• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
bonghong
by On December 17, 2013
1,190 views

Những tượng cổ, kho tàng, báu vật của vương quốc Chămpa xa xưa luôn là mơ ước của dân buôn bán. Sưu tầm đồ cổ. Cơn sốt truy tìm kho báu Chămpa đã bắt đầu từ hàng trăm năm về trước và âm ỉ mãi cho đến ngày nay. Trên vùng kinh đô Vijaya (huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định ngày nay), những huyền thoại hư ảo đầy hấp dẫn về kho báu Chămpa khiến người ta mỗi khi nhìn những kiến trúc đền tháp Chămpa cổ rãi rác trên những “ngọn đồi của các vị thần” lại bật lên câu hỏi “kho báu Chămpa - sự thật hay chỉ là huyền thoại?” 

Tháng 12 – 1997, khi phóng sự Lời nguyền trên các kho báu Chăm được đăng trên Thế Giới Mới số 264 ít lâu thì tại nhà riêng, qua điện thoại, tôi nhận được một lời đề nghị hấp dẫn từ một người đàn ông (tạm gọi là ông X). Ông X đề nghị tôi xác minh một số thông tin về vương quốc Chăm ở một số tư liệu mà ông không có điều kiện tiếp xúc, đổi lại ông sẽ giúp tôi một số thông tin mới về con tàu Mekong. Trong lời nguyền trên các kho báu Chăm có đoạn: “Sau này người ta không sao tìm lại được những thùng cổ vật ấy và một bí mật đã bao trùm lên con tàu Mekong bởi danh sách hàng hoá trên tàu cũng bị thất lạc”. Vì vậy, tôi đã chấp nhận lời đề nghị này và hẹn ngày trao đổi thông tin. Rất may mắn cho tôi là khi ấy anh Mậu, ngưòi phụ trách phòng tư liệu phổ biến hạn chế (Thư viện Bình Định) cũng đang quan tâm đến vấn đề này và sẵn lòng giúp tôi tiếp xúc với số tư liệu về vương quốc Chăm mà tôi cần. Sau đó, cuộc trao đổi thông tin giữa tôi và ông X đã diễn ra như hẹn ước. Có lẽ, chúng tôi chưa trở lại với câu chuyện kho báu Chăm nếu chừng một tháng sau đó huyện Vĩnh Thạnh (một huyện miền núi của tỉnh Bình Định) không xẩy ra cơn sốt săn vàng, đồng thời ở vùng kinh thành Vijaya cũ, những người thợ rà phế liệu kim loại không phát hiện được một bộ áo giáp – mũ chiến bằng vàng…
Trong tác phẩm Le Royaume de Champa (vương quốc Chămpa), học giả người Pháp Georges Maspero đã mô tả: “Các cánh rừng miền thượng du của vương quốc (Chămpa) chứa đựng những kho tàng vô giá, đó là gỗ mun và nhiều loại cây quý khác như đinh hương, giáng hương, long não, đặc biệt là trầm hương… Nhưng sự giàu có thực sự của đất nước là là sản phẩm lấy từ lòng đất – vàng. Vàng ở đây không hề hiếm và người Trung Hoa kể lại một cách kỳ lạ rằng người ta đã tìm thấy ở đây một núi vàng, tất cả các hòn đá theo họ nói đều có màu đỏ và ở giữa là vàng ròng. Vàng còn trôi trong các con sông, muốn thu được chỉ cần tát nước và gạn lấy…” Sự giàu có của vương quốc Chăm cổ là điều hầu như không cần phải minh chứng. Giống như một sự minh hoạ cho các luận chứng khoa học về sự giàu có của vương quốc Chăm, theo một số cư dân ở Vĩnh Thạnh, khoảng năm 1980 – 1983, nhiều người đã nhặt được những cục vàng tự nhiên nặng tới 2 - 3 kg (!?); sự vụ này đã gây xôn xao dư luận suốt một thời gian dài. Cho đến ngày nay, ở suối Vàng (Hoài Nhơn), trên dòng sông Kim Sơn và một số điểm khác ở Vĩnh Thạnh những người đãi vàng sa khoáng vẫn tiếp tục chắt lọc được khá nhiều thứ kim loại qúy giá này.
Để đi tìm hy vọng từ các kho báu Chăm, giới săn tìm đồ cổ thường phối hợp với những người chuyên đi rà phế liệu kim loại (thợ rà) hoặc đặt hàng cho họ. Chính vì mối quan hệ này mà mỗi khi phát hiện thấy cổ vật thì nhà chức trách, giới chuyên môn thường chỉ là người đến sau những tay buôn bán cổ vật trái phép. Khu vực được thợ rà quan tâm nhiều trong các cuộc truy lùng của mình là những nơi có tháp cổ Chămpa toạ lạc, có tàn tích đền tháp hoặc là vùng xuất phát những truyền thuyết dân gian về kho báu Chăm. Tháp Phốc Lốc (Nhơn Thành, An Nhơn, Bình Định) – hay như cách gọi đầy hấp dẫn của người Pháp, tháp Vàng – là ngôi tháp được giới thợ rà cày xới nhiều nhất. Dù đi bằng ô tô hay tàu hỏa trên đường Bắc-Nam, khi đến vùng giáp ranh giữa hai huyện Phù Cát, An Nhơn, bất cứ ai cũng có thể chiêm ngưỡng ngôi tháp kỳ vỹ này. Khi chúng tôi hỏi thăm đường lên tháp, chủ một quán nước dưới chân đồi đã mách: “Các anh đi tìm đồ cổ à? Không còn gì nữa đâu. Thợ rà đã cào nát trên đó hết rồi. Ba bốn năm nay, hết dân ở đây rồi đến dân Phù Cát, Phù Mỹ vào đào xới lung tung, đến sắt vụng cũng không còn nữa là…”. Sau một hồi chúng tôi đi ngược dốc, sừng sững trước mặt chúng tôi là ngôi tháp cổ uy nghi. Phốc Lốc là ngôi tháp duy nhất của một quần thể gồm nhiều tháp. Một nửa của đỉnh đồi có lẽ đã bị các công trình sư Chămpa xưa cho san phẳng tạo thành hai nấc nên phía dưới của ngôi tháp là một không gian rộng lớn bằng phẳng. Những dấu tích còn lại cho phép người ta liên tưởng đến một quảng trường dành cho các dịp cử hành trọng thể những nghi thức nào đó (tháp Phốc Lốc rất gần kinh đô Vijaya). Tuy nhiên, điều đáng buồn là giờ đây, trên “quảng trường” nhan nhản những hố sâu do thợ rà để lại, những đống lớn gạch Chăm đổ nát. Gần chân tháp, một nhóm người đang húy hoáy đào xới.
Phát hiện thấy tôi giương máy ảnh lên, lập tức những người này chui ngay vào bụi rậm gần đó giấu mặt. Dù vậy, khi lại gần, họ vẫn vui vẻ trò chuyện. Tư, một thanh niên vạm vỡ, phân trần: “Tuị em tưởng là công an, mà các anh chụp ảnh bọn em làm gì, xúi quẩy lắm… Không có việc gì làm, tụi em mượn máy lên đây rà cầu may ấy mà. Khoảng năm 1998, khi đào tìm gạch Chăm về xây nhà, một số nông dân đã phát hiện ở chân tháp một bức phù điêu tượng thần rất lớn. Cán bộ văn hoá huyện nói đó là tượng Nữ thần vàng (? ). Không biết cổ vật ấy có phải là vàng thật không, hay chỉ là tên gọi, nhưng ngay sau đó nhiều người đã rùng rùng kéo lên đây tìm vàng Hời. Không nghe thấy ai nói đã tìm được vàng, mà có lẽ tìm được họ cũng không dại gì mà nói ra, nhưng phù điêu, tượng cổ thì có. Khi ấy mọi người đã đổi đời chỉ nhờ một cái tượng. Tụi em rà hoài chỉ thấy gạch và đá”. Nằm cách tháp Phốc Lốc không xa về hướng Nam là Gò Tháp, một phế tích của nền văn hoá Chămpa lừng danh. Những người dân ở thôn Châu Thành cho chúng tôi biết, xưa kia nơi này có rất nhiều gạch Chăm vỡ vụn xếp thành đống lớn nằm rải rác trên gò. Theo ông bà kể lại thì từ nhiều đời trước nơi ấy có những ngôi tháp cổ của dân Hời, đã sụp đổ từ rất lâu. Cứ một vài năm, thường là đến mùa mưa, lại nghe có người nhặt được vàng Hời, nhưng hỏi ra thì không ai nhận cả.
Ch. Lemire đã mô tả các tháp cổ Chămpa phân bố ở tỉnh Bình Định trong tác phẩm Les tours Kiames delaprov-ince de Binh Dinh (Sài Gòn 1890) như sau: “Trong các tháp có các tượng. Rất có thể chúng bằng vàng hoặc bằng bạc, có mắt bằng ngọc và răng bằng kim cương. Chúng đã bị lấy mất ngay từ đầu. Những tượng bằng đá có thể bị lấy đi sau đó. Người ta đã đào các bức tường để dỡ các tranh thánh đã được gắn vào đó… Các tháp Bạc (người Việt quen gọi là Tháp Bánh Ít) phô bày hàng loạt công trình đáng lưu ý, phần lớn các tượng đều bằng vàng hoặc bằng đá thếp vàng. Tượng cuối cùng che vòm đã được mang sang Pháp năm 1886. Gần 80 tấn đá chạm được dành cho Bảo Tàng Lyon đã được tàu Mekong chuyển về Pháp dưới sự coi sóc của tiến sĩ Maurice. Tàu Mekong bị đắm ở Hồng Hải và những người Somali tưởng rằng đã tìm thấy một mối lợi lớn nên đã đem vào bờ một số lớn những hòm nặng này, nhưng họ chỉ tìm thấy đá và đá…”. Bức màn bí mật bao quanh số phận của con tàu Mekong đã thách đố các nhà khoa học, giới săn lùng cổ vật và cả những kẻ hiếu kỳ hơn 100 năm. Trong số những người tìm cách sở hữu kho báu trên tàu Mekong có GS. Robert Stenout. Sau hơn 30 năm cày xới ở hàng trăm thư viện, sở lưu trữ văn khố, các hải cảng, nhiều hãng tàu biển…, đến tháng 10 – 1995, R.Stenout đã khoanh vùng một cách chính xác vị trí tàu Mekong bị đắm tại mũi Guardaqui ở Hồng Hải. Theo R.Stenout, Mekong là một con tàu lớn được thiết kế với hai chức năng chở khách và chở hàng nhưng điều này không làm ảnh hưởng đến sự thanh nhã của nó. Những năm đầu thế kỷ, do còn hạn chế về kỹ thuật, hành trình Đông Dương – Pháp là một hành trình dài mất nhiều ngày, nên Mekong được xây dựng bài trí hoàn hảo, sang trọng và nguy nga như một cung điện di động trên mặt biển. Chuyến hải hành định mệnh của Mekong năm 1886 có 180 sĩ quan, thủy thủ, 66 hành khách, chở theo nhiều tấn cổ vật và một khoang hàng bí mật chứa đầy vàng mà theo khảo sát ban đầu của đội thợ lặn thuộc tàu Scorpio do thuyền trưởng Campell chỉ huy (tàu Scorpio là con tàu mà Stenout sử dụng trong cuộc khai quật của mình) thì hàng trăm nghìn thoi vàng có trong khoang hàng bí mật này như huyền thoại về Mekong đã lan truyền là hoàn toàn có thể tin tưởng được. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi định vị được tàu Mekong và kho báu bí mật thì quốc gia có chủ quyền trên vùng lãnh hải mà tàu Mekong đắm đã nổ ra một cuộc nội chiến khốc liệt, việc khai quật kho báu trên tàu Mekong đành dừng lại… kho báu mà tàu Mekong có nhiệm vụ đưa về Pháp chủ yếu được thu gom trên khu vực Vijaya và chắc chắn đây chưa phải là toàn bộ kho báu huyền thoại của vương quốc Chăm.
Như chúng ta đã biết lịch sử hơn 14 thế kỷ của vương quốc Chăm gần như được kết nối bằng vô số cuộc chiến tranh, chiến tranh với những người Đại Việt láng giềng, với cả những cư dân Khmer xa xôi hoặc là nội chiến tranh giành vương quyền giữa các thế lực trấn giữ các vùng trong vương quốc. Chính vì chiến tranh nên các kho báu của vương quốc được di dời liên tục, chôn xuống đào lên nhiều lần, nhất là lần dời đô năm 1282 ra khỏi Vijaya về phía vùng rừng núi phía Bắc vương quốc để tổ chức kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Lịch sử đã ghi nhận rằng Tọa Độ, viên tướng chỉ huy cuộc xâm lược vương quốc Chăm, đã chiếm được một kinh đô trống rỗng và hoang vắng bởi người Chăm đã thực hiện cuộc tiêu thổ kháng chiến trước đó khá lâu. Sau cuộc chiến này, người Chăm vẫn để lại trên kinh đô kháng chiến và rải rác khắp vương quốc phần lớn kho báu của mình vì e ngại những cuộc tập kích bất ngờ của đế quốc Nguyên Mông hùng mạnh. Các kho tàng ở Vijaya cũng được chôn giấu trong lòng đất, lưu giữ trong các hầm bí mật trong hoặc dưới các ngôi tháp cổ. Những tư liệu lịch sử, những kết quả nghiên cưú của các nhà khảo cổ học, bảo tàng học, sử học và những phỏng đoán khoa học nói chung dường như đã được thực tế minh họa. Và một lần nữa, những cuộc săn lùng kho báu trên đất Vijaya lại bùng nổ trong âm thầm.
Tháng 2- 1998, khi nghe tin có người rà được một bộ áo giáp - mũ chiến bằng vàng trên khu vực tháp cánh Tiên, chúng tôi liền đi xác minh, nhưng đáng tiếc là người phát hiện ra cổ vật đã bán sang tay cho thợ vàng phân kim. Một cán bộ của ngành văn hóa – thông tin tỉnh Bình Định cho biết: “Một vài năm trở lại đây, dân Bình Định đã phát hiện ra nhiều cổ vật quý. Ban đầu chỉ là do sự tình cờ khi đào đất đắp đường, sản xuất… và người dân thường giữ nguyên hiện trường, nhanh chóng thông báo cho chính quyền biết sự việc. Đây là nghĩa vụ công dân, nhưng ở nhiều địa phương, các cấp chính quyền đã xem nhẹ việc thực hiện trách nhiệm của mình - tưởng thưởng xứng đáng cho người đã thực hiện tốt nghiã vụ công dân. Vì vậy, sau này người ta không còn nhiệt tình như trước nữa. Câu chuyện “phân kim cổ vật” là một ví dụ. Khi nghề rà tìm phế liệu liên tục phát triển, hiện tượng thất thoát cổ vật còn nhiều hơn trước hàng chục lần, trước sự bất lực của chúng tôi. Cho đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa làm sao thu hồi được số cổ vật phát hiện được ở Phù Cát gồm hai hủ lớn - một bằng đồng, một bằng sành – bên trong chứa nhiều cổ vật bằng gốm, đá và kim loại có màu vàng nặng hơn 3kg, do một nhóm nông dân khai quật được và bán cho những người lạ mặt trước khi cơ quan chức năng kịp can thiệp. Theo tin tức lan truyền trong giới mua bán đồ cổ ở TP Hồ Chí Minh thì ngay trong lần mua bán sang tay đầu tiên, lô hàng này đã được ngã giá với con số kỷ lục gần 1 tỷ đồng”… Trong khung viên vòng thành bảo vệ Vijaya ngày xưa nay chỉ còn lại duy nhất một ngôi tháp, đó là tháp Cánh Tiên tọa lạc ở một vị trí rất đặc biệt – ngay ở điểm trung tâm kinh đô, vì vậy, vùng quanh chân tháp thường bị giới thợ rà, những người đi tìm cổ vật đào tới đào lui trong nhiều năm liền mà dấu vết còn lại là hàng chục hố sâu rải rác xung quanh tháp. Trong lần khai quật chính thức dưới sự kiểm soát của Bảo tàng Bình Định, người ta đã phát hiện nhiều hiện vật gốm sứ tuyệt đẹp kèm một số hiện vật khác mà biên bản khai quật sơ bộ ghi nhận đó là những mẫu kim loại khá nặng có màu vàng. Thông tin này lập tức lọt đến tai giới săn lùng cổ vật Chăm và vùng xung quanh tháp một lần nữa lại sôi động hẳn lên. Cứ như một trò đùa dai đầy ác ý của tạo hoá, chẳng ai tìm thấy được thứ gì đáng giá ngoài những mẫu vụn gạch Chăm, những mẫu đá nhỏ có nguồn gốc từ các kiến trúc điêu khắc đá Chămpa. Thế rồi, người ta gần như ngã lòng thì trong một lần đào huyệt ở nghĩa trang cách chân tháp Cánh Tiên chừng 100m, một nhóm phu đào huyệt đã tìm thấy khá nhiều cổ vật bằng đá. Khi chúng tôi hỏi thăm tin tức ở ông V.H.T, một thợ điêu khắc đá ở An Nhơn nổi tiếng về tài chế tác các pho tượng Chăm giả cổ và khả năng thẩm định xuất xứ của tượng cổ Chămpa thì được biết cách đây chừng 60 năm người Pháp đã đến và đào được vùng đất tọa lạc Thập Tháp Di Đà tự (Đập Đá) rất nhiều tượng cổ. Tương truyền chúng nhiều đến mức họ chỉ đóng thùng những pho tượng thật đẹp, thật quý còn lại những cái hơi sứt mẻ, xấu xí… họ dồn vào các hố thám sát rồi chôn lại, xóa dấu tích. Nơi được người Pháp khai quật nằm ở ven kinh đô Vijaya, cách tháp Cánh Tiên chưa đến 5km theo đường chim bay, nguyên thủy có ít nhất là 10 ngôi tháp, chúng đã sụp đổ trước khi người ta đến dựng chùa Thập Tháp. Trên những gò đống gạch đá đổ nát tưởng như vĩnh viễn vô dụng ấy, nhiều người đã đào được khá nhiều cổ vật Chăm. Tương truyền thôn Vân Sơn, Nhạn Tháp (Nhơn Hậu, An Nhơn) là nơi tồn tại nhiều tòa tháp cổ không lớn nhưng tuyệt đẹp. Ở đây, dân địa phương rất e ngại khi nhắc đến cổ vật Chăm, vàng Chăm. Một cụ già ở Nhạn Tháp cho chúng tôi biết: “xưa nay ai cũng nghe đến chuyện vàng từ kho báu, từ đền tháp của người Chăm bay ra đồng. Ông bà tổ tiên khi khai phá vùng này chắc cũng gặp những chuyện ấy. Nhưng hàng trăm năm nay đã có ai giàu lên vì vàng Hời đâu. Thôn này có nghề truyền thống lâu đời là nghề làm đồ gốm đất. Để có đất sản xuất, chúng tôi đã đào đến cạn sạch đất sét tốt ở Nhạn Tháp, tất nhiên là đã có một vài lần gặp cổ vật của người Chăm. Nhưng sau khi có vài người gặp xui rủi do giữ những thứ ấy trong nhà đem bán những thứ ấy nên dần dần không ai hám. Vả lại, nghe bảo những thứ ấy là đồ thờ của người ta, mình giữ, mua bán như vậy là phải tội…”. 
Tuy không sôi động như vùng kinh đô Vijaya, nhưng với những di tích, phế tích đền tháp Chămpa như Dương Long, Thủ Thiện…, huyện Tây Sơn cũng là nơi thu hút khá nhiều sự quan tâm của giới buôn bán cổ vật, đội ngũ thợ rà ở đây hầu như không kém gì so với An Nhơn. Hiện nay ở khu tháp Dương Long chỉ còn lại 3 ngôi tháp chính nhưng với những dấu vết của các phế tích còn sót lại, ta có thể dễ dàng biết rằng nơi này vốn có nhiều công trình kiến trúc hỗ trợ cho nhóm đền tháp chính. Vào quãng năm 1901-1906, nhà nghiên cứu người Pháp-Henry Parmentier-đã khảo sát rất kỹ ngôi tháp xinh đẹp này. Theo H.Parmentier, tháp Ngà (theo cách phân loại định danh của người Pháp) là ngôi tháp hầu như không hề giống với bất kỳ ngôi tháp cổ Chămpa nào đang tồn tại. Được đánh giá là hiện tượng đặc biệt duy nhất trong lịch sử kiến trúc đền tháp Chămpa, Dương Long nổi bật lên với sự phong phú của hàng ngàn tấm phù điêu điêu khắc đá mà vào thời điểm H.Parmentier có mặt để khảo sát nghiên cứu, học giả người Pháp này đã cho thu gom, sắp xếp thành những đóng lớn bên cạnh tòa tháp cổ. Điều đáng tiếc là H.Parmentier đã mô tả nội dung chi tiết các tấm phù điêu ấy trong các tài liệu khoa học của mình. Cùng với sự hủy hoại của mưa nắng, thời gian, việc những người dân địa phương sử dụng gạch đá Chăm vào mục đích xây dựng, dùng các mảnh đá, khối đá vỡ ra từ các cột đá, diềm đá… để làm cối đá dân dụng, những người thợ đục đá hầu như đã dọn sạch tất cả những gì mà ngày xưa các nhà khoa học đã nhắc đến. Tệ hơn, trước năm 1975, một viên tướng Ngụy đã đặt thuốc nổ phá tung một nhóm tượng trên than tháp. Khối tượng lớn được mang đi, nhiều tượng phù điêu nhỏ thì được vứt lại quanh chân tháp. Năm 1985, khi chuẩn bị tùng tu tháp Dương Long, cán bộ của Bảo tàng Bình Định và đoàn chuyên gia Ba Lan đã phát hiện ra một số bức phù điêu khá lớn. Nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh đã nói về giá trị của các phù điêu Dương Long như sau: “trong nghệ thuật điêu khắc Chămpa, có không ít tác phẩm đẹp, nhưng chúng tôi chưa thấy một bức phù điêu nào thể hiện tâm trạng các nhân vật thành công như hình phù điêu trên đây của tháp Dương Long… Chắc hẳn xưa kia trên mặt tháp Dương Long phải có nhiều hình phù điêu như bức phù điêu may mắn còn lại. Chúng tôi tin rằng, nếu có những cuộc khai quật thật sự khoa học ở Dương Long, chúng ta sẽ tìm thấy những kiệt tác nghệ thuật điêu khắc đá như những tác phẩm đã tình cờ phát hiện ra năm 1985…”. Nhiều kiến nghị tương tự của các nhà khoa học được đưa ra liên tục, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, công tác quản lý khu vực di tích cũng như việc tiến hành khai quật các di chỉ được triển khai một cách nhỏ giọt và gặp nhiều vướng mắt, nhất là về kinh phí, nên những kết quả cũng rất hạn chế
Trong khi cơ quan chuyên môn còn đang đánh vật với những khó khăn của mình thì tháng 10 – 1997, ông L.V.A (Tây Sơn) và một người đàn ông quê ở Thanh Hoá đã âm thầm khai quật một kho báu trên núi Hòn Gà (Bình Thành, Tây Sơn). Số lượng cổ vật, theo lời khai ông L.V.A với cơ quan chức năng, gồm 9 pho tượng cổ cao từ 30 – 35 cm, đường kính thân tượng từ 4 – 5cm, 4 lục bình lớn hơn số tượng kia một chút và ngay sau khi tìm thấy, họ đã khẳng định được ngay rằng số cổ vật mà họ tìm thấy đều làm bằng vàng vòng. Cũng như nhiều vụ việc tương tự trước đó. Số cổ vật này đã được bán sang tay cho một kẻ lạ mặt với giá nhiều triệu đồng. Thông qua một người bạn ở Tây Sơn, chúng tôi làm quen với N.X.H, một thợ rà phế liệu kim loại, quê ở An Nhơn, đang đi tìm vận may trên núi Cấm thuộc xã Bình Nghi (Tây Sơn) H đã bật cười ha hả khi nghe ý định giả trang làm thợ rà để săn tư liệu của tôi: “ Làm sao mà các anh có đôi bàn tay đầy chai sần do đào đất, đục đá, nước da đen cháy do suốt cả ngày phơi mình dưới nắng như bọn tui. Thợ rà như bọn tui ngay cả lỗ tai cũng chai nữa kia (do cứ phải đeo tai nghe máy rà liên tục). Vả lại lúc nào cũng rà được, chỗ nào cũng được phép rà. Những vụ nổ lưụ đạn, mìn pháo còn sót lại sau chiến tranh do thợ rà bất cần hoặc quá tham lam gây ra đã để lại cho chính quyền, công an các xã vô khối chuyện phiền phức. Vì vậy hễ cứ thấy bóng dáng bọn tui, vui vẻ thì họ xua đi, còn ngược lại thì họ gọi vào xét giấy tờ, hỏi tới, hỏi lui, có khi họ còn đòi giữ lại máy móc, phải xin gãy cả lưỡi. Các anh cũng chẳng thể nào đóng vai trò người đi mua đồ cổ được đâu… Mua bán hàng cấm mà mấy anh, đâu có đơn giản vậy. Làm gì có chuyện vừa tìm thấy đã bán được ngay như… báo chí các anh viết. Đồ cổ chứ có phải sắt vụn phế liệu đâu mà bán cho ai cũng được? Ngay cả những người được ứng tiền của chủ các đại lý phế liệu kim loại để đi rà như tui cũng chỉ biết lờ mờ là phải qua nhiều trung gian. Thế thôi các anh ạ! Và họ mua bán cũng lẹ lắm, ngã giá xong là họ chồng tiền. Bây giờ còn có thêm kiểu này nữa, những người cần mua, biết đánh giá chất lượng cổ vật, thường cũng biết những nơi tập trung cổ vật. Tất nhiên cũng không phải rõ ràng như có bản đồ trong tay. Nhưng chắc chắn nhờ họ mà chúng tôi đỡ tốn công hơn. Những người này thường ứng tiền cho thợ rà đi làm và bao tiêu tất cả những gì chúng tôi rà được, gồm cổ vật và những thứ phế liệu kim loại. Cũng là chuyện “buôn có bạn, bán có phường” thôi! Năm ngoái, trong giới chúng tôi xẩy ra một chuyện rất buồn cười nhưng nghỉ lại mà thấy lạnh tóc gáy. Theo yêu cầu của một số chủ hàng, một nhóm thợ rà đã thay nhau đào xới trên một cánh đồng rộng ở Đập Đá. Đến giữa trưa một hôm nọ thì phát hiện có tín hiệu rất mạnh, đào một hồi thì gặp cổ vật, vừa gạt sơ lớp đất thì một màu vàng hấp dẫn hiện lên. Nhóm thợ rà sáng mắt lên vì cổ vật quá lớn nhưng chưa kịp reo mừng thì một dòng chữ bằng tiếng Anh hiện ra: Made n USA! Thế là không ai bảo ai, cả nhóm dọn đồ nghề và chạy đi báo Ủy ban xã, xã báo cho huyện, huyện báo ngay cho tỉnh và bộ đội công binh được cử về. Hóa ra cổ vật là một quả bom nặng tới 500kg. Hú vía…”
Rời túp lều sơ sài của H, chúng tôi tìm đến tháp Thủ Thiện, một ngôi tháp cổ Chămpa cũng toạ lạc ở xã Bình Nghi. Những người dân địa phương khi nhận ra người bạn cùng đi với tôi là người quen của họ và nghe câu hỏi về hoạt động của những người đào tìm cổ vật đã ồ lên một cách vui vẻ. Tháp cổ nằm gần nhà dân, các thợ rà không dám vác máy, mang cuốc tới. Vả lại chắc cũng chẳng còn tìm được gì nữa. Một cụ già có nhà nằm sát tháp Thủ Thiện không xa kể lại: “Trước giải phóng, lính ngụy nhiều lần đục đẻo tượng cổ trên tháp đem bán cho người Tàu dưới Quy Nhơn. Chỗ nào đục được thì họ đục, còn không đục được thì họ đặt mìn để phá, có lần uống rượu say, đám lính còn ném lựu đạn lên đỉnh tháp để làm trò vui. Đến cơn bảo khủng khiếp năm Sửu (1985), cây đa cổ thụ trên nóc tháp bị gió giật ngã và ném ra xa. Dạo ấy cũng có vài người nhặt được đồ cổ từ trên tháp văng ra nhưng do những lời đồn đại về tai họa mà đồ Hời mang đến và có lẽ do chưa hết kinh hoàng vì cơn bão nên không ai lưu giữ làm gì. Có người kể lại là họ đã ném xuống sông Côn sau khi lỡ đem về nhà …”.
Người Chăm cổ không quá đề cao giá trị của vàng và sử dụng chúng với khối lượng lớn một cách khá phổ biến trong các công trình kiến trúc đền tháp của mình. Có thể lý giải rằng đó là do dân tộc này được tạo hóa ưu đãi quyền sở hữu nhiều mỏ vàng có trữ lượng phong phú. Vàng được đem đi đúc tượng thần để thờ, đúc phù điêu và dát lên các tượng trang trí… Theo một số truyền thuyết mà Ch.Lemire sưu tầm được thì chóp đỉnh của tháp Đôi, cụm tháp gồm hai chiếc nằm ở thành phố Quy Nhơn, là một quả cầu lớn làm bằng vàng vòng. Cả hai khối vàng này đã bị các thủy thủ da trắng của một chiếc tàu châu Âu cướp đoạt và mang xuống tàu sau một cuộc tấn công chớp nhoáng. Truyền thuyết cũng cho biết rằng người Chămsau khi dựng tượng vàng ở các đền tháp thường quét lên thân tượng một lớp sơn đặc chế. Những điều mà truyền thuyết mô tả hầu như đã trùng khớp với sự trình bày của những người thợ rà may mắn phát hiện được những pho tượng vàng trên đất Bình Định. Những kho báu Chămpa được phát hiện đầu tiên không phải do tình cờ mà là kết quả của quá trình tìm tòi rất nghiêm túc của người Pháp. Tháng 2-1906, sau 23 ngày tổ chức khai quật quy mô ở tháp Pô Nagar (Khánh Hòa), H.Parmentier đã tìm thấy một căn hầm bí mật mà ông gọi là kho báu chứa đồ thánh, bên trong chứa nhiều hiện vật bằng vàng như nhẫn, vòng, độc bình,… Sau đó ít lâu, khi tiến hành phục chế tháp phía nam, cũng chính H.Parmentier đã tìm thấy một kho đồ thánh khác ở một vị trí mà không ai ngờ đến – trên đỉnh tháp. Kho báu thứ hai này có khối lượng lớn và phong phú hơn kho báu phát hiện trước đó, chứa nhiều đĩa vàng, bạc, đồng và một số vật dụng khác không xác định được nguyên liệu cấu thành, ngoài ra còn có một số tượng voi, các sấu cũng làm bằng vàng… Kho báu Chămpa được nhắc đến từ khá lâu bởi các nhà khoa học Pháp. Kho báu cuối cùng, nơi lưu giữ những gì còn lại của vương triều Chăm, đã được khẳng định sự tồn tại bởi Jeanne Leuba trong tác phẩm Unroyaume disparu-Les Chams et leur art -1923 (một quốc gia đã bị diệt vong người Chăm và nghệ thuật Chăm): “Do tình cờ ông H.Parmentier và hai người cộng sự trong một chuyến đi khảo sát tại Phan Rí đã được Nữ hoàng Chămpa cho phép tham quan kho báu ở một rừng phải mất nhiều ngày vượt núi mới đến được. Kho báu mà họ được xem tận mắt gồm 300 hiện vật. Đó là những cái bình, những vật trang sức bằng vàng, 4 tá bình bằng bạc, một bộ sưu tập lộng lẫy các vũ khí cổ được khắc hoặc khảm còn lưu lại những chổ bịt bằng vàng hoặc bằng kim loại quý… họ còn có những kho báu dự trữ khác mà người Châu Âu chúng ta không bao giờ được biết đến do tính hoài nghi và mê tín của những người bảo vệ rất nghiêm khắc của dân tộc Chăm”.
Những thành tựu của các nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học, bảo tàng học trong hàng trăm năm qua dường như được các tay săn tìm cổ vật Chăm nghiền ngẫm rất kỹ. Giờ đây họ biết rất rõ rằng kho báu Chămpa không chỉ được chôn giấu trong lòng đất, bên trong hốc tường ở các đền tháp mà còn có ở đỉnh tháp, tường hậu sau khán thờ và ở phần diềm hoa văn chân tháp. Và có lẽ chính những người này là những kẻ đi trước những nhà khoa học khi phát hiện ở phần chân móng của các tháp cổ Chămpa còn có cả những hộc chìm chứa nhiều tượng cổ (?). Một người bạn của tôi trờ về sau một chuyến đi đào xới trên núi Bà (Phù Cát) đã thuật lại: “Ở những cánh rừng đại ngàn trên đỉnh núi hiện có đủ loại thợ thầy đang hành nghề - thợ săn thú quý hiếm, thợ cưa xẻ gỗ trái phép, các điệu săn trầm và đám thợ rà tụi mình. Khi được tin trên núi Bà có nhiều phế tích Chămpa hấp dẫn, tớ đã bán tín bán nghi. Những phế này nhiều người đã biết từ lâu, ngay cả khi cơn sốt săn lùng cổ vật Chăm nổ ra hồi mấy năm trước, tụi mình đã đào xới ở đó gần nửa tháng trời, mọi chuyện đã chấm dứt từ nhiều năm trước. Nghe tin có vàng Hời bay trên núi Bà do mấy tay phu trầm rỉ tai, rồi thấy người ta đi, mình cũng bấm bụng vác máy lên. Gần chục nhóm như vậy chia nhau rà tìm đào xới mà không nhóm nào thu được thứ gì đáng giá. Lần lượt các nhóm ở xa lưng vốn đã cạn rủ nhau xuống núi trước, nhóm của tụi mình là những người áp chót, mình vừa xuống xong thì được tin những kẻ ở lại phát hiện ra trong một hang đá có bộ xương của một chiến sĩ giải phóng nằm chết trên võng (có lẽ là đã hy sinh do sốt rét ác tính khi đi công tác một mình”, tay trưởng nhóm đã xuống báo cho UBND huyện Phù Cát. Nghe đồn nhờ đó mà trong cái ngày quyết định chấm dứt chuyến săn tìm cổ vật, họ đã tìm được một cái bình cổ. Chỉ một cái thôi nhưng đám thợ rà đã kháo nhau là đã bán được gần 100 triệu đồng…” 
Giữa những huyền thoại về kho báu Chămpa với sự thật lịch sử, nếu tách bỏ đi những yếu tố hoang đường, ly kỳ, rùng rợn như ma vàng Hời, ma vàng bay…, thì nhiều chi tiết của huyền thoại buột chúng ta phải xem xét vấn đề một cách nghiêm túc, đặt chúng ta trong mối quan hệ giữa các ngành khoa học có liên quan như văn học dân gian, khảo cổ học, dân tộc học, bảo tàng học…, để từ đó có thể đánh thức được những di sản văn hóa Chămpa còn thất lạc đâu đó trên các vùng di tích, phế tích. Nếu tổ chức tốt các khâu nghiên cứu, khảo sát, điều tra, khai quật, một điều chắc chắn là hiểu biết của chúng ta về nền văn minh Chămpa rực rỡ sẽ hoàn hảo lên.

theo thuvienbinhdinh.com

Like (4)
Loading...
4
Linh Dang
<p>Đúng là chuyến tàu Mekong trên đường đến Pháp đã bị chìm dưới biển Somalia: <a href="http://www.youtube.com/watch?v=GGRpeBDzcok" target='_blank'>http://www.youtube.com/watch?v=GGRpeBDzcok</a></p>
1
1
December 24, 2013