• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
Thạch Ngọc Xuân
by On July 24, 2013
224 views

ĐÂY LÀ BÀI VIỂT CHÍNH THỨC VỀ AKHAR THRAH CỦA CHẾ VỸ TÂN " Tác giả Nguyễn Văn Tỷ" Rất mong sự trao đổi & góp ý của các đọc giả trong và ngoài nước thật chân tình , lịch sự và Văn hoá . Mong các bạn cùng tham khảo !

 

Thử tổng kết vấn đề akhar thrah qua các bài tranh luận trong mấy tháng gần đây

(Chế Vỹ Tân)

Mấy tháng gần đây vấn đề akhar thrah lại nổi cộm lên trên các thư điện tử và gây nhức nhối không ít đến cuộc sống của các trí thức Chăm. Đa số bức thư viết không được êm ái đàng hoàng, ngược lại chứa đầy sự hằn hộc và gây nhiều phản cảm… Đây cũng là một vấn đề lớn của xã hội Chăm hôm nay.

Chúng ta hãy thử tổng kết lại các ý kiến đã được phát biểu mang tính khoa học (và bỏ qua những ý kiến thô kệch, thiếu khách quan); tổng kết nhằm chấm dứt việc cải cọ vô bổ chỉ đào sâu hố chia rẽ. Buổi tiệc nào cũng phải tàn, cuộc chơi nào cũng phải kết thúc. Vậy chúng ta hãy kết thúc cuộc chơi này một cách bổ ích…

Tôi xin bắt đầu bằng cái bắt đầu:

I. TẠI SAO BAN BIÊN SOẠN SÁCH CHỮ CHĂM PHẢI CẢI TIẾN CHỮ VIẾT CHĂM NĂM 1978?

Tôi xin nhắc lại một cách vắn tắt để gợi ý chứ không triển khai lại ý cũ đã được tranh luận:

- Nhớ lại: năm 1963, nhóm Lưu quí Tân – Thiên sanh Cảnh được phép đưa akhar thrah vào trường phổ thông (để thay chữ latinh đang dạy lúc bây giờ) cũng bắt đầu có những cuộc họp nhỏ, lớn với các giáo viên để có sự định hướng: dạy cái gì và dạy như thế nào? Có nghĩa là cứ nhắm mắt “dạy đại” chữ Chăm mình có trong tay, hay phải có bàn tính lại cho khoa học? Cuối cùng, nhóm này cũng họp các giáo viên lại bàn bạc nhiều lần rất kỹ và đã đưa ra những cải tiến rất sâu rộng (mang tính tổng hợp từ đầu thế kỷ đến nay). Tôi xin không nhắc lại vì bức thư Quảng Văn Chung trước đây đã nói rõ.

- Năm 1971: Nhóm Gérard Moussay, Nại Thành Bô, Đàng Năng Phương… trước khi bắt tay vào biên soạn quyển từ điển Chăm – Pháp – Việt năm 1971, cũng phải bàn bạc kỹ: Chính tả nào được cho là chính thức cần được chấp nhận, chính tả nào chưa phải chính thức cần phải xem xét lại và những chính tả được chấp nhận thật sự đã “chuẩn” chưa hay cần xét lại nữa?

- Năm 1978: Nhóm Ban BSSCC gồm Lâm Gia Tịnh, Bạch Thanh Chạy, Lâm Nài, Qua Đình Bồi, Châu Văn Kên, Nguyễn Ngọc Đảo, Châu Văn Đỉnh, Quảng Đại Hồng (sau này thêm Đàng Năng Quạ) và thêm bốn cán bộ phụ trách hành chánh nữa, cũng lại phải bàn bạc, thảo luận thật kỹ trước khi chuẩn bị viết sách.

Đó là những bước làm rất cần thiết và khoa học trước khi biên soạn sách giáo khoa hay từ điển. Nhưng, chắc các độc giả không khỏi thắc mắc là tại sao Nhóm Champaka và các trí thức ủng hộ Champaka không nhắc đến 2 nhóm kia và lạ hơn nữa, chỉ chữi bới ông Nguyễn Văn Tỷ và Lộ Minh Trại về tội cải tiến chữ Chăm!?? (ông Tỷ chỉ đến năm 1983 và Lộ Minh Trại năm 1999!!) Đó là việc làm có tính cách “BÍ ẨN” của nhóm Champaka mà ai cũng đoán ra được lý do…..

II. CHAMPAKA VÀ NHÓM 13 TÁC GIẢ ĐÃ CHỈ TRÍCH CÁI GÌ VÀ QUẢNG VĂN CHUNG ĐÃ TRẢ LỜI NHƯ THẾ NÀO?

Trong bài “Trao đổi với TS PoDarma và Champaka xung quanh vấn đề akhar thrah” đề ngày 15/4/2013 của Quảng Văn Chung, tác giả đã viết một bài tổng hợp khá đầy đủ những gì mà các độc giả muốn tìm hiểu xung quanh akhar thrah cải tiến một cách khách quan và khoa học (mặc dù Po Dharma vẫn chụp mũ “QVC thuộc đội ngũ bút chiến Hà Nội”). Trong bài này, QVC trả lời những chỉ trích cơ bản nhất của Po Dharma và các người ủng hộ (cứ nhắc đi nhắc lại không biết mấy chục lần) một cách dứt điểm (đối với người thông minh và sáng suốt):

- Ban BSSCC có tùy tiện không? (- Đã họp lớn nhỏ trên 40 lần, có sơ kết tổng kết, có các chuyên viên ngôn ngữ và chính quyền tỉnh tham dự sao gọi là tùy tiện?)

- Cải tiến một cách lai căng? (- Những người chỉ trích khó mà tìm được một yếu tố vay mượn ngoại lai nào như: các dấu thanh sắc, hỏi, huyền, ngã, nặng v.v. và v.v… thì lấy đâu gọi là lai căng??)

- Nói sao viết vậy? (- Trong từ điển tầm nguyên rất có giá trị của Aymonier_Cabaton, Moussay chọn và Ban BSSCC cũng chọn, dĩ nhiên ai cũng có quyền chọn một từ mà mình cho là gần gũi với người Chăm Pandaran nhất. Vậy tại sao lại nói BBSCC phá hoại chữ Chăm truyền thống, nói sao viết vậy??)

- Học chữ Chăm truyền thống dễ hơn học chữ Chăm cải tiến? (- Chữ Chăm truyền thống là “chữ không có dấu”, chữ Chăm cải tiến là chữ Chăm “có dấu”. Chỉ có người ngang ngược hay ngu ngốc mới cho là đọc chữ không dấu dễ hơn chữ có dấu!!)

- Học theo chữ cải tiến của Ban BSSCC, học sinh càng học càng ngu? (- Nói vậy là: hoặc cố ý xuyên tạc, hoặc không hiểu gì về cấu trúc chữ Chăm).

Tôi cho phần trả lời trên đây là rất cơ bản cho những sự chỉ trích tiêu cực mang tính cách vạch lá tìm sâu, gắp lửa bỏ tay người. Sự đánh giá đúng – sai, khoa học – không khoa học, dễ hiểu – khó hiểu thuộc quyền nhận định của các độc giả. Các bài trước đây đã giải thích quá rõ, tôi không nói thêm ở đây.

III. NỘI DUNG VÀ MỤC TIÊU CỦA SỰ CẢI TIẾN?

Phần này các độc giả cũng đã tranh luận, góp ý rất là đầy đủ, trong đó có bài của Đạo Văn Chi – Quảng Văn Chung (giải thích về các âm vần và chữ cái Chăm) và Lâm Gia Tân (nói về các nguyên nhân và nhấn mạnh: “cải tiến là qui luật”). Còn TS Quảng Đại Cẩn lý luận về nguyên tắc ngôn ngữ học…

Tôi xin mạn phép nêu lại các điểm quan trọng sau đây mà không phân tích tỉ mỉ:

A/ Đặt vấn đề cải tiến trong ngôn ngữ chữ viết… của nhân loại:

Trong bài “Cải cách hay không cải cách”, Lâm Gia Tân có nhấn mạnh: “Cải cách là qui luật của phát triển”. Quá đúng! Trên đời này không có cái gì là bất di bất dịch cả, ngược lại là luôn luôn thay đổi hình dạng: núi kia mòn đi, cây kia lớn dần, sông kia luôn thay đổi dòng chảy, nhà kia không bao giờ giống hệt nhau mà ngày càng mang dáng vẽ riêng đẹp đẽ, huy hoàng, lộng lẫy một cách độc đáo!! Thế còn ngôn ngữ thì sao?

1/ Ngôn ngữ? Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp; sự giao tiếp của con người là rất đa dạng và luôn luôn thay đổi. Ngôn ngữ viết là ký tự ghi lại ngôn ngữ nói, ngôn ngữ nói thay đổi thì ngôn ngữ viết cũng phải thay đổi là lẽ đương nhiên. Dù là tiến sĩ của Pháp hay của Mỹ cũng không thể nào ngăn cản được sự thay đổi này, huống chi là các tiến sĩ….

2/ Trên cả quả đất này, quí vị nào thấy một ngôn ngữ tồn tại nhiều thế kỷ mà không hề có chút đổi thay như ý tưởng của Po Dharma muốn nhấn mạnh: “Akhar thrah là chữ viết cổ truyền lưu lại từ thời PoRômê (1627-1651) không ai có quyền thay đổi?”. (Thật có lập trường và chí khí đấy nhỉ!!)

Từ trời Đông qua trời Tây: chữ Tàu, chữ Hàn, chữ Ảrập, chữ Anh, chữ Pháp, chữ Tây Ban Nha.v.v.. có chữ nào không thay đổi bao giờ?? Gần gũi với chúng ta nhất và cũng rõ nét nhất là chữ Tàu và chữ Việt. Chữ Tàu tức Hán đã phải thay đổi biết bao nhiêu lần để đơn giản hóa và đơn giản hóa hơn nữa theo dòng chảy của thời gian để có chữ Hán của ngày hôm nay! Còn chữ Việt hay chữ quốc ngữ - chữ phổ thông, trước kia đúng là chữ Hán, sau mới chuyển thành chữ Nôm để giản tiện và thông dụng hơn; nhưng nay chữ Nôm cũng không tồn tại nỗi với thời gian!! Hôm nay người Việt dùng chữ quốc ngữ hay chữ phổ thông rất thuận lợi lại dễ học các tiếng phương Tây theo bộ vần latinh. Thế là người Hoa và người Việt có phá hoại văn hóa truyền thống của tổ tiên mình không??

3/ Còn tiếng Chăm và chữ Chăm từ thời PôRômê đến nay không hề thay đổi?? Nói như thế là: hoặc không biết gì cả, hoặc cố ý nói láo!

- Trước thời PoRomê: chúng ta có loại chữ Chăm cổ viết trên tháp hay các bia ký mà người Chăm hôm nay không ai đọc được. Sau đó, có sự biến đổi dần, từ akhar rik, akhar yôk, akhar tuôl để trở thành akhar thrah ngày nay!

- Từ thời PoRomê trở về sau là thời kỳ chiến chinh li loạn, người Chăm không có thời gian chuyên sâu về cải tiến chữ viết Chăm, nhưng vẫn có thay đổi nhiều từ thời PoRômê thế kỷ 17, đến thế kỷ 20 vì 1906 là năm từ điển Aymonier ra đời và qua các thơ ariya cũng như các văn bản cổ, chúng ta thấy vào thời kỳ này chữ Chăm viết rất tự do thoải mái, tùy theo vùng, miền có khác nhau… Như thế thì sao nói là “đã ổn định”?

- Sau năm 1906: Trước hết là Nhóm Aymonier chắc phải gồm nhiều trí thức Chăm thật uyên thâm mới viết nổi một cuốn từ điển tầm nguyên rất giá trị ghi rõ chữ Chăm đang được sử dụng từng vùng Chăm như thế nào. Vào nửa đầu thế kỷ XX, có rất nhiều cụ giỏi chữ Chăm như cụ Bố Thuận, cụ Huyện Thiên, cụ Đề Lại Đạo Thanh Quang (tức cha đẻ Đạo Thanh Nhung ở An Nhơn).v.v.. đã được nhiều người nhắc đến như bậc trí thức Chăm. Cụ Bố Thuận đề xuất viết vần ắc là ag (pohgă) thay vì ak_sau này được cụ Thiên Sanh Cảnh nhắc lại (có tài liệu tại ban BSSCC); cụ Đạo Thanh Quang có đề xuất các dấu âm ngắn-dài như: jam – jâmcác âm như kì, ki, kim, kik mà trước đó chưa thấy ai đề xuất. Thế không phải là cải tiến à??

- Nhưng phải nói là sự cải tiến sâu rộng nhất (trước Ban BSSCC) là nhóm Lưu Quí Tân – Thiên Sanh Cảnh vào năm 1963 mà QVC đã nói rõ ở bức thư đã dẫn trên đây.

- Năm 1978, Ban biên soạn sách chữ Chăm ra đời đã qui tụ các bậc trí thức uyên thâm về chữ Chăm lúc bấy giờ, đã thừa kế các thành tựu từ trước tới nay, đặc biệt là thành tựu to lớn của nhóm Lưu Quí Tân – Thiên Sanh Cảnh. Sau đó mở rộng một cách bài bản, khoa học.

Như vậy, nói Nhóm Ban Biên soạn sách chữ Chăm cải tiến là “phá hoại di sản văn hóa Chăm rất quí báu từ thời PôRômê để lại” là phi lí, thiển cận và phản khoa học! Chỉ nói theo kiểu “người mù sờ voi”.

B. Đặt vấn đề cải tiến trong chữ viết Chăm: cụ thể là gì?

1. Đặt vấn đề theo cách của Ban BSSCC

Có thể nói một cách vắn tắt và tổng hợp như thế này: Nếu chữ Chăm không được cải tiến theo phương cách của Nhóm Lưu quí Tân – Thiên Sanh Cảnh hay nhóm Ban BSSCC thì chữ Chăm sẽ lùi xa vào quá khứ của thời PoRomê (thế kỷ 17) như Po Dharma hằng nhắc nhở và mong muốn!?

Nói như thế, không phải là lý thuyết hay tuyên truyền cho sự cải tiến mà là CỤ THỂ HÓA vấn đề mà các độc giả đều thấy rõ và đã được đưa ra tranh luận. Tôi không chi tiết hóa mà chỉ tổng hợp vắn tắt:

- Một là: Về chữ cái, chữ Chăm có 4 cặp chữ cái viết na ná giống nhau từng cặp một. Nếu không chuẩn hóa lại thì làm sao đọc suôn sẻ được (nói cho người lớn chứ không riêng gì trẻ con). Nói như thế thì hỏi ai không hiểu và không thích?!

- Hai là: Về âm vần, viết 1 ký hiệu mà phải đọc 3 cách như các vần: ó – ok – óc (viết là ok), vần á – ak, ắc (viết là ak) v.v. và v.v. Như vậy có thuận lợi không và cải tiến như thế mới có thể phát triển, tiến bộ lên chứ?

- Ba là: Các âm ngắn – dài như: e – eek, a – aak, o – ook, i – iik v.v.. nếu không được chuẩn hóa cụ thể thì còn gì là chữ Chăm hiện đại và phổ thông? (xin lưu ý chữ Chăm phải hiện đại và phổ thông còn chưa chắc tồn tại nổi, huống chi “mịt mù, tối tăm” như Dharma muốn trở lại quá khứ thì làm sao tồn tại hởi trời!). Chính vì vậy mà độc giả cho là Ban BSSCC cải tiến rất khoa học và cần thiết: cải tiến để phát triển và tồn tại!

2. Po Dharma tự mâu thuẫn với chính mình:

Chúng ta hãy xem xét 8 mâu thuẫn sau đây của tự thân Po Dharma, rõ ràng như ban ngày (có lẽ P.D sẽ không thừa nhận chăng?)

- Một là: Po Dharma phản đối việc cải tiến nói chung, nhưng riêng chuẩn hóa chỉnh lý lại 4 cặp chữ cái thì không phản đối là quá mâu thuẫn!

- Hai là: P.D phản đối việc cải tiến các âm vần viết 1 ký hiệu mà phải đọc 3 cách. Không lẽ cứ chấp nhận sử dụng “chữ không dấu” cho đến năm 3000?

- Ba là: P.D phản đối không dùng ký hiệu để phân biệt các âm ngắn – dài trong tiếng Chăm. Thế là phải học thuộc lòng hằng trăm chữ như là ngoại lệ???

- Bốn là: Ở Hội thảo Kuala Lumpur 2006, P.D chỉ nêu một thắc mắc duy nhất về ngôn ngữ là 3 âm vần này phải trả lại như cũ : “Croh ao phải có dartha, không được dùng gă (g) làm phụ âm cuối, và dartha dardwa không đi với balâu”. Cứ cho là Ban BSSCC có sai sót ở 3 vần này trong hàng trăm vần đã được chuẩn hóa, thì lẽ ra đáng được tuyên dương khen ngợi chứ sao lại phải chữi rủa nặng lời như:

+ “Phá hủy một di sản ngôn ngữ chữ viết Chăm vô cùng giá trị của dân tộc”

+ “Tạo ra một mối rạn nứt trầm trọng trong cộng đồng người Chăm nhất là người lớn tuổi và giới trẻ”.

+ “Bán đứng văn hóa Chăm..vv..và..vv..

- Năm là: Thiên hựu Nguyễn Thành Thống đã ngây ngô chê trách người Chăm “không biết điều” tại sao không dùng chữ Chăm ổn định ở các bia ký mà cứ tranh luận kéo dài mãi? Không lẽ Ts.Po Dharma cũng đồng quan điểm với Nguyễn Thành Thống là nên dùng chữ Chăm ổn định từ thời PoRômê??

- Sáu là: Việc cải tiến chữ Chăm của Ban BSSCC rõ ràng là thừa kế của các vị trí thức tiền bối, đặc biệt là Lưu quí Tân – Thiên sanh Cảnh. Trong Ban BSSCC lúc đó chủ yếu là Lâm Gia Tịnh, Lâm Nài, Bạch Thanh Chạy, Qua Đình Bồi, Châu Văn Kên. Tại sao, Po Dharma không bao giờ dám nhắc đến tên các vị tiền bối trên đây?? Đúng là vừa mâu thuẫn vừa kỳ bí!? Độc giả cũng lấy làm thắc mắc lắm lắm thái độ P.D về điểm này…Xin độc giả hãy tự giải đáp.

- Bảy là: Po Dharma chỉ chuyên về lịch sử, chứ về ngôn ngữ chữ viết Chăm biết được bao nhiêu mà cứ lớn tiếng chữi bới người khác và tự cho mình là “bậc thầy” trong các vấn đề tranh luận về ngôn ngữ chữ viết Chăm? Có tự mâu thuẫn quá không?

- Tám là: Tại sao một người có học cao như Po Dharma lý luận về ngôn ngữ học mà không dựa vào các luận cứ khoa học mà chỉ dựa vào thành kiến cá nhân mà móc méo, chữi rũa các trí thức chống đối mình? Toàn là mâu thuẫn!!

            Sự phân tích vắn tắt trên đây cộng thêm những điểm mâu thuẫn của Po Dharma đã nói lên là: Các ý kiến phản đối sự cải tiến chữ viết Chăm đúng là phản khoa học, đi ngược lại với luật tiến hóa của vũ trụ. Vì thế, sự phản đối ban đầu chống nhóm Champaka không gây gắt, nhưng đến hôm nay dư luận chống đối ngày càng quyết liệt và đầy…“hận thù” nếu đánh giá vào các TỪ NGỮ và GIỌNG VĂN của các thư trao đổi!

            KẾT LUẬN:

            Những ý kiến tổng hợp trên đây cho phép chúng ta đi đến kết luận như sau:

1. Không thể tưởng tượng nỗi một ngôn ngữ, chữ viết tồn tại nhiều thế kỷ mà không được cải tiến! Rõ ràng một ngôn ngữ không được cải tiến thì không bao giờ tồn tại lâu dài và phát triển bền vững được.

2. Qua những ý kiến tranh luận, những ý phát biểu phản biện lại sự cải tiến đều bị lạc lỏng và hoàn toàn không thuyết phục.

3. Việc cải tiến chữ viết Chăm của Ban BSSCC đã đứng vững 35 năm nay với những thành tựu to lớn là đào tạo bồi dưỡng trên 400 giáo viên giảng dạy chữ Chăm, cho ra trường trên 10 ngàn học sinh (tốt nghiệp tiểu học) và được hàng trăm ngàn cha mẹ học sinh ủng hộ. Chưa nói đến việc đã xuất bản trên 40 đầu sách tiếng Chăm. Thế là một thành công rực rỡ rất thuyết phục!

4. Xét cách tiến hành “cải tiến” chữ viết Chăm của ban BSSCC là rất khoa học, vì đã làm đúng các nguyên tắc được các chuyên viên của Bộ Giáo dục – Đào tạo hướng dẫn chu đáo nên đã trở thành vấn đề pháp lý. Chỉ có một hội nghị gồm đủ 3 thành phần: các trí thức Chăm, các chuyên viên ngôn ngữ và đại diện chính quyền mới có tiếng nói thẩm quyền và thuyết phục để có quyết định ngược lại. Đấy là nguyên tắc! Ngoài ra, nói leo, nói….“trèo” chỉ là diễn trò hề, dù người đó là tiến sĩ đi nữa!

5. Qua ít nhất là 3 lần tranh luận lớn về việc “cải tiến hay không cải tiến” chữ viết Chăm từ 2007 đến nay, lúc nào dư luận cũng ủng hộ đặc biệt đối với việc phải cải tiến “để bảo tồn và phát triển”. Như vậy là rất rõ. Kéo dài sự tranh luận chỉ là vô bổ và trơ trẽn…

6. Rất nhiều độc giả chứng minh là akhar thrah truyền thống và akhar thrah cải tiến không hề mâu thuẫn vì chỉ là một. Chỉ có đầu óc con người là đố kỵ và mâu thuẫn lẫn nhau. Tôi rất đồng tình và xin thêm: Akhar thrah cải tiến nên gọi là Akhar thrah phổ thông, 2 mẫu akhar thrah này sẽ tồn tại song song và được trân quí như “chiếc xe trâu truyền thống và xe bò thông dụng, hiện đại” của người Chăm đang tồn tại.

            Bài tổng hợp này chỉ xuất phát từ tâm tư nguyện vọng cũng như ý kiến của MỘT CÁ NHÂN mong muốn góp phần làm sáng tỏ môt vấn đề bức xúc của xã hội Chăm. Vì vậy các độc giả có quyền đồng thuận hay không đồng thuận và có thể trao đổi lại với nhau. Riêng bản thân tác giả sẽ không có thêm một ý kiến nào khác, vì suy nghĩ là đã nói quá đầy đủ rồi vậy.

  Kính chúc quí mik va dồi dào sức khỏe và thành công trong cuộc sống.

 

                                                                  Ninh Thuận, ngày 24 tháng 7 năm 2013

                                                                                                            Thân ái

                                                                                            Chế Vỹ Tân

 

Be the first person to like this.
admin
fb-Du Miên: Cám ơn Wa Chế Vỹ Tân đã tổng kết đầy đủ để giải tỏa những thắc mắc của cháu bấy lâu nay.Cháu không phải là nhà ngôn ngữ học nên không dám lạm bàn vấn đề đúng sai.Chúng Cháu chỉ thừa hưởng những thành quả lao động của bậc tiền bối ,nên rất cần sự thống nhất trong khoa học.Nhưng có khi nào... View More
July 25, 2013