• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
prancham
by On October 3, 2014
993 views

MIỀN TRUNG VIỆT NAM VÀ VĂN HOÁ CHĂMPA

(MỘT CÁI NHÌN ĐỊA - VĂN HÓA) 

Trần Quốc Vượng 

 I. Lời mở

Từ một hai thế kỷ đầu Công nguyên cho đến các thế kỷ XVII-XVIII, trên dải đất miền Trung Việt Nam hiện tại, chủ yếu là từ Đèo Ngang cho đến Hàm Thuận, nhiều thời bao gồm cả Tây Nguyên, đã nảy sinh, phát sáng rực rỡ rồi tắt dần một nền văn minh độc đáo, ta gọi là văn minh Chămpa mà sợi dây liên kết (theo F. Engels: "sợi dây liên kết văn minh là Nhà nước" (xem Nguồn gốc gia đình tư hữu và Nhà nước, 1882) là các nhà nước mà sử sách Trung Hoa, Đại Việt gọi bằng những tên Lâm ẤpHoàn VươngChiêm Thành, với các miền lãnh thổ - cũng có thể là các "tiểu quốc" xuất hiện trong sử sách Hoa Việt dưới những cái tên Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính, châu Ô, châu Lý, Chiêm Động, Cổ Lũy, Thi Bị, Thượng Nguyên, Bôn đà lãng..., hay trong bi ký Phạn - Chàm với những tên Chămpapura, Amaravati, Vijaya, Kauthara, Panduranga, Virapura, v.v...

Văn minh Chămpa đã tắt, hay đúng hơn, các nhà nước Chămpa đã không còn tồn tại từ vài trăm năm nay, song tộc Chăm và các tộc bà con theo mẫu hệ còn đó: Chăm H'rê, Chăm H'roi, Raglai, Jarai, Rhaday... Văn hóa Chăm vẫn còn đây, sống động ở Ninh Thuận (với làng gốm Bàu Trúc), Bình Thuận hay là các phế tích "thành lồi', "giếng Hời", "cánh đồng chăm" theo cách gọi của người Kinh - Việt ở Bình - Trị - Thiên, Nam - Ngãi - Bình - Phú, Khánh Hòa - Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết..., những "thánh địa" (sanctuaive) Mỹ Sơn, Đồng Dương, Phong Nha, những cụm/nhóm đền - tháp Chămpa trong thung lũng, trên sườn đồi, chân núi, ven biển, trong rừng sâu..., những dòng họ Ông, Ma, Trà, Chế... với những con người da đồng hun, mũi cao, mắt sâu, tóc xoăn, những huyền tích, những lễ hội Katé, nhiều di tích Chăm và ảnh hưởng văn hóa Chăm còn "nhìn" thấy được và có thể tìm hiểu, nghiên cứu được ở Thanh, Nghệ, Tĩnh, ở châu thổ Bắc Bộ, ở ngay nội đô và ven đô Hà Nội... Và ngôn ngữ Chăm vẫn là sinh ngữ (Ngôn ngữ là sản phẩm/thành phần văn hóa). Người ta bảo "chính trị qua đi, văn hóa ở lại" (Les poliques passent, les cultures restent)".

Văn hóa Chămpa đã và vẫn là một bộ phận hợp thành, là những thành tố của phức thể (multiplex) văn hóa việt Nam...

Dưới đây, tôi muốn trình ra một cái nhìn địa - văn hóa về Chămpa dựa trên những kết quả thăm dò điền dã nhiều năm qua từ những làng Việt vốn là khu biệt cư (isolat) Chăm ở châu thổ sông Hồng và đặc biệt ở miền Trung, từ chân đèo Ngang tới Xuân Lộc - Biên Hòa, lưu vực Đồng Nai thượng, hạ...

Tôi rất yêu quý tộc người Chăm - một tộc người có một nền văn hóa đặc sắc trải mấy phong sương... Một anh bạn Chămpa học (không bao giờ nghĩ rằng tôi giỏi như và hơn anh ấy) bảo rằng có lẽ vì tôi nặng tình với Chămpa nên có duyên với các di tích Chămpa. Có lẽ vậy...

II. Bối cảnh và tảng nền địa văn hóa miền Trung

1. Trong bài này, tôi xin phép không nói đến Thanh - Nghệ - Tĩnh cũng thuộc miền Trung, đúng hơn Bắc Trung bộ. Có nhà địa lý học nói rằng trên một ý nghĩa nào đó thì châu thổ sông Mã, sông Lam chỉ là sự "nối dài" của châu thổ Bắc bộ. Tôi không dám nghĩ thế, song về văn hóa - khảo cổ học, từ trước Công nguyên, Thanh - Nghệ - Tĩnh đã là thuộc không gian văn hóa Đông Sơn (chỉ cần kể hai khu di chỉ mộ táng lớn: Đông Sơn (Thanh Hóa), Làng Vạc (Nghệ An). Trước đó nữa, di chỉ Cồn Chân Tiên, xứ Thanh hoàn toàn có chất Gò Bông (Phùng Nguyên) - Đồng Đậu của sơ kỳ Kim khí trung châu sông Nhị và gốm Hoa Lộc (sơ kỳ Kim khí đặc trưng ven biển xứ Thanh) tìm thấy ở nhiều di chỉ xứ Đoài miền Bắc (Gò Mả Đống, Gò Ghệ, Gò Giạ). Trước đó nữa, thì cồn sò hến Đa Bút, cồn Cổ Ngựa và các di chỉ hang động xứ Thanh là thuộc về không gian văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn. Cả giới địa học và dân tộc - văn hóa học đều xem miền núi Thanh - Nghệ là sự nối dài cùng một dải của sơn hệ Tây Bắc Bắc bộ.

Cố nhiên, Thanh - Nghệ - Tĩnh đã là không gian Việt cổ (Lạc Việt) và cũng như Giao chỉ (Bắc bộ), Cửu Chân, Ái châu (Thanh), Diễn châu, Hoan châu (Nghệ), Đức châu (Tĩnh) từ đầu Công nguyên (Hán) đã nằm chung trong "lồng" Bắc thuộc Giao Châu rồi An Nam đô hộ phủ thời Hán - Đường, và cùng giành quyền tự chủ chung ở thế kỷ X. Thế kỷ X và đầu thế kỷ XI. Ranh giới phía Nam của Đại Cồ Việt - Đại Việt là Đèo Ngang - Hoành Sơn hayNam Giới (vùng cửa Sót, Hà Tĩnh nay, bên bắc đèo Ngang một chút).

Tuy nhiên, cũng cần để ý đến ba chuyện:

+ Nhiều nhà khảo cổ học cho rằng văn hóa Quỳnh Văn (Nghệ) là cội nguồn của văn hóa Bàu Tró (Quảng Bình) và văn hóa Bàu Tró lại là cội nguồn của văn hóa Sa Huỳnh (Trung Trung bộ): Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có quan hệ hữu cơ về Di truyền văn hóa.

+ Thời gian gần đây đã tìm được trống đồng loại I Heger và đồ đồng Đông Sơn ở nhiều địa điểm Quảng Bình (Phù Lưu), trống Thanh Khê (thố) (Bố Trạch), Quảng Trị (Dak Krông, Hướng Hóa), rìu lưỡi xéo, trống đồng Thừa Thiên (Ô Lai, Phong Điền)... Ngược lại, cũng tìm khuyên tai hai đầu thú kiểu Sa Huỳnh ở Xuân An (nay là thị trấn Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) dưới chân dải Hồng Lĩnh bên hữu ngạn sông Lam. Gốm Sa Huỳnh ở Cồn Yàng[1] (Hương Trà, Huế) có nhiều mô típ trang trí kiểu Phùng Nguyên - Đông Sơn.

Do vậy:

+ Cái giả thuyết khoa học cho rằng Bình - Trị - Thiên là khu đệm trước công nguyên dăm thế kỷ giữa văn hóa Sa Huỳnh từ Trung Nam Trung bộ tỏa ra và văn hóa Đông Sơn từ Bắc Trung Bộ lan vào, hay đó là vùng giao thoa văn hóa Sa Huỳnh - Đông Sơn vẫn tỏ ra có lý, tuy các di tích cả Sa Huỳnh, cả Đông Sơn, tìm và đào được ở Bình Trị Thiên còn khá mờ, khá ít, thua xa Sa Huỳnh Quảng Nam hay Đông Sơn Thanh Nghệ. Có lẽ còn cần thâm canh khảo cổ sơ kỳ kim khí ở Bình Trị Thiên nhiều hơn nữa mới hiểu được cội nguồn văn hóa Chămpa.

+ Nghệ An có người Bồ Lô (Poulo = Đảo nhân) ở Cửa Lò, cửa Hội, có Bà Lỗ Man ở cửa Cờn Quỳnh Lưu, Diễn Châu mà sử biên niên ghi ở thế kỷ X (thời Lê Hoàn). Từ đầu Công nguyên, Cửu Chân (Thanh Nghệ), Nhật Nam (Quảng Bình - Quảng Nam) luôn luôn theo biên niên sử Trung Hoa - phối kết nổi dậy chống Bắc thuộc, đặc biệt năm Xích Ô 11 (248) Lâm Ấp đánh chiếm đến Hoành Sơn thì ở xứ Thanh có khởi nghĩa Bà Triệu. Lâm Ấp, Chiêm Thành thường đánh phá Cửu Đức, Đức Châu (Tĩnh) và có lúc chiếm Thanh Nghệ một thời gian (đầu IX). Do vậy cần lý giải thêm quan hệ tộc người và văn hóa Việt (Thanh - Nghệ - Tĩnh) - Chăm (Bình Trị Thiên) ở vùng này. Tôi cho rằng có cư dân ngữ hệ Mã Lai - tiền Chăm ở vùng ven biển Thanh - Nghệ - Tĩnh, chủ nhân các văn hóa Hoa Lộc, Bàu Tró.

+ Chưa kể sau này (từ XI-XII trở đi) văn hóa Mường - Việt được lan truyền từ Thanh Nghệ Tĩnh vô Bình Trị Thiên và giao thoa với văn hóa Chămpa vùng Bắc.

+ Hay lại có giả thuyết cội nguồn tiếng nói và tộc người Tiền Việt - Mường hay/và Việt - Mường chung là từ miền Tây Nghệ - Tĩnh - Bình lan tỏa ra miền Bắc của nhiều học giả trong và ngoài nước (P. Ferlus, P. Schneider, G. Diffloth...).

+ Và từ H. Quarich Wales, Olov Janse ở thập kỷ 30 cho đến nay vẫn có giả thuyết là Chămpa đã là một trong những người thừa kế văn hóa Đông Sơn như G. Condominas đã tìm ra di duệ nghệ thuật Đông Sơn ở cột đâm trâu Tây Nguyên. Vậy cứ còn phải nghiên cứu nữa, nghiên cứu mãi... mà vai trò khảo cổ học là có tầm quan trọng quyết định đối với văn hóa Chămpa.

Tiếc rằng Bình Trị Thiên cũng như Tây Nguyên còn là miền yếu của Khảo cổ - Văn hóa học Việt Nam.

2. Kèm theo đây là một sơ đồ - mô hình địa văn hóa Việt Nam, thể hiện cái nhìn của tôi về các vùng địa - văn hóa đa dạng của một Việt Nam thống nhất hôm nay. Nhưng bài này chỉ nói về miền Trung và văn hóa Chămpa.

3. Nói đến miền Trung, ai cũng biết đấy là miền có địa thế hẹp chiều Tây - Đông, dằng dặc chiều Bắc - Nam.

Tây là dải Trường Sơn, người Pháp gọi là Chaine annamitique; GS.TS Trần Kim Thạch chia đoạn Trường Sơn Nam, từ Quảng Nam đến Vũng Tàu, gọi nó là Nam Sơn. Trường Sơn mênh mông rừng rậm, với nhiều tầng cây nhiệt đới. Có một dải đồi ở miền chân núi (piérmont) mà người Nga gọi là miền trước núi (pretgorie = sơn cước). Từng đoạn, từng đoạn dải núi - đồi này lại đâm ngang ra biển Đông, chia cắt miền Trung thành từng vùng - xứ - tỉnh; đi từ Bắc vô Nam Trung bộ là ta cứ lần lượt vượt ra "một dèo, một đèo, lại một đèo": đèo Ba Dội, đèo Ngang, đèo Hải Vân, đèo Cù Mông, đèo Cả... ấy là ta chỉ kể các đèo lớn, chứ thật ra còn nhiều đèo khác, chẳng hạn đèo Hoàng Mai - Khe nước lạnh - Lèn Hai Vai khoảng giữa Thanh Nghệ, đèo Lý Hòa - núi Lễ Đế (hay núi Ma Cô - tên này có ghi trong sử) ở giữa Quảng Bình, đèo Bình Đê ở khoảng giữa Quảng Ngãi và Bình Định...

Dưới chân đèo là các sông lớn nhỏ, đều chảy ngang theo chiều Tây - Đông ra biển, sông ngắn, nước xanh biếc, ít phù sa, châu thổ hẹp, nhiều cửa sông sâu, tạo thành vịnh cảng là nơi đậu thuyền (landing) rất tốt. Vận động tạo sơn còn "ném" ra biển xa các đảo và quần đảo. Chưa kể các quần đảo san hô xa khơi (Hoàng Sa, Trường Sa), chỉ nói các đảo gần bờ như Hòn Mê - Biện Sơn - Nghi Sơn (Thanh), Song Ngư, Hòn Mát (Nghệ Tĩnh), Hòn Cỏ - Hòn La (2 Hòn La), Hòn Nồm (2 Hòn Chùa), Hòn Gió (Quảng Bình), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Phú Yên), Hòn Tre (Khánh Hòa)... tạo ra những "bình phong" ngăn chặn bớt sóng gió biển Đông.

Bờ biển miền Bắc "lõm" vào đất liền thành vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, kỳ quan di sản văn hóa thế giới năm 1994, song lại bị đảo Hải Nam"thút nút" ở bên ngoài. Chất văn hóa biển của Giao Châu - Đại Việt buổi đầu là nhạt. Bắt đầu từ miền Trung, đường bờ biển Việt Nam "ưỡn" cong, "lồi" ra phía biển Đông, hứng gió bão sóng thần thật đấy, song "chất biển" trong văn hóa Chămpa ngày trước, văn hóa các vùng Trung bộ Việt Nam ngày nay rất mặn mòi, như chượp, mắm ruốc, mắm nêm, nước mắm, các loại đặc sản miền Trung. Luồng cá biển cũng chạy gần bờ miền Trung hơn miền Bắc.

Miền Trung lại có mùa mưa lệch pha với hai đầu Bắc Nam đất nước (mùa khô Bắc - Nam là từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 4). Ở miền Trung mùa hè (tháng 4 - tháng 10) khô nóng, lại gặp gió Tây (gió phơn) rất khô nóng thổi từ Lào qua (xưa bà con ta gọi là "gió Lào") nên, nói như một câu ca dân gian Quảng Trị: "Tháng ba, tháng bốn, tháng khốn, tháng nạn...". Bốn năm liền, từ 1992 đến 1995, cứ vào tháng 7 - tháng 8 tôi vô công tác Quảng Trị, Quảng Bình và hưởng trọn 30/30 ngày nắng gió Tây ngoài cồn cát nóng khô. Càng nóng càng ăn cay, và đấy là một bản sắc văn hóa ăn Chămpa - Trung bộ (Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tìm cách giải thích hiện tượng này).

4. Để dễ hình dung, tôi đã mô hình hóa miền Trung thành hình hộp chữ nhật đứng - cạnh Tây là núi đồi - cạnh Đông là biển, với các đèo - sông, chia nó thành các xứ - vùng hình chữ nhật ngang. Từ đó với phương pháp tiếp cận tổng thể (system analysis), tôi "nhìn" miền Trung như một phức sinh thái (multiplex), với 7 hằng số địa lý sau:


a) NÚI ĐỒI là sự ngăn cách mà cũng là sự nối tiếp: ĐÈO chính là cái gạch nối: Đèo nối Đông Tây:

- Mụ Giạ (Nghệ Tĩnh)

- Cha Lo (Quảng Bình)

- Lao Bảo (Quảng Trị) - nay là cửa khẩu Quốc tế

- Đèo Kiền Quảng Nam, đèo An Khê (Bình Định) qua Gialai và Kontum, Daklak, Dakmil...

Đèo nối Bắc - Nam: Đèo Ngang chẳng hạn, mà nhà thơ PTD nói vui: núi ngang (T-Đ), đèo dọc chứ (B-N), sao gọi Đèo Ngang? Hay ở đó có câu của cổ nhân (Bùi Dương Lịch):

Thạch thành Lâm Ấp trúc

Lục lộ Tử An bình

(Lũy đá Lâm Ấp xây

Đường bộ Tử An đắp)

- Ngô Tử An thời Lê Hoàn được sai làm đường vượt đèo Ngang sang miền Địa lý của Chiêm Thành: "Mùa thu, tháng Tám, Nhâm Thìn (992), sai Phụ quốc là Ngô Tử An đem 3 vạn người đi mở đường bộ từ cửa biển Nam giới đến châu Địa lý" (Toàn thưBản kỷ, q.I).

Hè 1995, tôi đã di dọc dài lần theo cái gọi là "Lâm Ấp thế lũy" này, từ Hoành Sơn quan (Đông) đến vùng núi Chóp Chài, Quảng Lưu - Quảng Trạch (Tây); Dân gian cũng có người gọi là "Lũy Hoàn vương" - Lũy này là đắp nối các đỉnh của dải đồi trước núi Hoành Sơn về phía Nam (phía Quảng Bình), kè đá tảng rất to chắc, bề mặt có nơi đo được 25m, cao 3-5m (tuy nay bị phá đã nhiều).

Sách Tấn thư (q.95) chép năm Vĩnh Hòa thứ 3 (347) vua Lâm Ấp là Phạm Văn đánh Nhật Nam, thông báo với thứ sử Giao Châu Chu Phiên (Phồn) đòi lấy Hoành Sơn làm phân giới, Phạm Văn sai lấy đá đắp lũy và cũng bắt đầu xây thành Khu Túc trên sông Thọ Linh (sông Giang theo Đào Duy Anh). Thơ văn Nguyễn Hàm Ninh (giữa XIX) nói về núi Chóp Chài và núi Vọng Bái ở Quảng Lưu, Quảng Trạch có câu:

"Tảng đá vua Lồi còn sót lại[2]

Việc công hầu giành giật núi Thành Thang"

Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, chúa Nguyễn Nam sông Gianh) sử dụng - cải tạo lại thành Cao Lao (≈ thiềng Kẻ Hạ ≈ thành Khu Túc (theo đoán định của Đào Duy Anh), còn ở Bắc Bố Chính (Bắc sông Gianh), chúa Trịnh cải tạo sử dụng lại hệ lũy Lâm Ấp và núi Vọng Bái. Cũng thơ văn Nguyễn Hàm Ninh viết:

Cột cờ chúa Trịnh đổ rồi

Dấu dinh lũy còn chơn vơn trên hòn Vọng Bái

(Vọng Bái, nay thuộc thôn Tam Đa, xã Quảng Lưu, Quảng Trạch). Thời chống Pháp, chống Mỹ, đây là chiến khu Trung Thuần, với các tướng lĩnh Trần Hường, Đồng Sỹ Nguyên...

Các nhà quân sự, từ Chămpa, qua Trịnh - Nguyễn đến ngày nay đều "nhìn" ra tầm quan trọng của các vị trí chốt trên các địa hình vùng Đèo Ngang là việc thường của binh pháp. Theo cán bộ và dân gian Quảng Bình, khoảng năm 1970, tướng quân Võ Nguyên Giáp cũng đã vô đây tổ chức các binh đoàn để chuẩn bị chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (tháng 3-1971).

b) Chúng ta cũng nên "nhìn" SÔNG - BIỂN như đã "nhìn" NÚI - ĐỒI - ĐÈO, đó là cái nhìn biện chứng, vừa thấy mặt cắt ngăn vừa thấy mặt nối tiếp. Do một trăm năm nay, từ thời thực dân Pháp, với tư duy giao thông bộ, hễ cứ thấy miền nào bị sông ngăn (mà họ lại ít xây dựng cầu đường) là nhà cầm quyền chia đôi bờ sông thành hai đơn vị hành chính khác nhau: ở Bắc: Sơn Tây/Vĩnh - Phúc Yên, Thái Bình/Nam Định (qua sông Hồng)... Bắc Giang/Bắc Ninh (qua sông Cầu)...

Ở miền Trung: Nghệ/Tĩnh (qua sông Lam), Bình/Trị (qua sông Sa Lung), Trị/Thiên (qua sông Ô Lâu), v.v...

Thật ra, qua tư duy giao thông thủy của bản sắc văn hóa sông nước của việt Nam và miền Trung, đôi bờ sông chỉ là hai nửa của một, từ một làng, một huyện đến một tỉnh, xứ...

Từ Chămpa đến Đại Việt - Việt Nam chẳng hạn, đôi bờ sông Thu Bồn - sông Chợ Củi chỉ là hai nửa của một Amaravati - Quảng Nam, đôi bờ sông Côn chỉ là hai nửa của một Vijaya - Bình Định...

Sông không chỉ được "nối" bằng các bến đò ngang và hình ảnh "các cô lái đò" đã vào rất sâu folklore và văn hóa Việt Nam.

Sông còn là sự nối tiếp Núi - Biển bằng các con đò dọc, bằng bè mảng... Tôi rất thích câu ca dao của hai cảng Hội An, Thi Nại - hai cảng rất cổ từ thời Chămpa đến nay:

Ai về nhắn với nậu nguồn

Măng le (mít non) chở xuống, cá chuồn gửi lên.

Hè 1994, tôi lên công tác ở một huyện trung du xứ Quảng và làm ra cái vẻ có "hiểu biết" về kinh tế, tôi hỏi cán bộ huyện: "Sao các đồng chí không học lối nuôi "cá lồng" dọc sông của miền Bắc?" và được trả lời: "Có đấy, nhưng thất bại vì dân tôi quen ăn đồ hải sản rồi, mà ngày nào chả có thuyền ngược lên đây mua bán hải sản!" Sự ngu ngốc này của tôi có cội nguồn lịch sử: Tôi là người Hà Nội, thuộc châu thổ Bắc bộ đã ở quá xa biển (# 100km) và ở thế hệ bố - mẹ - ông - bà tôi, hầu hết người Hà Nội đều không thích/không ăn được đồ biển, từ cá thu phải nấu lót bằng lá chè tươi (nhiều chất tanin khử mùi tanh) và "chả Sài Gòn" (nem rán) có "đệm" thêm thịt cua bể với thịt lợn, giá, miến...

Qua kinh nghiệm điền dã ở miền Trung và cả Tây Nguyên, tôi thấy dân vùng này hay "xài" đồ biển. Tôi cho đó là bản sắc địa - văn hóa, được người Việt thừa kế từ người Chăm, cũng như nươc smắm, mắm nêm, chượp... và rau diếp cá (cho đến nay đa số người châu thổ Bắc bộ không thích/không ăn được rau diếp cá, họ chỉ dùng làm một vị thuốc nam). Bà tiến sĩ Pamela Gutman, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Đại học Sidney (Australia) có thông báo cho tôi biết rằng: Các nhà khảo cổ học biển (maritime archaeology) đã tìm thấy một con tàu đắm chở các thùng nước mắm từ Chămpa sang bán cho Roma cổ đại. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng trong một cuốn sách của L. Ferrand về các nguồn tài liệu của Ả Rập - Ba Tư từ thế kỷ VIII - đến thế kỷ XIV, khách thương hồ quốc tế đều gọi biển Đông là biển Chămpa. Biển là cái gạch nối giữa không gian văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa - Óc Eo với thế giới Đông Nam Á hải đảo - Mã Lai và các không gian văn hóa biển khác, từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ dương và v.v....

c- Ngoài NÚI - ĐỒI - ĐÈO - SÔNG - BIỂN, Chămpa cổ miền Trung nay còn có CỒN - BÀU - ĐẦM PHÁ... Để tiện theo dõi có hệ thống, tôi và bạn tôi là GS Mai Đình Yên sẽ đề cập đến các hệ sinh thái ở ngay sau đây.

5. a) Những nghiên cứu mới nhất (xem Mai Đình Yên, Trần Quốc Vượng và các tác giả khác, Môi trường học, Đại học Quốc gia Hà Nội, 1994) đã phân loại các hệ sinh thái tự nhiên làm 3 nhóm:

- Nhóm các hệ sinh thái trên cạn.

- Nhóm các hệ sinh thái ở nước.

- Nhóm các hệ sinh thái ngập nước.

Như đã nói ở phần trên (mục 4) miền Trung nay - Chămpa cổ - nằm hẹp giữa núi và Biển, có đầy đủ các kiểu sinh thái trên cạn chính, như:

- Hệ sinh thái núi cao; hệ sinh thái hang động.

- Hệ sinh thái núi trung bình và thấp.

- Hệ sinh thái đồi gò.

- Hệ sinh thái châu thổ (đồng bằng).

- Hệ sinh thái ven bi&#

Like (1)
Loading...
1