• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
prancham
by On November 15, 2013
309 views

Lễ hội Katê được tổ chức hằng năm vào đầu tháng 7 Chăm lịch tức khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch. Lễ hội này nhằm tưởng nhớ tổ tiên, ông bà cũng như tạ ơn các vị thần đã có công dẫn thủy nhập điền, giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Vì vậy, lễ hội Katê thu hút sự tham gia đông đảo của đồng bào Chăm và du khách.

Tại làng Chăm Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, đúng 13 giờ ngày đầu tiên của lễ hội, đoàn người bao gồm  các già làng, chức sắc cùng đông đảo bà con người Chăm và người Raglai rước  y trang vị thần từ xã miền núi Phước Hà  đưa về làng. 

Khi rước y trang về đến làng, bà con người Chăm và Raglai cùng nhau múa hát, tổ chức các hoạt động thể thao vui tươi, sôi nổi. Theo phong tục, sau lễ hội Katê, y trang của các vị thần sẽ được người Chăm giao lại cho người Raglai cất giữ để chờ cho mùa lễ hội năm sau.

Lễ hội Katê là lễ hội quan trọng nhất trong năm đối với người Chăm. (ảnh: TTVH)

 

Tiến sỹ Trương Văn Món, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa Chăm tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Người Chăm và người Raglai có mối quan hệ về tộc người. Như người Chăm có câu “Chăm saai, Raglai aday” tức là Chăm anh hay chị, người Raglai là em và thường thường theo chế độ mẫu hệ thì có tục cưới chồng, con út thừa kế tài sản và phụ trách về vấn đề cúng tổ tiên. Xuất phát từ ý nghĩa đó, tất cả các đền tháp Chăm từ y trang, trang phục của vua chúa Chăm do người Raglai giữ hết. Ví dụ người Raglai ở Tà Dương, thì lưu giữ trang phục Pôklong Girai và người raglai ở làng Kuh Nhút thì giữ y trang của Pô Inư Nưgar ở Hữu Đức.

Đến ngày cúng lễ thì người Raglai đưa y trang từ trên núi về làng, tháp Chăm để người Chăm cùng đoàn người Raglai đón rước lên tháp đón Katê. Theo quan niệm của người xưa thì năm nào người Raglai không xuống cúng lễ thì người Chăm không được mở cửa tháp để cúng.. Điều đó chứng tỏ người Raglai có vai trò quan trọng trong lễ hội Katê của người Chăm và người Raglai chính là em út trong đại gia đình của người Chăm.”

Qua ngày thứ hai của lễ hội, đoàn người Chăm và Raglai mới tổ chức rước y trang lên tháp Pô Klong Girai ở phường Đô Vinh, thị xã Phan Rang – tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Đi đầu đoàn rước y trang lên tháp là thầy lễ trong trang phục áo choàng trắng, đầu chít khăn trắng. Theo sau là các vị chức sắc, thanh niên và trí thức Chăm. Các bộ lễ phục được đặt trên kiệu, có lộng che hai bên và đoàn thiếu nữ trong trang phục áo dài Chăm rộn ràng, vui vẻ đi sau múa quạt. Đoàn người Raglai múa đánh mã la, thổi kèn bầu theo sau.

Sau khi lễ Katê ở tháp kết thúc, thì không khí hội lại bùng lên ở làng Chăm. Nếu như Katê ở đền tháp nặng về phần lễ, thì Katê ở làng phần lễ rất đơn giản, còn phần hội đóng vai trò quan trọng. Ở làng Chăm phần hội diễn ra các trò chơi dân gian, chương trình văn nghệ thể dục thể thao…do làng tổ chức diễn ra sôi động.

Các cô gái Chăm duyên dáng khéo léo đội chum nước thi nhau về đích thể hiện một nét văn hóa độc đáo. Các chàng trai đấu bóng và đặc biệt là chương trình hát văn nghệ đua tài với những dòng dân ca, dân vũ của những chàng trai, cô gái Chăm kéo dài đến tận đêm khuya mới kết thúc. Hội làng tan dần, mọi người hân hoan trở về mái ấm gia đình để họp mặt gia tiên.

Trang phục truyền thống của người Chăm khi tham dự lễ hội Katê. (ảnh: TTVH)

 

Anh Phú Văn Ngòi, Trưởng thôn Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận cho hay: “Katê năm nay ở làng Chăm Mỹ Nghiệp rất sôi nổi. Chuẩn bị cho lễ hội katê, chúng tôi vận động bà con trong thôn vệ sinh nhà cửa cũng như nơi công cộng. Đồng thời, ban tổ chức làng cũng tổ chức an ninh, vì Mỹ Nghiệp tổ chức các trò chơi dân gian, thi dệt thổ cẩm. Đồng thời, cũng tổ chức một đêm văn nghệ, thể thao để cho bà con xem, đón mừng lễ hội.”  

Khi lễ Katê ở làng kết thúc thì lễ Katê gia đình mới được tổ chức. Xưa kia ngày hội Katê kéo dài đến một tháng. Ngày nay Katê gia đình đã được rút ngắn trong thời gian 1 tuần. Vào ngày lễ này mọi thành viên trong gia đình đều có mặt đông đủ cầu mong tổ tiên thần linh phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt, tránh rủi ro, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

Đây cũng là dịp ông bà, cha mẹ giáo dục cho các thế hệ con cháu nhớ ơn, kính trọng tổ tiên. Trong dịp này, mỗi gia đình cũng chuẩn bị bánh trái mời họ hàng, bạn bè đến thăm viếng, chúc tụng nhau. Làng Chăm như bừng lên trong niềm vui, thân thiện, tình đoàn kết xóm giềng. Mọi người thực sự quên đi những vất vả, lo âu của đời thường để tận hưởng những giây phút thăng hoa  trong cuộc sống còn nhiều khó khăn, bề bộn...

Lễ hội katê không chỉ thể hiện ước mong hạnh phúc, cầu được vụ mùa của đồng bào Chăm mà còn là nét đẹp văn hóa đặc sắc của văn hóa Chăm./.

Thúy Linh/VOV-TPHC

theo vov.vn

Posted in: Văn hóa Champa
Be the first person to like this.