Cham Blogs
On March 8, 2012 in Lịch sử Champa /
0
Rating
181
views
0
Likes
0
Comments
Khắc Dũng
BT- Trong lịch sử, có một dòng văn hóa Chăm đã “chảy ngược” lên vùng đất Tây Nguyên tạo nên hai phiên quốc Hỏa Xá và Thủy Xá mà đến tận ngày nay vẫn chưa được các nhà khoa học giải mã một cách đầy đủ. Vậy, nếu thực sự có một “dòng chảy ngược” ấy, người Chăm trong lịch sử đã “đi” bằng con đường nào để hình thành hai phiên quốc Thủy Xá và Hỏa Xá, đặc biệt là có ảnh hưởng như thế nào đến thánh địa Cát Tiên?
Linga – yony trên đất Bình Thuận
Linga – yony là hiện thân của thần Siva trong Ấn Độ giáo. Trước đây, ở Bình Thuận, người ta cho rằng chỉ có một nhóm đền tháp Pô Sha Inư – nhóm di tích duy nhất về đền tháp Chăm trên đất Bình Thuận – là có thờ ngẫu tượng sinh thực khí linga – yony. Quần thể di tích Pô Sha Inư nằm trên đồi Bà Nài thuộc phường Phú Hài, Phan Thiết (Lầu Ông Hoàng), được xây dựng từ hơn 1.200 năm về trước; được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1991. Tuy nhiên, sau đó, một nhóm đền tháp kiến trúc Chăm khác đã được phát hiện tại Bình Thuận là nhóm kiến trúc Pô Đam (hay còn gọi là Pô Tằm), thuộc xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong (cách TP Phan Thiết khoảng 110km). Đặc biệt, trong nhóm 6 tháp Pô Đam (hiện chỉ còn 3 tháp tương đối nguyên vẹn) thì nhóm tháp ở phía bắc hiện vẫn còn lưu giữ tượng thờ sinh thực khí linga – yony bằng đá xanh. Và tiếp đến, mới đây, tại xã Hàm Cường thuộc huyện Thuận Nam, một nông dân trong lúc làm rẫy đã vô tình phát hiện một bộ linga – yony được chế tác từ đá granit có màu xanh xám. Với hai phát hiện mới (nhóm tháp có bệ thờ linga – yony Pô Đam và linga – yony do một nông dân phát hiện), cùng với bộ linga – yony ở đền tháp Pô Sha Inư trước đây, cho thấy vùng đất Bình Thuận là nơi còn tiềm ẩn khá nhiều dấu vết Chăm mà có thể là chưa được khám phá một cách đầy đủ.
Linga – yony vật thờ linh thiêng của người Chăm trong thánh địa Cát Tiên (Lâm Đồng).
Nhìn từ Nam Tây Nguyên
Cát Tiên là đơn vị hành chính của tỉnh Lâm Đồng; nhưng đồng thời, xét về lịch sử, đây còn là thánh địa của cư dân cổ – một nhóm cư dân cổ chủ nhân nào đó mà hiện nay, các nhà khoa học chưa có sự thống nhất. Các nhà khoa học cho rằng, đó có thể là người bản địa (người Mạ), hoặc một nhóm người Chăm, hoặc cư dân thuộc một tiểu quốc của Phù Nam… Nhóm cư dân cổ chủ nhân Cát Tiên đó sinh sống ngay sát con sông Đồng Nai phát nguồn từ cao nguyên Lâm Viên (Đà Lạt) chảy dọc từ độ cao hơn 1.500m xuống vùng Đồng Nai, Bình Phước rồi sau đó đổ ra sông Sài Gòn. Điều đáng nói, trên đất Bình Thuận, hầu hết các dòng sông hiện hữu đều bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng) hoặc là các chi lưu của sông Đồng Nai như các sông Cà Ty, La Ngà, Quao, Lòng Sông, Lũy, Mao… Nói cách khác, về mặt đường thủy, Bình Thuận có điều kiện rất thuận lợi cho việc giao lưu với tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên (Lâm Đồng).
Linga – yony vật thờ linh thiêng.
Tại thánh địa Cát Tiên, qua nhiều lần khai quật từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước đến nay, nhiều hiện vật mang tính đặc trưng tôn giáo đã được phát hiện. Trong đó, các bộ thờ sinh thực khí linga – yony ở thánh địa này được đánh giá là phong phú nhất so với sinh thực khí linga – yony được tìm thấy ở những vùng khác, kể cả Bình Thuận. Đặc biệt, tại Cát Tiên, bộ thờ sinh thực khí linga – yony tại gò số 5 (ngay sát bên bờ sông Đồng Nai) được cho là bộ thờ linga – yony lớn nhất Đông Nam Á với chiều dài lên đến 2,26m. Ngoài ra, cũng tại thánh địa Cát Tiên, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy những cái “nhất” về linga, như chiếc linga bằng vàng nhỏ nhất Đông Nam Á; chiếc linga bằng đá bán quý (thạch anh) nguyên khối lớn nhất Đông Nam Á với chiều dài 25cm và nặng đến 3,435kg; linga cao 2,1m và đường kính 80cm là chiếc linga lớn nhất Việt Nam… Ông Lương Nguyên Minh – Trưởng Ban quản lý Di tích Cát Tiên – cho biết: “Theo đánh giá của các nhà khoa học thì không ở đâu trên thế giới này có được những bộ linga – yony phong phú về loại hình, chất liệu và kỹ thuật điêu khắc như ở thánh địa Cát Tiên”. Tuy nhiên, một trong những vấn đề đáng lưu ý khác ở những bộ thờ sinh thực khí linga – yony ở Cát Tiên là hầu hết các ngẫu tượng này đều được làm bằng đá phun trào hoặc đá cát kết. “Đây là hai loại đá không được tìm thấy ở vùng đất Cát Tiên. Nó phải được mang từ nơi khác đến; có thể được mang đến từ các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Thuận…” – ông Minh nhấn mạnh. Vậy, nó được mang đến bằng con đường nào? Rất có thể bằng con đường ngược sông Đồng Nai từ Bình Thuận lên, từ Đồng Nai lên… Và, không chỉ “mang đến” một thứ vật liệu để chế tác mà còn “mang đến” cả một dòng văn hóa!
Một vấn đề khác cũng được các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm là thánh địa Cát Tiên là một tiểu quốc độc lập hay một phiên quốc? Rồi nữa, nó là vương quốc độc lập hay chỉ là một “đơn vị hành chính” của một trong hai phiên quốc Thủy Xá và Hỏa Xá? Tất nhiên còn nhiều vấn đề cần được làm sáng tỏ, nhưng có một điều mà giới khoa học tương đối thống nhất trong nhận định là cư dân cổ Cát Tiên có quan hệ khá mật thiết với cộng đồng người Chăm ở phía Đông Bắc là Bình Thuận và Ninh Thuận, đồng thời còn có quan hệ về nhiều mặt với cư dân Phù Nam và Chân Lạp ờ phía Đông Nam bằng con đường sông – sông Đồng Nai. Và, đã có ít nhất là một dòng văn hóa Chăm “chảy ngược” từ hướng biển lên phía thượng nguồn sông Đồng Nai!
Nguồn : BTO
Total votes: 0
Topics:
Dòng chảy ngược của văn hóa Chăm, Dòng chảy ngược của văn hóa Chăm, Dòng chảy ngược của văn hóa Chăm
Kaka
Thích học hỏi, muốn làm một chút gì đó cho cộng đồng, văn hóa xh của mình...
Be the first person to like this.