• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
ranam
by On February 6, 2013
224 views
Written by Ja Karo, độc giả trong nước
ban tranh 10
 

Phú Quý là hòn đảo thuộc về vương quốc Champa xưa kia với diện tích rộng 16,4 km2, nằm đối diện với mũi Né nơi có đền Po Sah Anaih, cách thành phố Phan Thiết vào khoảng 100km. Đảo Phú Quý là một trong những hòn đảo nằm ở cực nam của vương quốc Champa, trở thành vị trí chiến lược quan trọng để bảo vệ vùng biển và kiểm soát các hoạt động tàu thuyền

qua lại, đặc biệt là các thương thuyền của các nước ngoài giao thương với Champa. Đây là địa bàn cư trú của người Chăm qua các thời kỳ thăng trầm của lịch sử. Hiện nay trên đảo còn lưu lại nhiều di tích của người Chăm như các ngôi mộ cổ, giếng nước cổ và đặc biệt là đền thờ công chúa Champa tên là Bàn Tranh. Theo truyền thuyết, đền thờ này do người Chăm xây dựng vào cuối thế kỷ XV.

 

Truyền thuyết về công chúa Bàn Tranh

 

Trong bài viết mang tựa đề Công chúa Bàn Tanh và đền thờ trên đảo (www.baobinhthuan.com ra mắt ngày 1-7-2006), Nguyễn Xuân Lý ghi lại truyền thuyết của người Kinh như sau:

 

Xưa kia, trên đảo chưa có người ở. Một hôm, có hàng chục chiếc thuyền dẫn giải một người con gái xinh đẹp cùng đoàn tùy tùng ngược sóng ra khơi cập vào đảo Phú Quý. Về sau người ta mới biết đoàn hạm thuyền này là hạm thuyền của công chúa Champa tên là Bàn Tranh, tức là con gái út của vua, vì không vâng lời vua cha nên bị đày ra đảo. Dù vua cha đã băng hà từ lâu, nhưng theo lệnh của triều đình, công chúa Bàn Tranh bị đày vĩnh viễn tại hòn đảo này. Về sau khi nàng chết, người Chăm trên đảo xây dựng đền để thờ nàng tại đây. Trong ngôi đền có cả mộ của công chúa Bàn Tranh.
 

 

dao phu qui copy copy
Bản đồ đảo Phú Quý

 

Cũng theo Nguyễn Xuân Lý, một thởi gian sau, người Chăm lần lượt rời khỏi đảo. Họ để lại trên đảo ruộng vườn của mình cùng những công trình thủy lợi xây bằng đá, những giếng cổ để lấy nước ngọt và ngôi đền thờ công chúa Bàn Tranh. Ngày nay trên đảo người ta còn thấy nhiều giếng cổ được làm một cách công phu và đầy kinh nghiệm.

 

Cũng theo Nguyễn Xuân Lý, trước khi rời đảo, người Chăm bàn giao đền thờ công chúa Bàn Tranh cho người Việt để tiện cho việc chăm sóc.
 Đền thờ được người Việt tiếp thu và phụng thờ theo truyền thống của người Việt. Ngày ngay ai đến đảo Phú Quý, trên đường đi từ xã Ngũ Phụng đến xã Long Hải, đều thấy ngôi đền thờ của công chúa Bàn Tranh nằm bên đường. Được nghe những câu chuyện về công chúa này, ai cũng bùi ngùi cho thân phận của nàng. Những thửa ruộng trồng hoa màu của người dân bao quanh đền thờ của công chúa Bàn Trnah được gọi là ruộng của vua. Gần đó có một số giếng Chăm cổ, phía dưới phần tiếp nước lát gỗ và phần trên xây đá. Đó là những đặc trưng trong kỹ thuật xây giếng của người Chăm xưa.
 

 

2 gieng
Giếng Chăm ở đảo Phú Quý

 

Đền thờ đã bị sụp đổ nhiều lần, mỗi lần sụp đổ là một lần nhân dân trong các làng trên đảo đóng góp công sức và vật liệu để sửa sang lại. Tuy nhiên sau nhiều lần tu sửa trong tình trạng “tam sao thất bản” ngôi đền không còn như xưa nữa. Nguyện vọng của nhân dân Phú Quí hôm nay là muốn nhà nước Việt Nam quan tâm khôi phục lại ngôi đền xưa để trả ơn cho công chúa Champa có công khai phá đảo đầu tiên đã được các thế hệ cư dân ở đây tôn vinh là Chúa đảo.
 

 

Những công lao to lớn của công chúa Bàn Tranh đã được các vua triều Nguyễn ghi nhận và ban tặng sắc phong, giao cho các làng thờ phụng. Trong đền thờ hiện nay còn một số di vật linh thiêng như bài vị, bệ thờ, liên đối, hoành phi ca ngợi công chúa Bàn Tranh. Một đôi liên cổ ở khám thờ khắc bằng chữ Hán, tài liệu lưu ở Bảo tàng Bình Thuận với nội dung:
 

 

“Hiển hách miếu thần ngàn năm còn đó

Linh thiêng cung thánh vạn thuở chẳng dời”

 

Câu đối khắc bằng chữ Hán gắn ở cột đền thờ với nội dung:

 

“Linh thần hiển hách phù trong đảo

Giúp nước thay trời cứu vạn dân”

 

3 den
Đền công chúa Bàn Tranh vừa kiến trúc lại

 

Hôm nay, đảo Phú Quý còn gọi là Cù lao Thu hay Cù lao Khoai Xứ, gồm ba xã Long Hải, Tam Thanh và Ngũ Phụng, có dân số 24.000 người, nhưng không còn ai biết nói tiếng Chăm nữa. Sự hiện diện của người Việt ở đảo này rất gần đây mà thôi. Vì rằng năm 1694, nhà Nguyễn thương thuyết với vương quốc Champa để thành lập một phủ Bình Thuận ở Phan Rí tập trung những dân cư người Việt cự ngụ trong vương quốc này. Phủ Bình Thuận nằm trên lãnh thổ Champa nhưng trực thuộc triều đình của nhà Nguyễn. Có thể kể từ đó, người Việt bắt di dân vào đảo Phú Quý để tìm sự sinh nhai.

 

dai mon
Đại môn của đền Bàn Tranh

 

Truyền thuyết về công chúa Po Sah Ina

 

Theo web Champaka.info., cũng vào thế kỷ thứ XV, văn chương Champa có lưu lại truyền thuyết cho rằng công chúa Po Sah Ina là chị hay con của vua Po Kathit (1421-1448 hoặc là 1433-1460) tùy theo dị bản, có chồng người Hồi Giáo tên là Po Sanimpan. Cuộc tình giữa công chúa Po Sah Ina gốc Bà La Môn giáo và Po Sanimpar gốc Hồi Giáo đã gây ra sự phản đối trong gia đình. Để giải quyết chuyện tình khó khăn này, Po Sah Ina rời bỏ cung đình ra khơi trên chiếc ghe buồm để xây dựng đền miếu làm nơi an nghỉ. Khi xây dựng xong, Po Sah Ina lấy cánh buồm của chiếc ghe vứt bỏ trong biển trước đền của Bia Anaih, tức là Po Sah Anaih (mũi Né, Phú Hài) để bà không còn có phương tiện trở về lục địa nữa. Đây là tin tức được xác nhận trong văn bản Chăm mang mã số CAM MICROFILM 1 (5), trang 54-70, bản chép tay do Trung Tâm Văn Hóa Chăm Phan Rang thực hiện vào năm 1974, hiện lưu trữ tại Viện Viễn Đông Pháp. 

 

Po Sah Ina là công chúa của tiểu vương quốc Panduranga. Sau thế kỷ thứ XV, Champa chỉ nằm trong địa hạt của tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hôm nay. Nếu truyền thuyết cho rằng Po Sah Ina ra khơi để xây dựng đền làm nơi an nghĩ, thì người ta phải nghĩ đến đảo Phú Quý, một hòn đảo duy nhất đối diện với lục địa của Champa thời đó.

 

Xem thêm: Sự khác biệt giữa đền Po Sah Anaih và đền Po Sah Ina

 

Mối liên hệ giữa công chúa Bàn Tranh và Po Sah Ina

 

Truyền thuyết của công chúa Po Sah Ina và công chúa Bàn Tranh có nội dung rất gần gủi, tức hai công chúa Champa đều đến đảo Phú Quý nhưng không bao giờ trở về lục địa nữa. Sự khác biệt giữa hai truyền thuyết này chỉ mang một chi tiết không quan trọng cho lắm. Truyền thuyết Po Sah Ina cho rằng công chúa Po Sah Ina tự ra đi vì gia đình không cho phép bà lấy người chồng theo đạo Hồi Giáo, trong khi đó truyền thuyết Bàn Tranh cho rằng vì không vâng lời vua cha nên công chúa Bàn Tranh bị đày ra đảo.

 

Dựa vào hai truyền thuyết này, độc giả có quyền đưa ra câu hỏi có chăng công chúa Bàn Tranh có đền tại đảo Phú Quý chỉ là tên gọi của công chúa Po Sah Ina mà người Chăm hôm nay thường kể lại?

 

*

 

Trải qua nhiều thế kỷ, người Chăm rồi đến người Việt trên đảo Phú Quý đã xây dựng, tôn tạo, tu sửa và thờ phụng công chúa Bàn Tranh với những nghi lễ xưa rất độc đáo. Chính vì lẽ đó, đền thờ này mang giá trị cao về văn hóa, lịch sử, đồng thời phản ánh rõ nét quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa người Chăm và người Việt trong quá trình sống cộng cư. Điều này đã phần nào nói lên tín ngưỡng thờ cúng công chúa Bàn Tranh đã trở nên thiêng liêng và đi sâu vào đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân nơi đây. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật nói trên, đền thờ công chúa Bàn Tranh được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, tại quyết định số: 2960/QĐ-UBND ngày 16/11/2007. Và kể từ đó, lễ hội đền thờ công chúa Bàn Tranh diễn ra vào ngày mùng 3 tháng giêng âm lịch hàng năm đã thu hút đông đảo các cộng đồng người dân tham gia với tinh thần và thái độ thành kính. Điều này thể hiện một nét đẹp văn hóa về lòng biết ơn của thế hệ hậu sanh đối với công chúa Bàn Tranh và các bậc tiền nhân.

 

phu quy 20
Đảo Phú Quý hôm nay

 

Xin bấm vào đây để xem video clip: Đền thờ công chúa Bàn Tranh

do Putra Podam thực hiện.

Theo Champaka.info

 

Like (1)
Loading...
1