Cham Blogs
On June 23, 2012 in Tin cộng đồng /
0
Rating
321
views
0
Likes
0
Comments
Hơn 4 năm qua, ở Phú Yên có một người lặng lẽ đi tìm chữ viết cho dân tộc Chăm H’Roi. Đó là ông là Ka Sô Liễng, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa
Là phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phú Yên), có một căn nhà rộng với đầy đủ tiện nghi ở đường Nguyễn Đình Chiểu, TP Tuy Hòa, khi về hưu, đùng một cái, ông Ka Sô Liễng để nhà lại cho con gái, dắt vợ lên xã vùng cao Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa dựng nhà, định cư.
Lên rừng tìm… chữ
Nhiều người cứ tiếc cái cơ ngơi ông để lại TP Tuy Hòa, lo ngại cho cuộc sống khó khăn nơi núi rừng nên khuyên ông nghĩ lại. Nhưng ông Ka Sô Liễng chỉ cười hiền: “Tôi là người Chăm H’Roi quen với nương rẫy. Lên đây mới có rẫy mà làm chớ”. Ông cũng làm rẫy thật, một trang trại rộng hơn 5 ha, trồng đủ thứ như chuối, bưởi, thơm... xanh ngút như rừng. Nhiều người tự hỏi: Không biết ông trồng cây để làm gì ở cái tuổi 79 khi con cái đã lớn và ở xa? Chỉ những người gần gũi mới hiểu được vì sao ông lại về xã vùng cao này sinh sống. “Muốn nghiên cứu văn hóa các dân tộc thiểu số, chỉ có chung sống với đồng bào địa phương mới làm được” - ông nói.
Ông Ka Sô Liễng (trái) dạy chữ Chăm H’Roi do mình sáng chế cho người biên dịch, phát thanh viên của chương trình phát thanh tiếng Chăm H’Roi
Là học trò của nhà giáo, nhà văn người Êđê Y Điêng, ông Ka Sô Liễng luôn day dứt với câu hỏi: Sao người Chăm H’Roi không có chữ viết? Thời gian còn tại chức, khi sưu tầm và nghiên cứu văn hóa các dân tộc thiểu số ở Phú Yên, ông phải mượn chữ Êđê để ký âm những câu chuyện, những bài hát dân gian do các nghệ nhân người Chăm H’Roi kể lại.
Từ chữ Êđê được học, dựa trên mẫu tự Latin, ông Ka Sô Liễng bắt đầu tìm hiểu và sáng tạo ra chữ viết cho người Chăm H’Roi. Ở tuổi cận kề 80, “chân run, mắt mờ” nhưng ông với chiếc túi thổ cẩm vẫn đi lại nhiều hơn ở các làng Chăm H’Roi. Ông ghi lại những chuyện kể, sử thi bằng chữ Chăm H’Roi do ông sáng tạo, rồi đọc lại cho già làng nghe để kiểm chứng. Cứ thế ông đi, ông viết, rồi lại kiểm chứng... Cả quãng đời xế chiều của ông là những chuyến đi liên miên bất tận vào những làng bản xa xôi, đắm chìm trong những ký ức xa xăm của đồng bào Chăm.
Già làng Sô Minh Thứ ở thôn Hà Rai, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, khi nói về ông Ka Sô Liễng đã không tiếc lời khen ngợi: “Tụi mình nể phục ông ấy lắm. Ông Liễng đã cố công tạo cho người Chăm H’Roi mình có chữ viết. Mình phải bảo con cháu học tiếng Chăm H’Roi của mình”. Còn Ma Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa – địa phương xa nhất của tỉnh Phú Yên, bộc bạch: “Làng Chăm H’Roi chịu ơn ông Liễng nhiều lắm. Ông không chỉ sưu tầm để lưu lại bản sắc văn hóa của người Chăm H’Roi, lại còn bỏ công cố tạo cho người Chăm mình cái chữ…”.
Dạy cho bà con buôn làng
Tháng 6-2010, bộ chữ Chăm H’Roi của ông Ka Sô Liễng cơ bản hoàn chỉnh. Mấy ngày sau, ông bắt đầu dạy cho người dân trong xã Ea Chà Rang. Dưới sự chỉ dạy tận tình của “thầy” Liễng, chỉ độ mươi ngày là bà con đã có thể viết được những câu đơn giản. Chị Sô Thị Hương (39 tuổi) ở buôn Thống Nhất, xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa, phấn khởi bảo dù lớn tuổi nhưng cũng phải ráng học chữ của “đàng mình”. Để chứng minh, chị viết ngay câu “Sáng nay tui lên rẫy nhổ mì” bằng tiếng Chăm H’Roi, còn nhanh hơn cả viết tiếng Việt.
Khi thấy khá đông bà con thích chữ viết H’Roi, ông Liễng bắt tay vào viết sách. Một số đầu sách Chi Bri- Chi Brít, Tiếng cồng ông bà HBia Lơ Đă, HBia Ta Lúi- Kalipu, Anh em Chư BLưng song ngữ Việt - Chăm lần lượt ra đời.
Sách của ông Ka Sô Liễng in bằng 2 thứ chữ : Quốc ngữ và Chăm H’Roi
Cuối năm 2010, chương trình phát thanh tiếng Chăm H’Roi được UBND tỉnh Phú Yên cho phép lên sóng địa phương, với thời lượng 2 lần/tuần. Ông Liễng đảm nhận vai trò biên dịch và phát thanh viên. Đầu năm 2011, ông mạnh dạn gửi bộ chữ viết Chăm H’Roi do mình sáng tạo đến Viện Ngôn ngữ học Việt Nam để thẩm định, với mong muốn bộ chữ viết này được đưa vào giảng dạy cho con em đồng bào Chăm trong tỉnh. “Tôi như cánh chim gần về với núi rồi. Giá như được nghe lũ học trò làng người Chăm nào cũng ê a đánh vần chữ Chăm H’Roi thì có “ra đi” cũng sướng cái bụng lắm” - ông tâm sự như vậy, bằng cả nỗi niềm của người con dân tộc Chăm H’Roi.
Bảo tồn, phát huy văn hóa Chăm H’Roi Người Chăm H’Roi định cư ở các huyện miền núi của 2 tỉnh Phú Yên và Bình Định, với dân số trên 30.000 người. Người Chăm H’Roi có một di sản văn hóa khá phong phú, nhưng việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa ấy đang gặp trở ngại lớn vì họ chưa có chữ viết. Theo GS-TS Nguyễn Văn Khang, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, cộng đồng người Chăm ở Việt Nam hiện nay tạm chia ra 3 vùng chính: Chăm Bà Ni ở Ninh Thuận, Bình Thuận; Chăm Nam Bộ và Chăm H’Roi ở Phú Yên, Bình Định. Người Chăm Bà Ni và Chăm Nam Bộ đã có chữ viết, chỉ có Chăm H’Roi thì chưa. Đối với các dân tộc thiểu số chưa có chữ viết, Đảng và Nhà nước sẽ tạo mọi điều kiện để chế tác chữ viết cho họ. |
Bài và ảnh: Hồng Ánh
Theo http://nld.com.vn
Total votes: 0
Topics:
Người đi tìm chữ viết Chăm H’Roi, Người đi tìm chữ viết Chăm H’Roi, Người đi tìm chữ viết Chăm H’Roi
Kaka
Thích học hỏi, muốn làm một chút gì đó cho cộng đồng, văn hóa xh của mình...
Be the first person to like this.
It will be interesting:
Related Blogs
Kaka Information
Statistic
0 Blog Rating
308 Total Blogs
64 Total Blog Comments
Last Blog Comments
C
Xin c?m ?n ?
??c xong t??ng c