• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
bonghong
by On November 2, 2013
135 views

Giáo sư Nguyễn Minh ThuyếtQuốc Phương, theo BBC

Cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết  nói với BBC ông tin rằng Việt Nam “nên dừng lại” dự án xây nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận “nếu vẫn còn kịp,” đồng thời gợi ý vẫn có thể “xin lại ý kiến” của Quốc hội của Đảng kể cả khi đã có các nghị quyết được “thông qua” trước đây.

Phát biểu chỉ một tuần trước khi thế giới tưởng niệm tròn một năm sự cố thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản bị mất an toàn do sóng thần gây ra (11/3/2011-11/3/2012), Giáo sư Thuyết tái khẳng định Việt Nam “không đáng phiêu lưu” với các dự án mà theo ông lợi có thể bất cập hại.

“Về dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, khi bàn thảo ở Quốc hội, tôi cho rằng không đáng phải phiêu lưu về sự an toàn và về cả an toàn kinh tế để mở ra hai nhà máy mà chỉ đóng góp có 4% tổng năng lượng quốc gia.

“Sau khi tôi đã có ý kiến như vậy, tôi thấy có rất nhiều chuyên gia đã phân tích rất sâu về sự tốn kém và sự không an toàn của điện hạt nhân. Và hiện nay, xu hướng ở trên thế giới, người ta cũng bỏ dần điện hạt nhân.

“Khá nhiều quốc gia đã đình chỉ, tiến tới gỡ bỏ các nhà máy điện hạt nhân. Không có lý do gì mà chúng ta cứ cố kiết làm một việc đi ngược lại xu hướng chung của khoa học kỹ thuật thế giới như vậy, mà những khả năng xảy ra mất an toàn cũng rất dễ.”

“Chúng ta đã thấy Nhật là một đất nước tiên tiến như thế nào, nhưng chỉ một trận sóng thần của họ đã làm cho nhà máy hạt nhân ở Fukushima trở nên mất an toàn và làm cho Nhật thay đổi chính sách về điện hạt nhân.

Giáo sư Thuyết nói ông đã tham khảo ý kiến của một số chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước liên quan tới vấn đề xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, trong đó có đọc các ý kiến của Giáo sư Phạm Duy Hiển ở trong nước và Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn ở Pháp, trên BBC, mà theo ông là đáng chú ý:

“Tôi cho rằng đây là những lời cảnh báo xuất phát từ trách nhiệm đối với công việc chung và tôi mong rằng các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải suy nghĩ lại vấn đề này.

“Hiện nay chúng ta mới tiến hành đàm phán, ký kết bản ghi nhớ, thực sự ra vẫn chưa tiến hành một bước gì sâu lắm. Tôi được biết một số chuyên gia nước ngoài cũng đã khảo sát ở vùng mà chúng ta định đặt nhà máy điện hạt nhân cũng thế thôi. Nhưng nếu còn kịp dừng lại, thì theo tôi, nên dừng lại.”

Ai chịu trách nhiệm?

Một nhà hoạt động phản đối điện hạt nhân ở Nhật Bản

Nhật Bản đã dừng 14 dự án xây mới nhà máy điện hạt nhân và đóng cửa 52 lò phản ứng sau sự cố ở Fukushima.

Giáo sư Thuyết tin rằng Việt Nam cần thay đổi tư duy về việc cứu xét lại các quyết định, trong trường hợp một dự án có tính hệ trọng rất lớn, có độ rủi ro khó lường liên quan an toàn, sinh mạng của người dân địa phương cũng như cả nước, như trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân:

“Thường ở Việt Nam, khi Quốc hội, Đảng đã có nghị quyết, người ta rất khó làm khác với những nghị quyết ấy.

“Nhưng chúng tôi nghĩ rằng cần thay đổi tư duy. Nếu những điều đã đưa ra trong nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Đảng, đến bây giờ so sánh với thực tế có những điều không phù hợp nữa, thì mình có thể thay đổi.

“Có thể thậm chí xin lại ý kiến Quốc hội, xin lại ý kiến của Đảng, cái đó không có gì quá phức tạp cả vì an toàn cho dân tộc, an toàn cho nền kinh tế mới là điều quan trọng.”

Giáo sư Thuyết cũng đề cập vấn đề ai chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm ra sao nếu một sự cố nghiêm trọng mất an toàn hạt nhân xảy ra ở Ninh Thuận.

“Dĩ nhiên những người quyết định dự án này sẽ phải chịu trách nhiệm, và những người điều hành cụ thể dự án này trong thời gian xảy ra sự cố sẽ phải chịu trách nhiệm. Chỉ có điều là trong quy định của pháp luật Việt Nam, những người đề ra chính sách không đúng gần như không phải chịu trách nhiệm.

“Hai nữa là chúng ta không thể nghĩ trong vòng vài năm tới xảy ra chuyện gì, mà có thể chuyện ấy xảy ra sau vài chục năm, lúc ấy những người quyết định, xin lỗi là (họ) khuất núi rồi hay quá già yếu rồi, thì khi ấy, ai buộc được họ chịu trách nhiệm?”

Đặc biệt, cựu Đại biểu Quốc hội cũng nêu quan điểm về có nên trưng cầu dân ý về dự án Ninh Thuận hay không: “Tôi cho rằng với việc lần đầu tiên Việt Nam làm, mà chưa hề có kinh nghiệm, thậm chí gần như chưa hề có chuyên gia, mà có rất nhiều lời cảnh báo thế này, thì cần phải thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý rộng rãi hơn.

“Nhưng để cho người dân có thể bỏ phiếu thể hiện ý kiến của mình một cách chính xác, cần phải có giải thích rất rõ ràng với người dân, và khi giải thích cần phải nói cả hai luồng ý kiến nghịch và thuận.

“Như thế người dân mới có điều kiện để suy nghĩ, đưa ra phán quyết của người dân một cách chính xác,” ông nói với bbcvietnamese.com.

 

***

Dự án hạt nhân Việt Nam quá tham vọng?

Quốc Phương, theo BBC

Việt Nam đang có một chương trình điện hạt nhân “tham vọng vào loại bậc nhất trên thế giới” với giấc mơ về hạt nhân đang “đâm hoa đua nở” trong lúc đang có lo ngại về chúng, theo tờ báo Mỹ The Bấm New York Times, 01/3/2012.

Trong khi Việt Nam đang cử ngày một đông các kỹ thuật viên trẻ tuổi ra nước ngoài để “đào tạo” vận hành loại công nghệ năng lượng có độ rủi ro đầy tranh cãi, thì theo các chuyên gia nói với New York Times, nước này có rất nhiều vấn đề như đảm bảo an toàn thấp kém, tham nhũng tràn lan và thiếu minh bạch.

“Thời gian biểu quá tham vọng có thể dẫn tới quản lý yếu kém, cũng như mối quan hệ thông đồng giữa các nhà quản lý và khai thác có thể góp phần vào thảm họa như tại nhà máy hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản năm ngoái,” một số chuyên gia trong nước và quốc tế nói với New York Times về trường hợp của Việt Nam.

Một số quốc gia từng để xảy ra thảm họa hạt nhân nằm trong số có các công ty đang “ra sức” bán công nghệ năng lượng này cho Việt Nam, trong đó có Nga và Nhật Bản.

Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện phó Viện Năng lượng Quốc gia được The New York Times trích lời nói:

“Tôi không hiểu vì sao Nhật Bản đang cố gắng xuất khẩu tới các nước kém phát triển một thứ gì đó mà trong nước họ đã chối bỏ.”

Bài của Norimitsu Onishi trên tờ báo Mỹ cho hay sau thảm họa Fukushima mà Nhật Bản tới đây sẽ kỷ niệm một năm, Tokyo đã hủy bỏ các kế hoạch xây dựng thêm 14 lò phản ứng vào năm 2030.

Trước thảm họa, Nhật Bản có 54 lò phản ứng, nhưng hiện nay phần lớn đã dừng hoạt động, ngoại trừ hai lò còn được tạm giữ lại.

Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn (đứng)

 

GS Nguyễn Khắc Nhẫn (đứng) cho rằng hiện vẫn chưa muộn để Việt Nam dừng lại việc xây các nhà máy điện hạt nhân.

“Vẫn chưa quá muộn

Trao đổi với BBC hôm 02/3/2012, Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn chuyên về năng lượng nguyên tử ở Pháp đồng ý với tờ New York Times.

Người từng là cố vấn chiến lược của Tập đoàn Điện tử Pháp Electricité de France, nói:

“Chương trình của Việt Nam quá tham vọng, không những nó nguy hiểm mà nó còn tốn tiền cho dân và không có lợi gì hết,”

“Bây giờ không có gì là muộn. Muốn dừng thì dừng ngay, chứ có cái gì đâu. Bao giờ đã xây rồi, lúc đó anh tháo gỡ một nhà máy đã chạy, anh sẽ tốn kém hàng chục tỷ (đô-la), anh tốn ba, bốn, năm chục năm mới tháo gỡ xong.

“Hiện chưa làm gì hết, năm 2014 mới bắt đầu xây, mới chỉ thỏa thuận trên nguyên tắc thôi, chứ đã ký kết mua bán xong gì đâu mà không cho rút lui. Bây giờ vẫn còn thì giờ để rút lui và tôi xin cam đoan là Chính phủ thế nào cũng rút lui. Không thể nào đi tiếp được, bởi vì đi tiếp thì nó sẽ là Fukushima đấy.”

Ông Nhẫn tin rằng các công ty cung cấp công nghệ điện hạt nhân đang cố bán hàng cho Việt Nam vì họ đã “chót đầu tư” và nay lại bị chính trong nước của họ không cho lắp đặt, vận hành, nên tìm cách bán thứ công nghệ mà ông cho là “đã lỗi thời” và không có tương lai sang các quốc gia kém phát triển “chỉ vì lợi nhuận:”

“Họ làm là để họ bán. Nhật không thể nào xây cất ở trong nước của được. Nga thì ẩu, nước của họ lớn, rộng, nếu họ làm, thì họ sẽ bị một Chernobyl khác… Mỹ ba chục năm nay họ không xây cất nữa, họ chỉ làm để bán. Vì đó là vấn đề thị trường quốc tế, họ đã đầu tư rồi thì họ muốn bán.

“Nay mình mua thì như là mua đồ tồn kho vậy. Hàn Quốc cũng muốn thương mại. Vấn đề là các công ty của họ cũng muốn làm lợi, họ đã lỡ đầu tư kỹ nghệ của họ. Mỗi nước chế tạo máy đó, họ đã bỏ ra hàng trăm tỷ đô la. Chỉ có nước Đức đáng phục là họ đã bỏ ra 300-400 tỷ đô la rồi, mà họ cũng vẫn rút lui.”

Ninh Thuận im lặng?

 

Chưa thấy có trưng cầu dân ý ở Ninh Thuận về dự án điện hạt nhân

Bình luận về chuyện vì sao người dân tỉnh Ninh Thuận, hoặc các đại biểu tỉnh này, có vẻ khá “im lặng,” chưa cho thấy tiếng nói đủ mạnh để chất vấn Quốc hội, Chính phủ về độ rủi ro và hậu quả nếu xảy ra sự cố điện nguyên tử, ông Nhẫn nói:

“Bên mình có dân chủ đâu. Đúng ra là phải làm trưng cầu dân ý.

“Xin nhớ là bây giờ ở Pháp, Anh, Đức, Mỹ, tất cả các nước có công nghệ mạnh, không thể nào tìm được một miếng đất để xây lò mới.

“Vì vậy mà đối với những lò đã xây 30 chục năm, nay họ đòi tăng thời gian vận hành là 40, 50 chay 60 năm, bởi vì họ không tìm ra đất,

“Không có làng xã nào họ bằng lòng cho thuê đất để làm nhà máy điện hạt nhân.

“Vì vậy mà họ cứ giữ mấy lò cũ, kéo dài thời gian, rất nguy hiểm và tốn kém,” Giáo sư Nhẫn nói với bbcvietnamese.com.

 

***

Dù có lo lắng, giấc mơ hạt nhân của Việt Nam vẫn nở hoa

Norimitsu Onishi/New York Times
Lê Quốc Tuấn. X-CafeVN chuyển ngữ

Ở đây, bên trong một lớp học lạnh lẽo không có máy sưởi tại Viện Khoa học và Công nghệ hạt nhân, khoảng 20 kỹ thuật viên chính phủ trẻ từ ngành công nghiệp điện hạt nhân còn phôi thai của Việt Nam vẫn khoác áo lạnh để tiếp tục buổi đầu tiên của cuộc hội thảo 10 ngày về bức xạ.

Cuộc hội thảo do Cơ quan Năng lượng nguyên tử bán chính phủ củaNhật Bản tài trợ, bắt đầu với chủ đề bức xạ Vật lý 101. Sau đó, với giúp đỡ từ chuyên gia Nhật Bản, các sinh viên thu thập mẫu bức xạ và phân tích chúng trong một phòng thí nghiệm do Nhật Bản xây dựng.

“Năng lượng hạt nhân là quan trọng cho an ninh năng lượng của Việt Nam, nhưng, cũng như lửa, nó có cả hai mặt tốt xấu ” Nguyễn Xuân Thủy, một sinh viên 27 tuổi nói. “Chúng tôi phải học cách làm thế nào để tận dụng lợi điểm của nó”.

Khi Việt Nam chuẩn bị bắt đầu một trong những chương trình điện hạt nhân tham vọng nhất thế giới, đất nước này đang vật lộn bắt đầu từ con số không những chuyên gia cần thiết để hoạt động và điều khiển nhà máy điện hạt nhân. Chính phủ tăng cường các chương trình kỹ thuật hạt nhân tại các trường đại học của mình và ngày cảng gửi nhiều kỹ thuật viên trẻ ra nước ngoài, nói rằng Việt Nam sẽ có đủ các chuyên gia trình độ để quản lý một ngành công nghiệp dự kiến sẽ phát triển từ một lò phản ứng hạt nhân trong năm 2020 lên đến 10 lò phản ứng vào năm 2030 một cách an toàn .

Tuy nhiên, một số chuyên gia Việt Nam và nước ngoài cho biết có quá ít thời gian để thiết lập được một cơ quan quản lý đáng tin cậy, đặc biệt là ở một đất nước tham nhũng tràn lan, tiêu chuẩn an toàn kém và thiếu minh bạch. Họ cho biết thời gian biểu quá nhiều tham vọng này có thể dẫn đến các loại quy định yếu kém, cũng như mối quan hệ thông đồng giữa các nhà quản lý và khai thác, vốn đã góp phần vào thảm họa tại nhà máy Fukushima tại Nhật Bản hồi năm ngoái.

Phạm Duy Hiền , một trong những khoa học gia cao cấp nhất và là một cố vấn cho các cơ quan giám sát năng lưọng hạt nhân cho chính phủ của Việt Nam cho biết đây là “giấc mơ nhiều năm” của mình để mang điện hạt nhân đến với Việt Nam. Tuy nhiên, ông cho biết kế hoạch của chính phủ đã dựa trên sư “thiếu sót những đánh giá mạnh mẽ về các vấn đề cố hữu của điện hạt nhân, đặc biệt là những vấn đề phát sinh tại các nước kém phát triển”.

Hiền, như nhiều người Việt khác, là một giám đốc trước đây của viện Nguyên tử Đà Lạt , nơi chứa lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân của Việt Nam,chỉ cho thấy tỷ lệ cao của các vụ tai nạn giao thông của Việt Nam như các ví dụ dễ thấy nhất của một nền “văn hóa kém về sự an toàn” vốn đã tràn ngập “tất cả các lĩnh vực hoạt động trong nước “.

Trần Đại Phúc, một kỹ sư ngành hạt nhân người Pháp gốc Việt từng làm việc trong ngành công nghiệp hạt nhân Pháp trong bốn thập kỷ và hiện là một cố vấn cho Bộ Khoa học và Công nghệ của Việt Nam, bộ phụ trách về năng lượng hạt nhân, cho biết các vấn nạn tiềm năng không hề có liên quan đến kỹ thuật công nghệ của các lò phản ứng , mà là liên quan đến sự thiếu “tinh thần dân chủ cũng như trách nhiệm của nhân viên, một nền văn hóa về đảm bảo chất lượng và an toàn trong việc lắp đặt và ảnh hưởng đến môi trường”.

Chính phủ Việt Nam lo ngại rằng cuộc tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của đất nước sẽ bị kềm tỏa nếu không có nguồn năng lượng được cung cấp bởi các nhà máy điện hạt nhân. Việt Nam, vốn chủ yếu dựa vào thủy điện, dự kiến sẽ trở thành một nước nhập khẩu năng lượng ròng vào năm 2015. “Một trong những nguyên nhân cho việc mang điện hạt nhân đến Việt Nam là vì sự thiếu hụt, bao gồm cả việc nhập khẩu các nguồn cung cấp nhiên liệu truyền thống” Lê Doãn Phác, phó tổng giám đốc Cơ quan Việt Nam Năng lượng nguyên tử, bộ phận nghiên cứu và phát triển hạt nhân chính của chính phủ, cho biết trong một tin nhắn qua e-mail.

Nga và Nhật Bản đã trúng thầu để được xây dựng hai nhà máy đầu tiên của Việt Nam, Nam Hàn dự kiến sẽ được lựa chọn để xây dựng nhà máy thứ ba.

Đối với Nhật Bản, hợp đồng đạt được là kết quả sau nhiều năm vận động hành lang cấp cao của chính phủ và ngành công nghiệp hạt nhân, vốn đang bị đe dọa từ trong nước bởi một phản ứng mạnh mẽ chống lại nguồn điện hạt nhân sau cuộc khủng hoảng năm ngoái. Khoảng 500 người Việt Nam đã trải qua các cuộc hội thảo do Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật Bản tổ chức từ năm 2001. Toshiba, một nhà sản xuất, cũng đã cung cấp các khóa học một tháng kể từ năm 2006 để giành được hợp đồng xây dựng.

Giống như Nga, đã hứa cam kết một khoản vay 8 tỷ đến 9 tỷ cho Việt Nam để tài trợ việc xây dựng nhà máy đầu tiên, Nhật Bản dự kiến sẽ cung cấp một gói vay lãi suất thấp thông qua Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản. Nhật Bản dự kiến sẽ sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển ở nước ngoài cho Việt Nam để xây dựng đường sá, cảng và cơ sở hạ tầng khác nhằm hỗ trợ các nhà máy điện hạt nhân.

Với những ký ức về thảm họa Fukushima vẫn còn tươi nguyên ở Nhật Bản, vai trò tích cực của chính phủ Nhật trong việc bán các nhà máy hạt nhân cho các nước đang phát triển như Việt Nam đã thu hút những lời chỉ trích nặng nề. Giới chỉ trích nói rằng các nỗ lực chung của chính phủ và ngành công nghiệp hạt nhân đã gợi nhớ đến loại quan hệ thông đồng từng dẫn đến thảm họa Fukushima. Các khoản vay lãi suất thấp của chính phủ – tiền của người dân đóng thuế – sẽ chỉ mang đến lợi ích cho các nhà sản xuất có móc nối về chính trị, họ nói.

“Khi nói đến việc mua bán các nhà máy hạt nhân, đó không phải chỉ là một doanh nghiệp thương mại, vì vậy quý vị luôn luôn cần đến các ngân quỹ công cộng,” Kanna Mitsuta, một nhà nghiên cứu cho cả hai tổ chức Friends of Earth Japan và Mekong Watch, một tổ chức tư nhân của Nhật Bản cho biết.

Giới phê phán cho rằng Nhật Bản và các cường quốc hạt nhân khác đã tận lực bán các nhà máy hạt nhân cho các nước đang phát triển khi những giấc mơ về cuộc phục hưng hạt nhân trong một nền kinh tế tiên tiến đã cạn kiệt sau thảm họa Fukushima.

Sau tai nạn ở Fukushima, Tokyo đã từ bỏ kế hoạch xây dựng 14 lò phản ứng hạt nhân tại Nhật Bản vào năm 2030. Trước khi thiên tai xảy ra, Nhật Bản có 54 lò phản ứng hạt nhân, nhưng các cuộc phản đối từ công chúng đã khiến họ phải tạm dừng hoạt động tất cả, chỉ còn lại hai lò hoạt động.

“Tôi không hiểu tại sao Nhật Bản lại cố gắng xuất khẩu sang các nước kém phát triển những thứ bị chối bỏ ở quê nhà”, Hiền, nhà khoa học hạt nhân, cho biết.

Những người Nhật Bản ủng hộ việc xuất khẩu này nói rằng các quốc gia đang phát triển như Việt Nam có quyền lựa chọn điện hạt nhân để mở rộng nền kinh tế của họ, giống như Nhật Bản đã làm như thế hồi thập kỷ trước đây.

Nếu Nhật Bản quyết định không bán nhà máy điện hạt nhân, “Họ sẽ mua từ một nước khác”, ông Tadashi Maeda, một quan chức tại Ngân hàng Hợp tác quốc tế và là cố vấn đặc biệt cho nội các của thủ tướng Nhật Bản cho biết.

Maeda nói, sự nhầm lẫn của con người đã góp phần vào thảm họa Fukushima. Nhưng ông nói thêm rằng không giống như Nhật Bản, vốn vận hành một lò phản ứng cũ tại Fukushima, Việt Nam sẽ nhận được “một lò phản ứng hiện đại có công nghệ và mức độ an toàn hoàn toàn khác”.

Nhưng Trần, nhà cố vấn người Pháp gốc Việt cho biết ông không nghi ngờ gì về công nghệ Nhật Bản. “Đó không phải là lý do tại sao chúng tôi đang lo lắng”, ông nói, thay vào đó, ông chỉ vào năng lực quản lý và điều hành ngành công nghiệp phức tạp nhất thế giới của Việt Nam. “Chính là sự khôn khéo trong quản lý. Khi một lò phản ứng hạt nhân đang chạy, các nhà quản lý phải được độc lập, cứng rắn và thận trọng”.

Việt Nam sẽ cần đến hàng trăm chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệm để vận hành ngành công nghiệp hạt nhân của mình, Trần nói. Tại Cơ quan An toàn Bức xạ và Hạt nhân Việt Nam, bộ phận quản lý chính, “Hiện tại chỉ có 30 người đủ điều kiện để phân tích các báo cáo an toàn với một số trợ giúp của các chuyên gia” ông nói.

Tại Thái An, ngôi làng ở miền Trung Việt Nam được lựa chọn làm khu vực xây dựng nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản, khoảng nửa chục cư dân được phỏng vấn ngẫu nhiên đã nói rằng họ lo lắng về kế hoạch dời 700 hộ nhà ởcủa làng đến vị trí một vài dặm về phía bắc. Các dân làng, hầu hết là ngư dân, người trồng nho, cho biết thu nhập từ nông nghiệp đã tăng mạnh trong những năm gần đây kể từ khi Thái An được kết nối với nguồn nước từ một hồ chứa ở gần đó.

Những người được phỏng vấn nói rằng họ lo sợ vị trí mới gần một nhà máy điện hạt nhân sẽ gây nguy hiểm cho việc trồng nho và bắt cá.

“Tôi chẳng biết gì về nhà máy hạt nhân”, ông Phạm Phong, 43 tuổi, một nông dân trồng nho, người từng là một bằng chứng đáng kể nhất về sự thu nhập gia tăng trong khu vực Đông Nam Á, đã nâng cấp từ một chiếc xe máy rẻ tiền do Trung Quốc sản xuất lên một chiếc Yamaha Nhật mới sáng bóng vào cuối năm ngoái nói “Nhưng nhìn thảm họa Fukushima trên truyền hình tôi đã lo lắng”.

___

Tiếng Nói Dân Chủ là diễn đàn chia sẻ những quan điểm dân chủ từ nhiều nơi khác nhau. Ban Biên Tập không chịu trách nhiệm nội dung các bài viết đã được đăng tải, cũng như bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tiếng Nói Dân Chủ.

theo http://tiengnoidanchu.wordpress.com

Be the first person to like this.