Cham Blogs
On March 18, 2012 in Tin cộng đồng /
0
Rating
327
views
0
Likes
0
Comments
Norimitsu Onishi
Một năm sau thảm họa Fukushima, dù cho giấc mơ hạt nhân của Nhật Bản đã tàn và dù có nhiều nghi ngại nhưng Việt Nam vẫn quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để thực hiện một trong những chương trình điện hạt nhân tham vọng nhất thế giới, theo tờ Thời báo New York.
Trong một phòng học không có sưởi tại Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân tại Hà Nội, khoảng 20 cán bộ kỹ thuật trẻ của ngành công nghiệp Điện Hạt nhân (ĐHN) mới phôi thai, vẫn mặc trên mình các áo choàng mùa đông của họ, đang tham dự buổi sáng đầu tiên của một cuộc hội thảo 10 ngày về phóng xạ.
Cuộc hội thảo này do một tổ chức bán công là Cơ quan Năng lượng Nguyên tử của Nhật Bản (JAEA) đỡ đầu đã khai mạc với giáo trình nhập môn Vật lý Phóng xạ 101. Các học viên thu thập những mẫu phóng xạ với sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật rồi đem phân tích trong một phòng thí nghiệm do Nhật Bản xây dựng.
Một học viên, Nguyễn Xuân Thuỷ, 27 tuổi, nói: “Điện hạt nhân rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của Việt Nam, nhưng cũng như lửa, nó có hai mặt. Chúng tôi phải học cách lợi dụng mặt tốt của nó.”
Việt Nam đang chuẩn bị để khởi động một trong số những chương trình ĐHN đầy tham vọng và đang đấu tranh để xây dựng từ con số không một đội ngũ chuyên gia để vận hành và điều tiết các nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN). Chính phủ đang tăng cường các chương trình giảng dạy kỹ thuật hạt nhân trong các trường đại học và gửi ra nước ngoài đào tạo ngày càng nhiều cán bộ kỹ thuật trẻ, và tuyên bố là Việt Nam sẽ có đủ chuyên gia có trình độ để quản lý một cách an toàn một ngành công nghiệp được dự tính sẽ phát triển từ một lò phản ứng hạt nhân năm 2020 lên 10 lò năm 2030.
Nhưng một số chuyên gia Việt Nam và ngoại quốc nói rằng chương trình quá tham vọng có thể dẫn đến một hình thức điều tiết yếu kém và cũng sẽ có những tình trạng cấu kết giữa các nhà điều tiết và các nhà vận hành, điều đã góp phần gây ra thảm họa ở NMĐHN Fukushima năm ngoái tại Nhật Bản.
GS. Phạm Duy Hiển, một trong những nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Việt Nam, nói đưa ĐHN vào Việt Nam là “ước mơ từ bao năm” của ông. Nhưng ông cho rằng các chương trình của chính phủ thiếu “một sự đánh giá chặt chẽ những vấn đề có liên quan đến ĐHN, đặc biệt là những vấn đề nảy sinh trong các nước kém phát triển.” Cũng như nhiều người Việt Nam khác, ông Phạm Duy Hiển dẫn ra tỷ lệ cao của các tai nạn giao thông đường bộ ở Việt Nam, minh chứng rõ rệt nhất cho “một nền văn hoá an toàn tồi tệ” đang tràn ngập lên “tất cả các lĩnh vực hoạt động trong nước.”
Chính phủ Việt Nam sợ rằng đà tăng trưởng mạnh của nền kinh tế sẽ bị nguy hại nếu không có năng lượng do các NMĐHN cung cấp. Việt Nam hiện nay dựa vào thuỷ điện là chính và đến năm 2015 theo dự đoán, sẽ phải nhập năng lượng. Và Nga và Nhật Bản đã trúng thầu để xây dựng hai NMĐHN đầu tiên cho Việt Nam, Hàn Quốc chắc sẽ được chọn để xây nhà máy thứ ba.
Đối với Nhật Bản, hợp đồng này là kết quả của nhiều năm vận động ở cấp cao nhất của chính phủ và của ngành công nghiệp hạt nhân, ngành này đang bị đe doạ ở trong nước do có các phản ứng mạnh của công chúng chống lại ĐHN sau sự cố năm vừa qua. Khoảng 500 cán bộ Việt Nam đã tham dự các cuộc hội thảo do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản tổ chức kể từ năm 2001. Công ty Toshiba chuyên sản xuất nhà máy cũng đã mở những lớp học kéo dài 1 tháng kể từ năm 2006 với mục đích giành được hợp đồng xây dựng.
Cũng như nước Nga đã hứa cho Việt Nam vay từ 8 đến 9 tỷ USD để xây dựng nhà máy thứ nhất, Nhật Bản sẽ cung cấp những khoản tín dụng vay với lãi suất thấp thông qua Ngân hàng Hợp tác Quốc tế của Nhật Bản. Nước Nhật cũng sẽ dùng Viện trợ Phát triển Hải ngoại (ODA) cho Việt Nam để xây dựng đường sá, bến cảng và các cơ sở hạ tầng khác phục vụ NMĐHN.
Với các ký ức của thảm hoạ Fukushima vẫn còn nóng hổi ở Nhật Bản, vai trò tích cực của chính phủ Nhật trong việc bán các NMĐHN cho những nước đang phát triển như Việt Nam đã làm dấy lên nhiều chỉ trích gay gắt. Những người phê phán cho rằng các nỗ lực chung của chính phủ và của ngành công nghiệp hạt nhân làm cho người ta nhớ lại sự cấu kết của hai bên đã dẫn đến thảm hoạ Fukushima. Họ nói rằng các khoản vay lãi suất thấp – từ tiền của người dân đóng thuế – chỉ có lợi cho những công ty xây dựng nhà máy có các quan hệ tốt với chính phủ. Kanna Mitsuta, một nghiên cứu viên của cả hai tổ chức Bạn của Trái Đất ở Nhật Bản và Theo dõi Mekong, một tổ chức tư nhân, nói: “Khi nói đến chuyện bán NMĐHN thì thật không phải là một loại kinh doanh có thể đứng vững trên mặt thương mại vì nó luôn luôn cần có nguồn vốn nhà nước tuồn thêm vào.”
Những người chỉ trích nói rằng Nhật Bản và các quốc gia hạt nhân khác đang trong tình thế tuyệt vọng bị bắt buộc phải bán các NMĐHN cho các nước đang phát triển vì giấc mơ hồi phục hạt nhân trong các nền kinh tế tiên tiến đã tàn lụi sau thảm hoạ Fukushima. (Sau thảm hoạ Fukushima, Tokyo đã từ bỏ kế hoạch xây thêm 14 lò phản ứng nữa ở Nhật Bản cho đến năm 2030).
GS. Phạm Duy Hiển nói: “Tôi không hiểu tại sao nước Nhật lại làm đủ mọi thứ để xuất sang các nước đang phát triển một thứ mà họ đã loại bỏ trong nước họ.”
Những người ở Nhật ủng hộ việc xuất khẩu nhà máy nói là những nước đang phát triển như Việt Nam có quyền lựa chọn ĐHN để mở mang kinh tế như Nhật đã làm trước đây vài thập kỷ. Tadashi Maeda, một quan chức của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật bản và cũng là cố vấn đặc biệt của văn phòng Thủ tướng nói là nếu Nhật quyết định không bán NMĐHN cho họ thì “họ sẽ mua ở một nước khác.” Ông Maeda nói là sai lầm của con người đã đóng góp một phần vào thảm hoạ Fukushima. Nhưng ông cũng thêm rằng, khác với Nhật Bản, lúc ấy đang sử dụng những lò phản ứng cũ kỹ ở Fukushima, Việt Nam sẽ nhận được “những lò phản ứng hiện đại nhất có các trình độ kỹ thuật và an toàn hoàn toàn khác.”
Nhưng ông Trần Văn Phúc, một kỹ sư người Pháp gốc Việt hiện đang làm tư vấn về điện hạt nhân cho Bộ KH&CN Việt Nam nói là ông không hề có nghi ngờ gì về kỹ thuật của Nhật Bản. Ông nói: “Đó không phải là điều mà chúng tôi lo lắng.” Thay vào đấy, ông dẫn ra trình độ của Việt Nam để quản lý và điều tiết một trong số những ngành công nghiệp phức tạp nhất trên thế giới. “Đúng là chính sách quản lý mới làm cho chúng tôi lo ngại. Khi một lò phản ứng hạt nhân hoạt động, các nhà điều tiết phải độc lập, cương quyết và đề cao cảnh giác.” Ông Trần nói, Việt Nam sẽ cần đến hàng trăm chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm để điều tiết ngành công nghiệp hạt nhân của mình. Tại Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân của Việt Nam, “hiện nay chỉ có 30 người đủ trình độ để phân tích các báo cáo an toàn với sự trợ giúp của các chuyên gia.”
Tại Thái An, một thôn nhỏ ở miền Trung Việt Nam được chọn làm địa điểm của NMĐHN Nhật Bản, khoảng một chục người dân được phỏng vấn ngẫu nhiên nói là họ lo lắng về kế hoạch di dời của 700 hộ gia đình trong thôn đến một địa điểm vài cây số trên phía Bắc. Dân làng phần lớn làm nghề đánh cá và trồng nho, nói là thu nhập của họ từ nông nghiệp đã tăng mạnh trong những năm gần đây vì Thái An được nối vào hệ thống nước sạch từ một hồ chứa gần đấy. Họ nói là họ sợ rằng vị trí tái định cư ở gần NMĐHN sẽ có ảnh hưởng xấu đến nghề trồng trọt và đánh bắt cá của mình. Ông Phạm Phong, 43 tuổi, một người trồng nho và là một trong những thí dụ hùng hồn nhất của việc tăng thu nhập ở Đông Nam Á, đã thay chiếc xe máy Trung Quốc rẻ tiền bằng một chiếc Yamaha mới bóng loáng hồi năm ngoái. Ông nói: “Tôi không biết gì về NMĐHN cả. Nhưng khi xem Fukushima trên truyền hình, tôi cũng lo.”
N.T.N. dịch theo New York Times
Nguồn: http://www.nytimes.com/2012/03/02/world/asia/vietnams-nuclear-dreams-blossom-despite-doubts.html?_
Total votes: 0
Kaka
Thích học hỏi, muốn làm một chút gì đó cho cộng đồng, văn hóa xh của mình...
Be the first person to like this.
It will be interesting:
Related Blogs
Kaka Information
Statistic
0 Blog Rating
308 Total Blogs
64 Total Blog Comments
Last Blog Comments
C
Xin c?m ?n ?
??c xong t??ng c