Cham Blogs
On March 30, 2012 in Văn hóa Champa /
0
Rating
579
views
0
Likes
0
Comments
Cham Pangdurangga – ngang bướng, đau khổ, kiêu hãnh và đầy bất an
Văn hóa Champa là văn hóa đùa vui
Chịu chơi cả trong đau khổ.
Inrasara, Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002
* Patuw Tablah Đá Chẻ ở Chung Mỹ – Photo Inrajaya.
1. Pangdurangga là khu vực địa lí lịch sử cực nam trong 4 khu vực thuộc vương quốc Champa. Suốt chiều dài lịch sử đầy biến động của vương quốc, khu vực này luôn chịu thiệt. Về mọi mặt. Xa trung tâm văn hóa lớn là vùng Amaravati thời Champa hưng thịnh, nó ít được ưu ái; không biết bao lần bị đoàn quân Khmer xâm lăng mà nó phải đơn thương chống cự, rồi sau đó khi vương quốc suy yếu, một mình Pangdurangga phải chịu trận để thay mặt cả dân tộc mà tồn tại. Tồn tại theo đúng tính cách của người Pangdurangga. Vị trí địa lí cùng hoàn cảnh sống buộc nó tự trang bị tinh thần độc lập. Tinh thần độc lập cùng sự đề kháng được tôi luyện thế hệ này qua thế hệ khác làm nên sức chịu đựng đến lì lợm. Do đó chẳng ngạc nhiện khi không ít lần, nó gây phiền hà cho chính triều đình trung ương. Thử đọc qua bí kí dựng trên đồi tháp Po Klaung Girai vào giữa thế kỉ XI:
… vì người Cham vùng Pangdurangga ngu ngốc, ngang bướng, luôn chống lại hoàng đế tối cao. Cuối cùng ngài phải thân chinh đến. (Họ) muốn tôn người Pangdurangga lên ngôi vua. Nhưng bằng trí thông minh khôn khéo của mình, ngài đã chinh phục được tất cả…
Lạ, chính sự “ngu ngốc, ngang bướng” đó đã tôi luyện dân Pangdurangga để nó được là chính nó. Thế nên, thế kỉ XVII-XVIII, khi nhà Nguyễn sau đó là Tây Sơn chiếm hết Nha Trang rồi lòn xuống thu gọn cả miền đất miền Nam rộng lớn, Pangdurangga vẫn trụ vững. Hai nhà đã phải dành cho người Chăm khu vực quyền tự quản và tự quyết. Mãi khi quyền tự trị này bị vi phạm nghiêm trọng bởi vua Minh Mạng, năm 1822, Po Cơng Can cùng quần thần bôn tẩu sang Campuchia, vùng đất này trở thành vô chủ. Mười năm sau đó, hơn mươi cuộc nổi dậy lớn nhỏ khác nhau nổ ra, để cuối cùng bị dập tắt hoàn toàn vào năm 1834, Champa mới bị xóa tên hoàn toàn khỏi bản đồ thế giới.
Người Pangdurangga vẫn ở lại. Ở lại, chịu đựng và dung nạp tất cả cư dân các vùng khác chạy loạn thiên di tới, thổi vào họ tính thần Pangdurangga tạo nên một cộng đồng cố kết, vừa đậm chất dân tộc vừa mang đặc trưng vùng miền. Quyết liệt và bao dung, ngang bướng mà vẫn nhún nhường, chính người Pangdurangga đã hóa giải và hòa giải hai tôn giáo từng đối kháng là Bà-la-môn và Islam để tạo nên “đạo Bàni” có một không hai trong lịch sử loài người.
* Làng Caklaing 10 năm trước.
Số liệu thống kê đầu tiên về cư dân Chăm giai đoạn vương quốc Champa tan rã được biết đến là vào năm 1810. Đại Nam nhất thống chí cho biết dân số Chăm ở Phú Yên 7.651 người, Khánh Hòa 5.000 người, còn Ninh Thuận và Bình Thuận là 9.200 người. Đến 1891, E. Aymonier đoán Chăm có 30.000 người. Thống kê của Annuaire Général de L’Indochine 1907-1908, Chăm Phan Rang 6.000, Bình Thuận 9.000 = 15.000 người. Năm 1910 và 1913, Tòa Khâm sứ Pháp ở Huế và Pnong Pênh đưa ra số liệu Chăm miền Trung 15.389 người. Có lẽ con số này chỉ giới hạn ở hai tỉnh trên. Phan Quốc Anh trong Nghi lễ vòng đời của người Chăm Ahiêr (2006) cho hay vào năm 1969, Ninh Thuận và Bình Thuận có 33.600 người Chăm; đến năm 1975 là: 40.000 người. 1989, Nguyễn Việt Cường qua bài “Đặc điểm dân số người Chăm tỉnh Thuận Hải”, trong công trình tập hợp nhiều bài viết: Người Chăm ở Thuận Hải (1989): Bình Định 2.500, Phú Yên 7.500, Ninh Thuận và Bình Thuận 50.000, An Giang 10.000, TP Hồ Chí Minh 6.000; tất cả là 90.000 người.
Ấn phẩm Những ngày Văn hóa Dân tộc do Bộ Văn hóa Thông tin xuất bản in 2004 đưa ra con số: Bình Định 4.800 người, Phú Yên 17.835, Ninh Thuận 60.340, Bình Thuận 31.599, Đồng Nai 2.628, Bình Phước 357, Tây Ninh 2.900, An Giang 13.000, TP Hồ Chí Minh 5.173; tổng cộng: 138.632 người.
Thống kê ngày 1-4-1999: Ninh Thuận 61.000 người, Bình Thuận 29.312, An Giang 30.000, Bình Định & Phú Yên 20.000, Đồng Nai 3.000, Tây Ninh 3.000, Bình Phước và Bình Dương 1.000 và TP Hồ Chí Minh 5.000; tổng số là 152.312 người. Năm 2002, Báo cáo của Ủy ban Dân tộc và Miền núi tỉnh Ninh Thuận, riêng ở tỉnh Ninh Thuận Chăm có 61.359 người. Năm 2008, Đổng Văn Dinh, cán bộ Dân vận Tỉnh ủy cho biết Chăm ở Ninh Thuận có 67.649 người (chiếm gần 12% dân số của Tỉnh(1). Còn số liệu mới nhất 3-2012, người Chăm ở Ninh Thuận có 72.500 người.
Nhớ, năm 1908, Chăm Ninh Thuận vỏn vẹn 6.000 người, để đúng một thế kỉ sau, con số tăng gấp 12 lần: 72.000 người. Đói khát, họ vẫn làm lễ, đủ loại lễ hội. Đau khổ, họ vẫn ca hát, nhảy múa và làm thơ – mênh mông thơ được viết ra trong giai đoạn này. Chưa qua kĩ thuật in ấn, họ chép truyền tay nhau thứ chữ “con giun” đầy mĩ thuật. Sống xen cư và cộng cư với người Kinh, họ nhanh chóng hòa đồng nhưng chưa bao giờ đánh mất tính cách Pangdurangga cũng như bản sắc độc đáo của văn hóa dân tộc.
* Nắng thì nắng tràn cho lúa ngô khô héo/ Mưa thì mưa cho nát bở thửa bờ vùng – thơ Inrasara.
2. Người Chăm ở Ninh Thuận sống tập trung trong 27 làng, trong đó: 22 làng thuộc huyện Ninh Phước, 3 làng thuộc Ninh Hải, 1 thuộc Ninh Sơn và 1 thuộc TP Phan Rang – Tháp Chàm(2).
- Thành Tín (Cwah Patih, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước): cách Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận I 8km; 4.600 người – 800 hộ
- Tuấn Tú (Katuh, xã An Hải) 10 km; 2.100 người – 328 hộ
- Nghĩa Lập (Ia Li-u & Ia Binguk, xã Phước Nam) 8km; 2.257 người – 312 hộ
- Văn Lâm (Ram, xã Phước Nam) 11km; 7.200 người – 1.424 hộ
- Nho Lâm (Ram Kia, xã Phước Nam) 14km; 1.577 người – 360 hộ
- Hiếu Thiện (Palau, xã Phước Ninh) 17 km; 2.270 người
- Vụ Bổn (Pabhan, xã Phước Ninh) 18km; 3.100 người
- Chung Mỹ (Bal Caung, thị trấn Phước Dân) 11 km; 2.150 người
- Mỹ Nghiệp (Caklaing, thị trấn Phước Dân) 11 km; 3.606 người – 664 hộ
- Bàu Trúc (Hamu Crauk, thị trấn Phước Dân) 13 km; 2.700 người
- Hữu Đức (Hamu Tanran, xã Phước Hữu) 17km; 6.800 người
- Tân Đức (Hamu Tanran Biruw, xã Phước Hữu) 18km; 1.400 người
- Thành Đức (Bblang Kathaih, xã Phước Hữu) 16km; 1.350 người
- Hậu Sanh (Thon, xã Phước Hữu) 17km; 2.300 người
- Như Bình (Padra, xã Phước Thái) 20km; 1.780 người – 333 hộ
- Như Ngọc (Cakhauk, xã Phước Thái) 21km; 1.480 người – 282 hộ
- Hoài Trung (Bauh Bini, xã Phước Thái) 24km; 2.102 người – 333 hộ
- Hoài Ni (Bauh Bini Biruw, xã Phước Thái) 24km; 2.002 người – 325 hộ
- Chất Thường (Bauh Dana, Phước Hậu) 22km; 2.250 người - 500 hộ
- Hiếu Lễ (Cauk, xã Phước Hậu) 20km; 3.200 người – 600 hộ
- Phước Đồng (Bblang Kacak, xã Phước Hậu) 19km; 2.400 người – 520 hộ
- Phú Nhuận (Bauh Dơng, Phước Thuận) 22km; 2.000 người
- Thành Ý (Tabơng, TP Phan Rang-TC); 21km; 1.900 người
- An Nhơn (Pabblap, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải) 26km; 2.100 người
- Phước Nhơn (Pabblap Biruw, xã Xuân Hải) 28km; 4.200 người
- Bính Nghĩa (Bal Riya, xã Phương Hải) 30km; 2.200 người
- Lương Tri (Cang, huyện Ninh Sơn) 30km; 1.800 người (450 hộ)
Cộng đồng Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận theo Bà-la-môn và Hồi giáo bản địa hoá (thường gọi là Chăm Bàni), còn đại bộ phận người Chăm ở TP Hồ Chí Minh và miền Tây Nam Bộ theo Islam.
Tiếng Chăm thuộc ngữ hệ Nam Đảo. Ngay từ thế kỉ IV (bia Đông Yên Châu), người Chăm đã biết vay mượn hệ thống chữ Sanscrit của Ấn Độ để ghi âm tiếng nói của dân tộc mình. Qua nhiều biến thể, loại chữ này trở thành akhar thrah và được lưu truyền đến ngày nay. Tiếc là hiện tại, chỉ có cộng đồng Chăm Pangdurangga còn sử dụng nó trong phong tục tập quán, sáng tác văn chương và giao tiếp hàng ngày. Trước 1975, các bậc có chữ nghĩa trong xã hội Chăm tìm đủ mọi cách viết, in (ronéo) sách giáo khoa bằng akhar thrah để phổ biến chữ ông bà vào các trường học và trong dân. Việc triển khai năm đực năm cái và không đều khắp, thậm chí chỉ là lớp học tự phát dăm ba trò dưới ánh đèn lu, đủ nói lên sức mạnh tiềm ẩn tình yêu ngôn ngữ dân tộc trong cộng đồng. Mãi khi Ban Biên soạn sách chữ Chăm thành lập năm 1978 sở hữu cơ sở độc lập, để chuyên biên soạn và theo dõi việc dạy và học chữ Chăm ở các trường Tiểu học có người Chăm sinh sống, thế hệ con cháu mới hãnh diện ra mặt về văn chương ngôn ngữ mẹ đẻ của mình được dạy chính quy và bài bản. Thế nên, không lạ khi phong trào dạy và học tiếng Chăm ở Ninh Thuận được đánh giá là hiệu quả nhất. Vô hình trung, Ban nhỏ này trở thành nơi vãng lai của thân hào, nhân sĩ Chăm đến trao đổi các vấn đề xã hội, cộng đồng. Lại tiếc: năm 2011, cơ quan này bị giải thể, dời vào ngồi chung Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận. Bà con cũng thưa lai vãng dần…
Số phận akhar thrah cũng bấp bênh không kém định mệnh tộc người Chăm.
* Rước y trang thần ở Lễ Kate – Photo Nguyễn Á.
3. Sinh hoạt cộng đồng Chăm Pangdurangga bó gọn trong phạm vi palei (làng), mỗi làng có vài dòng họ, mỗi dòng họ có một kut (nghĩa trang tộc mẫu bên Chăm Bà-la-môn) hay ghur (Chăm Bàni). Ba tôn giáo chính của Chăm, ngoài Islam tuân thủ chặt chẽ tổ chức, đạo Bà-la-môn và Bàni rất lỏng lẻo: không giáo chủ để truyền giáo, không tổ chức giảng giáo lí, giáo luật không rõ ràng và được các chức sắc Chăm ứng dụng khá ngẫu hứng, tùy tiện, nên nó thường được cho tín ngưỡng dân gian hơn là một tổ chức tôn giáo đúng nghĩa.
Qua tín ngưỡng dân gian ngàn đời đó, cộng đồng này sản sinh rất nhiều lễ hội, trong đó Rija Nưgar là lớn hơn cả. Đây là lễ được tổ chức vào đầu năm Chăm lịch (khoảng tháng 4 Dương lịch), mang ý nghĩa tống khỏi làng cái xấu xa nhơ nhớp của năm cũ, đón cái tốt lành vào làng nhân năm mới. Lễ Rija Praung thực hiện từ 3-7 ngày đêm được xem là lễ trả nợ lớn nhất, ở đó là tập đại thành các điệu múa, bài tụng ca cùng nghi thức liên quan. Nó như là một buổi biểu diễn văn nghệ hơn là một sinh hoạt lễ nghi tôn giáo. Lễ tạ ơn hay Tẩy oan dù thực hiện đơn sơ hơn, vẫn mang ý nghĩa lớn về mặt xã hội. Sau cùng lễ hội Kate diễn ra vào đầu tháng Bảy Chăm lịch được xem như một thứ Tết của người Chăm, ở đó hầu hết làng Chăm tổ chức lên tháp dự vào cuộc hành hương long trọng và nhiều màu sắc.
Kate, hành hương lên đất Tháp, con người Chăm được nhận biết qua lối ăn mặc, tiếng nói hay điệu múa. Văn minh Champa được nhận biết gói gọn qua tháp Chàm – tháp Chàm muôn mặt. Tháp cô độc, kiêu hãnh có mặt khắp giải đất Miền Trung Việt Nam. Tháp Chàm hôm nay không còn là niềm hãnh diện của riêng Chăm, mà của chung đất nước Việt Nam. Tháp Chàm được xây bằng gạch nung mà chất kết dính mãi thời hiện đại vẫn còn là bí ẩn, tạo hấp lực không nhỏ với các nhà nghiên cứu. Thánh địa Mỹ Sơn (thuộc tỉnh Quảng Nam) qua bước đạp tới của thời gian và sự vô tâm của con người, sau khi được phục dựng một phần – chỉ một phần thôi – nó vẫn được công nhận là Di sản Văn hóa – Lịch sử thế giới.
Song hành với kiến trúc là điêu khắc. Do ảnh hưởng văn minh Ấn Độ, nên toàn bộ tác phẩm điêu khắc Champa là các tượng thần Ấn Độ giáo, sau đó là Phật giáo với nhiều phong cách khác nhau. Có thể nói hầu hết tượng, phù điêu Chăm đều lộ thiên nên dễ khơi dậy lòng tham của loài người. Chúng chảy máu bao nhiêu và chảy về đâu thì chưa ai và không ai thống kê được. Không là gì cả, những gì còn trưng bày tại Bảo tàng Chàm Đà Nẵng hay Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh.
Chưa là gì cả, Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm - Ninh thuận thành lập năm 1993, với 25 diễn viên; rồi sau đó ít lâu, Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm huyện Bắc Bình – Bình Thuận, thành lập năm 1989 gồm 20 diễn viên không chuyên (số liệu năm 2005) đã hoạt động sôi nổi và rềnh rang, ít nhiều có “tiếp thu và sáng tạo” vốn cổ ông bà. Vẫn chưa thấm vào đâu so với những gì tổ tiên để lại.
Người nữ Chăm không ai là không biết múa. Múa ăn vào máu thịt người nữ Chăm từ trong bụng mẹ khi mẹ múa, thấm đẫm vào da xương khi chập chững đi xem múa lễ, trở thành bản năng nghệ thuật khi họ đóng cửa tập một mình hay tập nhóm. Họ múa, hứng khởi và đầy tràn sáng tạo. Múa trong lễ hội như Rija Nưgar, Kate, Rija Praung… ở mỗi làng hay trên tháp, đền. Múa trên sân khấu nhà quê, trong đội trường, đội sản xuất. Múa, cả ở các tụ điểm vui chơi giải trí cũng không chừa. Đi kèm với múa là những nhạc cụ dân tộc truyền thống như: trống ginơng (có 74 điệu cả thảy), trống baranưng, ceng (chiêng), kèn xaranai, gong (lục lạc), đàn kanhi,… Phổ biến hơn cả vẫn là bộ ba ginơng, baranưng và xaranai, trong đó chủ đạo là ginơng. Tên gọi các điệu múa Chăm cũng là tên được đặt cho điệu trống ginơng. Có các loại chính: Múa quạt (Tamia tadik), Múa đội lu (Tamia đwa buk), Múa khăn (Tamia taniak), Múa kiếm (Tamia carit), roi và múa đạp lửa (Tamia jwak apwei), Múa chèo thuyền (theo điệu trống Wah gaiy),…
4. Bị cuốn hút bởi kiến trúc và điêu khắc Champa, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước vô tình đã bỏ quên một mảng lớn [và có thể nói là quan trọng nhất] của di sản văn hóa văn minh Champa: văn học. Tâm hồn con người Chăm hiển lộ đầy đủ ở đó.
Dân tộc có chữ viết sớm như Chăm, thì nền văn học viết của họ không phát triển mới là chuyện lạ. Vậy mà ở đầu thế kỉ XX, Paul Mus đã cho rằng nó “có thể tóm gọn chỉ trong vài chục trang sách”! Ngôn ngữ – chữ viết phát triển thúc đẩy văn học phát triển. Song hành với văn học bình dân: panwơc yaw (tục ngữ), panwơc pađit (ca dao), dalikal (truyện cổ)… là nền văn học viết có mặt từ rất sớm: văn bi kí, sử thi, trường ca, thơ thế sự, thơ triết lí, gia huấn ca… Hai thế kỉ sau Champa tan rã, di sản văn học ấy đã thất tán quá nhiều. Mảnh vụn nó vương vãi khắp nơi. Sau cuộc thu nhặt rời rạc và không liên tục, người ta đã gom lại kiểm kê: 250 minh văn, 5 akayet (sử thi), 10 ariya (trường ca trữ tình), hàng trăm trường ca thế sự, thơ triết lí, gia huấn ca, hơn 100 tụng ca do Ong Kadhar hay Ong Mưdwơn hát trong các lễ.
Văn chương không chủ ở số lượng, vấn đề là cái khác biệt, sự độc đáo. Vậy Chăm có cái gì khác biệt? Không kể các trường ca triết lí như Ariya Nau Ikak (Thơ đi buôn) hay các trường ca thế sự như Ariya Po Parơng, vân vân rất độc đáo; riêng về hình thức: Ariya – lục bát Chăm chẳng hạn. Đây là thể thơ như lục bát Việt, do cấu trúc ngôn ngữ khác nhau (đa âm tiết/ đơn âm tiết là một trong những, nó linh hoạt hơn, nên khả năng sáng tạo lớn hơn. Về nội dung và đề tài: 250 minh văn Champa được sáng tác từ thế kỉ III đến thế kỉ thứ XV bằng cả tiếng Phạn lẫn tiếng Chăm cổ được kể đầu tiên. Sử thi Chăm có xuất xứ từ/ mang âm hưởng Mã Lai/ Ấn Độ được viết vào thế kỉ XVI-XVIII, là sáng tác thành văn đặc trưng Chăm, một hiện tượng không có trong văn học sử Việt Nam. Nữa, đa số sử thi này đã được văn bản hóa từ thế kỉ XVI. Cuối cùng, ba trường ca trữ tình nổi tiếng mà nội dung mang chở sự đối kháng quyết liệt giữa Hồi giáo – Bà-la-môn giáo dẫn đến đổ vỡ và cái chết, cũng là một dị biệt khác. Vân vân…
5. Hãy chú ý mấy con số biết nói: năm 1810, Chăm ở Phú Yên và Khánh Hòa là 12.651 người, còn Ninh Thuận và Bình Thuận là 9.200 người. Năm 1910, Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận tăng lên 15.389 người. Đến năm 2004, Bình Định và Phú Yên lên 22.635 người trong khi riêng hai tỉnh cực nam là 92.939 người. Nghĩa là số người Chăm ở Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa suốt thế kỉ chỉ nhích lên hai lần, ngược lại người anh chị em họ ở Ninh Thuận và Bình Thuận con số nhảy vọt lên gấp mười lần chẵn! Riêng Ninh Thuận thì gấp 12 lần.
Người Chăm ở ba tỉnh kia đi đâu? Di vào nam? Bị đồng hóa? Xã hội chậm phát triển kéo theo dân số kém phát triển? Hay gì nữa?…
Và, tại sao Chăm Ninh Thuận?
Hiện tại, ở các vùng đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận, đường giao thông đi lại thuận tiện cả hai mùa mưa, nắng. Các xã đều có trạm y tế và trường trung học cơ sở; các làng đều có trường tiểu học, được phủ lưới điện quốc gia và trên 95% số hộ có điện thắp sáng; 70% làng có hệ thống cấp nước sinh hoạt và hơn 50% số hộ dùng nước sạch. Họ cũng có Đại biểu Quốc hội của mình. Sau khi đất nước thống nhất, hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa đào tạo 5 tiến sĩ, non trăm thạc sĩ và sau Đại học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Người Chăm có truyền thống hiếu học, nên trình độ phổ thông khá cao. Ở thôn quê tỉ lệ người mù chữ trong dân rất thấp. Hiện nay riêng Ninh Thuận có non trăm kĩ sư đủ ngành nghề, 57 bác sĩ, 200 y sĩ, y tá đang làm việc tại các cơ sở y tế trong tỉnh. Trong huyên Ninh phước có 177 y, bác sĩ, y tá và nữ hộ sinh đang công tác thì số lượng y, bác sĩ người Chăm chiếm tỉ lệ cao nhất 57% (101 người). Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm ở Ninh Thuận đã được thành lập từ năm 1991, dù đến nay nó chưa có thành quả tương xứng với tên gọi, nhưng nó đã có.
Đáng kể đấy chứ!
Hiện nay trong cộng đồng này bật lên vài tác giả được cả nước biết đến: Amư Nhân-ca sĩ-nhạc sĩ, Đàng Năng Thọ-họa sĩ, Inrasara-nhà thơ-nhà nghiên cứu,… Từ 2000, Tagalau, tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu văn hóa Chăm do vài trí thức Chăm sáng lập đã tập hợp được lực lượng đông đảo cả tác giả Chăm và ngoài Chăm tham gia. Tagalau sống sót qua 12 kì, được xem là chuyện viễn tưởng ở xã hội hiện đại.
Nghề cổ truyền của Chăm thì sao? Có thể kể hai nghề nổi bật còn được truyền lưu: dệt thổ cẩm và gốm.
Làng Mỹ Nghiệp (tên Chăm là Caklaing) thuộc huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, nằm về phía Nam thị xã Phan Rang gần 9km, là đất văn vật. Ngoài là làng cổ có mặt hơn ngàn năm, nó còn là làng của vị vua anh minh nhất của Champa: Vua Po Klaung Girai chọn nơi để ra đời. Mỹ Nghiệp nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Trước 1975, chị em tận dụng giờ nông nhàn để sản xuất. Sau khi đất nước thống nhất, bởi thiếu nguyên liệu, nó chỉ hoạt động cầm chừng. Đến khi mở cửa nghề dệt mới được hồi phục trở lại, rồi phát triển dần. Hiện nay làng này đã có một hợp tác xã, một công ty và hơn mươi cơ sở dệt.
Hai làng Chăm còn giữ nghề gốm: Bàu Trúc (Ninh Thuận) và xã Phan Hòa (Bình Thuận). Từ trước tới nay, người Chăm chủ yếu làm thủ công, nguyên liệu lấy tại chỗ, và làm theo mẫu mã cổ truyền, các thao tác để làm xong một sản phẩm gốm đều rất chậm: không có bàn xoay, kĩ thuật nung rất là thủ công: bà con chất đống gốm ra ngoài trời và dùng rơm, củi hay phân trâu bò để đốt. Sản phẩm ra lò chậm, hàng kém chất lượng, nên mức tiêu thụ không cao, thu nhập của bà con thấp. Chỉ vài năm trở lại đây, nhiều mẫu mã mới được chế tác hàng loạt, nghề gốm mới phát triển trở lại. Gốm không còn là mặt hàng tiêu dùng, tự cung tự cấp nữa mà phần nào đã trở thành hàng mĩ nghệ. Từ đó, vài hộ gia đình làm ăn khấm khá lên. Nhưng kĩ thuật làm hay nung vẫn chưa thay đổi.
*
Người Chăm Ninh Thuận cư trú ở mảnh đất này hơn 2.000 năm, ở đó làng Caklaing có tên trên bia kí cổ có mặt hơn mười thế kỉ. Cho nên Ninh Thuận hiện còn rất nhiều di tích văn hóa lịch sử Chăm. Ngoài ba đền tháp chính là: Tháp Po Rome (thế kỉ XVII, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, cách Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận I 19km), Tháp Po Klaung Girai (thế kỉ XI, TP Phan Rang-TC, 24km), Đền Po Nưgar tại Hữu Đức, Ba Tháp (thế kỉ IX, TP Phan Rang-TC, 30km), còn có cả trăm di tích văn hóa – tín ngưỡng khác đang được thờ phụng. Ví dụ: Po Nai ở Núi Chà Bang, 8km, Đá Chẻ ở Chung Mỹ, 9km, Núi Đá Trắng ở Phước Thái, 24km,… Có thể khẳng định, đây là vùng đất văn vật và tâm linh sâu thẳm nhất của dân tộc Chăm xưa và nay. Qua quá trình lịch sử, người Chăm thiên di từ Huế, Quảng Nam… vào. Họ chạy nạn sang tận Mã Lai, Thái Lan, Campuchia,… nhưng số đông vẫn ở lại Ninh Thuận, cùng với người “bản xứ” bám trụ.
Ninh Thuận là mảnh đất cằn cỗi ít mưa nhất Việt Nam, “khó sống” hơn rất nhiều vùng miền khác, dẫu vậy cộng đồng dân tộc bản địa này chưa bao giờ có ý định dời đi, vĩnh viễn. Cả khi trải qua bao nhiêu thiên tai (hạn hán, dịch,…), họ tạm lánh đi, và luôn luôn trở lại. Với mảnh đất và với tháp thiêng. “Ngu ngốc, ngang bướng” và kiêu hãnh, nhưng họ lại là cộng đồng yêu tri thức và rất lành. Tháng 4-1975, sau vài phản kháng cục bộ bởi biến động của lịch sử xã hội, ở cộng đồng Chăm chưa bao giờ xảy ra xung đột mang tính dân tộc, nói chi chuyện nảy nòi chuyện “đòi nước” hay “phục quốc”.
Đang yên đang lành thế, đột ngột ngay đầu thế kỉ XXI, tập thể 23 tác giả có học vị học hàm nổi hứng viết nguyên chương sách cáo giác “Trung tâm Văn hóa Chàm tập hợp một số trí thức Chàm có tên tuổi và một số người cầm đầu trong các chức sắc tôn giáo, biến họ thành tay sai đắc lực… tuyên truyền tư tưởng dân tộc hẹp hòi, gây kì thị chia rẽ dân tộc, tập hợp lực lượng ý đồ về lâu dài là chống phá cách mạng”(3), là điều không hề có! Rồi chưa đầy mươi năm sau, Quốc hội Việt Nam thông qua Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận…
Không bất an, mới lạ!
Người Kinh có thành ngữ: “[nơi] chôn nhau cắt rốn” để chỉ quê cha đất tổ. Chăm hơi khác, họ nói: “[nơi] chôn nhau đặt viên gạch” (Dar thauk ppadauk kiak). Chôn nhau thì chỉ mới liên quan đến máu mủ, còn “đặt viên gạch” [dựng tháp] là đặt nền móng cho đời sống tâm linh.
Bimong (tháp) là biểu tượng tâm linh của dân tộc Chăm. Ở đâu có cộng đồng Chăm là ở đó có tháp. Tháp, để người Chăm cúng tế, thờ phượng. Cho nên hai khu tháp Po Klaung Girai và Po Rome có vị trí tối thượng trong đời sống tâm linh Chăm ở Ninh Thuận là điều miễn bàn. Sau bimong là các danauk (đền) được dựng lên để thờ phượng các vị anh hùng liệt nữ hay thần làng,… Tiếp đó là ghur, kut nghĩa trang tộc mẫu. Gọi là “nghĩa trang” nhưng nó hoàn toàn khác với nghĩa trang như từng được biết. Người Chăm Bà-la-môn khi mất, trong ngày hỏa thiêu, 9 miếng xương trán được cắt tròn bằng đồng tiền, rửa sạch và cất trong klaung (lọ nhỏ) để ở nơi kín đáo. 20-25 năm sau, tất cả lọ này của người trong dòng họ được làm lễ nhập kut một lần. Diện tích khuôn viên kut chưa tới một sào đất, ở đó, khu trung tâm là nơi để chôn các “tinh cốt” này cũng chỉ 3-4m2. Như vậy kut có thể chứa cả triệu “người” trong dòng họ mà không bị quá tải. Chỉ khi dòng họ mất đi người nữ cuối cùng, kut mới thành kut hoang. Đó là điều khó xảy ra. Như Kut Gađak của một dòng họ ở Caklaing có mặt từ rất lâu đời. Mỗi năm người Chăm Bà-la-môn chỉ mở cửa kut một, hai lần để cúng kiếng. Ghur bên người Chăm Bàni cũng mang ý nghĩa tương tự.
Năm 2014, Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận I dự kiến khởi công xây dựng tại thôn Vĩnh Trường thuộc xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, một vị trí phủ sóng phóng xạ lên hầu hết làng Chăm khu vực, nếu xảy ra sự cố, sẽ tác động nghiêm trọng và toàn diện đến đời sống cư dân Chăm trong vùng mà số dân chiếm một nửa số người Chăm trong toàn quốc. Hãy tưởng tượng một ngày nào đó, khi sự cố hạt nhân xảy ra, tất cả người Chăm được dời đi – vùng đất ngàn đời kia bị bỏ lại, với tháp thiêng cùng hàng trăm đền, kut, ghur khác! Cho nên, dù đã trải bao thiên tai dịch họa, từng chịu đựng mênh mông bất công và đau khổ, và dù lì lợm, ngang bướng hay kiêu hãnh tới đâu, sẽ không có bất kì người Chăm Pangdurangga nào tưởng tượng nổi hiện tượng đó sẽ xảy đến với mình khi họ còn mở mắt nhìn ánh mặt trới mỗi sớm mai.
Sài Gòn, 28-3-2012
__________________________
Chú thích:
(1) Đổng Văn Dinh (Ban Dân vận Tỉnh ủy tỉnh Ninh Thuận), “Những vấn đề đặt ra trong việc thực hiện Chính sách Dân tộc của Đảng và Nhà nước ta đối với đồng bào Chăm Ninh Thuận”.
(2) Tư liệu riêng của Inrasara.
(3) Chương “Vùng dân tộc Chàm” trang 200-223, trong Mấy vấn đề lí luận và thực tiễn cấp bách liên quan đến mối quan hệ dân tộc hiện nay, Gs-Ts Phan Hữu Dật chủ biên, NXB Chính trị Quốc gia, H., 2001. Sau khi 20 thân hào nhân sĩ Chăm đồng kí tên trong bức thư kiến nghị các tác giả xem xét lại vấn đề, đại diện nhà xuất bản có đến Phan Rang gặp riêng 2 ông Lâm Gia Tịnh và Nguyễn Văn Tỷ, giải thích qua loa. Rồi thôi. Không một lời xin lỗi, càng không một câu đính chính. Chìm!
Source: Inrasara.com
Total votes: 0
Kaka
Thích học hỏi, muốn làm một chút gì đó cho cộng đồng, văn hóa xh của mình...
Be the first person to like this.