Blogs
Categories
ANTĐ - Câu chuyện thần bí ở Tháp Bà Poh Naga, truyền thuyết có sức sống vô cùng mạnh mẽ trong đời sống...
Tháp Bà Poh Naga (Ponagar) toạ lạc trên đồi Cù Lao, bên cạnh cầu Xóm Bóng và cửa sông Cái, phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, Khánh Hoà, được xây dựng từ giữa thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII dưới vương triều Panduranga, thuộc vương quốc cổ Chămpa. Nơi đây thờ nữ thần Poh Naga (người Mẹ xứ sở của dân tộc Chămpa) và cũng là Thiên Y Thánh Mẫu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Ngày 23 tháng 3 âm lịch là ngày vía Bà. Những ngày hội lớn, kéo dài từ ngày 20 đến 24 tháng 3 âm lịch hàng năm.
Ngày 23 tháng 3 âm lịch là ngày vía Bà. Những ngày hội lớn, kéo dài từ ngày 20 đến 24 tháng 3 âm lịch hàng năm.
Du khách quốc tế thích thú mặc áo dài kín đáo khi vào tham quan Tháp Poh Naga
Bà Thiên YANa hay bà chúa Ngọc là tên gọi của người Việt đối với nữ Thần Yang Poh Nagar (Poh Nagar) của người Chăm. Trong lịch sử “Yang Poh Inư Nagar” được xem là mẫu, là mẹ của người Chăm; vì “Yang” nghĩa là thần; “ Poh” là tôn kính; “ Inư” là Mẫu, là mẹ; “Nagar” là xứ sở, đất nước.
Theo truyền thuyết của người Chăm, Yang Poh Inư Nagar do bọt biển và ánh mây trời sinh ra ngoài biển khơi. Một hôm, nước biển dâng cao đưa bà vào bến nước Yatran ở cửa sông Kauthara (nay là sông Cù, tức là sông Cái – Nha Trang, Khánh Hoà).
Đó là một ngày mà trời nổi giông bão, sấm chớp sáng lòa; nước ở trên rừng đổ về chảy ào ạt thành những dòng sông lớn và núi cũng cúi mình xuống để đón bà Yang Poh Inư Nagar giáng trần. Khi bà bước lên bờ, rừng cây cong xuống tỏ lòng thần phục, chim muông kéo đến hát mừng và cỏ hoa nở rộ rực rỡ, khoe sắc muôn màu, tỏa hương thơm theo mỗi bước chân bà. Yang Poh Inư Nagar đi đến đâu dùng phép thuật hóa ra những xóm làng, cung điện nguy nga, cây lúa, cây bắp và cả loại gỗ quý Kỳ Nam (trầm hương) làm cho xứ sở trần gian thêm trù phú. Yang Poh Inư Nagar được xem là nữ thần Mẹ xứ sở, là biểu tượng che chở cho cuộc sống bình yên của muôn loài.
Sau khi người Việt đến định cư vùng đất Nam Hoành Sơn (đèo Ngang); tôn trọng tâm linh và tín ngưỡng của người Chăm, người Việt đã lưu giữ phong tục thờ cúng thiêng liêng đối với nữ thần Yang Poh Inư Nagar, tiếp tục coi bà là Mẹ xứ sở của mình, nhưng Việt hóa truyền thuyết nữ thần Yang Poh Inư Nagar thành nữ thần Thiên YANa.
Ngày xưa, tại núi Đại An (tức Đại Điền ngày nay) có hai vợ chồng tiều phu già không con cái sinh sống, vỡ đất làm rẫy trồng dưa nơi triền núi. Cứ mỗi mùa dưa, quả nào chín đều bị mất trộm. Một hôm, ông lão bắt được thủ phạm là một cô gái nhỏ nhắn, hiền lành, xinh đẹp, nhưng lại mồ côi. Ông đưa về nhà làm con nuôi; hai ông bà lão không có con nên xem cô gái như con đẻ. Ông bà lão cũng biết được cô gái vốn là tiên nữ giáng trần.
Một hôm mưa lụt lớn, cảnh vật tiêu điều, buồn bã, khiến tiên nữ nhớ cảnh tiên trên trời. Để xoa đi nỗi nhớ thương, cô gái lấy đá xếp thành hòn giả sơn (hòn non bộ). Thấy việc làm lạ lùng của đứa con nuôi, ông lão rầy la nặng lời, cho rằng việc làm đó không thích hợp đối với con gái. Đang buồn vì nhớ cảnh bồng lai, lại bị cha nuôi ngăn cấm không cho làm hòn giả sơn, cô gái càng thêm tủi khổ. Nhân lúc đó thấy một khúc gỗ Kỳ Nam (trầm hương) từ trên nguồn trôi đến, tiên nữ liền hóa thân biến vào khúc Kỳ Nam và để mặc cho dòng nước đưa đẩy trôi ra biển.
Sau một thời gian lênh đênh theo dòng nước, theo gió, khúc Kỳ Nam trôi đến đất Trung Hoa. Thấy khúc gỗ lạ dạt vào bờ, có mùi hương tỏa ra ngào ngạt, dân trong vùng kéo nhau đến, xúm vào khiêng nhưng không sao nhấc lên được. Thái tử Bắc Hải nghe tin đã đến xem và nhẹ nhàng vác khúc gỗ đem về cung đình. Một đêm nọ, Thái tử bỗng thấy một bóng người từ khúc gỗ Kỳ Nam bước ra ngoài. Sau mấy đêm theo dõi, Thái tử đã bắt được cô gái. Nghe cô gái xinh đẹp kể về thân phận của mình và tự xưng tên là Thiên YANa. Nghe xong, ngày hôm sau Thái tử tâu với vua cha xin cho mình được cưới cô gái làm vợ. Sống với Thái tử, nàng Thiên YANa sinh được một con trai đặt tên là Trí và một con gái đặt tên là Quý. Cả hai đều rất khôi ngô, tuấn tú...
Đông đảo du khách thưởng thức vũ điệu Chăm ngay dưới chân Tháp Poh Naga huyền bí
Rồi một ngày nhớ quê hương, xứ sở, nàng Thiên YANa dắt hai con nhập vào khúc gỗ Kỳ Nam vượt biển trở về cố quốc. Cảnh cũ còn đây nhưng bố mẹ nuôi đã chết, đau buồn, thương nhớ, bà cho xây đắp lại mồ mả, sửa sang lại nhà cửa thờ phụng bố mẹ nuôi.
Thấy dân chúng làng Đại An thật thà, chất phác, nhưng cuộc sống nghèo khổ, bà đã đem những gì học được ở quê chồng như phép tắc, lễ nghi, nghề nông chỉ dạy cho dân làng cày đất trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm, kéo tơ dệt vải... Dân Đại An ngày một no đủ, giàu có. Đến một ngày nọ, một con chim hồng hạc từ trên trời cao bay xuống rước Bà cùng hai con về cõi tiên.
Nhớ ơn đức Bà, người dân làng Đại An và trong vùng xây tháp, tạc tượng phụng thờ. Tại xứ Bắc Hải, Thái tử sau khi mất vợ, ngày đêm buồn rầu, thương nhớ không nguôi bèn kéo quân vượt biển đi về phương Nam tìm vợ. Đến Đại An, không tin vợ và hai con đã theo chim Hạc về Trời; Thái tử đã cho quân lính bắt bớ, tra khảo dân làng. Bị oan ức và đau đớn, dân chúng đã thắp hương cầu khấn, xin bà về cứu hộ. Lời khẩn cầu đó đã lên đến trời xanh, phút chốc một trận cuồng phong nổi lên, cát, đá bay mù mịt cuốn phăng bọn người từ phương Bắc và cả đoàn tàu thuyền nhấn chìm xuống sông Cái.
Bãi đá tương truyền là nơi nhấn chìm cả đoàn tàu thuyền và bọn người phương Bắc...
Theo lời người xưa kể lại thì những cụm đá trước cửa Tháp Bà Poh Nagar ở Nha Trang, giữa sông Cái là những tảng đá đánh chìm đoàn thuyền Thái tử xứ Bắc Hải thời xa xưa.
Trang phục quyền quý của người Chăm cổ được phục dựng
Hai truyền thuyết của hai dân tộc Chăm và Việt về Poh Nagar - Thiên YANa tuy có phần khác nhau về dị bản, nhưng đó là đặc trưng của dòng văn học dân gian. Theo truyền thuyết của người Chăm, nữ Thần Poh Nagar phản ánh mối quan hệ xã hội Mẫu hệ mà hạt nhân cơ bản vẫn là sự tôn thờ người đã có công lao khai quốc, lập ấp, người bảo vệ, che chở cho muôn loài. Với người Việt, nữ Thần Thiên YANa lại là hình tượng biểu hiện tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước khát vọng sống trong hòa bình, tinh thần chống ngoại xâm... Có lẽ vì thế, tín ngưỡng thờ Thần Poh Nagar của người Chăm đã được người Việt tiếp nhận và Việt hóa, trở thành tài sản văn hóa tinh thần của hai dân tộc Việt - Chăm.
Một góc còn nguyên bản của Tháp Poh Naga - Nha Trang, Khánh Hoà
Lối thờ phụng, kiến trúc vô cùng độc đáo của người Chăm cổ. Cho đến nay, vẫn không thể biết người Chăm cổ đã sản xuất loại gạch không bị rêu mốc này như thế nào...
Tượng nguyên thuỷ nữ thần Uma (phần âm tính của Shiva) hay nữ thần Poh Naga. Vị thần với 10 tay, tượng trưng cho sức mạnh, trí tuệ, lòng từ bi rộng lớn, để che chở, bảo vệ, độ trì, ban phúc lành và ước nguyện cho muôn dân..., được nhân dân tôn kính
Phần trên ảnh: Thần Shiva với 4 tay, cưỡi ngưu (trâu) thần Nandin, nhảy múa giữa 1 vũ công và 1 người thổi sáo. Phần dưới ảnh: Biểu tượng Linga - Yuni được tôn thờ
Một pho tượng bị cụt đầu, cụt hai bàn tay, với những dòng chữ Sanrit cổ
Cầu nguyện
Linga và Yuni là hai biểu tượng không thể thiếu của văn hoá phồn thực
Thần Shiva, vị thần biểu trưng cho sức mạnh. Trong thế giới tâm linh Ấn Độ giáo hay Bà La Môn giáo, khi mong cầu sức mạnh, người ta hay tưởng nhớ đến thần Shiva, kèm theo câu chú: "Om Namah Shiva"
Thần Deva
Khỉ thần Hanuman
Thần Ganesha, được thờ ở tháp Tây Bắc. Ganesha là con của thần Shiva, biểu tượng của trí tuệ và sự may mắn
Tượng sư tử thần
Dê - vật cưỡi của thần gió Vayu
Voi – vật cưỡi của thần Indra
Thiên nga Hamsa, vật cưỡi của thần Brahma.
theo
Posted in: Văn hóa Champa
Be the first person to like this.