• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
prancham
by On April 30, 2015
165 views
theo vovworld.vn
 
Việt Nam hiện có khoảng 50 tháp Chăm, nằm rải rác ở các tỉnh ven biển miền Trung. Theo các nhà khoa học, những ngôi tháp “trẻ” nhất cũng có tuổi đời 5 đến 6 trăm năm, có ngôi tháp tới cả nghìn năm tuổi. Người xưa đã xây tháp Chăm bằng vật liệu gì và kỹ thuật xây dựng có gì đặc biệt mà những ngôi tháp có tuổi thọ đáng kinh ngạc đến vậy. Phóng viên Đài TNVN sẽ giúp quý vị tìm hiểu vấn đề này qua phóng sự sau đây.
Nghe nội dung chi tiết tại đây

Đi dọc miền Trung, từ Đèo Ngang vào đến Phan Thiết, ta bắt gặp những ngôi tháp Chăm nhiều tầng, phía trên mở rộng và thon vút như hình bông hoa. Mặt tường ngoài của tháp được chạm khắc hình hoa lá, chim muông, vũ nữ… với đường nét tinh xảo. Tháp Chăm là công trình kiến trúc tôn giáo của vương quốc Chăm Pa cổ xưa, mang đặc trưng của kiến trúc Ấn Độ giáo. Nếu như đền Ăng-ko Vát, Bay-on… ở Campuachia hay các đền thờ thần khác ở Indonesia, ở Ấn Độ thường được làm bằng đá thì tháp Chăm lại được làm bằng gạch. Cho đến hôm nay, màu gạch vẫn đỏ tươi như mới. Hoa văn được chạm khắc, gọt đẽo ngay trên gạch, một điều ít thấy có trong kỹ thuật xây dựng và kiến trúc. Theo ông Ngô Văn Doanh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia thì người Trung Quốc xưa cũng phải gọi người Chăm Pa là “bậc thầy của nghệ thuật xây gạch”: Cũng là công trình kiến trúc bằng gạch thì tuổi thọ kéo dài nhiều lắm 1 thế kỷ. Các đền tháp Chăm Pa hiện còn bây giờ đều có tuổi 7, 8 trăm năm, thậm chí hơn 1 nghìn tuổi. Chúng ta nhìn vào các đền tháp, thấy rõ ràng người ta xây bằng gạch, nhưng chúng ta cảm thấy hình như giữa các viên gạch không có mạch, lấy dao tích vào cũng không lạch được vào mạch xây. Trên các tường gạch ấy, người ta chạm những hoa văn, hình người rất tinh tế. Kỹ thuật xây gạch liền sát như thế, chạm trên gạch, chắc chỉ có Chăm Pa mới có, khu vực Đông Nam Á không có, thậm chí trên thế giới không có.
 
Tháp Nhạn ở Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên mang nét kiến trúc độc đáo của văn hóa Chăm


Kỹ thuật xây tháp bằng gạch với những ngọn tháp có tuổi thọ cả nghìn năm, sừng sững cùng thời gian và trở thành một loại hình kiến trúc độc nhất vô nhị trên thế giới thực sự là một bí ẩn, hấp dẫn bao nhà khoa học. Các nhà khoa học Việt Nam cùng với các nhà khoa học Ba Lan, Pháp, Ý đi tìm câu trả lời, “vén bức màn bí ẩn” này và những tri thức của người Chăm Pa xưa trong việc xây đền tháp cũng dần được hé mở. Nghiên cứu hơn 50 tháp Chăm ở các tỉnh thành bằng công nghệ hiện đại, các chuyên gia chỉ ra rằng, người Chăm Pa xây tháp bằng gạch được sản xuất ngay tại địa phương. Cũng chất đất sét thông thường ấy, người xưa đã nhào nặn, đã chế biến để những viên gạch mang những bí ẩn mà gạch ngày nay không thể có. Phó Giáo sư Ngô Văn Doanh so sánh gạch xây dựng tháp Chăm, mà ông gọi là gạch Chàm, với gạch chúng ta sản xuất hiện nay theo cách thông thường: 
Gạch Chàm rất khác gạch của chúng ta. Cũng vùng đất miền Trung ấy, giờ chúng ta làm gạch, cũng đất đấy, nhưng ta sẽ thấy khác nhau ở chỗ này: Mình lấy 2 viên gạch bằng nhau, kích thước bằng nhau thì gạch Chàm bao giờ cũng nhẹ hơn gạch của chúng ta. Ví dụ, gạch của ta 2 kg thì gạch Chàm chỉ nặng 1,5 kg đến, 1,6 kg. Đầu tiên, cầm lên, thấy nó nhẹ. Khi phân tích, ở bên trong, ta thấy ruột bên trong gạch của Chàm xốp. Chính xốp nên nó nhẹ, có độ dẻo, độ uốn. Gạch của mình cứng, uốn là gẫy ra.

Bằng mắt thường, có thể thấy, trên bề mặt gạch có nhiều lỗ xốp mịn và thô. Trong viên gạch có khi lẫn cả hạt cát thô và nhiều vỏ trấu, rơm hoặc xác thực vật sau khi cháy để lại trong gạch. Có thể ngày xưa người Chàm trộn đất khi mà làm đất trộn với vỏ trấu hoặc than tro đốt lên, lấy tro trộn vào. Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng cũng đã thử làm thế và cũng tạo ra những viên gạch xốp, có độ dẻo như thế. Hoặc là trộn thêm với cát. Với khoa học hiện đại thì mình tìm ra được ngay.

Một trong những khu di tích đền tháp Chăm Pa lớn, nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới là di tích Thánh địa Mỹ Sơn, thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Năm 1999, di tích Mỹ Sơn đã được tổ chức UNESSCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đến di tích Mỹ Sơn, nếu bạn thấy những viên gạch vỡ, thấy lớp xi măng, lớp keo dán thì bạn hãy chắc chắn 1 điều rằng: đó là những thành phần mới, mới được “đắp vào” từ năm 1984 để giữ và bảo vệ thành phần nguyên gốc của các ngôi tháp. Anh Lê Xuân Tiến, chuyên viên khu di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, những mảnh tường nào trơn, không vỡ là những mảnh tường nguyên gốc từ đầu thế kỷ 8; còn phần xộc xệch, xê ra xê vào là phần xếp vào cho liền mạch kiến trúc vào đầu thế kỷ 20: Bắt đầu từ 2005, phối hợp với đại học Mi-lan (Ý) làm những viên gạch mới thì thấy chất lượng những viên gạch mới làm thấp hơn khoảng 5 lần. Quan sát trên những đoạn tường bể, chỗ nào bị vỡ thì mới có rêu mốc, còn nếu không bị vỡ thì không có rêu mốc. Các thợ xưa đã quét lên bề mặt 1 lớp bề mặt, tốt hơn bây giờ rất nhiều.

Thánh địa Mỹ Sơn hay bất kì một tháp Chăm nào khác, vào những ngày đẹp trời, chúng ta có cảm tưởng rằng, công trình vài trăm năm tuổi này giống như vừa mới được xây cách đây không lâu. Những cơn mưa xối xả hay cái nắng gay gắt của miền Trung dường như không thể làm phai màu tường tháp. Chính bởi việc người xưa đã trộn vào đất làm gạch một lượng chất hữu cơ hay cát hợp lý, làm cho gạch xốp, có nhiều lỗ mịn mà các bức tường có độ thấm hút cao. Sau cơn mưa, nắng bừng lên, nước tỏa ra rất nhanh trên bề mặt tường. Vì vậy mà rêu phong, cỏ dại cũng khó tồn tại được trên đó. Màu gạch lại tươi rói như màu của vài trăm năm trước./.

 

Posted in: Văn hóa Champa
Be the first person to like this.