• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
Kaka
by On February 12, 2012
0 Rating 118 views 0 Likes 0 Comments

Cuối thế kỷ 19 (1865) Hội nghiên cứu Đông Dương được thành lập. Năm 1866 toàn quyền Đông Dương De Lagrandière cho thu thập những di tích trên bán đảo Đông Dương. Năm 1928 Hội nghiên cứu Đông Dương đã có những sưu tập hiện vật quý về lịch sử, văn hóa và họ chú ý đến những hiện vật nghệ thuật điêu khắc đá Chămpa.

 

z-14, một trong 8 tác phẩm điêu khắc đá khai quật tại tháp Mẫm được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử TP. Hồ Chí Minh

Từ đó các nhà nghiên cứu phương Tây đến Việt Nam tìm hiểu về văn hóa Chămpa và họ tiến hành khai quật tại di tích tháp Mẫm (Nhơn Thành- An Nhơn) để tìm hiểu kiến trúc văn hóa Chămpa. Qua khai quật từ năm 1928 đến năm 1936, tại đây đã phát hiện được rất nhiều hiện vật gồm có phù điêu và tượng tròn bằng đá sa thạch chạm khắc rất độc đáo. Các hiện vật này được chở đi trưng bày tại Bảo tàng Chàm Đà Nẵng, một số chở đi nơi khác. Riêng tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh có trưng bày 8 hiện vật bao gồm phù điêu Tu sĩ, tượng Chim thần Garuda, phù điêu Sư tử, bệ thờ…

Hiện vật thứ nhất là một bệ thờ hình ngực phụ nữ có chiều cao 31cm, chính giữa chạm khắc 7 bầu vú căng tròn đầy sức sống, phía trên và phía dưới trang trí những dải hoa văn hình cánh sen. Trong tôn giáo tín ngưỡng của người Chămpa xưa, ngoài việc tôn thờ Linga và Yoni, họ còn tôn thờ những hình ngực phụ nữ. Vì sen là biểu tượng thường gắn với Phật giáo, vì thế bệ thờ này có thể là biểu tượng tôn thờ của môn đồ Mật Tông tả phái, phái này thường chú trọng tôn thờ nguyên lý âm (Sakti) và coi đó là năng lực sáng tạo. Đối với người Chămpa, việc tôn thờ này có ý nghĩa liên quan đến yếu tố Mẫu hệ và tục thờ Quốc Mẫu.

Về phù điêu Tu sĩ có 4 tác phẩm được chạm khắc sắc sảo, tỉ mỉ đạt đến tính mỹ thuật cao. Trong đó có một phù điêu thể hiện hình bán thân có chiều cao 0,5m, 3 phù điêu còn lại chạm khắc toàn thân trong tư thế ngồi, trong đó 2 Tu sĩ trang trí hình lá đề có chiều cao 0,73m và 0,66m, và 1 tu sĩ thể hiện trong ô khám có chiều cao 0,36m. Ba phù điêu trong tư thế ngồi, 2 chân xếp bằng, đầu đội miện, 2 tai to chảy dài đến bờ vai, 2 tay chắp trước ngực, mặc Sămpốt nhiều lớp, cổ đeo một vật thõng xuống trước ngực. Với cách thể hiện khá độc đáo, khi nhìn vào ta thấy các Tu sĩ trong dáng vẻ trầm tư sâu lắng, biểu hiện sự đắc đạo, mong ước một cuộc sống tốt đẹp sẽ tồn tại mãi mãi…

Về tượng Chim thần Garuda được chạm khắc rất độc đáo, đạt đến độ tả thực rất cao, hoa văn trang trí cầu kỳ, sắc sảo. Garuda có vầng trán cao, mắt lồi, miệng há rộng, ngực căng phồng, 2 chân dang ra, đầu gối khuỳnh xuống, mặc Sămpốt chảy dài từ thắt lưng xuống bàn chân. Garuda được trang trí những vòng cườm tròn ở trán, 2 cổ tay, vòng đeo cổ, ngực và thắt lưng cùng với những hình xoắn móc. Garuda trong tư thế đứng có chiều cao 0,96m, 2 tay giơ cao đến đầu trong tư thế đang bóp chết 2 rắn Naga (theo truyền thuyết thì mẹ của rắn Naga đã giết mẹ của chim thần Garua, do đó giữa 2 loài này có mối thù truyền kiếp. Vì thế nên Chim thần Garuda thường bắt hoặc giết rắn Naga), đây là đề tài được thể hiện trong điêu khắc đá Chămpa. Garuda mang phong cách Trà Kiệu được thể hiện là loài có lông vũ và mỏ với cách thể hiện ở trên đầu là những hình lá đề được xếp thành từng tầng; còn Garuda mang phong cách tháp Mẫm thì thể hiện tính tả thực và cách điệu rất cao.

Phù điêu thứ 7 là Sư tử đá có chiều cao 0,96m thể hiện trong tư thế đứng, trên đầu chạm khắc hoa văn hình xoắn móc, sống mũi cao đến đỉnh đầu, 2 mắt mở to nhìn về phía trước, cổ đeo vòng trang sức to bản, ở ngực chạm khắc 2 bông hoa nhiều cánh, thắt lưng trang trí nhiều vòng cườm, Sămpốt chảy dài từ trước bụng đến bàn chân, 2 đầu gối khắc 2 bông hoa đang nở có 3 vòng và nhiều cánh. Đối với phù điêu Sư tử này, về trang trí hoa văn gần giống như Chim thần Garuda. Toàn thân Sư tư chạm khắc sắc sảo, tỉ mỉ đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc Chămpa thời bấy giờ.

Phù điêu thứ 8 là bệ thờ bằng đá có chiều cao 0,44m, bên trong chạm khắc những ô cửa tháp thu nhỏ trang trí những hoa văn được cách điệu từ con mắt của người gồm: con ngươi, tròng mắt và mi mắt…, khi nhìn vào ta thấy ở đó có cuộc sống linh thiêng và huyền bí.

Tất cả các hiện vật trên có niên đại từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 14, đó là thời kỳ nền văn hóa Chăm phát triển rực rỡ trên đất Bình Định, vì nơi đây là kinh đô, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của người Chămpa xưa.

 Bùi Tĩnh

Theo baobinhdinh.com.vn

0
Total votes: 0
Kaka
Thích học hỏi, muốn làm một chút gì đó cho cộng đồng, văn hóa xh của mình...
Be the first person to like this.

It will be interesting:

By: On September 6, 2018
0 Rating 305 views 0 likes 0 Comments
Read more
By: On December 17, 2019
0 Rating 162 views 1 like 0 Comments
Read more