Cham Blogs
On March 26, 2012 in Văn hóa Champa /
0
Rating
463
views
3
Likes
3
Comments
”Trúng puh”, một từ lai căng độc đáo, được ghép lại từ một từ tiếng Việt (trúng) và một từ tiếng Chăm (puh) nghĩa là rẫy; xuất hiện gần đây, gắn với một biến cố mang tính chính trị, xảy ra tại các ngôi làng người Chăm. Đó là việc thu hồi và đền bù đất đai, do Nhà nước quy hoạch. Người ta không lạ gì với những từ lai căng được ghép thành từ hai ngôn ngữ theo kiểu này, vì nó không hiếm, do sự mai một của tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, người ta phải đặt một dấu hỏi đồ sộ về từ “trúng puh”, do hàm nghĩa khác lạ của nó.
Lẽ ra, họ phải nói là “mất puh” thì đúng hơn; nhưng tại sao họ lại bảo là “trúng puh”? Điều này cho thấy, nghề làm nông rất khổ cực; họ không thích làm nông, vì lợi nhuận thu hoạch rất ít. Nhà nước bỏ tiền ra đền bù, thế là họ mừng; họ mừng, còn những người có hiểu biết thì lo. Họ mừng vì có tiền chi cho sinh hoạt đời thường trong hiện tại. Họ không thấy rằng, sau này họ sẽ làm nghề gì, khi không còn đất để sản xuất? Con cháu của họ sau này sẽ lấy đâu đất đai để làm ăn, trong khi nghề nông vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế người Chăm? Liên quan đến vấn đề này, hàng loạt câu hỏi được đặt ra. Công tác đền bù này được thực thi như thế nào? Thái độ của người Chăm ra sao? Đời sống của người Chăm sẽ ra sao khi không còn đất để sản xuất?
Tôi là công dân của Việt Nam, nhưng tôi mang trong mình dòng máu của người Chăm. Tôi có nghĩa vụ cầm súng bảo vệ tổ quốc khi bị xâm lăng, nhưng tôi cũng phải có trách nhiệm với người đồng tộc. Ta có quyền nói ra nguyện vọng chính đáng của người đồng tộc. Đó là nền tảng cơ bản cho một nước dân chủ, được quy định rõ ràng trong hiến pháp. Một số trí thức Chăm trong nước cảm thấy rụt rè khi đề cập đến vấn đề này, chưa thấy một phát biểu nào thật sự có tác động hiệu quả từ họ. Trong khi đó ở hải ngoại, Po Dharma đã có lời hùng biện xuất sắc trên web Champaka.org, làm tăng vị thế cho cánh đàn chính trị của ông. Thế là, người Chăm hải ngoại được thế hạ thấp hình ảnh của các bậc trí thức trong nước. Tôi nghĩ, ta nói ra quan điểm của mình cũng đâu có gì là ngại! Đó là quyền tự do ngôn luận.
Người Chăm, đa số làm nông, sống tập trung nhiều nhất ở tỉnh Ninh Thuận. Thời tiết ở đây rất khắc nghiệt, ít mưa, nắng hạn, rất bất lợi cho nền nông nghiệp; điều này khiến họ không mặn mà lắm với nghề làm nông, nhưng cũng phải làm, vì không còn lựa chọn nào khác. Trong nông nghiệp, họ chỉ độc canh trồng lúa nước; các cây trồng khác chiếm tỉ trọng không đáng kể. Một số hộ có hành nghề chăn nuôi, chủ yếu là nuôi cừu; một thời gian cừu bị mất giá, gây lỗ nặng, khiến họ từ bỏ nghề nuôi cừu, trở lại với nghề trồng trọt; việc thu hoạch phụ thuộc vào nước mưa, trông cậy vào trời. Hiện nay, một số palei cũng có một số công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, tuy nhiên chỉ đủ tưới cho một diện tích hẹp, hoạt động cũng không thường xuyên, do thời tiết bất thường. Hồ Tân Giang phục vụ tưới tiêu cho làng Văn Lâm và các làng lân cận, chỉ hoạt động vào mùa mưa; mùa khô thì ngưng hoạt động.
Đất đai là điều kiện cần có, để làm nông nghiệp. Diện tích đất ruộng không đủ để người dân canh tác; hơn nữa, ở Palei Ram mỗi năm lại chỉ làm 2 vụ, mùa hè phải bỏ hoang. Do thiếu đất canh tác, nhiều người Palei Ram đành dắt tay nhau lên rừng, khai khẩn đất hoang để có đất sản xuất; làm nương rẫy cũng gặp nhiều khó khăn, do không có kênh đào tưới tiêu nào trên đất rẫy, đành phải gieo trồng trông nhờ vào nước mưa.
Đất đai ngày càng chật hẹp do sự lấn áp của đô thị. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Các đô thị này hầu hết do người Kinh cư trú. Người Chăm không có một đặc lợi nào từ sự mở rộng của các đô thị; ngược lại, họ như bầy chim lạc loài trong sự cách biệt của nền văn hóa. Một số hộ có mở một số cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ, nhưng lợi nhuận không thể bù đắp với các vấn đề phát sinh trong quá trình sinh sống. Các hộ gia đình cư trú xen lẫn trong đô thị này có ý thức dân tộc khá lu mờ; phụ nữ hiếm khi thấy mặc váy, đội khăn cũng chỉ thỉnh thỏang; trong khi yếu tố này là điều căn bản cho một nền văn hóa chịu sự chi phối của tôn giáo như cộng đồng Chăm. Tôi có tiếp xúc với một số hộ gia đình này, họ gần như cô lập do sự cách biệt về văn hóa. Các thương nhân người Chăm cũng không đủ sức để cạnh tranh với một đội ngũ thương nhân lành nghề trong các đô thị. Đó là mặt trái của quá trình đô thị hóa. Nó như một quá trình thu hẹp phạm vi không gian sinh sống của người Chăm.
Trên đây là những khó khăn, mang tính trực quan; đành thế, lại có một kế hoạch thu hồi đất đai của Nhà nước. Nhà nước thu hồi với lí do gì? Theo lời của cán bộ làng xã, Nhà nước thu hồi đất để làm khu sản xuất muối, khu sản xuất công nghiệp, khu định cư…Một vấn đề là, ta thấy những dự án này không đem lại lợi ích gì cho người Chăm. Điều này có bất bình đẳng không? Nhà nước là Nhà nước chung cho tất cả dân tộc sống trong lãnh thổ Việt Nam, các nhà cầm không thể đối xử cục bộ, tước quyền lợi của tộc người này để vun trồng cho một nhóm người thân thích của họ.
Đất đai bị thu hồi, các đồng muối đã mộc lên ở một số nơi, vốn trước đây được dùng để sản xuất nông nghiệp; một khi làm muối, thì đất đai ở đây sẽ bị nhiễm mặn, không sản xuất nông nghiệp được nữa. Các doanh nghiệp sản xuất muối đều là người Kinh; người Chăm hiện nay không tham gia làm muối; vì vậy, đồng muối không mang một thu nhập nào cho người Chăm. Khi xưa, người Chăm sống ven biển, hành nghề đánh bắt cá trên biển rất giỏi giang; hiện nay, các ngôi làng sát bên biển không còn nữa; các làng khác dù cách biển cũng không xa, nhưng họ hoàn toàn không làm nghề đánh bắt cả trên biển, và dĩ nhiên là không làm muối.
Đất đai bị thu hồi, người Chăm đành đổ dồn vào khu công nghiệp Đồng Nai; ở đây, có nhiều người làng Văn Lâm tạm cư làm công nhân; làm công nhân cũng mang lại thu nhập, nhưng đằng sau sự hiện hữu của đồng tiền là cả một vấn đề lớn phát sinh. Hầu hết, họ là những người đang ở lứa tuổi thanh thiếu niên, thiếu nhiều kĩ năng cần thiết , trong khi họ không thích nghi với điều kiện sinh hoạt ở nơi đất lạ. Bản sắc văn hóa cũng không còn chỗ để cư ngụ.
Đất đai bị thu hồi, không gian sinh sống của người Chăm bị hạn hẹp đi; một số hộ đành rời bỏ tanâh riya mukkei (vùng đất tổ tông) để sống xen cư với người Kinh. Người Chăm ở Ninh Thuận quan niệm: đất đai là nơi cư ngụ của thần linh, là nơi cư ngụ của linh hồn tổ tông. Họ gắn bó vùng đất này từ lâu đời; rời bỏ đất đai cũng đồng nghĩa với việc rời bỏ thần linh, mukkei (tổ tông). Vì vậy, ta có thể nói, việc thu hồi đất đai của người Chăm sinh sống, không chỉ gây khó khăn về kinh tế, còn đụng chạm đến khía cạnh tâm linh!
Với số tiền đền bù này, họ dùng vào việc gì? Một số gia đình dùng vào việc xây cất nhà ở, cũng để lại phúc đức cho con cháu; tuy nhiên, nhiều người dùng số tiền này để “duh yang”, “duh bang” một cách tốn kém. Nhiều nghi thức thờ cúng không cần thiết được thực hành. Nhiều hộ dành số tiền này để mua trâu, giết thịt làm đám tang; người mới khuất được thực hiện lễ tang này đã đành, người chết lâu mấy năm trời rồi cũng được nhắc lại để thực hành đám tang. Đây là một khía cạnh về lễ tục, các nhà nghiên cứu phải xét lại? Vấn đề này, tôi xin dành cho các chuyên gia!
Một số gia đình dành số tiền này để gửi ngân hàng với lãi xuất rất thấp. Khi tôi hỏi rằng, sao bác không cho người đồng tộc vay để có lãi suất cao hơn? Họ nói là, cho người dân vay, tôi sợ họ không trả nổi tiền! Sao không có một doanh nghiệp tài năng, có uy tín, tập hợp số tiền này xây dựng một cơ sở kinh tế để người Chăm có việc làm; rồi trả lãi suất cho người dân với giá cao hơn lãi suất ngân hàng thì cớ sao họ lại không đồng tình cơ chứ?
Nhà nước có quyết định thu hồi đất, người Chăm không phản đối được; họ đành chịu nhận tiền đền bù, nhưng số tiền đền bù này lại có một phần rơi vào túi của những cán bộ chức quyền. Điều này khiến người Chăm bất hòa, đây chính là nguyên nhân trực tiếp thôi thúc họ xuống đường đấu tranh.
Ngày 6 – 12- 2007, tập thể nữ giới làng Văn Lâm biểu tình trước trụ sở Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đòi lại quyền sở hữu đất đai. Công an và bộ đội dân phòng đến: dùng hai chiếc xe cơ giới chở những người phái yếu này vứt bỏ ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận và ở Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa! Đây là hành động không thể chấp nhận được, bởi có nhiều cách để giải toán những người biểu tình này, sao giới cầm quyền địa phương lại dùng biện pháp này?
Ngày 23 – 7- 2008, ở làng Văn Lâm xảy ra một biến cố; hàng trăm đồng bào người Chăm, hầu hết là phụ nữ, tụ tập trên đường quốc lộ 1A, chặn đoàn xe thủ tướng đi ngang qua, yêu cầu chính quyền hoàn trả lại đất đai bị tịch thu cho 73 hộ người Chăm. Về tính chất của chuyện này, nếu gạt bỏ vài người quá bức xúc trong đám đông thì, đây là một cuộc đấu tranh hợp pháp đòi quyền lợi chính đáng. Chính quyền địa phương đã can thiệp kịp thời, đã phạt tù một số phần tử quá khích nên không còn gì để đổ thêm tội cho họ.
Cũng về vấn đề này, anh Bá Văn Bản – một thanh niên người Chăm 25 tuổi, do phản đối chính quyền, đòi quyền sở hữu đất đai, có hành động quá khích (chặt vài cây đào trên đất bị trưng dụng), nên bị bắt giam trong tù. Ngày 27- 8 – 2008, anh qua đời, chỉ sau 2 tháng trong trại giam; về nguyên nhân khiến anh chết, được kết luận khác nhau. Theo lời chính quyền địa phương, đây không phải là sự tra tấn lầm lẫn người Chăm trong trại giam. Theo khẳng định trên Champaka.org, anh Bá Văn Bản “bị cảnh sát tra tấn đến chết”. Tuy nhiên, ta có thề khẳng định rằng, dù nguyên nhân nào đi nữa, trách nhiệm vẫn thuộc về các nhà cầm quyền địa phương.
Người Chăm là những người hiền lành, nhưng với sự rèn luyện trong quá trình đấu tranh sinh tồn trong lịch sự, họ không ngần ngại đứng lên để đấu tranh. Nhà nước cần có nhiều chính sách chiêu đãi người Chăm hơn; một khi đáp ứng được nguyện vọng của họ, thì dễ dàng lấy được niềm tin của họ; như vậy, các thế lực thù địch khó mà lợi dụng để kích động tâm lí bất mãn; như vậy, Nhà nước sẽ giảm đi chi phí cho nền quốc phòng hơn. Đó chẳng phải là con đường giải quyết tốt đẹp đó sao?
Total votes: 0
Jathraoh
User not write anything about he.
Like (3)
Loading...
<p>nếu họ quan tâm thì chắc chắn họ sẽ ghé!!! sớm hay muộn đó chỉ là vấn đề thời gian</p>