• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
admin
by On November 21, 2013
247 views

Written by: Ja Intan.

Trích từ:http://www.ilimochampa.org/ic/index.php?option=com_content&view=article&id=139%3A2013-10-11-08-30-31&catid=51%3Avijaya-8&Itemid=82.

Lúa là một trong năm loại cây lương thực chính (bắp, lúa mì, khoai mì và khoai tây) trên thế giới và rất quan trọng đối với cư dân các nước sử dụng gạo nấu cơm ăn hàng ngày. Theo các nhà nông học, trên thế giới hiện nay, lúa được thuần hóa qua hai loại lúa có nguồn gốc từ lúa Châu Á (Oryza sativa) và lúa châu Phi (Oryza glaberrima) bao gồm khoảng 21 loài cây lúa hoang dại. Tổ tiên của chi lúa Oryza là một loài cây hoang dại trên siêu lục địa Gondwana cách đây ít nhất khoảng 130 triệu năm và phát tán rộng khắp các châu lục trong quá trình trôi dạt lục địa.
Loại đa niên sống nơi đầm lầy sâu không bao giờ cạn, và giống hàng niên sống ở đầm lầy cạn không bị ngập úng trong mùa khô. Đặc tính chung của 2 loại lúa hoang này là hạt lúa rất hưu miên (dormancy), và cây có quang-kỳ-tính mạnh, chỉ phát hoa khi gặp mùa có ngày ngắn. Một đặc tính chung khác là hạt rất dễ rụng (shattering) khi hạt sắp hay vừa chín, chỉ cần lay động nhẹ là rớt xuống bùn non, trên gié chỉ còn hạt xanh. việc thuần hóa giống hoang dại thành lúa canh tác được thực hiện một cách độc lập tại nhiều trung tâm cư dân rải rác ở Nam và Đông Nam Á Châu.
Ở bài này, chúng ta chỉ đề cập đến cây lúa Châu Á là chi lúa Oryza sativa. Tổ tiên lúa châu Á Oryza sativa là một loại lúa hoang phổ biến Oryza rufipogon có nguồn gốc tại khu vực xung quanh vùng Đông Nam Á. Hiện nay đây là giống lúa được gieo trồng chính làm cây lương thực trên khắp thế giới. 
Hơn 10.000 năm trước, cư dân nơi đây đã trồng loại lúa nước và nó được xem như là quê hương của loại cây lương thực này vì nơi đây có đủ mọi điều kiện về thời tiết và khí hậu để phát triển giống lúa này. Đó cũng là nơi đã xuất hiện nền văn minh lúa nước và còn có thể xem là một trong những trung tâm nông nghiệp đầu tiên trên thế giới.
Champa là một vương quốc thuộc vùng Đông Nam Á, cũng có nhiều vùng đầm lầy của các con sông đổ ra biển Đông, cùng với khí hậu và thời tiết phù hợp cho các cây lúa hoang dại phát triển. Cư dân nơi đây đã thuần hóa được giống lúa ngắn ngày mà ngày nay người Việt ở đồng bằng Bắc bộ hiện nay còn canh tác và gọi là lúa Chiêm và vụ mùa này được gọi là mùa lúa Chiêm.
Chúng ta biết đồng bằng Bắc bộ sông Hồng có 2 vụ lúa cổ truyền chính là vụ lúa mùa và vụ lúa chiêm. Ở đây chúng ta chỉ nói đến vụ lúa Chiêm mà Chiêm ở đây theo từ nguyên là viết tắt từ “từ Chiêm Thành”. Vụ Chiêm ở đồng bằng Bắc bộ chỉ xuất hiện khi có giống lúa xuất xứ từ đất Chiêm Thành quen chịu khí hậu khô hạn của miền Trung bộ, được đưa ra Bắc gieo cấy vào mùa ít mưa (vụ Đông xuân) rất thích hợp mà trong dân gian còn lưu truyền thành ngữ “Chiêm Nam mùa Bắc” ý là vậy.
Vụ lúa Chiêm xuân thường được gieo trồng vào mùa khô tức là vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 (Dương Lịch), đầu và giữa vụ thường gặp rét, cuối vụ nóng và bắt đầu có mưa rào và thu hoạch vào cuối tháng 5. Nếu gieo trồng vào cuối tháng 11 sẽ thu hoạch vào đầu tháng 6 năm sau. Do giống lúa Chiêm có khả năng chịu rét, ít phản ứng hoặc không có phản ứng với quang chu kỳ và chiêm kỳ làm đòng rất cần các yếu tố dưỡng chất thiên nhiên, trong đó có chất được tạo
các giống lúa sớm và tương đối cổ ở Việt Nam có thời gian trước từ 2000 – 3000 năm không thấy được ghi lại trong sử sách, nên không biết có còn tồn tại ở Việt Nam hay không? Tuy nhiên, có một ít số giống lúa cổ dưới ngàn năm được ghi chép còn tồn tại cho tới bây giờ. Ngoài ra theo sách Di vật chí, “Lúa ở Giao Chỉ mỗi năm trồng hai lần về mùa hạ và mùa đông”. Nhiều sử sách Tàu trong thế kỷ II và III cũng ghi chép như thế.

Qua các tư liệu sưu tầm có được và mô tả của các nhà khoa học về lúa Chiêm Thành như sau :
***Giống lúa Chiêm (Champa rice), được canh tác từ trước thế kỷ thứ 10 trên phần lảnh thổ Chiêm Thành (tức Miền Trung hiện nay), có chu kỳ rất ngắn, từ gieo đến gặt 100-120 ngày, không quang cảm (photo-insensitive) và ít nhiệt cảm (less thermosensitive), lại rất kháng hạn (drought tolerant) nên có thể làm 2-3 vụ lúa một năm. Lúa Chiêm từ Champa đã được đưa vào Việt Nam từ thế kỷ 10 nên Đồng bằng sông Hồng có giống lúa này từ lâu đời và có vụ lúa Chiêm canh tác trong vụ Đông Xuân trên ruộng Chiêm.

***Trong sách Vân Đài Loại Ngữ (phát hành năm 1773) của Lê Quí Đôn (1726 – 1784) còn cho biết vào thời này, Việt Nam có 2 loại lúa, lúa canh và lúa nọa. Lúa Canh là lúa ăn thông thường, còn lúa nọa là nếp. Về ruộng thì có 2 loại, ruộng mùa thu gọi là ruộng mùa, ruộng mùa hạ gọi là ruộng Chiêm (hạ điền). Như vậy, lúa Canh trồng trong ruộng Chiêm là giống lúa sớm, không hay ít quang cảm.

***Về các giống lúa ngắn ngày có thời gian sinh trưởng từ 60 đến 70 ngày thì ông Lê Quí Đôn đã chép như sau: Lúa Thiền Minh chỉ có 63 ngày là có thể thu hoạch; lúa Tiển Tử loại hột nhỏ chỉ trồng 60 ngày, phần lớn là giống của nước Chiêm Thành. Ở Thái Bình có giống lúa Tiên chỉ trồng trong 60 ngày gọi là Lúa Đà Lê Kiếm; lúa Xích Hồng Tiên, Bát Nguyệt Tiên đều là các giống ngắn ngày. Lúa Tuyết Lý Đống, lúa Lăng (Quảng Trị) cũng là lúa 60 ngày. Giống lúa có chu kỳ từ gieo đến gặt ngắn kỹ lục, chỉ có 40 ngày, là giống lúa Câu ở Thừa Thiên mà ngày nay vẫn còn tồn tại ở đầm phá lớn nhất ở Việt Nam.

***Theo Đại Nam Nhất Thống Chí “lúa Câu có thân ngắn, bông nhỏ, gạo rất đỏ, ưa ruộng cao, từ lúc cấy đến lúc chín chỉ 40 ngày, cơm rắn“, phải chăng đây là tiền thân “lúa Bareng” của người Chăm mà trước năm 1975 vẫn còn được gieo trồng phổ biến.
Vương quốc Champa cũng là một trong những nước thuộc vùng Đông Nam Á có nền văn minh lúa nước lâu đời. Sở dĩ cư dân Champa thuần dưỡng được giống lúa ngắn ngày này, chắc chắn là họ đã phải trãi qua những năm hạn hán, bão lụt và mất mùa để lặn lội đến những vùng đầm lầy thu lượm những hạt lúa hoang dại có sẵn. Từ những lần thu lượm ấy cộng với kinh nghiệm trong việc gieo trồng lúa và nhận thấy các đặc tính sinh trưởng của lúa hoang dại, họ đã cải thiện và thuần hóa được loại giống lúa ngắn ngày để bảo đảm cuộc sống và sự thiếu hụt về lương thực trong năm. Các đặc tính của cây lúa mà các nhà nông học hiện nay cho biết như sau :
- Không quang cảm. Giống lúa cổ truyền chịu ảnh hưởng mạnh của nhật quang kỳ, chỉ phát động ra hoa khi gặp mùa có ngày ngắn. Vì vậy, giống lúa cổ truyền như các giống lúa mùa, và lúa hoang chỉ tượng đòng vào tháng 10 - 12 Dương lịch (là tháng có ngày ngắn), dầu gieo sớm (tháng 4 hay 5 DL) hay muộn (7- 9 DL), và như vậy chỉ canh tác 1 vụ mỗi năm mà thôi.
-Ngược lại, các giống cải thiện không bị ảnh hưởng bởi nhật quang kỳ, lúa tượng đòng khi tới tuổi trưởng thành, trung bình khoảng 30 – 50 ngày sau khi gieo, vì vậy chu kỳ từ gieo đến gặt chỉ dài từ 90 ngày đến 140 ngày, dầu trồng bất cứ tháng nào trong năm, và như vậy có thể canh tác 2 hay 3 vụ lúa/năm.
Chẳng những lúa Chiêm Thành đã được gieo trồng ở Đại Việt từ lâu mà còn được du nhập sang Trung Quốc có chậm hơn qua các sử liệu Việt Nam của Lê Quý Đôn cũng như sử liệu Trung Quốc.
***Theo Lê Quý Đôn, có nhiều loại lúa từ Chiêm Thành đã được mang vào Trung Quốc như lúa Tẻ có lông, lúa Tẻ chín sớm (lúa Tiên), lúa Tiên tử (lúa 60 ngày, lúa chín trễ hơn gọi là lúa 80 ngày, lúa 100 ngày). 
***Lúa Chiêm Thành, theo sử Trung Quốc, được nhà Tống mang áp dụng vào đầu thế kỷ XI, bắt đầu từ tỉnh Phúc Kiến, mang đến Triết Giang để cấy trồng sau những vụ mất mùa do hạn hán và để tăng thêm thu hoạch. Lúa Chiêm Thành tăng trưởng và chín rất nhanh nên có thể trồng được hai vụ lúa trong năm. Năng suất vì thế rất cao. Đến thời nhà Minh thì các tỉnh phía Nam sông Dương Tử từ Triết Giang, Phúc Kiến đến Hải Nam đều dùng lúa Chiêm Thành.
Vua Tống Chân Tông (998-1022) đã mang lúa Chiêm vào Trung Quốc, sau này đã được áp dụng khắp nơi ở Nam Trung quốc, người Trung quốc gọi loại lúa này là “lúa Tiên”, lúa do trời ban.
***Vào thế kỷ thứ X và XI, có giống lúa Đạo còn gọi là lúa Tiên hay lúa Chiêm. Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII) viết: “…còn lúa Cái Hạ bạch thì mãi đến đời Chân Tông (998-1022) nhà Tống mới sai sứ sang Chiêm thành lấy 3 vạn hộc lúa Đạo đem về phân phối cho các đạo (các tỉnh) nên mới có giống lúa ấy.” Lúa Chiêm có nhiều loại giống: Lúa Tiên tử hay còn gọi là Hồng liên có hạt thóc to, lòng đỏ, trấu cũng đỏ. Gạo hạt nhỏ, trắng, cấy tháng 4 gặt tháng 6 gọi giống lúa cấy “ 60 ngày”. Gạo đỏ chín muộn hơn gọi là lúa cấy “80 ngày”. Lại có giống muộn hơn nữa gọi là lúa cấy “100 ngày”.
Trong khoảng thời gian gần 150 năm (1832-1975) Vương quốc Champa bị xóa tên trên bản đồ thế giới, người Chăm vẫn còn lưu giữ một nền nông nghiệp ưu việt so với miền Bắc như cái cày (có Thrư, Boh Palié và Prok) với 2 trâu có thể cày xới với nhiều loại đất (miền Bắc chỉ 1 trâu), gieo sạ và kéo rò để thoát nước (miền Bắc gieo mạ rồi cấy)… tiết kiệm được nhiều công sức mà cư dân Việt miền Trung từ miền Bắc di cư vào Nam lập nghiệp học hỏi làm theo. Ngoài kỹ thuật nông nghiệp, người Chăm vẫn lưu giữ được các giống lúa; gieo trồng ở đồng bằng Phan Rang cho vụ mùa gồm có Ka Dung (rất được chuộng trong việc làm bún, bánh phở), Ya Prak, Co Trok… và ngắn ngày là Ba Trăng (không rõ nguồn gốc), Bareng…. Còn các giống lúa người Chăm gieo trồng ở đồng bằng Bình Thuận như padhai Nư, Kối, Kối Ban, Galen ….
Vương quốc Champa nằm trên dãi đất hẹp miền Trung ven biển Đông, có khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, đất kém màu mở và thường xuyên bị hạn hán vào mùa khô từ tháng 4 DL đến tháng 8 DL do gió Lào từ Tây Nam tạt vào và lũ lụt vào tháng 9 đến tháng 10 hoặc đầu tháng 11DL do các cơn bão hay áp thấp nhiệt đới hình thành từ biển Đông ập vào. Mặc dù không được thiên nhiên ưu đãi nhưng người dân Champa vẫn cần cù trong lao động, chịu khó chịu thương xây dựng một đất nước giàu đẹp, có nền văn minh rực rỡ qua các công trình kiến trúc đền tháp, có văn hóa chữ viết sớm nhất vùng Đông Nam Á (bia Võ Cạnh), đội hải quân hùng mạnh trong vùng biển Đông Nam Á…đồng thời cũng góp phần vào việc nâng cao sản lượng lương thực thế giới với một giống lúa ngắn ngày gọi là “Lúa Chiêm” giải quyết sự thiếu ăn thời kỳ ấy.
Từ Việt Nam lúa Chiêm đã lan sang Trung Quốc tạo nên một cuộc cách mạng lớn lao trong lương thực, có thể so sánh đây là cuộc cách mạng xanh (green revolution) đầu tiên trước cuộc cách mạng xanh sau này ở đất nước Ấn độ, thời bà Ghandi vào thế kỷ XX. Cuộc cách mạng sản xuất nông nghiệp đã đưa đến sự tăng trưởng nhanh chóng về dân số, kinh tế với sự bành trướng và xuất hiện của các trung tâm đô thị mới ở Trung Quốc. Đại Việt và Trung Quốc lớn mạnh cũng một phần do sự phát triển nông nghiệp qua lúa Chiêm.

Posted in: Văn hóa Champa
Be the first person to like this.