1. Theo Việt Điện U linh
Mai Thúc Loan sinh vào khoảng cuối thế kỷ 7, tại thôn Ngọc Trừng, Hoan Châu, nay thuộc huyện Nam Đàn, Nghệ An, bố Mai Thúc Loan là Mai Sinh là người champa, mẹ là Vương Thị nguyên gốc Lộc Hà – Hà Tĩnh. (Tại xã Mai Phụ huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh hiện nay chỉ còn lại 8 gia đình họ Mai).
Đền thờ Mai Hắc Đế
Năm Mai Thúc Loan 10 tuổi, mẹ đi hái củi bị hổ vồ, ít lâu sau bố cũng mất. Ông được người bạn của bố là Đinh Thế đem nuôi, sau gả con gái là Ngọc Tô cho. Sinh thời Mai Thúc Loan vốn rất khỏe mạnh, giỏi vật, học giỏi và có chí lớn. Ông mở lò vật, lập phường săn, chiêu mộ trai tráng trong vùng nhằm mưu việc lớn. Vợ ông giỏi việc nông trang, nhờ đó “gia sản ngày một nhiều, môn hạ ngày một đông”.
Nhờ chí du ngoạn lại được vợ hết lòng ủng hộ, Mai Thúc Loan kết thân với nhiều hào kiệt, sau này trở thành những tướng tài tụ nghĩa dưới lá cờ của ông như Phòng Hậu, Thôi Thặng, Đàn Du Vân, Mai Hoành, Tùng Thu, Tiết Anh, Hoắc Đan, Khổng Qua, Cam Hề, Sỹ Lâm, Bộ Tân,…
Khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo nổ ra vào năm Khai Nguyên thứ nhất đời vua Đường Huyền Tông ở Trung Hoa, tức năm Quý Sửu (713). Khởi nghĩa nổ ra tại Rú Đụn, còn gọi làHùng Sơn (Nghệ An). Tương truyền lúc đó ông cùng đoàn phu gánh vải nộp cho nhà Đường, đã kêu gọi các phu gánh vải nổi dậy chống quân Đường. (“cống vải” là một chi tiết của truyền thuyết, sưu cao, thuế nặng mới là nguyên nhân khiến nhân dân nổi dậy chống lại ách đô hộ nhà Đường, nổi bật là khởi nghĩa Hoan Châu). Đây là cuộc khởi nghĩa có sự chuẩn bị, biết chọn thời cơ, không phải một cuộc bạo động.
Tháng 4 năm 713, Mai Thúc Loan lên ngôi vua, sử gọi ông là Mai Hắc Đế. Ông cho xây thành lũy, lập kinh đô Vạn An, tích cực rèn tập tướng sỹ. Cuộc nổi dậy của ông được hưởng ứng rộng rãi ở trong nước và có thể có cả sự trợ giúp của Lâm Ấp và Chân Lạp.
Năm Giáp Dần – 714, Mai Hắc Đế tiến binh đánh thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay). Thái thú nhàĐường là Quách Sở Khách cùng đám thuộc hạ không chống cự lại được, phải bỏ thành chạy về nước. Lực lượng Mai Hắc Đế lúc đó lên tới chục vạn quân.
Nhà Đường bèn huy động 10 vạn quân do tướng Dương Thừa Húc và Quách Sở Khách sang đàn áp. Quân quan nhà Đường tiến theo đường bờ biển Đông Bắc và tấn công thành Tống Bình. Sau nhiều trận đánh khốc liệt, từ lưu vực sông Hồng đến lưu vực sông Lam, cuối cùng Mai Hắc Đế thất trận, thành Vạn An thất thủ, nghĩa quân tan vỡ. Không đương nổi đội quân xâm lược, Mai Hắc Đế phải rút vào rừng, sau bị ốm rồi mất năm 1722 (có tư liệu nói ông mất do bị rắn cắn).
Từ thời điểm đánh chiếm Hoan Châu, lên ngôi vua, củng cố lực lượng, Mai Thúc Loan đã giải phóng toàn bộ đất nước và giữ vững nền độc lập trong 10 năm (713-722).
Tương truyền,con trai thứ ba của ông là Mai Thúc Huy lên ngôi Hoàng Đế tức Mai Thiếu Đế và tiếp tục chống trả các cuộc tấn công của nhà Đường tới năm 723. Tương truyền từ sau cuộc khởi nghĩa này, nhà Đường không bắt dân An Nam đô hộ phủ nộp cống vải quả hằng năm nữa.
Đời sau nhớ ơn Mai Hắc Đế, lập đền thờ ông ở trên núi Vệ Sơn và trong thung lũng Hùng Sơn. Các sắc phong lưu ở đền gồm một loạt 7 đạo chỉ dụ của các triều đại tuyên dương công đức, trong đó hầu hết đều xếp Ngài vào hàng “THƯỢNG ĐẲNG TỐI LINH MAI HẮC ĐẾ THIÊN TÔN”
Ngày nay, tại địa phận xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, có khu di tích tưởng niệm ông. Một bài thơ chữ Hán còn ghi trong Tiên chân báo huấn tân kinh để ở đền thờ, ca tụng công đức ông như sau (bản dịch):
Hùng cứ châu Hoan đất một vùng,
Vạn An thành lũy khói hương xông,
Bốn phương Mai Đế lừng uy đức,
Trăm trận Lý Đường phục võ công.
Lam Thủy trăng in, tăm ngạc lặn,
Hùng Sơn gió lặng, khói lang không.
Đường đi cống vải từ đây dứt,
Dân nước đời đời hưởng phúc chung.
Tại thôn Nhu Kiều, xã Quốc Tuấn, huyện An Hải, thành phố Hải Phòng có đền thờ 2 con của Mai Hắc Đế đã thay cha chỉ huy chiến đấu ở mặt trận Đông – Bắc và anh dũng hy sinh, đó là Mai Kỳ Sơn và Mai Thị Cầu. Năm 1926, vua Khải Định đã sắc phong: THƯỢNG ĐẲNG TÔN THẦN BẠCH ĐẦU ĐẾ Mai Thị Cầu là nữ tướng.
2. Theo Mai Hắc Đế – Truyền thuyết và lịch sử (tác giả Đinh Văn Hiến)
1- Cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan được chuẩn bị công phu và lâu dài trên cả nước.
Qua phát hiện của tác giả từ hai bản thần phả của một ngôi đền ở Hà Nội và một ngôi đền ở Hải Phòng, ta biết Mai Thúc Loan có vợ là Phạm Thị Uyển ở châu Đường Lâm (thị xã Sơn Tây ngày nay), một địa điểm xa quê hương đến mươi ngày đường, nhưng lại cạnh nách bộ máy cai trị đầu não chế độ đô hộ (đặt tại Tống Bình – Hà Nội ngày nay). Rồi khi con là Mai Thị Cầu và Mai Kỳ Sơn, đủ tuổi ông lại cho cả hai về làm dâu, làm rể ở Điều Yên (An Hải, Hải Phòng). Tiếp đến, khi khởi nghĩa nổ ở Hoan Châu, thì dưới sự lãnh đạo của quan lang đạo châu Đường Lâm và là ông ngoại bà Phạm cũng như của hai chị em Cầu, Sơn; nhân dân cả hai nơi đều phất cờ hưởng ứng. Theo tác giả, điều đó là các chứng lý khẳng định rằng: ít ra đã hơn hai chục năm trước khi châm ngòi khởi nghĩa, Mai Thúc Loan đã nghĩ tới và thực hiện kế hoạch xây dựng ở Đường Lâm và Điều Yên hai căn cứ chuẩn bị cho khởi nghĩa!
2- Về mặt quân sự, Mai Thúc Loan xứng đáng xếp vào hàng các thiên tài của đất nước.
Mai Thúc Loan vốn chỉ là một cậu bé sớm sống côi cút, tứ cố vô thân, quanh năm làm thuê cuốc mướn, không một ngày đến lớp; chỉ nhờ vào quyết tâm tự rèn luyện, tự học mà có sức và giỏi vật, võ hơn người; mà am tường chữ nghĩa, biết rộng, hiểu sâu hoàn cảnh đất nước bị đô hộ, mà thù giặc, thương dân, ủ ấp hoài bão cứu nước nhà, nòi giống. Đã vậy, lại sống vào buổi giao thời khó khăn hồi ấy, thế mà ông lại trường kỳ mai phục, chuẩn bị hơn 20 năm, khảo sát kỹ tình hình, xây dựng căn cứ dựa vào nhau trên 3 địa bàn chiến lược (trong đó địa bàn Đông Bắc là nơi mà 200 năm, rồi 600 năm sau, lần lượt Ngô Quyền, Trần Quốc Tuấn cũng lại chọn làm căn cứ quân sự và nhờ đó lập nên hai chiến công Bạch Đằng lịch sử). Mai Thúc Loan đã vận động Kim Lân, Chân Lạp (Malaysia và Cambodia) cùng vài nước nữa chi viện hơn 20 vạn quân, mở cuộc tổng tiến công quét sạch 20 vạn quan lính đô hộ nhà Đường ra khỏi nước. Việc thành, vua Mai lại tài tình mời số quân chi viện này quay lui. Tác giả cho rằng tới ngần ấy việc, Mai Thúc Loan xứng đáng được xếp vào hàng các bậc thiên tài xưa nay của đất nước, ít ra thì cũng là vẻ mặt quân sự, ngoại giao vậy.
3- Khởi nghĩa Phùng Hưng là một phần khó tách rời của cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan.Tìm ra mối tương quan cậu cháu ruột giữa Mai phu nhân và Phùng Hưng, liên hệ với việc sau khi vua Mai thất bại, trên căn cứ Đường Lâm lại nổ ra cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng, lại liên hệ việc nhân dân Nghệ An đã lập đền thờ Phùng Hưng, tác giả Đinh Văn Hiến đã coi cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng là đoạn cuối của khởi nghĩa Mai Thúc Loan và điều đó chứng tỏ ảnh hưởng cuộc khởi nghĩa này đã kéo dài đến gần hết cả thế kỷ thứ 8. Theo An Nam Chí lược của Lê Tắc, tháp Bảo Thiên 11 tầng ở hồ Hoàn Kiếm là do tù binh Champa xây dựng. Nhiều chùa ở Hà Nội như chùa Châu Lâm, quận Ba Đình có các tượng “bà banh”, một số tượng đứng trên bệ đá có điêu khắc chim thần Garuda. N_ cả ở Thanh Hóa, Nghệ An người Champa đã cư ngụ từ thế kỷ 7-9 để lại đi tích “nhạn tháp” ở Nghệ An. Dọc sông và bờ biển Thanh Hóa đã tìm thấy các di tích điêu khắc Champa. Mai Hắc Đế nổi dậy chống Trung Quốc ở thế kỷ 8 chống Trung quốc có cha là người Champa, mẹ Việt.
4- Gia đình Mai Thúc Loan là một gia đình anh hùng.
Trước đây ta chỉ biết có hai nhân vật anh hùng trong gia đình vua Mai: Mai Thúc Loan chết vì bệnh trong khi vẫn đang chỉ huy cuộc kháng chiến; con út là Mai Thúc Huy kế vị, đã hy sinh trong chiến đấu chống Dương Tư Húc. Nay cuốn sách cho biết thêm: Trên mặt trận phòng ngự Tống Bình chống cuộc tái xâm lăng của nhà Đường, Hoàng tử cả và Mai Hoàng hậu đã anh dũng hy sinh trên mặt trận Duyên Hải Đông Bắc, Mai Thị Cầu và Mai Kỳ Sơn cũng đánh đổi mạng mình nhằm cứu một số lớn nhân dân bị giặc bắt làm con tin để chiêu hàng hai vị. Như vậy là cả gia đình vua Mai đã “vì nước quên thân”.
Tóm lại, Mai Hắc Đế là một vị anh hùng dân tộc. Vào thế kỷ thứ VIII, do chính sách cai trị hà khắc, tàn bạo của các quan lại nhà Đường, ông đã đứng lên vận động nhân dân khởi nghĩa giành độc lập về cho dân tộc. Cuộc khởi nghĩa của ông, cũng như của Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Nam Đế trước ông và của Phùng Hưng, của cha con họ Khúc sau ông, phản ánh ý chí quật cường, bất khuất của dân tộc ta, quyết không chịu đem thân làm nô lệ cho ngoại bang.
Giáo sư sử học Phan Đại Doãn trong bài giới thiệu đầu cuốn sách viết: “Đó là những câu chuyện lịch sử (và một số truyền thuyết được lịch sử hóa) phản ánh một vòng hào quang đẹp đẽ, lâu bền của cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan còn đến ngày nay, mà chúng ta có nhiệm vụ phát huy mọi giá trị văn hóa, tinh thần của nó…”.
3. Khu mộ, đền thờ và lễ hội Mai Thúc Loan
- Khu mộ họ Mai nằm ở Núi Đụn, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An
- Đền thờ Mai Thúc Loan và người con trai kế nghiệp là Mai Thúc Huy nằm ven chân đê 42, thuộc khối Mai Hắc Đế, thị trấn Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
- Lễ hội vua Mai diễn ra trong 4 ngày: 13-14-15-16 tháng 01 âm lịch hàng năm tại thị trấn Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Ngày 13 tháng 01: Lễ khai Quang tại khu mộ, đền thờ và mộ thân mẫu của vua Mai.
Ngày 14 tháng 01: Lễ yết cáo tại khu mộ, đền thờ và mộ thân mẫu của Vua Mai.
Lăng mộ Mai Hắc Đế
Ngày 15 tháng 01: Đại tế. Buổi sáng các làng trong vùng rước kiệu về đền vua Mai để hội tế theo nghi lễ của triều đình.
Buổi chiều là lễ dâng hương tại mộ và lễ tạ tại đền.Trong lễ hội ngoài các nghi lễ, phần hội là các trò chơi dân gian như đấu vật, đua thuyền, hát văn, hát đối, hát ví, đánh đu, leo cột mỡ, đi cầu kiều, cướp cờ, đánh cờ… Trong đó đua thuyền là trò độc đáo nhất.