• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
bbt@nguoicham
by On September 21, 2014
186 views

Chiếc vòng tay nước mắt

Đêm hôm ấy, một đêm thu, trăng sáng, không một tiếng động, hoa sứ nhà ai tỏa hương thơm ngào ngạt? Quấn lấy cái không gian yên tĩnh, chợt như đang lắng động lại trong lòng đôi bạn trẻ, Jadu và Mưsa ngồi đó, lặng thinh. Nước mắt trào ra, chạy dài trên đôi má Mưsa từ lúc nào? Nàng không biết và cũng chả muốn lau. Tay của Jadu đã bầm tím lên vì chàng ghì nó quá chặt vào mảnh đá chàng đang ngồi.

 

Đêm nay, hai người hẹn nhau để nói điều gì đó, nhưng – nhường chỗ lại cho cái khoảng không tỉnh mịch – họ không nói gì cả, vì họ đều biết cả hai đang muốn nói điều gì. Mưsa không thể chờ đợi lâu hơn, nàng gạt nước mắt, rồi quay sang phía Jadu, dúi vào tay chàng chiếc vòng tay mà chàng đã tặng nàng năm tốt nghiệp cấp ba, hai người xem đó như chiếc vòng đính ước, đêm nào Mưsa cũng lau chùi, ngấm nghía nó, rồi lại cười tủm tỉm, nó đã theo nàng hằng đêm vào giất ngủ. Mưsa bỏ chạy, nàng về nhà và khóc suốt đêm đó. Jadu ngồi đó, khóc nấc lên như một đứa trẻ, chưa bao giờ chàng khóc nhiều đến thế, chưa bao giờ chàng đau khổ đến thế…

… Mưsa sinh ra trong một gia đình Bàlamôn đầy uy tín trong thôn, mẹ của nàng mất – vì bệnh hiểm nghèo – khi nàng mới ba tuổi, kể từ đó, nàng sống trong sự nuôi dưỡng của bà. Bà của Mưsa, người đứng đầu của tộc họ, người phụ nữ đầy quyền uy và trọng vọng đối với cộng đồng Bàlamôn. Người đàn bà đó, thừa hưởng một gia tài lớn của gia tộc là những sách cổ và các đồ dùng quý giá. Mẹ của Mưsa, con gái út của bà, người sau này bà hy vọng sẽ truyền lại để lưu giữ những tài sản tinh thần quý giá đó của gia tộc. Nhưng, mẹ Mưsa lại mất quá sớm, ngày mẹ nàng mất, bà của nàng đã buồn lắm, bà khóc rất nhiều, người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, đứa con gái yêu quý của bà đã không còn trên đời này nữa, bà đã đau khổ lắm. Lúc ấy, Mưsa hãy còn nhỏ quá, nàng chỉ biết khóc theo bà và cha. Từ đó, bà dành mọi tình yêu của mình cho Mưsa, bà thương nàng vô cùng, thương nàng còn hơn thương con gái của mình, bà thương nàng mất mẹ từ tấm bé, sợ nàng thiếu thốn tình thương của mẹ. Những đứa cháu khác của bà dù nội hay ngoại, chưa bao giờ được bà cho ngủ chung, chưa bao giờ được bà chăm sóc từng miếng ăn, giất ngủ như nàng. Và từ đó, bà xem nàng như là người mà sau này sẽ truyền thừa lại kho tàng của tổ tiên, người mà bà sẽ giao lại vai trò của người đứng đầu dòng tộc, nàng còn quá trẻ để biết điều đó, nhưng bà sợ mình không sống lâu hơn được nữa, bà dạy cho nàng cách làm người con gái Chăm, đêm đêm bà ngâm những bài ariya Patauw Adat Kamei hay Muk Thruh Palei cho nàng, cho dù nàng không hiểu triết lý và bài học trong những gia huấn ca ấy cho lắm!

Cha của Mưsa, một nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm mẫu mực và nổi tiếng trong cộng đồng Bàlamôn, là cựu sinh viên Đà Lạt, ông trở về tham gia sáng lập và giảng dạy tại trường Pô Klong, sau đó về làng mở trường dạy chữ Chăm cho những đứa trẻ trong thôn. Ông gặp mẹ Mưsa, hai người yêu nhau và kết hôn như bao cặp tình nhân cùng đạo khác. Sau khi mẹ Mưsa qua đời, ông buồn bã và đau khổ, người vợ thân yêu của ông đã không còn nữa, ông lao đầu vào viết sách và nghiên cứu, ông rong ruổi khắp các làng Chăm sưu tầm các văn bản cổ, tham gia soạn giáo trình, từ điển tiếng Chăm, làm thơ, sáng tác nhạc về Chăm, con người đó thật sự đã tạo nên uy tín rất lớn được nhiều người ngưỡng vọng. Đối với giới chức sắc Bàlamôn ông còn là người có công lớn, ông đã đóng góp rất nhiều kinh phí tổ chức lễ tết cho làng xóm, cũng như cộng đồng, không bậc tu sĩ Bàlamôn nào không biết và không tri ân ông. Đối với làng, ông là người đã đứng ra tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, tổ chức thôn xóm và xây dựng nếp sống trong thôn. Chính vì phải hằng ngày lao mình vào công việc ông không có thời gian chăm sóc cho Mưsa, nhưng ông thương nàng lắm, ngoài thời gian nghiên cứu, ông làm nông, như bao người Chăm bình thường khác. Ông viết sách và nghiên cứu ngoài tinh thần dân tộc, còn là để nuôi cho Mưsa ăn học thành người. Mưsa lên lớp sáu, năm ấy gặp mùa hạn, không có tiền, ông đã bán những tác phẩm sáng tác văn chương và âm nhạc của mình cho người khác với giá rẻ mạt để có tiền cho nàng kịp nhập học, điều mà một nhà viết lách chuyên nghiệp như ông, không bao giờ muốn làm. Người cha, không thể biểu hiện tình cảm yêu thương của mình ra bên ngoài như bà và mẹ, nhưng cha của Mưsa đã yêu thương nàng bằng cái cách thầm lặng nhưng dạt dào tình cảm như vậy đó!

Ngày lại qua ngày, Mưsa lớn dần theo tình thương mà bà và cha đã dành cho nàng. Nàng không mãi là cô bé, cô bé của cái thời trẻ dại, khi mái tóc còn chấm ngang vai, khi đôi chân vẫn còn để trần rong chơi khắp xóm làng. Nàng đã trở thành thiếu nữ, đôi mắt long lanh với những cái nhìn gợi cảm, mái tóc dài thước tha tung bay trong gió, nụ cười duyên làm lộ hai má lún đồng tiền, làm cho ai bắt gặp cũng phải xuyến xao. Mưsa đã là một thiếu nữ thật sự, nàng đã biết sửa soạn, biết trau chuốt, biết làm duyên trước lũ con trai cùng lứa. Có bao người đã thầm yêu trộm nhớ nàng, và nàng cũng đã có những người để mà thương, mà nhớ, nhưng tất cả chỉ là những mối tình vụn trộm, ngây dại của cái tuổi mới lớn, nàng chôn chặt những tình cảm đó vào trong, chưa bao giờ dám thổ lộ. Cho đến cái năm mười sáu tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời người con gái, nàng gặp Jadu.

Jadu sinh ra trong một gia đình chức sắc Bàni ở thôn bên cạnh, cha chàng là một vị tăng lữ có địa vị và tiếng nói, tương lai sẽ là Cả sư (Po Gru) của thôn. Chàng là con thứ sáu, con trai út, trong gia đình trước đó đã có năm đứa con gái. Cha mẹ chàng mãi mới có một người con trai, chàng là hy vọng của cha mẹ, mẹ sinh ra chàng khi bà đã gần bốn mươi tuổi, đối với cha mẹ, ông bà chàng là con cầu con khẩn, con mà Po Aulwah đã ban cho gia đình. Vì vậy, ngay từ nhỏ chàng được cha mẹ rất mực cưng chiều, ngay từ nhỏ, cha đã cho chàng làm lễ trưởng thành (katat) và đưa chàng đi học chữ Bini để lớn lên chàng gọi ông bà tổ tiên về chứng dám trong các dịp tảo mộ (nau ghur) và cúng tổ tiên (ew muk kei). Có thể nói, gia đình chàng, hy vọng ở chàng nhiều lắm, họ muốn chàng là một người Bàni thật sự, xứng đáng là con của một Po Acar, mà sau này có thể lên chức sư cả (Po Gru), tuổi thơ chàng thanh bình lớn lên trong tình thương đầy ấp mà cha, mẹ giành cho chàng.

Mưsa và Jadu gặp nhau khi cả hai đều bắt đầu bước vào trường Pô Klong, hai người học chung một khóa ở cái ngôi trường giàu truyền thống này. Ở ngôi trường này, biết bao nhiêu thế hệ những người con Chăm và Raglai ưu tú đã trưởng thành, cũng từ ngôi trường này biết bao thế hệ bạn bè đã trở nên thân thiết, từ ngôi trường này cũng có biết bao câu truyện tình yêu lứa đôi đã được nở hoa kết trái, những năm tháng được học dưới mái trường này, thật sự là một kỷ niệm không thể nào quên được trong ký ức tuổi học trò của những con em Chăm và Raglai nhiều thế hệ. Trong những năm tháng đó, đôi bạn trẻ của tuổi mười sáu ấy – cái tuổi mười sáu trinh bằng, ngây dại như những đóa hoa Tagalau mới nở mỗi độ hè về – gặp nhau và yêu nhau. Hai người học khác lớp nhưng cạnh nhau, buổi ban đầu biết nhau họ chưa phải lòng nhau. Cho đến cái ngày tổ chức hội trại của trường…

Đêm hôm ấy, khi buổi sinh hoạt văn nghệ hội trại của trường đã xong, khi đám con gái đã vào trại ngủ rồi, ở bên ngoài trại lớp, lũ con trai rủ nhau ngồi lại hát hò, Jadu cầm ghi-ta, đàn cho lũ bạn hát, những nam sinh Chăm và Raglai ngồi bên nhau, quay quần bên ánh lửa trại, cất lên tiếng hát, hát những khúc nhạc về quê hương dân tộc. Giất mơ ChapiĐêm hội RaglaiĐiệu ru đất thápMùa xuân trên tháp cổ… những bài ca ấy gợi nhớ về những hình ảnh xa xăm, bình dị của buôn làng Raglai: “với những ngôi nhà sàn đơn sơ, nơi những con người sống cuộc đời thanh bình, không lo toan, không tính toán, hay những hình ảnh của đêm hội say sưa bên ghè rượu cần, nam, nữ, già, trẻ nhảy múa bên ánh lửa, trong tiếng cồng , chiêng vang vọng núi rừng…”. Hay từ những khúc ca gợi những liên tưởng, những ký ức về những palei Chăm: “… hằng đêm vẫn vang lên tiếng đàn kanhi đắm say, ngất ngây tâm hồn, hình ảnh của đàn chim Chrao tung bay trên vòm trời xanh thẳm, những xóm làng lại rộn lên trong những mùa gặt hái, hay hình ảnh hoa tagalau nỡ đầu xuân,  bên tiếng trống ginang, tiếng kèn saranai, đàn em mùa hát bên tháp Chàm đón mừng ngày hội quê hương và cả xóm làng như hòa mình vào ngày hội của quê hương, dân tộc…”. Tiếng ca hòa lẫn tiếng đàn, vang lên trong đêm lửa trại, không biết tự khi nào đánh thức đám con gái hòa mình vào cuộc vui, từ các trại bên cạnh các học sinh kéo đến cũng ngồi vây quần tham gia vào cuộc vui khó cưỡng, tiếng đàn của Jadu, lời hát của những chàng trai Raglai, Chăm đã lôi cuốn được đông đảo mọi người.

Theo lời giới thiệu của một người bạn trong lớp, Mưsa hát cho mọi người nghe bàiBhum Adei, cái bài ca thắm đượm tâm tư, tình cảm và tiếng lòng của người con gái Chăm. Tiếng hát trong ngần của Mưsa cất lên, tiếng đàn Jadu say theo từng câu hát, giọng hát của nàng thanh thót, âm vang, tiếng đàn của chàng du dương, da diết,  hòa vào tiếng hát, làm cho cả không gian dường như tỉnh lặng, mọi người ngồi nghe không một tiếng động. Mưsa nhìn Jadu, mĩm cười, nàng hát: “…jwai wơr palei adei ơy xa-ai, jwai bboh mưda wơr kathaut rah mai…”. Jadu như say sưa trong tiếng hát của Mưsa, chàng chưa bao giờ chơi bản nhạc nào có hay đến thế! Chàng thấy, lời nhắn gửi của bài hát dường như nhắn gửi riêng cho mình. Tiếng đàn của Jadu cũng làm trái tim Mưsa xao động, nó đã đánh lên tiếng lòng của người con gái, nàng cảm thấy xuyến xao lạ thường, nàng xuyến xao tiếng đàn, hay xuyến xao người nghệ sĩ chơi đàn, nàng cũng không biết nữa?

Đêm hôm ấy, những nữ sinh, nam sinh Chăm – Raglai, ngồi với nhau bên ánh lửa bập bùng, không tiếng mã la, không tiếng chapi, không tiếng cồng chiêng, không có kanhi, ginang, saranai, không có ghè rượu cần, không phải ở giữa buôn làng, giữa palei. Nhưng ở nơi đây, qua lời hát, qua tiếng đàn họ như sống lại những lúc còn ở quê nhà, ở những buôn làng, những nhà sàn của người Raglai, ở những palei Chăm vào mùa lễ hội. Lời hát, tiếng đàn làm cho những người anh, em Chăm – Raglai học xa nhà, nhớ quê hương hơn, nhớ người thân hơn, nhưng ở nơi đây họ được sẽ chia bên tình bạn, ở nơi đây họ trở thành một khối, quyện chặt vào nhau, bên nhau cho vơi đi nổi nhớ. Tình bạn đó sẽ theo họ đến suốt cuộc đời này, rồi sau này khi trưởng thành, nó sẽ mãi là những kỷ niệm không bao giờ quên trong lòng tất cả. Cũng trong đêm cái đêm lửa trại ấy, Mưsa và Jadu đã tìm được một nửa của cuộc đời mình, ở đó, hai trái tim đồng điệu đã cũng thổn thức, đêm nay sẽ là cái đêm không bao giờ quên trong ký ức của mỗi người.

Kể từ cái đêm hôm ấy, không khi nào Mưsa không nghĩ về Jadu, không khi nào không nhớ về chàng, hằng đêm nàng đưa chàng vào trong giất ngủ của mình, cái hình ảnh nàng hát, Jadu đàn, cứ ghi sâu trong tâm trí nàng, nàng đã biết yêu thật rồi! Jadu cũng vậy, chàng say mê tiếng hát của Mưsa, nàng kiều diễm với nụ cười làm duyên lúc nào cũng khắc sâu trong tâm trí chàng, chàng gặng hỏi lũ con trai cạnh lớp để biết về Mưsa. Kể từ đêm đó, hai người đã biết chỉnh chu hơn trong mắt nhau, và đôi lúc – ngoài giờ học – trộm liếc nhìn nhau, lúc gặp mặt nhau chỉ nở một nụ cười e thẹn, ánh mắt nhìn nhau trìu mến, nói với nhau những lời ngượng ngùng. Và đêm về lại nghĩ về nhau, đưa nhau vào suy nghĩ, vào giấc mơ, họ chợt nhận ra mình yêu người kia, tự lúc nào cũng không biết? Thông qua lũ bạn cùng lớp, Jadu biết số điện thoại của Mưsa, hai người nhắn tin qua lại cho nhau, gần hai tháng, cho đến cái ngày Jadu quyết định chàng sẽ hẹn nàng ra quan nước trước trường.

Lần đầu – chỉ hai người – ngồi cùng trong quán nước, có một chút thẹn thùng, một chút ngượng ngạo, nhưng rồi Jadu cũng chủ động bắt chuyện với Mưsa, chàng hỏi đủ thứ chuyện về học hành, về bạn bè trong phòng của Mưsa, không chuyện nào ăn nhập với chuyện nào, chàng còn hơi bối rối, nàng cũng vậy. Thoáng chốc, hai người không còn ngượng ngùng, rụt rè như ban đầu nữa – từ lúc nào – đôi bạn hiểu nhau hơn, thân mật hơn và tự nhiên hơn. Đêm về, họ lại tin qua, tin lại cho nhau, Mưsa và Jadu yêu nhau như vậy đó, mối tình đầu của họ – mối tình thuở học trò – là những lần hẹn nhau ngoài quán nước, là những lần đi dạo dưới sân trường, là những chiều mưa đứng ngoài ban công tâm sự, là những dòng nhắn vội lúc đêm về, là những lời quan tâm, âu yếm… là những ngày lưu luyến mãi về nhau! Họ yêu nhau, biết đối phương nghĩ gì, nhưng chưa bao giờ nói tiếng yêu. Jadu đã hỏi Mưsa, nhưng Mưsa nghẹn ngùng không muốn đáp, nàng cứ lần hồi, lần hồi mãi…

Cho đến cái ngày họ sắp ra trường, một chiều mùa mưa trên hành lang lớp học, Jadu tặng cho nàng chiếc vòng tay kỷ niệm, chàng ngập ngừng:

– “Không biết ra trường rồi, làm sao mình gặp nhau liên tục được nữa, tôi sợ cái cảm giác không được thấy Mưsa hằng ngày lắm, Mưsa à”.

Một hồi yên lặng, Mưsa đáp:

- “Mưsa cũng vậy, không biết từ khi nào Mưsa cũng có cảm giác như Jadu vậy?”.

- “Thế sao Mưsa không trả lời tôi đi, Mưsa còn suy nghĩ đến bao giờ nữa” – Jadu tiếp lời nàng – “chúng ta sắp tốt nghiệp rồi, không biết có còn được gặp nhau nữa không”.

Mưsa nói:

- “Jadu nói chuyện gì vậy, Mưsa không hiểu?”.

Jadu: “thì chuyện tôi yêu Mưsa, muốn làm bạn trai Mưsa đó, Mưsa không nhớ sao?”

Mưsa thoáng chút e thẹn trên nét mặt, nàng cười và nói: “Mưsa và Jadu chẳng phải đã là bạn của nhau đó sao, Mưsa không nói, nhưng tự khi nào, em đã xem Jadu như người yêu của mình rồi”.

Nghe những lời đó, chàng như mở cờ trong bụng, chàng lấy chiếc vòng tay – chàng đã mua để tận Mưsa từ lâu, tính hôm nay nói chuyện và tặng nàng – tặng cho Mưsa, chàng nói:

- “Quen nhau đó giờ, Jadu không có gì để tặng Mưsa cả, nay tặng cho Mưsa, Mưsa cứ xem đây như là tình cảm cua tôi”.

Mưsa không dám nhận:

- “Sao vậy được, Mưsa không dám lấy quà của Jadu đâu”.

Chàng đáp:

- “Đây không phải là món quà bình thường đâu, Mưsa à! Nó là tình cảm của Jadu tặng cho Mưsa, Mưsa không nhận tức là từ chối tình cảm của Jadu đó, hay Mưsa cứ xem nó như là kỷ niệm cũng được”.

- “Jadu nói vậy thì Mưsa nhận” – nàng đáp.

Ngoài trời, mưa vẫn rơi, những cơn mưa đầu mùa ở cái xứ sở nắng nóng Panduranga. Jadu và Mưsa ngồi đó – chỉ hai người – bên hành lang lớp học. Thế là, đã hai năm trôi qua kể từ đêm lửa trại, đêm hai người bắt đầu yêu nhau, hôm nay họ mới chính thức trao lời cho nhau, chiếc vòng tay mà Jadu tặng Mưsa như một minh chứng cho tình cảm của họ. Họ gặp nhau, yêu nhau, như bao đôi lứa Chăm bình thường khác, họ không nghĩ rào cản Chăm – Bàni có thể chia cắt được tình yêu của họ, họ nghĩ thời đại đã phát triển, người ta sẽ không còn ngăn cản con gái Bàlamôn yêu con trai Bàni như xưa nữa. Tình yêu sẽ giúp họ có đủ can đảm để vượt qua tất cả và đến với nhau, như nhiều trường hợp đã diễn ra như vậy.

Thế là hai, ba mùa mưa nữa lại trôi qua, tình yêu của họ lớn dần theo năm tháng. Cả hai người đều là sinh viên đã ra trường, họ quen nhau trọn vẹn năm năm rồi, mối tình của họ đẹp như thơ, êm ả nhưng cũng mãnh liệt như dòng sông Lu vẫn chảy trên quê hương từ nghìn đời, nồng nhiệt như cái nắng, cái gió của xứ sở. Thời gian càng trôi mối tình đó lại càng thêm sâu đậm, họ cảm thấy mình yêu nhau lắm rồi! Không có gì có thể chia cắt nổi tình yêu đó. Yêu nhau, họ không bao giờ nghĩ đến những rào cản nào cả, có nghĩ đến nhưng cũng tin rằng, tình yêu sẽ giúp họ vượt qua tất cả và đi bên nhau đến bến bờ hạnh phúc.

Tình yêu của hai người đến một ngày cùng đến tai của người lớn. Đêm hôm ấy, khi bữa cơm vừa xong, cha của Mưsa, ngồi bên ngoài hiên nhà, nhâm nhi tách trà nóng, Mưsa cảm thấy trên khuôn mặt cha hiện lên một nét lo âu gì đấy. Bà nội gọi Mưsa vào trong và nói chuyện với Mưsa, trên nét mặt bà cũng hiện lên những nỗi âu lo như vậy, nàng cảm nhận thấy một điều gì đó? Bà hỏi Mưsa về chuyện tình cảm của mình, sau một hồi nàng thú nhận đang yêu Jadu – người con trai Bàni. Nét lo âu trên khuôn mặt bà giờ được thay thế bằng giọt nước mắt ướt đẫm, người đàn bà cứng rắn nhất tộc họ, lần thư hai đã khóc – lần đầu là lúc mẹ Mưsa mất – bà thương Mưsa, nhưng bà không thể cho Mưsa lấy người con trai khác đạo được. Ở nhà nào bà không cần biết, ở trong nhà của bà, đăc biệt là người cháu thừa kế của bà không thể lấy người Bàni được, bà thương Mưsa, nhưng chính bà cũng không thể thoát khỏi cái rào cản này được. Bà là trụ cột của tộc họ, bà phải làm gương cho tộc họ.

Mưsa đêm ấy, không ngủ được, nàng khóc sướt mướt. Nàng nghĩ, chẳng lẽ mình phải chia tay với Jadu sao? Nàng không thể, nàng yêu Jadu lắm rồi, nàng không thể sống mà không có Jadu được, như con thú không thể sống mà không có rừng, như con cá không thể sống mà rời xa nước. Hôm sau nàng nói chuyện này với Jadu, chàng cũng buồn lắm không biết phải tính sao nữa, gia đình chàng cũng đã biết chuyện này, cha nói tuyệt đối không được lấy con gái Bàlamôn, nếu muốn thì cha sẽ từ con, còn hơn là làm mất thể diện. Nghe đến đây mẹ Jadu cũng khóc, bà khóc cho đứa con của bà, đứa con mà bà hằng hy vọng làm rạng danh gia đình, nay lại đòi lấy người con gái Bàlamôn, bà chỉ khóc và không nói gì cả, thà bà cứ đánh, cứ chửi Jadu, thì chàng không cảm thấy áy náy và đau khổ, đằng này không nói gì cả, cứ ngồi khóc, cứ buồn rầu, bà đổ bệnh mấy ngày liền, cha không cho vào thăm, mà cứ gặp Jadu là bà lại khóc. Jadu tự nghĩ chàng không thể là người con bất hiếu, nhưng biết làm sao được? Chàng yêu Mưsa như sậu đậm mất rồi, một ngày xa nàng là một ngày khắc khoải, là một ngày ăn không yên, ngủ không ngon, chàng nhớ nàng, như con chim Chrao nhớ đàn, như chàng Đam San nhớ nữ thần mặt trời vậy!

Họ tiếp tục yêu nhau – bắt chấp sự ngăn cản của gia đình – được hơn năm nữa, hai người cố gằng thuyết phục hai bên nhưng hoài vô vọng, cho dù ở trong họ niềm tin về sự chiến thắng của tình yêu lúc nào cũng chảy. Chàng đã nhiều lần đến xin gia đình nàng nhưng không được tiếp, lũ con trai trong họ nghe tin nhiều lần dọa đánh chàng, nếu chàng không từ bỏ Mưsa, trong gia đình chàng ai cũng xa lánh chàng, vì sợ gần chàng sẽ làm cho cha chàng phật ý, mẹ chàng từ đó, cũng đổ bệnh, không ngớt thuốc thang, chàng cũng thường xuyên vắng nhà vì sợ về lại làm mẹ đau lòng. Mưsa, cũng vậy, bà nói với nàng: “khi nào tao chết thì mày hãy lấy nó, lấy nó để mà làm người ngoài tộc, lấy nó để mà chết làm con ma hoang ở ngoài làng”. Bà thương nàng lắm, bà kể với nàng, ngày xưa bà cũng yêu một người con trai Bàni, nhưng bà lại là người thừa kể của dòng họ, bà từ bỏ tình yêu để làm tròn hiếu hạnh, bà là con của tộc họ, do tộc họ sinh ra, bà phải có trách nhiệm với cội nguồn, bà nói với Mưsa: “đừng vì một thằng con trai, mà từ bỏ dòng họ, từ bỏ tổ tiên, như người mất gốc, rồi chết đi không được nằm trong kut của tộc họ, không được siêu thoát linh hồn con ạ”.

Cha Mưsa, cũng buồn lắm, ông vốn ít nói, nhưng biểu hiện ra mặt, ông không còn quan tâm đến Mưsa nhiều hơn trước nữa, nàng dọn cơm, nấu nước ông không ăn, ông gọi cô cháu gái đến để nấu cơm, nấu nước trong nhà đã hơn nửa năm nay. Uy tín của một nhà Chăm học, một người hoạt động cho dân tộc, khiến ông không thể chấp nhận điều này.

Thế là cứ hằng đêm, hằng đêm cuộc hẹn hò của hai người chìm cho nỗi buồn và nước mắt, Mưsa đã chảy bao nhiêu giọt nước mắt rồi, hằng đêm nàng không ngủ được, chỉ biết khóc, xanh xao và gầy hẳn đi. Jadu, thì ít cười hơn trước, chàng bỏ bê mọi thứ, suốt ngày cứ suy nghĩ mông lung như kẻ mất hồn.

Thế rồi, chuyện gì đến sẽ phải đến, Mưsa không thể làm người con bất hiếu, và càng không thể để Jadu, vì mình mà cũng là người con bất hiếu, mẹ chàng đã bệnh lâu lắm rồi, nàng không muốn người bên nàng cứ sang mắng chửi cha chàng không biết dạy con, để cho chàng đi dụ dỗ con gái. Nàng cứ suy nghĩ mãi, cái lần mẹ chàng dù bệnh tật, không đi nỗi, phải có người dắt díu, cũng đến gặp nàng và nói: “Ta yêu Jadu lắm! Nó yêu con, ta biết con cũng yêu nó lắm! Ta cũng yêu con lắm! Nhưng gia đình ta là một chức sắc Bàni, ta không cho con làm con dâu ta được, nếu cha nó chỉ là một lão nông phu nghèo hèn, và gia đình ta chỉ là một gia đình bình dân, ta sẽ cho con lấy nó… ta tin rằng gia đình con cũng sẽ không bao giờ chấp nhận chuyện này, ta không muốn con trai ta bị mắng chửi là đi dụ dỗ con gái nhà lành, bị đánh đập mỗi lần sang nhà con nữa! Ta không muốn nó phải từ bỏ chữ hiếu, vì con, ta không muốn nó khi chết đi, không được làm lễ nhập Ghur, mà phải làm con ma vất vưởng, mãi không thể siêu thoát.  Ta yêu nó lắm, ta đau khổ khi nhìn nó ra nông nỗi này lắm, khi nào có con, con mới biết ta yêu nó như thế nào con ạ!… Con đừng trách cha nó, đừng trách ta, cũng đừng trách gia đình con, nếu trách hãy trách số mệnh, trách tiếng khen che, giễu cợt của người đời, con ạ!…”

Đến đây, Mưsa lại nhớ đến câu nói của bà: “… Ta và con đều từng yêu một người Bàni, nhưng số mệnh đã sinh ta ra là người Bàlamôn, số mệnh sinh ta ra là người thừa kế của dòng tộc này. Ta không thể vì tình yêu mà trở thành một người con bất hiếu, ta thương con, nhưng ta không thể vì con làm mất thanh danh dòng họ, con có thể lấy bất kỳ ai con muốn, nhưng con không thể vì hạnh phúc của mình mà phải để gia đình, dòng tộc phải chịu lời vô tiếng ra của người đời, con không thể vì người khác mà làm ô nhục gia tộc được. Ta thà từ bỏ con chứ không bao giờ chấp nhận truyện này, hãy trách số mệnh, trách người đời, chứ đừng trách ta, trách cha con, trách gia đình mình…”.

Thế là xong, nàng yêu Jadu, nhưng nàng không muốn vì tình yêu của mình mà cha, mẹ chàng phải buồn, nàng yêu chàng, không muốn chàng phải chịu khổ, chịu nhục vì yêu mình nữa, chàng không muốn Jadu phải vì mình mà làm một người bất hiếu. Nàng lại càng không muốn bà và cha mình phải buồn, càng không muốn vì mình mà dòng họ lại phải chịu tai tiếng, bị người đời chê bai. Bà nàng và mẹ Jadu nói đúng: “… Nếu trách hãy trách số mệnh, trách tiếng khen che, giễu cợt của người đời…”.

Nàng tự hỏi, không biết mình sẽ sống thế nào khi không được ở bên Jadu? Năm năm yêu nhau, thật khó để mà có thể kết thúc, biết bao nhiêu kỷ niệm, biết bao nhiêu tình cảm, giờ phải chấm dứt như vậy sao? Nàng tự hỏi. Những rồi, nàng phải lựa chọn, chia tay tốt hơn cho cả hai, cứ mỗi lần nghĩ vậy, nàng lại khóc, đôi mắt nàng thâm quần lên vì hằng đêm không ngủ. Cứ hằng đêm, nàng nằm dài trong tuyệt vọng, những giọt lệ vẫn hằng ngày ước đẫm đôi môi, ướt đẫm cả mối tình nàng, ướt đẫm tâm tư người con gái, trái tim nàng đớn đau như rỉ máu: “Chàng hỡi! Chàng ơi! Em yêu chàng nhiều lắm, những ngại mẹ cha, nhưng ngại gia đình, em phải làm sao? Không phải lỗi của đôi mình mà là lỗi của số mệnh, nếu em không sinh ra trong một dòng tộc danh vọng trong làng, nếu chàng không phải là con của một Po Acar đầy uy tín… có lẽ ta đã đến được bên nhau, có lẽ và có lẽ!…”

Mưsa có kìm cái mối riêng tư ấy lại, cho dù nàng biết nó sẽ để lại một nỗi đau không thể nào nguôi trong lòng mình. Nàng hẹn chàng để trả lại chiếc vòng tay mà chàng tặng lúc tốt nghiệp cấp ba – chiếc vòng tay minh chứng cho tình yêu của họ, chiếc vòng tay đã theo họ trải qua những nỗi nhớ, những niềm vui, những hy vọng thuở đang yêu, đã theo họ nếm trải những nỗi buồn, nước mắt lúc khổ đau – đó là một đêm mùa thu – hai người nói tiếng chia tay – một đêm mùa thu, Mưsa và Jadu không còn là của nhau nữa, không còn bên nhau nữa, cho dù vẫn rất yêu nhau.“Nếu trách hãy trách số mệnh, trách tiếng khen che, giễu cợt của người đời…”.

Đâu đó, ở trong xã hội Chăm đương đại, vẫn còn có những chuyện tình buồn như chuyện tình Mưsa và Jadu. Đâu đó – dù đã có nhiều tiến bộ – nhưng người Bàni vẫn không thể lấy người Bàlamôn. Và ở đâu đó Ariya Cam – Bini thuở xưa vẫn được tái hiện bằng cách này hay cách khác, không khắc nghiệt, thê thảm như chuyện xưa nhưng cũng thấm đẫm đầy niềm đau và nước mắt. Đêm nay, bỗng từ đâu vang lên khúc dân ca Chăm – Bini:

Cam saung Bini hu min

Posted in: Bút ký - Truyện, Văn Học

Be the first person to like this.