• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
Khánh Sơn
by On March 10, 2014
154 views


- Đồng Dương xưa vốn là kinh đô cổ, là “trái tim” của vương quốc Chămpa với quy mô bề thế của một Trung tâm Thiền viện Phật giáo bậc nhất của khu vực Đông Nam Á.

Chúng tôi có dịp về thăm lại làng cổ Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) sau những cơn mưa gió bão bùng. Quang cảnh trống vắng, âm u bởi những hàng keo mọc ngang ngửa trên khu di tích, những viên gạch lăn lóc bên tháp Sáng xơ xác và nỗi buồn dòng tộc Trà - hậu duệ người Chăm sẽ làm bất cứ ai yêu những giá trị văn hóa Chăm cảm thấy chạnh lòng.
Phật viện Đông Nam Á nay còn đâu?
Năm 875, Vua Indravarman II của vương triều Indrapura đã cho xây dựng tại làng Đồng Dương một tu viện Phật giáo (Vihara) đồ sộ và tráng lệ lấy tên là Laksmindra – Lokesvara để làm nơi “trú ngụ” của Phật (Buddhapara).
Trải qua hơn 5 thế kỷ tồn tại (875 - 1471), Phật viện Đồng Dương trở thành trung tâm nghiên cứu, truyền bá Phật học của Đông Nam Á: năm 982, vua Lê Đại Hành sau đi bình Chiêm thắng lợi đã đưa về nước vị sư Thiên Trúc (Ấn Độ) đang hành đạo thuyết giảng tại đây; năm 1069, vua Lý Thánh Tông cất quân đi Chămpa đã bắt được Thiền sư Thảo Đường (Trung Quốc); năm 1301, sư tổ Trúc Lâm Yên Tử Trần Nhân Tông cùng hàng trăm tăng sĩ Đại Việt có 9 tháng lưu lại để tu đạo;... Đồng thời tạo khắc vào lịch sử những nét văn hóa đặc trưng của người Chăm, tháp Chàm.
Quy mô và tầm vóc của một Phật viện Đông Nam Á một thuở huy hoàng và tráng lệ như vậy nhưng nay lại có “số phận” hẩm hiu. Phật viện mặc dù đã được công nhận di tích cấp quốc gia nhưng không có người trông coi. 
Đường đi đến khu Phật viện vốn đã gập ghềnh, vắng vẻ lại “lọt thỏm” giữa một khu rừng keo, bạc hà âm u, vắng vẻ. Phật viện chỉ còn một mảnh cổng tháp Sáng đứng xiêu vẹo, sụp phần đế, phải nêm vào những lớp gạch để giữ chân, cùng những thanh đà chống đỡ bằng gỗ tạm bợ, mỏng mảnh rất dễ dàng gãy mục bất cứ lúc nào.
Thấy chúng tôi đến, ông Trà Tấn Tôn (75 tuổi, tổ 6, thôn Đồng Dương, Trưởng tộc nhánh II tộc Trà ở Đồng Dương) vừa chỉ tay xuống khu vực tháp vừa than thở: “Phật viện Đồng Dương là xương máu mà bao đời tổ tiên tộc Trà xây dựng nên, nhưng lâu lắm rồi mới thấy người đến xem”.
Trước đây, khu Phật viện vẫn còn khá nguyên vẹn. Thời chống Mỹ, Đồng Dương trở thành khu căn cứ cách mạng nên chịu nhiều trận oanh tạc nặng nề của đế quốc Mỹ khiến nhiều tháp của Phật viện bị sụp đổ, hư hại... Nếu cứ để thực trạng như trước đây mà không có những biện pháp cấp thiết như hiện nay thì liệu mai đây con cháu có còn nhìn thấy di tích mà tổ tiên ngàn đời đã để lại hay không? Dấu tích hàng ngàn năm cũng sẽ bị sụp đổ trong nay mai mà thôi”.
Cũng qua nhiều đợt nghiên cứu, hội thảo, nhiều đoàn chuyên gia, khoa học trong và ngoài nước đã nhận định đây là di tích quý hiếm bậc nhất của nền văn hóa cổ Chăm-pa còn sót lại ở Việt Nam. 
Ngày 21.9.2000, Bộ VHTT (nay là Bộ VH TT&DL) đã công nhận Phật viện Đồng Dương là di tích quốc gia. Ngày 17.8.2011, Bộ VH-TT&DL đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia: “Bảo tồn, phát huy giá trị di tích Phật viện Đồng Dương” nhằm tìm ra phương án tối ưu để bảo tồn, phát huy giá trị di sản này trước nguy cơ “xóa sổ”. 
Tiếp đó, ngày 6.4.2012, UBND tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định “Trùng tu khẩn cấp tháp Sáng của Phật viện Đồng Dương” trước nguy cơ sụp đổ. Hiện nay, dự án đang được triển khai.
Chủ nhân vùng đất Thánh đô
Người Chăm ở Việt Nam mang 4 họ chính: Ung, Ma, Trà, Chế và phân bố khắp đồng bằng duyên hải miền Trung đến tận cùng đất Nam bộ ngày nay.
Tại vùng đất Đồng Dương, xứ Aravati (Quảng Nam), người Chăm mang họ Trà là chủ yếu. Tộc Trà còn ở lại Đồng Dương có lẽ để bảo vệ các công trình điêu khắc kiến trúc còn lại của tổ tiên như Tháp Sáng, tượng Bồ Tát, tượng La Hán, tượng Thiên Thần Hộ Pháp, tượng thần Siva, tượng Phật Thích Ca, trong đó Tượng Bồ Tát Ta Ra được khai quật năm 1978 là bức tượng đẹp nhất, là đỉnh cao của nền nghệ thuật Đông Nam Á…
Ngày nay, con cháu tộc Trà với những tập tục đời sống đặc trưng là dấu ấn văn hóa sống động sót lại của người Chăm từng kiến tạo trên mảnh đất Quảng Nam.
Theo gia phả tộc Trà, thuỷ tổ của tộc Trà là Trà Hoà Bố Để (có tài liệu viết là Trà Hoa Bồ Đề, là hậu duệ vua Chế Mân, con rể vua Chế A Nan), đức vua đời thứ 9 của vương triều Vijaya, đóng đô ở Đồ Bàn (Bình Định), được xem là vị tiền hiền đã khai sáng ra tộc Trà.
Tộc Trà là cư dân gốc Chiêm Thành (người Quảng quen gọi là người Hời). Qua thời gian, do chiến tranh, loạn lạc, thiên tai, dịch hoạn, không gian địa lý và hoàn cảnh lịch sử nên các thành viên trong dòng tộc Trà ngày càng sống xa nhau, không có điều kiện, cơ hội tìm về với cội nguồn. Nhiều phái, chi, nhánh của tộc Trà được thành lập ở mọi miền của Tổ quốc, và vươn xa ra ngoài biên giới, trong đó còn duy nhất 1 nhánh tộc Trà ở lại làng Đồng Dương – vùng đất gốc của dòng tộc.
Theo lời kể của các cụ thâm niên trong làng, tộc Trà Đồng Dương được hình thành cùng với sự phát triển hưng thịnh của Phật giáo ở khu đền tháp Đồng Dương (thế kỷ IX – XV).
Tộc Trà ngày càng mai một (?)
Hiện nay, tại làng Đồng Dương, số lượng người dân mang họ Trà rất khiêm tốn. Khoảng chưa đến 300 người so với hàng ngàn người đầu thế kỷ XX.
Ông Trà Tấn Tôn cho biết, theo những ghi chép trong gia phả tộc Trà lưu lại: “Thời trước, không chỉ riêng làng Đồng Dương mà còn cả vùng lân cận đều mang họ Trà. Số lượng rất đông, không đếm hết.
Khi ấy, con cháu họ Trà còn lưu giữ được những phong tục tập quán của người Chăm như múa apsara, thờ Phật, thờ thần thánh, cúng bái nơi tháp Thiêng (Phật viện), làm lúa khô, viết chữ Phạn, nói tiếng Chăm,… Truyền thống ấy đến đầu thế kỷ XX vẫn còn bảo lưu”.
Được biết, tộc Trà Đồng Dương hiện có khoảng 110 hộ (so với cả làng là 200 hộ). Trước đây, tộc có 4 nhánh, nay chỉ còn 3 (vì nhánh I không có người nối dõi nên đã nhập vào nhánh II). Nhánh I có 3 hộ do ông Trà Cung làm trưởng tộc (đã mất). Nhánh II có 45 hộ do ông Trà Tấn Tôn làm trưởng tộc. Nhánh III có 50 hộ do ông Trà Tấn Sắn (51 tuổi) làm trưởng tộc. Nhánh IV có 10 hộ do ông Trà Tấn Tư (61 tuổi) làm trưởng tộc. Và số còn lại sống rải rác các xã trong huyện, trong tỉnh và ngoài tỉnh chưa thống kê đầy đủ.
“Vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIX, con cháu tộc Trà rất đông, chiếm số lượng nhiều nhất nước. Tộc có nhà thờ tộc, có phả hệ, có nhiều sắc phong, nhiều hiện vật Chăm cổ, nhưng không hiểu lý do gì lại bị thiêu huỷ sau một đêm. Từ đó đến nay, các vị cao niên trong làng đã qua đời, nhiều người không hiểu về gia tộc Trà để sưu tầm, nghiên cứu nên có sự nhận thức mơ hồ về dòng máu mà mình đang mang trong người”
Đến nay, vốn quý nhất mà cư dân nơi đây còn giữ được là ý thức tự giác tộc người, là dòng máu tộc Trà cùng với những bức tượng Chăm kiêu sa và tháp Sáng tráng lệ một thuở huy hoàng” – ông Trà Tấn Huệ (84 tuổi, tổ 6, thôn Đồng Dương) bộc bạch.
Cũng theo ông Trà Tấn Tôn cho biết, nhà thờ Tiền hiền tộc Trà đã trải qua nhiều lần tu sửa, thay đổi vị trí nên mất tính đất địa linh thiêng… May nhờ tộc Trà vẫn còn tổ tiên, Tháp Sáng, nhà thờ Tộc nên hằng năm, con cháu ở khắp mọi miền của Tổ quốc còn hướng về cội nguồn thông qua các cuộc hành hương về thăm tháp Sáng và nhà thờ Tiền hiền tộc Trà.
10 năm trở lại đây, dưới sự trợ giúp của tộc Trà Việt Nam, ông Trà Tấn Lợi (77 tuổi) và ông Trà Quang Thảng (76 tuổi) cùng trú ở xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, Quảng Nam, đã bỏ nhiều công sưu tầm, nghiên cứu về tộc Trà để cho xây dựng một nhà thờ tộc Trà ở Việt Nam, đặt ở địa phương. Cứ 3 năm một lần, vào ngày 23/03 (âm lịch), ngày giỗ tổ tộc Trà Việt Nam lại được cử hành long trọng tại nhà thờ tộc Trà ở Điện Thọ.
Hà Kiều

Posted in: Lịch sử Champa
Like (2)
Loading...
2