• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
Thạch Ngọc Xuân
by On May 13, 2013
75 views
Cứ mỗi năm nhân ngày này chúng ta lại có dịp nghe, thấy tình cảm thân thương của những người con được biểu lộ qua nhiều cách khác nhau dâng lên mẹ. Tại Hàng Châu, Trung Hoa nhân Ngày Lễ Mẹ trẻ em tại các trường mẫu giáo thể hiện lòng biết ơn bằng cách rửa chân cho mẹ của mình. Tại Nhật Bản thì món quà mang ý nghĩa truyền thống của người dân Nhật dành cho những người mẹ, là các em nhỏ vẽ chân dung của mẹ. Ngày của mẹ ở nhiều nước trên thế giới là một ngày vô cùng đặc biệt để mọi người bày tỏ sự biết ơn và tình yêu đối với mẹ, ở Việt Nam ngày lễ này mới chỉ được biết đến vài năm gần đây nhưng được các bạn trẻ nhiệt tình đón nhận, dầu nhiều người không biết chính xác sự ra đời của nó lúc nào.
Theo tài liệu cho biết là ngày của mẹ có nguồn gốc từ đầu những năm 1600 tại Anh, có điều là những người Anh di cư sang Tân Lục Địa lại không duy trì ngày lễ này. Năm 1858, Ann Marie Reeves Jarvis con của một mục sư, người phụ nữ rất năng động đã thấy nhu cầu nên thành lập Mothers’ Day Work Clubs, kiểu như là ngày nhớ công của mẹ. Bà là người đầu tiên tổ chức một buổi lễ tôn vinh mẹ thực sự tại những thành phố quê nhà của mình ở West Virginia.
Trong lúc đó Julia Ward Howe, một nhà hoạt động xã hội, nhà thơ nổi tiếng và tác giả của cuốn “Battle Hymn of the Republic” cũng nỗ lực để tạo ra một ngày quốc lễ dành cho mẹ. Vào năm 1872, bà đã đề xuất và quảng bá “Mother’s Day for Peace,” Ngày của Mẹ vì Hòa bình, được tổ chức vào ngày 2 tháng 6, nhưng cuối cùng thì nó dần dần bị quên lãng. Riêng Ann Marie Reeves Jarvis trong suốt 25 năm dạy Trường Chúa Nhật, và thường được mời đi thuyết giảng những đề tài như “Những Người Mẹ Vĩ Đại Trong Kinh Thánh.” Bà thường nói về giấc mơ của mình có một ngày được biệt riêng ra để người Mỹ vinh danh những người mẹ của mình. Sau khi chồng qua đời, bà đi sống với những người con ở Philadelphia, Pennsylvania.
Bà qua đời vào năm 1905, sau đó con gái của bà là Anna Marie Jarvis đã tiếp tục sự nghiệp của mẹ. Vào ngày 12 tháng 5 năm 1907, Anna đã gửi tặng 500 bông hoa cẩm chướng trắng cho những người mẹ trong Hội Thánh của mẹ mình ở Grafton, West Virginia. Năm 1908, nhà thờ của mẹ cô đã đồng ý yêu cầu của Anna về việc tổ chức một ngày Chúa Nhật chương trình đặc biệt để vinh danh những người mẹ. Nhưng cô đã không ngừng ở đây, năm 1909 Anna lao mình vào một chiến dịch viết thư vận động các mục sư, những thương gia, các nhà chính trị từ chính quyền địa phương đến trung ương lập nên một ngày quốc lễ dành cho mẹ.
Năm 1911 truyền thống Ngày Lễ Mẹ lan ra và được tổ chức trên hầu hết các tiểu bang Hoa Kỳ. Cuối cùng, vào năm 1912 những nỗ lực của Anna Marie Jarvis đã đi tới thành công, là tiểu bang West Virginia đã công nhận một ngày lễ chính thức dành cho mẹ. Hai năm sau đó, 1914, Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua một đạo luật được ký bởi Tổng thống Woodrow Wilson, thiết lập một ngày quốc lễ dành cho mẹ, nhấn mạnh vai trò của người mẹ trong gia đình. Từ đó trở đi, ngày lễ này đã ngày càng trở thành một ngày lễ lớn được nước Mỹ tổ chức hằng năm vào ngày Chúa Nhật thứ hai của Tháng Năm, và tới giờ thì đã lan đi toàn thế giới!
Tại Mỹ, quốc gia xem Ngày Lễ Mẹ như là quốc lễ đầu tiên trên thế giới, các bà mẹ được tận hưởng ngày dành cho riêng mình trong bầu không khí vui tươi và hạnh phúc. Ngày Lễ Mẹ là dịp nhắc nhở những người con về lòng hiếu kính đối với mẹ, một nghĩa vụ trở thành một trong Mười Điều Răn mà đã từ lâu được Đức Chúa Trời phán dạy dân sự của Ngài với một lời hứa đi kèm cho những ai làm theo sẽ hưởng được: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12).
Là người Việt Nam theo truyền thống thì việc hiếu kính cha mẹ là bổn phận thiêng liêng mà người con gìn giữ, làm sao cho đẹp lòng mẹ cha để khỏi phải ân hận và hối tiếc về sau. Với mẹ, khi cưu mang con mẹ đã phải chấp nhận những đớn đau thể xác mà không ai có thể chia sẻ được, đến lúc con chào đời mẹ lại chịu nhiều gian truân nhưng vẫn mỉm nụ cười vui khi nghe tiếng của con khóc. Những dằn vặt, lo toan khi con trái gió trở trời, buồn vui của mẹ gắn liền trong tình mẫu tử tiếp nối theo chuỗi ngày khôn lớn của con.
Có ai yêu tôi bằng mẹ tôi,
Mẹ luôn vui vẻ lúc tôi cười.
Mẹ tôi buồn bã khi tôi khóc,
Mẹ mến thương tôi lúc trở trời.
Ðến khi con chập chững tập đi, mẹ lại từng bước dìu dắt. Mẹ luôn đi bên cạnh để “khi con đi, bước chân con sẽ không ngập ngừng, và khi con chạy, con sẽ không vấp ngã” (Châm Ngôn 4:12). Mẹ vui theo sự khôn lớn của con, khi con bắt đầu đi học mẹ dắt tay con từng bước, tung tăng theo tiếng cười của con đến trường.
Hôm nay con đến trường,
Mẹ dắt tay từng bước.
Chưa hết nỗi lo âu của mẹ, khi con khôn lớn sắp bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, mẹ vẫn ở bên cạnh để “dạy dỗ con đường khôn ngoan, dẫn con đi trong các lối ngay thẳng” (Châm Ngôn 4:11). Nếu không may, đứa con nào vấp ngã, bất hạnh trên đường đời mẹ lại dang rộng vòng tay tha thứ và ôm ấp con với tất cả sự trìu mến. Nụ cười của mẹ là thành công của con, và niềm vui của mẹ cũng được nuôi dưỡng bằng hạnh phúc của con.
Thật lòng mẹ bao la quá! Mẹ luôn là bến đợi, là chốn nghỉ ngơi, là nơi an ủi. Mẹ là suối nước ngọt ngào, là dòng sông phước hạnh, là bóng mát cuộc đời. Tình mẹ không bao giờ biến đổi và không bao giờ chấm dứt. Mẹ chỉ cho mà không bao giờ nhận, cuộc đời của mẹ là một chuỗi hy sinh. Bởi vậy, René Bazin, một nhà văn Pháp bảo: “Ở đâu tôi gặp một gia đình hạnh phúc, ở đó tôi thấy một hình ảnh bà mẹ biết quên mình.” Hình ảnh người mẹ Việt Nam trong câu:
Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp một, như đường mía lau.
Thoáng nghe qua chẳng có giá trị là bao, nhưng thật ra chính những đặc sản đơn sơ của quê hương đó rất gần gũi và thân thiết với người Việt chúng ta. Chất liệu ngọt ngào, thơm dịu đó đã dung chứa những nét đẹp tuyệt vời và bất tử, và tình mẹ chính là chất liệu ngọt ngào ấy đã nuôi con khôn lớn nên người. Trên đời này ngoài Chúa ra không ai yêu thương ta bằng mẹ, vì người tình dẫu thủy chung, đôi khi cũng chỉ yêu ta với diều kiện. Riêng mẹ thì không, nên hãy hết lòng ân cần săn sóc, nhất là khi mẹ bệnh hoạn già yếu.
Truyện kể một vị hiền tài nọ, một hôm phạm lỗi bị Mẹ đánh. Ông khóc tức tưởi nhiều hơn mọi lần. Mẹ hỏi: “Lần này mẹ đánh ít, sao con khóc nhiều?” Thưa: “Những lần trước mẹ đánh nhiều, ngọn roi mạnh, con khóc vì đau. Lần này mẹ đánh ít, ngọn roi nhẹ, con thấy ít đau, nhưng con biết sức mẹ đã yếu, mẹ đã già, nghĩ vậy mà con khóc.”
Thật tình mẹ thương con quả là thứ tình cảm thiêng liêng khó giải, nên phận làm con hãy thương yêu. Mỗi người chỉ có một mẹ, môt mẹ mà thôi trong cõi đời này, nên hãy chăm lo khi còn có thể được. Vì sự sống vốn dễ rung rinh, rồi sẽ tới một ngày – thậm chí có thể chỉ trong thoáng chốc – ta sẽ chỉ còn có thể thấy được mẹ ở trong trí nhớ thôi!
Mục sư Ức Chiến Thắng
Daniel Dao Tran, Th.M.; D.Min.
4515 SW Green Oaks Blvd.
Arlington, TX 76017
469-387-9870. E-mail: Msdaotran@aol.com
Be the first person to like this.