• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
prancham
by On November 28, 2012  in Tin cộng đồng /
0 Rating 427 views 0 Likes 0 Comments

(LVH) - Sáng ngày 23/11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã tổ chức Lễ khánh thành quần thể Tháp Chăm, chính thức “thổi hồn”, mang tới sức sống và các giá trị trường tồn cho quần thể tháp Chăm tại nơi đây, góp phần bảo tồn phát huy các giá trị truyền thống của đồng bào Chăm hòa cùng không gian văn hóa đặc sắc của các dân tộc tại “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc Việt Nam.

Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Mã Điền Cư, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Áo, Đại biện lâm thời Cộng hòa I rắc, Tham tán các nước Cộng hòa Hồi giáo: I ran, Thái Lan, Ma rốc; đại diện lãnh đạo các Cục, Tổng cục, Vụ, Viện, Văn phòng Bộ VHTT&DL, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, lãnh đạo các Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch các địa phương về tham gia các hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; 160 già làng, trưởng bản, nhân sỹ, trí thức, nghệ nhân, đồng bào dân tộc Chăm, Raglai, H’rê đến từ TP. Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, An Giang, Bình Thuận, Bình Định, Tây Ninh, Quảng Ngãi.

Quang cảnh buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ Anh Tuấn đã bày tỏ sự cám ơn chân thành tới các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các địa phương, các nhân sĩ, trí thức, nghệ nhân dân tộc Chăm, thợ thủ công… đã quan tâm, hỗ trợ và trực tiếp góp phần tái hiện chân thực quần thể Tháp Chăm, để đến ngày hôm nay, sau hơn 4 năm xây dựng, tạo tác, quần thể tháp Chăm đã hoàn thành, sừng sững in hình trong khung cảnh của “Ngôi nhà chung” của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Đ/c  Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, Trưởng Ban chỉ đạo phát biểu, tuyên bố khánh thành quần thể Tháp Chăm - Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn khẳng định: Khác với các công trình xây dựng thông thường có thể đo đếm được bằng giá trị vật chất, vóc dáng đặc biệt của tháp Chăm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam hôm nay là kết quả của công sức, trí tuệ và tâm huyết của các trí thức, nghệ nhân dân tộc Chăm, cán bộ Ban Quản lý, thợ thủ công và những người lao động đặt vào từng viên gạch, hòn đá, mài chập, gắn kết, tạo tác từng bước, từng ngày. Sau khi khánh thành, quần thể Tháp Chăm sẽ được các vị cả sư, nghệ nhân, trí thức và đồng bào Chăm tiến hành các nghi thức truyền thống mở cửa tháp - lễ Ka tê, chính thức thổi hồn mang tới sức sống và các giá trị trường tồn cho quần thể tháp, góp phần bảo tồn phát huy các giá trị truyền thống của đồng bào Chăm hòa cùng không gian văn hóa của các dân tộc anh em tại “Làng”.

Tuyên bố khánh thành tháp Chăm, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh: Lễ khánh thành quần thể Tháp Chăm được tổ chức đúng vào Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam càng nhân lên giá trị, sức sống của văn hóa Chăm trong văn hóa các dân tộc Việt Nam, đây không chỉ là dịp quảng bá, giới thiệu về truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào Chăm mà còn là dịp giao lưu, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đồng thời, Thứ trưởng cũng bày tỏ sự mong muốn tiếp tục nhận được sự tham gia, phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các địa phương, sự cộng sức đồng lòng của chính chủ thể văn hóa đồng bào Chăm trong sự nghiệp bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tại không gian văn hóa dân tộc Chăm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Đại diện cho đồng bào Chăm, trí thức - nghệ nhân Sử Văn Ngọc, tỉnh Ninh Thuận đã bày tỏ niềm vui, sự vinh dự, tự hào khi được tham gia các hoạt động có ý nghĩa tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và càng tự hào hơn khi trong ngôi nhà chung của các dân tộc Việt Nam có biểu tượng văn hóa của đồng bào Chăm - ngôi tháp cổ Po Klong Garai - ngôi tháp thiêng liêng - linh hồn của người Chăm tôn thờ vị vua - một vị vua anh minh, nhân từ đã mang lại sự bình yên, no ấm cho dân dưới triều đại của ông và hiện nay vẫn được đồng bào Chăm cúng tế theo định kỳ hàng năm.

Đại diện cho đồng bào Chăm, trí thức - nghệ nhân Sử Văn Ngọc, tỉnh Ninh Thuận phát biểu

Nghệ nhân Sử Văn Ngọc chia sẻ: Việc xây dựng ngôi tháp Chăm tại “Ngôi nhà chung” của các dân tộc Việt Nam đã nói lên sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống các dân tộc. Đây là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, to lớn đối với các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Chăm nói riêng. Việc bảo tồn, phát huy văn hóa của các dân tộc trên khắp mọi miền đất nước trong đó có quần thể Tháp Chăm đã nói lên chân lý bất diệt của Bác Hồ kính yêu đã khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Nghệ nhân Sử Văn Ngọc cũng bày tỏ niềm tin tưởng khu quần thể Tháp Chăm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ là điểm đến của đồng bào, bè bạn và du khách trong nước và quốc tế.

Tiếp đó, các cả sư, nghệ nhân, trí thức và đồng bào Chăm đã tiến hành các nghi thức truyền thống mở cửa tháp - lễ Katê với các nội dung: lễ đón và rước y trang, lễ mở cửa tháp, lễ tắm và mặc y trang cho thần, múa cầu an và dâng lễ. Kết thúc lễ hội tại tháp, mọi người múa hát vui mừng và lần lượt trở về mở hội Katê làng và Katê gia đình.

Tại buổi lễ còn có chương trình nghệ thuật của các đoàn nghệ nhân dân gian Chăm biểu diễn hòa nhịp với không khí tươi vui, rộn ràng tiếng trống paranưng, điệu kèn Saranai và cả những điệu múa huyền bí, mê hoặc của người Chăm.

Dưới đây là một số hình ảnh:

Các đại biểu dự lễ khánh thành quần thể Tháp Chăm

Đại biểu quốc tế dự lễ có đại sứ, đại biện, tham tán các nước Áo, I rắc, I ran, Thái Lan...

Đồng bào Chăm hát múa chào mừng tại buổi lễ

Tại nhà Chăm - làng Chăm Ninh Thuận, đồng bào chuẩn bị đồ lễ 

Đồng bào đem lễ vật, cờ, võng, lọng... đi đến nơi đã được ấn định địa điểm, thời gian để làm lễ

 

.... thực hiện nghi thức lễ, giao và nhận y trang với đồng bào Raglai

...rước y trang lên tháp để làm lễ

Đồng bào, du khách hành hương lên tháp

 

Trước cửa tháp chính, thầy cúng tế hát lễ xin mở cửa tháp

Cả sư Trượng Định thực hiện nghi thức cúng lễ bên trong tháp

 

 

Bên ngoài sân lễ hội, dân làng múa cầu an...

... và cúng dâng lễ vật

 

Kết thúc lễ hội, tại tháp, đồng bào múa hát vui mừng trong tiếng trống paranưng, tiếng kèn Saranai và những điệu múa huyền bí, mê hoặc của người Chăm 

Sau ngày lễ khánh thành, quần thể Tháp Chăm càng trở nên linh thiêng, huyền ảo. Ảnh: H.Huyền

 

Hoàng Huyền (Ảnh: H.Huyền – N.Hoa – P.Hương)

0
Total votes: 0
prancham
User not write anything about he.
Be the first person to like this.

It will be interesting: