• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
prancham
by On January 29, 2014
188 views

 

Glang Anak (Danlambao) - Cả tháng nay bận rộn theo dõi với mấy đại án về tham ô, tham nhũng của anh em Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng; một thời danh gia vọng tộc đất cảng nay phải đối mặt với cảnh tội tù; Chắc mọi người không khỏi bàng hoàng với chi tiết về ông anh Thứ trưởng PQN với khối tiền hối lộ triệu đô dù chưa biết thực hư thế nào; rồi đến cái vụ siêu lừa đảo Huyền Như... hơn 4000 tỷ đồng! Ui cha cha cha sao mà quan chức tiền đâu lắm thế, còn dân chúng nói chung và người dân tộc thiểu số chúng tui nói riêng thì túng nghèo quanh năm. Xã hội này thì Kẻ ăn không hết, người lần không ra là thế...
Nay tôi lại được tin thêm một vụ việc về xung đột văn hóa, tín ngưỡng giữa chủ tịch xã ở làng người Chăm Ninh Thuận và một người dân Chăm. Nhiều người cho đây là việc nhỏ, không bằng những đại án tham nhũng kia; nhưng theo tôi, xung đột sắc tộc nếu không giải quyết thấu đáo sẽ nguy hại cho sự bình yên không chỉ ở thôn làng mà cả tầm quốc gia; Sau đây tôi xin tường thuật lại nội dung một cuộc xung đột đã xảy ra tại Palei TL cho bà con cùng rõ, và có thêm tiếng nói để bảo vệ quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng cho người dân.
Chủ tịch xã: Này ông Lakei... vì sao cuối năm rồi mà còn lên đây định kiện cãi vụ việc gì?
Ông Lakei: Thưa ông chủ tịch, chúng tui là người Chăm ở Palei TL, Trưởng thôn chúng tui là người Việt ở trong làng, cậy thế, cậy quyền; không hiểu về văn hóa và tín ngưỡng Chăm, đã xúc phạm đến tín ngưỡng, danh dự và uy tín của dân tộc chúng tui nên đã xảy ra xung đột. Tui đến đây báo cáo, mong chủ tịch xem xét để giải quyết vụ việc cho công minh.
Chủ tịch xã: Mời ông vào đây trình bày cụ thể hơn.
Ông Lakei: Thưa ông, Lễ hội Kate, Ramadan của người Chăm rất quan trọng, mọi gia đình đều cúng kính ông bà tổ tiên; Vậy mà Trưởng thôn bảo rằng chúng tui mê tín dị đoan, suốt năm cúng kính nên nghèo đói.
Chủ tịch xã: Đúng rồi, các ông phải tin vào đường lối của Đảng và Nhà nước; không có được tin vào thần thánh nào hết. Trưởng thôn nói đúng rồi, cúng kính nhiều là mê tín dị đoan, là nguyên nhân gây nên nghèo đói.
Mà tui nói thiệt, suốt năm người Chăm đủ loại cúng kính nào là cúng “mặt trời lên”, “mặt trời xuống”; nào là cúng “cầu mưa”, “cầu gió”, “cúng đền”, “cúng tháp”... lung tung xèng. Các ông phải học cách sống văn minh, bỏ hết, bỏ hết các loại thờ cúng đi, thì mới khá lên được.
Ông Lakei: Thưa ông chủ tịch, Chúng tui cứ tưởng lên đây báo cáo để được bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, không ngờ các ông cũng “một duộc” như nhau.
Chúng tui cho rằng, người Chăm ngày nay nghèo đói không phải do cúng kính, mà do Nhà nước đã lấy hết đất đai, nương rẫy canh tác lâu nay là nguyên nhân chính.
Còn cúng kính là phong tục tín ngưỡng từ ngàn đời của cha ông chúng tui để lại, mang ý nghĩa thiêng liêng trong niềm tin và tín ngưỡng.
Trước đây ông, cha chúng tui cũng cúng kính nhưng có nghèo đâu và hiện nay nhiều dân tộc trên thế giới cũng nghèo nhưng đâu phải do họ cúng kính nhiều.
Chủ tịch xã: Sao ông lý sự quá, tôi ví dụ nè... một đám tang người Chăm phải tổ chức mất nhiều ngày, giết trâu cho cả làng ăn, vay mượn tiền để làm đủ các loại lễ tục... vậy không nghèo sao được.
Ông Lakei: Thưa chủ tịch, người Chăm chúng tui sống theo cộng đồng, đó là tình làng nghĩa xóm, một nét đẹp văn hóa rất đáng trân trọng; khi một người mất đi mọi người hàng xóm đến chia buồn, phúng điếu, góp công, góp sức để chia buồn tang gia. Việc giết trâu cúng kính là theo phong tục chứ không phải đơn giản chỉ để ăn. Không có chuyện phung phí và gây nợ nần như ông nói.
Thế còn đám tang người Việt thì rãi tiền “đôla”, “vàng mã” đầy đường đầy xá... ông có xem tivi gọi đó là lãng phí, mất vệ sinh và đề nghị cấm in tiền đôla giả không?
Chủ tịch xã: Có, có... cái này tôi biết tivi thông báo rộng rãi.

Thôi thì tôi đồng ý với các ông về phong tục cúng kính, nhưng vì ông nói tới cái việc mất vệ sinh thì tôi cũng xin nói thêm là: cái việc cúng kính, lễ tục của các ông, tổ chức ăn uống thì kéo nhau cả làng; các thầy cúng thì ăn bốc, rất mất vệ sinh...
Ông Lakei: Đây cũng là một nét văn hóa riêng của người Chăm chúng tui, thưa chủ tịch. Người Thầy cúng dùng tay phải đưa thức ăn trực tiếp vào miệng là thể hiện sự trân quý hạt gạo. Bàn tay phải dùng để nắm thức ăn nên luôn luôn được giữ gìn sạch sẽ không bao giờ làm chuyện dơ bẩn. Còn nói mất vệ sinh thì thế nào gọi là mất vệ sinh? Một số quốc gia khác như Indonesia, Malaysia, Brunei... từ Vua chúa, thủ tướng đến giáo sư, bác sĩ... đều giữ văn hóa ăn bốc hàng ngày cho đến hôm nay. Chẳng lẽ họ cũng “mất vệ sinh”?!
Chủ tịch xã: ở nước khác tôi sao biết được.
Ông Lakei: Bây giờ tui hỏi chủ tịch: Người Việt cúng kính nhang khói nghi ngút, thức ăn bày trên bàn thờ cả ngày; Chưa kể cúng kính “các bác” ngoài đường bụi bặm, như vậy có mất vệ sinh không?
Rồi còn chuyện lên đồng, lên bóng, xông đất, cúng sao giải hạn liên miên trong năm; Nhà nhà người Việt đốt vàng mã vào rằm tháng 7 hằng năm tiêu tốn không biết bao nhiều là tiền có gọi là lãng phí không?
Các Quan chức hàng năm đến chùa xin lộc, cầu vinh, xảy ra không biết bao nhiêu tiêu cực khi mỗi độ tết đến xuân về ở các Chùa lớn như báo chí đưa tin có gọi là mê tín dị đoan không?
Chủ tịch xã: Đó... đó... đó là tín ngưỡng mà. Nét đẹp văn hóa chứ...
Ông Lakei: Thế thì có khác gì người Chăm cúng kính đền tháp...
Tui lấy thêm một ví dụ nữa cho chủ tịch rõ nè: Tui biết ở Hà Nội hàng ngày người ta xếp những hàng dài đợi vài giờ đồng hồ ngoài nắng để vào lăng viếng Bác. 
Người Việt đi thăm lăng Bác, còn người Chăm đi thăm cúng Tháp, có khác nhau gì đâu?
Nếu chủ tịch dám cho rằng việc thăm lăng Bác là mê tín dị đoan thì mới cho rằng việc thăm cúng tháp của người Chăm chúng tui là mê tín dị đoan. Chủ tịch có dám nói như vậy không?
Chủ tịch xã: Không được, không được! viếng lăng Bác là thể hiện sự kính trọng, là niềm tin của người Việt, còn... còn...
Ông Lakei: Còn... còn người Chăm chúng tôi thì mặc kệ chứ gì? Là dân tộc thiểu số, là công dân hạng hai phải không?
Vậy... nên lăng Bác thì có người canh giữ; thờ phượng; mọi người vào viếng không phải mất tiền mua vé. Còn các Tháp Champa của tụi tui bây giờ đã bị trưng dụng làm du lịch, ngay cả người Chăm đi viếng tháp cũng phải mua vé, mất tiền;
Họ cũng không cho chức sắc Chăm duy trì thờ cúng, gìn giữ Tháp... Thật là trớ trêu.
Ngược đời hơn người Chăm cũng không còn quyền tự do cúng kính đền tháp nữa mà mỗi khi cúng kính phải qua bao thủ tục rườm rà, xin phép. Thờ cúng tổ tiên, cha ông mình mà cũng gây bao phiền hà. Từ đó người Chăm ngày nay ít đi cúng tháp hơn... đó là một sự thật đau lòng.
Chủ tịch xã: Tui đã nói rồi, cúng kính của các ông chỉ tốn kém, không có lợi gì cả. Chính quyền đưa cho các công ty làm du lịch thì thu được tiền, phát triển kinh tế xã hội.

Nói chuyện với các ông thấy “lạc hậu quá”, lại còn thắc mắc nọ kia. Nay là cuối năm, tui không muốn rắc rối, chứ không tui gọi công an đến là các ông bị quy vào tội “gây rối trật tự” Rõ chưa - Về đi.
Ông Lakei: Trước khi về, tui cũng nói cho ông biết:
- Chăm-Việt là hai dân tộc có bản sắc văn hóa và tín ngưỡng riêng; Cần phải tôn trọng lẫn nhau, để hòa hợp trong quá trình sống cộng cư và hội nhập.
- Mỗi tín ngưỡng văn hóa của mỗi dân tộc đều mang giá trị và nét đẹp riêng; Văn hóa là cội nguồn, là gốc rễ; Nay các ông đại diện cho chính quyền mà chỉ biết “đồng tiền” và giẫm đạp lên văn hóa dân tộc khác; thế thì từ nay chúng tôi sẽ không còn niềm tin với các ông nữa, chúng tui sẽ tìm đến những tổ chức khác như những diễn đàn dân sự, bảo vệ nhân quyền... để có tiếng nói của dân tộc mình. Tìm sự bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tự do giữ gìn lễ tục văn hóa cho dân tộc Chăm.
Chào ông, tui về đây!
Chủ tịch xã: Ông không được nói vậy, mời ông, mời... qua phòng công an lập biên bản.
Ông Lakei: Tôi không ký bất kỳ biên bản nào hết. Tôi không có tội gì phải qua phòng Công an; Tui chỉ thể hiện quyền được bày tỏ ý kiến của mình. Ông đang vi phạm nhân quyền, không xứng đáng là công chức được hưởng bổng lộc từ người dân.
Tôi về đây, chào ông.
Chủ tịch xã: Đứng lại, đứng lại... Tao sẽ bắt mày, không cần biên bản!
...
26/01/2014
Posted in: Bút ký - Truyện
Be the first person to like this.