương là loại cây có giá trị kinh tế cao. Trầm hương không chỉ mang lại sự giàu có về vật chất cho cư dân Champa mà còn mang lại đời sống tinh thần phong phú. Gihluw asar khi đốt sẽ tỏa ra nhiều khói. Khói Gihluw asar không có mùi gây hắc như nhang. Trong lễ tảo mộ của người Chăm Awal họ thường đốt gihluw để giao cảm với linh hồn tổ tiên. Gihluw asar cũng khơi dậy niềm tin tâm linh không kém pang jién.
Tôn giáo
Tôn giáo chi phối nhiều đến các nghi lễ phong tục. Nó như một khung xương tạo dựng bộ dạng của nền văn hóa, qua đó các nghi lễ phong tục được hình thành. Người Chăm theo hai tôn giáo chính: Bà La Môn và Hồi giáo.
1.Bà La Môn được du nhập vào Champa từ thế kỉ thứ IV[14]. Bà La Môn (Brahman) vốn là danh từ chỉ một đẳng cấp ở Ấn Độ gồm các tu sĩ, triết gia, học giả, các chức sắc tôn giáo. Bà La Môn là tôn giáo được hình thành ở Ấn Độ vào khoảng năm 1.500 trước Công nguyên, chủ trương thờ đa thần (polytheism).
Các vị thần Brahma (đấng sáng tạo), Vishnu (đấng bảo tồn), Shiva (đấng hủy diệt) chuyển hóa lẫn nhau trong một Trimurti (tam vị nhất thể). Nếu như ở Ấn Độ, Brahma được tôn thờ nổi trội so với các vị thần kia, thì đối với người Champa, họ đã tiếp biến tôn giáo này: Thần Shiva được tôn thờ vượt trội hơn hẳn. Quả vậy, người Champa đã biến Brahma giáo thành Shiva giáo. Thần Shiva được thờ dưới dạng hình tượng Linga[15].
2.Hồi giáo Bàni được du nhập vào Champa từ cuối thế kỉ thứ X[16] nhưng chỉ thực sự biểu hiện mạnh ở thế kỉ XVII[17].
Ban đầu, người Bàni chỉ thờ duy nhất Đấng tối cao Allah. Cách hành lễ của họ cũng mang nhiều nét tương đồng với cộng đồng Hồi giáo quốc tế. Po Aulaoh[18]đã đi hành hương Thánh địa La Macque.
3.Năm 1471, thành Vijaya (Đồ Bàn) bị thất thủ. Champa bước vào ngưỡng khủng hoảng nhiều mặt. Niềm tin vào các vị thần Bà La Môn bị giảm sút. Ấn Độ cũng không còn liên hệ với Champa nữa.
Người Champa muốn tìm kiếm một chỗ dựa mới về tinh thần. Nhiều người Champa đã cải đạo vào Hồi giáo. Đến thế kỉ XVII, số lượng tín đồ Hồi giáo đã chiếm ½ dân số[19]. Mâu thuẫn tôn giáo diễn ra gay gắt.
Po Romé[20] chủ trương một cuộc cải cách cho dung hòa hai tôn giáo này. Người Bà La Môn thờ cả Allah, và người Bàni thờ luôn các vị thần Bà La Môn. Đồng thời, ông còn cho kết hợp với một số tín ngưỡng dân gian bản địa. Đó là đề thuyết giải quyết mâu thuẫn tôn giáo và tìm chỗ dựa về tinh thần của ông. Về chính trị, ông mong muốn hợp nhất cộng đồng Chăm, tránh bị chia rẽ.
Về cuộc cải cách này, người Chăm hiện nay còn tồn tại ý kiến bất đồng. Một số người Chăm Hồi giáo chính thống phản biện lại, vì cho rằng cuộc cải cách này đã phạm nhiều điều luật quan trọng của người Hồi giáo.
Hiện nay, nhiều hộ người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận vẫn còn thực hiện theo thành quả của cuộc cải cách tôn giáo này. Họ thờ nhiều tín ngưỡng đa thần bản địa, gọi chung là ngap yang. Ngap yang phổ biến là các nghi lễ: ngap tanâh riya (cúng thần đất), ngap pabaiy (tế dê cho thần, cầu mong điều lành), …
Tuy nhiên, người Bàni có xu hướng đơn giản hóa các lễ ngap yang, từ bỏ một số lễ ngap yang mà họ cho là không cần thiết. Trong cách hành lễ của các tu sĩ, họ tập trung tôn thờ Allah. Người Bà La Môn cũng đơn giản hóa nhiều lễ ngap yang hơn.
4.Hồi giáo chính thống (Islam) là một tôn giáo độc thần, chỉ tôn thờ Đấng tối cao Allah.
Hồi giáo ra đời từ thế kỉ VII, tại bán đảo Ả Rập, do Thiên sứ Muhammad[21]nhận mặc khải của Thượng đế truyền lại cho con người qua thiên thần Jibrael. Tín đồ Hồi giáo cũng tin rằng Muhamed là vị Thiên sứ cuối cùng được Allah mặc khải Thiên kinh Qu’ran
Sau những lần thất bại trước đoàn quân Nam tiến của Đại Việt. Người Champa bắt đầu di cư vào Campuchia, diễn ra mạnh mẽ vào các năm 1471, 1692, 1832. Họ tiếp thu giáo lí Islam từ người Mã Lai ở đây, hình thành Cộng đồng Chăm Hồi giáo chính thống.
Thế kỉ XIX, nhiều người Chăm ở Campuchia bị ngược đãi, buộc phải di cư sang lánh nạn trở lại Việt Nam. Họ được nhà Nguyễn cho định cư ven sông Mékong, An Giang. Họ thành lập 7 ngôi làng. Các giáo luật Islam được tuân thủ nghiêm ngặt. Về sau, bộ phận người Chăm ở đây di cư sang sinh sống ở nhiều vùng trong Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai.
Thế kỉ XX, một số người Chăm Ninh Thuận tiếp nhận Islam từ bộ phận người Chăm Islam Thành phố Hồ Chí Minh. Họ đến truyền giáo cho người Chăm ở Ninh Thuận. Người Chăm ở đây còn gọi Islam là Asulam hay Akhlam. Cộng đồng này sinh hoạt độc lập so với người Chăm Hồi giáo Bàni. Hiện nay, Islam có xu hướng tăng lên.
Quan điểm
Trong quá trình sinh sống, người Chăm đã sáng tạo nhiều giá trị tinh thần trong đời sống tâm linh mang tính cố kết cộng đồng dân tộc. Họ luôn luôn đi tìm sự lí giải trong nhân sinh quan về vũ trụ và đời thường. Họ có ý thức gìn giữ nét đẹp văn hóa mà tổ tiên để lại, nhưng không ngần ngại cải biến một số lễ nghi cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội, và cũng đồng ý tiếp nhận cái mới. Các điểm khác biệt này không tồn tại độc lập mà luôn đấu tranh và bổ sung lẫn nhau. Điều này tạo ra sự phong phú trong đời sống tâm linh người Chăm.
Tôi được sở hữu dòng máu của một dân tộc có nền văn hóa đồ sộ. Tôi cảm thấy tự hào về các tinh hoa trong nền văn hóa của dân tộc. Nền văn hóa ấy thể hiện sự nhạy cảm trước sự huyền bí của cuộc đời. Họ không ngừng mò mẫm tìm hiểu sự huyền bí ấy. Đây chính là lí do khiến họ tiếp nhận và sáng tạo nhiều giá trị văn hóa tâm linh làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần.
1.Ta là ai? Đứng trước vũ trụ bao la này, con người luôn trăn trở. Quả là một điều ngu ngốc nếu con người không đặt câu hỏi và tìm cách lí giải điều đó. Và quả là một dân tộc không khôn ngoan khi không trăn trở điều này. Các lí giải về vũ trụ và đời thường trong các triết lí tín ngưỡng, tôn giáo dù đúng hay sai vẫn thể hiện một quá trình tìm tòi đáng ghi nhận.
Sự tò mò khiến con người đi tìm sự lí giải. Sự lí giải nguyên sơ về thế giới của con người phụ thuộc nhiều vào tính chủ quan. Nhưng tính khách quan cũng không thể có nếu không dựa trên cơ sở tính chủ quan. Khoa học không thể đứng vị trí cao nếu bỏ qua các triết lí tôn giáo ban sơ. Khoa học được thực nghiệm chứng minh tính chân lí nhưng nhiều triết lí tín ngưỡng, tôn giáo cũng được chứng minh qua hoạt động thực tiễn; tuy ta không thể không phủ nhận một số thành tố lạc hướng, nhưng ai dám khẳng định rằng các chân lí trong khoa học là hoàn toàn đúng?
Khi nói về quan điểm giữa khoa học và tín ngưỡng, tôn gi&aac
Total votes: 0
Kaka
Thích học hỏi, muốn làm một chút gì đó cho cộng đồng, văn hóa xh của mình...
Be the first person to like this.