• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
prancham
by On May 15, 2013
84 views
Minh định thành quả chuẩn hóa chữ Cham Akhar Thrah của Ban Biên Soạn Sách Chữ Chăm tỉnh Thuận Hải
Justification for the Standardization of Cham Akhar Thrah of Cham Textbook Compiling Committee in Thuan Hai Province
TS Quảng Đại Cẩn
I. Đặt vấn đề:
Ban Biên Soạn Sách Chữ Chăm (BBSSCC) chính thức hoạt động từ ngày 01/06/1978 (Quyết định thành lập số 104/QĐ-UB Thuận Hải ngày 15/3/1978) đến 31/10/2010, sau đó chuyển thành Trung Tâm Giáo Dục Dân Tộc (TTGDDT)) là cơ quan chịu trách nhiệm (1) nghiên cứu chữ Cham Akhar Tharh để phổ biến và phát triển; (2) biên soạn giáo trình, sách tham khảo, và sách đọc thêm cho học sinh và đồng bào Cham; (3) tổ chức dạy và học Cham ngữ trong trường tiểu học, đào tạo giáo viên chữ Cham, tiếng Cham trong trường Sư Phạm. Biên chế ban đầu gồm 19 người (chuyên môn gồm 15 người, hành chánh quản trị có 4 người, theo quyết định biên chế số 646/ QĐ-UB Thuận Hải ngày: 3/5/1978) Thiết Ngữ (Trưởng Ban- phó Giám Đốc Ty Giáo Dục Thuận Hải), Lâm Nài (phó ban phụ trách), Bạch Thanh Chạy, Lâm Gia Tịnh, Trượng Tốn, Qua Đình Bồi, Nguyễn Ngọc Đảo, Quảng Đại Hồng, Châu Văn Đỉnh, Châu Văn Kên, Nguyễn Hữu Châu, Phú Hữu Tỏ, Phú Văn Kỉnh, Đàng Năng Mão, Đàng Năng Quạ, Thiên Sanh Dưỡng, và Thập Văn Hưởng.
Với kinh nghiệm thất bại trong chương trình dạy tiếng Cham từ 1964-1975, những giáo viên này điều chỉnh nguyên nhân và quyết định chuẩn chính tả. Việc san định lại âm vần được thực hiện trong 12 năm (1978-1990). Bước chuẩn hóa này rất phù hợp với “language planning”i, một chuẩn bị cần thiết để phát triển giáo dục ngôn ngữ dân tộc thiểu số (Baker, 2011).
Chương trình tiếng Cham, thành quả thuẩn hóa, được đánh giá cao trong các báo cáo của ngành, giới khoa học, chuyên gia của trường Đại Học Melbourne Úc (Marilyn & Paul, 1996), đồng bào Cham nói riêng và dân tộc thiểu số có chương trình tiếng dân tộc nói chung đã tiếp sức cho chương trình phát triển bền vững đến nay. Thành quả của chương trình tiếng Cham đã giúp bao trùm và cập nhật được tiếng, chữ Cham trong cộng
đồng Cham và Việt Nam. Tuy nhiên, sau 28 năm thưc hiện, nổi lên một đánh giá nghịch chiều là: BBSSCC đã góp phần “phá hủy” kho tàng ngôn ngữ chữ viết Cham, di sản thiêng liêng của dân tộc Champa (Po Dharma, 2007b, tr. 29). Dù vậy người Cham, lịch sử ngôn ngữ Việt Nam vẫn mãi ghi nhận công trình đồ sộ đầy nhiệt huyết của tiền nhân dù có chế biến vài vần hay vài sai lầm thật đi nữa.
II. Diễn biến của sự ngộ nhận:
Po Dharma có khen chương trình tiếng Cham: “… công trình giúp đỡ con em Chăm … học tiếng Chăm trong trường lớp” (2007b, tr. 29). BBT Champaka.info viết: “Vì rằng Champaka là tổ chức rất hoan hô sách giáo trình dạy chữ Chăm vô cùng đồ sộ của BBSSCC và nhất là công lao của cơ quan này.”, và CPK.info yêu cầu: “Champaka chỉ yêu cầu BBSSCC sửa đổi 4 điểm sai lầm trong sách giáo trình để thống nhất lại Akhar Thrah truyền thống của người Chăm có lợi cho chính sách bảo tồn ngôn ngữ và chữ viết của nhà nước Việt Nam đưa ra mà thôi.” (Harak Champaka 28, 2008, tr. 140) Năm 2006 tại Hội Thảo Kuala Lumpur (HTKL) với bài viết “Ngôn ngữ và chữ viết Chăm trong quá trình lịch sử”, Po Dharma kết luận rằng: “, sách giáo trình giảng dạy tiếng Cham của BBSSCC dù thế nào đi nữa cũng là một công trình rất là lợi ích đã giúp đỡ con em Cham có cơ hội học tiếng Cham cơ bản trong trường lớp. Tiếc rằng, sách giáo trình này lại vấp phải 7 sai lầm đã đưa ngôn ngữ chữ viết Cham, một di sản văn hoá thiêng liêng của dân tộc Cham đi vào khúc quanh của lịch sử,” (Harak Champaka 15, 2006). Kết luận HTKL yêu cầu phải xóa bỏ 3 vần “chế tạo” trong số hơn 190 vần BBSSCC đã chuẩn (Po, 2007a, tr. 17).
Hội đồng thẩm định, Bộ Giáo Dục Đào Tạo (GDĐT) trả lời yêu cầu của HTKL ngày 7/2/2007: “Chuẩn hóa của BBSSCC là hợp lý, HTKL cần nghiên cứu thêm.” Po Dharma chẳng những không nghe mà còn dấn sâu hơn vào sai lầm. Thay vì nghiên cứu thêm để thuyết phục hơn, ông chọn cách tăng án cho tập thể BBSSCC (thực chất là lên án 19 nhà giáo Cham hàng đầu thời bấy giờ). Ông viết: “Sự lượt bớt, cải biến tiếng Chăm của BBSSCC … trở thành hành vi tiêu cực … phá hủy kho tàng quý báu ngôn ngữ chữ viết Chăm truyền thống… là di sản thiêng liêng của một dân tộc Champa hôm nay.” (Pô,
2007b, tr. 29). Sự thực đó chính là sự CHỌN LỰA từ các cách viết đã có từ trước khi BBSSCC ra đời của đồng bào Cham Thuận Hải để chuẩn CHÍNH TẢ.
III. Nguyên nhân của sự ngộ nhận:
III.1. Tư liệu nghiên cứu không đầy đủ:
Po Dharma và HTKL ngộ nhận rằng mẫu mực cho Akhar Tharh chỉ có trong tư liệu Hoàng Gia Champa (1702- 1850) và trình bày nó như là nguồn tư liệu duy nhất trong các lập luận trình bày tại HTKL. Gồm những bản ghi chép công việc hành chánh của triều đình Champa-Panduranga và chưa được công bố (Kỉ yếu Hội Thảo Kuala Lumpur, 2007). Do đó công chúng không thể tiếp cận được để kiểm chứng những luận cứ trong văn bản HTKL. Để có kết luận tin cậy được, tư liệu nghiên cứu phải khả tín, phải bao gồm tư liệu cập nhật nhất là toàn bộ AT đang lưu giữ sử dụng trong dân, và các từ điển Cham trước 1978. Nhất là từ điển Cham Francais của AC 1906 gần như bao trùm toàn bộ các kiểu viết AT của Champa tại Đông Dương (Campuchia và Việt Nam). Từ điển được xem là kim chỉ nam cho những ai nghiên cứu về văn bản AT Cham cho tới nay.
III.2. Hạn chế về cơ sở lý luận:
Chỉ có bài viết của Po Dharma là mô tả và phân tích kỹ cấu trúc âm vần Cham như là bài chủ đạo của HTKL. Dù có một số nhầm lẫn nhưng ưu điểm là cơ bản vì đã chạm được vào toàn bộ cốt lõi vấn đề chuẩn hóa của BBSSCC- vấn đề ngắn dài của âm chính gây khu biệt nghĩa.
Ưu điểm: Nhận diện được bản chất vấn đề, nhưng dùng sai thuật ngữ và không đưa ra được danh sách ngoại lệ.
Vài lần Pô Dharma (2007b) dùng đúng từ, đúng hiện tượng: “ký hiệu baluw (âm dài) rất quan trọng” (tr. 12), “baluw chức năng dài hóa âm trắc” (tr. 23), nhưng không nhất quán trong lập luận. Ông viết: “tiếng Cham cổ điển … Hệ thống dùng baluw không có một qui luật rõ ràng và không ổn định… Qui luật dùng baluw trên [vần] ak, uk trong tiếng Chăm cổ điển vẫn còn lưu lại trong akhar thrah hôm nay” (2007b, tr. 9). Trang 13, ông viết: “Tóm lại, baluw là ký hiệu chỉ có giá trị khi dùng nó để biến âm tố (phonème) [âm tiết]ii ak, uk, ek «âm trắc [ngắn]» thành âm tố (phonème) [âm tiết] ak, uk, ek [āk, ūk,
ēk] «âm trầm [dài]» mà thôi.” Trang 9 ông khẳng định: “Tiếng Chăm cổ có qui luật rất rõ ràng về cách dùng baluw trên âm tố (phonème) a và u + phụ âm k tức là ak, uk ở hậu tố [âm tiết cuối]… không baluw dành cho âm trắc [ngắn]… có baluw dành cho âm trầm [dài].” Dù có lúc tự mâu thuẩn cho rằng AT vừa không, vừa có “quy luật rõ ràng”, nhưng ông đã nhìn ra vấn đề ngắn, dài là cơ bản và “rất quan trọng”.
Cách dùng baluw theo Po Dharma: “KHÔNG BALUW DÀNH CHO ÂM TRẮC [NGẮN], CÓ BALUW DÀNH CHO ÂM TRẦM [DÀI]”, là một phát hiện rất chính xác và khoa học. Để cho nhất quán và dễ hiểu trong lập luận, xin được dùng đúng thuật ngữ cho nét khu biệt ngắn dài. Ông cho ví dụ (tr.9): Âm ngắn /a/ trong /pak/ “nơi chốn” đối nghịch với âm dài /ā/ có baluw như /pāk/ “số 4”, /pāt/, /jāk/ “giạ”, /likūk/ “đằng sau”, /bbūk/ “đống”. Ví dụ (tr. 12): có baluw cho âm dài /ā/ như /jāk/ “rủ nhau”, /lūk/ “đần độn”, /cēk/ “phách lối”. Ông cho rằng nhiều âm dài được viết không có baluw là “cách viết không nghiêm túc… người học phải chú ý phân biệt cách phát âm” (tr. 13). Đúng vậy, ông bà ta viết tùy tiện, rất nhiều âm dài trong thực tế (từ điển và trong các bản chép tay) được viết không có baluw, một số ít âm dài viết có baluw (khoảng vài trăm trong từ điển AC 1906 và GM 1971) (Quang, 2007). Vậy thì ngoại lệ là vài trăm từ chứa âm dài viết có baluw hay hàng ngàn từ chứa âm dài nhưng có cách viết không có baluw? Chưa thấy Po Dharma hay HTKL đề cập cụ thể từ nào và bao nhiêu trường hợp là ngoại lệ?
Tuy nhiên, do hạn chế về cơ sở lý luận ngôn ngữ học, một số nhầm lẫn trong HTKL quy vào các điểm sau: (a) Nhầm lẫn thuật ngữ, âm tố, hậu tố, và “không biết đọc”; (b) Nhầm lẫn thuật ngữ trắc, trầm, cao; (c) Nhầm lẫn các hiện tượng ngôn ngữ, ngắn dài; (d) Nhầm lẫn biến âm gây khu biệt nghĩa và biến thể tự do. Những nhầm lẫn đáng tiếc này đã dẫn văn bản chủ đạo của HTKL đến một kết luận sai lệch về chuẩn hóa của BBSSCC.
III.2.(a) Nhầm lẫn thuật ngữ âm tố, hậu tố, và “không biết đọc”: Đôi khi ông dùng thuật ngữ âm tố và hậu tố tùy tiện khiến bạn đọc hiểu nhầm rằng Po Dharma không nắm được khái niệm cơ bản của âm vị học, âm tố, hậu tố là gì?
Âm tố (sound, phoneme): là đơn vị ngữ âm nhỏ nhất, yếu tố cụ thể của một âm vị. Thế nhưng ông thường viết: “âm tố (phonème) «aok» chứa đựng ba âm…” (Po, 2007b,
tr. 16) “…biến âm tố (phoneme) “ak, uk” từ âm trắc[ngắn] ra âm trầm [dài],” (tr. 9), “…âm tố (phoneme) ak, uk, ek trong Akhar Thrah Cham,” (tr. 12), “âm tố “aong” … “aik”…này luôn chứa đựng… âm trắc [ngắn] và trầm [dài]…” (tr. 16). Lẽ ra ông nên dùng ÂM TIẾT (syllable) hay vần để mô tả tổ hợp (nhiều hơn một âm vị) đó thì ổn hơn.
Hậu tố (suffix): là phụ tố (hình vị phụ thuộc) có nghĩa đi liền sau một căn tố, ví dụ như hậu tố tiếng Anh “er”, có nghĩa là “tác nhân”, nếu đi với work, thì thành worker “công nhân”, đi với read thì thành reader “người đọc”. Tiếng Pháp “able”, nghĩa là “qui peut être” trong từ “administrable, secourable”. Ông viết: “Tiếng Chăm cổ có qui luật rất rõ ràng về cách dùng baluw trên âm tố (phonème) a và u + phụ âm k tức là ak, uk ở hậu tố” (Po, 2007b, tr. 9) và: “Chế biến paoh gak ở hậu tố.” (tr. 23). Vậy hậu tố Cham, mà Po Dharma đề cập, là gì, mang nghĩa gì, và xin cho vài ví dụ về hậu tố Cham?
Không biết đọc như thế nào: Ông cũng viết: “Vì âm tố ao trong craoh aw phát xuất từ ký hiệu dar tha = «ô» mà ra. Nếu bỏ craoh aw thì còn lại là dar tha đọc là «ô». Nhưng nếu bỏ dar tha tức là «ô», thì craoh aw không có giá trị nữa và không biết đọc như thế nào.” (Po, 2007b, tr. 9). Ở đây không những ông không nhận diện được âm nào là “trắc, trầm [ngắn, dài]” mà còn “không biết đọc như thế nào” nếu từ chỉ có croh aw. Croh aw không darsa xuất hiện trên 100 mục từ trong từ điển Cham Francais AC 1906, Po Dharma cũng “không biết đọc như thế nào” và chưa thấy bao giờ? Đương nhiên là nếu tình cờ gặp ở đâu đó có croh aw không đi với darsa trong Hoàng Gia Champa, hay văn bản cổ ông sẽ cho là tác giả viết sai vì ông “không biết đọc như thế nào” (Po, 2007b, tr. 9).
III.2.(b) Nhầm lẫn thuật ngữ trắc, trầm, cao: Âm trầm (thấp) đối nghịch với phù (cao) là hai khái niệm liên quan tới âm vực. Âm trắc (sắc, hỏi ngã, nặng) đối nghịch với bằng (bình) (ngang, huyền) liên quan đến âm điệu, là “điệu vị” yếu tố âm vị siêu đoạn tính (suprasegmental phoneme) (Đoàn Thiện Thuật, 1977; Nguyễn Tài Cẩn, 1995) không liên quan gì đến khu biệt nghĩa ngắn, dài của nguyên âm- âm vị đoạn tính (segmental phoneme) của Cham. Ở đây ông dùng thuật ngữ thông dụng chuyên ngành trắc trầm (vừa thanh điệu vừa âm vực) để mô tả khái niệm khác là ngắn dài. Lại thêm một khái niệm vô nghĩa “cao” cho thấy ông vừa không nắm vững lịch sử nghiên cứu ngữ âm Cham, vừa
nhầm lẫn các thuật ngữ chuyên ngành vốn có. Gây cho bạn đọc sự mơ hồ và rối rắm về một vấn đề đơn giản.
Po Dharma (2007b) đã thấy “âm dài rất quan trọng” (tr. 12). Rồi chính ông “tạm gọi” tên mới: “«aok» chứa đựng ba âm, mà chúng tôi tạm gọi là âm trắc [ngắn], âm trầm [dài] và âm cao [?]” (tr. 16). Ông diễn giải: /cōk/ “tên thôn Hiếu Lễ” âm dài, /cok/ “khóc” âm ngắn, /cog/ “bóc” âm cao. Như vậy vần có phụ âm tắc thanh hầu (glottal stops) Po Dharma cho là âm cao. Vậy thì xin hỏi Po Dharma, cũng vần “ok” trong /kanjōg/, âm /ōg/ gọi là âm gì? Và nhiều nữa như (1) vần “ak” có /ak/: âm ngắn, /āk/: âm dài, /ag/ âm cao, còn /āg/ trong /katāg/ là âm gì? (2) Vần “ap” đọc là /ap/, /āp/, /ơp/ và /ơơp/ là âm gì?
Ông mô tả là âm cao /og/ trong /cog/ “bóc” của vần “ok” có phụ âm tắc thanh hầu (glottal stop), thật ra đó chính là âm ngắn, và /ōg/ trong /kanjōg/ “[gà] gáy” mới là âm dài (đọc khác nhau do sự dài gấp đôi của nguyên âm giữa). Một cặp ngắn dài tạo ra do phụ âm cuối tắc ngạc cứng “k” biến thành tắc thanh hầu “g”. Ông cũng không hiểu được tại sao có poh gak như ông thú nhận: “Chính vì thế, người ta không cần chế biến paoh gak để chỉ định cho «âm trắc [ngắn]» cho một số từ như /jag/ «khôn ngoan», /luk/ «tha tẩm», /cơk/ «núi», v.v. mà Ban Biên Soạn tiếng Chăm đã đề nghị.” (tr. 13). Tại điểm này ông đánh giá các âm đó là ngắn là đúng, nhưng cho rằng BBSSCC đề nghị có poh gak thì chỉ đúng cho /jag/ (đúng 1/3 điểm). Hai trường hợp sau, vì từ /luk/ và /cơk/ chỉ có âm tố cuối là tắc ngạc cứng (palatal stop) /k/. Poh gak là âm tố tắc thanh hầu (glottal stops) /g/ có ở các từ sau: /lag/ “rượu”, /cagag/ “cây sà gạt”, /kalug/ “lõm”, /katōg/ “châu chấu/, /preg kateg/ “chi li”, và /patig/ “bình trà”. Chỉ có “trắc, trầm [ngắn, dài]” chứ không bao giờ là âm “cao”.
III.2.(c) Nhầm lẫn các hiện tượng ngôn ngữ, ngắn dài: Những biểu hiện của sự không nắm vững hiện tượng “trắc trầm [ngắn dài]” do tự ông đưa ra trong ví dụ ở trang 9 và trang 12: trang 9 các âm dài ông viết có baluw, và đọc có dấu biểu thị âm dài bằng gạch ngang trên đầu âm chính rất hay và dễ hiểu. Âm dài còn được mô tả trong phần tiếng Cham cổ điển và AT phổ thông trong trang 6, 7 và 8 đều có dấu ngang trên đầu âm vị. Tuy nhiên trong ví dụ trang 12 ông tự mâu thuẩn và không gạch ngang trên đầu âm
chính của từ có âm dài, dù các từ đó đều viết có baluw. Những từ trong trang 12 trở đi âm dài thể hiện phần đọc như âm ngắn, cho thấy ông không nhận diện được hiện tượng ngôn ngữ đâu là ngắn, đâu là dài. Trong Akhar Thrah Latinh của ông, baluw không có giá trị (có và không như nhau). Bạn đọc có thể tự kiểm tra nếu dài thì có dấu ngang trên đầu âm vị (Theo cách của các học giả Pháp và Po Dharma), hay là gấp đôi nguyên âm (theo Can Quang, Graham Thurgood, 2005, Jayam Padra & Jakhwa Cauk, 2009). Do vậy ví dụ trang 12 về “trắc trầm [ngắn dài]” sẽ rõ ràng khi trình bày như sau: Trong AT: “âm trắc [ngắn]” không baluw: /jak/ “khôn”, /luk/ “tha tẩm”, /cek/ “núi”; “âm trầm [dài]” có baluw: /jāk/ “rủ nhau”, /lūk/ “đần độn”, /cēk/ “phách lối”. Po Dharma có lúc không thể hiện sự khác biệt về phát âm âm ngắn, và dài, trong các ví dụ (BẮC BUỘC PHẢI CÓ ÂM VỊ THỂ HIỆN SỰ KHU BIỆT ĐÓ). Viết có baluw, nhưng ông cho đọc như nhau, gây nhầm lẫn cho cả ông và bạn đọc (Pô Dharma, 2007b, tr. 12). Lúc ông cho là ngoại lệ đặc thù của Cham, viết kok nhưng đọc là /kok/, /kōk/, /kog/, và /kōg/ có nghĩa khác nhau, kiểu “jal gak pôc lak”. Thay phụ âm đầu, nguyên âm giữa ta cũng có những cặp, hay bộ ba, bộ bốn tương tự tạo thành hệ thống. Đã là hệ thống thì không còn là ngoại lệ: chính là hệ thống khu biệt nghĩa ngắn dài, mà tổ tiên Cham đã có cách viết phân biệt. Chọn từ nào kiểu viết nào là ngoại lệ???
III.2.(d) Biến âm gây khu biệt nghĩa: HTKL luôn lập đi lập lại “nói sao viết vậy” chứng tỏ không hiểu rõ bản chất vấn đề chuẩn hóa của BBSSCC là gì? Chúng chỉ liên quan đến “trắc trầm [ngắn dài]” là hiện tượng viết giống hoặc khác nhau, phát âm khác nhau và có nghĩa khác nhau. Hiện tượng biến âm phương ngữ (biến thể tự do) rất phổ biến trong Từ Điển Cham Francais AC 1906, một mục từ có nhiều cách viết. Vì chúng không gây khu biệt nghĩa, nên BBSSCC chọn một cách viết đơn giản, phổ thông đã có và những cách viết khác đều được chấp nhận (phụ lục trong SGK tiếng Cham của NXB Giáo Dục).
Về biến âm gây khu biệt nghĩa, dù BBSSCC đã áp dụng triệt để phát hiện của ông: “BALUW DÀNH CHO ÂM TRẦM [DÀI]” có phát âm là /ā/, /ū/, /ưư/, /ơơ/, và /ē/, nhưng Po Dharma không nhận ra điều này và đánh giá cách dùng baluw của BBSSCC
như sau đây. Ông viết: “Qui luật dùng baluw trên [vần] ak, uk trong tiếng Chăm cổ điển vẫn còn lưu lại trong akhar thrah hôm nay, ngoại trừ chữ Chăm cải biến của Ban Biên Soạn” (tr. 9). Và: “BBSSCC áp dụng hua baluw một cách tùy tiện mà không đưa ra lời giải thích nào” (tr. 23).
3. Quy trình hội thảo không bình thường:
Quy trình của hội thảo khoa học là tôn trọng tất cả các kết quả của tham luận, dù có tỷ lệ nhỏ khác biệt cũng được ghi nhận để nghiên cứu thêm cho những lần hội thảo tiếp. Hội Thảo Quốc Tế Kuala Lumpur rất khác và lạ. Ý kiến khác biệt từ phía BBSSCC không được lắng nghe. Và biên bản tổng kết hội thảo được “…đa số đại biểu đều nhất trí đưa ra kết luận…” (Kỉ yếu HTKL, 2007, tr. 23) và ký biên bản theo số đông. Kiểu kết luận này giống nghị quyết của kỳ họp một hội đoàn, hay đảng phái hơn là một hội thảo khoa học.
4. Các ý kiến khác biệt không được lắng nghe:
Không lắng nghe cách tiếp cận khác về AT, nguyên nhân AT cần phải chuẩn là do: “bí chữ này đọc chữ khác”, “phần ai nấy viết, chữ ai nấy đọc”. Chuẩn là rút ra từ cách viết trong các văn bản cổ của ba vùng Cham Phan Rang, Phan Rí, và Ma Lâm (Lộ Minh Trại, 2007). Chuẩn hóa là do các trí thức Cham chủ trương, với sự hướng dẫn của chuyên viên ngôn ngữ của Bộ Giáo Dục, và đồng thuận của đồng bào (Nguyễn V. T., 2007). “Sự cải tiến là một quy luật tất yếu của quá trình phát triển của sự vật, kể cả ngôn ngữ chữ viết để phù hợp với thực tế xã hội ngày một phong phú, đa dạng. Cải biến không có nghĩa là phá bỏ, …mà là… làm cho vấn đề được sáng tỏ hơn, chuẩn xác hơn” (Thuận Ngọc Liêm, 2007, tr. 4). Quy luật chuẩn hóa được đại diện BBSSCC mô tả rất chi tiết cách viết ngắn dài các âm /a, u, ư, ơ, e, i và o/, đơn giản, dễ hiểu, nhưng đều bị bỏ ngoài tai và không đưa vào kết luận.
IV. Ngộ nhận của Hội Thảo Luala Lumpur:
Từ những hạn chế trên khiến cho kết luận của Po Dharma và HTKL đầy tính chủ quan, sai lạc. Ông viết: “độc giả có cảm giác rằng BBSSCC đang đóng vai trò «bà bóng lên đồng»: Chỉ cần một đêm suy nghĩ, BBSSCC đã đưa ra bao quyết định cải tiến qui luật
chữ viết Chăm,…” (Po, 2007b, tr. 27). “ … đa số là thành viên của BBSSCC không chuyên về chữ viết Cham,… đã biến chữ Chăm thành một chữ viết «lai căng»… phủ nhận hoàn toàn giá trị tinh hoa của akhar thrah Chăm truyền thống …học tiếng Chăm để họ đọc được chữ viết … của kho tàng văn học akhar thrah Chăm còn lưu trữ lại. Đó mới là mục tiêu quan trọng hàng đầu” (Po, 2007b, Tr. 28). Sai lầm được vô tư và hoành tráng lập lại: “cách viết … biến dạng,.. đa số bô lão và trí thức Cham không đồng tình…” (Po, 2007a, tr. 4). (1) Chế biến, chế tạo, hay không bao giờ có poh gak, (2) croh aw của chữ Cham luôn có dar sa, (3) baluw tùy tiện không theo quy luật nhất định, (4) chữ Cham không thể áp dụng quy luật “nói sao viết vậy” (Po, 2007a, tr.3, 6, 9, 10, 15, 17, 21).
Chính vì hạn chế nêu trên kéo theo kết luận sai lầm về AT. khiến cho bản thân tác giả và HTKL không định nghĩa được AT truyền thống là gì, không thấy được điểm tương đồng và dị biệt của AT truyền thống và AT “chế biến” của BBSSCC. Lúc cho là không phân biệt ngắn dài, lúc phải học thuộc các trường hợp có âm “trầm [dài]” ngoại lệ, lúc “không biết đọc thế nào”.
V. Hậu quả:
Phủ định những giải thích của BBSSCC, HTKL phủ định luôn những việc làm của BBSSCC dù đó là sự thật hiển nhiên, là chân lý tuyệt đối có thể thấy và kiểm tra được. Trong đó có 3 sự thật quyết định sự phá sản của HTKL 2006:
V.1. Hội Thảo Luala Lumpur kết luận sai về ba vần:
HTKL kết luận là không bao giờ có trong AT trước khi BBSSCC ra đời (1978) là: “Akhar Thrah Cham không bao giờ có paoh gak, craoh aw luôn luôn phải có dar tha và không bao giờ có baluw trên dar tha-dar dua.” Sự thật đó là những vần từ các văn bản cổ và có trong từ điển Cham Francaise AC 1906 được chọn làm vần chuẩn. Chính điều này đã giúp Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai, dù không biết chữ Cham AT vẫn đánh giá dễ dàng kết luận của HTKL là sai lầm (vì chúng có mặt trong ấn phẩm Cham trước 1978).
V.2. Ngộ nhận Ông Tỷ và Trại là người chỉnh lý chữ Cham AT:
Trong “30 năm khủng hoảng ngôn ngữ và chữ viết Chăm” trang 127 có khẳng định “Nguyễn Văn Tỷ lại chủ trương cho BBSSCC cải biến trường hợp bất qui tắc trong
Akhar Thrah Chăm.” Thật ra ông Tỷ và ông Trại chỉ là người kế thừa thành quả đã xong hơn 16 năm trước HTKL. Là thành quả của 19 thầy giáo hàng đầu của Cham thuộc thế hệ đầu tiên của BBSSCC trong 12 năm trời. Đa số họ đã qua đời. Nay chỉ còn vài cụ như: Lâm Gia Tịnh, Châu Văn Kên, Châu Văn Đỉnh… Những nhà khoa học điều hành HTKL nghĩ đơn giản rằng ông Tỷ, Trại, Liêm ký biên bản rồi thì họ sẽ thay đổi được theo ý muốn chủ quan của HTKL.
V.3. Sự chuẩn hóa AT phải đúng quy trình:
BBSSCC đã theo đúng quy trình chuẩn hóa và được phê duyệt của Hội đồng thẩm định năm 1990. Ông Nguyễn Văn Tỷ đã đề cập rằng nếu muốn thay đổi gì trong chữ Cham AT thì phải đúng quy trình và phải qua xét duyệt của một Hội Đồng Thẩm Định gồm chuyên gia của Bộ Giáo Dục, UBND Tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, và nhân sĩ trí thức Cham. Phương án đề xuất thay đổi đó phải thuyết phục được Hội Đồng, không thì tiếp tục nghiên cứu. HTKL muốn điều chỉnh AT Cham thì phải trình bày “sự thay đổi” cho hội đồng và được họ phê duyệt, chứ không phải ký với nhau trong một Hội Thảo Khoa Học là xong.
V.4. Trên một vạn học sinh Cham học tiếng Cham hằng năm:
Một sự thật nữa lớn và mạnh hơn tất cả là vì tiếng Cham là môn tự chọn. Học sinh có toàn quyền học hay không học những lớp này. Phụ huynh (trên 20 ngàn người) đã biết sự phản đối và lên án của HTKL, có quyền yêu cầu sửa đổi chương trình. Thế nhưng họ vẫn tiếp sức, ủng hộ, và còn yêu cầu đưa AT chuẩn hóa này lên cấp trung học và đại học. Trên một vạn học sinh (bằng tổng dân số Cham tại Malay) hằng năm tham gia 100% các lớp tiếng Cham suốt từ năm 2003 đến nay. Thái độ đó chính là thông điệp: Chúng tôi tin, yêu và quý AT Cham chuẩn hóa.
VI. Kết luận:
Thực chất vấn đề: AT truyền thống có âm ngắn và dài (trắc và trầm theo Po Dharma), là nét khu biệt nghĩa quan trọng. Đa số từ có âm dài AT Cham không được viết phân biệt như khi phát âm. Một số từ có âm dài được viết phân biệt với âm ngắn bằng những takai akhar được cho là “ngoại lệ”. Ngoại lệ có thể là: (1) trên 300 mục từ ngoại lệ như thể
hiện trong Từ điển Cham Francais AC 1906 và Từ điển Chàm Việt Pháp GM 1971 cần học thuộc lòng (Quang, 2007); khá đông hiểu ngoại lệ là kiểu “jal di gak pôc lak” là (2) “jal cok, pôc cōk, jal cok, cōk, pôc cog, jal di cok, cōk, cog, pôc cōg” khoảng vài ngàn từ; hay là cả hai. AT chuẩn hóa của BBSSCC triệt để viết phân biệt âm ngắn dài bằng những takai akhar theo một quy luật chặt chẽ dễ học và dễ nhớ. Đó là sự chọn lựa của cả cộng đồng, viết dài ngắn rõ ràng cho chữ Cham tiếng Cham phát triển là một tất yếu lịch sử. Công trình tập thể đồ sộ chuẩn hóa chẳng những không là phá hoại mà còn làm cho AT hợp lý và khá hoàn chỉnh để phát triển đi lên phía trước. Đó là sự kế thừa thông minh tài tình di sản ngôn ngữ Cham. Tuy nhiên AT vẫn luôn mở ngõ để được bổ sung cho không ngừng hoàn thiện cho phù hợp với xã hội thăng tiến. Sự ngộ nhận là phá hoại của vài cá nhân là tự nhiên khi họ thiếu thông tin hay đã có thành kiến, cần được minh định, điền khuyết thông tin hầu hóa giải ngộ nhận và bất đồng.
Thông tin cá nhân:
From: Tiến Sĩ Quảng Đại Cẩn, chuyên ngành giáo dục ngôn ngữ.
Alumni: Trường University of Hawaii of Manoa, Hoa Kỳ.
Địa chỉ liên lạc: 1260 Richard Ln Apt. B510, Honolulu, HI 96819.
Phone: 8082034710 (USA), email: cquang@hawaii.edu
To: Báo cáo xin gửi về:
Văn phòng Hội thảo Ngôn ngữ học toàn quốc lần thứ II
Phòng 403, tầng 4, Viện Ngôn ngữ học
Số 9, Kim Mã Thượng, Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 04.37674574 Fax: 04.37674572 Email: hoithaongonngu2013@gmail.com
Tài liệu tham khảo
Aymonier E. & Cabaton A. (1906). Dictionaire Cam – Francais, L’ecole Francaise D’exttreme-Orient, Volume VII.
Baker, C. (2011). Foundations of bilingual education and bilingualism (5th ed.). In N. H. Hornberger (Ed.). Bilingual Education and Bilingualism. New York: Multilingual Matters Ltd.
Đoàn T. Th. (1977). Ngữ âm tiếng Việt (Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội,
Graham Th. (2005). A preliminary sketch of Phan Rang Cham. In Adelaar, A. & N. Himmelmann (eds). The Auatronesian Languages of Asia and Madagascar. London: Cuzon. 489-512. (2)
Quang D. C. (2007). Khái quát về sự chỉnh lý chữ Cham Akhar Thrah. Tập San Ngoại ngữ - Tin học và Giáo dục số 9, tr. 126- 138, Trường Đại Học Huflit. Trong http://sapcham.blogspot.com/2008/07/khi-qut-v-s-chnh-l-ch-chm-akhar-thrah.html Harak Champaka 15 (2006). Ngôn ngữ và chữ viết Chăm trong quá trình lịch sử.
Harak Champaka 28. (2008). 30 năm khủng hoảng ngôn ngữ và chữ viết Chăm.
JaYam Padra & JaKhwa Cauk (2009). Panôc dôm kadha doh Cham. Hội dân tộc học Tp Hồ Chí Minh, Chi hội dân tộc Cham
Marilyn, W., & Paul, M. (1996). Teacher education partnerships in Vietnam, Australian Teacher Education Association Conference, University of Melbourne.
Moussay G., Nại Thành Bô, Thiên Sanh Cảnh, Lưu Ngọc Hiến, Đàng Năng Phương, Lưu Quang Sang, Lâm gia Tịnh, & Trượng Văn Tốn. (1971). Từ Điển Chăm - Việt – Pháp, Phanrang.
Nguyễn Tài Cẩn (1995), Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt, Nxb Giáo dục.
Po Dh. (2007a). Giới Thiệu đại hội ngôn ngữ và chữ viết Chăm 2006. Kỉ yếu Hội Thảo Kuala Lumpur. Kuala Lumpur. Po Dh. (2007b). Ngôn ngữ và chữ viết Chăm trong quá trình lịch sử. Kỉ yếu Hội Thảo Kuala Lumpur 2006.
i Language planning includes, status: institutionalization (e.g. use in local and national government and organization), modernity (e.g. use on television), social networks, and workplace; acquisition: family language reproduction, bilingual education from pre-school to university, adult language learning; corpus: linguistic standardization (i.e. by dictionaries, school, and TV) (Baker, 2011). ii Phần trong dấu [ ] do tác giả bổ sung cho đúng thuật ngữ chuyên môn ngôn ngữ học.
Be the first person to like this.