• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
bonghong
by On April 16, 2013
232 views

Tác Giả: T. N. Tiến

Nước Sông Pa và Cường Đô La

 

Làm sao tôi có thể kể cho các em biết rằng người Kinh của chúng tôi đang giết chết dân tộc các em từng ngày từng giờ

 

Amai B’lan 

Hơn nửa cuộc đời của tôi sống trong Thung Lũng Điện Tử (Silicon Valley) tại phía Nam của Vịnh San Francisco. Ở một nơi có vài chục giống dân sống cạnh bên nhau – và tiếng Anh được dùng như ngôn ngữ chính – tôi dễ có cảm tưởng mình là một công dân quốc tế, cùng với niềm xác tín rằng những phương tiện giao thông (và truyền thông) hiện đại đã khiến cho quả địa cầu nhỏ lại tựa như một ngôi làng: a global village

Niềm xác tín này (vừa) hơi bị lung lay chút đỉnh, sau khi tôi nghe một cô giáo trẻ – nơi một buôn làng heo hút – kể chuyện quê nhà:

 Buôn nằm cạnh quốc lộ 25, bên cạnh con đường rách nát y như bản thân mình vậy. Đi ngang qua nhìn vào buôn, sẽ thấy những ngôi nhà sàn nhỏ bé đứng cạnh nhau, rúm ró, buồn bã và nín nhịn. Cả buôn có khoảng 70 nóc nhà. 99% là người Jrai và một gia đình người Kinh đến bán tạp hóa giữa làng…

Giữa buôn có trường làng, chỉ một phòng học. Lớp một học buổi sáng. Lớp hai học buổi chiều. Lên lớp ba thì qua học ké Phùm Ang cách đó chừng hai cây số. Lên lớp sáu thì phải vào Ia R’siơm học. Cả buôn từ trước đến nay chưa có ai tốt nghiệp lớp 12…

Một hôm, tôi hỏi các em có biết các em đang sống ở nước nào không. Cả lớp im phăng phắc nhìn nhau, phải gợi mãi, cuối cùng một em ngập ngừng nói:

- Nước Việt Nam phải không cô?

Tôi hỏi tiếp:

- Ai biết, trên thế giới còn nước nào khác?

Lần này thì cả lớp hào hứng hẳn lên, rồi một em nhanh miệng nói:

- Dạ, nước sông Pa ạ.

Tôi không tài nào nhịn được cười bởi câu trả lời ngây thơ ấy, nhưng ngẫm lại thì thấy chua xót quá. Buôn làng của các em bị những ngọn núi chất ngất kia bủa vây, cuộc sống của các em chỉ có nương rẫy, trâu bò và dòng sông miệt mài chảy. Mọi biến chuyển của thế giới bên ngoài không lọt tới cuộc sống của các em được.(Amai B’lan. Nước Mắt Của Rừng. California: Nhân Ảnh, 2013).

 

Ô hay! Nếu đúng như thế thì (chả lẽ) trong cái làng địa cầu hiện nay không có cái buôn Phùm Gi sao? Nhân loại dường như không ai biết đến địa danh này, và vì “bị những ngọn núi chất ngất kia bủa vây, cuộc sống… chỉ có nương rẫy, trâu bò và dòng sông miệt mài chảy” nên các em cũng chả biết đến ai (khác) cả.

 

Global village: Ảnh: baogialai.com

Vẫn cứ theo lời cô giáo Amai B’lan:

Cả Phùm Gi không có lấy một cái giếng. Đất nơi đây toàn đá, đào giếng rất cực mà chẳng có nước, nên tất cả mọi sinh hoạt đều dùng nước sông Pa. Sáng sáng, trước khi lên nương, những cô gái trong buôn đeo gùi ra sông lấy nước. Họ vét một hố cát, ngồi chờ nước thấm vào, rồi múc từng gáo nước đổ vào quả bầu khô gùi về nhà. Nước để nguyên trong quả bầu, không nấu nướng gì hết. Khi nàouống cứ việc xách quả bầu lên tu một hơi căng bụng đã đời. Ai chịu khó hơn thì chèo thuyền qua sông, tìm tới những con suối trên núi. Người ta nói nước suối uống ngon nhất, sau đó mới tới nước sông, nước giếng xếp hạng ba.

 

Địu con lấy nước: Ảnh Trần Thị Trung Thu

Cứ chiều đến, tôi lại ra sông nhìn người dân từ bờ bên kia chèo thuyền về. Nắng vàng trải xuống lòng sông sóng sánh như lụa. Trời cao xanh. Núi ngút ngàn. Cảnh tượng trông bình yên đến lạ. Con nít giờ đó cũng ra sông tắm rửa, mong ngóng bố mẹ. Phụ nữ tranh thủ lấy nước, giặt giũ quần áo. Bến sông trở nên nhộn nhịp hẳn. Cũng ở đây, tôi nghe người dân kể về sông Pa với giọng điệu tiếc nuối. Họ nói:“Ngày trước sông Pa trong xanh lắm, lại có nhiều cá nữa.

 Gần đây có một cái thác rất đẹp gọi là thác tiên. Bây giờ thì hết rồi. Mấy năm trở lại đây, sông Pa bắt đầu đục ngầu vì ô nhiễm, nhưng người dân đâu còn cách nào khác là cứ phải tiếp tục uống thứ nước đó. Nguồn nước ô nhiễm kéo theo bệnh tật. Viêm khớp, đau thận, đau bao tử là những bệnh ít người thoát được. Theo họ, thà chết từ từ vì bệnh còn hơn là chết ngay tại chỗ vì khát.

 Trong buôn hầu như không có người già bởi lẽ đâu ai sống thọ tới 60. Phân nửa học trò của tôi mồ côi cha hoặc mẹ từ khi còn rất nhỏ…

 Cuộc sống của họ nếu cứ thế trôi qua thì cũng đã bần cùng lắm rồi. Thế mà một ngày kia, cách đây khoảng hai năm, công ty Hoàng Anh Gia Lai lập dự án xây thủy điện. Để có đất xây thủy điện, chính quyền lấy đất của dân lại mà không hề đền bù một xu, rồi bán lại cho Hoàng Anh Gia Lai. Kết quả, dự án đó nuốt hết một nửa buôn Phùm Gi và nuốt luôn cả sự linh thiêng ở đây…

Con sông Pa dài 374 cây số chảy qua ba tỉnh Kontum, Gia Lai, Phú Yên, nhưng lại phải đeo tới năm cái gông thủy điện vào cổ. Thủy điện Đồng Cam, thủy điện Ba Hạ, thủy điện An Khê, thủy điện Ayun Hạ, thủy điện Ayun Thượng. Bây giờ thêm một cái cạnh Phùm Gi này nữa là sáu. Tính ra, trung bình cứ hơn 60 cây số là bị một đập. Ngày nay, các nước trên thế giới không chơi thủy điện nữa vì nhiều tác hại, đến cả người dân nơi đây cũng biết. Họ thấp thỏm lo sợ tới một ngày mình phải bỏ buôn ra đi vì đập tràn. Và điều đó đã tới trước khi tôi rời nơi đây một tuần.

 Dòng sông mùa khô cạn đến mức trâu bò có thể lội qua, nay dâng nước lênh láng tràn bờ. Người ta đã ngăn đập lại. Con đập cách buôn chừng 200 mét nên Phùm Gi gánh chịu hậu quả nặng nề nhất và nhanh nhất của việc ngăn dòng. Nước dâng lên tới sau nhà dân, bò vào vườn tược và gieo rắc nỗi kinh hoàng…

 Dòng sông hiền hòa ngày đêm có tiếng thác đổ nay hết rồi.

Những chiều ra sông lấy nước nay cũng hết rồi.

Dòng sông bây giờ là một đường băng nước khổng lồ, dơ bẩn và đục ngầu. Nước đã dâng lên hơn hai mét. Mọi người không còn thấy con sông Pa quen thuộc đâu nữa, mà chỉ thấy một con quái vật lúc nào cũng chực chờ muốn nuốt chửng buôn làng…( S.đ.d trang 103-109).

 

Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai: Trần Thị Trung Thu

Sự có mặt bất ngờ của Hoàng Anh Gia Lai, trong phần cuối câu truyện của cô giáo ở bản làng xa khiến tôi (thốt nhiên) nghĩ lại. Thôn Phùm Ghi, té ra, đâu có bị thiên hạ lãng quên.

Sự có mặt bất ngờ của Hoàng Anh Gia Lai, trong phần cuối câu chuyện của cố giáo ở bản làng xa khiến tôi (thốt nhiên) nghĩ lại. Thôn Phùm Ghi, té ra, đâu có bị thiên hạ lãng quên.

 

(Xin bỏ một đoạn nhậy cảm…)

Lớp Học Phùm Gi

 

“Tôi không đổ lỗi cho các em, vì các em chỉ là những tờ giấy trắng. Người ta có viết gì lên đó đâu mà hy vọng các em có chữ nghĩa. Nếu nền giáo dục Việt Nam không thể dạy cho một học sinh lớp sáu người Jrai biết 15 – 8 bằng bao nhiêu thì đây chỉ là một nền giáo dục tồi. Ôi, một đất nước chỉ mới đây thôi tự hào là quốc gia đoạt giải Nobel toán học mà dân chúng thì chẳng biết 4 + 7 bằng bao nhiêu.”

Amai B’Lan

                                        —————————–

Hơn mười năm trước, báo Nhân Dân (số ra ngày 9 tháng 12 năm 2000) ái ngại đi tin:“Các dân tộc Ba Na, Cà Dong, Chu Ru, Cà Tu, Hà Nhì, Xê Đăng, Thổ Chỉ có từ hai đến ba học sinh đạt tiêu chuẩn. Đáng chú ý, mỗi dân tộc: Cơ Lao, Xtiêng, Giáy, Cơ-ho, Lào, La Chí chỉ có một học sinh đủ tiêu chuẩn cử tuyển vào học các trường đại học, cao đẳng.”

Mẩu tin ảm đạm (và hiếm hoi) thượng dẫn, ngó bộ, không tạo ra sự tin tưởng và an vui gì mấy cho những người dân đang sống trong một quốc gia Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc. Và chắc vì thế, từ đó đến nay, không thấy những cơ quan truyền thông của nhà nước Việt Nam đề cập đến tin tức liên quan tới người dân bản địa (“được cử tuyển vào học các trường đại học”) như trước nữa.

Tuy thế, độc giả vẫn có thể đoán được cuộc sống, cũng như tình trạng học vấn của học sinh miền núi, qua nhiều nguồn thông tin khác:

-         Ngày 15 tháng 1 năm 2013, vnexpress đi tin:”Trẻ em vùng cao phong phanh trong giá rét.Có em còn đi chân đất, mặc mỗi một chiếc áo mỏng tang.”

-         Trước đó một hôm, hôm 14 tháng 1 năm 2013, báo Đất Việt cũng đã buồn bã cho hay: “Không có thức ăn, hết măng ớt, các em học sinh vùng cao phải dùng bẫy bắt chuột làm thức ăn chống rét.”

 

Cơm và chuột. Ảnh: baodatviet

Đời sống có những nhu cầu theo theo thứ tự ưu tiên sắp sẵn: ăn – mặc, ăn – học… Ăn/mặc đều thiếu thốn như thế thì học/hành ra sao?

Câu trả lời có thể tìm được trong một lớp học ở thôn Phùm Gi, thuộc Tây Nguyên, qua cuốn bút kýNước Mắt Của Rừng (*) của Amai B’Lan – một cô giáo trẻ, đến từ miền xuôi:

Phùm Gi cách buôn Nu khoảng sáu cây số thôi nhưng có tới hai kiểu đường. Hai cây số đầu là đường nhựa láng o, khoảng bốn cây số sau thì lởm chởm đá, ổ gà và mịt mù bụi bặm. Buôn nằm cạnh quốc lộ 25, bên cạnh con đường rách nát y như bản thân mình vậy. Đi ngang qua nhìn vào buôn, sẽ thấy những ngôi nhà sàn nhỏ bé đứng cạnh nhau, rúm ró, buồn bã và nín nhịn. Cả buôn có khoảng 70 nóc nhà. Chín mươi chín phần trăm là người Jrai và một gia đình người Kinh đến bán tạp hóa giữa làng…

 Cũng như những buôn khác, Phùm Gi sống bằng nghề nông. Trước kia họ trồng lúa, còn bây giờ chuyển qua trồng mì vì mì có giá hơn. Họ cũng trồng thêm lúa, mè, bắp, hột dưa và nuôi bò dê tăng thu nhập.

Nương rẫy Phùm Gi nằm bên kia sông Pa, dưới dãy núi cao ngất, vì đất bên này bán cho người Kinh hết rồi. Muốn lên rẫy, họ phải vượt sông bằng chiếc ghe nhỏ, hai tay hai mái chèo bơi đi như vịt, trông rất nguy hiểm. Rẫy xa, bố mẹ đi làm từ sáng đến chiều mới về, mấy đứa nhỏ ở nhà tự tìm cái ăn. Nấu cơm được thì ăn, không thì chạy qua nhà hàng xóm ăn ké.

Có bữa tôi thấy tụi nhỏ ăn xoài trừ cơm. Bí quá không kiếm được cái gì bỏ vào miệng thì nhịn. Ăn uống thất thường, thiếu chất, nên đứa nào đứa nấy cũng bụng ỏng đít beo, không lớn lên được mà cứ quắt lại.

 Người Jrai thương con vô cùng nhưng lại không biết cách chăm sóc con cái. Họ để quần áo chúng rách rưới, đầu tóc dơ bẩn, mặt mày lem luốc. Mỗi chiều tắm xong, đám trẻ đứng trên những tảng đá cao ngóng bố mẹ từ bờ bên kia chèo về như những con chiên lạc không người chăn dắt…

 

Tối đến, tôi còn đang ăn dở chén cơm thì các em tới. Tất cả là 25 em cả trai lẫn gái, một con số khá ấn tượng trong buổi gặp đầu tiên. Đứa lớn nhất 19 tuổi và nhỏ nhất năm tuổi. Học cao nhất lớp tám và có tới một nửa chưa biết chữ là gì.

Các em tới, rất vô tư và tự nhiên ngồi xuống xung quanh tôi, líu lo như một đàn chim. Các em tới vì biết hôm nay có người đến buôn của các em và dạy một cái gì đó, chỉ vậy thôi.

Các em tới với đôi mắt to tròn, đen láy và hàng lông mi cong vút lúc nào cũng mở ra nhìn tôi.

Các em tới, đi chân đất, mặc nguyên bộ quần áo còn ẩm ướt lúc chiều tắm bên sông Pa.

Các em tới với hai bàn tay trắng, thừa sự háo hức nhưng đầy vẻ ngại ngùng.

 

 

Viết nằm: Ảnh: Trần Thị Trung Thu

 
Chúng tôi ngồi bên nhau, làm quen và phác họa rất nhanh chương trình học. Một tuần sẽ học năm buổi. Từ thứ hai tới thứ sáu. Lúc bảy giờ đến chín giờ tối vì ban ngày các em đều bận đi chăn bò. Sau giờ học sẽ sinh hoạt vòng tròn, tập hát, kể chuyện hay chiếu phim tùy nhu cầu.

Tôi biết trong buôn các em yếu nhất hai môn toán và tiếng Việt nên chỉ tập trung dạy hai môn đó. Ban ngày tôi rảnh, ai cần học cứ tới, tôi dạy hết. Bọn trẻ khoái chí, vỗ tay rần rần và hẹn tối mai rủ thêm bạn tới.

Khi bọn trẻ về hết và chỉ còn lại một mình trong ngôi nhà trống trải, thì tôi tự hỏi chính mình:“Thế là lớp học của tôi bắt đầu thật rồi sao?” Bắt đầu mà chẳng có gì cả. Không bàn không ghế. Không phấn không bảng. Không sách vở bút viết. Đến cả ánh sáng cũng nhờ nhợ như một vì sao xa. Chúa ơi, Chúa đã dẫn con tới đây thì xin Chúa cũng hãy chỉ bảo cho con biết con phải làm gì nhé. Và Chúa đã nhận lời.

Ngài chỉ cho tôi biết việc đầu tiên là tôi hãy quá giang xe về Ia R’siơm vào sáng hôm sau để mua sách vở, bút viết cho bọn trẻ, sau đó về nhà ama tìm một tấm ván làm bảng. Tôi không quên mang theo ít thuốc Panadol phòng ốm đau. Anh Wiêng xung phong làm xe ôm chở tôi về lại Phùm Gi với bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh trên người.

Qua tới nơi mới biết còn thiếu một thứ rất quan trọng, đó là bàn học. Thế là cô trò hì hục vác những tấm ván ở chuồng bò nhà ami H’hot ra sông Pa cọ rửa, lau khô. Tôi mượn ba cái ghế nhựa nhà ami H’hot làm trụ mà vẫn không đủ, liền mượn luôn cả cái cối giã gạo của nhà bên cạnh. Vậy là có những cái bàn ngon lành.

Tưởng thế là ổn, ai dè học trò đông quá, lên tới 35 em, không có đủ bàn, thành thử, khoảng một phần ba lớp học phải nằm, quỳ hoặc bò ra mà viết. Học trò của tôi viết trên những cái bàn thô kệch ấy. Những dòng chữ ngoằn ngoèo, đôi khi dơ bẩn, tẩy xóa tùm lum, duy chỉ có đôi mắt là sáng như sao và sự chăm chỉ đến tê người. Nhìn học trò lăn lóc viết, tôi như chết lặng.

 Ôi! Có nơi đâu đi kiếm con chữ mà khổ sở đến vậy không hả trời?

 

Sinh hoạt vòng tròn: Trần Thị Trung Thu

 

Tôi phát cho mỗi em một cây viết và một cuốn vở, bắt các em viết tên của mình vào vở, khi học xong tôi thu bút vở lại, kẻo bọn trẻ mang về xé vở làm diều hết. Bữa sau tới học, tôi lại phát ra. Thế là bảo toàn được lực lượng. Cứ nhìn gương mặt háo hức nhận vở của bọn nhóc mà thấy vui lây.

Có nhiều em chưa biết viết, phải nhờ mấy bạn lớn viết hộ tên. Người Jrai có nhiều cái tên đọc muốn méo miệng mà vẫn không trúng, tiếng Việt cũng không biết phải viết thế nào. Những em chưa biết viết không theo kịp anh chị lớp lớn, tôi cho ngồi riêng ra một góc rồi cầm tay tập viết cho từng đứa.

Có cầm tay bọn nhóc, có đặt mũi vào mái tóc cháy nắng và bộ quần áo khét lẹt, lấm lem bùn đất và sực nức mùi phân bò của bọn nhóc, mới thấy xót xa cho các em. Còn bọn trẻ thì cứ nắm chặt bút, mím chặt môi viết như sợ từng chữ bay đi mất.

Học xong, tôi cho sinh hoạt vòng tròn. Từ trước đến giờ, chưa có ai đến với các em, dạy dỗ các em và cho các em chơi các trò chơi mà đáng lí tuổi của các em phải được chơi… Qua một ngày vất vả ngược xuôi, sau dãi dầu mưa nắng, thì giờ đây, các em được tha hồ sống thật với bản tính hồn nhiên vô tư của tuổi thơ. Các em không còn vẻ lam lũ của những đứa trẻ chăn bò nữa, mà thay vào đó là những gương mặt linh hoạt, nụ cười rạng rỡ và ánh mắt lung linh.

Tôi thích đứng một mình nhìn các em ra về sau khi giải tán, vì lúc đó, men chơi còn chất ngất, khiến đứa này chọc ghẹo đứa kia, để rồi cả đám đuổi bắt nhau, tiếng cười giòn tan như bắp nổ rộn rã trên đường làng. Bóng bọn trẻ khuất lấp trong màn đêm rồi đậu xuống dưới một mái nhà, mang theo vào giấc ngủ nụ cười trên môi. Hôm nay trăng sáng, tha hồ chơi, gần mười giờ rưỡi các em mới chịu về.

Mấy chục cái miệng thi nhau chúc tôi “pit hiam” (ngủ ngon) rồi ùa chạy đi trên con đường làng đầy ánh trăng, tiếng cười trong veo như nước suối cứ trầm bổng rồi tan theo núi rừng vào thinh không. Tối nào cũng có vài chục người chúc ngủ ngon. Không muốn cũng sẽ ngủ rất ngon, hỡi những thiên thần Jrai.(Amai B’lan. Nước Mắt Của Rừng. San Jose: Nhân Ảnh, 2013.)

Trong giấc ngủ, tất nhiên,những thiên thần Jrai có thể mơ đến một ngày được bước chân vào ngưỡng cửa đại học – một thứ đại học có tầm vóc quốc tế, theo như lời của người đại diện của hội đồng sáng lập Dự Án Đại Học Tư Thục Trí Việt (Tri Viet International University Project):

 “Gọi là trường quốc tế bởi vì sẽ dạy bằng tiếng Anh kể từ năm thứ 2, với lập luận rằng thanh niên Việt Nam thời hội nhập phải có tiếng Anh như là một ngôn ngữ làm việc của mình, ngoài tiếng mẹ đẻ…

Tất nhiên, đây là một giấc mơ xa. Cũng xa vời (và mịt mờ) như cái chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác (kính yêu) đã chọn. Tạm thời, ngày mai, khi vào lớp những các em hãy cứ nhẩn nha học phép toán xem 15 trừ 8 còn bao nhiêu (trước đã) để đỡ bị cái nạn hay bị người Kinh thối lộn tiền – khi đi mua muối!

K’ Tien


(*) Nước Mắt Của Rừng. Bút Ký của Amai B’Lan.Tựa: Phan Ni Tấn.Nhân Ảnh Xuất Bản. Bìa và tranh: Khánh Trường.Trình Bày: Lê Hân & Tạ Quốc Quang.Copyright @ 2013 by Trung Thu. ISBN: 978-0-9811982-9-3.Ấn phí và bưu phí 15 M.K. Sách có thể đặt mua theo địa chỉ sau:

Mr. Lê Hân
375 Destino Circle,San Jose, CA 95133
U.S.A or han.le3359@gmail.com

Theo Gocnhinalan.com

 

 

 

 

Posted in: Bút ký - Truyện
Like (2)
Loading...
2
cô bé xinh quá
September 10, 2013