• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
Kaka
by On January 10, 2014
413 views

Thời kỳ xác định bản thể

Vương quốc Chiêm Thành (Champa) cổ cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn đối với
người Việt Nam. Vương quốc này ở đâu, xuất hiện từ thời nào, phát triển ra sao và
tại sao biến mất ? Không sử sách Việt Nam nào nhắc đến. Đọc lại sử xưa, những
nhân vật lịch sử Chiêm Thành, với những tên phiên âm Hán hóa, thường được
nhắc tới một cách mơ hồ, đôi khi với những lời lẽ xúc phạm, từ đó sinh ra hiểu
lầm rồi hiểu sai dẫn đến tâm lý phân biệt đối xử hay khinh thường, không thông
cảm lẫn nhau.

Đây là thiếu sót lớn trong quan hệ giữa người Việt và người Việt với nhau. Tình
trạng này cần sớm chấm dứt vì cộng đồng người Chăm ngày nay là thành tố bất
khả phân của dân tộc Việt Nam. Quá khứ của người Chăm cũng là quá khứ chung
của người Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử vương quốc Chiêm Thành xưa, chính vì thế,
không những là một bắt buộc lịch sử mà còn là một biểu lộ tình cảm để hàn gắn
những tai họa mà cộng đồng người Việt Nam nói chung đã gây ra cho những dân
tộc anh em trước khi cùng nhau bắt tay xây dựng lại một đất nước chung.

Quan niệm về đất đai, lãnh thổ và tổ chức chính trị

Trước khi đi sâu vào phần tìm hiểu lịch sử vương quốc Chiêm Thành xưa,
tưởng cũng nên duyệt lại một số quan niệm về đất đai và lãnh thổ của người Kinh
và người Chăm. Có nắm vững yếu tố này, chúng ta sẽ dễ dàng theo dõi những
chuyển biến lịch sử tiếp theo và kết quả tất yếu của nó. Khuyết điểm của những
nhà viết sử hay nghiên cứu dân tộc học là thường dựa trên những quan điểm văn
hóa và tình cảm của mình để phê phán các dân tộc khác, hiểu lầm và ngộ nhận là
không tránh khỏi.

Đất đai và lãnh thổ tuy là những giá trị cụ thể nhưng quan điểm của người Kinh
và người Chăm rất khác nhau. Đối với người Kinh, đất đai và lãnh thổ vừa là một
giá trị vật chất vừa là một biểu tượng tình cảm, trong khi đối với người Chăm đó
là một giá trị tâm linh và là một biểu tượng thần quyền.

Qua những đợt di dân liên tục từ hơn một ngàn năm qua, lãnh thổ của người
Kinh không ngừng mở rộng theo thời gian và cộng đồng người Kinh ngày nay đã
có mặt tại khắp nơi trên thế giới. Người Kinh tuy rất quí đất đai nhưng đó chỉ là
một tài sản cần phải bảo vệ, một kỷ niệm cần phải giữ gìn. Rất ít ai chịu giam
mình nơi chôn nhau cắt rốn nếu điều kiện sinh sống nơi đó khó khăn. Nơi nào có
thể an cư lạc nghiệp được, nơi đó trở thành quê hương, nơi nào sinh sống khó
khăn thì bỏ đi tìm nơi khác. Và khi ra đi, người Kinh mang theo cả bàn thờ tổ tiên,
gia phả và tín ngưỡng đi theo, do đó không có vấn đề mất gốc hay mất cội nguồn.

Suy cho cùng, người Kinh vừa là một dân tộc du mục vừa là một dân tộc phù sa,
bởi vì, một mặt, lịch sử dân tộc Kinh là một lịch sử di dân thường trực và cuộc di
dân này đến nay chưa chấm dứt, mặt khác, người Kinh chỉ gắn bó với những vùng
đất thấp, đất đồng bằng cạnh những dòng sông hay trục lộ giao thông, ít ai chịu
gắn bó đời mình với rừng núi hay biển cả bao la.

Trên phạm vi lớn hơn là lãnh thổ. Lãnh thổ bao gồm cả đất đai, bầu trời và vùng
nước, có lằn ranh nhất định và thuộc chủ quyền một quốc gia. Đối với người Kinh,
lãnh thổ là một phạm trù ảo, không cụ thể, cha chung không ai tiếc. Lãnh thổ rộng
hẹp ra sao là vấn đề trách nhiệm của những người lãnh đạo quốc gia, không ảnh
hưởng gì đến đời sống thường ngày của người dân.

Người Chăm thì ngược lại, đất đai là một vật thể thiêng liêng không thể sang
nhượng và chối bỏ. Từ ngàn xưa cha ông đã ở đây thì con cháu đời sau phải ở đó,
không ai tự quyền rời bỏ quê cha đất tổ định cư nơi khác. Rời bỏ quê cha đất tổ là
từ bỏ dòng tộc, từ bỏ thần linh. Chính vì thế, trong suốt dòng lịch sử đương đầu
với người Kinh, cộng đồng người Chăm chấp nhận mọi hy sinh và gian khổ để giữ
đất và bám đất, cho dù quê hương không còn hay bị tước mất. Tất cả những lễ lạc
trong triều chính và ngoài dân gian đều nhằm vinh danh các vị thần cai quản đất
đai, vì đất là nguồn sống và cũng là nơi ngự trị của các vị thần bảo vệ đất, che chở
gia đình và đồng tộc. Nếu vì một lý do nào đó ngoài ý muốn một người Chăm phải
rời bỏ quê hương đi nơi khác lập nghiệp, sinh hoạt tâm linh của người đó luôn gắn
liền với nơi sinh quán cũ, vì không ai được quyền mang bàn thờ tổ tiên và thần
linh đi theo, con người lệ thuộc thần linh chứ không ngược lại. Hơn nữa nếu phải
ly hương, người đó cũng không thể đi ra ngoài lãnh thổ đã được thần linh che chỡ,
nghĩa là chỉ giới hạn trong vùng đất của đồng tộc mà thôi. Đó là lý do giải thích tại
sao tại người Chăm không di cư ra khỏi địa bàn cư trú của họ và tại nhiều nơi,
nhất là ở Bình Thuận, người Chăm định cư tại một làng cách xa nơi sinh quán cũ
cả trăm cây số nhưng vẫn muốn lệ thuộc về hành chánh và nghi lễ tại làng cũ. Đạo
Hồi khi du nhập vào đây cũng phải thích nghi với tâm lý tôn thờ thần linh của
người Chăm để được chấp nhận và đã biến cải thành đạo Bani. Tất cả chỉ vì người
phụ trách lễ nghi và sổ bạ hành chánh địa phương là các thầy Paseh, Tapah (nếu là
giáo dân đạo Bà La Môn) và các thầy Char, Po Adhya, Po Bac (nếu là giáo dân
đạo Bani). Đây là một khó khăn về quản trị hành chánh mà các chính quyền người
Kinh không hiểu nổi và muốn xóa bỏ, nhiều tranh chấp đáng tiếc đã xảy ra.

Nhiều người sẽ hỏi dân số vương quốc Chiêm Thành xưa bây giờ ở đâu ?
Không lẽ đã bị tiêu diệt hết sao ? Con số 100.000 người Chăm tại Bình Thuận và
Châu Đốc có phản ánh đúng sự thật không ?

Câu trả lời là không và dân chúng gốc Chăm vẫn còn nguyên vẹn. Người Chăm
đồng bằng không đi đâu cả, họ đã ở lại trên lãnh thổ cũ tại miền Trung và với thời
gian đã trở thành công dân Việt Nam một cách trọn vẹn. Có thể nói không một
người Việt Nam nào sinh sống từ lâu đời tại miền Trung nào mà không mang ít
nhiều dòng máu Champa trong người. Điều này cũng rất dễ khám phá, ít nhất là về
hình dáng : da ngăm đen, vai ngang, mặt vuông, tóc dợn sóng, vòm mắt sâu, mắt
bầu dục hai mí, mũi cao, môi dầy, miệng kín. Cũng không phải vô tình mà cách
phát âm của người miền Trung khác hẳn phần còn lại của đất nước, với nhiều âm
sắc thấp của người Champa. Đó là chưa kể những danh từ có nguồn gốc Champa.
Cũng không phải tình cờ mà các điệu múa hát của người Chăm trở thành những
điệu múa hát trong cung đình và ngoài dân gian thời Nguyễn. Nêu ra một vài
trường hợp cụ thể trên chỉ để chứng minh một điều : dân cư vương quốc Champa
cũ đã hội nhập hoàn toàn vào xã hội Việt Nam. Nhắc lại quá khứ của người Chăm
cũng là nhắc lại quá khứ của cộng đồng người Việt tại miền Trung nói chung.

Về chính trị, vương quốc Champa được tổ chức theo định chế liên bang. Trước
khi bị xóa tên, vương quốc Chiêm Thành là một kết hợp của nhiều tiểu vương
quốc, từ đèo Ngang (Quảng Bình) đến mũi Kê Gà (Bình Thuận). Mỗi tiểu vương
cai trị một lãnh thổ riêng, với một dân số nhất định, sinh hoạt độc lập với các tiểu
vương khác và không can thiệp vào nội bộ của nhau. Một cách không chính xác,
vương quốc Chiêm Thành cũ (Campapura) có ít nhất năm tiểu vương quốc :
Indrapura (Bình Trị Thiên), Amaravati (Quảng Nam), Vijaya (Nghĩa Bình),
Kauthara (Phú Khánh) và Panduranga (Bình Thuận). Có thể thêm tiểu vương quốc
Aryaru (Phú Yên) là sáu, nhưng sự hiện diện của tiểu vương quốc này trong lịch
sử Chiêm Thành không rõ ràng.

Trong mỗi tiểu vương quốc cũng có sự phân chia quyền hành giữa các lãnh
chúa địa phương. Chính sách địa phương tản quyền này đã được triều đình Việt
Nam công nhận năm 1471, khi thành Đồ Bàn, kinh đô vương quốc Chiêm Thành,
vừa bị đánh chiếm : đất Quảng Nam được chia thành nhiều lãnh địa khác nhau và
giao cho những lãnh chúa Champa địa phương cai quản. Vương quyền trung ương
Chiêm Thành chỉ giữ vai trò thần quyền, gìn giữ sự thống nhất và sự vẹn toàn lãnh
thổ mà thôi, những sinh hoạt khác đều do các tiểu vương quốc địa phương đảm
nhiệm. Khi có nhu cầu hay gặp nguy biến, triều đình trung ương nhân danh thần
linh bảo vệ vương quốc kêu gọi các tiểu vương địa phương đóng góp nhân tài, vật
lực xây dựng đền đài, chuẩn bị chinh chiến hay triều cống các thế lực lớn mạnh
hơn. Vị thần bao vệ vương quốc Chiêm Thành được biết đến nhiều nhất là nữ thần
Yan Po Nagar (Bà Mẹ Đất Nước hay Thiên Y Thánh Mẫu), đền thờ đặt tại Xóm
Bóng, Nha Trang.

Về biên giới, lằn ranh phân chia giữa các tiểu vương quốc và vương quốc
Chiêm Thành cũ với các thế lực chính trị đương thời là một biên giới thần quyền,
không ai được quyền vượt qua và cũng không ai có quyền xâm phạm. Vương triều
Chiêm Thành không có tham vọng đất đai, họ chỉ tập trung phát triển và bảo vệ
những đất đai thuộc quyền sở hữu mà thôi. Những chuyển biến lịch sử sau đây
chứng minh điều đó.

Source: jashaklikei.wordpress.com

Posted in: Lịch sử Champa
Topics: 373737;, 373737;, 373737;
Be the first person to like this.