Blogs
Categories
Từ ngôn ngữ lạ của người Sơn Tây, Thạch Thất... nhiều nhà khoa học cho rằng, họ chính là người Chăm, bị nhà Trần bắt ra Bắc làm tù binh...
Kiến giải lạ
Trong quá trình tìm hiểu những bí ẩn đằng sau ngôn ngữ của người Sơn Tây, Thạch Thất, Ba Vì, Yên Sở... chúng tôi được các nhà khoa học kiến giải về nguồn gốc ngôn ngữ lạ lùng ở những nơi này. Trong số rất nhiều các suy luận và dẫn chứng, có một vấn đề được nhiều người thừa nhận, đó là vào thế kỷ XIV đã có một bộ phận người Chăm được nhà Trần áp giải từ phía Nam ra Bắc làm tù binh. Tuy nhiên, cốt lõi của các tranh luận là hiện bộ phận người Chăm này đang cư trú ở đâu? Họ chịu ảnh hưởng như thế nào trong mối giao lưu với người Việt để cho ra chất giọng lạ lùng như hiện nay.
Ở góc độ nhân chủng học, PGS.TS Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng: Khoảng thế kỷ thứ XIV, cuộc chiến tranh Việt - Chăm đã dẫn đến kết quả là chiến thắng thuộc về người Việt. Nhà Trần đã áp giải tù binh từ Nam ra Bắc, lập một số trại tù ở vùng Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên và cả Hà Nội. Sau này, những nhóm tù binh Chăm này được tự do, họ đã kết hôn với người Việt, học tiếng Việt... việc giao lưu ngôn ngữ này đã làm nảy sinh ra chất giọng lơ lớ như ở vùng Yên Sở, Sơn Tây, Thạch Thất, Ba Vì...
Để chứng minh cho nhận định này, các nhà sử học đã nghiên cứu ở các vùng kể trên và đưa ra những đặc điểm nhân chủng học rất thú vị. Đó là người Yên Sở, quận Hoàng Mai ngày nay và dân một số vùng Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất... có đặc điểm khác người Việt như nước da ngăm đen, tóc xoăn, khuôn mặt vuông, tiếng nói lơ lớ... những đặc điểm này trùng khớp với người dân tộc Chăm ở phía Nam.
Đặc điểm nhận biết về ngữ âm giữa những vùng kể trên cũng có sự tương đồng với tiếng Chăm, chẳng hạn như cách phát âm như "ngươi, nha, vang, hang..." trong khi cách phát âm phổ thông phải là "người, nhà, vàng, hàng...". Đặc điểm biến đổi về thanh điệu này chính là kết quả của quá trình tiếp xúc văn hóa, là dấu vết còn sót lại của người Chăm.
Quan điểm này của các nhà sử học còn được bổ sung thêm bởi những phát hiện khảo cổ học rất trực quan, sinh động. Đó là những di chỉ khảo cổ đậm chất Chăm xen lẫn với những đặc điểm rất Việt. Chẳng hạn, người ta nhìn thấy giếng vuông là nghĩ ngay đến văn hóa Chăm, nhưng giếng vuông lại nằm xen kẽ cùng với giếng hình tròn mang đậm chất Việt... Phát hiện này cùng những nét tương đồng về thanh điệu trong ngôn ngữ người Sơn Tây, Ba Vì... với người Chăm ở phía Nam đã khiến giới nghiên cứu tiếp cận từ hướng nhân chủng học, khảo cổ học tin rằng, một bộ phận cư dân nói tiếng lơ lớ ở những vùng kể trên có nguồn gốc Chăm.
Chưa đủ căn cứ
Ở chiều ngược lại, một số nhà ngôn ngữ học lại cho rằng, còn nghi vấn cần phải làm rõ về nguồn gốc của người dân vùng Yên Sở, Thạch Thất, Ba Vì...
PGS.TS Phạm Văn Hảo, Viện Ngôn ngữ học một mặt bày tỏ sự đồng tình với các nhà sử học và các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở một số khía cạnh. "Đúng là có một bộ phận người Chăm được nhà Trần áp giải ra phía Bắc làm tù binh, phục dịch. Trước đây, trong cuốn sách "Le Thanh Hoa" của nhà nghiên cứu người Pháp Roberquain (Rô - Bơ - Canh) cũng đã chỉ ra những căn cứ vô cùng thú vị đó là: "Ở khu vực kinh đô Việt Nam, hễ nơi nào mà địa danh có chữ "Sở" thì đó là nơi giam giữ tù binh Chăm".
Nếu đối chiếu với Hà Nội thì thấy có sự trùng khớp kỳ lạ, chẳng hạn như Yên Sở, Ngã Tư Sở, Quán La Sở (địa danh gần Phủ Tây Hồ ngày nay)... Đây là những địa danh nằm ngoài kinh thành xưa, nhưng cách kinh thành không xa lắm, điều này có thể khiến cho việc quản lý tù binh của nhà Trần dễ dàng hơn, nếu có biến động thì việc huy động quân đội từ trong thành ra ngoài trấn áp gần hơn...".
Một nghi vấn khác, theo PGS.TS Phạm Văn Hảo đó là việc, nếu địa bàn của tù binh Chăm ở xung quanh kinh thành, vậy tại sao giọng Sơn Tây, Ba Vì có dấu ấn Chăm? Nghe có vẻ vô lý, chẳng liên quan gì đến nhau nhưng lại có thể giải thích một cách dễ hiểu, đó là sau khi được tự do, những tù binh Chăm di cư ra xa kinh thành, có thể họ đến Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất hoặc những nơi khác nữa để tạo lập cuộc sống yên ổn, hòa nhập với dân bản địa, quá trình giao thoa đó tạo ra chất giọng lạ lùng của người Sơn Tây, Ba Vì... như ngày nay.
"Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục triển khai nhiều công trình nghiên cứu về ngữ âm học. Trong đó, khu vực Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất... được chú trọng đặc biệt với các công trình nghiên cứu sâu về ngữ âm, nhằm tìm ra những đặc điểm ngôn ngữ giống và khác nhau của vùng này so với những nơi khác, đồng thời truy nguyên nguồn gốc của cư dân có giọng nói khác thường".
PGS.TS Phạm Văn Hảo |
Mặt khác, theo PGS.TS Phạm Văn Hảo, nếu đem vùng Sơn Tây, Ba Vì... so sánh với vùng Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên dưới các góc tiếp cận lịch sử, ngôn ngữ và đối chiếu, so sánh thì sẽ thấy sự phi lý, đó là giọng nói vùng Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên cũng có những đặc điểm giống với giọng nói người Sơn Tây, Ba Vì... Ở dải đất miền Trung này cũng có trại giam tù binh Chăm. Vấn đề là, với số lượng tù binh ít ỏi so với người Việt như vậy thì làm sao có thể tạo ra ảnh hưởng về ngôn ngữ trên một không gian rất rộng lớn, dài hàng trăm cây số suốt từ Nghệ Tĩnh cho đến Bình Trị Thiên? Trong khi đó, phương ngữ của cư dân vùng này lại có đặc điểm gần gần gũi với người Mường... Chính vì sự chồng chéo, khó bóc tách này của ngôn ngữ, lịch sử nên rất khó để khẳng định người Sơn Tây, Ba Vì, Yên Sở có nguồn gốc là Chăm hay không", PGS.TS Phạm Văn Hảo bày tỏ.
Theo reds.vn (theo KIẾN THỨC )
Be the first person to like this.