Cham Blogs
On July 21, 2012 in Văn hóa Champa /
Lịch sử Champa /
0
Rating
2,661
views
2
Likes
1
Comments
Người Chăm, còn gọi là người Chàm, người Chiêm Thành, người Chiêm, người Hời..., hiện cư ngụ chủ yếu tại Campuchia, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Hoa Kỳ. Dân số tại Việt Nam theo điều tra dân số 1999 là 132.873 người; theo tài liệu của Ủy ban Dân tộc Chính phủ Việt Nam năm 2008 là khoảng hơn 145.000 người, xếp thứ 14 về số lượng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Lịch sử
Người Chăm là một dân tộc đã từng có một quốc gia độc lập, hùng mạnh trong lịch sử; có nền văn hóa phát triển; có quan hệ đồng tộc, đồng tôn với các cộng đồng Chăm ở các nước khác như Campuchia, Thái Lan, Malaisya, Mỹ, Pháp, Australia, Canada,...Ở Việt Nam người Chăm có quan hệ gần gũi với nhóm dân tộc như Ê Đê, Gia Rai , Chu Ru , RaGlai.
Trước thế kỷ thứ 7 có vương quốc Lâm Ấp từ năm Sơ Bình thứ 3 nhà Hán (192) đến năm Đại Nghiệp thứ 1 nhà Tùy (605). Sau năm 605, tình hình nước Chăm Pa không rõ cho đến thế kỷ thứ 8. Các tên gọi khác nhau của vương quốc này theo văn bia tiếng Phạn và tiếng Chăm cổ là Campanagara, Nagara Campa, Nagar Cam. Còn sử sách Trung Quốc gọi là Lâm Ấp quốc (phiên âm theo tiếng Bắc Kinh hiện nay là Lin-yi-guo), Chiêm Bà Quốc, Hoàn Vương Quốc và Chiêm Thành quốc. Vương quốc này bắt đầu suy tàn từ đầu thế kỷ 15 sau cuộc can thiệp do quân đội nhà Minh dưới sự chỉ huy của vua Vĩnh Lạc Đế đối với ba triều đài: nhà Hậu Trần (Đại Việt), nhà Hồ (Đại Ngu) và triều đại Vijaya (Chăm Pa). Sau khi quân đội nhà Minh rút về, vương quốc Chăm Pa được phục hồi nhưng chia thành 2 tiểu vương quốc: Tiểu vương quốc Vijaya (Đồ Bàn: 1428-1471) và Tiểu vương quốc Panduranga (Phan Rang: 1433- 1832). Tiểu vương quốc Vijaya bị quân đội Đại Việt tiêu diệt dưới sự chỉ huy của vua Lê Thánh Tông để thôn tính đất đai vào năm Hồng Đức thứ 2 nhà Lê tức năm 1471). Năm đó, tiểu vương quốc Panduranga cũng trở thành chư hầu của Đại Việt. Năm Hiển Tông thứ 2 chúa Nguyễn (năm Chính Hòa thứ 14 nhà Lê tức năm 1693), Nguyễn Hữu Cảnh đã một lần chinh phục Tiểu vương quốc Panduranga, đổi tên Chiêm Thành quốc thành Thuận Thành trấn, rồi đổi Thuận Thành trấn thành Bình Thuận phủ. Nhưng, năm 1694, trong khi Nguyễn Hữu Cảnh tây chinh đánh Campuchia, tướng người Chăm tên Ốc Nha Đạt và tướng người Thanh tên A Ban đã tập hợp được đông đảo lực lượng người Chăm Pa, nổi dậy và tiêu diệt toàn bộ lực lượng chúa Nguyễn tại đây. Chúa Nguyễn (vua Nguyễn Hiển Tông tức Nguyễn Phúc Chu) đã bất đắc dĩ cầu hòa với người Chăm Pa và cho phép người Chăm Pa phục hồi Thuận Thành trấn (Khu Tự trị Chăm Pa). Hòa ước giữa chúa Nguyễn và chúa Chăm Pa được ghi rõ trong Nghị Định Ngũ Điều vào năm Hiển Tông thứ 21 (năm Vĩnh Thạnh thứ 8 nhà Lê tức năm 1712) và được duy trì cho đến năm Minh Mạng thứ 13 (1832). Sau cải thổ quy lưu (giải thể khu tự trị) vào năm 1832, một số người Chăm liên minh với Lê Văn Khôi, nổi dậy để phục hồi Thuận Thành trấn nhưng kết thúc thất bại. Hậu duệ của chúa Chăm Pa có ông Dụng Gạch, một vị hoàng tử anh hùng, phó chủ tịch ủy ban hành chính lâm thời huyện Hòa Đa (Bắc Bình ngày nay) phụ trách miền núi sau Cách mạng tháng Tám. Chăm Pa thừa kế Lâm Ấp được thành lập sau cuộc nổi dậy của một viên quan địa phương (quan Công Tao) tên là Khu Liên (Kiu-lien) chống lại chính quyền nhà Hán năm 192 tại huyện Tượng Lâm, thuộc quận Nhật Nam (ngày nay là Huế). Lãnh thổ của Chăm Pa ngày nay thuộc thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và một số vùng Tây Nguyên. Lâm Ấp chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa và tôn giáo Trung Quốc nhưng sau các cuộc chiến với quốc gia láng giềng Phù Nam, cũng như sự thôn tính lãnh thổ của quốc gia này vào thế kỷ 4, đã hòa trộn văn hóa Ấn Độ. Theo văn bia tiếng Phạn tại Mỹ Sơn, vua Chăm Pa và vua Campuchia đều là hậu duệ của hoàng tử Asvattaman, một anh hùng lưu vong bạc mệnh trong sử thi Ấn Độ Mahabarata thuộc nhà Kuru. Riêng, các chúa Panduranga thì thuộc dõng Pandu nên Chăm Pa (Vijaya, thuộc nhà Kuru) và Panduranga (thuộc nhà Pandu) vốn là 2 quốc gia thù địch với nhau. Sử sách Trung Quốc luôn ghi rõ 2 nước Chiêm Thành (Chăm Pa) và Tân Đồng Long (Panduranga) là 2 quốc gia riêng.
Lịch sử của vương quốc Chăm Pa là các cuộc xung đột với Trung Quốc, Đại Việt, Khmer và Mông Cổ, cũng như xung đột nội bộ. Chính là do các cuộc xung đột này mà Chăm Pa mất dần lãnh thổ vào tay Đại Việt, một quốc gia có tổ chức chính quyền và quân sự hoàn hảo hơn. Chăm Pa trong quá khứ là một nước chư hầu của các triều đại phong kiến Trung Quốc và Đại Việt nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa và sự toàn vẹn lãnh thổ. Người Chăm Pa là những chiến binh giỏi đã sử dụng địa hình đồi núi để chiếm ưu thế. Năm Hồng Đức thứ 2 nhà Lê (1471), Tiểu vương quốc Vijaya chịu tổn thất nặng nề trong cuộc chiến với Đại Việt dưới triều đại vua Lê Thánh Tông. Khoảng 60.000 quân Chăm Pa bị giết và 30.000 bị bắt làm tù binh. Ngược lại, Tiểu vương quốc Panduranga tiếp tục phát triển dưới sự bảo trợ của chúa Nguyễn và vua Gia Long (Nguyễn Thế Tổ) trong các vùng thung lũng Phan Rang, Phan Rí và Phan Thiết. Tuy nhiên vua Minh Mạng đã không quan tâm Chăm Pa như vua cha nữa và thủ tiêu cơ chế tự trị của Thuận Thành trấn vào năm Minh Mạng thứ 13 nhà Nguyễn (1832).
Ngôn ngữ
Tiếng Chăm thuộc nhóm ngôn ngữ Mã Lai-Đa đảo (Malayo-Polynesian) của hệ ngôn ngữ Nam Đảo (Autronesian).
Dân số và cư trú
Người Chăm được xác định là cư dân bản địa ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam và đã có quá trình định cư lâu đời ở khu vực này. Trải qua hàng ngàn năm, dưới những biến cố lịch sử, xã hội mà chủ yếu là do chiến tranh và mẫu thuẫn nội bộ, người Chăm không còn cư trú tập trung ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ mà phân bố rộng rãi ở khắp các tỉnh phía Nam Việt Nam và một số các quốc gia khác.
Hiện nay tổng số người Chăm trên thế giới khoảng 400.000 người, phân bố chủ yếu ở Campuchia, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Hoa Kỳ. Cộng đồng Chăm lớn nhất thế giới là vào khoảng trên 270.000 người tại Campuchia, được gọi là Khmer Islam; kế đến là Việt Nam; Thái Lan trên 15.000 người; Malaysia trên 10.000 người và Hoa Kỳ khoảng trên 200 người.
Một số người Chăm di cư sang các nước khác, như tộc Utsul ở đảo Hải Nam, đến bang Terengganu của Malaysia hay vùng Hạ Lào. Trong thế kỷ 20, nhiều người Chăm hoặc gốc Chăm di cư sang Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác.
Phân bố dân cư ở Việt Nam
Trên lãnh thổ Việt Nam có khoảng 145.235 người Chăm sinh sống, sống rải rác ở các tỉnh phía Nam như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang,... Do đặc điểm cư trú, tính chất tôn giáo và sắc thái văn hóa mang tính vùng miền, người Chăm ở Việt Nam được chia thành 3 nhóm cộng đồng chính là: Chăm Hroi; Chăm Ninh Thuận - Bình Thuận và Chăm Nam Bộ.
- Nhóm Chăm Hroi bao gồm những người Chăm hiện đang sống rải rác từ Nha Trang trở ra, chủ yếu là Phú Yên và Bình Định; tổng số khoảng 20.500 người.
Người Chăm Hroi có nguồn gốc từ những người Chăm cổ là một bộ phận của cộng đồng Chăm Việt Nam và từ lâu được gọi là Chăm Hroi.
- Nhóm Chăm Ninh Thuận - Bình Thuận gồm những người Chăm cư trú ở Ninh Thuận, Bình Thuận, có tên gọi là Campaduraga; tổng số khoảng 98.000 người (Ninh Thuận: 66.000; Bình Thuận: 32.000), đây là nhóm cộng đồng Chăm lớn nhất chiếm khoảng 67,60% tổng số người Chăm ở Việt Nam.
- Nhóm Chăm Nam Bộ bao gồm những người Chăm sinh sống chủ yếu ở An Giang, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh Đông Nam Bộ; tổng số khoảng 26.700 người, cư trú ở các tỉnh như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang, Bình Dương, Bình Phước,... trong đó tập trung chủ yếu ở An Giang và thành phố Hồ Chí Minh. Người Chăm ở đây có cùng nguồn gốc với người Chăm Hroi và người Chăm ở Ninh Thuận - Bình Thuận, nhưng do nguyên nhân lịch sử, nhiều người Chăm đã rời Việt Nam đến các nước như Campuchia, Thái Lan, Malaysia vào những thế kỷ trước. Từ cuối thế kỷ thứ XVIII đến đầu thế kỷ thứ XX, một bộ phận người Chăm ở Campuchia mâu thuẫn với người Khmer bản địa và sự ngược đãi của chính quyền Campuchia nên đã tìm về cư trú ở An Giang và Tây Ninh tạo nên cộng đồng người Chăm ở hai tỉnh này. Những năm sau đó, một bộ phận nhỏ người Chăm này chuyển đến một số tỉnh khác ở Nam Bộ để sinh sống.
Tín ngưỡng, Tôn giáo
Người Chăm có tín ngưỡng, tôn giáo rất phong phú. Tín ngưỡng của người Chăm có từ xa xưa và mang dấu ấn của thời nguyên thủy - Đó là sự tin tưởng của người Chăm vào sự tồn tại của một thế giới siêu nhân, nơi các thần linh ngự trị và cũng chính là nơi tồn tại của ma quỷ và linh hồn của những vật thể ở thế giới trần tục sau khi chết. Người Chăm luôn tin rằng tất cả các vật thể cũng như mọi người đều có linh hồn và linh hồn thì tồn tại vĩnh viễn dù con người có chết đi và các vật thể đã bị hư hại. Những linh hồn cùng với ma quỷ và thần linh luôn có những tác động, chi phối, ảnh hưởng đến thế giới hiện hữu, đến đời sống của cộng đồng cũng như đến từng thành viên trong cộng đồng người Chăm. Người Chăm thờ rất nhiều vị thần linh như Thần cây, Thần đá, Thần nước, thờ Linh hồn tổ tiên.
Người Chăm là một cộng đồng đa tôn giáo, niềm tin tôn giáo luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm lý của họ, chi phối hoạt động nhận thức, tình cảm, ý chí của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Người Chăm có niềm tin tôn giáo rất sâu sắc, chịu sự chi phối ràng buộc chặt chẽ bởi tôn giáo truyền thống.
Người Chăm theo Ấn Độ giáo, đạo Hồi, đạo Phật. Tôn giáo chính thời vương Chăm Pa cổ là Ấn Độ giáo và văn hóa chịu ảnh hưởng sâu sắc của Ấn Độ. Tuy nhiên, cái gọi là đạo Bà La Môn (tức là tục Bachăm) ngày nay hoàn toàn không liên quan với Ấn Độ giáo này. Ngày nay, hầu hết người Chăm theo Hồi giáo. Hồi giáo của người Chăm có 2 loại: 1. là tục Bani và tục Bachăm, 2. là Hồi giáo Sunni (thuộc giáo phái Hanafi). Tục Bani và Bachăm là một tôn giáo chịu ảnh hưởng của Hồi giáo Shi'a (Ba Tư, Iran), họ rất tôn trọng Ali như Muhammad.
Còn Hồi giáo Sunni thì không chấp nhận tôn trọng Ali như Muhammad. Theo Biên niên sử Mã Lai (1614), Hồi giáo đầu tiên ở thế giới Mã Lai cũng phát nguồn từ Iran, nhưng, sau này, người Ả Rập từ vùng Hadramaut (gọi là Hadrami) sang Mã Lai tuyên truyền, xuyên tạc Hồi giáo Shi'a là tà giáo, buộc người Mã Lai theo Hồi giáo Sunni cực đoan vào cuối thế kỷ thứ 18 - đầu thế kỷ thứ 19. Tục Bani là một hồi giáo bản địa hóa hiền lành, khoan dung, không cực đoan. Tục Bani giống giáo phái Alewi (một giáo phái Hồi giáo Shi'a ở Cộng hòa Suri ngày nay). Con đường tục Bani từ Iran chuyển bá chưa được làm rõ nhưng nhiều tài liệu Mã Lai, Java cho rằng chính Chăm Pa là trung tâm tuyên giáo Hồi giáo đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á. Người Chăm sống ở Myanma rất nhiều, là một trong bốn dân tộc lớn nhất Myanma. Hầu hết mang họ Aung cùng họ với họ Ung của người chăm ở Việt Nam (đã bị Việt hoá).
Đặc điểm kinh tế
Chăm là một dân tộc có nhiều ngành nghề truyền thống lâu đời như thêu, dệt, làm đồ gốm, làm gạch, chế tạo công cụ sản xuất, buôn bán, đóng thuyền, đánh cá, điêu khắc... đặc biệt là nghề trồng lúa nước được người Chăm phát triển từ rất sớm và luôn có những cải tiến về giống và thủy lợi. Người Chăm sống ở đồng bằng, có truyền thống sản xuất lúa nước là chính. Kỹ thuật thâm canh lúa nước bằng các biện pháp giống, phân bón, thủy lợi khá thành thạo. Hai nghề thủ công nổi tiếng là đồ gốm và dệt vải sợi bông. Trước
kia, người Chăm không trồng cây trong làng vì cho rằng cây sẽ là nơi cư trú của ma quỉ.
Tổ chức cộng đồng
Người Chăm thường sinh sống tập trung trong paley Chăm (làng Chăm). Mỗi paley có khoảng 300 đến 400 hộ gia đình, cùng theo một tôn giáo nhất định, gồm nhiều tộc họ sinh sống với nhau. Mỗi paley đều có một đơn vị hành chính của làng là: Hội đồng phong tục và Po Paley (Trưởng làng), trong đó, Po Paley là người đóng vai trò rất quan trọng trong Paley. Luật tục Chăm ghi:
“Ếch có nắp đậy hang;
Làng có chủ cai quản”.
Po Paley được dân làng bầu, phải là người cao tuổi, có uy tín, am hiểu phong tục tập quán, luôn vì mọi người, có lòng vị tha. Đồng thời Po Paley cũng phải là người lao động giỏi, có kinh nghiệm trong sản xuất, gia đình hạnh phúc, con cháu xum họp đoàn kết. Người Chăm ví Po Paley như là cây cao, bóng cả:
“Cây to lan tỏa một lòng,
Xòe ra che mát cho người dừng chân”.
Hội đồng phong tục do dân làng bầu chọn và có nhiệm vụ trông coi về vấn đề phong tục tập quán, tín ngưỡng. Thành viên của Hội đồng phong tục đều là những người có uy tín trong tôn giáo, trong các tộc họ, là người am hiểu tập quán, phong tục lễ nghi, tín ngưỡng, tôn giáo của người Chăm, có quyền phân xử những thành viên trong paley vi phạm Luật tục. Trong trường hợp người vi phạm ngoan cố thì khi cha, mẹ hoặc người thân chết, Hội đồng phong tục sẽ cấm các tu sỹ, chức sắc không được cúng lễ và xem như người vi phạm đã bị loại ra khỏi cộng đồng.
Người Chăm có tập quán bố trí cư trú dân cư theo bàn cờ. Mỗi dòng họ, mỗi nhóm gia đình thân thuộc hay có khi chỉ một đại gia đình ở quây quần thành một khoảnh hình vuông hoặc hình chữ nhật. Trong làng các khoảnh như thế ngăn cách với nhau bởi những con đường nhỏ. Phần lớn làng Chăm có dân số khoảng từ 1.000 người đến 2.000 người.
Mỗi một dòng họ có một chiết Atâu, một Akauk Guăp và một vật tổ riêng. Luật tục Chăm quy định, Akauk Guăp phải là người cao tuổi, am hiểu phong tục tập quán, có uy tín trong dòng họ, gia đình giàu có, không được có chồng chắp vợ nối.
Hôn nhân gia đình
Chế độ mẫu hệ và tín ngưỡng nữ thần vẫn tồn tại ở người Chăm. Đàn ông lo việc ngoài nhà, đàn bà lo việc trong gia đình và gia phả. Phong tục Chăm qui định con theo họ mẹ, họ bên mẹ được xem là gần (họ nội). Nhà gái cưới chồng cho con. Con trai ở rể nhà vợ, đến khi chết đi nhà vợ có trách nhiệm thờ cúng đến hết tang, sau đó mang hài cốt về trả lại cho dòng họ nhà trai tiếp tục thờ. Chỉ con gái được thừa kế tài sản, người con gái út được thừa kế nhà tự để thờ cúng ông bà và phải nuôi dưỡng cha mẹ già.
Nhà cửa
Nhà ở của người Chăm là một quần thể nhà trong một khuôn viên (bây giờ do việc quy họach phân lô đất theo kiểu nhà liên kế hẹp nên việc phát triển nhà theo quần thể trong một khuôn viên dần không còn nữa). Mối quan hệ của các nhà trong quần thể này đã thể hiện quá trình tan vỡ của hình thái gia đình lớn
mẫu hệ để trở thành các gia đình nhỏ.
+ Bộ khung nhà của người Chăm ở Bình Thuận khá đơn giản. Vì cột cơ bản là vì ba cột (kèo được liên kết với cột hoặc không có vì kèo thì dùng tường thay thế kèo). Nếu là vì năm cột thì có thêm xà ngang đầu gác lên cây đòn tay cái nơi hai đầu cột con. Từ các kiểu vì này dần xuất hiện cây kèo và trở thành vì kèo.
+ Mặt trước nhà quay về hướng Nam hoặc hướng Tây. Gian giữ là trung tâm (người Chăm gọi là sang-yơ), phía phải là phòng ngủ của bố mẹ, bên trái là kho, sau là phòng ngủ của con cái. Mặt trước có một hiên ở giữa nhà.
+ Nhà bếp được xây dựng riêng biệt với nhà chính và ở phía Tây nhà chính, trong nhà bếp có khu bếp, khu chứa nước uống và kho chất đốt (củi, than, v.v.). Nhà người Chăm ở miền Nam lại rất khác.
+ Nhà người Chăm ở An Giang: cách tổ chức mặt bằng sinh hoạt còn phảng phất cái hình đồ sộ của nhà sang yơ ở Bình Thuận.
+ Nhà người Chăm ở Châu Đốc: khuôn viên của nhà Chăm Châu Đốc không còn nhiều nhà mà chỉ có nhà chính và nhà phụ kết hợp thành hình thước thợ. Chuồng trâu bò và lợn được làm xa nhà ở.
Nhà ở là nhà sàn, chân rất cao để phòng ngập lụt. Cách bố trí trên mặt bằng sinh hoạt hoàn toàn khác với nhà ở Bình Thuận cũng như ở An Giang.
Trang phục
Có những nhóm địa phương khác nhau với lối tạo dáng và trang trí riêng khó lẫn lộn với các tộc người trong nhóm ngôn ngữ hoặc khu vực.
- Trang phục nam
Trang phục cổ truyền: Đàn ông lớn tuổi thường để tóc dài, quấn khăn. Đó là loại khăn màu trắng có dệt thêu hoa văn màu nhạt (vàng hoặc bạc), ở hai đầu khăn có các tua vải. Khăn đội theo lối chữ nhân. Những vị có chức sắc (tôn giáo), hai đầu khăn có hoa văn màu vàng, tua vải màu đỏ, quấn thả ra hai mang tai. Nam mặc áo có cánh xếp chéo và cài dây phía bên hông (thắt lưng), thường là áo màu trắng, trong là quần soọc, ngoài quấn váy xếp.
- Trang phục nữ
Về cơ bản, phụ nữ các nhóm Chăm thường đội khăn. Cách hoặc là phủ trên mái tóc hoặc quấn gọn trên đầu, hoặc quấn theo lối chữ nhân, hoặc với loại khăn to quàng từ đầu rồi phủ kín vai. Khăn đội đầu chủ yếu là màu trắng, có loại được trang trí hoa văn theo lối viền các mép khăn (khăn to), nhóm Chăm Hroi thì đội khăn màu chàm. Lễ phục thường có chiếc khăn vắt vai ngoài chiếc áo dài màu trắng. Đó là chiếc khăn dài tới 23 m vắt qua vai chéo xuống hông, được dệt thêu hoa văn cẩn thận với các màu đỏ, trắng, vàng của các mô tip trong bố cục của dải băng.
Nữ mặc áo cổ tròn cài nút phía trước ngực xuống đến bụng, quấn váy xếp (khi àm lễ) hoặc mặc váy ống (thông thường), đầu quấn khăn không ràng buộc về màu sắc.
Nhóm Khánh Hòa và một số nơi, phụ nữ mặc quần bên trong áo dài. Nhóm Chăm Hroi mặc váy quấn (hở) có miếng đáp sau váy. Nhóm Quảng Ngãi mặc áo cánh xẻ ngực, cổ đeo vòng và các chuỗi hạt cườm. Trang phục Chăm, vì có nhóm cơ bản là theo đạo Hồi nên cả nam và nữ lễ phục thiên về màu trắng. Có thể thấy đặc điểm trang phục là lối tạo hình áo (khá điển hình) là lối khoét cổ và can thân và nách từ một miếng vải khổ hẹp (hoặc can với áo dài) thẳng ở giữa làm trung tâm áo cho cả áo ngắn và áo dài. Mặt khác có thể thấy ở đây duy nhất là tộc còn thấy nam giới mặc váy ở nước ta với lối mang trang phục và phong cách thẩm mỹ riêng.
Total votes: 0
Tún Kiều
User not write anything about he.
Like (2)
Loading...
It will be interesting:
Related Blogs
Tún Kiều Information
Statistic
0 Blog Rating
5 Total Blogs
3 Total Blog Comments
Last Blog Comments
C
Xin c?m ?n ?
??c xong t??ng c