• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
mydung
by On February 14, 2014
220 views

Trong cuộc đời chúng ta, hình như ai cũng có một mối tình cho riêng mình. Dù đó là tình đơn phương hay song phương…nhanh hay chậm thì đó cũng là kỉ niệm không dễ gì quên! Có những cuộc tình trong khoảng không gian rộng, chuỗi thời gian dài với những tình tiết bi hài, trắc trở hợp tan tan hợp nỗi buồn vui thương giận. Cũng có những cuộc tình vu vơ thoáng chốc, ngây thơ trong sáng tuổi học trò mơ mộng hồn nhiên. Chắc hẳn ai cũng mong cho riêng mình, người thân bạn bè có mối tình đẹp dẫn tới hôn nhân vững bền, con đàn cháu đống… để khi ngẫm lại cuộc đời trong khoảng lặng tâm hồn, con người thanh thản nở nụ cười vui!

Ai đã nói: “với tình yêu và khoa học con người làm nên lịch sử” thật thâm trầm sâu sắc! Với rung cảm tình yêu chân chính trên nền tảng khoa học chân chính, con người làm nên lịch sử chân chính. Trên thế giới có nhiều cuộc tình lớn trở thành bất tử như Cléopatre và Cesar, Đường Minh Hoàng và Dương Quí Phi…trong văn chương có Roméo và Julliet, Paul và Virginie… Trong huyền sử Việt Nam có Sơn Tinh – Mị Nương, Trọng Thủy – Mị Châu… Và trong huyền sử Chăm nổi bật nhất là mối tình giữa Po Inư Nưgar với thái tử Trung Hoa và mối tình giữa Po Nai và tộc trưởng Raglai. Hôm nay, thời đại đã đổi khác hơn nhiều nhưng sự rung động của con tim dường như vẫn thế, có lẽ muôn đời mãi thế?! Có khác đi là khoảng không gian chúng ta đang sống, thời trang chúng ta đang ăn mặc, cách ứng xử hòa nhập giữa con người với nhau đang dần đi vào hình thái mới mang tính thời đại!
Là người dân bản xứ, tôi được nghe nhiều truyền thuyết về Pô Nai, đến thăm nơi ngài ẩn tu, được xem núi Chà Bang chẻ ngọn những giai thoại về cuộc tình ngài mỗi nơi mỗi khác. Chỉ biết ngài là công chúa của miền đất nắng Panduranga, có tục danh là Nai Tangya. Vì hồi trẻ nàng đi du hành khắp xứ để tìm hiểu dân tình, tìm cách giúp đỡ người nghèo khó nên được nhân dân thương yêu gọi bằng tên thân mật Nai Rah Nưgar. Trong một chuyến ngược vùng thượng du nơi quần cư người Raglai sinh sống, nàng gặp một tộc trưởng tên Kei Kamau. Đó là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, văn võ song toàn lại có sức mạnh phi thường, có uy tín tuyệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Không biết nàng có tình cảm với chàng hay không chỉ biết chàng Kei Kamau đã si mê nàng say đắm. Tộc trưởng Raglai đã mang sính lễ đến gia đình xin cưới nàng làm vợ. Thời bấy giờ, các triều đại vua Chăm thường liên kết chặt chẽ với những tộc người miền núi với những giao hảo về kinh tế chính trị, quân sự … phương thức thường thấy là lấy vợ là con gái tộc trưởng, công chúa các nước láng giềng làm thứ phi. Có lẽ đây là lần đầu tiên vua cha phải đối phó với tình thế ngược lại!? Và cũng có thể người cha đã động viên con tình hơn lẽ thiệt khuyên nàng thuận tình vì đó là việc chung, việc trọng đại của đất nước. Nai Tangya đã sánh duyên với chàng Kei Kamau trong một hôn lễ linh đình theo nghi thức hoàng tộc và lễ hội tưng bừng náo nhiệt rồi cũng qua đi nhường lại không khí tĩnh lặng gia đình ấm áp yêu đương.
Tại sao nàng lại đi tu? Đó là một câu hỏi lớn! Một quyết định quan trọng hơn nhiều sự nhận định của mọi người dù đó là cha mẹ, anh em, bạn bè… là vua hay dân và ngay chính bản thân nàng ?! Đây là một bản tình ca chưa ai viết hay đã viết nhưng chưa ai tìm thấy? Kẻ hậu sinh chỉ biết ứa nước mắt hình dung mơ hồ về những xung đột nội tâm, những áp đặt ngoại cảnh nên nỗi nàng phải dứt áo rời bỏ chốn phồn hoa, đô hội để lên thâm sơn cùng cốc ẩn tu. Con người ai lại không mong mỏi hạnh phúc, nhất là với một nàng công chúa thanh xuân đang tuổi yêu đời, đang quen với cuộc sống ngọc ngà nhung lụa, ngày đợi ngày trong cưng chìu xưng tụng của người thân người dân. Phải chăng nàng đã không chịu đựng được sự gò bó trong khuôn mẫu gia đình chật hẹp khi nàng đã quen bước chân phiêu lãng trời cao đất rộng? Phải chăng chàng Kei Kamau không đủ phong thái hào hoa, bản lĩnh văn hóa trong ứng xử vợ chồng, đỡ đần nàng trong bước đường ngày mai vô định? Phải chăng nhiều nhiều lý do khác mà chỉ có nàng mới hiểu và đã chôn chặt nơi ngọn Chà Bang mây mù thăm thẳm! Phải chi nàng có niềm vui làm vợ làm mẹ với những đứa con thông minh xuất chúng. Phải chi nàng vẫn đi trên bước đường hành hương vỗ về an ủi những khổ đau dân tình vẫn đang chờ đợi. Phải chi nàng để lại một Ariya kể lại cuộc tình buồn. Không, không còn hy vọng gì nữa! Khi nàng đến núi Chà Bang tu hành trong một hang núi, người chồng khốn khổ Kei Kamau có đến thăm vợ, mong ước được cất cho nàng một mái nhà để an dưỡng nơi lam sơn chướng khí. Nàng đã từ chối gay gắt như đã tuyệt tình. Có lẽ, lại có lẽ nàng muốn quên đi hình ảnh mình để bắt đầu một cuộc đời khác, một cuộc tình khác với những tốt lành hơn và cũng để tâm hồn nàng khỏi bị vương vấn xáo động bụi trần, yên tâm tu hành đời đời kiếp kiếp. Thuyết phục năn nỉ vợ mãi chẳng được, tâm trạng Kei Kamau từ vô vọng đến nộ cuồng, chàng rút mũi tên thần tra vào nỏ, bắn một phát vào tảng đá lớn nơi vợ đang ẩn trú với lời thề không bao giờ trở lại nơi này nữa. Tảng đá nứt làm đôi và lời thề Kei Kamau ứng nghiệm cho đến mãi bây giờ!
Tôi đã đọc Ariya Bini – Cam để cảm nỗi đau của một chàng trai hoàng tộc Chăm đa tình và thất tình! Đọc Ariya Sah Pakei để nghe tiếng khóc nỉ non ai oán của nàng Mưh Rat trên con đường định mệnh tai ương! Còn bao nhiêu cuộc tình khác nữa không rơi nước mắt, đau xé tâm hồn? Có những cuộc tình kỳ lạ và vĩ đại như Chế Mân và Huyền Trân, Po Rome và Bia Ut (Ngọc Khoa công chúa). Nếu sính lễ của Sơn Tinh là voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao thì sính lễ của Chế Mân là hai Châu Ô Rí. Không biết của hồi môn nào lớn hơn, quý hơn?! Chế Mân đã xây dựng một khu du lịch sinh thái gồm nơi tắm biển Cà Ná, tắm nước suối Vĩnh Hảo, nơi săn bắn câu cá với đủ món sơn hào hải vị. Đặc biệt là khu vườn thượng uyển với đủ loại mai đủ màu nhiều cánh mà ngày nay vẫn còn rơi rớt vài mảnh vụn! Po Rome đã chặt cây Krek thần để chữa bệnh cho người vợ yêu theo toa thuốc bác sĩ riêng của nàng.
Có thể đó là toa thuốc hoang đường như bài thuốc trường sinh của Tần Thủy Hoàng. Là mê tín dị đoan ngu muội, vô lý nhưng cũng rất chí lý. Cây Krek thần là biểu tượng của vương triều quyền lực và sức mạnh của nhân dân. Hoặc là Krek chết hoặc là nàng chết. Po Rome đã chọn cây chết thay người, không có sự hy sinh nào của người chồng cao cả hơn thế!
Tôi với vợ tôi cũng có một cuộc tình nho nhỏ, nhỏ ti tí nên nói ra sợ người khác cười. Vợ chồng tôi thường cãi nhau về những chuyện không đâu nhưng sưu tra ra là không hợp nhau vì kỵ tuổi. Tôi tuổi con dê nàng tuổi con cọp nên nàng thường hăm he ăn thịt tôi nhưng tôi cóc sợ, đấng mày râu phải dũng khí chứ! Đó là chuyện tình yêu còn nói theo khoa học là bất đồng quan điểm. Tôi thích ăn rau nàng thích ăn thịt, tôi thích vị đắng nàng thích chua, tôi thích màu vàng nàng thích đỏ … nhiêu khê lắm điều. Thường ngày là cãi nhau về cơm áo gạo tiền, so đo tôi với những ông chồng tài ba khác làm tôi phát ốm, xuống tinh thần nghiêm trọng. Buồn quá cãi nhau đã đành mà vui quá cũng cãi nhau khi lỡ mồm long miệng tôi khen người đàn bà khác, vợ tôi lên án mất lập trường quan điểm. Dẫu sao tôi và nàng đã tuyên thệ dưới gốc cây me già là sẽ chung sống hòa bình mãi mãi, chiến tranh chỉ thêm tổn thất cho nhau khổ thôi. Nếu tôi bỏ nàng lấy vợ khác thì chưa chắc đã bằng gót chân nàng dù không cãi nhau. Ngược lại nàng cũng thế cho dù tôi là người chồng đứng chót trong danh sách người chồng mẫu mực trên thế giới loài người. Những cuộc tình lớn thường dẫn đến bi kịch, chỉ có những cuộc tình nhỏ như vợ chồng tôi mới có cơ may tồn tại. Tôi thường an ủi nàng như thế và lần đầu tiên nàng không cãi lại!
Ngoài kia, những cô cậu học trò nhỏ đang hớn hở cắp sách đến trường. Tôi thầm mong các em, các cháu sẽ được trang bị những tình cảm đẹp. Tình yêu thầy cô bè bạn trường lớp, tình yêu cha mẹ, họ hàng quê hương. Có như thế lớn lên bằng tình yêu khoa học các em mới đủ sức đem tài năng trí tuệ xây dựng đất nước, vun đắp giống nòi, tự hào với bạn bè năm châu bốn biển. Mùa cưới cũng đến, những cô dâu chú rể xúng xính thời trang, cười tươi nguyện ước. Chúc đôi vợ chồng son trẻ trăm năm bạc đầu tôi lại nhớ đến Nai Tangya và Cei Kei Kamau với lời thề oan nghiệt. Mũi tên xả đôi ngọn Chà Bang như xé làm đôi buồng tim đầy máu nóng, nhắn nhủ tôi hãy nhẫn nhục hơn, chịu đựng hơn trong cuộc đời đầy gian nan thử thách. Uẩn khúc Pô Nai đến ngần nào mà nàng phải dằn lòng rời bỏ tất cả để đến núi rừng thâm u hoang vắng. Nơi chốn ngài ẩn tu phải vượt một khoảng đường dài trèo đèo lội suối gai rừng cây dại. Lại còn hổ báo rắn rít bệnh tật, ăn uống ra sao với một nàng công chúa nhỏ quen người hầu hạ phục vụ. Tôi linh cảm rằng nàng không thể sống lâu hơn khi linh hồn nàng đã chết! Nàng đã sống hết mình và nàng chết theo ý nguyện. Tôi cầu mong vong linh nàng siêu thoát chốn vĩnh hằng và cầu xin những cuộc tình đã đi xa không bao giờ trở lại.
Hàng năm cứ vào mùa xuân, người Chăm lại nô nức lũ lượt lên núi Chà Bang cúng bái, cầu xin ngài ban phước lành, mưa thuận gió hòa cho cuộc sống ấm no. Có ai hay biết trái tim nàng một thời đã mang lại niềm vui cho bao người để một đời rỉ máu nơi ngọn núi Chà Bang heo hút. Và có ai an ủi nàng lấy một câu?!

*
Trong Tagalau4.

Nguon: Inrasara.com

Posted in: Bút ký - Truyện
Topics: 373737;, 373737;, 373737;
Be the first person to like this.