• Facebook
  • Yahoo
  • Google
  • Live
  • Twitter
  • Live
0 Rating 92 views 0 Likes 0 Comments

 

                NGHI LỄ KABAW JIÂ Ở THÁP PO KLAONG GIRAI

                  Nghi lễ Kabaw Jiâ, trong tiếng Chăm “Kabaw” có nghĩa tiếng Việt là “Con trâu”, “Jiâ” nghĩa đen tiếng Việt là “Thuế”, ở đây “KabawJiâ” được hiểu là “Tục lệ dâng cúng con trâu cho vị thần mà tộc họ không thể bỏ được”.

         Tộc họ dâng cúng có tên là Gep Kut Hamu Coah, đây là tộc họ người Chăm Bàlamôn, cư trú ở 3 palei Baoh Dana (Chất Thường), Baoh Bimi (Hoài Trung) và Hamu Craok (Vĩnh Thuận-Bàu Trúc). Tộc họ này từ xa xưa đã canh tác trên một diện tích rất lớn, 10 xe lúa giống tương đương với 500 giạ, nên buộc phải thực hiện lễ nghi dâng cúng theo phong tục cổ truyền, hình thức như là dâng cúng tổ tiên, các vị chức sắc hành lễ gọi là “Payak Bak Baoh”.

         Con trâu hiến tế được cắt cổ, nướng trên củi lửa, đặt nguyên con trên cái mâm gỗ để dâng cúng, vì thế người ta gọi là Kabaw Cadang. Trong tiếng Chăm từ “Cadang”có nghĩa là nướng để nguyên con vật hiến tế.

         Ông Ka-ing Caok trưởng tộc họ Kut Hamu Coah phát biểu trước nghi lễ dâng cúng trên tháp rằng: “ Ngày xưa, trong tộc họ có người làm quan trong triều, giàu có. Một hôm, nhà vua du hành qua làng có ghé thăm. Ông quan sai gia nhân giết con trâu nướng thết đãi nhà vua. Tục lệ đó truyền đến bây giờ”.

          Chúng tôi nghĩ câu chuyện của ông tộc trưởng mang ý nghĩa khái quát hơn là sự thật, bởi trách nhiệm dâng cúng của tộc họ canh tác trên cánh đồng phục vụ cúng tế cho đền tháp là tục lệ cổ truyền đã có từ xa xưa. Hiện nay, một số gia đình và tộc họ Muk Brang ở Thành Ý cũng đang thực hiện việc dâng cúng như tộc họ này vậy[1].

         Ngày xưa, mỗi năm tộc họ Kut Hamu Coah dâng cúng một lần, từ sau năm 1975, cánh đồng không còn thuộc về tộc họ, nên họ đã khấn vái Po Klaong Girai cho tộc họ 7 năm dâng cúng một lần. Tục lệ đó lưu truyền cho đến ngày nay.

              Tháp Po Klaong Girai là quần thể ngôi đền thờ Po Klaong Girai, vị vua của đất vương quốc Champa cổ đại. Ngài trị vì đất nước trong một thời gian khá dài (1151-1205) và có rất nhiều thành tựu trong việc dẫn thuỷ nhập điền, mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa nước. Con đập Cakling hiện nay hãy còn di tích mà người Chăm có câu nói cửa miệng là “Banek Kasa Bara Cakling” đã chứng minh điều đó. Ngôi quần thể đền thờ (thường gọi là tháp) được vua Chế Mân cho xây dựng vào tháng 5 năm 1307[2] trên đồi Buen Sula (Đồi Trầu) để thờ Ngài. Và có lẽ thần dân Panduranga đã tạc chân dung của Ngài vào ngẫu tượng Linga-Yoni đặt thờ trong lòng chính điện (?)

         Trước khi đưa lễ vật dâng cúng lên tháp, ở nhà chủ tộc, người ta tiến hành thực hiện nghi thức nhỏ “Éw dalam sang”. Nghi thức này với lễ vật đơn giản gồm 5 nải chuối, nước trà do Muk Rija tộc họ khấn vái với tổ tiên báo về việc tộc họ thực hiện dâng cúng “Kabaw Jiâ”, sau đó đưa chiếc mâm gỗ xuống[3]

         A.NGHI LỄ DƯỚI CHÂN THÁP

         Nghi lễ dâng cúng dưới chân tháp được thực hiện 2 lần; trước và sau nghi lễ dâng cúng trên tháp, tạm gọi là Nghi thức dâng cúng đầu tiên và là Nghi thức dâng cúng cuối cùng.

         A.1 Nghi thức dâng cúng đầu tiên

         Nghi lễ đầu tiên được tổ chức trong một cái nhà lễ-Kajang được cất dưới chân đồi Mbuen Sula về phía Đông, rộng 20m2, 2 mái cao khoảng 2m, 3 mặt Bắc -Tây-Nam được che kín bằng tấm liếp tre mà người Chăm gọi là “katang”. Hướng Đông mở thoáng dùng làm cửa ra vào nhà lễ và theo quan niệm của người Chăm đây cũng là hướng phúc thần của cư dân nông nghiệp - thần Mặt Trời, gọi là Yang Atitiak.. Trong nhà lễ bài trí lễ vật và các vị trí hành lễ (danaok) của các vị chức sắc: Kadhar phía Nam, Pajau ở giữa và ông Samâlaih ở phía Bắc, tất cả đều hướng về phía Tây, ở trên vách liếp tre (katang) này, người ta treo 02 bộ lễ phục của phụ nữ và nam giới, gồm váy tấm viền thổ cẩm (akhan mbarjih), khăn tua đỏ 2 đầu (akhan mâthem) và chiếc áo lễ (aw sah), đai lưng (talei ka-ing) và ở mỗi bộ lễ phục còn có chùm hoa cây chiu liu (bingu katak giak), loại hoa mà các vị chức sắc thường dùng để rẩy nước thánh (aia gar) trên  lễ vật dâng cúng và các nghi thức tẩy uế (balih, talak bala). Tất cả các bộ lễ phục đều màu trắng.

         Nghi thức cắt cổ con vật hiến tế do ông Samâlaih, ở vị trí hành lễ hướng Bắc, thực hiện. Ông Samalaik là người trong tộc họ, mặc chiếc áo lễ trắng, váy tấm viền thổ cẩm, chít chiếc khăn tua đỏ, cầm cây đao dài rất bén với chùm cành lá cây trâm bầu, gọi là hala tanep dùng để che chắn dòng máu bắn ra từ cuống họng con trâu. Ông Samâlaih miệng khấn một vài câu thần chú rồi sau đó cứa lưỡi đao vào cổ con trâu. Người ta lấy bộ lòng đưa đi chế biến thức ăn đãi khách. Còn nguyên mình con trâu, người ta nướng tên ngọn lửa trong một thời gian ngắn rồi đưa nó đặt nằm ngửa trên cái mâm gỗ “khổng lồ” (đã làm lễ đưa xuống chiều hôm qua) ở ngoài nhà lễ. Người ta còn đặt trên mình nó 1 đĩa lớn muối ớt với 4 cây dao ngắn.

         Người Chăm gọi cách thức nướng con vật hiến tế cúng thần Yang là Cadang. Ví dụ trong cum từ “Kabaw cadang hakul salaw” (Trâu nướng bánh hấp), “Pabaiy cadang hakul salaw” (Dê nướng bánh hấp) hoặc “Mânuk cadang lithei lamâk” (Gà nướng cơm chiên). Đó là những con vật hiến tế còn đủ các bộ phận: đầu, mình và tứ chi. Ngoài ra trong tiếng Chăm còn có từ “Cadang” để chỉ tộc người Sédang (một trong những tộc người sống trên vùng đất Tây nguyên)[4]. Trong dân gian, người Chăm nói rằng cúng nướng như thế là để nhắc lại bữa ăn của các vua chúa ngày xưa đi săn bắn trên rừng núi.

         Để bắt đầu cho việc cúng tế thần Po Klaong Girai trên tháp, trong nhà lễ các vị chức sắc ông Kadhar và Muk Pajau chuẩn bị và sắp xếp lễ vật- thai kaya Lễ vật gồm những cỗ bánh, gồm bánh hakul (bánh bột gạo hấp), tapei anung banah  (bánh tét dẹp), patei  (chuối) xếp xen kẽ thành nhiều tầng, để khỏi bị đổ ngã và tăng thêm phần trang nghiêm, người ta còn quây bẹ chuối xung quanh và có vài cỗ bọc khăn vải trắng, người ta gọi là kaya bal. Tất cả là 9 cỗ bánh, trong đó có 2 cỗ bánh 9 tầng dâng cúng cho Po Klaong GiraiPo Inâ Nâgar, 3 cỗ 7 tầng dâng cúng cho Po Girai Bhaok,Po Klaong Kachait, Po Ramé Po Sah, 1 cỗ bánh 8 tầng dâng cúng cho Po Ginuer Mâtri, 2 cỗ bánh 5 tầng dâng cúng cho các vị thần còn lại, gọi là Kaya Kaong, cỗ bánh cuối cùng dâng cúng cho tổ tiên gọi là Kaya Po Thang. Những cỗ bánh xếp tầng trên được xếp theo 2 dãy dọc theo nhà lễ, 2 bên còn có mâm chuối để tộc họ dâng cúng cho những Praok của mình, chính giữa là vị trí hành lễ của bà Pajau.

         Để cho các vị hành lễ tấu trình với chủ thần PoKlaong Girai, người ta dọn Lithei thapLithei Atalai gồm một đĩa lớn cơm trắng và muối mè đặt trên cái vòng kiềng cao chân, phủ khăn vải nhiều màu sắc (Tathep), thắp sáng 1 cây nến sáp ong, và dọn trước vị trí hành lễ của bà Pajau  5 mâm lễ vật, gồm 3 mâm chân cao (Salaw takai) và 2 mâm bằng (Salaw biér), trên mỗi mâm gồm 1 tô cơm vun (Lithei hop), 2 chén canh rau (Aia habai), 1 đĩa cá khô (Arik) và 1 dĩa nước mắm (Aia mâthin).

         Sau cuộc lễ dâng cúng khai báo này, người trong tộc họ khiêng mâm thịt và các cỗ bánh lên tháp chính diện để thực hiện nghi thức dâng cúng trên tháp (Xem phần B. Nghi lễ trên tháp)

         2. Nghi thức dâng cúng cuối cùng

         Nghi thức dâng cúng cuối cùng được thực hiện dưới chân tháp sau khi nghi thức cúng trong chính điện đã xong. Nghi thức này gọi là Uek Buol.

         Nghi thức Uek buol bắt đầu khi các vị chức sắc hành lễ đã yên vị (Danaok).

         Muk Pajau thắp sáng 9 cây nến sáp ong và đính chúng trên tất cả các lễ vật, trong đó có 2 cây trên đĩa “Brah buol” và “Brah Krang”. Sau đó, người ta dọn lên một mâm lễ vật gồm 1 hủ rượu cần nhỏ, 1 con gà luộc và cá khô. Sau đóMukPajau rẩy nước thánh trên tất cả lễ vật và bắt đầu dâng cúng.

         Ong Kadhar ở vị trí hành lễ (phía bên trái Muk Pajau)  kéo đàn nhị mu rùa và hát tụng ca mời các vị thần. Các vị thần được mời trong nghi thức này gồm có: Po Ginuer Mâtri, Po Thang, Po Inâ Nâgar, Po Apan, Po Tathun Girai, Po Tathun Cek, Po Girai Bhaok, Po Bia Nai Kuer, Po Bia Banân, Po Ramé, Po Sah, Po Klaong Kachait, Cei Tathun, Po Tang, Po Gilau, Po Bia Mâdhan, Po Mângi, Po Mângau.

         Nghi thức hát tụng mời các vị thần xong, Muk Pajau đứng dậy múa. Đầu tiên bà múa tay không, rồi bưng mâm lễ vật, tiếp đến múa với 3 cây nến, trong khi múa bà đo nến bằng gang tay và đưa đầu nến đang cháy vào miệng (Tamia Akaik diél) sau đó 2 tay bà cầm 2 đầu cạp váy múa (Tamia Lang lep). Để đệm cho điệu múa của Muk Pajau, các vị chức sắc dùng chiếc trống Baranâng vỗ điệu Ciéng jap, ong Kadhar kéo nhị hát tụng ca, chiêng núm.

         Sau đó MukPajau mặc bộ lễ phục nam (Aw Sah, Akhan Mbarjih, Talei Ka-ing, kabuak Akaok) múa theo thứ tự tay không, cầm nến và đưa vào miệng như lúc trước.

         Tiếp theo đó, các ông Samâlaih, ông chủ họ,MukRija họ, các bà trong dòng tộc múa mừng cho nghi lễ đã hoàn tất một cách tốt đẹp.

         Nghi thức cuối cùng của Nghi lễ Kubaw Jiâ là việc các vị chức sắc tham gia hành lễ cúng tất- Pagleh danaok, cởi lễ phục và nhận “Laok sa”-phần thù lao cuộc lễ của họ..

       B.NGHI LỄ TRÊN THÁP    

                  Sau khi thực hiện nghi thức dâng cúng ở dưới chân tháp, lễ dâng cúng cho vị thần Po Klaong Girai được tiếp tục thực hiện ở trên tháp. Chủ lễ gồm có ông cả sư Po Adhia, ông Kadhar, muk Pajau, muk Rija, ông Camânei, các vị chức sắc Bàlamôn, ngoài ra còn có 2 ông Kadhar khác cùng phụ lễ, những người trong gia đình và dòng tộc cùng tham gia cúng tế.

Dẫn đầu là ông Kadhar chính, trong lúc cùng nhau lên tháp, ông Kadhar phụ lễ vừa kéo đàn Kanyi vừa hát tụng ca nhằm khấn báo với thần linh là nghi lễ dâng cúng cho Ngài sắp được thực hiện. Lễ vật chính được dâng cúng là con trâu nướng được đặt lên trên một chiếc mâm cổ của gia tộc (salao takai) - loại mâm to lớn và có chân, được các nam thanh niên đồng mặc trang phục màu trắng, đầu chít khăn trắng cùng khiêng lên tháp để dâng cúng cho Po Klaong Girai. Đặc biệt các nam thanh niên khiêng lễ vật hiến tế bắt buộc phải là những người con, người cháu trong gia đình và dòng tộc theo mẫu hệ, còn trang phục trắng biểu tượng cho sự trong trắng, tôn nghiêm. Đi theo sau lễ vật hiến tế là bà con trong dòng tộc cùng nhau lên tháp với mục đích là trả lễ cho thần linh, mặt khác nhằm để cầu xin (lankan) cho con cháu trong gia đình được mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, gặp nhiều điều tốt lành.

Trước khi bước lên trên tháp, ông Kadhar dừng lại vừa kéo đàn Kanyi vừa hát tụng ca, mục đích là xin phép thần linh được lên tháp để dâng cúng. Khi ông Kadhar làm xong nghi thức, các nam thanh niên khiêng con trâu nướng chính thức bước lên tháp và đặt con trâu nướng trước sân đối diện với tháp chính, nơi ở của Po Klaong Girai, và cũng chính là nơi để thực hiện nghi thức dâng cúng cho Ngài.

Sau khi con trâu nướng được đưa lên tháp và kèm theo đĩa muối ớt đặt lên trên lễ vật hiến tế, tiếp đó muk Pajau và ông Kadhar cùng sắp xếp lễ vật và bày các vật lễ trong Ciêtcủadòng họ ra để thực hiện nghi thức cúng tế. Ngoài rượu trắng, trầu cau đã được têm, lễ vật Chay là hai cỗ bánh (kaya yuer), một cỗ bánh được bọc trong tấm vải trắng và một cỗ bánh không được bọc trong vải trắng. Cỗ bánh được xếp thành nhiều tầng gồm có bánh tét dẹp được cặp thành đôi (tapei anung banah), bánh bột gạo hấp (hakur), chuối nguyên nải (patei) được đặt úp lên trên cỗ bánh, bên trên cỗ bánh có để một cây nến dài (tapan jin) và 1 chén trầu cau têm, bên cạnh đó còn có cơm vun (lithei hop), trứng luộc, trái cây và các loại bánh trái khác, tất cả đều nhằm để dâng cúng cho đấng thần linh. Riêng cỗ bánh được bọc trong tấm vải trắng là để dâng cho Po Klaong Girai, đó cũng là thể hiện sự tôn kính đối với thần linh - người đã có công xây dựng đất nước Champa.

Trước khi dâng lễ cúng, ông Po Adhia và ông Kadhar cầm lá trầu và cau trong tay, khuôn mặt hướng về ngôi tháp chính và đọc lời khấn cho nghi thức cúng trên tháp, con cháu trong dòng họ cùng chắp tay cầu nguyện. Khi khấn xong, ông Kadhar cùng với muk Pajau và các vị chủ lễ sửa soạn y trang, thực hiện nghi thức tẩy thể bằng nước cát lồi (ia mu) chuẩn bị vào bên trong tháp để cúng tế. Cùng lúc, ông Camânei đứng trước cửa tháp tay cầm 1 chén nước cát lồi có gắn nến và đọc lời khấn, sau đó hất nước lên tượng trước cửa tháp, với mục đích là tắm tượng trước khi cúng, nghi thức này được thực hiện 3 lần, bà con trong dòng họ cùng nhau hứng nước thánh để cầu mong sự may mắn cho bản thân và gia đình.

Nghi thức hất nước lên tượng trước cửa tháp xong, các vị chủ lễ bước vào bên trong tháp để thực hiện nghi thức dâng cúng, con trâu nướng được khiêng lên đặt trước cửa tháp chính, bên cạnh đó còn có 1 bình trà, bánh trái đi kèm. Cỗ bánh dâng cúng (kaya) không bọc vải trắng được đặt ngay ngắn ở góc bên trái cửa ra vào của ngôi tháp chính, trên cỗ bánh có để 1 chén trầu cau têm. Bên trong tháp muk Pajau và những người trong dòng họ cùng nhau thực hiện nghi lễ mộc dục, tắm và mặc y trang cho thần, thắp nến để bắt đầu nghi thức cúng. Lễ vật dâng cúng trong tháp gồm cỗ bánh (kaya), cơm vun (lithei hop), 3 quả trứng luộc, rượu, một đĩa gạo trắng có gắn nến và để 5 miếng trầu têm lên trên, một chén lư lửa trầm hương có gắn nến, lúc này miếng vải trắng bọc cỗ bánh được gỡ ra để cúng. Khi muk Pajau đốt trầm thực hiện nghi thức tẩy thể và mời vị thần linh về dự lễ thì ông Kadhar cũng rót rượu, sau đó bắt đầu kéo Kanyi và hát tụng ca để đánh thức vị thần linh (padơh yang). Ông Kadhar kéo áo trùm lên đầu vừa kéo đàn Kanyi vừa hát mời vị thần Po Klaong Girai về hưởng lễ với ý nghĩa xin Ngài nhận lấy lễ vật dâng cúng của gia tộc, rằng gia tộc đã làm lễ tế trâu dâng lên cho Ngài chu đáo với tất cả tấm lòng thành kính vì đã làm tròn bổn phận đối với đấng thần linh, và xin trình báo Ngài là nợ gia tộc 7 năm đã được trả. Khi ông Kadhar hát tụng ca thì bà con đều chắp tay cầu nguyện (lankan), cầu xin cho gia đình và dòng tộc của mình mọi điều được tốt lành và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

 Nghi thức thực hiện cúng trong tháp xong, ông Po Adhia tiếp tục thực hiện nghi thức cúng ở bên ngoài tháp, vị trí ông ngồi cúng là trước cửa tháp chính, ngồi trên chiếu cói (ciéw abang) được trải theo hướng đông tây, trong lúc đó ông Kadhar vẫn kéo đàn Kanyi và hát tụng ca. Lễ vật cúng gồm có cơm vun (lithei hop), nhánh bông (tên người chăm) được đặt trên một chiếc rá có chân (raneih takai), rượu, 1 chén nước. Sau đó ông Po Adhia thắp nến thực hiện nghi thức tẩy thể một lần nữa rồi ông lấy một ít muối được đặt trong chiếc rá, ông cầm miếng muối và đọc lời khấn, sau đó cho miếng muối vào miệng, rót rượu khấn báo Po Klaong Girai là việc dâng cúng cho Ngài đã hoàn thiện.

         Khi mời xong vị thần Po Klaong Girai về dự lễ thì nghi thức cúng trên tháp cũng kết thúc, lễ vật hiến tế được khiêng xuống, bà con trong dòng tộc tiếp tục thực hiện nghi thức cúng ở dưới chân tháp, các vị chủ lễ bắt đầu múa dâng lễ, hát tụng ca thỉnh mời các vị thầncùng đến dự lễ.

                                       THAY LỜI KẾT

         Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” là một trong những nét văn hoá rất chuẩn mực của các tộc người ở Việt Nam, trong đó có tộc người Chăm.

         Tộc người Chăm là cư dân bản địa, sinh cư lâu đời trên dải đất Miền Trung. Đã gần 2000 năm, vương quốc Champa cổ tồn tại và phát triển tạo nên nền văn hoá đa dạng và phong phú với nền kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là lúa nước, đã sản sinh nơi tộc người đạo lý uống nước nhớ nguồn. Họ không những không quên “công ơn” trời đất, mây mưa, sấm sét đã cho họ cuộc sống ấm no và hạnh phúc bằng hệ thống lễ nghi nông nghiệp... mà lúc nào cũng tưởng nhớ công ơn tiền bối; những vua-thần và những người có công mà họ gọi là Yang Bamong. Trong hệ thống các vị thần đó có vị vua-thần Po Klaong Girai, thương yêu thần  dân bằng tất cả sự hiểu biết của mình về việc dẫn thuỷ nhập điền, khai hoang trồng lúa nước.

         Canh tác trên cánh đồng do Ngài “để lại”, thụ hưởng hoa lợi trên cánh đồng do Ngài “để lại”...tộc họ Hamu Coah tưởng nhớ đến Ngài mà thờ phụng, cúng tế là nghĩa cử vừa là trách nhiệm -Jiâ- vừa là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Đạo lý ấy muôn đời bất hủ.

         Dâng tế Ngài bằng con trâu nướng (Kabaw cadang), với hệ thống lễ vật, các vị chức sắc Bàlamôn cao cấp (Po Adhia, Kadhar Gru, Muk Pajau), ngay trên đền thờ thiêng liêng  như dâng cúng tổ tiên với nghi thức cao nhất, trọn vẹn nhất (Payak bak baoh) đã thể hiện lòng thành kính biết ơn của tất cả thành viên tộc họ Hamu Coah.

         Nghi lễ Kubaw Jiâ trên tháp Po Klaong Girai là nét đẹp văn hoá của tộc họ Hamu Coah nói riêng, của tộc người Chăm ở Ninh Thuận nói riêng cần được bảo tồn, lưu truyền cho muôn đời sau.



[1] Nghi thức dâng cúng ở tộc họ này  gọi là Brah Seng Brak Kaje

[2] Dorohiêm-Dohamid- Lược sử và Văn minh Chàm

[3] Chiếc mâm gỗ tròn 8 chân, cao 30 cm, đường kính 1m.

[4] A. Cabaton –E. Aymonier (1906)- Tự điển Chăm –Pháp, trang 121.

0
Total votes: 0
User not write anything about he.
Be the first person to like this.

It will be interesting:

By: On August 24, 2017
0 Rating 473 views 0 likes 0 Comments
Read more
By: On December 7, 2017
0 Rating 330 views 1 like 0 Comments
Read more
By: On July 23, 2018
0 Rating 318 views 0 likes 0 Comments
Read more