Blogs
Categories
“ Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp” ( Hồ Chí Minh – Báo Nhân dân 9/9/1964)
Dân tộc Chăm là một trong 54 dân tộc anh em trong quốc gia Việt Nam có ngôn ngữ chữ viết từ lâu đời,nhưng hôm nay ngôn ngữ của dân tộc này đang là sự báo động của nguy cơ diệt vong. Như chúng ta đã biết trong quốc gia đa dân tộc ấy, người Kinh là thành phần sử dụng tiếng Việt chiếm đa số, họ sống đan xen với các dân tộc thiểu số khác. Chính sự cộng cư này là một trong những nguyên nhân làm cho ngôn ngữ dân tộc thiểu số bị lai căng ít nhiều.
Ngôn ngữ lai căng và diệt vong phụ thuộc rất nhiều yếu tố như:
_ Ngôn ngữ không được sử dụng trong bộ máy hành chính quốc gia
_ Việc giáo dục ngôn ngữ không có hệ thống và xuyên suốt
_ Sự hạn chế giao tiếp ngôn ngữ
_ Ý thức sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ còn hạn chế ( mặt lợi ích của người sử dụng)
_ Sự ảnh hưởng, lai căng ngôn ngữ khi dân tộc thiểu số và dân tộc đa số sống đan xen với nhau ( tiếng phổ thông là tiếng của dân tộc đa số)
Đó có thể xem là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng “ ngôn ngữ lớn nuốt ngôn ngữ bé”.
Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp, phương tiện ấy nếu chúng ta ít sử dụng hoặc không sử dụng nữa thì nó sẽ bị hư hỏng hoặc bị lãng quên.
Như chúng ta đã biết “ Văn ôn võ luyện”. Ngôn ngữ cũng vậy. Ngôn ngữ nói nếu chúng ta không sử dụng trong giao tiếp thì tất sẽ mất, ngôn ngữ viết nếu chúng ta không còn sử dụng nó để viết các văn bản thì trong tương lai tất không còn ai hình dung được nó ra sao.
Hiện nay dân tộc Chăm vẫn còn sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ trong giao tiếp hằng ngày, nhưng trong giao tiếp hàng ngày thôi chưa đủ thấy sự “ an toàn” của ngôn ngữ trước nguy cơ diệt vong.Vì trong quá trình sống cộng cư với người Kinh ngôn ngữ Chăm đã rơi rụng đi khá nhiều. Đó là một thực tế trước mắt.Ví dụ: mâk aia batuw, nói là : mâk đá; nao bac/ nao học; salam amaik/ chào maik; hoặc các bậc cha mẹ thường hay dạy thường hay day con kêu là ba, má thay vì amaik, amâ…
Đó là một số từ đơn giản chúng ta thường gặp trong giao tiếp,nhưng nó cũng phần nào nói lên được ý thức sử dụng ngôn ngữ và sự lai căng không tránh khỏi quy luật.
Nói về ngôn ngữ viết, hiện nay Akhar thrah là một loại chữ viết được dùng phổ biến trong cộng đông Chăm, trải qua biết bao thăng trầm lịch sử may thay chúng ta cỏn lưu giữ được những văn bản chép tay qua các tác phẩm ariya, damnây, dalikal…từ những bậc trí thức yêu quý văn chương, họ phải đổi lấy bằng những xe thóc ngày ấy để có được chúng, hay các văn bản của các bậc chức sắc Chăm được truyền từ đời này sang đời khác. Cho đến hôm nay nó không được lưu truyền rộng rãi trong dân chúng.
Ngày nay được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, vấn đề giáo dục ngôn ngữ Chăm được đưa vào trường lớp. Nhưng chỉ ở cấp bậc tiểu học. Khách quan mà nói ở cấp bậc này vấn đề ý thức về ngôn ngữ mẹ đẻ chưa tới đâu, học xong tiểu học chữ trả lại cho thầy. Đặc biệt là vấn đề giáo dục ngôn ngữ hiện nay theo chương trình của BBS, sẽ khiến các em khó tiếp cận được các văn bản chép tay của cha ông ( chính điều này làm các em nhát tiếp xúc với văn bản chép tay). Vấn đề này vẫn gây tranh cãi rất nhiều ở trí thức hôm nay.
Vấn đề ngôn ngữ Chăm dạy tới cấp bậc này đó là một hạn chế để nói đến việc bảo tồn ngôn ngữ mẹ đẻ. Một điều cũng có thể thấy rằng sự hạn chế ngôn ngữ của các em học sinh, đó là sự tiếp xúc văn bản và ngôn ngữ nào được các em sử dụng nhiều nhất trong quá trình học và rèn luyện ( trực quan sinh động).
Ví dụ : Trong 1 tuần các em chỉ học tối đa là 3 đến 4 tiết ngôn ngữ mẹ đẻ, trong khi tiếng Việt lại chiếm phần lớn. Vì phần lớn các môn học điều sử dụng tiếng Việt. Thậm chí về nhà các em vẫn có thể xem các chương trình truyền hình phần nào cũng giúp các em nâng cao vốn tiếng Việt hơn so với tiếng Chăm…Điều đó thấy được sự hạn chế tiếp xúc ( trực quan sinh động) với văn bản Chăm của các em học sinh ( mỗi em chỉ 1 quyển tiếng Chăm so với cấp bậc của mình).
Đó là đối với các em học sinh, còn đối với nông dân hay những trí thức Chăm thì sao?
Thật lòng mà nói, việc tiếp xúc với các văn bản Chăm của họ quả thật hiếm khi ( trừ một số người thật sự đam mê về văn hóa Chăm hay quan tâm ít nhiều đến ngôn ngữ mẹ đẻ).
Một số trí thức Chăm có thể tiếp xúc các tờ bào hay tạp chí bằng tiếng mẹ đẻ qua cuốn Tagalau, hay báo “ Paran saong nagar cek” của TTXVN 1tháng/1 tờ.
Riêng với tờ “ Paran saong nagar cek” được nhà nước xuất bản, nhưng xuất bản với mục đích gì?. Đây có thể xem là một câu hỏi rất lớn cho chúng ta. Vì hiện nay người dân rất hiếm ai biết đến tờ báo này, hay một số người biết cũng đọc không ra và bên cạnh đó có những từ tự chế biến khiến người đọc khó hiểu.Trong khi các tờ báo hay tạp chí bằng tiếng Việt lại là phần lớn, sự tiếp cận cũng dễ dàng hơn.
Như vậy ta có thể thấy được sự hạn chế tiếp xúc văn bản tiếng mẹ đẻ của đồng bào Chăm. Với những điều kiện trên ta thấy được tiếng Chăm chúng ta đang ở trong tình trạng “ ngôn ngữ lớn nuốt ngôn ngữ bé” hiện nay.
Hướng đề xuất giải pháp trong tương lai.
Nếu thực trạng trên kéo dài trong nay mai chúng ta không biết tiếng Chăm sẽ đi về đâu. Chính vì thế chúng ta cần phải tìm ra giải pháp cụ thể hầu mong có những đề xuất cho việc bảo tồn ngôn ngữ Chăm trong tương lai. Có thể nhận định rằng : “Nếu ngôn ngữ của dân tộc mất đi đồng nghĩa với một dân tộc không còn”.
Đưa ra giải pháp và việc thực hiện các giải pháp là một việc làm khó khăn đối với dân tộc Chăm hôm nay, cần có sự kết hợp giúp đỡ của các cơ quan ban ban ngành. Đặc biệt là các nhà khoa học quan tâm đến vấn đề ngôn ngữ Chăm.
_ Trước tiên dân tộc Chăm cần có những cơ quan hợp pháp kết hợp với nhà nghiên cứu ngôn ngữ, trí thức Chăm hầu tìm ra hướng thống nhất akhar thrah ( không xét tính địa phương) và việc chuyển tự sang chữ Latinh. Như vậy chúng ta mới có thể bàn đến việc giáo dục ngôn ngữ Chăm trong tương lai.
_ Vấn đề ngôn ngữ sử dụng trong văn bản hành chính quốc gia. Đây là một điều không thể có trong hoàn cảnh hiện nay. Nhưng với dân tộc Chăm hiện đã có một tổ chức cộng động đó là Hội Đồng Chức Sắc Chăm ( Ahier và Awal), có thể xem Hội đồng này là tổ chức đứng đầu về mặt tôn giáo, văn hóa của dân tộc Chăm được Nhà nước công nhận, Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa Chăm…Các tổ chức và Hội đồng này cần phát huy vấn đề bảo tồn ngôn ngữ bằng cách ghi chép các văn bản bằng tiếng Chăm, hay mở lớp dạy tiếng Chăm cho các chức sắc trẻ cũng như bà con nông dân chưa biết đọc viết tiếng Chăm…
_ Về vấn đề giáo dục: Giáo dục là nền tảng, là môi trường thuận lợi để truyền đạt tri thức, thông qua giáo dục các em sẽ ý thức được tầm quan trọng của tiếng mẹ đẻ. Nhà nước cần đào tạo trí thức trẻ Chăm yêu văn hóa, yêu tiếng mẹ đẻ trong tương lai. Đào tạo đội ngũ giáo viên tiếng Chăm không những hội đủ về mặt tri thức mà còn cần phải có cái tâm trong giáo dục tiếng mẹ đẻ.
_ Giáo dục tiếng Chăm cần phải có hệ thống và sự xuyên suốt từng cấp bậc, vì giáo dục tiếng Chăm hiện nay chỉ ở cấp bậc tiểu học thôi chưa đủ. Tiếng Chăm có thể là một chứng chỉ ( như chứng chỉ quốc phòng) để hội đủ điều kiện xin việc trong tương lai.
Có thể xem đó là một điều kiện khó khăn cho các em học sinh Chăm, nhưng đó là biện pháp để thấy được tầm quan trọng của tiếng mẹ để đối với tương lai của mình, giúp các em ý thức về vấn đề bảo tồn ngôn ngữ mẹ đẻ trên đà diệt vong hôm nay. Điều này phụ thuộc rất lớn ở chính sách của Đảng và Nhà nước với sự đồng tình của bà con Chăm trong tương lai.
Tóm lại, tiếng Chăm là di sản của dân tộc Chăm nói riêng và nhân loại nói chung. Thực trạng “ ngôn ngữ lớn nuốt ngôn ngữ bé” là một vấn đề cảnh báo đối với tiếng Chăm hôm nay. Vì vậy cần những chính sách và hành động cụ thể nhằm góp phần bảo tồn tiếng Chăm trong tương lai.
theo gulpataom.wordpress.com
Be the first person to like this.