• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
Kaka
by On January 23, 2013
2,067 views

Tác giả: Đạo Văn Chi ( Palei Chang ) 


* Nghĩa trang Ghur của người Chăm Bàni – Photo Inrasara. 
Người Chăm Bàni là một bộ phận đa số trong cộng đồng người Chăm sinh sống ở Ninh Thuận, Bình thuận. Đây là một bộ phận người Chăm theo Hồi giáo Bàni (còn gọi là Chăm Awal). Nhưng tôn giáo này đã trải qua quá trình bản địa hóa, biến đổi thành một kiểu tôn giáo riêng có của người Chăm. Tuy không còn hội đủ các yếu tố của một trong những tôn giáo cổ xưa nhất của loài người, nhưng quan niệm về tâm linh, về cõi sống và cõi chết của người Chăm Bàni vẫn chịu sự chi phối của Hồi giáo bản địa. 
Người Chăm Hồi giáo Bàni từ xa xưa đã coi cuộc đời con người đến cõi trần như “một chuyến đi buôn”, cuộc sống trên trần gian là một nơi cư ngụ tạm bợ. Họ quan niệm mọi người từ thế giới bên kia đến cõi trần như “một chuyến đi buôn” rồi lại về thế giới bên kia, thế giới vĩnh hằng. Trong văn học dân gian Chăm, có một Ariya nổi tiếng là Ariya Nau Ikak (cuộc đời như một chuyến đi buôn). Nghi lễ tang ma là nghi lễ quan trọng nhất trong hệ thống nghi lễ vòng đời của người Chăm Bàni. Với quan niệm luân hồi giải thóat, cõi trần chỉ là cõi tạm, cõi chết mới là cõi thiên đường vĩnh hằng, là cái mà mọi con người hướng tới. Nhưng không phải khi chết, ai cũng được giải thóat lên thiên đàng. Để được lên thiên đàng, con ng ười phải hội đủ các tiêu chuẩn khi còn sống và đến khi nhắm mắt xuôi tay, phải được làm lễ tang đầy đủ, trọn vẹn. Đó là những tiêu chuẩn về nguồn gốc đẳng cấp, không tật nguyền, cuộc sống phải đầy đủ gia đình, có vợ có chồng, có con cái và đặc biệt phải qua nghi lễ nhập môn theo qui định của giáo lí của tôn giáo Bàni và đặc biệt hơn nữa là khi chết phải lành lặn, chết trên giường ở nhà, có người nhà đỡ lưng đặt xuống đất khi chết và phải được các chức sắc Bàni thực hiện đầy đủ các nghi thức tôn giáo. 
Khác với người Chăm Bà-la-môn theo tục hỏa táng, người Hồi giáo Bàni chôn người chết. 
Ở người Chăm Hồi giáo Bàni cũng quan niệm về người chết giống người Chăm Bà-la-môn. Khi có người chết phải làm lễ tang ma để linh hồn của người đó được siêu thóat. Ngược lại nếu người quá cố không được làm lễ tang ma, linh hồn sẽ không được siêu thóat, sẽ bắt tất cả những người thân trong dòng tộc của họ. Cho nên người Chăm Hồi giáo Bàni rất coi trọng tang ma. 
Trong lễ tang ma có rất nhiều nghi lễ phức tạp, có sự khác nhau giữa đám tang người giàu, người nghèo. Tục lệ còn qui định những đứa trẻ dưới mười lăm tuổi không được làm đám tang mà chỉ chôn bình thường. Đối với người chết cũng chia ra làm hai trường hợp: Chết bình thường và chết không bình thường. 
+ Chết bình thường: Chết vì bệnh, được quyền làm tang ngay. 
+ Chết không bình thường: Như chết trận, chết vì tại nạn giao thông không còn nguyên vẹn hoặc chết trong tháng chay niệm Ramưwan phải chôn một thời gian từ một đến ba năm, sau đó mới cải táng đem chôn ở nghĩa địa và làm đám tang. Tục lệ cũng qui định, khi người bệnh hấp hối tất cả những trong gia đình và dòng họ phải đến thăm và canh chừng ngày đêm. Họ quan niệm rằng, khi người bệnh tắt thở phải có người thân bên cạnh chứng kiến mới được coi là “chết tốt”, nếu người chết không có sự chứng kiến của người thân là điều không lành, “chết xấu” “mưtai bhaw”. Cũng chính vì vậy họ có điều kiện để chuẩn bị rất cẩn thận tất cả những nghi lễ liên quan đến đám tang từ áo quần, trầu cau, gạo… 
Thường người Chăm Hồi giáo Bàni chôn người chết ngay vào buổi chiều nếu thân nhân tắt thở lúc sáng, hoặc chôn ngay sáng hôm sau nếu chết vào buổi chiều. Mọi người trong dòng họ và kể cả bàn con xóm làng đến thăm viếng cùng nhau dựng lên một cái nhà bằng tranh rất đơn sơ gọi là “chhàn” dùng để cho thi hài người chết và là nơi các vị tăng lữ, các bậc Imưm, Ppo Gru đọc kinh cầu nguyện cho người chết. Người chết được người thân trong gia đình khiêng vào một cái lán lợp tranh rất đơn sơ để tắm rửa thật sạch sẽ, vì họ quan niệm rằng người chết phải tắm rửa thật sạch sẽ, kỹ lưỡng trước khi đem vào “chhàn” nơi các tăng lữ sẽ đọc kinh cầu nguyện cho người quá cố. Nếu không tắm rửa sạch sẽ thì người chết được coi là xấu, không tốt. Sau khi thi hài được tắm rửa dưới sự chỉ đạo của ông thầy Imưm thì được đưa vào “pajang” đầu quay về hướng Bắc. Người ta phủ lên thi hài vài bộ quần áo của người quá cố, mặt được phủ một chiếc khăn. Suốt đêm đó, các tăng lữ được mời đến đọc kinh. 
Tùy theo tuổi tác người chết như: Già, trung niên, trẻ mà Ppo Gru phân công các tăng lữ đến đọc kinh và đưa thi hài đến hào huyệt nghĩa trang gọi là Ghur. Người già chết do mười hai ông tăng lữ đưa, trung niên sáu ông và nhỏ do hai ông đưa. Qui tắc của Hồi giáo Bàni không để người chết quá hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Suốt đêm đó các tăng lữ đọc kinh ba đợt, cầu nguyện cho người quá cố được an nghỉ tốt lành. 
Sáng sớm hôm sau vào lúc sáu giờ sáng, thân nhân đưa thi hài đi tắm một lần nữa. Trong lúc này các cụ già, thanh niên chẻ tre để làm quan tài. Quan tài thường làm bằng tre, chia làm ba ngăn, ngăn giữa dùng để đặt thi hài, hai ngăn hai bên để cho tăng lữ đọc kinh cầu nguyện. Sau khi tắm rửa xong, tăng lữ được phân công đọc kinh dẫn đường và là người điều khiển đưa quan tài đến huyệt, vẩy nước thánh vào thi hài, vừa đọc kinh. Sau đó lau khô rồi bắt đầu liệm thi hài gồm có một quần lót trắng, váy trắng, áo trắng. Đối với đàn ông mặc ba lớp, đàn bà mặc năm lớp. Xong, đưa thi hài vào Kajang. Các con cháu, anh em đến gần coi mặt người chết lần cuối, sau đó các thân nhân đều lạy ba lạy. 
Cuối cùng người ta khiêng thi hài bỏ vào quan tài, phủ khăn lại, quan tài mười hai người khiêng đi đến huyệt, đi đầu là một tăng lữ được thầy Cả Ppo Gru chỉ định dẫn đường, tiếp sau là các tăng lữ như Imưm, Ppo Gru và các tăng lữ khác cùng với người thân, tất cả bà con xóm làng đi theo sau quan tài tiễn đưa người quá cố. Thân nhân vừa đi, vừa khóc. Tục lệ người Hồi giáo Bàni cho thân nhân khóc và kể lể không như luật Hồi giáo Islam không cho thân nhân khóc vì cho rằng nước mắt sẽ trở thành cái ao nước làm ngăn bước đường của người quá cố đến với thượng đế. Khi quan tài được khiêng gần đến nghĩa trang, tăng lữ dẫn đường ra lệnh đổi đầu thi hài, bằng cách xoay quan tài đưa chân ra phía trước. Vì họ cho rằng làm như thế sẽ làm lạc hướng lối đi, linh hồn người chết sẽ không trở về quậy phá người thân. Cách nghĩa trang mười đến hai mươi mắt, quan tài được hạ xuống (nếu người già chết), người ta phải khiêng luôn bốn tăng lữ ngồi hai bên quan tài để đọc kinh, đến nghĩa trang của dòng họ, chủ nhà (ppo sang) chỉ định nơi chôn, tăng lữ làm phép, con cái và người thân cầu nguyện đồng thời khấn, lạy nơi huyệt, cầu Allah cho người thân mình nằm xuống tốt lành, cầu hồn người quá cố được lên Thiên đàng tốt đẹp. Huyệt thường được đào sâu một mét rưỡi đến hai mét. Sau khi huyệt đào xong tất cả người thân lạy quan tài lần cuối cùng. Sau đó tăng lữ xuống huyệt làm lễ, ở trên huyệt được che một tấm khăn lớn, thi hài được đưa xuống huyệt từ từ, đầu hướng về phía Bắc, chân hướng về phía Nam, tăng lữ đặt nghiêng thi hài, đầu hướng về mặt trời lặn. 
Ở trên mộ, các tăng lữ đọc kinh cầu nguyện dâng cho Allah. Tiếp đến người thân của người quá cố đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn người chết sớm trở về cõi thiên đường, trong lúc này ba ông tăng lữ dưới huyệt tiếp tục đọc kinh và làm nghi thức đọc kinh nhắn nhủ với người quá cố. Xong phần nghi thức, các thân nhân người chết lấy mỗi người một nấm đất bỏ xuống huyệt, tiếp đến vài người thân xuống huyệt dùng cuốc cào đất xuống phụ giúp với tăng lữ. Nếu đất được lấp đầy huyệt họ cho là chết tốt, ngược lại không lấp đầy huyệt cho là chết xấu. Đặc biệt, hào huyệt được san bằng giống như cách chôn của người theo đạo Hồi giáo Islam chứ không làm nấm mồ như cách chôn của người Việt hoặc người Hoa. Thi hài được chôn xong họ lấy một nhánh cây gai cắm lên tượng trưng cho người chết. Mọi người về nhà. Khi ra về không quay lại nhìn mồ, vì họ tin rằng làm như vậy linh hồn người chết sẽ theo họ về quậy phá. Họ hàng, gia đình tiếp tục làm đám tuần ở nhà trong ba ngày. Ngày đầu gọi là Rơp War, ngày thứ hai Tak Kubaw Yuw (Lễ Giết trâu), ngày thứ ba Pok Naung (Lễ Tiễn đưa). Nếu nhà giàu, họ làm bảy đám tuần vào các ngày sau: lần thứ nhất là vào ngày thứ bảy tính từ khi người chết, tiếp đến là ngày thứ mười, ngày thứ ba mươi, ngày thứ bốn mươi, ngày thứ một trăm và cuối cùng là đầy năm, khi tròn một năm người ta quan niệm linh hồn người chết sẽ về thăm nhà. 
Trước khi làm đám tuần, họ chuẩn bị nhiều thứ rất tốn kém, có khi tốn hàng chục triệu đồng gồm một cặp trâu, một tấn gạo, cá, trầu cau, đường… Tất cả dân làng trong xóm làng đến chia buồn, sau đó được thết đãi rất linh đình làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế gia đình có người quá cố. Đám Tuần (Padhi) được tiến hành các nghi lễ sau đây: 
Lễ Rơp War: 
Sau khi chôn người chết vào buổi sáng xong, buổi chiều gia đình tiến hành làm lễ Rơp War. Lễ này rất đơn sơ lễ vật gồm gà, cơm. Đầu tiên gia đình mời sáuông tăng lữ trong đó có ông Ppo Gru, Imưm. Lễ bắt đầu vào khoảng bốn đến năm giờ chiều. Tất cả tăng lữ vào Kajang làm lễ. Họ ngồi đối diện nhau ở giữa là khoảng trống dùng để lễ vật. Lễ do Thầy Cả điều khiển cùng với tăng lữ đọc kinh. Kinh vừa dứt cho mang đến cho mỗi thầy một mâm cơm, ăn xong, Thầy Cả làm lễ đọc kinh lần cuối rồi kết thúc. Gia đình thết đãi bà con đến dự. 
Lễ Tak Kubaw Yuw (Lễ Giết trâu): 
Lễ nghi này tiến hành ngay ngày hôm sau ngày lễ Rơp War. Lễ này là lễ giết trâu, tuy nhiên nếu có người nghèo không đủ điều kiện kinh tế, người ta làm cá. 
Lễ được bắt đầu vào khoảng một giờ chiều. Đầu tiên thân chủ mời hai ông tăng lữ làm lễ giết trâu. Lễ được tiến hành ngay trước cổng nhà gia chủ. Họ đào hai cái hố sâu bốn tấc đến nửa mét, trâu được quật ngã, dùng gậy cột bốn chân lại kéo đến hố đã được đào, mỗi hố một con, một ông tăng lữ đứng trước hai mâm lễ vật dùng để giết trâu gồm gươm, một bó nhánh cây, một hũ nước. Sau khi làm lễ đọc kinh xong, các ông tăng lữ tiến đến hố đã được đặt hai con trâu, mỗi ông cầm gươm và một nhánh cây, đọc vài câu kinh rồi bắt đầu cắt cổ trâu, xong phần lễ. 
Đến bốn giờ chiều họ mời sáu tăng lữ, gồm Ppo Gru, hai ông Imưm và ba ông thầy Acar. Họ vào Kajang ngồi đối diện nhau, Ppo Gru đọc kinh trước rồi sau đó các tăng lữ đọc theo, kinh vừa dứt, họ mang vào cho mỗi ông tăng lữ một mâm chè, sau đó kế tiếp là mâm thịt luộc rồi một mâm cơm gồm thịt, canh lá, nước mắm… Họ ăn từng đợt kế tiếp nhau. Cuối cùng tăng lữ đọc kinh một lần nữa, thân nhân khấn vái xong rồi chấm dứt buổi lễ. Gia đình thết đãi bà con xóm làng. Lần này số lượng bà con rất đông. 
Tối đến, người thân và một số và con xóm làng làm giúp một số công việc như xếp đặt đồ đạc, quần áo, bánh trái được ngăn nắp để chuẩn bị cho ngày hôm sau làm lễ Pok Naung (lễ tiễn đưa). 
Lễ Pok Naung (Lễ Tiễn đưa linh hồn người quá cố): 
Lễ được tiến hành vào buổi sáng. Khoảng từ năm giờ sáng tất cả tăng lữ được mời đến đọc kinh, Trước mặt tăng lữ (bốn Acar) là khoảng trống dùng để đặt mâm lễ vật. Trong khi tăng lữ đọc kinh dưới sự điểu khiển của Thầy Cả, tất cả những người thân đều vô nhà lễ Kajang để lạy và cầu nguyện cho người quá cố được an nghỉ tốt đẹp. Trước mặt nhà lễ là áo quần, vải vóc của người thân xếp cao một mét, và một hàng hoặc hai hàng “ciet” (giỏ đựng trái cây, bánh kẹo…) của tất cả những lễ vật trên gửi về cho những người ở bên kia thế giới. Sau khi vừa đọc dứt, thân chủ dâng mâm cơm, mâm chè cho các vị tăng lữ, ăn xong tăng lữ đọc kinh lần cuối. Trong lễ Pok Naung này, người thân của người quá cố như con hay người anh, hoặc cậu, đã qua lễ “akrắk” (người được chứng nhận thuộc kinh Coran), đọc vài đoạn kinh dâng thánh Allah, cầu xin linh hồn người quá cố được siêu thóat. Sau khi kinh cầu nguyện được đọc xong, người thân mang “ciet” ra đứng hai hàng dọc. Đi đầu là các vị tăng lữ, vừa đi vừa đọc kinh, tiếp đến là thân nhân, họ hàng. Đoàn mang lễ vật đưa tiễn đến ngã tư đường, tăng lữ cho đoàn ngừng làm lễ đọc kinh để chấm dứt lễ. 
Lễ Tuần (Padhi) được chấm dứt cách hai ngày, thân nhân của người quá cố đi đến một con sông tìm hai hòn đá tròn nặng khoảng hai mươi đến năm mươi kí lô gam. Tùy theo người chết là già hoặc trẻ mà có hòn đá khác nhau, người chết càng già thì đá càng lớn. Họ mời một tăng lữ, mang hai hòn đá đến đặt ở hai đầu mộ, xong tăng lữ làm phép. Mộ của người Chăm Bàni không đắp cao và cũng không xây cất, chỉ để hai đầu mộ hai hòn đá. 
Ngoài ra người Chăm Hồi giáo Bàni có tục chôn tạm (Ba nau paywa) và sẽ làm lễ cải táng sau một đến hai năm. Những người chết phải chôn tạm là những người chết bất đắc kỳ tử hoặc đàn bà chết lúc mang thai, chết lúc sinh đẻ. Những người chết trong trường hợp trên không được chôn ngay trong nghĩa trang mà họ phải nằm lẻ loi một thời gian, chờ cho lúc xác tan hết thịt thì mới đào lên để làm lễ đám tuần chôn vào khu nghĩa trang của dòng họ. 
Nghĩa trang của người Chăm Hồi giáo Bàni phần lớn nằm ở cách dân cư ít nhất năm cây số trở lên, nghĩa trang được phân lô theo dòng tộc và chôn theo thứ tự theo cấp bậc chức sắc tôn giáo, già trẻ và sau đó đến người tàn tật. Hàng năm vào dịp lễ Hội Ramưwan các con cháu trong dòng tộc có trách nhiệm đi tảo mộ đọc kinh Coran mời ông bà tổ tiên về cùng sinh hoạt gia đình trong ngày diễn ra lễ hội.

Posted in: Văn hóa Champa
Be the first person to like this.
Kaka
<p>Tác giả gởi bài  viết trên nhưng trong email không có hình ( là do lỗi hệ thống email NC) " <span style="color: #333333; font-family: 'Times New Roman'; font-size: medium; line-height: 20px;">* Nghĩa trang Ghur của người Chăm Bàni – Photo Inrasara. " r</span><span style="color: #333333; font... View More
January 23, 2013