Select
Tag Cloud

Anything in here will be replaced on browsers that support the canvas element

  • Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
By: On January 24, 2016
  Chương 12 - CÁC THÀNH PHẦN DÂN TỘC CHAMPA của cuốn sách "Bangsa Champa: Tìm về với một cội nguồn cách xa". Xin thưa cùng mikwa, Xin gởi mikwa Chương 12 này, có thể đọc thẳng trên FB hay tải chương này về với dạng PDF để dành đọc. Cuốn sách này có cả thảy 15 chương, và hiện nay dahlak đã ghép hết hình ảnh vào các trang giống như trong sách, nhưng còn đang tiếp tục tìm và ghi lại tất cả các chú thích (footnote) ở cuối trang. Chuyện này cũng sắp xong. Hiện nay dahlak đã làm tới Chương 13, nhưng sợ mikwa chờ lâu nên xin đăng lên từng chương cho mikwa đọc và đồng thời giúp chỉnh sửa chính tả dùm vì còn có nhiều chổ mà chử ở dạng Unicode bị biến dạng khi chuyển sang Microsoft Word. Dahlak ráng cố gắng tìm nhưng không thể thấy hết lổi, vậy nếu đọc thấy những chổ lổi đó, xin mikwa báo cho biết để sữa lại cho đúng. Đwa karun. Ysa Cosiem --------------------------------------- Chương 12 - CÁC THÀNH PHẦN DÂN TỘC CHAMPA Xuất phát từ cội nguồn thời thượng cổ, và trong tương quan với các bangsa khác trên đời, chỉ có một Bangsa Champa duy nhứt. Tuy nhiên, trên quá trình tồn tại và phát triển, khi đạt trình độ và quy mô quốc gia dân tộc, cơ cấu bangsa được tổ chức theo một nề nếp nhứt định, tính đa dạng đã đưa đến sự hình thành các thành phần không nhứt thiết cùng gắn liền vào một chủng tộc, một giống dòng. Về mặt hình thức, các thành phần này có thể được gọi là các “sắc tộc” cùng hợp thành dân tộc gắn liền với quốc gia nói chung, và cũng có thể cùng được gọi ngang bằng nhau là “dân tộc” trong một quốc gia nhiều dân tộc. Ngoài ra, còn có các thực thể được gọi là “dân tộc” mà thật ra chỉ là những hư cấu dân tộc học. 1. THỂ CHẤT NHÂN LOẠI HỌC BANGSA CHAMPA Trong một phút bất chợt, được đọc trên đất Hoa kỳ một đoạn văn đầy chân tình của bác sĩ Trần văn Tích, một cây bút chuyên khảo kỳ cựu của tạp chí Bách Khoa Thời Đại tại Saigon trước năm 1975: Cuối đời Trần, ở cổ thành phủ Triệu Phong có thành Thuận Châu, tương đương với đất châu Ô của Chiêm Thành nhường cho nhà Trần. Như thế, đồng hương Quảng trị đã ra đời và lớn lên trên đất cũ của người Chàm; chắc không nhiều thì ít đều có mang những gen của Chế Mân, Chế Củ, Chế Bồng Nga. Qua những đợt di dân trong lịch sử, những đoàn người từ châu thổ các sông Hồng, sông Mã đã đến lập nghiệp ở Triệu Phong, Hải Lăng. Chắc phải có những chàng trai tứ chiến giang hồ từ phuơng Bắc tới gá nghĩa cùng các nàng Mỵ Ê thôn dã địa phương để trở thành viễn tổ của người viết bài này.(*)  Nhận xét kể trên của học giả Trần văn Tích nói lên hiện tượng giao lưu nhân chủng, một thực trạng không ai phủ nhận được là trong xã hội Việt Nam ngày nay, nhứt là tại các vùng nguyên là lãnh địa cũ của vương quốc Champa, một số người thực sự có mang dòng máu Champa trong người mặc dầu trong sanh hoạt thường ngày, không thấy có chỉ dấu bề ngoài nào chứng tỏ còn dính dấp đến người Champa ngày xưa nữa. Thực sự, đó là những người dân Champa mà tổ tiên đã không chịu rời bỏ quê nhà khi vùng đất, trong lịch sử, đã bị nhượng lại hoặc bị thôn tính để rồi theo thời gian, trải qua nhiều thế hệ, đã sống hòa đồng với người Việt định cư sau này. Người ta cũng liên tưởng đến những nghệ nhân Champa, trong lịch sử, đã được đưa sang Đại Việt qua nhiều đời khác nhau chắc phải có con cháu mang huyết thống của mình đang sống trong các cộng đồng xã hội người Việt ngày nay.  Tiêu biểu cho thành phần người gốc Chăm đang sống như người Việt này là vừa qua, một số người ở miền Trung Việt Nam, khi cho biết ngày xưa, cha ông thuộc các họ Ôn, Ma, Trà, Chế…... của dân tộc Champa, đã phải đổi thành họ Nguyễn, Trần, ... nhứt là dưới thời vua Minh Mạng, nguyên có một chánh sách Việt hóa quyết liệt đối với dân tộc Champa. Một vài người thuộc diện này đã gây không ít ngạc nhiên cho nhiều người không am tường, và bao nhiêu xúc động cho những ai có mang dòng máu Chăm trong người, khi ngỏ ý tha thiết muốn được quay về với cội nguồn Chăm thực sự của cha ông. Cụ thể nhứt, trong một bức thư trần tình nhận được, lên tiếng về một sự việc xảy ra trong cộng đồng người Chăm, một người tự giới thiệu là Chăm lai Việt “hãnh diện về văn hóa Chăm, và yêu con người Chăm”, hiện đang chuyên viết tiểu luận văn học, cho biết đang lập thủ tục hành chánh cần thiết xin nhà nước Việt Nam cho “nhập tộc Chăm”. Hỏi ra thì mới biết, tại Cọng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay, người dân được xếp loại, chánh thức ghi trên giấy căn cước, thuộc thành phần dân tộc Kinh và các dân tộc khác, trong đó, có dân tộc Chăm, nên vị này vì ý thức và tha thiết với gốc nguồn, xin được “nhập tịch Chăm”. Trong các cộng đồng người Champa còn tồn tại đến ngày nay, cũng có một số người gốc Việt hoàn toàn, đã do một số hoàn cảnh cá biệt, nhứt là do hôn nhân hoặc điều kiện sanh sống, đã hội nhập vào xã hội người Chăm, đã và đang sống hoàn toàn như người Chăm tại các gia đình người Chăm. [H80. Một phụ nữ Việt lập gia đình với người Chăm] Trong bối cảnh kể trên, ngày nay, thật khó mà tìm được một mẫu người trong xã hội người Chăm còn tồn tại để nhận diện là người Chăm thuần túy, để xác định các đặc tính nhân chủng cần thiết. Hoàn cảnh chiến chinh và giao lưu với các dân tộc lân cận đã tạo nên những sắc thái nhân dạng phức hợp ngay tại các thôn ấp người Chăm còn sống tập trung và còn duy trì phần nào cuộc sống cổ truyền thể hiện qua cách ăn mặc và ngôn ngữ.  Dầu vậy, các nhà nghiên cứu cũng đã cố gắng làm việc này. Cụ thể, sớm sủa nhứt, có thể kể công trình nghiên cứu khoa học đã được M.E. Farinaud ghi nhận cho thấy công thức máu của người Chăm rất gần gũi với người Rha-đê và người Bahnar, và khá gần gũi với người Sê-đăng cư ngụ tại vùng cao nguyên. Tính gần gũi trong công thức máu này cho người ta ý niệm sơ khởi về quan hệ ruột thịt giữa người Chăm và các sắc dân anh em sống trên vùng đất Cao nguyên Trung Phần. Trong thập niên 1950, hai bác sĩ Pháp Georges Olivier, tại Phan Rang, và Henri Chagnoux,(**) tại Phnom Penh (Cam bốt) đã thực hiện cuộc quan sát và thu thập các dữ kiện một cách có hệ thống để phân tích, sau khi lọai trừ một cách khoa học các yếu tố lai giống của các dân tộc có tiếp xúc hoặc hội nhập. Từ 165 mẫu người Chăm (92 ở Kampuchea và 73 tại Trung Việt), công trình nghiên cứu xác định một mẫu nhân chủng học của người Chăm thuộc chủng tộc Indonesian, khác biệt với các dân tộc khác của Đông Dương tức Việt, Khmer. Người Chăm có nước da sáng sủa của giống người nằm trong đường ranh giữa nước da ngâm ngâm và da vàng, mái tóc đen, dợn sóng (60,5%), có chứng hói đầu (38,2%) và chứng tóc bạc (6,5%), hình dạng mang các sắc nét thanh lịch, xác định sự pha lẫn các yếu tố nhân chủng Indonesian nguyên khởi đã chịu ảnh hưởng gốc Nam Ấn Độ, sau đo, lại hòa lẫn với sắc thái Mông Cổ. Chiều cao trung bình của người Chăm là 1,60m và có cùng công thức huyết rất gần gũi với người Ê-đê, người Bahnar, người Sedang ở Cao nguyên Trung Phần. Chỉ số sọ là 83,1, chỉ số xuyên qua gò má là 89,5, và chỉ số mặt trung bình là 87,4%. Điều đáng lưu ý là người Chăm còn sống ở mãnh đất cũ tại Trung Phần Việt Nam thân hình thoạt trông có vẽ nhỏ thó hơn người Chăm ly hương định cư ở trên đất Kampuchea, một số khá đông có quan hệ hôn nhân với người Mã Lai. Theo giới am hiểu, một công trình nghiên cứu khoa học về sọ người Chăm, dưới quyền điều khiển của cố giáo sư Trần Anh, trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn, cũng đã được tiến hành, đưa đến một số kết quả bước đầu, nhưng đã bị bỏ dang dở do biến cuộc năm1975. 2. CÁC THÀNH PHẦN CỦA DÂN TỘC CHAMPA (1) Chăm & Champa Các nhà nghiên cứu buổi đầu thời thuộc Pháp, nhứt là nhóm Trường Viễn Đông Bác Cổ, khi tìm hiểu Champa thường liên tưởng ngay đến, và giới hạn, thành phần người dân nước này chỉ có người Chàm mà sử sách Việt còn gọi là người Chiêm. Bản thân người Chàm xưa nay vẫn tự gọi mình là người Chăm chớ không phải "Chàm" hoặc "Chiêm" như trên.  Các bia ký cổ xưa viết bằng chữ Phạn, được khai quật cho đến nay, chưa thấy ghi từ "chăm" mà chỉ có từ "champa". Tuy nhiên, nếu căn cứ vào sự kiện này mà lập luận rằng từ “chăm” không liên quan đến từ “champa” thì cũng giống như khi người ta nói, từ “Việt” không liên quan gì đến tên nước “Đại Cồ Việt”, “Đại Việt” hoặc “Việt Nam” cả. Nhân dịp này, tưởng cần mở ngoặc ghi nhận, các từ “Hời”, “Lồi” ở Trung Phần cũng như từ “Chà và” ở Tây nam Nam phần, thường được người Việt dùng có thể là không có một định kiến nào cả để ám chỉ một sắc dân mà thôi; ngay cả cố thi sĩ Chế Lan Viên trong những bài thơ ca ngợi thời vàng son của dân tộc Champa cũng đã dùng chữ “Hời”, cụ thể là trong bài “Trên đường về”, nhưng trên thực tế, đối với người Chăm, các từ này gợi lại một quá khứ chẳng lấy gì làm đẹp, mang tính miệt thị gây mặc cảm với người Chăm, không nên sử dụng trong các quan hệ trao đổi với người Chăm, cũng như từ “mọi” đối với người Thượng vậy. Xin đóng lại dấu ngoặc. Trong cuộc hội thảo tại Viện Đại học Copenhague ngày 23 tháng 5 năm 1987 được tổ chức bởi Trung tâm văn hóa - xã hội Champa Pháp, Viện Văn hóa – Xã hội Campa - Đan Mạch, có bài phát biểu thể hiện quan điểm mới về thành phần dân tộc Champa.(***) Theo bài phát biểu này, từ năm 1975, Giáo sư lão thành Pierre Bernard Lafont (Pháp) đã kết hợp các nhà nghiên cứu thuộc Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Khoa Học Paris, thực hiện một công trình quy mô diễn dịch ra tiếng Pháp các bản thảo xưa cũ bằng chữ Chăm cùng các sử biên niên hoàng gia Champa bằng chữ Chăm và chữ Trung Hoa nạp bản tại các thư viện Pháp và Trường đại học Cornell (Hoa Kỳ), đối chiếu một cách có hệ thống với các kết quả nghiên cứu của những người đi trước. Kết quả nghiên cứu này đã soi sáng về thành phần dân tộc Champa, xác định dân tộc Champa ngày xưa, thật ra, không phải chỉ bao gồm toàn người Chăm sống ở vùng duyên hải Trung Phần Việt Nam mà còn có những sắc dân Champa với một số tên gọi khác sống trên vùng cao nguyên. Trong lịch sử, vùng Phan Rang – Phan Rí, Trung Phần Việt Nam, nơi nhóm người Chăm còn tồn tại, trước thuộc chủ quyền của triều đình Huế, bị đặt dưới chế độ bảo hộ của Pháp, sau đó từng bước mới chuyển thành vùng đất trực trị của Pháp trên thực tế. E. Aymonier là viên chức người Pháp đã sớm quan tâm nghiên cứu về người Chăm, đầu tiên khi đến Phan Rang năm 1884, đã được gặp và tiếp xúc với một số người được xác định không phải là người Việt và tự giới thiệu là người Chăm. Trong khi ở Kampuchea, E. Aymonier đã nắm được thông tin về Vương quốc Champa, nên suy luận ngay chỉ người Chăm là con dân của Vương quốc Champa. Các nhà nghiên cứu đi sau đã noi theo E. Aymonier, cứ theo lối mòn đinh ninh một cách máy móc, người Chăm là con dân duy nhứt của Vương quốc Champa. Trong khi đó, khi việc tiếp xúc với dân chúng trên vùng Cao nguyên Trung Phần, người Pháp không thông qua triều đình Huế, mà qua các đoàn thám sát địa thế (nổi tiếng là đoàn Pavie, Henry Maitre, bác sĩ Alexandre Yersin. . .) xâm nhập từng khu vực, thiết lập giao dịch với các lãnh đạo địa phương, rồi từ đó, mới áp đặt một bộ máy thống trị riêng cho toàn vùng, nơi sanh sống của các nhóm thần dân vùng cao của vương quốc Champa ngày xưa, lập nên “Pays Montagnard du Sud d’Indochine” gọi tắt là PMSI có quy chế chánh trị và hành chánh biệt lập, tách biệt hẳn, không còn dính líu đến vùng duyên hải Trung Phần nữa. Đến thời kỳ Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc trưởng thì đổi danh xưng là “Hoàng triều Cương thổ”, tiếp tục quy chế chánh trị và hành chánh biệt lập. (2) Xếp thành phần theo địa bàn cư trú Các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ F.M. Lebar, G.C. Hickey, J.K. Musgrave, căn cứ vào địa bàn cư trú trong Nagar Champa thời cổ, đã phân chia một cách có hệ thống, dân tộc Champa thành 2 nhóm chủ yếu:  1) Nhóm Chăm đồng bằng (low land Cham); 2) Nhóm Chăm cao nguyên (high land Cham). Người Chăm đồng bằng sống trên các vùng đất thung lũng dọc theo duyên hải, một phần sống về nghề nông trên những thửa ruộng hẹp, còn phần lớn là những thủy thủ cang cường, chuyên nghề đi biển, chài lưới, hoặc thương buôn đường dài, một thời nổi danh trong vùng biển đông. Trong khi các sắc dân cao nguyên sống trong vùng núi non hiểm trở, thiếu giao lưu với bên ngoài, một số làng mạc sống theo nề nếp du canh du cư đốt rừng làm rẩy, canh tác ruộng khô, phải di chuyển theo định kỳ để đất luân phiên phục hồi mầu mở. Việc phân chia dân tộc Champa thành 2 nhóm căn cứ vào địa bàn sanh sống kể trên là sự phân chia theo kỹ thuật phân tích của các nhà nghiên cứu, chớ không phải là sự phân chia lịch sử của chính dân tộc Champa, bởi lẽ các văn bia, các văn bản lịch sử Champa còn lưu lại không có sự phân chia này. Trong ngôn ngữ Champa, khi nói orang Champa là bao gồm cả người dân Champa sống tại các vùng đồng bằng lẫn miền núi của vương quốc Champa, không phân biệt nguồn gốc hoặc sanh quán của họ. Tuy nhiên, vì mỗi sắc dân trên vùng Cao nguyên Trung Phần, trên quá trình phát triển ở các địa phương, đều đã có và tự hào với những tên gọi riêng như Ê Đê, Jarai, Bahnar, Churu, Kaho, v.v. . .thể hiện căn sắc dân tộc (ethnic identity) của mình cũng như người Chăm vùng duyên hải, nên một số thành phần trí thức Thượng thị thành mà thời thế đã nâng lên đến một địa vị nhứt định trong bộ máy chánh quyền Việt Nam Cọng hòa trước năm 1975, mặc dầu vẫn xác nhận thuộc thành phần dân tộc Champa trong lịch sử, đã tỏ ra không mấy mặn mà nếu không nói là phủ nhận lối gọi chung người Thượng là “Chăm vùng cao”. Đúng ra, đây chỉ là vấn đề thuật ngữ không hơn không kém. Trong môi trường sống bao quanh bởi núi rừng hiểm trở, khác biệt với người Chăm ở vùng duyên hải, người dân Champa miền núi còn sống gần với thiên nhiên, trong những tập thể xã hội ngăn cách nhau, thiếu phưong tiện giao lưu tối thiểu nên thường được các nhà dân tộc học ngoại quốc, trong quá khứ, nhận diện theo từng bộ tộc thể hiện qua các biểu hiện thực thể văn hóa mà thực chất chỉ là những hư cấu dân tộc học (ethnographic fictions) cho nên có những tên gọi do sách vở đặt cho, nhưng chính người dân trong cuộc lại tự gọi mình với tên gọi khác. Cụ thể như tên gọi Radhê đã được sách vở nghiên cứu ghi từ non một thế kỷ nay thì chính người dân trong cuộc lại thích tự gọi mình là Ê-Đê xuất xứ từ tên gọi Anak H'Đê có nghĩa là con của H'Đê nghe có vẽ trang trọng hơn. Căn cứ vào ngữ học, dân tộc Champa được xếp thành hai nhóm chủ yếu, nhóm Mã lai đa đảo và nhóm Môn khmer. Nhóm Mã Lai đa đảo (Malayo Polynesian), còn gọi là Austronesian (Nam đảo) trong đó, có người Chăm, bao gồm có các tộc người chánh yếu, người Roglai, Churu, Ê-đê, Jarai, Hroy v.v.., trong ngôn ngữ, có những âm chính rất gần gũi nhau và thông cảm nhau dễ dàng được học giới Tây phương xếp vào loại “Chamic”: - Người Roglai gần gũi nhứt với người Chăm, sống trong rừng núi phía Tây Nha Trang, trong khu vực Tây Bắc Phan Rang (Ninh Thuận) và rải rác trong vùng Phan Rí (Bình Thuận).  - Người Churu sống trong vùng thung lũng Đa Nhim (Đa Lạt, mà theo thông tin truyền khẩu, được xem là tộc người lai Chăm và Roglai, Koho, còn được người Chăm vùng duyên hải gọi là Chăm-Ro tức Chăm t nạn đã trốn chạy trước làn sóng Nam tiến của quân binh nhà Nguyễn. - Người Ê-Đê tại Buôn Ma Thuôt, vùng sanh sống về phía Tây giáp giới với Kampuchea. - Người Jarai sống trong vùng Kon Tum, Pleiku, trên một địa bàn nới rộng đến biên thùy Kampuchea về phía Tây và giáp ranh với khu vực người Ê-Đê ở phía Nam. Trong giới người Jarai, có những nhân vật lãnh đạo có tiếng là Patao Apui, tức Vua Lửa từng đựợc triều đình nhà Nguyễn phong là Hỏa xá, Patao Ea, tức Vua Nước, mệnh danh là Thủy Xá; ngoài ra, còn có Patao a-ngin tức Vua Gió... uy danh đượm nhiều màu sắc thần thoại, được dân chúng địa phương kính trọng. - Người Hroy, sanh sống ở phía Tây Cheo Reo, chính là người Chăm, nhưng môi trường sanh sống, theo thời gian, đã khíến họ hội nhập vào sống nếp sống gần gũi hơn với nếp sống văn hóa và xã hội người vùng cao.  Nhóm Môn – khmer còn gọi là Austroasiatic tức Nam Á, chủ yếu gồm có các tộc người Bahnar, Seđang, Mnong, Halang, Jeh, Koho, Mạ, Stiêng, Ta Ôi, K’Yu, Bru-Vân Kiều, v.v...: - Người Bahnar sống tại vùng An Khê (Pleiku) và Kontum. - Người Seđang sống tại vùng Tây Bắc Kontum. - Người Halang ở Kontum và giáp giới Nam Lào. - Người Jeh, ở Đaksut, gần biên giới Lào. - Người Koho, vùng Đa lạt. - Người Stiêng, vùng Biên Hòa - Thủ dầu một, v.v... Ngoài sự gần gũi về ngôn ngữ, có những bằng chứng cho thấy mối quan hệ gắn bó không tách rời của người Chăm và các bộ tộc cao nguyên với tánh cách là dân tộc Champa trong lịch sử. Trước hết, giữa người Chăm và các sắc tộc vùng cao có những quan hệ dòng họ. Trong người Ê-đê là sắc tộc lớn có nhiều bậc trí thức nhứt Cao nguyên, có họ Êchăm là dòng họ ngoại hôn thuộc dòng tộc Eban. Họ R’Com là một dòng họ lớn của người Jarai thường được xem bao gồm những người “văn minh” nhứt do được tạo điều kiện sớm tiếp cận với nền giáo dục trường lớp thời thuộc địa Pháp. Về mặt từ nguyên, từ R’Com rất gần gũi nên có thể là một biến thể của từ R’Chăm. Người Roglai còn có họ Chamalê cũng xuất xứ từ từ “Chăm”. Trong số những vị vua Champa, có một vị vua sanh quán tại vùng cao, đáng chú ý nhứt là Vua Pô Romê, vị vua cho đến nay còn được tôn thờ tại một ngọn tháp ở Phan Rang, được dân chúng cúng bái hằng năm, là người gốc Chu Ru. Một vị vua khác là Pô Top đã lên ngôi năm 1655 là con một người con gái của hoàng hậu người Ê-đê của vua Pô Rômê (tức là cháu ngoại của Pô Rômê). Tiếp nối truyền thống quan hệ này, sau khi vương quốc Champa không còn nữa, người dân Roglai hàng năm vẫn cùng nhau xuống đến tận tháp Pô Romê ở Phan Rang cùng người Chăm tham dự lễ Katê là một lễ hội dân gian hàng năm của dân tộc Champa. Trong lịch sử, các vua Champa trong các lễ vật cống nạp triều đình Trung Hoa, người ta nhận thấy có các lọai gỗ quý giá cùng các hương liệu thì chính xuất xứ từ người Roglai và các sắc tộc vùng cao khác dâng nạp. Ngoài ra, còn có sừng tê giác, bạch tượng, quế, vàng, mật ong... đều là sản phẩm của vùng cao mới có, chứng tỏ mối quan hệ chặt chẽ giữa các bộ tộc cao nguyên với triều đình Champa ngày xưa trong sanh hoạt quốc gia. Vua quan Champa ngày xưa có lúc đã phải nương náu trong sự bảo bọc của người dân Champa vùng cao khi bị yếu thế trong các cuộc xua quân xâm nhiễu của triều đình Đại Việt, hoặc của Trung Hoa từ phía Bắc, hoặc của triều đình Phù Nam từ phía Tây Nam. Tuy nhiên, trong học giới, người ta cũng ghi nhận một khuynh hướng phân cách không tán đồng lập luận thành phần dân tộc Champa bao gồm toàn bộ các bộ tộc Cao nguyên miền Nam. Trong một bài phát biểu tại Hội nghị quốc tế về Champa và thế giới Mã Lai tại Viện Đại học California, Berkeley (Hoa kỳ) năm 1990 do Trung tâm nghiên cứu Á châu (Center for Southeast Asia Studies) và Văn Phòng quốc tế Champa (International Office of Champa) kết hợp tổ chức, một vị phát biểu, chỉ có người Churu mới có điều kiện được kể là thành phần dân tộc Champa, còn các dân tộc Cao nguyên khác từ nhiều ngàn năm, đã hình thành và duy trì những trật tự xã hội khác biệt, có truyền thống văn chương truyền khẩu và các hệ thống cúng tế địa phương riêng biệt.  Một lập luận phân cách khác của nhóm người dân miền núi từ Cao nguyên Trung Phần Việt Nam sang tỵ nạn tại Hoa kỳ sau năm 1975, phản ảnh trong trang nhà Internet của tổ chức hội đoàn “Montagnard Dega Foundation”, trong thập niên gần đây, nhứt là qua trang nhà trên Internet, tự gọi một cách tự hào là dân tộc Dega (chử “Dega” được dẫn giải là “các bộ tộc”). Các lập luận trao đổi về mặt này sẽ bất tận nếu người ta không thỏa hiệp với nhau trước ở tiền đề về một số tiêu chuẩn cần thiết, bởi lẽ khái niệm tùy thuộc vào một thành phần dù của dân tộc nào, đều mang tính nhiệm ý, thể hiện ít nhiều xúc cảm chủ quan, chịu dưới tác động của bối cảnh bao quanh, không thể né tránh vào đâu được. Trong số các thành phần dân tộc một nước, bao giờ cũng có một loại thành phần mang tính cốt lõi, thành phần nắm giữ vai trò chủ động áp đảo trong việc hình thành và phát huy dòng chánh lưu (mainstream) về văn hóa, kinh tế, chánh trị, xã hội, v.v. cho toàn dân tộc. Các thành phần khác trong khi lúc nào cũng có khuynh hướng bảo tồn căn sắc của mình, vẫn phải khép mình hội nhập vào dòng chánh lưu. Sau khi vương quốc Champa không còn nữa, dân tộc Champa - theo đúng nội dung bao gồm cả người Champa vùng duyên hải và các bộ tộc Champa vùng cao - không còn duy trì được một bộ máy chánh quyền vương quốc từ trung ương làm chất kết dính các thành phần đa dạng trong lòng dân tộc Champa như trong lịch sử. Trong lịch sử, thực hiện chánh sách tầm thực trong cuộc Nam tiến vào thế kỷ 19, nhà Nguyễn nước Đại Việt đã cắt bỏ phần đất vùng cao của vương quốc Champa lập thành hai nước khác: Hoa Anh, Nam Phan đặt trực thuộc triều đình nhà Nguyễn. Tiếp theo, nhà cầm quyền thực dân Pháp, sau khi áp đặït bộ máy thống trị Việt Nam, đã thực hiện chủø trương chia để trị, cô lập vùng cao nguyên Trung Phần với phần đất còn lại và từ đó, mới xuất hiện từ ngữ “montagnard”chỉ định các sắc dân thiểu số Champa sống trên đó, đồng thời xây dựng một lớp trí thức tự hào với một căn sắc biệt lập mới. Đến khi chuyển giao chủ quyền cho chánh quyền Bảo Đại vào năm 1949 thì lập nên Hoàng triều cương thổ, gọi các sắc dân montagnard kể trên là “Thượng” được quen dùng đến ngày nay. Trong khuôn khổ các sự kiện kể trên và qua thời gian kéo dài đã non một thế kỷ, tính gắn bó dân tộc Champa, do thiếu điều kiện giao lưu thông suốt của quá khứ, mặt khác, lại phải phấn đấu sống còn tại địa phương, dù muốn dù không, vẫn phải đi đến chỗ phân cách trong không gian. Ngay trong cùng một bộ tộc, cũng lại có khuynh hướng tách rời và có tên gọi mới thọat nhận, có thể nghĩ là không phải cùng thuộc một bộ tộc. Các tên gọi mới này trong một số trường hợp cũng là do quan hệ hôn nhân với bộ tộc lân cận tạo thành một nhóm mới biệt lập. Do đó, tại Việt Nam ngày nay, khi nói đến người Chăm, người ta phải nói rõ là người Chăm Phan Rang - Phan Rí hay người Chăm Châu Đốc, người Chăm Kampuchea. Người Jarai thì có Hđrung, Habau, A-Rap, Tô-buan, Hroy, v.v...; người Ê-Đê thì có Ê-Đê - Kpa, Adham, Ktul, Blo, Epan, Bih, v.v...  Mặc dầu có những sự kiện nêu trên, sự song tồn của thành phần đa số và thành phần thiểu số trên cùng một lãnh thổ quốc gia bao giờ cũng là một thực tế mà mọi người dù muốn dù không cũng phải chấp nhận. Khái niệm dân tộc Champa trong nội dung bao gồm người Chăm và các bộ tộc Champa cao nguyên, vốn là thần dân của vương quốc Champa ngày xưa, dù sao, vẫn có giá trị lịch sử, không ai có thể chối bỏ được. Để tránh những tranh cãi không đi đến đâu, nghĩ có thể dung hòa bằng cách, khi nói đến “dân tộc Champa” trong lịch sử thì sẽ bao gồm toàn bộ các sắc dân đã xuất phát từ một cội nguồn từ thời cổ, đã từng sống đùm bọc gắn bó với nhau ngày xưa trong vương quốc Champa. 3. DÂN TỘC VÀ BANGSA Các thành phần gọi là dân tộc Champa kể trên ngày nay không phải chỉ sanh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Trong lịch sử, vương quốc Champa và vương quốc khmer có những quan hệ khi thì thân thiện khi thì thù địch giết hại lẫn nhau, hậu quả là có một số người Chăm bao gồm cả những nhân vật thuộc hoàng gia Champa sang định cư tại Kampuchea. Ngoài ra, khi nhà Nguyễn nước Đại Việt xua quân thôn tính Panduranga là phần đất có chủ quyền cuối cùng của Champa, thì đã diễn ra những đợt dời cư ồ ạt của người Chăm kể cả dòng tộc hoàng gia còn sót lại sang lánh nạn và đã định cư vỉnh viễn đến ngày nay trên đất nước Kampuchea. Một chi tiết đặc biệt cần được lưu ý là số người Chăm sanh sống tại Kampuchea hiện nay, sau khi đã là nạn nhân của chánh sách tàn sát diệt chủng thời Khmer đỏ sau năm 1975, theo ước lượng của giới có thẩm quyền, là vào khoảng 400 ngàn người, đông hơn Việt Nam (ước khoảng 130 ngàn người) mặc dầu vương quốc Champa ngày xưa nằm trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay chớ không phải Kampuchea. Dưới thời Việt Nam Cọng Hòa trước năm 1975, các thành phần thiểu số đều được gọi là các “sắc tộc thiểu số” bao gồm sắc tộc Chàm và các sắc tộc Cao nguyên Trung Phần gọi chung là “đồng bào Thượng”; còn người Việt, đối lại, thì được gọi là “người Kinh”. Từ “dân tộc” chỉ dùng cho toàn dân tộc Việt Nam mà thôi. Chuyển sang chế độ Cọng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mỗi thành phần dân tộc Champa ngày xưa, từ sau năm 1975, đều được chánh thức gọi là “dân tộc” (dân tộc Chăm, dân tộc Jarai, dân tộc Chu Ru, dân tộc Ê Đê, v.v. . ) còn dân tộc Việt là dân tộc Kinh thủ giữ vai trò trội yếu của dòng chánh lưu cùng các dân tộc anh em, tất cả, trên nguyên tắc, hợp thành đại gia đình dân tộc Việt Nam.  Tại Kampuchea, là một nước có dân số gốc Chăm nhiều nhứt thế giới, và người Chăm đã đạt trình độ thăng tiến xã hội đáng kể, thì một có sự kiện nghịch lý là không còn được gọi là “Chăm”. Lý do: cựu Quốc vương Sihanouk, từ trước năm 1975, dựa vào lý do tránh phân biệt chủng tộc, đã ban hành quyết định không gọi người Chăm là “Chăm” nữa, mà chánh thức gọi chung người Chăm là “Khmer Islam”. Nhưng cho đến ngày nay, trong nội bộ người Chăm vẫn tự gọi là “Chăm”.  Riêng người Chăm sang định cư tại Malaysia thì được gọi một cách trang trọng là “Orang Malayu Champa”. Mặc dầu tên gọi chỉ thể hiện mặt hình thức, không nhứt thiết phản ánh trung thực nội dung phong cách đối xử, cách gọi khác biệt như vậy theo thời gian rồi cũng có tác động vào tâm trạng của những người trong cuộc ở những mức độ nhứt định và theo những chiều hướng phát triển khác nhau, qua những tình huống mà họ phải đối phó hoặc xử lý trong cuộc sống thường ngày.  Trong biên cương chánh trị của các nước, nói một cách khác, thân trạng của người Chăm lệ thuộc vào chánh sách của nhà nước nơi đang định cư. Sự lệ thuộc này, cộng với tác động của dòng chánh lưu về văn hóa, xã hội, nhứt là về ngôn ngữ, qua nhiều thế hệ, có hậu quả làm xói mòn và cuối cùng phá vỡ tính thuần nhứt của nền tảng tinh thần dân tộc Champa thời vương quốc Champa còn tồn tại. Tính thuần nhứt này, trái ngược lại, vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, mỗi khi được gợi lên, trong tinh thần Bangsa vốn không lệ thuộc vào sự thay đổi địa bàn sanh sống, không lệ thuộc vào những tình huống hoặc những sự kiện đương thời, bởi lẽ Bangsa Champa là cội nguồn, là gốc gác của ông bà tổ tiên; cội nguồn là một yếu tố vốn bất di bất dịch không ai có thể tự mình thay đổi được, kể cả khi một cá nhân, vì một lý do nào đó, thực tâm muốn thay đổi. Theo chiều hướng này, không cần biết hiện đang sống tại đâu, những ai còn ấp ủ tiềm tàng trong lòng tính gắn bó và niềm tự hào về Bangsa Champa thì đều là thành phần của dân tộc Champa. (*) Trần văn Tịch "Quê Cũ, Sách Xưa", trong tạp chí Làng Văn, số 150, tháng 2, 1997, tr. 40. (**) Olivier, Georges & Chagnoux, Henri. “Anthropologie Physique des Chams”. Trong Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, Tập XXVI, số 3, Tam cá nguyệt 3, 1951, tr. 272-318. (***) Gay, Bernard. “Vue Nouvelle sur la Composition Ethnique du Campa” trong Actes du S éminaire sur le Campa. Paris: Travaux du Centre d’Histoire et Civilisation de la P éninsule Indochinoise, 1988, tr. 50-58.
0 Rating 828 views 0 likes 0 Comments
Read more
By: On January 20, 2016
  Từ ngôn ngữ lạ của người Sơn Tây, Thạch Thất... nhiều nhà khoa học cho rằng, họ chính là người Chăm, bị nhà Trần bắt ra Bắc làm tù binh... Kiến giải lạ Trong quá trình tìm hiểu những bí ẩn đằng sau ngôn ngữ của người Sơn Tây, Thạch Thất, Ba Vì, Yên Sở... chúng tôi được các nhà khoa học kiến giải về nguồn gốc ngôn ngữ lạ lùng ở những nơi này. Trong số rất nhiều các suy luận và dẫn chứng, có một vấn đề được nhiều người thừa nhận, đó là vào thế kỷ XIV đã có một bộ phận người Chăm được nhà Trần áp giải từ phía Nam ra Bắc làm tù binh. Tuy nhiên, cốt lõi của các tranh luận là hiện bộ phận người Chăm này đang cư trú ở đâu? Họ chịu ảnh hưởng như thế nào trong mối giao lưu với người Việt để cho ra chất giọng lạ lùng như hiện nay. Ở góc độ nhân chủng học, PGS.TS Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng: Khoảng thế kỷ thứ XIV, cuộc chiến tranh Việt - Chăm đã dẫn đến kết quả là chiến thắng thuộc về người Việt. Nhà Trần đã áp giải tù binh từ Nam ra Bắc, lập một số trại tù ở vùng Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên và cả Hà Nội. Sau này, những nhóm tù binh Chăm này được tự do, họ đã kết hôn với người Việt, học tiếng Việt... việc giao lưu ngôn ngữ này đã làm nảy sinh ra chất giọng lơ lớ như ở vùng Yên Sở, Sơn Tây, Thạch Thất, Ba Vì... Để chứng minh cho nhận định này, các nhà sử học đã nghiên cứu ở các vùng kể trên và đưa ra những đặc điểm nhân chủng học rất thú vị. Đó là người Yên Sở, quận Hoàng Mai ngày nay và dân một số vùng Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất... có đặc điểm khác người Việt như nước da ngăm đen, tóc xoăn, khuôn mặt vuông, tiếng nói lơ lớ... những đặc điểm này trùng khớp với người dân tộc Chăm ở phía Nam. Đặc điểm nhận biết về ngữ âm giữa những vùng kể trên cũng có sự tương đồng với tiếng Chăm, chẳng hạn như cách phát âm như "ngươi, nha, vang, hang..." trong khi cách phát âm phổ thông phải là "người, nhà, vàng, hàng...". Đặc điểm biến đổi về thanh điệu này chính là kết quả của quá trình tiếp xúc văn hóa, là dấu vết còn sót lại của người Chăm. Quan điểm này của các nhà sử học còn được bổ sung thêm bởi những phát hiện khảo cổ học rất trực quan, sinh động. Đó là những di chỉ khảo cổ đậm chất Chăm xen lẫn với những đặc điểm rất Việt. Chẳng hạn, người ta nhìn thấy giếng vuông là nghĩ ngay đến văn hóa Chăm, nhưng giếng vuông lại nằm xen kẽ cùng với giếng hình tròn mang đậm chất Việt... Phát hiện này cùng những nét tương đồng về thanh điệu trong ngôn ngữ người Sơn Tây, Ba Vì... với người Chăm ở phía Nam đã khiến giới nghiên cứu tiếp cận từ hướng nhân chủng học, khảo cổ học tin rằng, một bộ phận cư dân nói tiếng lơ lớ ở những vùng kể trên có nguồn gốc Chăm. Chưa đủ căn cứ Ở chiều ngược lại, một số nhà ngôn ngữ học lại cho rằng, còn nghi vấn cần phải làm rõ về nguồn gốc của người dân vùng Yên Sở, Thạch Thất, Ba Vì... PGS.TS Phạm Văn Hảo, Viện Ngôn ngữ học một mặt bày tỏ sự đồng tình với các nhà sử học và các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở một số khía cạnh. "Đúng là có một bộ phận người Chăm được nhà Trần áp giải ra phía Bắc làm tù binh, phục dịch. Trước đây, trong cuốn sách "Le Thanh Hoa" của nhà nghiên cứu người Pháp Roberquain (Rô - Bơ - Canh) cũng đã chỉ ra những căn cứ vô cùng thú vị đó là: "Ở khu vực kinh đô Việt Nam, hễ nơi nào mà địa danh có chữ "Sở" thì đó là nơi giam giữ tù binh Chăm". Nếu đối chiếu với Hà Nội thì thấy có sự trùng khớp kỳ lạ, chẳng hạn như Yên Sở, Ngã Tư Sở, Quán La Sở (địa danh gần Phủ Tây Hồ ngày nay)... Đây là những địa danh nằm ngoài kinh thành xưa, nhưng cách kinh thành không xa lắm, điều này có thể khiến cho việc quản lý tù binh của nhà Trần dễ dàng hơn, nếu có biến động thì việc huy động quân đội từ trong thành ra ngoài trấn áp gần hơn...". Một nghi vấn khác, theo PGS.TS Phạm Văn Hảo đó là việc, nếu địa bàn của tù binh Chăm ở xung quanh kinh thành, vậy tại sao giọng Sơn Tây, Ba Vì có dấu ấn Chăm? Nghe có vẻ vô lý, chẳng liên quan gì đến nhau nhưng lại có thể giải thích một cách dễ hiểu, đó là sau khi được tự do, những tù binh Chăm di cư ra xa kinh thành, có thể họ đến Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất hoặc những nơi khác nữa để tạo lập cuộc sống yên ổn, hòa nhập với dân bản địa, quá trình giao thoa đó tạo ra chất giọng lạ lùng của người Sơn Tây, Ba Vì... như ngày nay.   "Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục triển khai nhiều công trình nghiên cứu về ngữ âm học. Trong đó, khu vực Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất... được chú trọng đặc biệt với các công trình nghiên cứu sâu về ngữ âm, nhằm tìm ra những đặc điểm ngôn ngữ giống và khác nhau của vùng này so với những nơi khác, đồng thời truy nguyên nguồn gốc của cư dân có giọng nói khác thường".   PGS.TS Phạm Văn Hảo Mặt khác, theo PGS.TS Phạm Văn Hảo, nếu đem vùng Sơn Tây, Ba Vì... so sánh với vùng Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên dưới các góc tiếp cận lịch sử, ngôn ngữ và đối chiếu, so sánh thì sẽ thấy sự phi lý, đó là giọng nói vùng Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên cũng có những đặc điểm giống với giọng nói người Sơn Tây, Ba Vì... Ở dải đất miền Trung này cũng có trại giam tù binh Chăm. Vấn đề là, với số lượng tù binh ít ỏi so với người Việt như vậy thì làm sao có thể tạo ra ảnh hưởng về ngôn ngữ trên một không gian rất rộng lớn, dài hàng trăm cây số suốt từ Nghệ Tĩnh cho đến Bình Trị Thiên? Trong khi đó, phương ngữ của cư dân vùng này lại có đặc điểm gần gần gũi với người Mường... Chính vì sự chồng chéo, khó bóc tách này của ngôn ngữ, lịch sử nên rất khó để khẳng định người Sơn Tây, Ba Vì, Yên Sở có nguồn gốc là Chăm hay không", PGS.TS Phạm Văn Hảo bày tỏ. Theo reds.vn (theo  KIẾN THỨC )  
0 Rating 233 views 0 likes 0 Comments
Read more
By: On December 9, 2015
Nhìn trên bản đồ, nước Việt Nam giống như một cái bao lơn khổng lồ nhìn ra biển Đông và vịnh Thái Lan với chi chít các đảo lớn nhỏ thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các đảo lớn như Côn Đảo, Phú Quốc và vô số các đảo nhỏ khác. Với bờ biển trải dài hơn 3000 km và một hệ thống sông ngòi chằng chịt, nước Việt Nam có nguồn cung cấp vô tận tôm, cá và nhiều tài nguyên khác cho đời sống và phát triển. Biển, đảo và sông ngòi đã tạo nên hệ thống giao thông thuận lợi nối liền các địa phương trong nước và giao lưu quốc tế. Văn hóa biển miền Trung... Khác với Bắc Bộ, nơi cư trú đầu tiên của người Việt là nơi văn hóa biển không phát triển như một nhà nghiên cứu đã lý giải: "Người Việt ở Việt Nam trong một thời gian dài cư trú tập trung ở đồng bằng châu thổ sông Hồng và sông Mã (Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ). Ở đây thuận tiện cho việc làm ruộng, đồng thời biển Bắc Bộ rất nông (thời băng hà vốn thuộc lục địa Sunda) và nằm lõm vào trong đất liền, không thuận tiện cho giao thông đường biển. Bởi vậy, văn hóa nước của người Việt nói chung và văn hóa nước của người Việt Bắc Bộ nói riêng về cơ bản là văn hóa sông nước với ứng xử quay lại biển".1 Khác với Bắc Bộ, vùng ven biển Trung Bộ là nơi văn hóa biển khá phát triển. "Nơi đây đất đai vừa ít, lại vừa khô cằn, không đủ nuôi sống con người bằng nghề nông. Còn bờ biển lại lồi ra, nước biển sâu, rất thuận tiện cho giao lưu đường biển. Vì vậy cư dân Champa xưa cũng như cư dân Việt sau này (dù người Việt xuất phát từ vùng Bắc Bộ) cũng đều sống chủ yếu bằng nghề đi biển. Vì vậy, văn hóa nước miền Trung chủ yếu là văn hóa biển cả".2 Chính chủ nhân của nền văn hóa Sa Huỳnh xa xưa rồi tiếp đó là người Chăm - những người đã xây dựng lên vương quốc Champa lừng danh từng tồn tại mười lăm thế kỷ đã là những cư dân biển đầu tiên trên đất nước ta. Họ vốn quen với môi trường đại dương, thành thạo nghề đóng thuyền và đi biển để đánh bắt hải sản và thiết lập các mối quan hệ với các vùng biển đảo khác ở Đông Nam Á. Họ cũng chính là những người đã góp phần không nhỏ vào truyền thống đóng ghe thuyền, đi biển, khai thác tài nguyên từ biển cả của các thế hệ người Việt Nam sau này, là truyền thống được tích lũy từ thực tiễn lao động, sản xuất để sinh tồn khi tiến vào khai phá vùng đất miền Trung qua giao lưu văn hóa Việt - Chăm với việc người Việt tiếp thu công nghệ đóng thuyền và kinh nghiệm đi biển của người Chăm... Muốn ra biển cả, con người phải có phương tiện ghe thuyền tốt. Ghe thuyền tốt đối với người dân miền Trung từ xa xưa là ghe bầu. "Có thể hiểu ghe bầu là loại ghe đi biển chạy bằng buồm, chủ yếu dùng để vận chuyển hàng hóa. Đây là loại ghe của cư dân miền Trung, ra đời từ giữa thế' kỷ XVI, có nguồn gốc tương đồng với loại thuyền prao (hay prau) của Mã Lai".3 Về hình dáng, ghe bầu có bụng bầu tròn, phình ra rất to để chứa hàng hóa, có ba cột với cánh buồm lớn. Về cấu trúc, ghe bầu có hai vỏ đầu nhọn, lô lái và lô mũi cong, lái và mũi đều cơ động dễ dàng; có long cốt hoặc đáy bằng nan, trên là ván be ghép với nhau bằng chốt và mộng. Xảm bằng xơ tre trộn dầu rái cá. Lòng ghe được phân thành từng khoang, bên trên khoang có mui đậy, làm thành từng tấm bằng tre đan.4 Về hình dáng và cấu trúc, ghe bầu ở các tỉnh miền Trung tương đối giống nhau. Song, nếu đi vào chi tiết, cũng có chỗ khác nhau. Ví như ghe bầu Quảng Ngãi thường có 8 người cùng đi trên ghe. Trên cù lao Ré, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi từ lâu đã hình thành làng nghề truyền thống đóng mới và sửa chữa các loại ghe bầu tại bến Đá (Lý Vĩnh).5 Ghe bầu Phan Rang có thể chở được 60 tấn hàng hóa. Còn ghe bầu Phan Thiết đã là khuôn mẫu cho thợ đóng ghe ở Hội An, Quảng Nam và Phổ An thuộc huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. Ghe bầu Mũi Né có trọng tải 120 tấn, dài 30 m, chiều ngang có thể lên đến 6 m, chiều sâu 4 m. Ghe bầu Phan Thiết chiếc lớn nhất đến 135 tấn, còn thông thường là 90 - 100 tấn.6Các ghe bầu đóng vai trò quan trọng trong việc giao thương hàng hóa giữa các địa phương trong nước, trước hết là các tỉnh ven biển. Trong khoảng thời gian từ thế kỷ XVII - XVIII trở đi, ghe bầu là phương tiện chính chở thóc gạo từ Gia Định ra bán ở Phú Xuân, Thuận Hóa và chở vải vóc, lụa, lãnh từ Phú Xuân vào Nam. Lê Quý Đôn đã ghi lại việc này trong công trình Phủ biên tạp lục hoàn thành vào năm 1776: "Xứ Thuận Hóa tô ruộng cũng ít, thường chở thóc ở Quảng Nam để cấp cho quân, có quan coi việc chuyên chở. Dọc các cửa biển từ châu Nam Bố Chính đến Gia Định, Đồng Nai, các nhà buôn và các lái, bản thuyền bản dinh, cai thuộc, cai xã, phàm ai có thuyền tư ghe tư đều biên vào sổ Nhà nước, theo trong lòng thuyền rộng mấy thước mà định lớn nhỏ, phải nộp tiền chuyển vận, rộng 11 thước nộp 11 quan, 9 thước, nộp 9 quan, xuống đến 4 thước nộp 4 quan.. ,".7 Trong đoạn văn này, Lê Quý Đôn cũng cho biết về số lượng thuyền ghe của các địa phương thuộc vùng biển miền Trung như sau: "Như thuyền ghe về năm Mậu Tý (1768), phủ Triệu Phong 40 chiếc, phủ Quảng Bình 10  chiếc, châu Bố Chính 18 chiếc, phủ Thăng Hoa 50 chiếc, Điện Bàn 3 chiếc, Quảng Ngãi 60 chiếc, Quy Nhơn 93 chiếc, Phú Yên 44 chiếc, Bình Khang 43 chiếc, Diên Khánh 32 chiếc, Bình Thuận 45 chiếc"8 Song, truyền thống đi biển của cư dân miền Trung không chỉ thể hiện trong việc vận chuyển hàng hóa Bắc - Nam mà còn thể hiện trong việc đi ra biển xa với nhiệm vụ là tuần thú các hải đảo ở Biển Đông và khai thác sản vật trên các hòn đảo này. Sách Đại Nam nhất thống chí biên soạn vào đời Tự Đức có ghi: "Cù Lao Ré (Rí): Ở giữa biển, cách huyện Bình Sơn 45 dặm về phía đông; xung quanh nổi cao, ở giữa trũng xuống ước mấy chục mẫu, nhân dân hai phường Vĩnh An và An Hải ở tại đây. Phía đông đảo có động, trên động có chùa mấy gian, có giường đá, kỉ đá, hai bên hữu động có giếng, nước trong ngọt, xung quanh cây cối tốt tươi, khi có giặc biển, thì dân phường ẩn núp ở đấy. Đất sản nhiều lạc và ngô. Đáo Hoàng Sa: Ở phía đông cù lao Ré huyện Bình Sơn. Từ bờ biển Sa Kì đi thuyền ra, thuận gió thì độ ba bốn ngày đêm có thể đến nơi. Có đến 130 đảo nhỏ cách nhau hoặc một ngày đường, hoặc mấy trống canh. Trong đảo có bãi cát vàng, liên tiếp kéo dài không biết hàng mấy ngàn dặm, bằng phẳng, rộng rãi, tục gọi "Vạn lý Trường Sa": nước rất trong, trên bãi có giếng nước ngọt, chim biển tụ tập không biết cơ man nào. Sản vật có nhiều ốc hoa, hải sâm, đồi mồi, vích, cũng có những hàng hóa của thuyền người Thanh bị bão, trôi dạt vào đấy. Hồi đầu bản triều, đặt đội Hoàng Sa, có 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm, cứ tháng 3, là ra biển tìm kiếm hải vật, đến tháng 8, thì do cửa biển Tư Hiền về nộp, lại đặt đội Bắc Hải, do đội Hoàng Sa kiêm quản, để đi lấy hải vật ở các đảo. Phía đông đảo Hoàng Sa gần phủ Quỳnh Châu đảo Hải Nam nước Thanh. Đầu đời Minh Mệnh, thường sai người đi thuyền công đến đấy thăm dò đường biển, thấy một nơi có cồn cát trắng chu vi 1.070 trượng, cây cối xanh tốt, giữa cồn cát có giếng, phía tây nam cồn có ngôi miếu cổ, không rõ dựng từ thời nào, có bia khắc bốn chữ "Vạn lý ba bình" (Muôn dặm sóng yên). Đảo này xưa gọi là núi Phật Tự, phía đông và tây đảo đều là đá san hô, mọc vòng quanh ở mặt nước; về phía tây bắc tiếp với đá san hô nổi lên một cồn chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 2 thước ngang với cồn cát, gọi là đá Bàn Than. Năm Minh Mệnh thứ 16, sai thuyền công chở gạch, đá đến đây xây đền, dựng bia đá ở phía tả đền để ghi dấu và tra hột các thứ cây ở ba mặt tả hữu và sau. Binh phu đắp nền miếu đào được lá đồng và gang sắt có đến hơn 2000 cân".9 Cũng vào thời gian này, các chúa Nguyễn còn tổ chức đội Bắc Hải đến các hòn đảo xa xôi khác bao gồm đảo Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên. Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn có ghi lại việc này: "Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai đội Hoàng Sa kiêm quản. Chẳng qua là lấy các thứ hải vật, còn vàng bạc của quý ít khi lấy được".10 Qua các ghi chép của Lê Quý Đôn và Quốc sử quán triều Nguyễn, có thể thấy rõ, các ghe thuyền của cư dân miền Trung vào các thế kỷ XVII, XVIII trở đi đã khá lớn và chắc chắn, đủ để làm những cuộc đi biển đến hàng trăm km trong nhiều ngày (quần đảo Hoàng Sa cách đảo Lý Sơn khoảng 220 km, án ngữ ngang cửa vào Vịnh Bắc Bộ11, đảo Côn Lôn và các đảo thuộc Hà Tiên còn cách xa hơn nữa). Như đã trình bày, cư dân vùng ven biển miền Trung đã có truyền thống đi biển, khai thác biển, truyền thống đóng ghe thuyền và kinh nghiệm vượt biển khơi để đánh bắt hải sản, góp phần xác định và bảo vệ chủ quyền đất nước đối với các hòn đảo xa xôi giữa đại dương. Chính truyền thống ấy đã góp phần vào việc xây dựng và phát triển thủy quân thời Tây Sơn, một đội quân đã giành được những chiến công to lớn trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vào thế kỷ thứ XVIII. ... và phong trào Tây Sơn Trong lịch sử Việt Nam, thế kỷ XVIII thường được đánh giá là thế kỷ của các cuộc khởi nghĩa nông dân, trong đó nổi bật nhất là phong trào Tây Sơn. Phong trào được mở đầu từ cuộc khởi nghĩa ở miền núi tỉnh Bình Định vào năm 1771 do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ lãnh đạo. Với khẩu hiệu "Lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo", cuộc khởi nghĩa đã tập hợp đông đảo nông dân các tầng lớp dân nghèo tham gia và phát triển từ vùng rừng núi xuống đồng bằng ven biển miền Trung. Cuộc khởi nghĩa lan rộng cực kỳ nhanh chóng cả về phạm vi hoạt động và số người tham gia, nhất là từ khi Nguyễn Huệ thực sự trở thành linh hồn của toàn bộ phong trào. Chỉ trong khoảng thời gian hai mươi năm, phong trào Tây Sơn đã lập được những chiến công xuất sắc: đánh đổ bộ máy thống trị của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, của tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài, đánh tan quân Xiêm với lực lượng 2 vạn thủy binh, 300 chiến thuyền dưới sự điều khiển của Chiêu Tăng, Chiêu Sương và 3 vạn bộ binh dưới sự chỉ huy của Chiêu Thùy Biên. Trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút ngày 19.01.1785, bằng mưu kế, Nguyễn Huệ đã nhử cho quân Xiêm lọt vào trận địa mai phục để quân Tây Sơn chặn đầu, khóa đuôi, nhất loạt công kích bằng thủy quân, pháo binh và bộ binh với chiến thuật thủy quân từ hai đầu đánh lại, pháo binh hai bên bắn sang, sau đó là bộ binh xung phong diệt địch khiến quân Xiêm bị đánh tan tác. Nguyễn Ánh cùng với một ít tàn quân Xiêm chạy sang sống lưu vong ở Băng Cốc, và kể từ đó trở đi, người Xiêm "ngoài miệng tuy nói khoác lác nhưng trong bụng thì sợ quân Tây Sơn như sợ cọp". Chiến công hiển hách thứ hai của quân Tây Sơn là trận đại phá 29 vạn quân Thanh do Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy kéo vào xâm lược nước ta mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789). Trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh trong đội quân Tây Sơn, có sự tham gia của thủy quân. Tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí có ghi chép việc quân Tây Sơn do vua Quang Trung chỉ huy có cả lực lượng thủy bộ. Vua Quang Trung tự mình đốc thúc đại binh, cả thủy lẫn bộ cùng ra đi (hồi 14). Trong các cánh quân đánh ra Bắc, có thủy quân vượt bể vào sông Lục Đầu, cùng với quân voi và kỵ mã, hình thành thế bao vây quân Thanh".12 Để có được một đội quân thủy đủ mạnh nhằm đánh lại các lực lượng thủy quân của chúa Trịnh, chúa Nguyễn và tham gia đánh bại quân Xiêm và quân Thanh xâm lược, những người lãnh đạo phong trào Tây Sơn đã có những bước đi kịp thời và chắc chắn nhằm xây dựng và phát triển đội quân thủy của mình. Điều đó phù hợp với xu thế tất yếu của nghệ thuật quân sự thế giới và điều kiện địa lý nước ta. Trong khoảng những năm đầu sau khi phát động khởi nghĩa (1771 - 1775), quân thủy Tây Sơn được xây dựng trên cơ sở những thuyền buôn của các thương nhân trong liên minh đánh chúa Nguyễn, chủ yếu làm nhiệm vụ vận chuyển. Sau khi chiếm được Quảng Ngãi, Quy Nhơn và Phú Yên (1773) và Quảng Nam (1775), thủy quân Tây Sơn hình thành và mạnh lên nhiều nhờ thu được chiến lợi phẩm là các thuyền chiến và vũ khí của thủy quân chúa Nguyễn tại các địa phương này. Thời gian sau đó, từ năm 1776 đến năm 1785, quân Tây Sơn ra sức xây dựng một đội thuyền mạnh, không chỉ làm nhiệm vụ tuần tra ven biển mà còn đủ sức đánh lại lực lượng thủy quân của chúa Nguyễn gồm hàng trăm chiến thuyền vào tháng ba năm Nhâm Dần (1782) tại cửa biển Cần Giờ (Gia Định) và 300 thuyền chiến của quân Xiêm xâm lược vào năm 1787. Lúc này, lực lượng thủy quân Tây Sơn được trang bị thêm nhiều chiến thuyền do nghĩa quân đóng mới, đồng thời được bổ sung bằng thuyền chiến của chúa Nguyễn sau mỗi lần thắng lớn tại Gia Định. Về các xưởng rèn, đúc vũ khí được quân Tây Sơn xây dựng, ngày nay có xem các dấu vết còn lại tại khu vực thành Chà Bàn hoặc thành Hoàng Đế.13 Về sức mạnh của thủy quân Tây Sơn, có thể thấy rõ qua cuộc tiến quân vượt sông Gianh tiến ra Bắc của Nguyễn Huệ lấy danh nghĩa "Phù Lê diệt Trịnh" vào năm 1786 mà chỉ trong chưa đầy hai tháng đủ đánh tan quân Trịnh, làm chủ Thăng Long. Trong đợt tiến công này, trận đối thủy ở Cửa Luộc, trước mắt quân Trịnh, quân thủy Tây Sơn xuất hiện với những hải thuyền cực lớn, trên đó mang loại pháo mà dường như trong cả quá trình xung đột với Đàng Trong quân Trịnh chưa từng thấy. Trong lịch sử nước ta, Nguyễn Huệ là anh hùng dân tộc và là một thiên tài quân sự hiếm có. Sức mạnh quân đội Tây Sơn đã là nền tảng cho thiên tài quân sự của ông được thể hiện trong cuộc chiến đấu chống thù trong và giặc ngoài. Trong đường lối quân sự của Nguyễn Huệ, ông rất coi trọng việc xây dựng và phát triển thủy quân, cùng với bộ binh, pháo binh, tượng binh. Để phát triển quân thủy, ông đã rất chú ý việc kế thừa, phát huy công nghệ đóng thuyền và kinh nghiệm đi biển, kinh nghiệm thủy chiến của các lực lượng vũ trang nước ta từ thời Ngô Quyền, Lê Hoàn, thời Trần, Lê, trong đó có công nghệ đóng thuyền và kinh nghiệm đi biển của cư dân ven biển miền Trung. Hoạt động hiệu quả nhất trong việc phát triển thủy quân của Tây Sơn là tổ chức các xưởng đóng thuyền chiến lớn và thực hiện các biện pháp rất tích cực trong trang bị, tổ chức quân thủy. Về kỹ nghệ đóng tàu thủy, Barâu (John Barrow) là một người Anh sang nước ta trong những ngày Tây Sơn đóng tàu sôi nổi nhất (1792 - 1793) đã nhận xét: "Có một nghề đặc biệt trong các nghề mà xứ Đàng Trong hiện có thể tự hào, đó là nghề đóng thuyền biển. Thuyền biển của họ đi không nhanh, nhưng rất an toàn, trong được chia thành nhiều khoang. Loại này rất chắc, có thể va vào đá ngầm mà không chìm, vì nước chỉ vào được một khoang mà thôi. Hiện ở Anh đã bắt chước cách đó để đóng tàu"14 Quân thủy Tây Sơn đã có loại chiến thuyền rất lớn, thường được gọi là thuyền đại hiệu, loại thuyền mà Hoàng Lê nhất thống chí mô tả là một pháo đài di động, trên lập chòi gác, đặt súng lớn. Đây cũng là loại chiến thuyền mà Senho (Chaigneau), Baridy (Bariry) là những sĩ quan Pháp từng trực tiếp giáp mặt với quân thủy Tây Sơn đã phải thừa nhận sự tồn tại ngoài trí tưởng tượng của họ trước những chiến hạm Tây Sơn trang bị tới 50 - 60 khẩu đại bác hạng nặng. Viên sĩ quân Pháp Baridy còn kể về các chiến hạm Tây Sơn đã từng tham gia trận Thị Nại (1801) là: Có ba loại tàu trang bị nhiều pháo, loại lớn nhất có 66 pháo cỡ 24 livres và 70 lính; loại thứ hai có 50 pháo cỡ 24 livres và 500 lính; loại thứ ba có 16 pháo cỡ 12 livres và 200 lính. Số pháo, cỡ pháo và số lính trên các chiến hạm đó hoàn toàn tương ứng với các hạng chiến hạm phổ biến ở châu Âu đương thời. Theo bảng phân loại chiến hạm châu Âu thời này thì loại chiến hạm lớn nhất nói trên tương ứng với loại tàu hạng hai, có lượng giãn nước khoảng 900 tấn, có hai tầng pháo. Loại 50 pháo tương ứng với tàu hạng ba, có lượng giãn nước khoảng 600 tấn, hai tầng pháo. Loại 16 pháo tương ứng với tàu hạng năm hoặc sáu, lượng giãn nước khoảng 200 tấn, một tầng pháo. Những chiến hạm trên vượt xa các chiến hạm mà Pháp, Bồ Đào Nha đã cung cấp cho Nguyễn Ánh, cũng như do Nguyễn Ánh bắt chước đóng theo. Với những chiến hạm này, đã đóng theo kiểu Âu hay theo kỹ thuật truyền thống Tây Sơn đã tạo ra một bước nhảy vọt trong lịch sử thuyền chiến ở nước ta.15 Năm 1801, khi xảy ra trận chiến trên cảng Thị Nại, lực lượng thủy quân Tây Sơn đã làm chủ rất nhiều tàu thuyền. Chính vì vậy mà trong thư đề ngày 11.4.1801, Baridy lúc ấy là cố vấn của Nguyễn Ánh đã gửi cho Lơtôngđan (Letondal) viết về trận hải chiến này có đoạn thống kê khá chi tiết về lực lượng quân thủy Tây Sơn do Đô đốcVõVăn Dũng chỉ huy ở cảng này như sau: "Quân lực địch do Đô đốc thiếu phó chỉ huy gồm: -   9 tàu (vaisseaux) loại 66 đại bác (canons) cỡ 24 livres (cân Anh), mỗi tàu 700 thủy binh. -   5 tàu, loại 50 đại bác cỡ 24 livres, mỗi tàu 600 thủy binh. -   40 tàu loại 16 đại bác cỡ 12 livres, mỗi tàu 200 thủy binh. -   93 thuyền chiến (galeres), loại 1 đại bác cỡ 36 livres, mỗi thuyền 150 thủy binh. -   300 xuồng gắn pháo (chaloupes canonnières), loại 50 thủy binh. -   100 tàu buồm kiểu Đàng Trong, loại 70 thủy binh. Trong một đoạn khác, Baridy cho biết quân Tây Sơn còn 4.800 thuyền vận tải nữa đậu trong cảng này".16 Ngoài lực lượng thủy quân mạnh nhất tập trung ở cảng Thị Nại, quân thủy Tây Sơn còn những bộ phận khác đóng giữ ở cảng Đà Nẵng, Phú Xuân và một số cảng thuộc vùng biển phía Bắc. Có thể nói, quân thủy Tây Sơn là một lực lượng hùng mạnh vào loại nhất ở Đông Nam Á lúc ấy. Chỉ tiếc rằng Nguyễn Huệ qua đời quá sớm (ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý - 1792), bỏ dở hoài bão của ông về việc tiếp tục phát triển lực lượng về mọi mặt trong đó có thủy quân thể hiện qua câu nói khi nhắc đến nỗi lo quân Thanh trả thù sau trận đại bại năm Kỷ Dậu (1789) "chỉ cần chờ mười năm nữa, cho ta được yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng, bấy giờ nước giàu mạnh, thì ta sợ gì chúng"17 Nguyễn Huệ mất, triều đình Tây Sơn lục đục, lực lượng bị phân tán không chống nổi cuộc tổng tấn công của quân đội Nguyễn Ánh với sự tham gia của tàu chiến và binh lính, sĩ quan Pháp, nên đã thất bại. Song, tài năng quân sự và chính trị của Nguyễn Huệ, tầm nhìn xa trông rộng của ông trong việc xây dựng lực lượng hải quân lớn mạnh dựa trên truyền thống đi biển và thủy chiến của các thế hệ đi trước, trong đó có công nghệ đóng thuyền và kinh nghiệm đi biển của cư dân ven biển miền Trung để lại tấm gương cho các thế hệ người Việt Nam noi theo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Tác giả: PGS.TS Trần Đức CườngViện Sử học[Nguồn]: Bài sử dụng trên Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, số 62.  CHÚ THÍCH I    2 Trần Ngọc Thêm, "Văn hóa nước của người Việt" trong Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Vân hóa sông nước miền Trung, (Khoa học Xã hội, H. 2006), tr. 431. 3   Nguyễn Thanh Lợi, "Ghe bầu miền Trung", trong Vân hóa biển miền Trung và vân hóa biển Tây Nam Bộ, (Hà Nội: Từ điển Bách khoa, 2008), tr. 113. 4   Xem: Nguyễn Bội Liên, Trần Văn An, Nguyễn Văn Phú. "Ghe bầu Hội An - xứ Quảng", trong Đô thị cổ Hội An, kỷ yếu Hội thảo Quốc tế, (Hà Nội: Khoa học Xã hội, 1991), tr. 104. 5   Xem: Nhiều tác giả: Vân hóa truyền thống đáo Lý Sơn, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Quảng Ngãi xuất bản năm 2002, tr. 146. 6   Theo: Nguyễn Thanh Lợi, "Ghe bầu miền Trung", trong sách của nhiều tác giả: Vân hóa biển miền Trung và vân hóa biển Tây Nam Bộ. Sđd, tr. 103, 104. 78 Lê Quý Đôn, Toàn tập, tập I: Phủ biên tạp lục. Bản dịch của Viện Sử học, (Hà Nội: Khoa học Xã hội, 1977), tr. 240­241. 9   Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2. Bản dịch của Viện Sử học. (Huế: Thuận Hóa, 1992), tr. 422-423. 10 Lê Quý Đôn, Toàn tập, tập I: Phủ biên tạp lục. Sđd, tr. 120. II   Theo Lê Bá Thảo, Việt Nam, vùng lãnh thổ và các vùng địa lý. (Hà Nội: Thế giới, 2002), tr. 60. 12 Xem thêm: Trần Nho Thìn, "Vai trò của biển đối với xã hội, con người Việt Nam thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX qua một số tác phẩm văn học (trước 1858)", trong: Vân hóa biển miền Trung và vân hóa biển Tây Nam Bộ. Sđd, tr. 75. 13 Xem: Phan Huy Lê, "Thành Hoàng Đế", Kháo cổ học, số 4-1977. 14 Xem Lam Giang, "Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giữa Đông Hải". Sử Địa, Sài Gòn, số 29 năm 1975. 15 Theo: Nguyễn Việt - Vũ Minh Giang - Nguyễn Mạnh Hùng, Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm, (Hà Nội: Quân đội Nhân dân, 1983), tr. 340-341. 16 Dẫn theo: Nguyễn Việt, Vũ Minh Giang, Nguyễn Mạnh Hùng. Sđd, tr. 343, 344. 17 Ngô Gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, (in lần thứ hai), (Hà Nội: Văn học, 1970), tr. 363.   theo nghiencuuxuquang.com    
0 Rating 247 views 0 likes 0 Comments
Read more
By: On October 13, 2015
Sakaya- Lễ hội Katé của người Chăm (Sakaya)   Giới thiệu Người Chăm là một dân tộc thiểu số ở Việt Nam có số dân khoảng 137 ngàn người, sinh sống trên nhiều địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh... Nhưng Ninh Thuận là nơi có người Chăm sinh sống lâu đời và có số dân tập trung đông nhất, chiếm 50% người Chăm ở Việt Nam. Hiện nay họ vẫn còn bảo lưu nhiều phong tục tập quán, nghi lễ hội hè liên quan đến đền tháp. Trong đó có Lễ hội Katé là lễ hội đặc sắc nhất trong kho tàng văn hóa người Chăm . Lễ hội Katé được tổ chức mỗi năm một lần vào tháng 7 lịch Chăm nhằm để tưởng nhớ các vị Nam thần như Po Klaong Garai, Po Romé... Lễ hội được diễn ra trên một không gian rộng lớn từ đền tháp (bimong- kalan) - làng (palei) - đến gia đình (sang danaok). Lễ hội được lần lượt tổ chức theo thứ tự trước sau tạo thành một dòng chảy của lễ hội Chăm phong phú, đa dạng. Lễ hội Katé là một lễ hội dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hóa của người Chăm. Nơi ấy chính là tấm gương phản chiếu sinh hoạt của một cộng đồng, là nơi hội tụ những giá trị, tinh hoa văn hóa. Do đó lễ hội không những gắn với đền tháp cổ kính - nơi ngưng tụ những gía trị kỹ thuật và mỹ thuật cao nhất của nền văn hóa Chăm mà còn đem đến một phần khác của văn hóa như đồ cúng tế, y phục, nhạc cụ; những bài thánh ca, ca ngợi các vị vua hiền có công với dân, với nuớc và hát kể về công việc đồng án, mùa màng, sản vật trăm hoa trăm quả trăm nghề. Lễ hội còn xuất trình trước công chúng một nền nghệ thuật ca- múa- nhạc dân gian mang một phong cách riêng biệt, độc đáo. Lễ hội Katé là giây phút thiêng liêng của người Chăm hành hương về cội nguồn dân tộc, đánh thức tháp Chăm cổ kính lặng ngủ dưới lớp bụi thời gian bừng dậy, sáng loà, tỏa ra trăm sắc ngàn hương trong vườn hoa văn hóa của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.   Nội dung và ý nghĩa cuả Lễ hội Katé Lễ hội Katé được tổ chức mỗi năm một lần vào tháng 7 lịch Chăm.Ðây là lễ hội của người Chăm nhằm tưởng nhớ cá vị Nam thần như Po Klaong Garai, Po Romé... Và tưởng nhớ ông bà tổ tiên , trời đất đã phù hộ độ trì cho con người. Lễ hội Katé là biểu hiện một nữa cấu trúc lưỡng hợp thuộc về dương đối lập với yếu tố âm - Lễ Cabur (lễ cúng các vị Nữ thần vào tháng 9 lich Chăm). Sự đối lập, liên kết giữa Nam thần (po) - Nữ thần (bia), Trời - Ðất (lingik- tanah), Ðực – Cái (likei – kumei), Mẹ - Cha (ama- amaik), Tối – Sáng hoặc Mặn – Lạt (yuer – klam)... là nét đặc trưng phổ quát trong nền văn hóa Chăm được thể hiện sâu sắc trên nhiều bình diện như nghi lễ hội hè, ăn mặc, màu sắc cho đến loại hình biểu diễn nghệ thuật khác. Tất cả những yếu tố trên toát lên nội dung, hàm chứa một ý nghĩa phồn thực với sự liên kết lưa đôi, cầu mong cho sự sinh sôi nảy nở của con người, vật nuôi, cây trồng ... Bản thân lễ hội Katé chứa đựng cốt lõi nội dung và ý nghĩa ấy.   Không gian của lễ hội Katé Katé là lễ hội lớn của cộng đồng người Chăm. Lễ hội được diễn ra trên một không gian rộng lớn từ đền tháp (bimong - kalan) - làng (palei) - đến gia đình (sang danaok). Lễ hội được lần lượt tổ chức theo thứ tự trước sau tạo thành một dòng chảy của lễ hội Chăm phong phú, đa dạng. Trình tự diễn ra lễ hội Katé người Chăm như sau :   Katé ỏ Đền- Tháp Chăm   Đền Po Nagar ở thôn Hữu Đức Lễ đón rước y phụ Po Nagar diễn ra ở đây từ lúc 12h00 đến 13h00 cùng ngày thì kết thúc.Ðịa điểm tại thôn Hữu đức, xã phước Hữu, huyện Ninh Phuớc, tỉnh Ninh Thuận , cách thị xã Phan Rang 12km về hướng Tây Nam. Ðây là lễ đón rứơc y phục của Nữ thần Po Nagar- Thần mẹ xứ sở của người Chăm gắn liền với nhiều huyền thoại, truyền thuyết. Chính Nữ thần là thủy tổ của người Chăm, đã dạy người Chăm trồng lúa, trồng bông dệt vải, và dạy cho người làm lễ hội như ngày nay. Lễ diễn ra tại một ngôi Ðền thờ (Danaok) trong làng - Ðền được xây dựng vào 1942. Nơi đây, du khách sẽ chứng kiến cuộc đón rước, trao báu vật của Nữ thần và giao lưu văn hóa giữa người Chăm và người Raglai.Tuy nhiên rất tiếc, hai ngôi tượng của Nữ thần bằng đá đã bị mất cắp vào năm vào 1997 (tượng Adakan, cao 0,80 m, nặng khoảng 100 kg, có niên đại thế kỉ 9 và tượng Po Tâh, cao 0,50m được làm bằng ximăng 1955).   Tháp Po Klaong Garai Lễ diễn ra bắt đầu từ lúc 8h30 đến 14h00 cùng ngày kết thúc. Tháp Po Klaong Garai nằm trên ngọn đồi trầu (cék hala) thuộc phường Đô Vinh, cách trung tâm thị xã Phan Rang - Tháp Chàm 9 km về phía Tây Bắc. ThápPo Klaong Garai là một tổng thể kiến trúc nghệ thuật bao gồm 3 ngôi tháp: Tháp chính (kalan po) cao 20,5m bên trong có thờ một tượng vua Po Klaong Garai bằng đá dưới hình thể Mukhaling (Linga có gắn mặt thần chủ) và một tượng Bò Nandin bằng đá ở lối ra vào; Tháp cổng (kalan tabah mbang) cao khoảng 8,56 m; tháp lửa (sang cuh yang apuei) cao 9,31m.Ngoài ra ở phía sau tháp chính còn có một ngôi miếu nhỏ thờ một phiến đá. Xung quanh tháp được bao bằng một vòng thành.Tháp đượcngười Chăm xây dựng vào cuối thế kỷ 12 đầu thế kỷ 13 để thờ vị vua Po Klaong Garai (1151 - 1205) - một vì vua có công với dân, với nước, được người Chăm suy tôn thành thần thủy lợi. Tháp Po Klaong Garai là một cụm tháp hoàn mỹ, đã đạt đến đỉnh cao rực rỡ trong nền nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Champa. Tháp được Bộ Văn Hóa xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật vào năm 1979. Chính vì vậy, nơi đây đã trở thành trung tâm thu hút cộng động người Chăm Ninh Thuận trong ngày Hội Katé hàng năm.   Tháp Po Romé Lễ diễn ra bắt đầu từ lúc 8h30 đến 14h00 cùng ngày kết thúc (lễ hội được diễn ra cùng ngày cùng giờ với tháp Po Klaong Garai).Tháp Po Romé nằm trên một ngọn đồi “buen acaow” thộc thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách thị xã Phan Rang- tháp chàm 15 km về phía Tây Nam. Tháp Po Romé được xây dựng vào thế kỷ 17 để thờ vị vua Po Romé.Tháp là tổng thể kiến trúc gồm có 3 ngôi tháp: Tháp chính, tháp cổng và tháp lửa. Nhưng hiện taị chỉ còn lại một ngôi tháp chính cao 19m bên trong có thờ một tượng vua Po Romé bằng đá dưới hình thể Mukhalinga và một tượng thờ hoàng hậu Bia Than Can bằng đá - người Eđê. Phía sau tháp chính còn có một ngôi miếu nhỏ thờ tượng Hoàng hậu Bia Than Cih bằng đá - người Chăm. Cả hai tượng đã bị mất vào 1993 và 1994. Còn hai ngôi tháp: Tháp cổng và tháp lửa đã sụp đổ. Tháp Po Romé không cao to bề thế như tháp Po Klaong Garai nhưng tháp có một phong cách nghệ thuật kiến trúc riêng biệt- Phong cách Po Romé . Tháp Po Romé được xem la ngôi tháp cuối cùng trong lịch sử nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc đền tháp của người Chăm ở Việt Nam. Tháp Po Romé còn gắn liền với vị vua Po Romé có nhiều huyền thoại, truyền thuyết trong mối tình sử bi đát giữa vua Po Romé với công chúa người Eđê- Bia Than Can và công chúa Ngọc Khoa nước Ðại việt. Tháp Po Romé được Bộ Văn Hóa xếp hạn di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1992.   Diễn tiến lễ Katé ở tháp Chăm Lễ hội Katé của người Chăm Ninh Thuận diễn ra ở 3 đền tháp: Ðền Po Nagar ( Hữu đức ), Tháp Po Romé ( Hậu sanh )và Tháp Po Klaong Garai ( Ðô vinh, Tháp chàm ). Lễ diễn ra ở cả 3 nơi cùng ngày cùng giờ. Các nghi lễ cơ bản như nhau về nội dung , nghi thức hành lễ. Tuy lễ hội diễn ra ở 3 nơi nhưng thu hút được nhiều tín đồ nhất, tổ chức qui mô nhất vẫn là lễ hội Katé ở tháp Po Klaong Garai. Tiến trình lễ hội theo các bước như sau: Lễ hội Katé tại đền tháp được điều hành bởi Ban tế lễ bao gồm : - Po Adhia (cả sư Chăm Ahier) trụ trì đền tháp làm chủ lễ - Kadhar (thầy kéo đàn Rabap) hát thánh ca - Muk Paya, bà múa và dâng lễ vật lên các vị thần - Camanei ( ông từ giữ đền tháp) chủ trì lễ tắm tượng - Và cùng một số Basaih (Tu sĩ Chăm ahier) phụ lễ. Lễ vật dânng cúng Katé tại đền háp bao gồm : - 01 con dê - 03 con gà làm lễ tẩy uế đất tháp - 05 mâm cơm, canh cúng với thịt dê - 01 mâm cơm với muối vừng ( lithey thap) - 03 cổ bánh gạo và hoa quả - Ngoài ra còn có rượu trứng, trầu cau, xôi chè ... Sau khi lễ vật đã chuẩn bị xong, ban tế lễ đã sẵn sàng thì lễ hội bắt đầu tiến hành theo các buớc sau: Lễ rước y phục (Rok aw khan po yang) Tất cả các y phục của vua chúa thờ ở đền tháp Chăm đều do người Raglai cất giữ. Do vậy khi đến ngày lễ Katé thì người Chăm phải làm lễ đón rước người Raglai chuyển y phục về lại các đền tháp Chăm. Ðây là nghi lễ mở đầu cho ngày hội diễn ra rất trọng thể. Lễ rước y phục diễn ra ở 3 đền tháp: Ðền Po Nagar (Hữu đức), Tháp Po Romé (Hậu Sanh) và tháp Po Klaong Garai ( Ðô Vinh, Tháp Chàm). Trong đó lễ đón rước y phục Po Nagar diễn ra vào buổi chiều ngày 26/ 9/ 2000, trước ngày hội chính thức ở đền tháp một ngày. Còn lễ đón rước y phục ở tháp Po Romé và tháp Po Klaong Garai thì diễn ra vào buổi sáng ngày 27/ 9/2000. Mặc dù 03 đền tháp tổ chức nghi lễ đón rước y phục trong thời gian khác nhau nhưng nghi thức hành lễ cơ bản đều giống nhau. Ở đây chỉ mô tả lại lễ đón rước y phục cuả vua Po Klaong Garai từ đền thờ vua Po Klaong Garai tại thôn Phước Ðồng (Phuớc Hậu - Ninh Phước) đến tháp Po Klaong Garai trong ngày lễ Katé năm 1998. Trong ngày Lễ rước y phục Po Klaong Garai vào buổi sáng tại đền thờ Po Klaong Garai ở Phước Đồng, đoàn người Raglai đã tập trung đầy đủ, ông Camanei (ông từ giữ đền) dâng cúng lễ vật rượu trứng xin phép thần cho rước y phục về tháp Po Klaong Garai cúng lễ. Khi lễ đón rước kết thúc thì y phục vua Po Klaong Garai được đưa lên kiệu để đưa về tháp Po Klaong Garai. Trật tự đoàn rước lễ được sắp xếp như sau: Dẫn đầu đoàn là 05 người Raglai; tiếp theo là cả sư (Po Adhia) chủ trì đền tháp Po Klaong Garai; Thầy Kadhar keó đàn ka nhi; Payau ; Ðội vũ nhạc ; ở chính giữa là kiệu khiêng y phục vua Po Klaong Garai; hai bên là những người cầm cờ và cuối cùng là đoàn người phụ lễ đi theo. Ðoàn rước đi trên con đường dài 4km, từ thôn Phước Đồng đến tháp Po Klaong Garai. Khi đoàn rước kiệu về đến tháp Po Klaong Garai thì đội múa lễ của đoàn múa mừng trước tháp. Ðây cũng là điệu múa mừng khi kết thúc một công đoạn trong nghi thức hành lễ người Chăm. Lễ mở cửa tháp (Péh mbang yang): Sau khi kết thúc Lễ rước y phục thì các tu sĩ xin phép thần Siva làm lễ mở cửa tháp. Lễ này đượcdiễn ra trước cửa tháp, được sự điều hành bởi cả sư (Po Adhia) và ông Camanei. Lễ vật cúng xin mở cử tháp gồm có: rượu trứng, trầu cau, nước tắm thần có pha trầm hương và cá hương vị khác. Trong không khí trang nghiêm thầy cúng tế hát cầu lễ thần linh như sau: Jhaok aia di kraong praong, klah ba maraila ai ngap di yang Po Maâk jiep ba marai ka Po njam takai, ni ngap yau nan klau mbang  Lấy nuớc từ sông lớn Đem về tháp tắm thần Thần là thần của trời đất Lấy khăn đem đến cho thần lau chân Làm như thế ba lần (Các đoạn thơ được trích và dịch theo kinh hành lễ Katé Chăm) Sau khi đọc xong lời cầu nguyện Camanei cầm lọ nước tắm thần tạc lên tượng phù điêu thần Siva trên vòm cửa chính của tháp.Tiếp đó, thầy Kadhar kéo đàn Rabap và Payau tiến đến trước cửa tháp chính ngồi bên tượng bò thần Nandin để hát lễ xin mở cửa tháp. Lời hát lễ có đọan sau : Cuk [< cuh] dhuk pahuel gihlau, Peùh bi-mbang yang bitau yang Po laong Garai la ayet Cuk dhuk klaong ba ka-mbah hala, Peùh bi-mbang yang Po Klaong Garai la a yet Đốt bệ xông hương trầm Mở cửa đá tháp Po Klaong Garai ayet Đốt bệ trầm con mang trầu lễ Mở cửa đá tháp Po Klaong Garai ayet Khi đoạn hát lễ kết thúc, thì đòan lễ tiến vào tháp, bà Payau và ông Camanei bắt đầu mở cửa tháp trong khói hương trầm toả ra nghi ngút. Lễ mở cửa tháp kết thúc. Lễ tắm tượng thần (Manei yang) Lễ tắm tượng thần được diễn ra bên trong tháp. Lễ này gồm có Po Adhia, thầy Kadhar keó đàn Rabap, bà Payau, ông Camanei và một số tín đồ nhiệt thành thực hiện. Khi mọi người đã ngồi vào bàn lễ, xung quanh bệ thờ thần thì bà Payau rót rượu dâng lễ, thầy Kadhar kéo đàn Rabap bắt đầu hát lễ theo. Bài hát lễ tắm thần có đọan: Jhaok aia di kraong, ndua marai manei Po Klaong Garai Jhaok aia di kraong, klah ba marai manei yang Po Klaong Garai Maâk jiep njam ka Po njam trik, Po nao liwik di sap [  Múc nước ở sông, Đội đến tắm thần Po Klaong Garai Múc nước từ sông, Đem tắm thần Po laong Garai Thần đi lâu ngày lấy khăn lau mồ hôi (cho thần) Trong tháp, khi thầy Kadhar kéo đàn Rabap đang hát thì ông từ cầm lọ nước tắm lên pho tượng đá, mọi người bắt tay cùng nhau tắm thần. Lúc này những tín đồ nhiệt thành lấy nước từ trên thân tượng bôi lên đầu, lên thân thể mình để cầu sức khỏe, tài lộc, may mắn. Lễ mặc y phục cho tượng thần (Anguei khan aw Po yang): Sau khi lễ tắm thần kết thúc thì đến nghi lễ mặc áo cho thần. Lễ thức được tiến hành theo lời hát thánh ca của thầy Kadhar. Lời thầy hát lễ đến đâu thì y phục thần được mặc vào đến đó. Ðầu tiên là lễ mặc váy. Lời thầy hát lễ như sau:   Danaây aia lek di cek, Po Klaong kraân jih tamun di aia tagaok manei Danaây aia laik di tuel, Yang Po Klaong Garai kraân talei ka-ing jih tamun di aia tagok manei Danaây aia laik di kraong sa [ Yang Po Klaong Garai kraân cuk aw lita di aia tagok manei)    Nghe tiếng thác đổ trên núi Thần Po Klong Garai mặc váy viền hoa jih tamun lên tắm Tiếng thác đổ xuống vịnh sâu Thần Po Klaong Garai thắt dây lưng hoa Jih tamun lên tắm Tiếng thác đổ xuống sông lớn Thần Po Klaong Garai mặc áo liat về dự lễ. Khi thầy Kadhar kéo đàn Rabap hát thì ông Camanei, bà Payau mặc váy, áo cho tượng thần. Cứ như vậy cho đến kết thúc bài hát.   Ðại Lễ (Maliéng yang) Sau khi lễ macë y phục hoàn tất, lúc này tượng thần đã mang trên mình bộ long bào lộng lẫy, thì cũng là lúc vật dâng cúng được bày ra trước bàn thờ. Ðại lễ bắt đầu, lúc này Po Adhia làm chủ điều khiển nghi lễ, ba Payau dâng lễ vật, thầy kadhar kéo đàn Rabap hát mời các vị thần về dự lễ. Các vị thần được mời là các vị thần có công với dân với nước được dân làng ngưỡng mộ suy tôn như thần Po Nagar (thần mẹ xứ sở), thần Po Klaong Garai ( Vua Chăm trị vì năm 1151 - 1205), Po Romé (1627 - 1651), Po Par... Mỗi vị thần được mời về dự thì bà Payau dâng lễ vật, thây Kadhar kéo đàn Rabap hát bài thánh ca, bà con dự lễ chấp tay cầu thần phù hộ độ trì cho nên công của. Lời hát lễ cuả thầy Kadhar có đoạn như sau : - Hát về Nữ thần Po Nagar: Thần là Nữ thầ xứ sở vĩ đại Thần sinh ra đất nước con người Thần mẹ cho trần gian cuộc sống Thần cho cây cối tốt tươi con người nảy nở Thần mẹ sinh ra cây lúa ruộng vườn tốt tươi  - Hát về thần Po Klaong Garai : Vào canh một, canh hai Po Klaong Garai hiện về hưởng lễ vật Vào canh hai, canh ba Po Klaong Garai hiện về hưởng lễ vật Ngài Po Klaong Garai dựng lên tảng đá vĩ đại Ngài đem ngăn sông đắp đập giữa núi Dân làng phủ phục, tôn vinh ngài làm vua Xây tháp, tạc tượng thờ thần Po Klaong Garai  - Hát mời thần Po Romé: Nước tràn về đập vỡ ra, Po Romé hiện về đắp đập giữ nước, Thần dẫn nước vào ruộng cho dân làng cày cấy Nước về đập vỡ ào ra, Trai làng chất đá đắp đập ngăn sông Trai làng bơi thuyền trên sông nước, Hoàng hậu tắm mình trong dòng nước mát trong lành - Hát về thần Po par : Em lên cao nguyên đã lâu Nhớ hái rau rừng đem vê cho anh Em lên vùng núi đã lâu Nhớ chặt cây trúc đẹp làm ống rượu cần cho anh. (Xem bài hát lễ bằng tiếng Chăm trong sách Sakaya, Lễ hội của người Chăm, Nxb VHDT, Hà Nội -2003) ....... Cứ như thế thầy Kadhar kéo đàn Rabap mời trên 30 vị thần về dự , mỗi vị thần là một bài hát lễ. Po Adhia làm phép đọc kinh cầu nguyện xin thần về hưởng lễ vật mà phù hộ độ trì dân làng. Kết thúc phần đại lễ bằng vũ điệu múa thiêng cuả bà Payau. Trong lúc bà Payau xuất thần điệu múa thiêng trong tháp để kết thúc đại lễ thì bên ngoài bắt đầu dân làng mở Hội. Những điệu trống Ginan, kèn Saranai cùng vang lên, đánh nhịp say xưa với những điệu múa và dòng dân ca Chăm. Không khí Hội cứ thế mà náo nhiệt cho đến lúc mặt trời ngã về chiều thì lễ hội Katé trên các tháp Chăm kết thúc.   Lễ hội Katé ở làng Sau khi lễ Katé ở tháp kết thúc, không khí Hội lại bùng lên ở làng Chăm. Đặc biệt, hai làng nghề Chăm (làng dệt Mỹ Nghiệp và làng gốm Bầu Trúc) là sôi động hơn cả so với những hội ở làng Palei Chăm khác. Lễ hội Katé ở làng Chăm Mỹ Nghiệp Lễ Katé ở làng dệt Mỹ Nghiệp bắt đầu diễn ra từ 13h00 – 21h00  Đây là làng thuộc thị trấn Phước Dân , huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách thị xã 12km về phía Ðông Nam. Làng Mỹ Nghiệp có tên Chăm là Caklaing, theo truyền thuyết đây là nơi sinh ra vị vua Chăm Po Klaong Garai. Làng còn có nghề dệt thủ công truyền thống nổi tiếng có lịch sử phát triển lâu đời. Ðây là nghề”mẹ truyền con nối”, hiện nay có hơn 95% gia đình làm nghề dệt. Mặc dù là nghề thủ công, dệt vải bằng tay nhưng người thợ dệt đã đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo. Sản phẩm dệt được du khách trong và ngoài nướcưa chuộng. Trong ngày lễi Katé, làng Chăm Mỹ Nghiệp, ngoài tổ chức lễ dâng cúng thần làng, tổ sư nghề dệt và tổ tiên, còn tổ chức nhiều trò chơi như thi dệt vải, đội nước, đá bóng, văn nghệ.,v.v phục vụ du khách. Lễ hội Katé làng Bầu Trúc Lễ Katé ở làng gốm Bầu Trúc cũng bắt đầu diễn ra từ 13h00 – 21h00 , Làng thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách thị xã 10km về phía Tây Nam. Làng Bầu Trúc có tên Chăm là Hamu Craok, theo truyền thuyết đây là quê hương Po Klaong Can, bạn vua Po Klaong Garai. Làng còn có một nghề dệt thủ công truyền thống nổi tiếng có lịch sử phát triển lâu đời. Ðây là nghề”mẹ truyền con nối”, hiện nay có hơn 95% gia đình làm nghề gốm. Mặc dù là nghề thủ công, gốm làm bằng tay, không bàn xoay nhưng người thợ gốm đã đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo. Sản phẩm gốm hiện nay rất đẹp, đa dạng về mẫu mã được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Trong ngày lễ Katé, làng Bầu Trúc, ngoài việc tổ chức lễ dâng cúng thần làng, tổ sư nghề gốm, còn tổ chức biểu diễn gốm, văn nghệ, đá bóng phục vụ du khách. Ðây thực sự là hội làng hấp dẫn ở Ninh Thuận. Diễn tiến Katé ở làng Trước ngày lễ, dân làng thường phân công nhau quét dọn đền thờ, nhà làng, chuẩn bị sân khấu, sân bãi. Cùng với việc trên, một bộ phận khác chuẩn bị lễ vật cúng thần. Các cô thợ dệt làng Mỹ Nghiệp xem xét kỹ luỡng khung dệt, tơ sợi; các gia đình ở làng gốm Bầu Trúc chuẩn bị nguyên vật liệu, dụng cụ để làm gốm biểu diễn cho du khách xem. Buổi sáng ngày lễ, (thường làng cúng vào ngày thứ tư hoặc thứ bảy trong tuần đầu của lễ Katé) mọi người làm lễ cúng Katé ở nhà Làng để cầu mong thần phù hộ cho dân làng làm ăn phát đạt . Tương tự như người Việt, mỗi làng Chăm đều thờ một vị thần riêng.. Làng Mỹ Nghiệp thờ thần Po Rayak, làng Hữu đức thờ Po Klong Halau, làng Bầu Trúc thờ Po Klaong Can,v.v. Trong lễ cúng tế th
0 Rating 418 views 0 likes 0 Comments
Read more
By: On September 11, 2015
ÁO DÀI PHỤ NỮ CHAMPA Trang phục hay y phục tức những đồ để mặc, là một trong ba nhu cầu cần có của đời sống con người. Nên từ trước đến nay ngoài ăn và ở ra con người rất quan tâm đến cách ăn mặc. Đây là sản phẩm văn hoá sớm nhất của xã hội loài người, được thay đổi theo thời gian cùng với quá trình phát triển của lịch sử. Nó rất phong phú và đa dạng, tuỳ theo mỗi dân tộc với những văn hóa cá biệt mà có những nét đặc trưng riêng. Thí dụ như phụ nữ Nhật Bản lộng lẫy trong bộ Kimono, phụ nữ Đại Hàn thì rực rỡ với bộ áo Hanbok, phụ nữ Ấn Độ cho ta cái ấn tượng rất đặc biệt với bộ Sari, còn phụ nữ Champa thì sao? Mặc dù trong xã hội của người Chăm mỗi tầng lớp, mỗi chức sắc đều có những phong cách y phục riêng. Nhưng phải nói từ xưa đến nay, đặc sắc nhất vẫn là chiếc áo dài truyền thống duyên dáng thướt tha của người phụ nữ Champa. Chiếc áo dài truyền thống của người phụ nữ Chăm khi nhìn xa, những tưởng rằng không khác chi chiếc áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt. Nhưng khi đến gần mới thấy khác, là nó không xẻ tà và mặc chui đầu. Cổ áo hình tròn hay hình trái tim khi mặc phủ trùm xuống trên váy ôm sát thân người, tạo cho bước đi uyển chuyển, nhẹ nhàng làm nổi bật cơ thể với những đường cong mĩ miều vốn sẵn có của người phụ nữ. Nên áo dài sẽ mãi là biểu tượng cho vẻ đẹp của người phụ nữ Champa, đó cũng là niềm tự hào của dân tộc đối với bạn bè khắp nơi.  Chiếc áo dài Chăm với chất liệu mềm mại, nhưng không thiếu sự rực rỡ đã thu hút ánh mắt của nhiều người nhất là khi những phụ nữ mặc trong những dịp lễ hội. Chiếc áo dài của người Chăm còn nói lên phần nào đức tính đẹp, không thiếu phần quan trọng của người phụ nữ trong đời sống. Đây là nét độc đáo nên dù theo thời gian có sự thay đổi nào, áo dài Chăm vẫn luôn mang bản sắc dân tộc. Chiếc áo dài Champa không xẻ tà, che thân kín đáo. Nhưng sao che được những nét đẹp của người phụ nữ, thầm lặng bên trong. Nên hỡi những người con gái Champa ơi! Hãy lấy làm vui lòng và hớn hở, cùng nhớ luôn tự hào về chiếc áo dài truyền thống xưa nay. Vì khi mặc, chỉ làm cho quý chị em đẹp đẽ hơn thôi! Chân Thành (tác giả gởi bài qua info@nguoicham.com)    
0 Rating 1.3k+ views 2 likes 0 Comments
Read more
By: On September 11, 2015
HÃY LÀM VẺ VANG DÂN TỘC   Nếu ai có dịp đi qua mỗi vùng miền từ Bắc tới Nam thì sẽ thấy, là dù ở trên cùng một dải đất Việt Nam nhưng lối sống, tập tục và văn hoá ở mỗi nơi có phần khác. Đặc biệt là tại miền Trung nếu để ý sẽ thấy rõ nét hơn, là ngoài những ngọn tháp dù rêu phong nhưng không thiếu phần trang nghiêm cổ kính ra, người ta còn tìm thấy bao di tích lịch sử ghi dấu ấn một thời thuộc vương quốc Champa xưa, tiếc rằng trong sách sử ít đề cập đến nên nay vẫn còn là một bí ẩn cho nhiều người.   Không chỉ những kiến trúc thôi, người miền Trung nhiều nơi giọng nói khác biệt hơn cả hai miền Nam Bắc và trong những điệu múa câu ca tiếng hò cũng vậy. Có người còn cho rằng chính làn da ngăm đen của những nam thanh nữ tú người Việt ở miền Trung, nói lên phần nào sự pha trộn chẳng những giữa hai nền văn hoá mà còn cả hai dòng máu Chiêm-Việt khi xưa, giữa đoàn quân Nam tiến với người dân bị trị lúc bấy giờ. Dẫu trải qua nhiều đời, vẫn còn lưu truyền đến hôm nay.   Đọc lại sử xưa cho thấy là mặc dầu mãi đến thế kỷ thứ 7 tên gọi Champa mới xuất hiện trong các văn bản, để nói về một vương quốc trên phần đất nay thuộc miền Trung Việt Nam. Nhưng theo sử liệu Trung Quốc thì Champa đã được biết đến đầu tiên với tên là vương quốc Lâm Ấp, bắt đầu từ năm 192 ở khu vực Huế ngày nay. Một vương quốc có chiều dài lịch sử của 1640 năm, đến 1832 mới bị xoá bỏ khỏi bản đồ thế giới và toàn bộ lãnh thổ Champa bị sáp nhập vào nước Việt Nam.   Kể từ ngày định mệnh khắc nghiệt phủ chụp xuống số phận dân tộc Champa, đến nay đã 183 năm. Vương quốc xa xưa không còn, nhưng những di tích lịch sử vẫn còn nhan nhản đó đây nhiều nơi ở miền Trung nước Việt. Chứng minh một cách hùng hồn cho thấy sự hùng mạnh một thời của Champa, mà không ai có thể phủ nhận được. Nên đã là người Chăm, thì xin chớ bao giờ quên ghi nhớ công ơn tiền nhân đã hy sinh xương máu, để xây dựng một Champa mà nay hậu thế còn nhắc đến.   Vương quốc Champa không còn, do đó mà theo vận nước dân tộc Chăm đã bị tản lạc. Trên thế giới hiện nay dân số người Chăm còn lại không tới 500,000 người sống ở nhiều nơi trong nhiều nước, mà đông nhất là tại Cam Bốt với khoảng 270,000 người. Kế đến là Việt Nam mà theo tổng điều tra dân số vào năm 2009 cho biết người Chăm có dân số 161,729 người, cư trú tại 56 trên tổng số 63 tỉnh thành trong cả nước. Nhưng tập trung đông nhất là ở tại hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.   Phụ nữ Chăm (Photo: Chân Thành)   Dĩ nhiên vương quốc Champa không còn nữa, nhưng người Chăm là thần dân của vương quốc Champa vẫn còn đó trên địa bàn lịch sử khi xưa. Do đó mà chúng ta dù đang sống ở nơi nào trên thế giới, cũng hãy luôn hướng về cố hương, nơi thân thương với tên gọi gần gũi với mọi lòng, để cùng nhau cố gìn giữ và phát huy những di sản quí báu của cha ông để lại. Có thế chúng ta mới làm vẻ vang dân tộc, để luôn tự hào với thế giới về nét đẹp của Champa, xưa đã có nay vẫn còn trong chúng ta.   Chân Thành (độc giả gởi bài qua info@nguoicham.com)  
0 Rating 272 views 0 likes 0 Comments
Read more
By: On September 3, 2015
  Người Chàm trong mắt tôi Nguyễn Ngọc Chính Một ngày biếc thị thành ta rời bỏ Quay về xem non nước giống dân Chàm (Chế Lan Viên) Ngoài tên gọi “Chàm” ta còn dùng các danh xưng như “Chăm”, “Hời”, “Chiêm Thành”… để chỉ một dân tộc đã từng có một quốc gia độc lập, hùng mạnh trong lịch sử, có nền văn hóa phát triển và là hậu duệ của các cư dân nền văn hóa Sa Huỳnh thời kì đồ sắt.            Ngoài Việt Nam, người Chàm ngày nay còn tản mát đi các nước như Campuchia, Mã Lai, Thái Lan và Hoa Kỳ. Dân số tại Việt Nam theo điều tra năm 1999 là 132.873 người và theo tài liệu của Ủy ban Dân tộc năm 2008 là khoảng hơn 145.000 người, xếp thứ 14 về số lượng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.            Vấn đề đặt ra là giữa “Chàm” và “Chăm” thuật ngữ nào đúng? Thật ra thì từ năm 1979 người miền Nam mới thấy xuất hiện chữ “Chăm” từ chính quyền mới sau 30/4/1975. Trước đó, từ miền Trung trở vào Nam, chữ “Chàm” đã từng xuất hiện trong các địa danh, tên gọi cũng như danh từ riêng như Tháp Chàm, Cù Lao Chàm, giếng Chàm, vàng Chàm…            Để chỉ người Chàm, người Việt tại miền Nam còn dùng những tên gọi như “Hời”, “Chiêm”, “Người đàng thổ” (khác với Người đàng quê là người Việt)… Theo một giải thích thì những chữ đó được dùng một cách “miệt thị” nhưng tôi thiết nghĩ đó là một nhận xét sai lệch, suy diễn bất hợp lý.            Trước năm 1975 đã có những công trình học thuật như Từ điển Chàm – Việt – Pháp (của Cham Dohamide và Dorohiêm), Nguyễn Khắc Ngữ nghiên cứu về dân tộc học qua tác phẩm “Mẫu hệ Chàm” hoặc học giả Thiên Sanh Cảnh có một loạt bài về “Đám ma Chàm”… Rõ ràng là chữ Chàm ở đây không thể nào được dùng một cách “miệt thị” trong nghiên cứu.            Lại nữa, một số tác giả người gốc Chàm đã dùng chữ Chàm hay Chiêm trong bút hiệu của mình như Khaly Chàm, Chiêm Nhân… Không lý nào các tác giả đó lại tự miệt thị mình! Nhưng một khi nhận xét về sự “miệt thị” này xuất phát từ những người “có quyền” thì nó trở thành một quyết định và ngành văn hóa chỉ biết gọi là Chăm thay vì Chàm như lúc trước.            Trong bài viết “Tiếng Chăm của bạn” trên Tuyển tập Tagalau [1], Inrasara cho rằng: “Dù sao, quy định của Nhà nước vẫn phải được tuân thủ. Tuân thủ, nhưng nếu có ai dùng từ “Chàm” trong bài viết, nhất là khi có người viết đúng các tên gọi cũ như Trung tâm Văn hóa Chàm, Ma Lâm Chàm chẳng hạn, ta phải chấp nhận và không biên tập. Bởi sự thể không có gì sai hay miệt thị người Chàm cả”.  Tagalau 12: Tuyển tập Sáng tác – Sưu tầm  – Nghiên cứu văn hóa Chàm            Khi còn nhỏ, người Chàm trong mắt tôi là những ông “Hời” ngồi bán thuốc dạo bên cạnh những chiếc giỏ đặc biệt… kiểu Chàm. Họ là những người có vẻ “thần bí” với những câu tiếng Việt lơ lớ, một cách rao hàng vừa tức cười nhưng cũng không kém phần… đe dọa: “Này, ngồi xuống đây tôi coi bệnh cho, mặt của anh có bệnh rồi…”. Tôi sợ lắm nên không trả lời, vội bước đi mà không dám ngoảnh đầu trở lại.            Lớn lên khi tìm hiểu thêm, người Chàm ở Ninh Thuận lại cùng quê hương với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu! Thêm một phát hiện khiến nhiều người phải ngạc nhiên, trong đó có tôi, về mối tương quan giữ chiếc áo dài của người Chàm và người Việt.           Các nhà nghiên cứu cho thấy chiếc áo dài Việt Nam là sự tổng hợp từ chiếc áo dài của người Chàm và chiếc “xường xám” của Thượng Hải. Theo Bùi Minh Đức trong Từ điển tiếng Huế, NXB Văn Học, 2009:            “Chiếc áo dài của đàn bà Việt Nam khởi phát từ thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (cuối thế kỷ XVIII) với nền tảng là chiếc áo dài phụ nữ Chàm, kết hợp với chiếc áo tứ thân ở Bắc… Áo dài hai vạt của đàn bà Huế có được là do ảnh hưởng Chàm…”           Lê Quý Đôn viết: “Chúa Nguyễn Phúc Khoát hùng cứ ở xứ Đàng Trong, sau khi chiếm trọn nước Chiêm Thành, mở mang bờ cõi về phương Nam… Để chứng tỏ tinh thần độc lập, Chúa Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát đã chú trọng đến vấn đề cải cách xã hội, phong tục mà điều quan trọng là cải cách về y phục…”            Lần tìm trong “Đại Nam thực lục tiền biên” ta bắt gặp đoạn văn sau đây: “Chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, ông đã triệu tập quần thần tìm phương thức xưng vương và dựng một tân đô. Ông đã thay đổi lễ nhạc, văn hóa và trang phục.            Để thay đổi, phụ nữ miền Bắc mặc váy, phụ nữ miền Nam phải mặc quần có đáy (hai ống) giống đàn ông. Võ Vương đã gây ra một cuộc khủng hoảng về trang phục. Phụ nữ đã phản đối kịch liệt.                     Về sau Võ Vương không ưng ý với trang phục đó, Ngài giao cho triều thần nghiên cứu, tham khảo chiếc áo dài của người Chàm (giống hệt áo dài hiện nay nhưng không xẻ nách), và áo dài của phụ nữ Thượng Hải (xẻ đến đầu gối) để chế ra áo dài của phụ nữ miền Nam”.             Do đó, những chiếc áo dài đầu tiên của người Việt giống như áo dài người Chàm và có xẻ tà. Vậy là chiếc áo dài Việt Nam ngày nay có đủ hai yếu tố văn hóa phương Bắc và phương Nam.  Chiếc áo dài của người Chàm            Nói đến người Chàm là phải nói đến Chế Lan Viên [2], một hiện tượng thơ văn Việt Nam nhưng lại đậm nét Chàm với tập thơ Điêu tàn được xuất bản năm 1937. Bút hiệu Chế Lan Viên khiến người đọc thơ của ông liên tưởng đến Chế Bồng Nga, tên hiệu của vị vua thứ 3 thuộc vương triều thứ 12 (tức là vị vua đời thứ 39) của Chiêm Thành.            Trong thời kỳ Chế Bồng Nga cầm quyền, đất nước Chiêm Thành rất hùng mạnh, từng đem quân nhiều lần xâm phạm Đại Việt của nhà Trần. Ông hy sinh năm 1390 khi tấn công Thăng Long lần thứ 4.            Điểm đặc biệt ở chỗ Chế Lan Viên lại là một nhà thơ mang dòng họ Việt, Phan Ngọc Hoan, nhưng đã mượn hình ảnh của người Chàm để thể hiện một trường phái thơ mà ông gọi là Trường Thơ Loạn trong tập thơ Điêu tàn. Đặc biệt hơn nữa, khi xuất bản Điêu tàn, Chế Lan Viên chỉ mới 17 tuổi!                 “Ta hãy nghe, trong lòng bao đỉnh Tháp                Tiếng thở than, lời oán trách cơ trời                Ta hãy nghe, trong gạch Chàm rơi lác đác                Tiếng máu Chàm ri rỉ chảy không thôi”                (Chế Lan Viên – “Bóng tối” trong tập thơ Điêu tàn)                  “Bên cửa Tháp ngóng trông người Chiêm Nữ                Ta vẩn vơ nhìn không khí bâng khuâng”                (Chế Lan Viên, “Đợi người Chiêm nữ” trong tập thơ Điêu tàn)                “Chiêm nương ơi, cười lên đi, em hỡi!                Cho lòng anh quên một phút buồn lo!                Nhìn chi em chân trời xa vòi vọi                Nhớ chi em sầu hận nước Chàm ta?”                (Chế Lan Viên, “Đêm tàn” trong tập thơ Điêu tàn)                “Nước non Chàm chẳng bao giờ tiêu diệt                Tháng ngày qua vẫn sống với đêm mờ”                (Chế Lan Viên – “Bóng tối” trong tập thơ Điêu tàn)                “Tháng ngày qua, gạch Chàm đua nhau rụng                Tháp Chàm đua nhau đổ dưới trăng mờ!                …                Tạo hóa hỡi! Hãy trả tôi về Chiêm quốc!                Hãy đem tôi xa lánh cõi trần gian!”                (Chế Lan Viên, “Những sợi tơ lòng” trong tập thơ Điêu tàn)   Chế Lan Viên (1920 – 1989)            Thành Đồ Bàn là tên kinh đô của Chàm trong thời kỳ có quốc hiệu là Chiêm Thành. Thành Đồ Bàn, hay Vijaya, còn gọi là Thành cổ Chà Bàn hoặc thành Hoàng Đế, nay thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, Thị xã An Nhơn và cách thành phố Qui Nhơn (tỉnh Bình Định) khoảng hơn 20km.            Trong lãnh vực âm nhạc, nhạc sĩ Xuân Tiên đã để lại cho hậu thế một tác phẩm bất hủ mang tên Hận Đồ Bàn với những lời thống thiết của người dân Chàm:                 “Rừng hoang vu, vùi lấp chôn bao uất căm hận thù                Ngàn gió ru, muôn tiếng vang trong tối tăm mịt mù                Vạc kêu sương, buồn nhắc đây bao lúc xưa quật cường                Đèn đóm vương, như bóng ai trong lúc đêm trường về…            Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam trước năm 1975 có rất ít những bản nhạc mang tính cách lịch sử của một dân tộc “vong quốc” với những ca từ diễn tả tỉ mỷ đến từng chi tiết như một bài thơ:                 “Rừng rậm cô tình, đèo cao thác sâu, đồi hoang suối reo hoang vắng cheo leo                Ngàn muôn tiếng âm, tháng năm buồn ngân, âm thầm hòa bài hận vong quốc ca                Người xưa đâu, mà tháp thiêng cao đứng như buồn rầu                Lầu tháp đâu, nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu…”                “Về kinh đô, ngàn thớt voi uy hiếp quân giặc thù                Triệu sóng xô, muôn lớp quân Chiêm tiến như tràn bờ                Tiệc liên hoan, nhạc tấu vang trên xứ thiêng Đồ Bàn                Dạ yến ban, cung nữ dâng lên khúc ca về Chàm                “Một thời oanh liệt người dân nước Chiêm lừng ghi chiến công vang khắp non sông                Mộng kia dẫu tan cuốn theo thời gian nhưng hồn ngàn đời còn theo nước non                Người xưa đâu, mộ đắp cao nay đã sâu thành hào                Lầu các đâu, nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu…”  Kiến trúc và điêu khắc ở thân tháp Po Klaung Garai, thế kỷ 13            Không một ca sĩ nào hát Hận Đồ Bàn "có hồn" bằng Chế Linh [3]. Lý do cũng dễ hiểu vì anh mang tâm sự của một người Chàm với tên thật là Chà Len (Jamlen) và tên Việt là Lưu Văn Liên. Anh ra đời năm 1942 tại làng Hamu Tanran thuộc Phan Rang, nay là tỉnh Ninh Thuận.            Người ta biết nhiều đến Chế Linh qua dòng nhạc ca tụng những người lính trong quân lực VNCH mặc dù anh chẳng đi lính ngày nào vì thuộc dạng “miễn dịch” dành cho “dân tộc thiểu số”. Về dòng nhạc này, có người khó tính lại bảo Chế Linh thuộc thành phần… “lính chê”.            Người thương thì nói rõ ràng là anh bị “lính chê” nên mới được “miễn dịch”, một số khác, trong đó có cả những người đang mặc áo lính, lại không ưa những ca từ anh ca tụng họ. Họ bảo những bài hát đó được trình bày theo phong cách… “sến”.            Nhưng với Hận Đồ Bàn, mọi người đều có một nhận xét chung: bài hát đã đưa tên tuổi Chế Linh thâm nhập vào làng ca nhạc Việt Nam với tâm trạng của một người Chàm “vong quốc”. Chỉ tiếc một điều, những bài hát có tầm vóc như Hận Đồ Bàn rất hiếm trong nền ca nhạc nên Chế Linh phải bước sang một dòng nhạc gây nhiều tranh cãi [4].            Người ca sĩ gốc Chàm, được gọi là “tài hoa” cũng có một đời tư thật… “hào hoa”: Chế Linh nổi tiếng là người có nhiều vợ con, tính cho đến năm 2007, anh đã có 4 vợ và 14 đứa con. Ta khám phá được nhiều điều về Chế Linh qua bài viết của Jaya Bahasa, “Mừng sinh nhật lần thứ 57 của chị Nguyễn Thị Thúy Hằng” trên trang web Inrasara [5].            Vào giữa thập niên 1970 Chế Linh kết hôn với cô Nguyễn Thị Thúy Hằng (sinh ngày 1/12/1953, mất ngày 26/4/1974). Cuộc hôn nhân giữa một ca sĩ người gốc Chàm với một cô gái người Việt đã khiến giới báo chí Sài Gòn tốn khá nhiều giấy mực.            Jaya Bahasa viết: “Như một định mệnh hai dân tộc, hạnh phúc này nhanh chóng đổ vỡ bởi những mù khơi mà không ai có thể biết được. Vì muốn minh chứng cho tình yêu của mình được sống mãi, chị Thuý Hằng quyết định quyên sinh bằng một liều thuốc ngủ mà luyến tiếc để lại hai đứa con trai thơ dại.                     Cái chết của Thuý Hằng đến quá đột ngột và bất ngờ, một lần nữa, cánh báo chí và giới nghệ sĩ Sài Gòn thêm bàn tán rôm rả. Nhưng không người nào biết được căn nguyên. Bởi chị không một lời nào trăn trối ngoài ba lá thư để lại cho gia đình.             Lá thư thứ nhất viết cho người mẹ mà chị gọi bằng Mợ, xin tha thứ vì những lỗi lầm này và mong mợ hãy yêu thương đứa con của chị để được thấy chị qua hình ảnh đứa con. Lá thư thứ hai viết riêng cho hai đứa con yêu quý mà chị đặt tên là Sơn và Ca, một loài chim có giọng hót tuyệt vời. Lá thư thứ ba viết riêng cho ca sĩ Chế Linh, vài dòng ngắn ngủi với sự muộn màng và chỉ xin Chế Linh cho một nắm đất đắp lên mộ”.  Thúy Hằng và Chế Linh (Ảnh trên trang web Inrasara)             Chuyện tình Chế Linh – Thúy Hằng với đoạn kết đầy nước mắt khiến người ta liên tưởng đến một chuyện tình vương giả trong lịch sử Việt-Chàm. Huyền Trân là một công chúa đời nhà Trần, con gái của vua Trần Nhân Tông. Năm 1306, Huyền Trân được gả cho vua Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô và Lý (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên đến phía bắc Quảng Trị ngày nay).            Một năm sau đó, khi hoàng hậu người Đại Việt vừa sinh xong hoàng tử Chế Đa Đa, thì tháng 5/1307, quốc vương Chế Mân băng hà. Theo tục lệ nước Chiêm, khi vua chết hoàng hậu phải lên giàn hỏa để tuẫn tang. Vua Trần Anh Tông biết tin, sai Trần Khắc Chung vờ sang viếng tang, tìm cách cứu Huyền Trân.            Trần Khắc Chung bày kế thành công, cứu được Huyền Trân đưa xuống thuyền về Đại Việt bằng đường biển. Cuộc hải hành này kéo dài tới một năm (?) và theo “Đại Việt Sử ký Toàn thư” thì Trần Khắc Chung đã tư thông với công chúa.           Theo di mệnh của Thượng hoàng Nhân Tông, công chúa đầu gia Phật giáo ở núi Trâu Sơn (nay thuộc Bắc Ninh) vào năm 1309, dưới sự ấn chứng của quốc sư Bảo Phát. Công chúa thọ Bồ tát giới và được ban pháp danh Hương Tràng.             Trong dân gian, có lẽ vì thời đó người Việt coi người Chàm là dân tộc thấp kém, nên đã có câu:            Tiếc thay cây quế giữa rừng             Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo  Đền thờ Huyền Trân Công chúa                      Nói đến lãnh vực âm nhạc của người Chàm như trường hợp của ca sĩ Chế Linh tôi lại nhớ đến nhạc sĩ Từ Công Phụng, vốn là bạn học năm Đệ Nhất tại trường Trần Hưng Đạo Đà Lạt. Chúng tôi chỉ quen nhau trong một niên học nhưng có nhiều chuyện để nhớ khi tuổi tác ngày một cao.            Từ Công Phụng ngày đó là một học sinh từ Ninh Thuận lên Đà Lạt học năm cuối trung học. Có lẽ anh là gốc người Chàm nên hình như luôn có một khoảng cách vô hình với đám học sinh chúng tôi. Anh “góp tiếng” tham gia ban nhạc nhà trường bằng giọng hát và chúng tôi rất ngạc nhiên khi nghe một giọng trầm, buồn và còn đặc biệt hơn nữa chỉ hát những bài “lạ”…             Đó là hai bài “Bây giờ tháng mấy” và “Mùa thu mây ngàn” do chính anh sáng tác. Thật không ngờ, khi mới 16 tuổi anh đã tự học về âm nhạc qua một cuốn sách của Robert de Kers, viết bằng tiếng Pháp, với tựa đề “Harmonie et Orchestration”. Đến năm 17 tuổi anh đã có nhạc phẩm đầu tay “Bây giờ tháng mấy”…             Hồi đó đang có cuộc thi tài giữa “trường Ta” là Trần Hưng Đạo và “trường Tây” của các sư huynh dòng La San là trường College d’Adran trên sân khấu thành phố Đà Lạt. Vì là trường Tây nên Adran chơi nhạc Beatles, đàn cũng là kiểu Beatles còn Trần Hưng Đạo chúng tôi khiêm tốn hơn, chơi đàn Fender theo các bản hòa tấu của The Shadows.             Có thêm Từ Công Phụng “chuyên trị” nhạc Việt thể loại “tình cảm” trở thành… “hoa thơm cỏ lạ” trong chương trình văn nghệ. Thoạt đầu Từ Công Phụng “khớp” không dám lên sân khấu nhưng anh em trong ban nhạc cứ khen những bài “tự biên, tự diễn” của Phụng và bảo đảm là sẽ nổi bật trong đêm văn nghệ.           Từ Công Phụng bỗng trở thành một hiện tượng tại Đà Lạt. Khán giả hoan nghênh nhiệt liệt đến độ Đài phát thanh Đà Lạt mời anh ghi âm để phổ biến qua làn sóng điện, tên tuổi của Từ Công Phụng được người Đà Lạt biết đến cùng với Lê Uyên Phương trong ban nhạc Ngàn Thông trên Đài phát thanh.             Cuối năm Đệ Nhất ban nhạc của chúng tôi tản mát mỗi người một phương. Họ Từ về Sài Gòn và ngay sau đó nổi lên như một nhạc sĩ ăn khách cùng thời với Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn và Lê Uyên Phương.            Sau 30/4/1975, các sáng tác của Từ Công Phụng bị cấm lưu hành tại Việt Nam và mãi cho đến năm 2003 mới được… “cởi trói”. Anh rời Việt Nam năm 1980 và định cư tại Portland, Oregon. Năm 1998, anh trở về thăm quê hương Ninh Thuận và năm 2008, anh trở lại với chương trình "45 năm tình ca Từ Công Phụng" tại một phòng trà có tiếng ở Sài Gòn.             Nhạc sĩ kiêm ca sĩ Từ Công Phụng đã 2 lần vượt qua căn bệnh ung thư gan và ung thư túi mật nhưng vẫn mong đủ sức khỏe để sáng tác trong những ngày cuối đời. Với tình bạn học của buổi thiếu thời tôi chỉ mong anh sẽ sống mãi với chúng ta, chuyện sáng tác chỉ là vấn đề phụ vì những tác phẩm đã ra đời của anh đã là chứng nhân cho một nhạc sĩ tài hoa người Chàm.  Từ Công Phụng            Hồi còn đi học tại Ban Mê Thuột, tôi có một vị giáo sư người gốc Chàm. Thầy Nguyễn Văn Tỷ, quê quán tại Ninh Chữ, một bãi biển thuộc thôn Bình Sơn, thị trấn Khánh Hải, tỉnh Ninh Thuận.            Tôi cùng thầy Bùi Dương Chi đã dẫn đoàn sinh viên Mỹ đến bãi biển Ninh Chữ được coi là một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam. Kết hợp với địa danh Bình Sơn, Ninh Chữ đã trở thành cụm du lịch Bình Sơn - Ninh Chữ đem lại diện mạo, thương hiệu và thu nhập cho tỉnh Ninh Thuận.            Thầy Nguyễn Văn Tỷ đã về hưu và sinh sống tại Ninh Chữ. Ông trở thành một “nhân sĩ” trong làng và vẫn tiếp tục nghiên cứu văn hóa Chàm để truyền bá lại cho lớp trẻ người Chàm. Ông cũng là một cộng tác viên kỳ cựu của Tuyển tập Tagalau như đã nói ở trên.            Tháng 10/2009 ông đến California để tham dự lễ Katê của cộng đồng người Việt gốc Chàm tại đây. Ông đã được mời phát biểu cảm tưởng tại buổi lễ. Theo ông, dân tộc Chàm muốn sống với nhau tốt, muốn tồn tại tốt cần thể hiện 3 yếu tố: Đoàn kết, Bảo tồn và Phát triển.             Đối với người Chàm, đoàn kết được thì sẽ được tất cả, và không đoàn kết thì sẽ mất tất cả. Điều này mang ý nghĩa sau khi bị “vong quốc” sẽ lại phải “vong thân”.            Người Chàm cần bảo tồn ngôn ngữ và chữ viết của mình, vì “tiếng Chàm còn thì người Chàm còn; tiếng Chàm mất thì người Chàm mất”.             Nếu tồn tại được mà không phát triển thì chỉ “tồn tại như một dân tộc bần cùng”, “vùi dập trong cuộc sống lạc hậu, tối tăm”.            Có lẽ đó cũng chính là lời kết của bài viết này về… “Người Chàm trong mắt tôi”.  Thánh địa Mỹ Sơn *** Chú thích: [1] Tagalau tiếng Chàm là cây bằng lăng hoa tím, mọc nhiều ở miền núi Ninh Thuận và Bình Thuận. Tuyển tập mang tên Tagalau vì nó tượng trưng cho tính dân dã, sức chịu đựng, sự khiêm tốn: nỗ lực nở hoa dù phải mọc trên mảnh đất nghèo cằn.Tagalau là Tuyển tập chứ không phải là Tạp chí nên không ra định kỳ, mà chỉ được xuất bản khi tập hợp đủ bài vở. Số đầu tiên của Tuyển tập Tagalau ra mắt vào lễ Katê của người Chàm năm 2000. [2] Chế Lan Viên (1920 – 1989), tên thật là Phan Ngọc Hoan, ra đời tại xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ông lớn lên và đi học ở Quy Nhơn, đỗ bằng Thành chung rồi đi dạy tư kiếm sống. Có thể xem Quy Nhơn, Bình Định là quê hương thứ hai của Chế Lan Viên, nơi đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn của nhà thơ. Ông bắt đầu làm thơ từ năm 12 tuổi. Năm 17 tuổi, với bút danh Chế Lan Viên, ông xuất bản tập thơ đầu tay nhan đề Điêu tàn, có lời tựa đồng thời là lời tuyên ngôn nghệ thuật của "Trường Thơ Loạn". Từ đây, cái tên Chế Lan Viên trở nên nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam. Trước năm 1945, thơ Chế Lan Viên là một thế giới đúng nghĩa "trường thơ loạn": Kinh dị, thần bí, bế tắc của thời Điêu tàn với xương, máu, sọ người, với những cảnh đổ nát của tháp Chàm. Những tháp Chàm "điêu tàn" là một nguồn cảm hứng lớn đáng chú ý của Chế Lan Viên. Qua những phế tích đổ nát và không kém phần kinh dị trong thơ Chế Lan Viên, ta thấy ẩn hiện hình bóng của một vương quốc hùng mạnh thời vàng son, cùng với nỗi niềm hoài cổ của nhà thơ. Phong cách thơ Chế Lan Viên rất rõ nét và độc đáo. Thơ ông là sức mạnh trí tuệ được biểu hiện trong khuynh hướng suy tưởng - triết lý, "chất suy tưởng triết lí mang vẻ đẹp trí tuệ và sự đa dạng, phong phú của hình ảnh thơ được sáng tạo bởi một ngòi bút thông minh, tài hoa". Con gái ông, bà Phan Thị Vàng Anh, cũng là một nhà văn nổi tiếng. [3] Hận Đồ Bàn do ca sĩ Chế Linh trình bày: http://mp3.zing.vn/bai-hat/Ha-n-Do-Ba-n-Che-Linh/IW7AZZCO.html [4] Tham khảo về Chế Linh tại: http://chinhhoiuc.blogspot.com/2013/08/sen-hay-sang.html [5] Tham khảo trang web của Inrasara về chuyện Chế Linh và Nguyễn Thị Thúy Hằng:http://inrasara.com/2010/11/26/theo nguoidongbang.blogspot.com.au (Nguồn: Chinhhoiuc)    
0 Rating 3.9k+ views 0 likes 0 Comments
Read more
By: On August 21, 2015
TÌM HIỂU VÀ GIỚI THIỆU VỀ ĐỀN PO SAH Ở PALEI CAOK( THÔN HIẾU LỄ) Đền Po Sah tọa lạc ở phía tây thuộc thôn Hiếu Lễ ( plei Caok) xã Phước Hậu. Đền được tu bổ và sửa sang lại vào năm 2000 để phục vụ cho bà con trong làng cũng như cho các làng bên đến đây để cúng kính (kinh phí do nhân dân trong thôn đóng góp). Theo các cụ già trong palei kể lại rằng. Ở thời kì Poklong GaRai ( 1151 - 1205) trị vì .Po Sah là một vị tướng thân cận và trung thành với vua và ngài cũng có lòng vị tha, biết thương yêu dân chúng.Thấy vậy Po Klong GaRai cho ông cai quản khu vực này gồm các palei thuộc xã Phước Hậu và Phước Thái. Được cai quản ở vùng này trong quá trình sinh sống và làm việc Ngài đã giúp nhân dân trong vùng làm ruộng, chăm lo đời sống cho nhân dân và Ngài rất yêu dân chúng. Cho đến khi qua đời. Để tưởng nhớ đến công ơn to lớn của Ngài bà con vùng này đã lập đền để thờ ông. Đền thờ ông trước đây rất là đơn giản như một túp lều, biểu tượng là linga mang hình người và có mặc quần áo khăn quấn trên đầu rất là chu đáo.Trước kia đền thờ này thuộc palei Baoh DaNa (thôn Chất Thường).Vì khu đất lập đền thờ là vùng đất của thôn Chất Thường. Sau cơn lũ từ năm 1964 nhân dân plej Caok đã bỏ nơi cũ ( thôn Trường Thọ bây giờ) về sinh sống tại nơi cho đến bây giờ và lấy tên là palei Caok (Hiếu Lễ bây giờ, xem ‘vài nét về plei Caok của vijanhan’).Từ khi về sinh sống tại vùng đất mới này trong đó có đèn Po Sah. Từ đó cho đến nay đền thuộc quyền cai quản, chăm nom của bà con thôn Hiếu Lễ.  Đền Po Sah này là nơi rất linh thiêng mỗi khi người dân trong làng và ngoài làng có việc cầu thì thường mang lễ vật đến đây cúng để xin thần phụ hộ như chuẩn bị dựng nhà, hay chuẩn bị tổ chức đám cưới cho con cái, hay trong thôn chuẩn bị làm việc gì đó, và đặc biệt là vào đầu năm Chăm lịch bà con thôn Hiếu Lễ thường làm lễ cúng rất nhiều và linh đình.  Ngoài đền Po Sah là nơi người dân palei Caok thường đến đây để cúng kính thì các palei khác cũng đến để cầu an cho gia đình, con cháu không bệnh tật, cầu cho gia đình hạnh phúc, dân làng bình yên. Khi người dân cầu an và đã được như mong muốn sang năm hoặc vào thời gian thích hợp người dân lại mang lễ vật đến đây để tạ ơn Ngài. Lễ vật cúng cho Ngài rất là đơn giản nếu công việc nhỏ thì lễ vật bao gồm: 3 trứng vịt, 1 chai rượu, mấy tem trầu và người chủ lễ thường là thầy cúng trong làng. Nhưng có khi gia đình mang các lễ vật lớn đến đây để cúng như, 2 con già, canh, cơm, xôi, chè, trứng, rượu, trầu,….đó là đối với công việc thành công lớn như: Con cái thi đậu vào đại học, hay tốt nghiệp, hay gia đình đã đã thực hiện một việc lớn thành công…..Chủ lễ là bà bóng trong làng (Muk pajaw). Hiện giờ Muk pajaw cua palei la Muk pajaw Thương  Từ vài năm trở lại đây đền Po Sah được người dân trong palei (làng) và các palei khác quan tâm hơn và đặc biệt là vào dịp đầu năm Chăm lịch sau khi lễ “ Rija NâGar” xong người dân lại mang lễ vật đến đây để cúng và cầu an cho gia đình và dân làng được hạnh phúc và bình yên.  Đây là bài viết sơ khảo của tôi, hy vọng những ai quan tâm và biết về đền Po Sah ở palei Caok hãy đóng góp cho độc giả những tin chính xác và cụ thể hơn. Dwa dar phun! Vija nhàn Đây là một số hình ảnh về đền Po Sah
0 Rating 153 views 1 like 0 Comments
Read more
By: On July 29, 2015
ĐÁM TANG CỦA NGƯỜI CHĂM (AHIER) NHÌN TỪ THUYẾT “TƯƠNG ĐỐI VĂN HÓA”             Cách đây hai năm (28/12/2013), một bài viết mang tựa đề “Tục đẽo xương sọ thành đồng xu ở Ninh Thuận” của một tác giả mang tên Nguyễn Khiêm Tốn, được đăng trên trang điện tử 24h.com.vn, bài viết này ghi nhận đám tang và nghi lễ nhập Kut của người Chăm Ahier (Chăm Bàlamôn) ở Ninh Thuận như một hủ tục lạc hậu và ghê rợ, cùng ngày báo Dân Việt cũng chép lại bài viết này. Bài viết nhanh chóng hướng phải sự phản ứng của dư luận đặc biệt là của cộng đồng người Chăm, Sohaniim đã viết một bài phê bình bài báo này và được đăng tải trên webite Gulpatoan.com. Một năm sau bài viết này được đăng tải lại trên trang vtc.vn với nhan đề “Kỳ bí tục đẽo sọ người chết thành hình xu để thờ ở Ninh Thuận” (10/1/2014). Gần đây nhất, một bài báo ký tên Xuân Hướng đăng trên trang baodansinh.vn với nhan đề:  “Hủ tục “đẽo sọ người chết” ở làng Chăm” (24/6/2015), bài viết này sau đó bị sự phản biện trên trang Inrasara.com. Nhân những bài viết có hướng nhìn nhận, đánh giá, đưa thông tin phiến diện và sai lệch về đám tang của người Chăm Ahier ở Ninh Thuận nói riêng và nền văn hóa Chăm nói chung, chúng tôi thực hiện bài viết này với hy vọng đóng góp những ý kiến phản biện, nhằm đánh giá lại di sản văn hóa Chăm đang cố tình bị bóp méo. Trọng tâm của bài viết là muốn hướng đến sự đánh giá những nền văn háo khác biệt trong cái nhìn của thuyết “tương đối văn hóa”, một học thuyết tích cực vẫn chưa được phổ biến nhiều trong giới nghiên cứu, đánh giá và bình luận văn hóa ở Việt Nam. Từ thuyết “tương đối văn hóa”… Thuyết “tương đối văn hóa” là một học thuyết bắt nguồn từ phương Tây nhằm phản biện và phê phán lại các lý thuyết “vị chủng văn hóa” hay “tiến hóa văn hóa”, mà nội dung là việc lấy tư duy, trình độ phát triển văn hóa, văn minh phương Tây để so sánh với các nền văn hóa khác, rồi xem các nền văn hóa ấy là khác biệt và lạc hậu… Trong khi đó thuyết “tương đối văn hóa” cho rằng, các đặc trưng của một nền văn hóa phải được nhìn nhận trong tổng thể văn hóa mà chúng hợp thành. Theo đó, để nhìn nhận, đánh giá một nền văn hóa chúng ta cần phải có sự am tường, phải là một bộ phận, phải tôn trọng và học cách tôn trọng nền văn hóa đó, đánh giá nền văn hóa đó theo cách mà chính các chủ thể của nền văn hóa nhìn nhận chứ không phải từ các “cặp mắt” của người ngoài cuộc hay lấy tiêu chuẩn của một nền văn hóa khác để xét đoàn và đánh giá nền văn hóa này. Cũng theo quan điểm này, các nền văn hóa (bao gồm tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, lễ nghi, đạo đức, chuẩn mực xã hội…) khi được so sánh, tham chiếu với nhau thì không có cao – thấp, dã man – văn minh, lạc hậu – phát triển… Tất cả mọi so sánh giữa các nền văn hóa đều là khập khiển và thiển cận. Cũng như vậy, các giá trị truyền thống, đạo đức và tinh thần của mỗi cá nhân, mỗi nền văn hóa mà họ thuộc về cũng chỉ là tương đối và phải được nhìn nhận trong gốc độ của chính chủ thể của nền văn hóa đó. Như vậy, sự “đúng” hay “sai”, “đạo đức” hay “vô đạo đức”, “văn hóa” hay “phi văn hóa” cũng chỉ là tương đối, một giá trị có thể là “đúng” với nền văn hóa này, nhưng có thể là “sai” với nền văn hóa khác, có thể là “đạo đức” với nền văn hóa kia, nhưng lại là “phi đạo đức” với nền văn hóa khác, tùy theo quan niện về chân lý, thẩm mỹ và đạo đức của từng cá nhân, từng nền văn hóa.   Theo Herscovits (nhà nhiên cứu người Mỹ), “cha đẻ” của thuyết “tương đối văn hóa”, học thuyết này được ra làm ba phương diện: 1. Phương diện phương pháp luận: được thể hiện: khi miêu tả các giá trị của các nền văn hóa khác nhau thì cần phải miêu tả bằng chính các thuật ngữ của các nền văn hóa ấy. Mục đích của phương pháp này là cố gắng tìm hiểu nền văn hóa từ trong lòng nó bằng ánh sáng của chính xã hội đó. Đây là phương pháp cơ bản trong nghiên cứu nhân học theo cách nghĩ cách nhìn của người bản địa. Đó là một quá trình tìm hiểu lâu dài vì nhà nghiên cứu phải thâm nhập, hiểu rõ họ, sống cùng với họ ngay cả phải thực hành những nghi thức tôn giáo, tín ngưỡng. 2. Phương diện triết học: Đó là sự thừa nhận có nhiều con đường phát triển văn hóa khác nhau. Đây là chủ nghĩa đa nguyên. Với quan điểm triết học này, các nhà tương đối luận văn hóa phủ nhận các nền văn hóa phát triển theo một con đường mà phải phát triển theo nhiều con đường khác nhau. Đây cũng là cách để chống lại chủ nghĩa đế quốc phương Tây (trong bối cảnh toàn cầu hóa, hiện tượng hòa nhập). Đây chính là chủ thuyết không tuyệt đối hóa một kiểu phát triển văn hóa nào. 3. Phương diện thực tiễn đánh giá: Điều này được nói lên rằng, trong thực tế rất phức tạp, bao hàm cả việc tiến bộ lẫn lạc hậu. Nên khi xem xét một nền văn hóa nào cũng phải thực tiễn đánh giá. Điều này có nghĩa là, nhà nghiên cứu phải thực tiễn vào nền văn hóa, sống trong nó, làm việc trong nó, khi ấy mới có một cái nhìn trung thực được. Thí dụ, để hiểu văn hóa phương Đông, một người phương Tây không sinh sống,  không tham gia sinh hoạt, lao động, giao tiếp, tham gia hoạt động tôn giáo – tín ngưỡng văn hóa của người phương Đông thì không thể hiểu và nghiên cứu văn hóa phương Đông trọn vẹn được, và chắn hẳn sẽ có nhiều ngộ nhận trong cách đánh giá nền văn hóa phương Đông.  Tương tự một người Việt, muốn hiểu các văn hóa, phong tục, lễ hội trong văn hóa Chăm, ngoài quá trình điền dã thực tế, họ phải thật sự thâm nhập vào nền văn hóa ấy, hoặc ít nhất phải tôn trọng, học cách tôn trong nền văn hóa ấy, nhìn nhận và đánh giá các giá trị văn hóa theo cách mà bản thân dân tộc ấy đánh giá. Trong thực tế lịch sử, khi Thiên chúa giáo được truyền sang phương Đông, từ buổi ban đầu những người lãnh đạo giáo hội và người phương Tây cho rằng tập tục thờ cúng tổ tiên của người phương Đông là một hủ tục, một hình thức thờ cúng ma quỷ, vi phạm những giá trị chuẩn mực của phương Tây về sự tôn thờ Thiên chúa, rõ ràng là trái với đức tin. Khi nhìn nhận các nền văn hóa của người thổ dân ở Châu Mỹ và Châu Phi các nhà thực dân phương Tây cũng xem họ như là những dân tộc man rợ và tự ban cho mình nhiệm vụ khai hóa những dân tộc ấy theo tiêu chuẩn văn minh của người phương Tây… Ở Việt Nam, cũng do cách nhìn nhận văn hóa không theo tính tương đối mà chúng ta vấp phải một số ngộ nhận văn hóa và ảnh hưởng đến quá trình phát triển bền vững ở vùng các dân tộc ít người. Cụ thể các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, vốn có hình thức sinh hoạt “nương rẫy”, trước đây người đồng bằng cho rằng hoạt động kinh tế gắn với “nương rẫy” là du canh, du cư, là nguồn gốc của đói nghèo và lạc hậu ở các tộc người này. Nhưng thật ra, sinh hoạt kinh tế “nương rẫy” bắt nguồn từ vị trị địa lý mà họ sinh sống, hoạt động kinh tế này góp phần rất lớn cho việc bảo vệ môi trường, mọi sự xâm nhập và quy hoạch lại hoạt động kinh tế truyền thống của người bản địa đã làm cho các giá trị văn hóa truyền thống, môi trường, thảm sinh vật ở khu vực này nhanh chóng bị suy thoái… Thuyết “tương đối văn hóa” xuất hiện ở Mỹ và đang phát triển mạnh mẽ ở phương Tây thay cho thuyết “vị chủng văn hóa” đã lỗi thời, mang nhiều tính bảo thủ, cực đoan. Thuyết “tương đối văn hóa” cũng đang du nhập và dần dần trở nên phổ biến trong giới nghiên cứu văn hóa ở các nước Châu Á, đặc biệt trong lúc nhân loại đang bước vào thời kỳ hậu hiện đại. Ở Việt Nam ngành văn hóa học, nhân học đang phát triển, thuyết “tương đối văn hóa” là một lý thuyết thực tiễn, phù hợp với nghiên cứu, nhìn nhận các nền văn hóa ở Việt Nam hiên đại, nhất là trong bối cảnh một quốc gia đa dân tộc thì lý thuyết này lại càng cần thiết. … Đến phong tục mai táng người chết của người Chăm Ahier Những bài viết liên quan đến phong tục đám tang của người Chăm gần đây của Xuân Hướng và trước đó là của Nguyễn Khiêm Tốn với những cách nhìn nhận tiêu cực và phiến diện về lễ tục này của người Chăm đã thể hiện một sự “vị chủng” trong nghiên cứu, nhận định về văn hóa của dân tộc Chăm. Các tác giả, không đứng trên quan niệm của chủ thể văn hóa, mà lấy những chuẩn mực, giá trị của người Việt để đánh giá các giá trị của văn hóa Chăm. Đối với người Chăm việc lấy 9 mảnh xương trán (nam lẫn nữ, chứ không phải nữ 9, năm 7 như các tác giả ghi nhận) của người đã khuất, đẽo thành hình tròn nhỏ (các tác giả gọi là các đồng xu) rồi bỏ vào các hộp bằng kim loại gọi là Kloang (chứ không phải sành như tác giả ghi nhận) có ý nghĩa thiêng liêng của nó, mà bằng cảm quan của một người khác dân tộc thì đấy là hiện tượng lạ lùng và tiêu cực. Người Chăm Ahier cho rằng, khi một người chết đi thì phải hỏa táng, lấy tro cốt bỏ xuống biển, sông, hồ.. để tiêu hủy, trong quá trình ấy thi hài bốc cháy và tiêu tan, nhưng lại đại diện cho đứa trẻ sẽ được tái sinh ở kiếp sau (theo các văn bản Chăm), đấy cũng là một biểu hiện cho sự hủy diệt để tái tạo của thần Shiva (vị thần quan trọng trong Hindu giáo). Nhưng, trong quá trình này, người ta không hỏa thiêu toàn bộ, mà giữ lại 9 mảnh xương trán, khắc thành hình tròn nhỏ và bỏ vào Kloang để lưu giữ với ý nghĩa giữ lại một phần ký ức với người thân, để con cháu tưởng nhớ, thờ phượng. Đồng thời việc giữ lại 9 mảnh xương trán (đại diện cho trí tuệ của người đã mất) lúc nào cũng hướng về với con cháu, sau đó được đưa vào nhập kut của dòng họ (mẹ), để cho người đã mất luôn hướng về tổ tiên, ông bà thể hiện truyền thống đạo lý, mối liên hệ với tổ tiên, gắn liền với truyền thống tộc họ, tập tục thờ cúng ông bà không chỉ của người Chăm, mà còn có trong văn hóa Việt. Nó thể hiện sự thành kính của người đang sống giành cho người đã khuất, của con cháu giành cho tổ tiên. Là sự duy trì, nối tiếp giữa quá khứ và hiện tại, truyền thống và đương thời, hầu giáo dục con cháu thành kính đến tổ tiên, luôn hướng về tổ tiên để mà sinh sống, ứng xử cho phù hợp với truyền thống, đạo đức xã hội, làng xóm. Sự kính nể, sợ hãi tổ tiên và những người đã khuất luôn khiến cho người đang sống hướng thiện để được tổ tiên phù hộ, không bị trừng phạt, về mặt đạo đức và luân lý xã hội đây là một điểm tích cực. Vậy thì, khi đánh giá tục lễ lấy xương trán trong tang lễ của người Chăm (Ahier) như một hủ tục, các tác giả đã cố tình làm “méo mó” văn hóa của dân tộc Chăm. Hủ tục là những tục lệ lạc hậu, lỗi thời, vi phạm thân thể, quyền con người…Nhưng tiếc thay, tục lệ lấy 9 mảnh xương trán của người Chăm không hề có những hiên tượng như trên, nó không làm tốn thời gian, tiền bạc, không gây độc hại, ô nhiễm môi trường, không vi phạm thân thể con người (người đang sống),…, mà hoàn toàn thể hiện giá trị nhân văn cao cả, mà như tôi đã đề cập ở trên. Khi nhận định lễ tục này là một hủ tục, rõ ràng các tác giả đã không đứng trên lập trường, quan điểm của chủ thể văn hóa, mà lại lấy lái chuẩn mực văn hóa của mình để đánh giá dân tộc khác, rồi tùy tiện kết luận “đúng”, “sai”, “văn hóa” và “phi văn hóa”, “đạo đức” và “vô đạo đức”. Khi viết về văn hóa của dân tộc khác, dù không phải là những nhà nghiên cứu văn hóa, nhưng với tư cách là người ghi nhận, đánh giá về văn hóa các tác giả cần phải đứng trên bình diện của chủ thể văn hóa để nhìn nhận về giá trị văn hóa của dân tộc đó. Chính vì không nắm vững được được lý thuyết “tương đối văn hóa”, mang tính cảm quan và “vị chủng” văn hóa, mà các tác giả đã có những nhìn nhận sai lệch, phiến diện đối với văn hóa dân tộc Chăm, các tác giả đứng trên góc độ văn hóa Việt để nhìn nhận, đánh giá và xét đoán một cách ngờ nghệch, ngu xuẩn về các giá trị đạo đức, chân lý, thẩm mỹ trong lễ tục của người Chăm. Khi đọc những bài viết này, chúng tôi có cảm tưởng, các tác giả chưa bao giờ chứng kiến đám tang của người Chăm một cách tường tận, hoặc chỉ điễn dã một cách qua loa, tường thuật sai lệch lời nói, phát biểu của các nhân chứng, rồi thêm thắt, thậm chí bịa đặt chúng cho phù hợp với ý hướng bóp méo, xuyên tạc thực tế của người viết báo. Những sai lầm, cẩu thả về kiến thức, chi tiết các nhân vật, sự kiện, các ngộ nhận, định kiến về quan điểm của các tác giả đã được nhà văn Inrasara và trước đó là anh Sohaniim, những người Chăm am tường về văn hóa mình, phê bình và phản bác, nên ở đây tôi không nói nữa. Cái mà tôi muốn hướng đến trong bài viết này là việc cảnh tỉnh về thực trạng của những người viết lách về văn hóa, nhưng lại không có đạo đức văn hóa, thiếu những hiểu biết tối thiểu về lý thuyết nghiên cứu và tiếp cận văn hóa tộc người, đặc biệt là thuyết “tương đối văn hóa. Đây là một thực trạng đáng buồn và ngày càng trở nên phổ biến không chỉ trong giới báo chí, phóng viên về văn hóa, mà còn trong giới các nhà nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam, vì sự thiếu vắng việc nghiên cứu, tim hiểu và phổ cập thuyết “tương đối văn hóa” vốn đã thịnh hành ở phương Tây từ rất lâu. Chính hiện tượng này đã tạo nên tình trạng ngày càng xuất hiện nhiều bài viết, bài báo đề cập đến các tập tục truyền thống của các dân tộc thiểu số nhưng nhìn nhận nó như những hiện tượng tiêu cực, như các hủ tục, man rợ…   Thí dụ, trong văn hóa của người H’mông có phong tục kéo, bắt vợ, nhưng sự kéo, bắt vợ chỉ là hình thức, chứ không phải là hủ tục như một số nhà báo (không chịu khó thâm nhập thức tế), tục lệ này cho phép nam nữ có quyền tự do lựa chọn bạn tình, và họ đến chợ tình để thực hiện nghi thức, kéo, bắt vợ, cô gái giả vờ chống trả, sau đó thì có thể kết hôn với nhau và thủ tục cưới xin không có thách cưới như một số người hiểu nhầm… đây là một tục lễ rất nhân bản, mà một người không am hiểu văn hóa H’mông có thể dễ dàng đánh giá nó như một hủ tục lạc hậu. Gần đầy nhất, một số bài báo lại viết về cái gọi là tục “ngủ mái” của người Thổ ở Như Xuân, Thanh Hóa, đăng trên báo người lao động của T.Minh-T.Hóa. Nhưng sau đó đã bị sự phản ứng dữ dội vì cộng đồng người Thổ vốn không có tập tục “ngủ mái” này, đây là một cách làm việc tùy tiện của một số nhà báo khi viết về văn hóa tộc người, xúc phạm nghiêm trọng đến bản sắc văn hóa, danh dự của người dân tộc Thổ, làm ảnh hưởng đến giá trị thuần phong mỹ tục không những của cộng đồng dân tộc Thổ tại huyện Như Xuân nói riêng mà còn ảnh hưởng đến giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện nói chung. Kết luận Văn hóa là một giá trị tự thân, mỗi dân tộc có một cách nhìn nhận, ứng xử văn hóa riêng, việc áp đặt sự nhìn nhận và ứng xử của nền văn hóa này với nền văn hóa kia là một hình thái của chủ nghĩa “thực dân” văn hóa, nó sẽ dẫn đến những tiêu cực của cộng đồng, xã hội khi nhìn về một nền văn hóa khác biệt. Lỗi của hiện tượng này, bắt nguồn từ các nhà nghiên cứu và viết lách về văn hóa, chính những cảm nhận chủ quan của họ sẽ tác động và ảnh hưởng đến đông đảo đại chúng và tạo nên những ngộ nhận, hiểu nhầm về văn hóa. Một nhà nghiên cứu hay viết lách nghiêm túc và có trách nhiệm, không bao giờ đưa ra quan điểm về một nền văn hóa, khi họ không từng là một phần của nền văn hóa ấy, để viết về người Mnông Gar, nhà dân tộc học G. Condominas phải là từng là “người con” của làng Sar Luk (làng của người Mnông Gar); để viết về người Tây Nguyên, J. Dournes, phải từ bỏ Paris “hoa lệ”, dấn thân vào tộc người, đi chân trần, đóng khố, ở nhà sàn và nói một thứ tiếng “bản địa”, sống chung và như một người Tây Nguyên suốt nhiều năm… Trong bối cảnh của một đất nước Việt Nam đa dân tộc, đa văn hóa, việc các nhà nghiên cứu, bình luận văn hóa cần đánh giá nền văn hóa của dân tộc theo tính “tương đối văn hóa” là một đòi hỏi, nhu cầu hết sức chính đáng và hợp thời. Trong mỗi nền văn hóa, mỗi dân tộc có những giá trị, những biểu cảm, những hình thức thể hiện và thực hành tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, tùy theo niềm tin, nhân sinh quan, giá trị đạo đức và thẩm mỹ của mỗi dân tộc. Thế cho nên những nhận định mang tính phê phán như “lạc hậu”, “mê tín” hay “hủ tục” đối với một nền văn hóa hay một các thức thực hành văn hóa luôn cần được nghi vấn, bởi lẽ nó đang được so sánh với một nền văn hóa khác, trong cảm quan của một người ngoại tộc, luôn đề cao tinh thần “vị chủng văn hóa”, hay được nhìn nhận từ một hệ giá trị khác một cách khiên cưỡng.     Cuối cùng, trở lại các bài viết ấy, tôi thấy rằng các tác giả đã cố tách mình ra khỏi quan điểm của tộc người. Ngay trong bài viết của mình, tác giả Xuân Hướng, khi phỏng vấn TS. Phan Quốc Anh, một nhà quản lý văn hóa đồng thời là người nghiên cứu về phong tục tang ma của người Chăm Ahier, đã viết: “Người Chăm cho rằng những mảnh xương sọ theo thời gian đã bị mục nát, nên việc nhập Kut là tạo ra sự bền vững, niềm tìn về sự vĩnh hằng và bất tử của con người. Con người dù chết đi nhưng vẫn luôn luôn tồn tại bên cạnh người thân và gia đình”. Những động thái văn hóa bắt nguồn từ những nhận thức, quan niệm nhân văn như thế này, lại bị tác giả xem như “Tập tục lạ, dị biệt này cần phải sớm được chất dứt, để phong tục về thờ cúng ma chay ngày càng văn minh hơn. Đây cũng là câu hỏi đặt ra cho các ngành chức năng”. Thế thì tôi cũng tự đặt câu hỏi, đâu là tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm và “tương đối văn hóa” của một người viết bài về một nền văn hóa?               JASHAKLIKEI Panduranga, 7/2015   Độc giả gởi bài qua info@nguoicham.com  
0 Rating 2.2k+ views 0 likes 0 Comments
Read more
By: On July 28, 2015
(Báo Quảng Ngãi)- Lần theo dấu tích của lịch sử, chúng tôi đến với tòa thành đất của người Chămpa có niên đại cách nay trên 1.000 năm trong sự ngỡ ngàng và nể phục đối với người xưa. Thành Chămpa có một không hai trên dải đất miền Trung và cũng là thành cổ hiếm hoi trên đất Việt, đó chính là thành cổ Châu Sa, ngày nay thuộc địa phận các xã Tịnh Châu, Tịnh An, Tịnh Khê, Tịnh Thiện (TP.Quảng Ngãi). Theo các nhà nghiên cứu, thành Châu Sa được xây dựng vào khoảng thế kỷ VIII-IX.Lịch sử dần hé lộĐối với người dân đất Quảng, cụm từ “Châu Sa” luôn ẩn chứa sự huyền bí bởi nó gắn với lịch sử của người thiên cổ. Về xã Tịnh Châu,  chúng tôi được nghe nhắc đến các địa điểm gắn với từ “Châu Sa” như chợ Châu Sa, làng Châu Sa, và đặc biệt là thành cổ Châu Sa. Nơi đây được người Chămpa cổ chọn làm vị trí xây dựng nội thành, vị trí có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự tồn vong của vương triều Chămpa. Theo sách Đại Nam Nhất thống chí, thành này có tên gọi là thành Châu Sa, đồng thời cũng đưa giả thuyết là trong vương quốc Chăm thành này mang tên gọi Đại La. Quả thật, sống trong thời đại chủ yếu phương tiện cơ giới thay cho sức người, chúng ta không khỏi khâm phục trước sự sáng tạo và công sức xây đắp thành lũy của người Chămpa xưa. Trải qua hàng nghìn năm, thành cổ dẫu đắp bằng đất nhưng vẫn uy nghi, sừng sững, vẫn mãi tồn tại như nét đẹp văn hóa của người Chămpa. Theo kết quả đo đạc của các nhà khảo cổ học, bờ thành cổ Châu Sa cao 4m, mặt thành rộng 5m, đáy thành rộng trên 25m, hào thành rộng khoảng từ 40-50m.  Gốc gác thật sự của thành Châu Sa được coi là bí ẩn trong suốt một khoảng thời gian dài. Sách Đại Nam Nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn có đoạn chép: “Thành Châu Sa ở xã Châu Sa huyện Bình Sơn, chu vi 5 mẫu, 5 sào. Tương truyền có hai thuyết: Một thuyết nói là Đại La của nước Chiêm Thành, có thuyết nói là thành Vệ Thành của Tam Ti đời Lê, chưa rõ thuyết nào đúng”.Đại Nam Nhất thống chí chỉ dừng lại ở mức độ mô tả chu vi thành nội Châu Sa. Đến năm 1924, nhà khảo cổ học người Pháp, ông Henri Parmentier, khi nghiên cứu văn hóa Chăm đã đến khảo sát và vẽ bình đồ thành Châu Sa. Tuy nhiên, nhà khảo cổ học người Pháp này cũng chỉ mô tả thành nội và một càng cua phía tây của thành Châu Sa. Qua nghiên cứu của tiến sĩ, nhà khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi-Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh và đồng nghiệp, càng cua phía đông của bản vẽ thành Châu Sa được bổ sung và cũng đã phát hiện thành ngoại của thành Châu Sa. Thành nội là khu trung tâm với hai càng cua bên ngoài, gồm 4 bờ thành thuộc xã Tịnh Châu. Thành ngoại bao bọc trung tâm thành nội và các vùng đất đai màu mỡ của đồng bằng các xã Tịnh An, Tịnh Châu, Tịnh Thiện, Tịnh Khê. Khu vực thành chằng chịt hệ thống sông ngòi nối với các hào thành, đảm bảo cho việc đi lại bằng thuyền và ra biển.   Một trong những cổng ở thành nội Châu Sa. Các nhà nghiên cứu không tìm thấy dấu vết người Việt xây thành Châu Sa. Qua nhiều minh chứng, các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về khảo cổ học kết luận thành Châu Sa do người Chàm tạo dựng. Niên đại xây dựng thành Châu Sa ở vào thế kỷ VIII-IX, khi vua Indra Varman II lập kinh đô Indrapura, đánh dấu triều đại mới mà quyền lực từ phương Nam vùng Panduranga chuyển về phương Bắc vùng Amaravati. Thành Châu Sa được xây dựng để bảo vệ kinh đô Indrapura.Trước đây, tại làng Châu Sa, người Pháp đã phát hiện một văn bia đá thuộc giai đoạn Đồng Dương. Hiện văn bia này được lưu giữa tại Bảo tàng Lịch sử Hà Nội. Văn bia được dịch là: “Trong ngôi đền này, một vị thượng quan tên là Po Klung Pimilis năm 893 đã dựng một linga để tôn vinh vua SriJaya Indravarman (875-890), đến năm 903 lại dựng một tượng thần Siva tên là Sri Sangkara để tôn vinh vua Sri Jaya Simhuvarman (890-899).Vua đương ở ngôi Sri Jaya Bhadra Varman (901-916) cúng tặng các thần một ấm bạc và một tù và và hoàng hậu Surendradevi là em gái út của vị thượng quan (trên) đã cúng ruộng”. Ngoài ra, tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi cùng đồng nghiệp cũng đã phát hiện ở khu vực thành cổ nhiều hiện vật mang đậm phong cách Chánh Lộ, Trà Kiệu, đặc trưng văn hóa của người Chămpa trên đất Quảng Ngãi.Cấp bách bảo vệ di tích   Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi đã lập lý lịch di tích thành Châu Sa và đã được Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận đây là di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1994. Tham quan di tích thành Châu Sa, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự kỳ vĩ của công trình kiến trúc cổ, song cũng không khỏi xót lòng khi chứng kiến thực trạng di tích thành cổ bị xâm hại một cách nghiêm trọng. Thành Châu Sa nằm xen lẫn ở khu dân cư và khu vực sản xuất của người dân nên ngày càng bị xâm lấn, đào bới, nhiều hào thành đã bị lấp.Trên đường dẫn chúng tôi xem thành cổ, ông Đặng Sách-Nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Châu, thở dài nói: “Thành cổ quý giá ngay trước mắt không bảo vệ, phá hỏng rồi sau này muốn khôi phục không phải đơn giản. Cơ quan chức năng phải làm sao cho dân thấy lợi ích của việc bảo vệ thành cổ”. Ông Phan Đình Độ-Giám  đốc Bảo tàng tỉnh cũng tỏ ra lo lắng trước thực trạng di tích bị xâm hại. Ông Độ cho rằng, Nhà nước đã phân cấp quản lý di tích, thành Châu Sa nay thuộc TP.Quảng Ngãi quản lý, bảo vệ. Bảo tàng tỉnh đang làm lại bản đồ khoanh vùng bảo vệ theo số hóa, trước đó làm thủ công nên khó xác định điểm để cắm mốc bảo vệ.Trên đất Quảng Ngãi, dấu vết của nền văn hóa Chămpa có còn chăng là những phế tích, là những mảnh vỡ của nền văn hóa tiêu biểu một thời. Riêng chỉ có thành cổ Châu Sa là di tích có quy mô lớn và nguyên vẹn, rõ nét nhất. Mong rằng cơ quan chức năng của tỉnh khẩn trương vào cuộc để bảo vệ di tích thành cổ Châu Sa. Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ theo baoquangngai.vn
0 Rating 248 views 2 likes 0 Comments
Read more
By: On July 17, 2015
T?p chí V?n hóa Dân t?c, s? 1, 1994. Trong dòng v?n ch??ng tr? tình, ba tác ph?m Ariya Bini – Cham, Ariya Cham – Bini, và Ariya Xah Pakei là ba thi ph?m ?ã xác l?p th? ??ng c?a mình trong d? lu?n qu?n chúng Ch?m. Th? nh?ng, tác ph?m dài h?n c?, và theo chúng tôi có giá tr? h?n c? l?i là tác ph?m ít ???c ph? bi?n nh?t: Ariya Bini – Cham.Tác ph?m có l? ???c sáng tác vào kho?ng th? k? XVIII. Các s? ki?n và nhân v?t l?ch s? th?i Po Rome nh? Bia Ut (công chúa Ng?c Khoa), Xah Bin (m?t v? t??ng c?a Po Rome), Bal Debare (th? ?ô Champa ? Chung M?) ???c ghi nh?n ch?ng t? tác ph?m ra ??i sau th?i Po Rome (1651), th?i v??ng qu?c Champa lóe sáng m?t l?n cu?i cùng ?? r?i d?n d?n hòa nh?p vào l?ch s? Vi?t Nam.??ng v? khía c?nh thu?n v?n h?c, trong l?ch s? v?n h?c Ch?m, Ariya Bini – Cham ?ã ?óng m?t vai trò quy?t ??nh. Th? th? ???c s? d?ng trong thi ph?m này ?ã t?o m?t ti?n ?? quan tr?ng cho s? phát tri?n cho th? th? l?c bát Ch?m. Nó ?ã b??c ra kh?i c?n nhà truy?n th?ng ?? ?i sang ngôi nhà hi?n ??i. Chính hành ??ng “?i” này, m?t ngh? thu?t m?i ?ang hình thành, và nó ?ã thành t?u n?i Ariya Bini – Cham, ?ã t?o m?t hi?n t??ng ??c ?áo. Có m?t không hai trong n?n v?n h?c Ch?m(1).Ngay c? l?i c?u trúc tác ph?m c?ng là m?t hi?n t??ng vô ti?n khoáng h?u.Qua cu?c tình m?t chi?u c?a m?t hoàng thân Ch?m v?i m?t nàng công chúa Islam ??n t? M?kah (La Mecque), nhà th? ??a chúng ta ?i d?c su?t gi?i ??t mi?n duyên h?i nh? h?p, ?au kh? và huy?n bí; mi?n ??t g?n 17 th? k? v??ng qu?c Champa ng? tr?. T? Har?k Kah Har?k Dhei (Qu?ng Bình) ??n Bicham (MaLâm) qua các kinh ?ô c? kính: Sriban?y (Bình ??nh) Hanguv (Qu?ng Nam) Hangwei (Qu?ng Ngãi) Bal Huh Bal Lai (Tuy Hòa), các kinh thành ?? nát: Debare (Chung M?) Nha Trang…; các di tích l?ch s? ghi d?u m?t th?i: Tháp Po Klaung Garay, Tháp Po Dam, núi Po Nai…” theo d?u chân voi c?a nàng công chúa Bini và d?u chân ng?a c?a Hoàng thân Ch?m ???c khút x? qua l?ng kính kí ?c c?a anh chàng si tình ?ang tuy?t v?ng, nên th?i gian và không gian hoàn toàn b? ??o l?n. ?ây là m?t nét ??c ?áo khác c?a thi ph?m.Th?i gian và không gian l??t qua nhanh, nhanh nh? k?p cho chàng ?au kh?, nhanh ??n ng? ngàng: Nai mai m?ng M?kahBlauh takai nai d?h Har?k Kah Har?k DheiNai nau t?l PajaiM?ng l?mng? Pajai nai jauh akauk s?ngDarak dih pur wang t?lRiyak har har gilai nai lay?m thiapW?y gilai rayar lay?m thiapGilai yung ralap kr?h bathak jallidiKaung ba nai m?l?ng bimiNau lihik di m?ta ch?k sucarEm ??n t? La MecqueR?i em d?ng chân n?i núi Har?k Kah Har?k DheiEm v? t?i MaLâmT? Malâm c?ng em tr? v? quê h??ngBi?n ?ông ch?p chùngSóng rì r?m ??y cánh bu?m em ?i xa?i cánh bu?m m? xa!Cánh bu?m nh? cánh m?i gi?a trùng d??ngCánh bu?m mang ng??i tình ??p xinh?i khu?t kh?i t?m nhìn x? s? Chàng ?ã m?t nàng th?t s? r?i. Chàng ?ang ng?i m?t mình gi?a bãi bi?n v?ng l?nh. Tr??c m?t là trùng kh?i v?i b?t sóng tr?ng xóa. Sau l?ng là núi r?ng ?ang tr?i lên khúc nh?c bu?n. Ngày ?ang t?t. Và ánh tr?ng ?ã nhô lên t? phía chân tr?i.Than ai rabbah ke tavak takai naiQuê h??ng ?au kh? khôn c?m b??c em Ngh? th?, chàng th?n th? lên ???ng tr? v?. Ng?a ??a chàng tr? v? Bal Chaung – quê chàng. ??n ?ây c?u trúc c?a tác ph?m ?ã d?i bình di?n: t? th?c t?i sang kí ?c-h?i t??ng.Chính t? n?i quê nhà, v? hoàng thân Ch?m m?i có d?p h?i t??ng l?i (h?n ba ph?n t? tác ph?m) chàng ?ã theo ?u?i nàng công chúa xa l? ?y nh? th? nào, ?ã ôm ?p trong vòng tay t?m thân ng?c ngà c?a ng??i con gái ?y nh? th? nào, và ?ã ph?i ?au kh? nh? th? nào khi ph?i ch?ng ki?n nh?ng c?nh n?i da xáo th?t gi?a hai tôn giáo c?a dân t?c trong su?t ch?ng ???ng ?i d?c mi?n ??t quê h??ng. ?? ??n lúc này, chàng m?i khám phá ra r?ng mình v?a ?ánh m?t t?t c?: b?n bè, cha m?, ng??i tình, và l?n h?n c? – T? Qu?c: Kuv yuv urang lihik phikAbih tam? sang m?gik gilac duh bimong yangTan?h riya kuv PangdarangCalah gr?p jalan dhwan bol bhap uranamKuv dauk hagait dalam tanginYaum sa drei chiim p?r tam? praittikTa nh? k? m?t h?nH?t vào thánh ???ng l?i lên ??i thápPangdarang ôi ??t n??cTan nát rã r?i con dân l?u l?cKh?p ph??ng tr?iTa còn gì trong tayM?t con chim cô ??n bay vào v? tr? M?t con chim cô ??n v?i trái tim r?m máu ?ã hát lên nh?ng khúc yêu th??ng. Con chim ch?t ?i nh?ng ti?ng hát còn l?a l?i v?i m?t d? âm tr?m bu?n tr?i dài, tr?m bu?n nh? khi nó b?t ??u, r?i xuyên su?t thi ph?m ?? cu?i cùng chín r?ng ? câu sau cùng: M?t con chim cô ??n bay vào v? tr?.?ây là m?t cu?c tình l?n và m?t t?m lòng l?n. Thi ph?m mang ch?a nh?ng y?u t? nhân b?n và có m?t giá tr? l?ch s? nh?t ??nh. Riêng v? m?t v?n ch??ng, nó ph?i ???c ??t hàng ??u. Ti?c r?ng, Ariya Bini – Cham nay ?ã th?t l?c. Thi ph?m ???c nh?c ??n trong qu?n chúng Ch?m nh? là m?t huy?n tho?i h?n là m?t th?c t?. Ng??i ta nói ??n nó, bi?t là tác ph?m ?ã xu?t hi?n, nh?ng không ai bi?t là ng??i nào ?ang s? h?u nó c?(2).Nh? v?y, b?n ph?n c?a chúng ta hôm nay là ph?i ?i tìm nó, nh? là tìm Cái ??p, ??p khu v??n v?n h?c Ch?m nói riêng và c? n?n v?n h?c Vi?t Nam nói chung v?y.Sài Gòn, tháng 9-1993.________ Chú thích(1) Xem V?n h?c Ch?m, Inrasara, s?p xu?t b?n.(2) Ng??i vi?t r?t may m?n ???c ??c thi ph?m này t? b?n chép tay c?a c? Thang Ti?ng (M? nghi?p) ghi n?m 1903.Thi ph?m dài 1.300 câu ??n, nh?ng lúc này b?n th?o ?ã b? th?t l?c và ng??i vi?t ch? còn gi? 700 câu. Ph?n gi?a c?a thi ph?m ch? y?u mô t? c?nh ??p thiên nhiên c?a ??t n??c thì ?ã m?t. R?t mong r?ng, khi bài vi?t này ra ??i, s? có ??c gi? quan tâm ??n v?n h?c Ch?m ?ang gi? thi ph?m trong tay, công b? nó trong m?t t? li?u riêng, hay tr?c ti?p biên th? cho ng??i vi?t, h?u h?t v?n h?c Ch?m không b? m?t ?i m?t viên ng?c quý v?y. theo Inrasara.com
0 Rating 216 views 0 likes 0 Comments
Read more
By: On July 16, 2015
Giếng vuông Chăm. Hình ảnh người dân tộc quấn xà rông hay mặc váy trên những chuyến xe đò dọc ngang, xuôi ngược khắp Bắc - Trung - Nam, hoặc ngồi chồm hổm các chợ vỉa hè với giỏ xách đầy vải vóc hay thuốc nam dân tộc, đã trở thành quen thuộc trong mắt mọi người. Đó là người dân tộc Chăm với “những cuộc ra đi” của họ. Ra đi, từ Chăm Ninh Thuận cho đến Chăm An Giang. Từ xa thẳm lịch sử dân tộc cho mãi tận hôm nay. Chăm là dân tộc phiêu lưu theo nghĩa mạnh nhất của từ này. Ngay khi thành lập vương quốc vào thế kỷ thứ II sau Công nguyên, và suốt 17 thế kỷ tồn tại, dân tộc Chăm đã ghi được bao nhiêu là Guinness độc đáo, lẫm liệt! Đầu thế kỷ thứ V, sử sách ghi nhận, Địch Chấn tức Gangaraja, là con Phạm Hồ Đật sau vài năm trị vì, nhường ngôi lại cho người cháu, để sang Ấn Độ. Đây là vị vua duy nhất của Đông Nam Á thuộc Ấn Độ giáo đã vượt đại dương sang bờ sông Hằng. Từ đó tạo tiền đề cho bao cuộc ra đi khác. Với rất nhiều mục đích khác. Theo nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, vở kịch “Long vương” của Champa lúc ấy có tên Lâm Ấp lưu lạc đến Nhật Bản, được người Nhật trích dịch chọn một phần dựng thành điệu múa “Long vương vũ”. Các học giả Nhật Bản thẩm định rằng: Điệu La Lăng vương không phải từ Trung Hoa truyền đến mà là nhạc của nước Lâm Ấp” (“Điệu múa Chăm lưu lạc trên đất Nhật”, Tagalau 9). Riêng kiến trúc và điêu khắc, người Chăm đã biết thâu thái từ nền kiến trúc của các nước láng giềng: Thái Lan, Khmer, Java, Indonesia… để sáng tạo nên nền kiến trúc kỳ vĩ của mình với rất nhiều phong cách khác nhau. Không có những cuộc ra đi, thì sẽ không làm được bao công trình bất hủ kia. Và, nếu không có những cuộc ra đi, thì người Chăm sẽ không làm nên nền kinh tế thị trường hàng đầu Đông Nam Á thời xưa ấy. Hình ảnh bà con Chăm ngồi chồm hổm chợ chiều hôm nay không gì khác hơn là phái sinh của cuộc thiên di buôn bán truyền đời từ ông bà. Những cuộc đi, xuyên đại dương, vượt lục địa để buôn bán, và buôn toàn mặt hàng “độc”. “Cù Lao Chàm với vị thế thuận lợi của mình đã vươn lên thành thương cảng số một của vương quốc Champa… Trên quãng đường dài từ Kra Isthmus (nam Thái Lan) đến Canton (Quảng Châu) chỉ có một trạm dừng chân duy nhất là Chiêm cảng - Cù lao Chàm, nơi có thể nghỉ ngơi, tích trữ lương thảo, nước ngọt và buôn bán, trao đổi hàng hóa... trước khi giong buồm thẳng sang Trung Quốc. Thư tịch cổ của người Ả Rập thế kỷ IX cho biết những thuyền buôn từ Tây Á sang Trung Quốc và ngược lại, thường ghé qua Cù Lao Chàm của Champa để lấy nước ngọt và trầm hương” (Lâm Thị Mỹ Dung, “Cù Lao Chàm, chiều dày lịch sử và văn hóa”, vntimes.com.vn, 1-2012). Giếng vuông Chăm xây bằng gạch từng có mặt dọc miền duyên hải suốt dải đất miền Trung. Giếng nằm sát bờ biển, và người Chăm biết cách tìm nguồn nước không bao giờ cạn. Họ khai thác tối đa nguồn tài nguyên vô tận đó để bán cho thương nhân và đoàn thuyền đi qua vương quốc. Bên cạnh nước ngọt là trầm hương. Thứ thì hiếm thành quý, thứ thì vô cùng nhiều nhưng vẫn cứ… quý, mới lạ. G. Maspéro trong công trình Vương quốc Champa (Paris, 1928) ghi nhận: “vì người Champa có lợi trong việc buôn bán với Trung Quốc, năm 1438 ông lại phải gửi sứ bộ sang nhà Minh”. Sứ bộ ấy phải là nhà ngoại giao cỡ bự - ngoại trưởng phụ trách kinh tế, có thể nói thế. “vua Trung Quốc tặng ngựa cho vua Champa. Và khi người Champa học được cách dùng ngựa vào trận chiến, vua Champa tìm mọi cách để mua cho kì được ngựa của Tàu, mặc dù ở đây ngựa là mặt hàng cấm xuất khẩu… người Chăm thuần voi để chuyên chở và chiến đấu. Ngà voi là thứ hàng buôn bán quan trọng; tê giác lại càng quan trọng hơn vì mang lại nhiều lợi nhuận hơn”. Ông còn cho biết, lúc đó vương quốc Champa có chức quan “gọi là Seih Es-Suq, tức là “Tổng đại biểu của thị trường”, có Naqib giúp việc. Với “thủ lĩnh nội địa” đó, các phú thương do buôn bán mà giàu có, đã chiếm địa vị ưu thế: tên tuổi họ được khắc trên các bi ký”. Tổng đại biểu của thị trường thì có khác gì chức Bộ trưởng Kinh tế thời hiện đại đâu. Thường thì người ta khắc lên bi ký tên tuổi tiến sĩ hay các vị khoa bảng triều đình, ai lại khắc tên doanh nhân?! Vậy mà ông bà Chăm đã làm, và làm từ rất sớm. Người phụ nữ Chăm với vật dụng đội đầu có tên là Ciêt (đựng bánh trái, thuốc). Ảnh: KIỀU MAILY Sở hữu chiều dài bờ biển với thương cảng tấp nập tàu ngoại quốc ra vào, các vương triều Champa đã xây dựng cơ cấu kinh tế đất nước dựa trên thương mại biển thuộc hàng đầu trong khu vực. Thế nhưng không phải vì thế mà ông bà chừa món “thương mại đất liền”.   Tạ Chí Đại Trường cho biết “Một tướng của Nguyễn Nộn là “phiên” Ma Lôi từng đi buôn bán xa, tận Ai Lao” (“Tù binh Chàm, Lực lượng sản xuất riêng biệt của Lý”, Hopluu.net, 26-10-2008). Ma Lôi thuộc sắc dân Chàm, lại là Chăm trong đoàn tù binh của nhà Lý! Tù binh mà đã thế, nếu đang là công dân tự do tại quê nhà thì họ còn tung hoành dọc ngang thế nào nữa. Giai thoại còn cho rằng, địa danh “Ô Chợ Dừa” ở Hà Nội hôm nay có nguồn gốc từ Chăm. Tù binh Chăm ra Bắc, mong nguôi nỗi nhớ quê hương, đã mang dừa từ Quảng Nam, Bình Định ra Bắc trồng. Trồng và đem đi bán. Họ lập nên chợ - Ô Chợ Dừa - để bán dừa.    Nghĩa là, người Chăm đi đến đâu buôn bán ở đó. Xưa đã vậy, nay chẳng có chi khác. Chăm vẫn tiếp nhận truyền thống ấy, chưa bao giờ gọi là đứt mạch. Làng khuất hay phố xa từ Bắc chí Nam, dân Pabblap - Ninh Thuận đều rành. Sau  năm 1975, bà con vào Sài Gòn lập cả khu phố Chăm ở đường Hùng Vương. Sau đó, Đồng Nai, Trà Vinh, Đà Nẵng hay tận Bắc Giang… xuất hiện khu phố Chăm. Loại khu phố tạm bợ, như thể địa điểm tập kết, để bà con có điểm đi và chốn về. Dân Cakleng - Mỹ Nghiệp, tỉnh Ninh Thuận đội giỏ thổ cẩm vào tận Phan Rí, Ma Lâm bán. Hơn thế, bà con còn quẩy gánh tìm lên đất Tây Nguyên đi Churu, xưa gọi là đi buôn Thượng. Đó là vào những năm 60 của thế kỷ trước, đường sá hiểm trở với phương tiện giao thông thô sơ, các chú các bác đã phải trèo đèo lội suối, vào các buôn palei xa xôi và lạ lẫm nhất, để bán. Không ít người đã “hy sinh” tính mạng: Nau ikak nau kaiy mưtai yer laiy tuh thraiy ka gơp: Đi bán đi buôn, chết thẳng cẳng đổ nợ cho họ hàng. Vậy mà cứ đi. Đầu thập niên 70, bà con Chăm tiếp tục tìm vào trong “Sở Mỹ” ở sân bay Thành Sơn hay Cam Ranh, để bán thổ cẩm. Rồi khi đất nước mở cửa, hàng thổ cẩm cũng kịp tràn ngập thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Hà Nội… Dân An Giang còn hơn thế, không những anh chị em có mặt khắp đất nước Việt Nam thôi, mà còn mở chuyến đi sang cả Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc buôn bán. Mà hành trang của những chuyến đi ấy có nhiều nhặn gì cho cam! Vốn nhỏ, đến đâu bà con linh hoạt đến đấy. Không vấn đề gì cả. Câu hỏi đặt ra, tại sao cộng đồng Chăm hiện nay không có người giàu? Tỷ phú hay triệu phú, từ buôn bán? Suốt dòng lịch sử xa xưa ấy, đã xuất hiện tỷ phú Chăm chưa, không thấy sách vở ghi, nên ta không biết được. Dẫu sao, với chức quan Seih Es-Suq “Bộ trưởng Kinh tế” khi ấy, thì không thể không có. Còn hôm nay, tại sao không? Dù người Chăm chưa bao giờ thiếu máu buôn bán. Không thiếu, nếu không muốn nói là thừa thãi. Thừa, đến nỗi trường ca triết lý nổi tiếng nhất trong kho tàng văn chương cổ điển, tác giả đã ban cho nó cái tên rất kỳ lạ: Thơ đi buôn Ariya nau ikak. Chính điểm này mang đến cho độc giả câu trả lời khả dĩ nhất, có lẽ! Ariya Nau Ikak Thơ Đi Buôn (Inrasara, Văn học Chăm khái luận, NXB Tri thức, 2011) xem cuộc sống như là một chuyến buôn, một cư ngụ tạm bợ. Trần gian là cõi tạm cho lữ khách dừng chân trong chốc lát rồi phải ra đi biền biệt. Đây không phải là quê tôi, quê tôi là nơi khác kia. Vậy tôi làm giàu mà làm gì kia chứ? Chuyến buôn khởi thủy không vốn nên đừng mong có lãi ở chung cuộc. Là nhà buôn, bạn sẽ trở về lúc nào không biết, nhưng chắc chắn là trở về. Vậy hãy vui vẻ lên đường, vẫy tay giã từ trần-gian-quán-trọ, từ biệt người lạ người thân. Lên đường nhẹ nhõm, không tiếc nuối, không lo nghĩ cho trần gian. Câu cuối cùng của thi phẩm: Kuw nau sang kuw min juk phikKlauh thun ikak sang thei thei wơkTa về cố quận tình ơiCuộc buôn đã mãn, nhà ai nấy về. Văn chương bác học đã vậy, dân gian cũng chẳng khác là bao.  Bởi “Mưtai o thei ba drơp twei: Chết thì không ai mang của cải theo cả”, cho nên, người Chăm không đặt nặng ở việc làm giàu. Buôn, mà không muốn làm giàu, nghe nghịch lý làm sao ấy. Nhưng đó lại là điều thật. Bởi với Chăm, buôn bán không gì khác là chuyến phiêu lưu, “những cuộc ra đi” dài để rồi khi, “cuộc buôn đã mãn, nhà ai nấy về”. Vĩnh viễn.    INRASARA theo Baodanang.vn
0 Rating 173 views 0 likes 0 Comments
Read more
By: On July 15, 2015
 Written by Ts. Po Dharna     Nhân đọc bài viết của Quảng Đại Tuyên về “Bước đầu tìm hiểu về triết lí âm dương thông qua hình ảnh cánh diều Chăm” đăng trên web của Inrasara, những bài thuyết trình của Pgs. Ts. Thành Phần về “âm dương” ở TPHCM và quan điểm của một số trí thức Chăm thường nhắc đến “âm dương” ăn sâu vào văn hoá Chăm, một số độc giả trong nước xin Champaka.info trả lời cho biết dân tộc Chăm có triết lý “âm dương” hay không? Nếu có, thì đâu là nguồn gốc của sự du nhập triết lý “âm dương” vào nền văn hoá Chăm?   Để trả lời cho câu hỏi này, BBT Champaka.info xin Ts. Po Dharma, chuyên gia về lịch sử và nền văn minh Champa, cho biết thế nào là quan điểm của ông về triết lý âm dương Chăm.   Dân tộc Chăm không bao giờ có triết lý âm dương Pgs. Ts. Po Dharma (Viện Viễn Đông Pháp)   Trong quá trình lịch sử, Đông Nam Á là khu vực tập trung nhiều quốc gia và chủng tộc chia làm hai khối rỏ rệt. Dân tộc Chăm, Campuchia, Lao, Thai và Mã Lai Đa Đảo, v.v. chịu ảnh hưởng nền văn minh Ấn Giáo, trong khi đó dân tộc Việt theo khuôn mẫu văn hoá của Trung Quốc. Phát xuất từ hai nền văn minh khác nhau, dân tộc Việt và Chăm đã đón nhận hai khái niệm hoàn toàn khác nhau về qui luật cấu trúc vũ trụ. Đối với dân tộc Việt, “âm dương” là triết lý nhằm giải thích cho sinh tồn của “vũ trụ”, trong khi đó dân tộc Chăm lại dựa vào qui luật “tanaow-binai / lakei-kamei” (đực-cái / nam-nữ) để làm nền tảng để giải thích cho mối liên hệ giữa Chăm Ahier (Balamon) và Chăm Awal (Hồi Giáo). Chính đó là trọng tâm của vấn đề cần cứu xét lại trước khi đi đến kết luận dân tộc có chịu ảnh hưởng triết lý “âm dương” của dân tộc Việt hay không?   Triết lý âm dương của dân tộc Việt   Âm dương (tiếng Hán: Ying Yang) là hai khái niệm để chỉ hai thực thể đối lập, tạo nên toàn bộ vũ trụ, bao gồm những qui luật liên quan đến nền tảng của không gian học, thiên văn học, triết học, y học, vật lý học, v.v. Theo triết lý này, “âm” thể hiện cho những gì yếu đuối nhỏ bé, tối tăm, thụ động, nữ tính, mềm mại... đối lập nó là “dương” thể hiện sự mạnh mẽ, cho ánh sáng, chủ động, nam tính, cứng rắn.. Qui luật giải thích “vũ trụ” dựa trên âm và dương được gọi là triết lý “âm dương”.   Ai cũng biết, “Âm dương” là qui luật phát sinh từ nền văn minh Trung Quốc. Kể từ đó, các chuyên gia về Đông Phương học đưa ra kết luận rằng “âm dương” là triết lý chỉ dành cho các dân tộc nằm trong không gian văn hoá của Trung Quốc, đó là xã hội người Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn trong đó có Việt Nam. Người Chăm là dân tộc chịu ảnh hưởng nền văn minh Ấn Giáo, không bao giờ có triết lý “âm dương” như dân tộc Việt mà chỉ có qui luật: tanaow-binai / lakei-kamei (đực cái / nam nữ)   Biểu tượng âm dương của dân tộc Việt   Qui luật “tanaow-binai / lakei-kamei” của dân tộc Chăm   Qui luật “tanaow-binai / lakei-kamei” (đực cái / nam nữ) là khái niệm phát xuất từ qui luật Linga và Yoni nằm trong nền văn minh Ấn Giáo, không liên hệ gì với triết lý âm dương của dân tộc Việt. Theo triết Ấn Giáo, Linga biểu tượng cho dương vật và Yoni biểu tượng cho âm vật, là hai hình tượng thiêng liêng nhất được tồn thờ trong nền văn min Ấn Giáo.   Tục thờ Linga và Yoni có nguồn gốc từ Ấn Độ. Tín ngưỡng này gắn liền với triết lý dựa vào mối kết hợp giữa dương vật của đàn ông và âm vật của đàn bà, cấu thành động cơ của mọi sự sáng tạo. Theo triết lý này, vũ trụ sẽ bị diệt vong, nếu vũ trụ này chỉ có Linga (dương vật) nhưng không có Yoni (âm vật), hay ngược lại. Và vũ trụ này cũng bị tiêu diệt, nếu vũ trụ này có cả hai yếu tố Linga (dương vật) và Yoni (âm vật), nhưng không kết hợp với nhau một cách sung túc về tình dục.   Người Chăm là cộng đồng chịu ảnh hưởng nền văn minh Ấn Giáo. Tục thờ Linga và Yoni vẫn còn thể hiện hôm nay qua nhiều tục lễ của người Chăm nhất là lễ Kate và Ca-mbur trên đền tháp. Và mối liên hệ giữa Linga và Yoni vẫn còn đó, nhưng người Chăm gọi là qui luật “tanaow-binai / lakei-kamei” (đực-cái / nam-nữ).   Đối với người Chăm, “tanaow-binai / lakei-kamei” là triết lý của hai thực thể đối lập nhau nhưng không thể tách rời với nhau. Hoàn toàn khác hẳn với triết lý “âm dương” của dân tộc Việt, qui luật “tanaow-binai / lakei-kamei” của dân tộc Chăm chỉ áp dụng vào không gian rất giới hạn nhằm giải thích cho mối liên hệ giữa Awal và Ahier, tức hai thực thể tín ngưỡng hoàn toàn khác nhau về triết lý và nghi lễ, nhưng lúc nào cũng gắn liền với nhau một cách có hệ thống, không thể tách rời nhau được. Awal và Ahier là hai thuật ngữ có nguồn gốc lịch sử riêng:   • Awal là từ Á Rập có nghĩa “trước, khởi đầu”. Chăm Awal ám chỉ cho những người Chăm đã theo Hồi Giáo “trước” triều đại Po Rome, tức là Chăm Bani hôm nay.   • Ahier cũng là từ Á Rập, có nghĩa là “sau, cuối cùng”. Chăm Ahier ám chỉ cho những người Chăm chấp nhận Po Uluah là đấng thượng đế “sau” triều đại Po Rome, tức là Chăm Balamon hôm nay.   Cho đến hôm nay, người ta không biết triết lý “tanaow-binai / lakei-kamei” đã xuất hiện trong xã hội Chăm từ lúc nào. Theo truyền thuyết Chăm cho biết, trước vương triều Po Rome, Hồi Giáo đã có mặt tại vương quốc Champa, nhưng sự hiện diện của Hồi Giáo chỉ nằm bên lề của xã hội. Các chức sắc Acar của Chăm Bani không đóng vai trò gì trong triều đình bên cạnh vua chúa Champa như các vị tu sĩ Basaih của Chăm Balamon. Sự cách biệt này đã gây ra bao xung đột giữa hai cộng đồng, buộc vương triều Po Rome phải giải quyết vấn đề bằng cách triển khai qui luật "tanaow-binai / lakei-kamei” (đực cái / nam nữ) để làm biểu tượng cho sự gắn bó giữa Chăm Awal và Chăm Ahier, tức là hai tín ngưỡng hoàn toàn đối lập nhau, nhưng không thể tách rời với nhau được, như mối liên hệ giữa nam và nữ.   Chăm Awal và Chăm Ahier là hai cộng đồng tín ngưỡng biểu tượng cho hai thực thể: tanaow-binai / lakei-kamei (đực cái / nam nữ). Kể từ đó, tất cả những gì nằm trong hai tín ngưỡng này đều được phân chia thành hai thực thể khác nhau, hoặc Tanaow-lakei (nam) hay Binai-kamei (nữ), dù đó là các bậc tu sĩ, những vật dụng, thức ăn, màu sắc áo quần mà người Chăm thường dùng trong lễ tục. Tanaow-lakei (nam) hay Binai-kamei (nữ) là hai yếu tố đối lập nhau nhưng luôn luôn đi đôi với nhau, không thể tách rời với nhau được trong tín ngưỡng của người Chăm, cấu thành yếu tố cơ bản để Awal và Ahier cùng nhau phát triển và tồn tại. Những thuật ngữ đối lập nằm trong hệ thống tín ngưỡng Awal và Ahier là:   • Tanaow (đực) – Binai (cái) • Lakei (nam) – Kamei (nữ) • Klam (ám chỉ cho nam, những gì có màu rực rở nếu là khăn vải, có thịt nếu là thức ăn và có nhiều hương ngọt nếu là bánh trái) – Yuer (ám chỉ cho nữ, những gì có màu lờ nhạt nếu là khăn vải, không có thịt hay ít ngọt nếu là thức ăn) • Pagruak (úp lại, ám chỉ cho cách nằm của đàn ông khi làm tình) – Pa-ndang (nằm ngữa, ám chỉ cho cách nằm của đàn bà khi làm tình)   Dựa vào qui luật vừa nêu trên, người Chăm đưa ra hàng loạt danh sách của các biểu tượng tanaow-binai / lakei-kamei (đực cái / nam nữ) trong cách cấu trúc tín ngưỡng Awal và Ahier như sau:   Biểu tượng Lakei-Kamei • Basaih biểu tượng cho lakei (nam) – Acar biểu tượng cho kamei (nữ). Vì Basaih ngồi trong nghi lễ như đàn ông (crah kanal) trong khi đó Acar ngồi như đàn bà (jaoh angua) • Basaih > kamei (nữ) – Acar > lakei (nam). Vì Basaih để tóc dài trong khi đó Acar cạo đầu như con trai • Basaih > kamei (nữ) – Acar > lakei (nam). Vì Basaih mang bị túi có hình dạng âm vật và Acar mang bị túi có hình dạng dương vật   Tu sĩ Chăm Awal ngồi theo phong cách đàn bà Tu sĩ Chăm Ahier ngồi theo phong cách đàn ông   Biểu tượng Klam-Yuer Trong các lễ tục, một số dụng cụ, khăn vải, áo quần hay thức ăn, v.v. cũng đều mang biểu tượng cho Lakei (nam) và Kamei (nữ), luôn luôn đi đôi với nhau:   • Kaya klam, ám chỉ cho “lakei”, bao gồm bánh tét, bánh bột gạo hấp (kur) và chuối – Kaya yuer, ám chỉ cho “kamei”, gồm có nếp, bánh bột gạo hấp (kur) và chuối • Aw klam, ám chỉ cho “lakei”, tức là áo có màu rất đậm – Aw yuer, ám chỉ cho “kamei”, tức là áo có màu hơi phai dợt • S’alaw klam ám chỉ cho “lakei”, vì s’alaw klam là mâm cúng có thịt – S’alaw yuer ám chỉ cho “kamei”, mâm cúng không có thịt.   Biểu tượng Atau pa-ndang–Yang pagruak Atau là thuật ngữ ám chỉ cho thần linh có nguồn gốc từ hệ thống Hồi Giáo và Yang là thần linh mang tính cách bản địa.   • Trong các lễ tục dành cho thần linh thuộc về “Atau”, thì người Chăm phải để nãi chuối nằm ngữa trên mâm cúng hay trải chiếu nằm ngữa (pa-ndang). • Trong các lễ tục dành cho thần linh thuộc về “Yang”, thì người Chăm Ahier hay Awal phải để nãi chuối nắm úp lại trên nâm cúng hay trải chiếu nằm úp lại (pagruak).   Biểu tượng Tanaow-binai   Vào dịp cúng tế Po Yang In, người Chăm thường tổ chức lễ Paper Kalang (lễ thả diều). Lễ tục này có nguồn gốc từ Mã Lai. Trong lễ này gồm có hai con diều mang tên là Kalang tanaow (diều đực) và Kalang binai (diều cái). Đây là hai biểu tượng nằm trong hệ thống tanaow-binai / lakei-kamei (đực cái / nam nữ) của dân tộc Chăm, không liên hệ gì đến triết lý “âm dương” của người Việt như một số người thường hiểu lầm, để rồi từ đó họ tự chế biến ra bao lý thuyết mơ hồ nhằm giải thích cho sự hòa hợp các yếu tố: trời-đất, đực-cái, đất-nước, mặt trời-mặt trăng, không trung-mặt đất, hình tròn-hình vuông, vân vân, không liên hệ gì đến truyền thống lễ Paper Kalang (lễ thả diều) của dân tộc Chăm.   Tóm lại, người Chăm là dân tộc chịu ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Giáo, không bao giờ có qui luật “âm dương” của Trung Quốc như dân tộc Việt. Nếu một số trí thức Chăm hôm nay thường bàn về triết lý “âm dương” trong nền văn hoá Chăm, thì đó chỉ là quan điểm mang tính cách suy diễn, không dựa vào cơ sơ khoa học nào, vì những lý do sau đây.   1). Yếu tố ngôn ngữ Trong kho tàng ngôn ngữ, người Chăm không có cụm từ để ám chỉ cho “âm dương”. Thế thì từ “âm dương” xuất hiện từ đâu đến? Có chăng “âm dương” chỉ là cụm từ do một số trí thức Chăm vừa sáng chế ra dưới chế độ xã hội chũ nghĩa, mang tính cách suy đoán, phát xuất từ sự nhằm lẫn giữa qui luật tanaow-binai / lakei-kamei (đực-cái / nam-nữ) của người Chăm và triết lý “âm dương” của dân tộc Việt.   Một khi ngôn ngữ Chăm không có từ vựng để ám chỉ cho “âm” và “dương”, thì người ta có quyền đưa ra kết luận ngay: văn hoá Chăm không có qui luật “âm dương” hay chịu ảnh hưởng ít nhiều về qui luật này.   2). Yếu tố lịch sử Người Chăm là thần dân của vương quốc Champa xưa kia. Sau tám thế kỷ đương đầu với cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt, chấp nhận cúi đầu sống dưới nền đô hộ của nhà Nguyễn kể từ năm 1692 và chịu bao thống khổ của chính sách đồng hoá và diệt chủng của hoàng đế Minh Mệnh kể từ năm 1832, nhưng dân tộc Chăm không tiếp thu từ những yếu tố gì mang tính cách văn hoá, tín ngưỡng hay nghệ thuật của dân tộc Việt, ngoại trừ một vài chi tiết rất nhỏ nhoi nằm bên lề của nền giao lưu văn hoá, như:   • Vây mượn vài từ tiếng Việt: klan thu = trần thủ, lik kleng = lý trưởng, aen ngai = ơn nghĩa, cip = chịu, v.v., • Vẽ biểu tượng “âm dương” trên trống baranang mà người Chăm cũng không biết tên gọi biểu tượng này là gì. Sự hiện diện của biểu tượng “âm dương” trên trống của người Chăm chỉ bắt đầu dưới thời vua Minh Mệnh, tức là vào lúc Minh Mệnh buộc dân tộc Chăm phải mời người Kinh diễn tuồng hát bội trong lễ múa Rija để phô trương cho tinh thần đoàn kết dân tộc Chăm-Việt. • Bắt chước vài món ăn có dầu mỡ: cien = chiên, sao = xào… • Văn hoá ăn đủa thay vì ăn bóc kể từ thời Ngô Đình Diệm   Hát bội (hình trên hết) trong lễ Rija Chăm dưới thời Minh Mệnh Biểu tượng âm dương trên trống Chăm kể từ thời Minh Mệnh   Ai cũng biết, tanaow-binai / lakei-kamei (đực cái / nam nữ) là qui luật ra mời vào thời Po Rome (1627-1651), tức là vào thời kỳ hưng thịnh của Champa, một quốc gia độc lập không bao giờ chấp nhận những yếu tố văn hoá của dân tộc Việt ở phương bắc xâm nhập vào đất nước này. Kể từ đó, là tanaow-binai / lakei-kamei (đực cái / nam nữ) là qui luật riêng của dân tộc Chăm dựa vào triết lý Linga và Yoni của Ấn Giáo, chứ không phải là qui luật chịu ảnh hưởng triết lý “âm dương” của dân tộc Việt.   3). Yếu tố biên giới Mặc dù nằm trong khu vực Đông Nam Á, nhưng dân tộc Chăm có khái niệm về biên giới hoàn toàn khác biệt so với các dân tộc khác. Theo truyền thống, biên giới Champa là ranh giới mang tính cách chính trị và tín ngưỡng, có yếu tố thần quyền trấn giữ, nhằm   • Ngân cấm bất cứ ai dùng bạo lực để xâm nhập vào lãnh thổ của mình. • từ chối mọi yếu tố văn hoá hay nghệ thuật của dân tộc khác du nhập vào lãnh thổ của mình, dù văn hoá này là triết lý âm dương của người Việt đi nữa.   Và biên giới thần quyền này vẫn còn có hiệu lực cho đến thời Việt Nam Cộng Hoà. Mặc dù chung sống trên địa bàn dân cư ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, nhưng phong tục Chăm không bao giờ chấp nhận người Kinh xây dựng nhà cửa trong biên giới thôn làng của họ. Ngay trong gia đình, con em người Chăm cũng không có quyền nói tiếng Việt, vì truyền thống Chăm xem đây là tiếng nói ngoại lai, không thể xử dụng trong biên giới văn hoá và xã hội của dân tộc này.   *   Dân tộc Chăm và Việt là hai cộng cồng chịu ảnh hưởng hai nền văn minh hoàn toàn khác biệt. Nếu dân tộc Việt có triết lý “âm dương” thì dân tộc Chăm cũng có qui luật “tanaow-binai / lakei-kamei” (đực cái / nam nữ). Đây là hai triết lý phát xuất từ hai nguồn gốc khác nhau và có hai mục tiêu hoàn toàn khác nhau.   Để giải thích cho hai thực thể đối chọi nhau nhưng không thể tách rời với nhau trong văn hoá Chăm, thì các nhà nghiên cứi nên dựa vào qui luật “tanaow-binai / lakei-kamei” để phân tích vấn đề, chứ không nên xoá bỏ qui luật “tanaow-binai / lakei-kamei” để thay vào đó triết lý “âm dương” của dân tộc Việt, không liên hệ gì với yếu tố văn hoá của dân tộc Chăm.   Theo Champaka.info  
0 Rating 1k+ views 1 like 0 Comments
Read more
By: On June 9, 2015
    VTV.vn - Sáng 7/6, tại thánh đường Mubarak, thị xã Tân Châu, An Giang, Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang đã tổ chức lễ đón mừng tháng Ramadan cho đồng bào Chăm.   Năm nay, tháng Ramadan chính thức bắt đầu từ ngày 17/6 - 17/7. Hoạt động này nằm trong 5 điều luật căn bản và bắt buộc đối với một tín đồ Hồi giáo khi đến tuổi trưởng thành. Trong khoảng thời gian này, tất cả nam nữ từ 15 tuổi trở lên vẫn làm việc bình thường nhưng phải nhịn ăn, nhịn uống vào ban ngày, không sát hại sinh vật để tu tâm dưỡng tính. Điều này nhằm thể hiện lòng yêu thương, đồng cảm giúp đỡ những người nghèo khổ. ĐBSCL hiện có hơn 1,4 triệu đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, Hoa, Khmer. Riêng tại An Giang, đồng bào Chăm là một trong bốn dân tộc lớn của tỉnh, sống nhiều nhất là tại thị xã Tân Châu và huyện An Phú, với trên 3.000 hộ, 16.000 nhân khẩu. Trong những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, đời sống đồng bào dân tộc Chăm ngày càng được nâng cao. Nhiều chính sách như hỗ trợ về nhà ở, vốn vay làm kinh tế gia đình, miễn giảm học phí cho học sinh người dân tộc... đã góp phần xây dựng các xóm ấp Chăm ngày càng khởi sắc, qua đó gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. theo vtv.vn
0 Rating 72 views 0 likes 0 Comments
Read more
By: On June 9, 2015
  Lễ hội Ramawan 2015 của cộng đồng Chăm Awal/Muslim sẽ bắt đầu từ ngày 16-18/06/2015. Tháng chay tinh tại thánh đường sẽ diễn ra từ ngày 18/06 đến 18/07/2015. Hôm nay xin gởi mọi người bài giới thiệu về Lễ hội Ramawan của người Chăm - Tác giả: Ts. Trương Văn Món (Sakaya).(Trich Sakaya, Lễ hội của người Chăm, Nxb VHDT, Hà Nội, 2003, tr.118-126)Lễ hội Ramawan: Lễ hội Ramawan của người Chăm Awal diễn ra trong thời gian một tháng, trước khi vào lễ họ thường tổ chức lễ hội trong 3 ngày đầu. Lễ hội diễn ra làm 3 phần: lễ tảo mộ (nao ghur) – lễ cúng gia tiên (ew muk kei – kèm theo hội) và lễ chay niệm tại thánh đường (mbang aek).Lễ tảo mộ (nao ghur):Làm lễ tẩy uế phần mộ và mời tổ tiên về dự lễ “cúng gia tiên” (ew muk kei) nhân ngày Ramawan. Nghi thức lễ do Po Acar thực hiện bằng những lời cầu kinh bằng tiếng Ả rập được rút ra từ kinh Koran (Kuru-ân) và một số vị đàn ông khác thuộc kinh kệ cũng ăn mặc chỉnh tề cùng với các phụ nữ van vái mời tổ tiên ông bà về dự lễ Ramawan.Lễ cúng gia tiên (ew muk kei):Sau khi tảo mộ về, họ chọn một nơi trang trọng nhất trong nhà làm bàn tổ (danok). Bàn tổ được trải chiếu hoa, để khay trầu, ấm trà, 2 cái gối nằm…Đây là nơi tạm nghĩ của tổ tiên về hưởng lễ nhân ngày Ramawan. Sau khi lập bàn tổ xong, họ dâng lễ vật lên cúng tổ tiên như bánh tét, bánh ít, chè, xôi, bánh sakaya (món lạt – kaya yuer); gà luộc, cơm canh, cá khô (món mặn – kaya klam)…Lễ vật được dâng cúng thành nhiều mâm. Mỗi một thành viên trong gia đình đều cầu khấn trong hương hồn tổ tiên phù hộ độ trì cho họ. Mâm lễ còn được dâng thành nhiều đợt. Mỗi đợt dâng lên hai mâm (mâm ngọt và mâm mặn). Trong mỗi lần dâng lễ vật vị cúng lễ luôn đọc kinh, vừa rót rượu vừa khấn vái trong khói hương trầm toả ra nghi ngút. Các vị thần linh được mời về hưởng lễ là tổ tiên bên nội và cả bên ngoại sau đó là những người thân trong gia đình đã khuất…Trong ngày cúng gia tiên (ew muk kei) những thành viên trong gia đình đều họp mặt đông đủ với hương hồn của tổ tiên. Họ luôn cầu khấn và hi vọng tổ tiên sẽ phù hộ độ trì. Kết thúc lễ này, họ mời bà con, bạn bè dự lễ cùng hưởng lễ vật, họ cùng ăn, cùng chúc tụng lẫn nhau.Hội: trong 3 ngày lễ cúng gia tiên họ thường tổ chức ngày hội. Mỗi làng palei Chăm Awal đều tổ chức giao hữu bóng đá, văn nghệ, có một sớ năm các làng còn tổ chức trò chơi dân gian như thi đội nước, bò kéo xe, kéo cày, giả gạo … Các trò chơi không chỉ lôi cuốn các thành viên trong làng mà còn có nhiều thành viên ở các làng palei khác tham gia. Ba ngày đầu cúng lễ gia tiên người Chăm Hồi giáo Bàni thực sự là ngày hội mở đầu cho lễ Ramawan.Lễ Ramawan (mbang aek):Thánh đường (sang magik) dự lễ Ramawan. Và cũng kể từ đây tẩt cả tu sĩ Po Acar cũng tập trung tại thánh đường để hành lễ trong thời gian một tháng.Hành lễ Ramawan trong thánh đường:Hành lễ Ramawan tại thánh đường được diễn ra theo các bước lễ như sau: lễ tẩy thể (mâk aia), lễ đánh trống (ataong hagar), lễ đọc kinh (wak) và lễ kết thúc (taleh).+ Lễ tẩy thể tu sĩ Acar: Trước khi vào hành lễ các tu sĩ Po Acar đều làm lễ tẩy thể. Lễ tẩy thể được diễn ra trước thánh đường. Lễ được thực hiện một lúc 9 vị tu sĩ. Mỗi tu sĩ mặc váy mình trần (áo khoác vai), tay cầm chén đồng để lấy nước tẩy thể. Nước tẩy thể được họ lấy từ giếng hoặc cái hồ ở trong khuôn viên thánh đường. Lễ tẩy thể này mang tính tượng trưng. Khi lấy được nước thì 09 vị tu sĩ đứng trên 09 miếng đá (batau khakbah) được đặt ở trước thánh đường đọc kinh làm lễ tẩy thể. Sau đó họ mặc trang phục chỉnh tề bước vào thánh đường làm lễ. Khi bước vào cửa thánh đường họ còn đọc câu kinh dài và làm nghi thức lễ của người Hồi giáo là lấy tay chạm mũi.+ Đánh trống và gọi lễ (ataong hagar): Mỗi lần thực hiện lễ trong thánh đường họ đều dùng trống (hagar) để khởi lệnh. Đánh trống lễ trong thánh đường được phân công tu sĩ cụ thể. Người đánh trống thường là cấp tu sĩ Katip hay Imam trong hàng ngũ chức sắc Chăm Awal. Trống được treo ở góc bên trong thánh đường (gần cửa ra vào). Tiếng trống gọi lễ thường bắt đầu bằng một hồi dài liên tục và kết thúc bằng 03 tiếng sau cùng. Khi tiếng trống gọi lễ (bang) kết thúc, người đánh trống được một vị tu sĩ khác đến tiếp đón về nơi dự lễ bằng cử chỉ hai người đứng cạnh nhau, hai tay chạm lên mão (mũ) và hai tai. Cuối cùng ngâm lên bài kinh và bắt đầu lễ đọc kinh.+ Đọc kinh (wak):Trong 4 bước hành lễ trên, lễ đọc kinh “wak” là quan trọng do một vị Imam hoặc Katip hướng dẫn đọc và hành lễ. Các vị tu sĩ đứng theo hàng ngang trong thánh đường, mặt hướng về hướng tây (hướng về La Mecque). Bài kinh có khi một người đọc, có khi cùng đọc tất cả và thỉnh thoảng đọc đồng thanh hoặc hô vang tiếng “Omin”. Khi đọc các tu sĩ thể hiện nhiều thao tác khác nhau như bái lạy, qùy, đứng, tay thì lần từng hạt chuỗi (mặc khải). Kết thúc một lần đọc kinh thì các tu sĩ thường ngồi lại thành vòng tròn. Từng vị tu sĩ tham gia lễ trong thánh đường đều bắt tay nhau, rồi đưa tay chạm vào mũi. Đây là nghi thức chào nhau thân thiện mà thường gặp ở các tín đồ Hồi giáo thế giới.Trong lúc các tu sĩ hành lễ thì bà con trong làng thường dâng lễ cho vị thần Auloah (Alla) như têm trầu, cây nến bằng sáp ong để thắp sáng… để biết ơn đến thánh Alla và cầu may, cầu tài lộc. Những gia đình có tu sĩ thì còn đội lễ vật như cơm, bánh trái đến thánh đường để các tu sĩ dùng về đêm.Hành lễ Ramawan kéo dài trong một tháng. Trong tháng lễ họ còn chia ra làm nhiều giai đoạn (tiểu lễ) khác nhau như sau:Lễ ngày thứ sáu (harei jama-ah): Trong tháng lễ Ramawan họ tổ chức 4 lần đọc kinh lễ ngày thứ sáu. Nghi thức lễ cũng tương tự như đã trình bày trên, chỉ khác ở chỗ là chủ lễ đọc kinh trong ngày thứ sáu là vị Katip, lễ vào giờ kinh (wak)- hướng về thánh Mohamat. Nghi thức hành lễ này khá long trọng, vị katip phải đứng vào bục giảng trong thánh đường (mrong), tay cầm gậy lễ (gai bhaong) và cuốn sách giảng kinh Koran. Khi bài giảng kinh kết thúc thì tín đồ dâng lễ vật (xôi, chè) lên thánh đường. Các tu sĩ ngồi quây quần lại bên nhau cùng đọc kinh và đốt chén lửa xông hương trầm kết thúc bài lễ kinh.Lễ kinh vào ngày thứ năm (Harei pok jip): Lễ này cũng được thực hiện trong ngày thứ năm hàng tuần. Nghi thức hành lễ, đọc kinh dâng lễ vật cũng tương tự như lễ thường ngày trong thánh đường. Chỉ khác ở chỗ là lễ này đọc kinh vào giờ kinh Esha và cuối cùng có đọc thêm 5 kinh lễ cầu cúng tổ tiên tương tự như lễ cúng gia tiên ở phần đầu (mbang muk kei).Lễ Muk trun, Ong trun: Lễ Ramawan kết thúc 15 ngày đầu gọi là “Nữ thần gian thế” (Muk trun) và từ ngày thứ 20 trở đi đến cuối tháng là lễ “Nam thần” giáng thế (Ong trun). Nghi thức hành lễ của các lễ này cũng tương tự như các nghi thức lễ ngày thứ sáu hàng tuần đã trình bày. Đặc biệt sau lễ “Muk trun” là mốc thời gian báo hiệu các tín đồ ở làng Chăm (kể cả Chăm Awal và Chăm Ahier) đã hết thời kỳ kiêng cữ, chay tịnh. Họ sẽ được phép sát sinh, cúng tế thuộc về lễ nghi tín ngưỡng dân gian Chăm. Còn sau lễ “Ong trun” bà con trong làng có tục dâng gạo (tuh brah) ở thánh đường để các tu sĩ làm lễ bố thí cho người nghèo. Trong lễ Ong trun này các tu sĩ còn thực hiện lễ nghi cho các tín đồ như lễ “Palek kalam” cho các cháu trai đã làm lễ cắt da quy đầu (katat) theo tập tục của Hồi giáo…Các tín đồ có tuổi trưởng thành, buộc phải qua nghi lệ này mới được phép dự lễ đọc kinh tảo mộ, cúng gia tiên (ew muk kei)..+ Lễ kết thúc Ramawan (taleh Ramawan): Lễ Ramawan kết thúc vào ngày thứ 30 tháng 9 của tháng lễ chay tịnh. Ngày kết thúc lễ được tổ chức rất long trọng trong thánh đường. Ngoài việc tổ chức đọc kinh Koran như thường lệ và cầu những điều tốt lành cho dân làng (giờ kinh Subahik); họ còn tổ chức lễ rước gậy thần Auloah (Alla); làm lễ thăng quan tiến chức cho các vị tu sĩ trong thánh đường (Imam, Katip). Ngày cuối cùng của tháng lễ, ngoài việc tín đồ trong làng tổ chức ăn cơm bố thí (cơm, trứng luộc và muối mè) gọi là “lithei yakat” của các vị tu sĩ, dân làng còn dâng lễ vật, mỗi tín đồ dâng 2 mâm lễ (một mặn, một ngọt)… lên thánh đường để cúng lễ thánh Auloah (Alla) rồi kết thúc lễ Ramawan.Tóm lại: Lễ Ramawan là lễ hội lớn nhất của người Chăm Awal/Bani – người Chăm ảnh hưởng Hồi giáo. Lễ hội nguyên gốc của nó chỉ là lễ đơn thuần cho mùa chay niệm của tín đồ Hồi giáo vào tháng 9 Hồi lịch. Thế nhưng khi người Chăm tiếp nhận, họ đã cải biên lại thành lễ hội mang bản sắc của riêng mình. Do vậy lễ Ramawan của người Chăm không chỉ là lễ chay niệm, đọc kinh cầu nguyện thánh Alla một ngày 5 lần mà nó còn kết hợp với lễ cúng gia tiên, tục dâng gạo, lễ cúng nữ thần giáng thế – một tín ngưỡng thờ mẫu có nguồn gốc bản địa có từ lâu đời của người Chăm đã hiện diện trong lễ Ramawan. Hơn thế nữa, trong lễ hội Ramawan, các tín đồ còn được phép múa hát – một loại hình sinh hoạt khó có thể chấp nhận trong luật của Hồi giáo nhưng cuối cùng cũng hội nhập vào lễ Ramawan. Những yếu tố trên đã kết hợp, dung hoà lại với nhau tạo cho lễ Ramawan trở thành một lễ hội đặc sắc của người Chăm, góp phần làm phong phú và đa dạng sắc màu độc đáo của lễ hội Chăm.P/s: Hình ảnh được chụp tại Palei Ram( Văn Lăm-Ninh Thuận) - Ramawan 2010 theo facebook.com
0 Rating 139 views 0 likes 0 Comments
Read more
By: On June 5, 2015
Ts. Po Dharma Đại Hội Champa 2015 là diễn đàn dành cho thanh niên Chăm để định hướng lại thế nào là vai trò của họ đối với sự sống còn của dân tộc Chăm trong thế kỷ thứ 21. Trên diễn dàn có nhiều bài phát biểu, trong đó có bài phát biểu bằng tiếng Anh của Pgs. Ts. Po Dharma, một nhà nghiên cứu chuyên về lịch sử và nền văn minh Champa mà chúng tôi chuyễn ngữ sang tiếng Việt.     Những biến cố quan trọng trong lịch sử Champa   Pgs. Ts. Po Dharma (Viện Viễn Đông Pháp)   Champa là một vương quốc cổ chịu ảnh hưởng nền văn minh Ấn Giáo, nằm ở miền Trung Việt Nam kể từ thế kỷ thứ 2. Vương quốc Champa theo thể chế liên bang, tập trung 5 tiểu vương quốc: Inrapura, Amaravati, Vijaya, Kauthara và Panduranga. Dân tộc Champa bao gồm dân tộc Chăm ở vùng đồng bằng và người Tây Nguyên sinh sống ở miền cao. Mỗi dân tộc thường đóng một vai trò riêng biệt trong hệ thống tổ chức chính trị và xã hội của quốc gia này.   Theo kết quả điều tra dân số năm 2009, dân tộc Chăm Việt Nam có hơn 160 000 người và Chăm ở Campuchia, khoảng 200 000. Riêng về người Tây Nguyên, dân số ước tính khoảng hơn một triệu người.   Tổ chức chính trị và xã hội   Trong suốt chiều dài của lịch sử, vương quốc Champa chịu ảnh hưởng của hai nền văn minh riêng biệt. Trước 1471, tức là năm đánh dấu ngày thất thủ thành Đồ Bàn (Vijaya) trước đoàn quân hùng mạnh của Việt Nam, Champa là vương quốc hoàn toàn theo nền văn minh Ấn Giáo, từ phong cách sinh hoạt xã hội, cách cấu trúc gia đình hoàng gia cho đến hệ thống tổ chức tín ngưỡng và ngôn ngữ Phạn. Sau 1471, Champa tìm cách xa lánh dần dần những yếu tố văn hóa và tôn giáo vây mượn từ Ấn Độ để tạo cho mình một nền văn minh mới dựa vào các yếu tố mang tính cách bản địa của tiểu vương quốc Panduranga, pha trộn với nền văn hóa Hồi Giáo do người Mã Lai mang đến kể từ thế kỷ XVI.   Lịch Sử   Trong suốt 800 năm tồn tại từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 10, Champa là một quốc gia hòa bình và thịnh vượng. Sự ra đời của trung tâm Ấn Giáo vô cùng đồ sộ ở Mỹ Sơn (thế kỷ thứ 4-13) được UNESCO công nhận vào năm 1999 là di sản văn hoá của nhân loại và công trình xây dựng nhiều cơ sở Phật Giáo ở Đồng Dương (thế kỷ thứ 8-9) cho thấy rằng Champa là vương quốc có nền văn minh cao độ.   Sự chuyển mình của Việt Nam trên bàn cờ chính trị ở Đông Dương sau ngày độc lập vào cuối thế kỷ thứ 10, là móc ngoặc mới cho tương lai của vương quốc Champa. Kể từ đó, lịch sử của Champa hoàn toàn bị chi phối bởi các cuộc chiến đẫm máu chống lại chính sách mở rộng đât đai về phía nam của dân tộc Việt.   Năm 1069 đánh dấu sự thất bại đầu tiên của Champa trước cuộc nam tiến của Việt Nam. Vào năm đó, Việt Nam đã thành công thôn tính lãnh thổ của Champa nằm ở hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.   Trong suốt 237 năm đấu tranh để khôi phục lại lãnh thổ bị chiếm đóng vào năm 1069, vương quốc Champa không đạt đến mục tiêu, nhưng cũng không mất một tắt đất đai của mình. Tiếc rằng, vì lời hứa kết hôn với công chúa Huyền Trân, vua Jaya Simhavarman III chấp nhận giao nhượng cho Việt Nam vào năm 1306, một phần lãnh thổ của mình nằm trong khu vực Thừa Thiên-Huế.     Một thế kỷ rưỡi sau đó, tức là vào năm 1471, Việt Nam phát động một chiến dịch quân sự hùng mạnh nhằm tiêu huỷ thủ đô Vijaya (Bình Định), tức là trung tâm quyền lực chính trị và tôn giáo của vương quốc Champa và di dời biên giới phía nam của mình đến đèo Cù Mông (phía bắc Phú Yên).   Từ trái sang phải: Sary (Châu Đốc), Po Dharma, Farina So (Campuchia), Châu Văn Triển (Ninh Thuận), Từ Công Thu (Ninh Thuận), Gs. Coroline Valverde   Theo chúng tôi, sự thất thủ thành Đồ Bàn vào năm 1471 không đánh dấu cho sự suy vong của vương quốc Champa, mà là sự sụp đổ của nền văn minh Ấn Giáo đã từng thống trị đời sống chính trị và tâm linh của dân tộc Champa trong suốt 13 thế kỷ.   Và sau ngày thất thủ Vijaya vào năm 1471, cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt phải đối mặt với sự kháng cự vô cùng mãnh liệt của nhân dân Panduranga, một tiểu vương quốc nằm phía nam của Champa. Bởi vì Việt Nam phải mất hơn ba thế kỷ rưỡi để chiếm trọn lãnh thổ đất đai của tiểu vương quốc nhỏ bé này.             Năm 1611, Việt Nam xua quân xâm chiếm Phú Yên và tiến vào Nha Trang vào 1653. Ba năm sau, tức là năm 1658, Việt Nam chiếm đóng Saigon và đưa đẩy Champa vào một tình thế địa dư mới: Vương quốc Champa đã trở thành một vùng trái độn nằm ngay trong lãnh thổ của Việt Nam.   Năm 1692, Việt Nam mở thêm cuộc tấn công chống lại vương quốc này, thay đổi tên gọi Champa (Chiêm Thành) thành Trấn Thuận Thành và biến Champa thành quốc gia đặt dưới quyền bảo hộ của triều đình Huế.   140 năm sau, tức là năm 1832, hoàng đế Minh Mệnh quyết định xóa bỏ danh xưng Champa trên bản đồ Đông Dương và khởi động chiến dịch tiêu diệt dân tộc Champa vô cùng dã mang và tàn bạo về tội theo Lê Văn Duyệt để chống lại triều Huế.   Vào năm 1841, hoàng đế Thiệu Trị bãi bỏ chính sách của vua cha (Minh Mệnh) đối với người Chăm và ban cho dân tộc này một qui chế tự trị dưới lá cờ của Huyện Thổ Dân, tức là huyện dành riêng cho người Chăm bản địa.   Tình hình sau năm 1832   Vào cuối thế kỷ XIX, chính quyền Pháp ở Đông Dương đưa ra chính sách nhằm bảo vệ dân tộc Tây Nguyên và Chăm trước mối đe dọa của sự diệt chủng. Ngày 27-5-1946 chính quyền Pháp hình thành “ Quốc gia người Thượng ở miền nam Đông Dương” (Pays Montagnard du Sud Indochinois-PMSI), tức là lãnh thổ tự trị dành dành cho dân tộc Tây Nguyên, đặt dưới quyền kiểm soát của chính phủ Pháp thuộc.   Ngày 21-5-1951, “Quốc gia người Thượng ở miền nam Đông Dương” trở thành khu vực “Hoàng Triều Cương Thổ” của triều đình Huế, nhưng hưởng quyền tự trị đặt dưới quyền chỉ đạo của chính phủ Pháp.   Cũng vào thời điểm đó, dân tộc Chăm trở thành cộng đồng đặt dưới quyền cai trị của chính phủ Pháp ở Đông Dương, theo Hiệp ước Harmand đã ký vào ngày 25-8-1883 tại Huế. Theo hiệp ước này, người Chăm nộp thuế trực tiếp cho chính phủ Pháp và có một lãnh thổ tự trị do người Chăm quản lý.   Năm 1955, Ngô Đình Diệm lên nắm quyền ở miền Nam Việt Nam, đưa hàng trăm ngàn người Việt lên định cư ở vùng cao nguyên Champa. Biến cố này đã làm đảo lộn hoàn toàn hệ thống tồ chức xã hội và gia đình của người dân bản địa, kéo theo những cuộc xung đột hàng ngày giữa hai dân tộc: Việt và Tây Nguyên.   Trước sự hiện diện quá đông đảo của người Kinh trên cao nguyên, người Thượng và Chăm tìm cách vùng dậy để bảo vệ lợi ích kinh tế và quyền tự quyết của mình dưới ngọn cờ của phong trào Bajaraka ra đời vào năm 1955 và tổ chức vũ trang Fulro vào năm 1964.   Để giải quyết những yêu sách của Fulro, chính quyền Sài Gòn công nhận phong trào Fulro là một lực lượng đấu tranh chính trị có pháp lý để bảo vệ quyền lợi của người dân bản địa. Ngày 16-12-1967, chính quyền Sài Gòn ký nghị định hình thành Bộ Phát Triển Sắc Tộc có trách nhiệm điều hành các chương trình có mối liên hệ với dân tộc Tây Nguyên và Chăm, và chấp nhận Bộ Trưởng của Bộ Phát Triển Sắc Tộc là người bản địa đã từng tham gia trong phong trào Fulro. Thông qua chính sách này, dân tộc Tây Nguyên và Chăm có cơ hội để làm chủ trên định mệnh của mình, tìm lại bản sắc chính trị, văn hóa và nhân phẩm của họ với tư cách là người dân bản địa.   Tình hình dưới chế độ cộng sản   Năm 1975, đoàn quân miền bắc chiếm đóng miền nam và xây dựng chế độ theo chủ nghĩa cộng sản. Biến cố này đã làm đảo lộn hoàn toàn hệ thống tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, đạo đức và tâm linh của dân tộc Tây Nguyên và Chăm.   Trước năm 1975, dân tộc Tây Nguyên và Chăm sống chủ yếu về ngành nông nghiệp và hưởng qui chế tự trị. Cũng nhờ qui chế đặc biệt này, dân tộc Tây Nguyên và Chăm làm chủ tuyệt đối trên nền kinh tế của mình và nắm sẳn trong tay bao quyền lực để phát triển các cấu trúc xã hội và gia đình của họ và sống một cuộc sống thanh bình và thịnh vượng.   Vừa nắm chính quyền vào năm 1975, chế độ cộng sản quyết định xoá bỏ quyền sở hữu của người Thượng và Chăm, tịch thu tất cả đất đai tư nhân và cộng đồng của dân tộc này nhưng không bồi thường một cách thỏa đáng những tài sản của họ bị tịch thu.   Đối với người Chăm và Tây Nguyên, quốc hữu hóa đất đai của dân tộc bản địa không phải là cuộc cải cách đất đai để xóa bỏ sự độc quyền về kinh tế, mà là hành động cướp đoạt tài sản của họ bằng vũ lực một cách trắng trợn.   Sống trong chế độ không công ăn việc làm và cũng không có quyền sở hữu đất đai, người Chăm và người Thượng trở thành tập thể đang lâm vào cảnh nghèo đói và bần cùng.Tình hình kinh tế thảm khốc này đã buộc các giới thanh niên bản địa rời khỏi thôn làng để tìm công ăn việc làm trong các thành phố lớn. Lợi dụng cơ hội này, các công ty Việt Nam không ngừng tìm cách biến giới thanh niên Chăm và Tây Nguyên trở thành tập thể nô lệ của thời đại mới: nộ dịch vô cùng vất vả với đồng lương vô cùng thấp, nhưng còn bị đối xử tồi tệ và không có bảo hiểm y tế một khi bệnh tật hay gặp tai nạn.   Người dân bản địa vốn đã nghèo lại càng nghèo thêm. Để tìm miếng cơm sống qua ngày,người Chăm và Tây Nguyên phải tìm cách vây mượn tiền bạc người Kinh để phát triển kinh tế với số lãi vượt hơn 100% hàng năm. Vì không có phương tiện để trả nợ, người dân bản địa chỉ còn có cách là mang cả đất đai và tài sản của mình để nộp cho chủ nợ người Kinh.   Nghèo đói và bần cùng là hai yếu tố có tầm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và nền giáo dục của những người Thượng và Chăm. Đối với dân tộc này, mối quan tâm chính của họ không phải là vấn đề giáo dục đối với con em của họ, mà là làm thế nào để tìm được 15.00 đola mỗi tháng hầu nuôi gia đình.   Sống trong một đất nước mang danh nghĩa là Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, người Chăm và Tây Nguyên không được hưởng qui chế bảo hiểm xã hội một khi lâm vào bệnh tật hoặc tai nạn. Để được có giấy phép vào bệnh viện, người Thượng và Chăm phải nộp trước tiên tiền lệ phí đăng ký, chi phí thuốc men và giường ngủ. Nếu không có phương tiện tài chính, người dân bản địa không có quyền hưởng sự chăm sóc thuốc men cần thiết, một khi lâm vào bệnh tật.   Trong lúc các cuộc cải cách ruộng đất đang tiến hành vào năm 1975, nhà nước Việt Nam tung ra hàng loạt bộ máy cải tạo nhằm biến người Tây Nguyên và Chăm thành tập thể vô sản, luôn luôn trung thành với chế độ cộng sản. Chính quyền Hà Nội còn ngân cấm những người dân bản địa phát triển di sản văn hóa và tôn giáo của họ mà Đảng Cộng sản xem đó là các tập tục mê tín dị đoan.   Việt Nam là quốc gia theo chế độ độc tài và đảng trị, ngân cấm quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp. Những nhà bất đồng chính kiến luôn luôn bị sách nhiễu, hăm dọa, tra tấn và bỏ tù. Đối với chính quyền Hà Nội, dân tộc Chăm và Tây Nguyên chỉ là thành phần ủng hộ chế độ cũ Sài Gòn, là nhóm đánh thuê cho quân đội Mỹ và là những kẻ phản động theo tổ chức Fulro. Chính vì nguyên nhân đó mà hai dân tộc bản địa này đã trở thành nạn nhân đầu tiên của chế độ cộng sản.   Đàn áp tôn giáo, hạn chế tự do, hoàn cảnh nghèo đói và bần cùng đã trở thành yếu tố cơ bản giải thích cho những cuộc vùng dậy lớn của những người Tây Nguyên vào năm 2001 và 2004 nhằm chống lại chính sách của Hà Nội, kéo theo phong trào di dân lớn của người Thượng sang Campuchia.   Ts. Po Dharma đang ký tặng tác phẩm Lịch sử Champa     Kết Luận   Việt Nam là quốc gia đã ký vào Tuyên Ngôn của Liên Hiệp Quốc về “Quyền của dân tộc bản địa”, được thông qua vào năm 2007. Kể từ khi ban hành Tuyên Ngôn của Liên Hiệp Quốc, chính quyền Hà Nội chưa thực hiện một dự án gì để cải thiện tình hình của dân tộc Chăm và Tây Nguyên bản địa tại quốc gia này.   Hôm nay, Việt Nam vẫn tiếp tục lặp đi lặp lại rằng người Chăm và Tây Nguyên hôm nay chỉ là thành phần dân tộc thiểu số, chứ không phải người dân bản địa, mặc dù hai dân tộc này đã có mặt ở miền Trung Việt Nam kể từ thế kỷ thứ hai. Thái độ này đã chứng minh rằng chữ ký của Việt Nam trên bản Tuyên Ngôn về "Quyền của dân tộc bản địa" chỉ là hiệp ước quốc tế không có giá trị gì.   Sau năm 1975, các cơ cấu tổ chức kinh tế, xã hội và gia đình của người Tây Nguyên và Chăm đang đối mặt với bao sự thay đổi, kể từ khi cộng sản lên nắm chính quyền. Thêm vào đó, chính quyền Hà Nội xoá bỏ quyền tự quyết dành cho người Tây Nguyên và Chăm được ban hành dưới thời Việt Nam Cộng Hoà. Việc bãi bỏ qui chế đặc biệt này không cho phép người dân bản địa có quyền tự do phát triển hệ thống kinh tế, xã hội, gia đình và văn hóa của họ nữa.   Vì quá đơn phương đối mặt với chính sách “Việt Nam hóa” của chế độ cộng sản, không ai có thể tiên đoán rằng liệu dân tộc Tây Nguyên và Chăm có thể tồn tại với tư cách là người dân bản địa tại Việt Nam trong những thập niên sắp tới của thế kỷ 21 này. theo Champaka.info
0 Rating 862 views 1 like 0 Comments
Read more
By: On May 31, 2015
  Tại cuộc hội thảo về Champa tại UC Davis ngày 24/5/2015 có một diễn giả chính đến từ Pháp là Tiến sĩ Po Dharma, một chuyên gia về lịch sử Champa. Ông dành cho Kính Hòa cuộc phỏng vấn liên quan đến các vấn đề của dân tộc Chăm hiện nay. Trước tiên ông cho biết Tiến sĩ PoDharma: Dân tộc Chăm hôm nay có hai vấn đề quan tâm nhất. Thứ nhất là người thanh niên Chăm sống tại hải ngọai này làm thế nào để họ có một vai trò trong di sản của họ, trong tiếng nói của họ. Hầu hết họ sang bên Mỹ hay bên Pháp đều không biết tiếng Việt, không biết tiếng Chăm, cho nên chúng tôi muốn làm cách nào đưa đến cho họ di sản văn hóa Champa, những tác phẩm về Champa bằng tiếng Anh. Người Chăm hôm nay có khỏang 100 ngàn người ở Việt nam, 400 ngàn người ở Cam Pu Chia, 5 hay 6 chục ngàn ở Mã Lai, vấn đề của họ là thế kỷ 21 này họ có còn sống được hay không. Kế đến là dân tộc Chăm hiện nay ở Việt nam với vấn đề dân tộc bản địa, có thể duy trì văn hóa của họ trong một chế độ mà chúng tôi gọi là độc tài đảng trị hay không. Không phải họ muốn đòi lại độc lập quê hương, đó không phải là vấn đề của họ. Vấn đề duy nhất của họ là đòi hỏi chính phủ Việt nam công nhận họ là một phần của dân tộc Việt nam, lịch sử của họ là lịch sử Việt nam chứ không nằm bên lề lịch sử Việt nam. Kính Hòa: Về mặt chính thức chính phủ Việt nam lúc nào cũng nói rằng Việt nam gồm 54 dân tộc trong đó có dân tộc Chăm. Ở đây có thể nói gì về điều đó? Tiến sĩ Po Dharma: Chính phủ Việt nam cứ cho chúng tôi là một dân tộc phản động, đòi hỏi quá đáng, rồi tay sai bên ngòai. Không chúng tôi không đòi hỏi quá đáng. Dưới thời Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định, Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, rồi Đệ nhất, Đệ nhị cộng hòa, nhà nước Việt nam công nhận dân tộc Chăm là dân tộc bản địa, hay là thổ dân, có đất đai riêng, phong tục tập quán riêng, có lãnh tụ riêng, do nhà nước Việt nam chỉ định nhưng phải đuợc sự đồng ý của nhân dân Chăm. Sau năm 1975 chế độ chính trị của Hà nội hòan tòan phủ nhận mọi qui chế đặc biệt đó. Vậy nên chúng tôi yêu cầu nhà nước Việt nam hôm nay công nhận chủ quyền của người Chăm trên đất đai của họ, trên đền tháp của họ, trên di sản văn hóa của họ do người Chăm quản lý. Dân tộc Chăm có quyền mở cửa hành lễ trên đền tháp của họ, vậy mà mỗi lần hành lễ cũng phải xin phép. Đây là đền tháp của chúng tôi.   Tiến sĩ Po Dharma đến từ Pháp . Photo RFA   Kính Hòa: Về phía nhà nước Việt nam thì người ta cũng nói là có đại biểu quốc hội là đại diện cho người Chăm. Tiến sĩ Po Dharma: Chúng tôi cám ơn nhà nước Việt nam đã cho chúng tôi một cái ghế gọi là dân biểu Chăm. Chúng tôi không phủ nhận cái đó. Vấn đề là họ đại diện cho chúng tôi để làm cái gì trong Quốc hội? Dân biểu của chúng tôi do nhà nước chỉ định làm theo nhà nước, chứ không có giai trò gì hết. Kính Hòa: Thưa những suy nghĩ, kiến nghị, hay là những mong muốn đó từ những tổ chức người Chăm độc lập ở trong nước cũng như hải ngọai đã được đưa đến nhà nước Việt nam chưa? Tiến sĩ Po Dharma: Nói thật ra cho đến hôm nay chúng tôi có tiếp xúc với dân biểu từ Hà nội xuống tiếp xúc cử tri, nhưng họ chỉ nói nhũng gì đảng và nhà nước muốn. Trước khi nói thì chế độ bảo không được nói cái này, không được nói cái kia. Mặc dù cùng sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa Việt nam nhưng chúng tôi như ở ngòai lề, không có tiếng nói gì hết. Đó là những vấn đề chúng tôi muốn người Việt ở hải ngọai, người Việt trên tòan thế giới giúp đỡ chúng tôi, một dân tộc đang bị khó khăn trở ngại. Một mình chúng tôi không làm được, chúng tôi muốn người Việt ở cộng đồng hải ngọai lên tiếng giúp đỡ chúng tôi, một trong những dân tộc anh em.   Cụm tháp Po Klong Garai của người chăm xây dựng vào thế kỷ thứ 13   Kính Hòa: Xin Tiến sĩ câu hỏi cuối là trở lại với lịch sử Champa thì có ý kiến cho rằng học sinh Việt nam ngày nay từ miền Bắc cho đến miền Nam, ngòai những triều đại ở Thăng Long cũng nên học các triều đại Simhapura, Indrapura (Quảng Nam.) Ý kiến đó cũng được nhiều trí thức Chăm trong nước ủng hộ, Tiến sĩ đánh giá thế nào về việc đó? Tiến sĩ Po Dharma: Vấn đề hôm nay tôi thấy đối với người trí thức trẻ, không chỉ người Chăm mà còn cả người Việt, ai cũng thấy là có một dân tộc Chăm. Chính phủ Việt nam cũng cho xây một cái đền Chăm y hệt ngay tại Hà nội, một hành động công nhận dân tộc Chăm. Tiếc rằng nhà nước Việt nam không đề cập đến lịch sử Champa, hoặc chỉ có hai hàng thôi trong sách giáo khoa, trong khi đó nhà nước lại chuẩn bị đưa tiếng Tàu vào trường học. Cái điều đó người ta không hiểu. Mà khi nói đến lịch sử Việt nam thì phải có lịch sử Champa trong đó, từ Quảng bình, quãng Ngãi, Bình định,… Lịch sử Việt nam không thể tách rời khỏi lịch sử Champa. Kế đến là hôm nay nhà nước Việt nam luôn chủ trương dâ tộc đòan kết, Việt Chăm đòan kết. Vậy mà đòan kết thì đòan kết, nhà nước Việt nam quên mất lịch sử Champa trong sách Việt nam. Cái đó chúng tôi không hiểu là tại sao bỏ lịch sử Champa ra ngòai? Dân tộc Việt nam cần biết lịch sử Champa, người Chăm cần biết lịch sử Việt nam rõ rang. Như vậy cả hai mới sống với nhau được, không nghi ngờ, chia rẽ nhau. Lịch sử là một yếu tố quan trọng đối với con gười như một yếu tố tâm linh vậy, cần biết lịch sử để mà hiểu nhau. Đó là một vấn đề mà chúng tôi mong muốn các trí thức người Việt lên tiếng để lịch sử Champa được giảng dạy trong trường học, đó là một vấn đề mà chúng tôi sẽ luôn luôn tranh đấu để đạt được. "Tiếc rằng nhà nước Việt nam không đề cập đến lịch sử Champa, hoặc chỉ có hai hàng thôi trong sách giáo khoa, trong khi đó nhà nước lại chuẩn bị đưa tiếng Tàu vào trường học. Cái điều đó người ta không hiểu" Tiến sĩ Po Dharma Kính Hòa: Xin cảm ơn Tiến sĩ đã giành thời giờ cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này. Theo rfa.org
0 Rating 479 views 0 likes 0 Comments
Read more
By: On May 31, 2015
Ngày 13 tháng 5/2015 tại Đại sứ quán Thụy sĩ ở Hà nội có diễn ra một cuộc hội thảo về văn hóa và lịch sử Champa do nhà thơ Inrasara trình bày. Kết thúc buổi hội thảo nhà thơ dành cho Kính Hòa buổi phỏng vấn sau đây. Đầu tiên ông nói về buổi hội thảo. Nhà thơ Inrasara: Có thể nói là buổi nói chuyện thành công. Thứ nhất là lượng người tham dự, phòng họp nhỏ chỉ khoảng 60 người hết chổ, có người phải đứng bên ngoài. Thứ hai là đề tài hấp dẫn đối với các nhà văn, nhà báo, những vị đại sứ, những nhà trí thức ở Hà nội, về những điều mới, những điều chưa biết. Thứ ba nữa là những câu hỏi người ta đặt ra rất trí tuệ. Kính Hòa: Những điều mà nhà thơ nói là chưa được biết là những điều gì ạ? Nhà thơ Inrasara: Tôi đặt tên cho buổi nói chuyện là: “Người Chăm đóng góp gì vào nền văn hóa đa dân tộc Việt nam?” Đó là đề tài mà ít được sách báo nhắc đến, nhất là sách báo chính thống. Ví dụ như nền hải sử của Champa đã đóng góp, bổ khuyết vào lịch sử Việt nam. Hoặc là văn hóa biển của Champa nó làm cho văn hóa Việt nam đầy tràn. Hoặc là văn học của Chăm cũng vậy, nó có nhiều điều mà văn học Việt nam không có. Ngoài ra còn các đặc trưng văn hóa khác như giếng Chăm hình vuông, gốm Chăm, ngôn ngữ, thổ cẩm, đương nhiên không thể không nhắc tới các đền tháp, các lễ hội và điệu múa, đóng góp vào nền văn hóa đa dân tộc Việt nam. Kính Hòa: Theo chiều hướng đó thì nhà thơ có thấy rằng việc học lịch sử Chăm, đặc biệt là lịch sử biển của dân tộc Chăm ở Việt nam hiện nay là chưa đầy đủ không ạ? Nhà thơ Inrasara: Đúng rồi, lịch sử chính thống ở Việt nam chưa nhắc nhiều về người Chăm. Chưa in sách nhiều về lịch sử Chăm, nhất là nền hải sử của Champa xưa cũ. Người Chăm đi biển sớm và đi xa, trong khi người Việt chưa có truyền thống viễn dương. Cho nên điều đó rất là cần thiết đối với lịch sử Việt nam. Nhưng mà theo tôi biết thì những trí thức lớn, những chuyên gia cũng chưa nhận diện được hết sự đóng góp của nền hải sử Champa đóng góp vào sự toàn vẹn của lịch sử Việt nam. Đó là một điều đáng tiếc. Kính Hòa: Cũng có ý kiến cho rằng là thế hệ trẻ Việt nam hiện nay nên học ngoài các triều đại ở Thăng Long cũng nên học về các triều đại ở Đồng Dương, Bình định… Nhà thơ Inrasara: Cái đó là hoàn toàn đúng vì nước Việt nam ngày nay được hình thành từ hai Vương quốc cổ là Đại Việt và Champa, và một phần Thủy Chân lạp. Và mỗi Vương quốc có một nền văn minh riêng, chính điều đó làm cho nền văn minh của Việt nam nó giàu sang hơn. Cho nên nếu học lịch sử Việt nam mà chỉ học các triều đại ở đồng bằng Bắc bộ, của Đại Việt, thì nó không đầy đủ và nó thiếu sót rất lớn. Bởi vậy, sinh viên Việt nam sẽ hỏi là nước Việt nam hiện hình chữ S đầy như vậy, từ đâu ra? Thì giáo sư sẽ trả lời như thế nào? Nếu mà trong sách giáo khoa, trong giáo trình không có những triều đại ở miền Trung như Đồng Dương, Vijaya, hoặc các triều đại ở miền Nam, thì nền sử học đó thiếu sót rất là lớn. Và nó tạo một lỗ hổng về sự nhận diện của thực tại Việt nam hôm nay. Kính Hòa: Thế thì cái gì trở ngại làm cho chương trình sử Việt nam chưa bao gồm các triều đại Champa hay Chân Lạp? Nhà thơ Inrasara: Thứ nhất, quan trọng nhất là người ta sợ sự thật. Đó là một điều rất quan trọng. Tại sao lại sợ sự thật lịch sử? Lịch sử đã qua rồi, và khi Việt nam bây giờ tạo thành một đất nước thống nhất như thế này, thì chúng ta học quá khứ để có thể nhận diện được thực tại hôm nay nó chính xác hơn và nó toàn vẹn hơn. Đó là tâm lý sợ hãi, một sự sợ hãi hoàn toàn không cần thiết. Nếu chúng ta giấu đi sự thật lịch sử, đừng nói là sự thật hôm nay, mà là sự thật hôm qua, mà chúng ta giấu đi, thì chỉ thiệt hại cho chúng ta. Chẳng những chúng ta không nhận diện được sự thật toàn vẹn mà chúng ta còn lừa dối thế hệ trẻ, theo tôi đó là điều đáng tiếc. Kính Hòa: Vài ngày tới đây tại California sẽ diễn ra một cuộc hội thảo về cộng đồng Champa trên toàn thế giới, trong đó có rất nhiều bạn trẻ. Với tư cách một thành viên của cộng đồng Champa trong nước, nhà thơ nhận xét như thế nào về sự phát triển và sức sống của cộng đồng Cham trên toàn thế giới? Nhà thơ Inrasara: Cộng đồng người Chăm lưu vong là có suốt trong quá trình lịch sử, đi rất xa. Người Chăm có sống ở Hải nam bên Trung quốc, ở Thái Lan, Campuchia, Mã Lai, và sau 75 thì còn sống ở Mỹ và các quốc gia Tây phương, Người Chăm vẫn nhớ về cội nguồn, vẫn tổ chức được đại hội toàn thế giới thì đó là một điều đáng mừng. Tôi có theo dõi nhiều đại hội khác nhau, mặc dầu ở những đại hội trước có nhiều trục trặc không nên, nhưng điều mà người Chăm vẫn nhớ về nhau, để đoàn kết, để tạo thành một đại hội, hướng về nơi mà họ từng ra đi thì đó là điều rất vui sướng đối với tôi. Kính Hòa: cám ơn nhà thơ đã giành cho chúng tôi thời gian tực hiện cuộc phỏng vấn này. "Nước Việt nam ngày nay được hình thành từ hai Vương quốc cổ là Đại Việt và Champa, và một phần Thủy Chân lạp. Và mỗi Vương quốc có một nền văn minh riêng, chính điều đó làm cho nền văn minh của Việt nam nó giàu sang hơn Nếu chúng ta giấu đi sự thật lịch sử, đừng nói là sự thật hôm nay, mà là sự thật hôm qua, mà chúng ta giấu đi, thì chỉ thiệt hại cho chúng ta. Chẳng những chúng ta không nhận diện được sự thật toàn vẹn mà chúng ta còn lừa dối thế hệ trẻ, theo tôi đó là điều đáng tiếc" Nhà thơ Inrasara theo rfa.org
0 Rating 489 views 0 likes 0 Comments
Read more
By: On April 30, 2015
theo vovworld.vn   (VOV5) - Dân tộc Chăm thuộc nhóm ngô ngữ Mã Lai - Đa đảo (ngữ hệ Nam Đảo), có quan hệ họ hàng với người Raglai, người Ê Đê, người Chu Ru và người Gia Rai ở Việt Nam. Người Chăm cũng có nhiều nét tương đồng về mặt tộc người với người Indonesia, người Malaisia, người Brunei... ở khu vực Đông Nam Á. Họ là những cư dân bản địa ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, đã từng kiến tạo nên một nền văn hóa rực rỡ với ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ. Phụ nữ người Chăm với trang phục truyền thống bên tháp cổ. (Ảnh: vi.wikipedia.org) Nghe nội dung chi tiết tại đây   Dân tộc Chăm ở Việt Nam hiện có hơn 160 nghìn người, sống tập trung ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và một phần ở Phú Yên, Bình Định, An Giang, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh… Người Chăm gồm nhiều nhóm địa phương, mỗi nhóm có những đặc trưng tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa rất khác nhau. Những làng Chăm nằm rải rác ở ven biển Nam Trung Bộ. Có những làng Chăm nằm e ấp bên Thánh đường uy nghiêm. Có làng thâm trầm bên ngôi chùa cổ kính. Có làng thì mọi hoạt động lễ nghi thờ cúng đều được tổ chức ở đền tháp. Sở dĩ có sự khác nhau như vậy, bởi các làng Chăm này theo các tôn giáo khác nhau. Theo ông Lê Duy Đại, Trưởng phòng Nghiên cứu và sưu tầm văn hóa Việt Nam, bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thì người Chăm ở Việt Nam gồm 4 nhóm: Ở Việt Nam, người Chăm, căn cứ theo tôn giáo, người ta phần làm 4 nhóm. Thứ nhất là Chăm Bà La Môn, bây giờ một số nhà khoa học đề nghị gọi là Chăm ảnh hưởng của Bà La Môn giáo, tức Ấn Độ giáo. Nhóm Chăm này chiếm đông nhất. Nhóm Chăm thứ 2 chiếm tương đối nữa là nhóm Chăm Bà Ni, tức là Chăm Hồi giáo cũ. Và nhóm Chăm thứ 3 là Chăm Hồi giáo mới, tức là Chăm Islam. Và nhóm Chăm không theo tôn giáo thế giới nào cả, gọi là nhóm Chăm H’roi.          Nhóm Chăm Bà La Môn và Bà Ni tập trung chủ yếu ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Người Chăm Bà La Môn còn tự gọi mình là Chăm gốc, hay Bà Chăm để phân biệt với người Chăm Bà Ni. Người Chăm Bà La Môn theo tín ngưỡng đa thần của Ấn Độ giáo, còn người Chăm Bà Ni theo Hồi giáo, thờ Thánh Ala và thiên sứ Mô-ha-mét. Tuy nhiên, Hồi giáo của người Chăm Bà Ni đã bị bản địa hóa sâu sắc, thống nhất với các yếu tố tín ngưỡng dân gian và cô lập với Hồi giáo thế giới. Nhóm Chăm Islam theo Hồi giáo chính thống, còn gọi là Chăm Hồi giáo mới, để phân biệt với người Chăm Bà Ni theo Hồi giáo cũ. Nhóm này chủ yếu ở An Giang, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh… Họ vốn là những người Chăm di cư từ Việt Nam sang Campuchia, và do những nguyên nhân khách quan, họ đã quay trở  về và sinh sống ở khu vực Nam Bộ. Ông Não Đủ, người Chăm Islam ở thôn Văn Lâm 4,  xã Phước Nam, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận so sánh phong tục của người Chăm Bà ni và Chăm Islam: Bên người Hồi giáo Islam, 1 năm là 7 ngày lễ. Trước tháng Ramadan – tháng vào Thánh đường ăn chay và trong 1 tháng đó có nửa tháng, bên Thánh đường có cúng tập thể, đi tạ mộ. Còn bên Bà Ni thì chuẩn bị Tết ăn trong vòng 3 ngày, trước khi ăn tết, họ đi tạ mộ. Đối với ăn chay của Bà Ni là họ ăn chay trong 3 ngày. Sáng sớm họ ăn, rồi nhịn mãi tới 6h chiều mới ăn lại. Chỉ ăn trong 3 ngày. Còn riêng đạo Hồi giáo Islam này là ăn trong vòng 30 ngày. 3h sáng ăn. Tới 4h rưỡi, họ bắt đầu sắm lễ rồi nhịn luôn, nhịn mãi cho tới khoảng 5 rưỡi, 6h, tùy từng ngày, họ mới bắt đầu xả chay. Ban đêm ăn vô tư, thoải mái.           Còn nhóm Chăm H’roi chủ yếu ở Bình Định, Phú Yên, không chịu ảnh hưởng của  tôn giáo nào, họ theo tín ngưỡng nguyên thủy và nhiều nét tương đồng về văn hóa với người Ba Na, người Ê Đê sinh sống xung quanh. Sự khác biệt về tôn giáo đã dẫn đến những khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán, đời sống xã hội của các nhóm người Chăm. Ông Lê Duy Đại lấy ví dụ điển hình về sự khác biệt này: Nói chung là về cơ bản, văn hóa truyền thống là giống nhau thôi, còn văn hóa hiện nay có cái khác biệt khá rõ. Ví dụ: nhóm Chăm Bà La Môn và nhóm Chăm Bà Ni theo mẫu hệ, còn nhóm Chăm Islam theo phụ hệ. Cái thứ hai về văn hóa: ăn mặc thì giống nhau thôi, nhưng về nhà cửa thì nhóm Chăm Bà La Môn và Bà Ni ở nhà sàn thấp, nhà truyền thống ấy, hiện nay nhà sàn thấp ở Ninh Thuận và Bình Thuận là không còn nữa đâu. Chúng tôi dựng ở bảo tàng Dân tộc học là theo hồi cố, tức là theo trí nhớ cũ. Sàn thấp cao khoảng 35 – 40 cm thôi. Chăm Islam ở Châu Đốc ở nhà sàn cao. Chăm H’roi cũng ở nhà sàn cao. Những khác biệt này làm nên sự phong phú, đa dạng trong văn hóa, phong tục của người Chăm ở Việt Nam.   Thanh Nga
0 Rating 536 views 0 likes 0 Comments
Read more
By: On April 30, 2015
theo vovworld.vn   Việt Nam hiện có khoảng 50 tháp Chăm, nằm rải rác ở các tỉnh ven biển miền Trung. Theo các nhà khoa học, những ngôi tháp “trẻ” nhất cũng có tuổi đời 5 đến 6 trăm năm, có ngôi tháp tới cả nghìn năm tuổi. Người xưa đã xây tháp Chăm bằng vật liệu gì và kỹ thuật xây dựng có gì đặc biệt mà những ngôi tháp có tuổi thọ đáng kinh ngạc đến vậy. Phóng viên Đài TNVN sẽ giúp quý vị tìm hiểu vấn đề này qua phóng sự sau đây. Nghe nội dung chi tiết tại đâyĐi dọc miền Trung, từ Đèo Ngang vào đến Phan Thiết, ta bắt gặp những ngôi tháp Chăm nhiều tầng, phía trên mở rộng và thon vút như hình bông hoa. Mặt tường ngoài của tháp được chạm khắc hình hoa lá, chim muông, vũ nữ… với đường nét tinh xảo. Tháp Chăm là công trình kiến trúc tôn giáo của vương quốc Chăm Pa cổ xưa, mang đặc trưng của kiến trúc Ấn Độ giáo. Nếu như đền Ăng-ko Vát, Bay-on… ở Campuachia hay các đền thờ thần khác ở Indonesia, ở Ấn Độ thường được làm bằng đá thì tháp Chăm lại được làm bằng gạch. Cho đến hôm nay, màu gạch vẫn đỏ tươi như mới. Hoa văn được chạm khắc, gọt đẽo ngay trên gạch, một điều ít thấy có trong kỹ thuật xây dựng và kiến trúc. Theo ông Ngô Văn Doanh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia thì người Trung Quốc xưa cũng phải gọi người Chăm Pa là “bậc thầy của nghệ thuật xây gạch”: Cũng là công trình kiến trúc bằng gạch thì tuổi thọ kéo dài nhiều lắm 1 thế kỷ. Các đền tháp Chăm Pa hiện còn bây giờ đều có tuổi 7, 8 trăm năm, thậm chí hơn 1 nghìn tuổi. Chúng ta nhìn vào các đền tháp, thấy rõ ràng người ta xây bằng gạch, nhưng chúng ta cảm thấy hình như giữa các viên gạch không có mạch, lấy dao tích vào cũng không lạch được vào mạch xây. Trên các tường gạch ấy, người ta chạm những hoa văn, hình người rất tinh tế. Kỹ thuật xây gạch liền sát như thế, chạm trên gạch, chắc chỉ có Chăm Pa mới có, khu vực Đông Nam Á không có, thậm chí trên thế giới không có.   Tháp Nhạn ở Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên mang nét kiến trúc độc đáo của văn hóa Chăm Kỹ thuật xây tháp bằng gạch với những ngọn tháp có tuổi thọ cả nghìn năm, sừng sững cùng thời gian và trở thành một loại hình kiến trúc độc nhất vô nhị trên thế giới thực sự là một bí ẩn, hấp dẫn bao nhà khoa học. Các nhà khoa học Việt Nam cùng với các nhà khoa học Ba Lan, Pháp, Ý đi tìm câu trả lời, “vén bức màn bí ẩn” này và những tri thức của người Chăm Pa xưa trong việc xây đền tháp cũng dần được hé mở. Nghiên cứu hơn 50 tháp Chăm ở các tỉnh thành bằng công nghệ hiện đại, các chuyên gia chỉ ra rằng, người Chăm Pa xây tháp bằng gạch được sản xuất ngay tại địa phương. Cũng chất đất sét thông thường ấy, người xưa đã nhào nặn, đã chế biến để những viên gạch mang những bí ẩn mà gạch ngày nay không thể có. Phó Giáo sư Ngô Văn Doanh so sánh gạch xây dựng tháp Chăm, mà ông gọi là gạch Chàm, với gạch chúng ta sản xuất hiện nay theo cách thông thường: Gạch Chàm rất khác gạch của chúng ta. Cũng vùng đất miền Trung ấy, giờ chúng ta làm gạch, cũng đất đấy, nhưng ta sẽ thấy khác nhau ở chỗ này: Mình lấy 2 viên gạch bằng nhau, kích thước bằng nhau thì gạch Chàm bao giờ cũng nhẹ hơn gạch của chúng ta. Ví dụ, gạch của ta 2 kg thì gạch Chàm chỉ nặng 1,5 kg đến, 1,6 kg. Đầu tiên, cầm lên, thấy nó nhẹ. Khi phân tích, ở bên trong, ta thấy ruột bên trong gạch của Chàm xốp. Chính xốp nên nó nhẹ, có độ dẻo, độ uốn. Gạch của mình cứng, uốn là gẫy ra. Bằng mắt thường, có thể thấy, trên bề mặt gạch có nhiều lỗ xốp mịn và thô. Trong viên gạch có khi lẫn cả hạt cát thô và nhiều vỏ trấu, rơm hoặc xác thực vật sau khi cháy để lại trong gạch. Có thể ngày xưa người Chàm trộn đất khi mà làm đất trộn với vỏ trấu hoặc than tro đốt lên, lấy tro trộn vào. Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng cũng đã thử làm thế và cũng tạo ra những viên gạch xốp, có độ dẻo như thế. Hoặc là trộn thêm với cát. Với khoa học hiện đại thì mình tìm ra được ngay. Một trong những khu di tích đền tháp Chăm Pa lớn, nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới là di tích Thánh địa Mỹ Sơn, thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Năm 1999, di tích Mỹ Sơn đã được tổ chức UNESSCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đến di tích Mỹ Sơn, nếu bạn thấy những viên gạch vỡ, thấy lớp xi măng, lớp keo dán thì bạn hãy chắc chắn 1 điều rằng: đó là những thành phần mới, mới được “đắp vào” từ năm 1984 để giữ và bảo vệ thành phần nguyên gốc của các ngôi tháp. Anh Lê Xuân Tiến, chuyên viên khu di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, những mảnh tường nào trơn, không vỡ là những mảnh tường nguyên gốc từ đầu thế kỷ 8; còn phần xộc xệch, xê ra xê vào là phần xếp vào cho liền mạch kiến trúc vào đầu thế kỷ 20: Bắt đầu từ 2005, phối hợp với đại học Mi-lan (Ý) làm những viên gạch mới thì thấy chất lượng những viên gạch mới làm thấp hơn khoảng 5 lần. Quan sát trên những đoạn tường bể, chỗ nào bị vỡ thì mới có rêu mốc, còn nếu không bị vỡ thì không có rêu mốc. Các thợ xưa đã quét lên bề mặt 1 lớp bề mặt, tốt hơn bây giờ rất nhiều. Thánh địa Mỹ Sơn hay bất kì một tháp Chăm nào khác, vào những ngày đẹp trời, chúng ta có cảm tưởng rằng, công trình vài trăm năm tuổi này giống như vừa mới được xây cách đây không lâu. Những cơn mưa xối xả hay cái nắng gay gắt của miền Trung dường như không thể làm phai màu tường tháp. Chính bởi việc người xưa đã trộn vào đất làm gạch một lượng chất hữu cơ hay cát hợp lý, làm cho gạch xốp, có nhiều lỗ mịn mà các bức tường có độ thấm hút cao. Sau cơn mưa, nắng bừng lên, nước tỏa ra rất nhanh trên bề mặt tường. Vì vậy mà rêu phong, cỏ dại cũng khó tồn tại được trên đó. Màu gạch lại tươi rói như màu của vài trăm năm trước./.   Nga Anh  
0 Rating 164 views 0 likes 0 Comments
Read more