Blogs
Categories
Nhận định 1
Cải cách hay không cải cách Akhar Thrah.
Bài viết này không gói gọn trong biên giới phạm vi về sự tranh cãi giữa bảo tồn và gìn giữ Akhar Thrah truyến thống của nhóm Champaka / ông Dharma và cải cách Akhar Thrah của BBSSCC hiện nay nhưng bao hàm những sai trái mà tôi thấy cần bàn đến hay nói lên sự thật để tỏ bày cùng Mik wa đọc giả là tôi trình bày không ngại đụng chạm và bất cứ chỉ trích nào với các ví dụ cụ thể để chúng ta thấy rõ việc cải cách ngôn ngữ viết Chăm là thiết thực hay không thiết thực, khoa học hay không khoa học và sai lầm hay không sai lầm. Bài viết có khách quan hay không, có khoa học hay không và đúng hay sai không phải dựa trên sự phán xét của nhóm Champaka / ông Dharma hay của BBSSCC mà chính là sự nhận định trung thực của Mik wa đọc giả.
Một mặt tôi xin trình bày những thuyết sai lầm của người khác, một mặt trình bày những sự thật khoa học. Phần bác bỏ sai lầm có vẻ như là bút chiến, khiến tôi rất khổ tâm nhưng không thể tránh vì có những điều sai mà được nhiều người Chăm, trí thức Chăm kể cả những người thuộc nhóm khoa bảng ở Việt Nam đều tin từ bấy lâu nay, hưởng ơn mưa móc của ông Dharma, viết bài viết sách phụ họa.
Những bài viết trên Champaka.info núp bóng dưới danh nghĩa BBT Champaka chẳng khác như con gián ngày sợ ánh sáng dư luận Chăm (con gián sống nơi tăm tối, ở đâu Mik wa đều rõ) nên họ không ngần ngại hò hét, dùng nhiều từ đao to búa lớn trong vụ Akhar Thrah để triệt hạ những ai không cùng quan điểm với họ.
Tuy nhiên trong khoa học vẫn không cấm bút chiến. Giới khoa học bút chiến với nhau qua các bài viết trên sách báo, tạp chí hàng ngày hay khoa học là đưa ra quan điểm lập trường về một vấn đề nào đó là điếu thường thấy, là để tìm đến cái Chân, cái Mỹ, cái đúng của sự việc, chớ không phải là hạ bệ người này, nói xấu người khác. Như bôi bát Đạo Văn Chi, nào là “giáo viên trường làng, ếch ngồi đáy giếng…” không phải là bút chiến của những người khoa bảng có học hàm, học vị. Thử hỏi ông Dharma và BBT Champaka có xuất thân từ trường làng không? Người Chăm xuất thân từ trường phố thị, đếm được trên đầu ngón tay. Đạo Văn Chi là giáo viên trường làng mà am hiểu về ngữ âm; phát biểu và phân tích rõ ràng các âm tiết ngắn, dài khác nhau và cần thể hiện khác nhau rất khoa học theo ngôn ngữ học là điều đáng khen hay đáng chê, Mik wa có thể nhận thấy điều này.
Trong vấn đề Akhar Thrah, có bút chiến qua lại giữa bên bảo tồn và gìn giữ Akhar Thrah nhóm Champaka / ông Dharma và những người chủ trương cải cách Akhar Thrah. Sự thể khởi đầu từ ông Dharma qua các bài viết bảo tồn và gìn giữ Akhar Thrah và bài phản hồi có tên tuổi minh bạch từ những người ủng hộ chủ trương cải cách Akhar Thrah (chuyện cũ tôi không muốn nêu cụ thể, vả lại không phải mục đích của bài viết). Từ buổi ban đầu của bút chiến những người bảo vệ quan điểm lập trường của mình đều ghi tên tuổi cho bài viết của mình, do bị Champaka triệt hạ bởi nhiều từ đao to búa lớn bẩn nên những bài sau họ phải viết dưới dạng nặc danh. Còn về phía Champaka, để an toàn khỏi phải ô danh, họ núp bóng sau BBT Champaka với chiêu bài cơ quan ngôn luận bảo vệ văn hóa Chăm …..
Sự tranh cãi hay hay bút chiến giữa bảo tồn và gìn giữ Akhar Thrah của nhóm Champaka / ông Dharma và cải cách của BBSSCC hiện nay đã đến mức cao trào. Tại sao tôi lại dùng từ cao trào vì qua các bài viết của những người bảo vệ cải cách Akhar Thrah như Quảng Đại Cẩn, Đạo Văn Chi, Quảng Văn Chung v.v…và đối lập lại là những bài viết gần đây của Champaka đã đăng bài của Thành Phần, Phú Văn Hẵn, Đàng Năng Hòa, Quảng Đại Tuyên và Sử Văn Ngọc (Ngôn ngữ Chăm, thực trạng & giải pháp do nhà xuất bản Phụ Nữ xuất bản 2011). Có lẻ ông Dharma tin tưởng vào lực lượng nhóm khoa bảng Việt Nam sẽ củng cố được niềm tin của giới trẻ Chăm và sẽ áp đảo được sự phản đối ngày một tăng cao của giới trí thức Chăm trong cũng như ngoài nước. Nhưng thực sự là điều ngược lại.
***Quan điểm các ông khoa bảng.
Mik wa đọc giả Chăm đều rõ khả năng những ông khoa bảng Chăm, có ông sau khi thầy bệnh nặng và mất thì chẳng thấy tác phẩm mới nào mà cứ lôi những bài viết cũ mang ra quảng cáo và tự đánh bóng mình và càng triệt hạ người khác thậm tệ với những từ hạ cấp ngược lại phong cách của một vị thường tự hào và tự tôn là có học vị cao. Có ông, sau một đêm ngủ, sáng ra thức dậy thành Tiến sỹ. Có ông, luận văn tốt nghiệp cử nhân lấy làm nốt cho Phó TS rồi đến TS. Có ông, làm luận văn sai kiến thức và câu phức không chuẩn bị thầy mắng và bảo viết lại cả luận văn. Nay chẳng ông nào giỏi chữ viết Chăm mà hùa theo, cũng phô trương lập trường, quan điểm tự hủy thanh danh mình. Các ông là người của Bộ Đại Học và Giáo Dục Đào Tạo nhà nước Việt Nam lại phản đối giáo trình tiếng Chăm do Bộ này cho phép xuất bản, không biết Mik wa đọc giả nhận thấy có phải phép không??? Theo cá nhân tôi được biết, giáo trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (BGD-ĐT) là pháp lệnh và chưa hề có một văn bản nào về trưng cầu dân ý sách giáo khoa chữ Chăm thế lại có những người Chăm khoa bảng ở Việt Nam không chuyên về ngôn ngữ Chăm yêu cầu phải thay đổi giáo trình chữ Chăm của BGD-ĐT. Mik wa đọc giả nghĩ sao???
Tiếc thay cho nhóm khoa bảng trong nước chưa đủ tầm, không tự đứng trên chính đôi chân của mình, “đi nói leo, nói theo” và muốn cùng chia lửa với ông Dharma mà tự đánh mất mình. Làm khoa học phải tư duy bằng cái đầu chứ không phải tư duy bằng con tim. Cái gì cũng có giá của nó. Nhóm này tự cho mình là có học vị, chắc am hiểu tiếng Chăm hơn cụ Bố Thuận, cụ Thiên Sanh Cảnh, ông Lưu Quý Tân và các bậc lão thành BBSSCC như ông Lâm Nài, Qua Đình Bồi, Lâm Gia Tịnh, Nguyễn Ngọc Đảo, Châu Văn Kên v.v….
Được nâng đỡ có học vị, học hàm là để nghiên cứu văn hóa Chăm chứ không phải để kết bè tạo phái trù dập và triệt hạ những người không cùng lập trường quan điểm. Làm khoa học là phải thấy xu hướng phát triển, nhu cầu giao lưu và trao đổi thông tin của cộng đồng Chăm ngược lại là các vị vô tình kìm hãm xu thế hiện đại hóa tiếng Chăm đủ thấy sở học các vị không dựa trên nền tảng kiến thức sâu rộng (connaissance générale) nên có cái nhìn thiển cận, không trông xa thấy được rộng mà làm việc theo ý riêng tư, cảm tính và không khoa học.
***Bút chiến
Mạng phép Mik wa đọc giả, nói đến từ bút chiến. Nhà nước Việt Nam hiện đã thành lập đội ngủ bút chiến đầu năm 2013 để chống lại các tổ chức đảng phái Việt Nam ở hải ngoại đòi dân chủ, dân quyền, đa nguyên, đa Đảng. Còn bút chiến trong cộng đồng Chăm đã xảy ra từ năm 2006 sau Hội Thảo về ngôn ngữ chữ viết Chăm tại Kuala Lumpur 2006 do Po Dharma làm chủ nhiệm, tập trung 15 đại biểu. Thế mà gần đây các bài viết do những người Chăm viết bảo vệ quan điểm lập trường trong việc cải cách Akhar Thrah, Champaka đều cho là đội ngủ bút chiến của Hà Nội, là Chàm gian v.v… Mik wa đọc giả đánh giá được ngay ai đúng ai sai.
Trở lại với Akhar Thrah, nhưng xin Mik wa đọc giả đừng xem đây là bài bút chiến. Tôi không cố ý bút chiến với vị nào, bên nào hết, nhưng cần phải vạch rõ những điểm sai ra cho trống đường, rộng chỗ ngõ hầu khoa học tiến đến với Akhar Thrah, chỉ có thế thôi. Nếu có Mik wa nào thắc mắc, nói rằng tôi hiểu biết gì về ngôn ngữ học mà lạm bàn với các nhà khoa bảng. Thì xin thưa rằng vị nào thắc mắc, xin cất bước đến trường ĐHTH TP.HCM Nay là trường ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân Văn, họ sẽ trả lời cho những ai muốn hiểu.
***Tranh cãi về Akhar Thrah.
Trước khi bàn đến Akhar Thrah thì chúng ta cần phải hiểu “Ngôn ngữ là gì”, nói một cách nôm na ngôn ngữ là lời ăn tiếng nói của con người. Tiếp theo là bản chất của ngôn ngữ là gì, là phương tiện giao tiếp. Ngôn ngữ có hai phần, ngôn ngữ nói có trước và ngôn ngữ viết có sau là những ký tự ghi lại, thể hiện những lời nói. Nếu các ký tự được sử dụng để ghi lại lời nói càng rõ ràng, càng trong sáng bao nhiêu thì trong giao tiếp và trao đổi giữa hai hoặc nhiều đối tượng với nhau không xảy ra việc hiểu nhầm.
Nói đến Akhar Thrah là nói đến chữ viết Chăm truyền thống, theo ông Dharma là Akhar Thrah có từ thời vua Po Rome (1626-1651), trích bài viết gần đây nhất trên Champaka.info ngày 1/4/13,“Trả lời bài viết của T.s QĐCẩn về quy luật chữ viết Chăm”.
Akhar Thrah truyền thống có từ thời vua Po Rome là chữ viết Chăm đã trãi qua các thời kỳ Akhar Rik, Akhar Yok, Akhar Tuol. Đến Akhar Thrah là thời kỳ thứ 4 của sự cải cách trên chặng đường hoàn thiện chữ viết Chăm của Cha Ông ta để hình thành dần một chữ viết riêng cho dân tộc Champa. Vậy sự chỉnh đổi Akhar Thrah từ Akhar Rik khởi nguồn xưa kia phải chăng cũng là việc tùy tiện của cá nhân ?, phải chăng là phá hoại di sản văn hóa Chăm không?
Thật đáng tự hào họ là những người Champa đầu tiên đã có công vay mượn Akhar Rik diễn đạt tư duy mình thành chữ viết Chăm cổ.
Theo ông Dharma, Akhar Thrah, là chữ viết Chăm ổn định, có quy luật rõ ràng về chữ cái cũng như về âm tiết không cần đến sự cải biên. Ông ta cho rằng nào là lai căng, phá hoại di sản thiêng liêng của tiền nhân v.v…, ngoài ra ông Dharma còn cho những cải biên của BBSSCC là những bất quy tắc trong Akhar Thrah cần phải học thuộc lòng. Ông ta không hiểu về ngôn ngữ Chăm mới lấy điều bất quy tắc của tiếng Anh, tiếng Pháp đem gán ghép vào tiếng Chăm, là điếu tối kỵ trong nhiên cứu khoa học, lấy quy luật của một ngôn ngữ khác áp đặt vào một đối tượng ngôn ngữ nghiên cứu. Cụ thể các nhà ngôn ngữ Việt Nam cũng đã mắc sai lầm vào buổi ban đầu khi nghiên cứu ngôn ngữ Việt, họ áp dụng những quy luật ngữ pháp tiếng Pháp vào ngôn ngữ Việt.
Ví dụ :
a/ Gán ghép quy luật : sai
-Mạo từ (article) mà tiếng Việt không có tương đồng.
Tiếng Pháp mạo từ / article gồm có le (giống đực / xác định), la (giống cái / xác định), les (giống đực và cái, số nhiều / xác định), un (giống đực / không xác định), une (giống cái / không xác định), des (giống đực và cái, số nhiều / xác định), được dùng trước danh từ để xác định giống của sự vật và xác định hay không xác định. Trong tiếng Pháp giống đực và cái xét theo vỏ đoán chứ chẳng có dựa trên chuẩn mực nào.
Các nhà ngôn ngữ VN áp dụng mạo từ tiếng Pháp vào tiếng Việt với các từ Cái và Con. Theo họ, 2 từ này là mạo từ; Cái để chỉ sử sự vật hay việc và Con để chỉ động vật hay người. Thế thì từ con dao thì phải xếp vào loại nào? Ông Dharma và các ông khoa bảng Chăm ở Việt Nam nghĩ sao??? Có lẻ các ông cho là Bất quy tắc, cần phải học thuộc lòng chăng???
b/ Lai căng : sai
Việc cải cách của BBSSCC có lai căng không? Phần cải biên về âm tiết của BBSSCC có nhiều điểm nhưng tôi chỉ xin nêu về âm ắc. BBSSCC dùng chữ găk (G) làm phụ âm cuối diễn đạt âm tiết ắc. Chữ găk ở đây, phải chăng là một ký tự lai căng của một ngôn ngữ dân tộc nào trên thế giới hay nó đã tồn tại trong bảng chữ cái Chăm lâu nay. Mik wa tự nhận xét thấy, không cần tranh cãi.
c/Học Akhar cải cách của BBSSCC không đọc được Akhar Thrah truyền thống : sai
Việc cải cách của BBSSCC dựa trên cơ sở ký tự và các âm tiết Akhar Thrah.
Qua phương trình toán học dưới đây Mik wa sẽ thấy sự thật như thế nào chứ không thể nói suông, xua nịnh phi khoa học.
A = Akhar Thrah truyền thống (có từ thời Po Rome)
B = phần cải cách của BBSSCC (trên cơ sở Akhar Thrah)
C = Chữ viết của BBSSCC
Theo phương trình A + B = C => Vậy C bao hàm cả A và B. Vậy người học chữ của BBSSCC có đọc được Akhar Thrah truyền thống không? Mik wa tự hiểu lấy. Toán học không bao giờ sai.
Bởi vậy trong bài viết “ Vấn đề Nghiên cứu Văn Hóa Chàm” của Thiên Hựu Nguyễn Hữu Thống trên www.ganesha.sky.vn (hiện nay không truy cập được), ngay 30/8/2009, trang 5, dòng 8-18. Trong hội nghị có bàn về vấn đề liên quan đến ngôn ngữ Chăm, khi người ta yêu cầu ông Dharma cho ý kiến thì ông ta đã khôn khéo từ chối ngay với lý do là ông không chuyên về ngôn ngữ Chăm. Mik wa và tôi hiểu rõ là ông Dharma là người có may mắn tiếp cận với tư liệu của hoàng gia và các tư liệu cổ Chăm do Viện viễn đông bác cổ Pháp ( EFEO) lưu giữ mà trước mặt các nhà khoa học, ông Dharma đã thú nhận là không biết về ngôn ngữ Chăm huống chi mấy ông khoa bảng Chăm ở Việt Nam. Thế thì tại sao ông Dharma lại lớn tiếng bảo vệ Akhar Thrah bằng đủ mọi cách không ngại chơi bẩn. Ắc hẵn phải có lý do của nó, lý do cá nhân của ông Dharma; nhận lãnh trách nhiệm và hứa hẹn bảo tồn Akhar Thrah đối với Viện viễn đông bác cổ Pháp ( EFEO), việc dạy Akhar Thrah ở đại học INALCO-Paris, Hội thảo về Akhar Thrah Osaka và Kuala Lumpur v.v… của ông Dharma đều là bảo tồn và gìn giữ Akhar Thrah truyền thống. Theo suy nghĩ chủ quan của mình, nếu ông Dharma công nhận Chữ cải cách của BBSSCC e rằng là tự phá sản với những gì đã cam kết với Viện viễn đông bác cổ Pháp ( EFEO), với những gì mình đã giảng dạy tại đại học INALCO-Paris và tại hội thảo Osaka và Kuala Lumpur.
***Akhar Thrah ổn định hay không ổn định.
Ổn định, ở đây phải xét trên cơ sở toàn diện và quá trình của một quốc gia ổn định về mặt chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa v.v… Sự chuyển biến từ Akhar Rik đến Akhar Thrah là vương quốc Champa còn chủ quyền, độc lập và cường thịnh nên tổ tiên ta đã không ngừng chỉnh sửa chữ viết Chăm sao cho ngày một hoàn thiện.
Akhar Thrah có vào thời Po Rome (1626-1651), đây là thời điểm sự phân tranh giữa chúa Trịnh (miền Bắc) và chúa Nguyễn (miền Nam) ở Đại Việt. Nguyễn Hoàng (1600-1613) đã chiếm lấy phần đất của Champa đến tận Phú Yên và lập ra phủ Phú Yên sát nách với Panduranga. Trước áp lực mở mang bờ cõi về phương Nam của Đại Việt, ai cũng biết rằng bên thua cuộc trong chiến tranh phải thảm hại như thế nào, nhà tan cửa nát v.v…. Trong nguy cơ khốn cùng ấy tổ tiên Champa không thể nào ở yên mà tiếp tục công việc chỉnh sửa chữ viết. Thế là công cuộc cải cách chưa hoàn chỉnh để lộ rõ những khiếm khuyết mà nay các cụ Bố Thuận, cụ Thiên Sanh Cảnh, ông Lưu Quý Tân và các bậc lão thành trong BBSSCC như ông Lâm Nài, Qua Đình Bồi, Lâm Gia Tịnh, Nguyễn Ngọc Đảo, Châu Văn Kên v.v…. tiếp tục nối tiếp sự nghiệp hoàn chỉnh chữ viết Chăm của Cha Ông đã để lại. Cụ thể những ví dụ sau đây :
-Bên trời Đông có Nhà Đường (618-906), một thời đại thịnh trị và hoàn kim ở Trung Hoa.
*Văn hóa giáo dục, lập Sùng văn quán, Hoàng văn quán ở kinh đô chuyên dạy con quí tộc, đại quan liêu; ngoài ra lại lập các trường Quốc tử học, Đại học, Tứ môn học: Thư học, Luật học, Toán học, Đạo học, chủ yếu để đào tạo các chuyên viên, kỹ thuật gia. Nhà Đường suy tôn Nho giáo, cho khắc kinh và thư của đạo Nho lên bia đá và mở Hoằng văn điện chứa 2 vạn quyển sách để học sĩ giảng cứu.
Các nước Nhật Bản, Cao Li, Thổ Phồn (Tây Tạng), Cao Xương (Tân Cương ngày nay) đều phái con em qua Tràng An du học. Nhật chịu ảnh hưởng nặng của Trung Hoa, có thể nói là Hoa hóa, từ thời đó.
*Tôn giáo, Đường tăng Tam Tạng sang Ấn độ thỉnh kinh về nước truyền Phật pháp cho triều đình và dân chúng.
Qua đây, chúng ta thấy một đất nước thái bình, văn hóa mới được chú trọng và chăm lo bởi nhà vua.
-Trời Tây, vào thế kỷ XVIII là “Siècle de la Lumière” (tạm dịch thế kỷ Ánh sáng), sau cái chết của vua Louis XIV vào năm 1715, triều đình xuống dốc không còn uy tín với nhân dân Pháp dẫn đến cuộc Cách mạng Pháp 1789. Ngôn ngữ được dùng trong triều đình không còn phù hợp với quần chúng đại đa số các vùng miền và nông thôn. Sau đó ra đời ngôn ngữ phổ thông Pháp (Francais populaire) trong nước Pháp qua các nhà tư tưởng Diderot, Montesquieu, Jean Jacques Rousseau, văn hào Voltaire làm cho tiếng Pháp phổ thông được phổ biến rộng rãi trong nước và khắp Châu Âu. Chúng ta biết dựa trên thành quả thời kỳ Phục Hưng (Renaissance XVI), thương mại nước Pháp phát triển nên nhu cầu trao đổi và mua bán được mở rộng dẫn đến việc cần phải có một ngôn ngữ chung cho toàn nước Pháp.
***Cải cách là quy luật phát triển.
Mọi vật cụ thể hay trừu tượng tồn tại trên trái đất này, muốn tồn tại đều phải thay đổi mới phát triển được như nhà cửa, xe cộ, máy bay, âm nhạc, khoa học, triết học v.v… Đã gọi là quy luật thì luôn luôn đúng như trái đất quay chung quanh mặt trời hay lửa là nóng. Vậy cải cách Akhar Thrah của BBSSCC là tiền đề dẫn đến việc hoàn thiện một tiếng Chăm hiện đại hợp với quy luật phát triển của ngôn ngữ. Dù cho những ai có học hàm hay học vị cũng không cản trở được bước tiến của hoàn thiện và cải cách hiện nay.
Xét về góc độ Akhar Thrah truyền thống Chăm cũng thế. Cho đến cuối thời kỳ Pháp thuộc, những thập niên 40, tình hình các làng quê Chăm tạm yên ổn (thời kỳ bất ổn dưới triều Minh Mạng) và bắt đầu có những người Chăm được đi học trường Pháp hay học trường Phổ thông Việt Nam theo chữ quốc ngữ, thời kỳ người Chăm được người Pháp bảo trợ và dân tộc Kinh lo tập trung mọi nguồn lực chống Pháp. Vào thời các tổng thống Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu, chính quyền phải ra sức chống Cộng Sản nên cộng đồng Chăm được tạm yên mà nhìn lại mình để cải cách và phát triển, bước đầu là sự hình thành “Hội bảo trợ Chàm” cuối thập niên 40 do ông Châu văn Mổ khởi xướng.
Muốn cải biên một ngôn ngữ thì người cải biên phải giỏi về ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ và thông thạo một vài ngôn ngữ khác để đối chiếu và so sánh. Những người Chăm đầu tiên này đã trăn trở về sự không trong sáng trong chữ viết Chăm, ở Bình Thuận có cụ Bố Thuận, ở Phan Rang có cụ Thiên Sanh Cảnh và ông Lưu Quý Tân chủ trương cải biên Akhar Thrah. Chữ viết Chăm manh nha được chỉnh sửa từ đây chứ không phải là giai đoạn thành lập BBSSCC, một giai đoạn kế thừa và tiếp tục hoàn chỉnh.
Về việc cải biên, tôi chỉ xin nói sơ lược vì những ai quan tâm đến Akhar Thrar thì đã rõ qua những bài bút chiến. Những chữ Chăm được cải biên, về mặt chữ cái (mẫu tự / alphabet) có 4 cặp chữ viết na ná như nhau là: gă (g) và lă (l), dă (d) và pă prong(pp), pă sit (p) và thă prong (th), khă (kh) và như (nh). Về ngữ âm (phonétique), croh ao không có dartha và có dartha cũng như balâu để diễn đạt âm ngắn và dài, chữ găk (g) làm phụ âm cuối ( ag ) để diễn đạt âm ắc v.v… và Mik wa đọc giả cũng đã thấy chẳng có một dấu hiệu lai căng nào. Mik wa chỉ thấy những cái tên (bút danh) lai căng phá vỡ hệ thống tín ngưỡng tâm linh người Chăm như Po Dharma (Chăm/Phạn), Musa Po Rome (Ả Rập/Chăm), v.v…
Theo ông Dharma là Akhar Thrah có quy luật ổn định, nên không tùy tiện chỉnh sửa, không dùng chữ gă (g) làm phụ âm cuối, (ag), croh ao luôn luôn có dartha, và không bao giờ có balâu trên dartha dardwa” để thế hệ sau có thể tiếp cận và thông hiểu được các văn bảng cổ. Thử hỏi người Ai Cập cổ đại có chữ tượng hình (Hiérogliphe), nay họ sử dụng chữ Ả Rập (Arabe), vậy là họ đã phá hoại di sản văn hóa tổ tiên họ? Họ không biết bảo tồn và gìn giữ văn hóa hay không hiểu biết gì về văn minh của tổ tiên họ? Cũng như người Ý không còn sử dụng tiếng La Tinh (Latin) nữa mà nước Ý vẫn phát triển. Nói xa không bằng nói gần, người Việt Nam có chữ Quốc ngữ hiện nay cũng đã trải qua những giai đoạn sử dụng chữ Hán, chữ Nôm rồi đến chữ Quốc ngữ. Như vậy họ cũng đã phá hoại di sản văn hóa thiêng liêng của cha ông họ để lại sao? Thế hệ trẻ hôm nay mù chữ Hán, chữ Nôm và họ không hiểu biết văn hóa, lịch sử, văn học, nghệ thuật v.v… của cha ông họ sao? Mik wa đọc giả thử nhận xét xem có đúng không? Và chúng ta phải đặt vấn đề là tại sao người Việt Nam lại chọn chữ Quốc ngữ và từ bỏ chữ Nôm? Vì chữ Quốc ngữ dễ học, từ cách đánh vần, rõ ràng trong các âm tiết và dùng chữ cái La Tinh tạo điều kiện việc học chữ phương Tây rất dễ dàng, còn chữ Nôm ảnh hưởng chữ Hán, một chữ tượng hình gồm nhiều bộ tự dạng khác nhau phải học thuộc hơn nữa từ cách viết, phải thuộc các nét viết, nét nào trước nét nào sau, rất khó học và mất nhiều thời gian.
Việc đánh vần tiếng Chăm theo phương thức mới chẳng có vị nào phản đối cả vì nó dựa trên cơ sở âm tiết, một phương pháp mới đơn giản, khoa học và hợp lý giúp cho người học tiếp thu nhanh nhất. Vậy tại sao chúng ta không tiếp tục có cuộc cải cách trong âm tiết hay phụ âm v.v…để cho tiếng Chăm ngày một hoàn thiện và trong sáng???
***Bảo tồn không có nghĩa là sử dụng.
Bảo tồn di sản văn hóa truyền thống và duy trì sử dụng nó hay cải tiến để phát triển có một biên giới rất mong manh. Bảo lưu văn hóa truyền thống không có nghĩa là cứ phải sử dụng nó có nghĩa là không thay đổi, không có sự phát triển. Còn cải cách là phát triển, là quy luật của tự nhiên như chúng ta thấy trong sinh học, từ đơn bào phát triển dần thành đa bào và hình thành các loài vật và con người.
Sự nhầm lẫn trong bảo tồn Akhar Thrah và phải dùng nó trong trao đổi và giao tiếp hàng ngày theo các nhà khoa bảng là không phù hợp với quy luật phát triển của ngôn ngữ. Qua bốn thế kỷ Akhar Thrah (thời Po Rome XVII – đến nay XXI) một ngôn ngữ không có sự thay đổi là một điều bình thường ư!!!! Việc cải cách và không cải cách đã làm tổn thương nhiều người có quan điểm trái ngược nhau, gây nhầm lẫn và từ hiểu nhầm dẫn đến chống đối nhau.
Để thấy rõ vấn đề, tôi xin nêu ví dụ như chiếc xe trâu của người Chăm rất độc đáo mà bà con Chăm nào cũng biết và tự hào về nó. Tất cả hoàn toàn bằng cây và gỗ, không có một tấc sắt, nó đã giúp người Chăm trong bao sinh hoạt đời sống hàng ngày. Thế bây giờ chúng ta thử bảo khuyên họ phải tiếp tục sử dụng nó để bảo vệ văn hóa truyền thống chứ đừng sử dụng xe bò hoặc máy cày. Mik wa nghĩ sao???
Hoặc chúng ta khuyên bảo thế hệ trẻ hôm nay, hãy cứ bập bùng tiếng trống Paranưng, véo von tiếng kèn Saranai, khua trống Ginăng… chứ đừng nên sử dụng đàn guitar và bộ trống Jazz làm mất truyền thống văn hóa Chăm v.v…Họ có nghe theo không???
Người Pháp bảo tồn các tác phẩm văn học thế kỷ XVI nguyên vẹn, trong đó có nhiều từ người Pháp hiện nay không hiểu. Trong giáo trình về văn học thế kỷ XVI, họ sử dụng tiếng Pháp hiện đại để giảng dạy cho lớp trẻ trong học đường hiểu văn học thời ấy. Ở Việt Nam, các tác phẩm văn chương chữ Nôm, chữ Hán cũng được giảng dạy trong nhà trường thông qua chữ Quốc ngữ. Ngoài ra trong văn học Pháp còn có điển tích thần thoại Hy Lạp, Văn học cổ Việt Nam có điển tích Trung Quốc, Văn học Chăm có điển tích Ấn độ giáo, điển tích cần phải có những nhà khoa học chuyên môn biên soạn chứ không phải ai cũng đọc và hiểu được. Cụ thể câu nói của Lý Thường Kiệt, trong sách giáo khoa vẫn viết nguyên vẹn chữ Nôm theo lối quốc ngữ : “Nam quốc sơn hà nam đế cư… Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”, người Việt Nam dùng chữ Quốc ngữ để dịch và giảng dạy cho học sinh như : “Sông núi nước Nam vua Nam ở… Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”. Ở đây, tôi muốn nói là Akhar Thrah chỉ sử dụng cho những vị tu sĩ, các nhà chuyên môn nghiên cứu về văn hóa Chăm, sau đó sẽ dùng tiếng Chăm cải cách (sâu rộng trong cộng đồng) để gửi gắm và chuyển hóa những tinh hoa văn hóa truyền thống Chăm đến cộng đồng Chăm. Vì Akhar Thrah truyền thống không thể chuyển hóa được tất cả những khái niệm, những thông tin trong xã hội hội nhập hiện nay.
Nếu Akhar Thrah được cải biên đúng mức đến chỗ hoàn thiện, không còn những khiếm khuyết và bổ sung thêm những từ mới cho các khái niệm mới ví dụ như kinh tế, ngân hàng v.v..… để trở thành tiếng Chăm hiện đại. Vì hiện nay các từ vay mượn cho các khái niệm mới hầu như đều từ phương Tây thì các âm tiết ngắn dài (long sound / short sound) và các phụ âm trước, sau phải rõ ràng. Các nhà khoa bảng hay học giả Chăm sử dụng tiếng Chăm hiện đại để bình phẩm và diễn giải trong các công trình khoa học về văn hóa Chăm cho người Chăm đọc và tìm hiểu thì hay biết mấy!!!
Ví dụ như sử thi Akayet Inra Patra đã được ông Dharma đưa lên Champaka vào ngày 10/5/13, nếu viết bằng Akhar Thrah truyền thống (theo Champaka, phải bảo tồn di sản văn hóa thiêng liêng của tổ tiên), thử hỏi thế hệ trẻ thanh niên Chăm hiện nay đọc được và hiểu được có bao nhiêu người. Mik wa thử nhận xét lấy. Theo ông Dharma, ông Paul Mus là người Pháp đầu tiên đã đề cập đến tác phẩm Akayet Inra Patra vào năm 1931, sau đó là ông Nara Viya (Ngụy Văn Nhuận) đã làm luận án tốt nghiệp cử nhân Sorbonne Pháp năm 1976 viết bằng tiếng Pháp. Mik wa thử nhận xét, hiện nay liệu thế hệ trẻ Chăm có bao nhiêu người thông thạo tiếng Pháp, đọc và hiểu ông Nara Viya viết những gì về tác phẩm Akayet Inra Patra. Và gần đây nhất là công trình nghiên cứu song ngữ Pháp và Mã Lai về Akayet Inra Patra, thì cũng chẳng có thế hệ trẻ thanh niên Chăm nào hiểu biết tiếng Mã Lai mà đọc và tìm hiểu. Và cuối cùng được ông Dharma chuyển ngữ sang tiếng Việt phổ thông đưa lên mạng Champaka.info, nhiều người Chăm từ già trẻ lớn bé mới đọc được và hiểu khái quát về Akayet Inra Patra. Nếu giữa hai bài viết bằng ngôn ngữ tiếng Việt và bài viết bằng tiếng Chăm hiện đại (hoàn thiện) về Akayet Inra Patra, thử hỏi Mik wa đọc giả sẽ thích thú đọc bằng chính ngôn ngữ Chăm mình hay bằng tiếng của dân tộc khác.
Và tại sao ông Dharma lại phải viết bằng tiếng Việt (quốc ngữ)? Vì tiếng Việt là một chữ viết được phổ biến và giảng dạy trong nhà trường ở Việt Nam mà đại bộ phận người Chăm ở Việt Nam đều được học và am hiểu. Thế thì tại sao tiếng Chăm cải cách của BBSSCC được giảng dạy phổ biến trong trường phổ thông cho con em Chăm ngày nay lại bị ông đã phá!!! Tôi tin rằng vài thế hệ nữa người Chăm chúng ta sẽ có một chữ viết Chăm hiện đại (nếu được tiếp tục quan tâm và cải cách sao cho rõ ràng và trong sáng) được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng Chăm trong giao tiếp cũng như trong trao đổi sinh hoạt hàng ngày. Còn Akhar Thrah truyền thống vẫn được bảo tồn theo văn bản cổ và được biên soạn do các học giả hay nhà khoa học Chăm yêu thích văn hóa Champa thực hiện là ước muốn của cộng đồng Chăm hiện nay chứ không phải sự đả phá nhau.
Nếu đã thiếu vốn từ và tiếng Chăm không được truyền dạy trong nhà trường thì tiếng Chăm dần dần sẽ bị đào thải bởi chính con em Chăm chúng ta. Vì chúng không thể trao đổi với nhau trong hoàng cảnh xã hội hội nhập đầy thông tin với bao khái niệm mới và hiện đại mà trong tiếng Chăm (nói và viết) không có. Hoặc trong bất cứ một quốc gia nào có con em Chăm chúng ta đang sống, nơi đó đã có một ngôn ngữ, chữ viết hoàn thiện chứ không riêng gì ở Việt Nam thì chúng sẽ trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ ấy như các trẻ em Chăm ở Hoa Kỳ chẳng hạng (đa số), ở Việt Nam các trẻ em Chăm có bố mẹ là cán bộ nhà nước làm việc và sinh sống tại thành phố.
Nói tóm lại, chúng ta những nhà khoa bảng Chăm, trí thức Chăm cũng như mọi tầng lớp người Chăm trong cộng đồng phải biết trân quý, gìn giữ và bảo tồn Akhar Thrah truyền thống (có từ thời Po Rome). Đồng thời trong sinh hoạt hàng ngày, đời thường, chúng ta nên sử dụng Akhar Thrah cải cách của BBSSCC, bước đầu tiến đến chữ viết Chăm hoàn thiện, tôi xin tạm gọi là Akhar Thrah phổ thông.
Việc bảo tồn Akhar Thrah của ông Dharma và việc cải cách Akhar Thrah của BBSSCC không hề có mâu thuẫn mà thực sự là sự bổ sung cho nhau để ngôn ngữ viết Chăm phát triển chứ không đối chọi về mặt khoa học. Mâu thuẫn và đối chọi là cảm nhận của con người dẫn đến việc đố kỵ tìm cách biện luận, dùng đủ mọi thủ đoạn và ngôn từ để triệt hạ nhau đến chỗ mất đoàn kết và không còn xem khoa học là gì.
Việc làm cấp bách hiện nay là làm sao cho ra đời và làm giàu một Akhar Thrah phổ thông trong sáng theo kịp đà phát triển của xã hội để chúng ta có thể trao đổi với nhau bằng chính ngôn ngữ mình. Thế mới gọi là bảo tồn và phát triển, thiếu một trong hai phạm trù này là không ổn định.
Bài này là nhận định riêng cá nhân tôi về cải cách hay không cải cách Akhar Thrah, khoa học hay không khoa học và lợi ích hay không lợi ích cho dân tộc Chăm là quyết định của những người trong cuộc có trách nhiệm cho thế hệ mai sau chứ không phụ thuộc vào các nhà khoa bảng Chăm có ý trái chiều.
Lâm Gia Tân (Ja Intan).
Be the first person to like this.