• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
prancham
by On January 24, 2016
842 views

 

Chương 12 - CÁC THÀNH PHẦN DÂN TỘC CHAMPA
của cuốn sách "Bangsa Champa: Tìm về với một cội nguồn cách xa".

Xin thưa cùng mikwa,
Xin gởi mikwa Chương 12 này, có thể đọc thẳng trên FB hay tải chương này về với dạng PDF để dành đọc. Cuốn sách này có cả thảy 15 chương, và hiện nay dahlak đã ghép hết hình ảnh vào các trang giống như trong sách, nhưng còn đang tiếp tục tìm và ghi lại tất cả các chú thích (footnote) ở cuối trang. Chuyện này cũng sắp xong. Hiện nay dahlak đã làm tới Chương 13, nhưng sợ mikwa chờ lâu nên xin đăng lên từng chương cho mikwa đọc và đồng thời giúp chỉnh sửa chính tả dùm vì còn có nhiều chổ mà chử ở dạng Unicode bị biến dạng khi chuyển sang Microsoft Word. Dahlak ráng cố gắng tìm nhưng không thể thấy hết lổi, vậy nếu đọc thấy những chổ lổi đó, xin mikwa báo cho biết để sữa lại cho đúng. Đwa karun.
Ysa Cosiem

---------------------------------------

Chương 12 - CÁC THÀNH PHẦN DÂN TỘC CHAMPA

Xuất phát từ cội nguồn thời thượng cổ, và trong tương quan với các bangsa khác trên đời, chỉ có một Bangsa Champa duy nhứt. Tuy nhiên, trên quá trình tồn tại và phát triển, khi đạt trình độ và quy mô quốc gia dân tộc, cơ cấu bangsa được tổ chức theo một nề nếp nhứt định, tính đa dạng đã đưa đến sự hình thành các thành phần không nhứt thiết cùng gắn liền vào một chủng tộc, một giống dòng. Về mặt hình thức, các thành phần này có thể được gọi là các “sắc tộc” cùng hợp thành dân tộc gắn liền với quốc gia nói chung, và cũng có thể cùng được gọi ngang bằng nhau là “dân tộc” trong một quốc gia nhiều dân tộc.
Ngoài ra, còn có các thực thể được gọi là “dân tộc” mà thật ra chỉ là những hư cấu dân tộc học.

1. THỂ CHẤT NHÂN LOẠI HỌC BANGSA CHAMPA

Trong một phút bất chợt, được đọc trên đất Hoa kỳ một đoạn văn đầy chân tình của bác sĩ Trần văn Tích, một cây bút chuyên khảo kỳ cựu của tạp chí Bách Khoa Thời Đại tại Saigon trước năm 1975:

Cuối đời Trần, ở cổ thành phủ Triệu Phong có thành Thuận Châu, tương đương với đất châu Ô của Chiêm Thành nhường cho nhà Trần. Như thế, đồng hương Quảng trị đã ra đời và lớn lên trên đất cũ của người Chàm; chắc không nhiều thì ít đều có mang những gen của Chế Mân, Chế Củ, Chế Bồng Nga.
Qua những đợt di dân trong lịch sử, những đoàn người từ châu thổ các sông Hồng, sông Mã đã đến lập nghiệp ở Triệu Phong, Hải Lăng. Chắc phải có những chàng trai tứ chiến giang hồ từ phuơng Bắc tới gá nghĩa cùng các nàng Mỵ Ê thôn dã địa phương để trở thành viễn tổ của người viết bài này.(*) 
Nhận xét kể trên của học giả Trần văn Tích nói lên hiện tượng giao lưu nhân chủng, một thực trạng không ai phủ nhận được là trong xã hội Việt Nam ngày nay, nhứt là tại các vùng nguyên là lãnh địa cũ của vương quốc Champa, một số người thực sự có mang dòng máu Champa trong người mặc dầu trong sanh hoạt thường ngày, không thấy có chỉ dấu bề ngoài nào chứng tỏ còn dính dấp đến người Champa ngày xưa nữa. Thực sự, đó là những người dân Champa mà tổ tiên đã không chịu rời bỏ quê nhà khi vùng đất, trong lịch sử, đã bị nhượng lại hoặc bị thôn tính để rồi theo thời gian, trải qua nhiều thế hệ, đã sống hòa đồng với người Việt định cư sau này. Người ta cũng liên tưởng đến những nghệ nhân Champa, trong lịch sử, đã được đưa sang Đại Việt qua nhiều đời khác nhau chắc phải có con cháu mang huyết thống của mình đang sống trong các cộng đồng xã hội người Việt ngày nay. 
Tiêu biểu cho thành phần người gốc Chăm đang sống như người Việt này là vừa qua, một số người ở miền Trung Việt Nam, khi cho biết ngày xưa, cha ông thuộc các họ Ôn, Ma, Trà, Chế…... của dân tộc Champa, đã phải đổi thành họ Nguyễn, Trần, ... nhứt là dưới thời vua Minh Mạng, nguyên có một chánh sách Việt hóa quyết liệt đối với dân tộc Champa. Một vài người thuộc diện này đã gây không ít ngạc nhiên cho nhiều người không am tường, và bao nhiêu xúc động cho những ai có mang dòng máu Chăm trong người, khi ngỏ ý tha thiết muốn được quay về với cội nguồn Chăm thực sự của cha ông. Cụ thể nhứt, trong một bức thư trần tình nhận được, lên tiếng về một sự việc xảy ra trong cộng đồng người Chăm, một người tự giới thiệu là Chăm lai Việt “hãnh diện về văn hóa Chăm, và yêu con người Chăm”, hiện đang chuyên viết tiểu luận văn học, cho biết đang lập thủ tục hành chánh cần thiết xin nhà nước Việt Nam cho “nhập tộc Chăm”. Hỏi ra thì mới biết, tại Cọng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay, người dân được xếp loại, chánh thức ghi trên giấy căn cước, thuộc thành phần dân tộc Kinh và các dân tộc khác, trong đó, có dân tộc Chăm, nên vị này vì ý thức và tha thiết với gốc nguồn, xin được “nhập tịch Chăm”.
Trong các cộng đồng người Champa còn tồn tại đến ngày nay, cũng có một số người gốc Việt hoàn toàn, đã do một số hoàn cảnh cá biệt, nhứt là do hôn nhân hoặc điều kiện sanh sống, đã hội nhập vào xã hội người Chăm, đã và đang sống hoàn toàn như người Chăm tại các gia đình người Chăm.

[H80. Một phụ nữ Việt lập gia đình với người Chăm]

Trong bối cảnh kể trên, ngày nay, thật khó mà tìm được một mẫu người trong xã hội người Chăm còn tồn tại để nhận diện là người Chăm thuần túy, để xác định các đặc tính nhân chủng cần thiết. Hoàn cảnh chiến chinh và giao lưu với các dân tộc lân cận đã tạo nên những sắc thái nhân dạng phức hợp ngay tại các thôn ấp người Chăm còn sống tập trung và còn duy trì phần nào cuộc sống cổ truyền thể hiện qua cách ăn mặc và ngôn ngữ. 
Dầu vậy, các nhà nghiên cứu cũng đã cố gắng làm việc này. Cụ thể, sớm sủa nhứt, có thể kể công trình nghiên cứu khoa học đã được M.E. Farinaud ghi nhận cho thấy công thức máu của người Chăm rất gần gũi với người Rha-đê và người Bahnar, và khá gần gũi với người Sê-đăng cư ngụ tại vùng cao nguyên. Tính gần gũi trong công thức máu này cho người ta ý niệm sơ khởi về quan hệ ruột thịt giữa người Chăm và các sắc dân anh em sống trên vùng đất Cao nguyên Trung Phần.
Trong thập niên 1950, hai bác sĩ Pháp Georges Olivier, tại Phan Rang, và Henri Chagnoux,(**) tại Phnom Penh (Cam bốt) đã thực hiện cuộc quan sát và thu thập các dữ kiện một cách có hệ thống để phân tích, sau khi lọai trừ một cách khoa học các yếu tố lai giống của các dân tộc có tiếp xúc hoặc hội nhập. Từ 165 mẫu người Chăm (92 ở Kampuchea và 73 tại Trung Việt), công trình nghiên cứu xác định một mẫu nhân chủng học của người Chăm thuộc chủng tộc Indonesian, khác biệt với các dân tộc khác của Đông Dương tức Việt, Khmer. Người Chăm có nước da sáng sủa của giống người nằm trong đường ranh giữa nước da ngâm ngâm và da vàng, mái tóc đen, dợn sóng (60,5%), có chứng hói đầu (38,2%) và chứng tóc bạc (6,5%), hình dạng mang các sắc nét thanh lịch, xác định sự pha lẫn các yếu tố nhân chủng Indonesian nguyên khởi đã chịu ảnh hưởng gốc Nam Ấn Độ, sau đo, lại hòa lẫn với sắc thái Mông Cổ.
Chiều cao trung bình của người Chăm là 1,60m và có cùng công thức huyết rất gần gũi với người Ê-đê, người Bahnar, người Sedang ở Cao nguyên Trung Phần. Chỉ số sọ là 83,1, chỉ số xuyên qua gò má là 89,5, và chỉ số mặt trung bình là 87,4%.
Điều đáng lưu ý là người Chăm còn sống ở mãnh đất cũ tại Trung Phần Việt Nam thân hình thoạt trông có vẽ nhỏ thó hơn người Chăm ly hương định cư ở trên đất Kampuchea, một số khá đông có quan hệ hôn nhân với người Mã Lai.
Theo giới am hiểu, một công trình nghiên cứu khoa học về sọ người Chăm, dưới quyền điều khiển của cố giáo sư Trần Anh, trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn, cũng đã được tiến hành, đưa đến một số kết quả bước đầu, nhưng đã bị bỏ dang dở do biến cuộc năm1975.


2. CÁC THÀNH PHẦN CỦA DÂN TỘC CHAMPA

(1) Chăm & Champa
Các nhà nghiên cứu buổi đầu thời thuộc Pháp, nhứt là nhóm Trường Viễn Đông Bác Cổ, khi tìm hiểu Champa thường liên tưởng ngay đến, và giới hạn, thành phần người dân nước này chỉ có người Chàm mà sử sách Việt còn gọi là người Chiêm. Bản thân người Chàm xưa nay vẫn tự gọi mình là người Chăm chớ không phải "Chàm" hoặc "Chiêm" như trên. 
Các bia ký cổ xưa viết bằng chữ Phạn, được khai quật cho đến nay, chưa thấy ghi từ "chăm" mà chỉ có từ "champa". Tuy nhiên, nếu căn cứ vào sự kiện này mà lập luận rằng từ “chăm” không liên quan đến từ “champa” thì cũng giống như khi người ta nói, từ “Việt” không liên quan gì đến tên nước “Đại Cồ Việt”, “Đại Việt” hoặc “Việt Nam” cả.
Nhân dịp này, tưởng cần mở ngoặc ghi nhận, các từ “Hời”, “Lồi” ở Trung Phần cũng như từ “Chà và” ở Tây nam Nam phần, thường được người Việt dùng có thể là không có một định kiến nào cả để ám chỉ một sắc dân mà thôi; ngay cả cố thi sĩ Chế Lan Viên trong những bài thơ ca ngợi thời vàng son của dân tộc Champa cũng đã dùng chữ “Hời”, cụ thể là trong bài “Trên đường về”, nhưng trên thực tế, đối với người Chăm, các từ này gợi lại một quá khứ chẳng lấy gì làm đẹp, mang tính miệt thị gây mặc cảm với người Chăm, không nên sử dụng trong các quan hệ trao đổi với người Chăm, cũng như từ “mọi” đối với người Thượng vậy. Xin đóng lại dấu ngoặc.
Trong cuộc hội thảo tại Viện Đại học Copenhague ngày 23 tháng 5 năm 1987 được tổ chức bởi Trung tâm văn hóa - xã hội Champa Pháp, Viện Văn hóa – Xã hội Campa - Đan Mạch, có bài phát biểu thể hiện quan điểm mới về thành phần dân tộc Champa.(***) Theo bài phát biểu này, từ năm 1975, Giáo sư lão thành Pierre Bernard Lafont (Pháp) đã kết hợp các nhà nghiên cứu thuộc Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Khoa Học Paris, thực hiện một công trình quy mô diễn dịch ra tiếng Pháp các bản thảo xưa cũ bằng chữ Chăm cùng các sử biên niên hoàng gia Champa bằng chữ Chăm và chữ Trung Hoa nạp bản tại các thư viện Pháp và Trường đại học Cornell (Hoa Kỳ), đối chiếu một cách có hệ thống với các kết quả nghiên cứu của những người đi trước. Kết quả nghiên cứu này đã soi sáng về thành phần dân tộc Champa, xác định dân tộc Champa ngày xưa, thật ra, không phải chỉ bao gồm toàn người Chăm sống ở vùng duyên hải Trung Phần Việt Nam mà còn có những sắc dân Champa với một số tên gọi khác sống trên vùng cao nguyên. Trong lịch sử, vùng Phan Rang – Phan Rí, Trung Phần Việt Nam, nơi nhóm người Chăm còn tồn tại, trước thuộc chủ quyền của triều đình Huế, bị đặt dưới chế độ bảo hộ của Pháp, sau đó từng bước mới chuyển thành vùng đất trực trị của Pháp trên thực tế. E. Aymonier là viên chức người Pháp đã sớm quan tâm nghiên cứu về người Chăm, đầu tiên khi đến Phan Rang năm 1884, đã được gặp và tiếp xúc với một số người được xác định không phải là người Việt và tự giới thiệu là người Chăm. Trong khi ở Kampuchea, E. Aymonier đã nắm được thông tin về Vương quốc Champa, nên suy luận ngay chỉ người Chăm là con dân của Vương quốc Champa. Các nhà nghiên cứu đi sau đã noi theo E. Aymonier, cứ theo lối mòn đinh ninh một cách máy móc, người Chăm là con dân duy nhứt của Vương quốc Champa. Trong khi đó, khi việc tiếp xúc với dân chúng trên vùng Cao nguyên Trung Phần, người Pháp không thông qua triều đình Huế, mà qua các đoàn thám sát địa thế (nổi tiếng là đoàn Pavie, Henry Maitre, bác sĩ Alexandre Yersin. . .) xâm nhập từng khu vực, thiết lập giao dịch với các lãnh đạo địa phương, rồi từ đó, mới áp đặt một bộ máy thống trị riêng cho toàn vùng, nơi sanh sống của các nhóm thần dân vùng cao của vương quốc Champa ngày xưa, lập nên “Pays Montagnard du Sud d’Indochine” gọi tắt là PMSI có quy chế chánh trị và hành chánh biệt lập, tách biệt hẳn, không còn dính líu đến vùng duyên hải Trung Phần nữa. Đến thời kỳ Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc trưởng thì đổi danh xưng là “Hoàng triều Cương thổ”, tiếp tục quy chế chánh trị và hành chánh biệt lập.

(2) Xếp thành phần theo địa bàn cư trú
Các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ F.M. Lebar, G.C. Hickey, J.K. Musgrave, căn cứ vào địa bàn cư trú trong Nagar Champa thời cổ, đã phân chia một cách có hệ thống, dân tộc Champa thành 2 nhóm chủ yếu: 
1) Nhóm Chăm đồng bằng (low land Cham);
2) Nhóm Chăm cao nguyên (high land Cham).
Người Chăm đồng bằng sống trên các vùng đất thung lũng dọc theo duyên hải, một phần sống về nghề nông trên những thửa ruộng hẹp, còn phần lớn là những thủy thủ cang cường, chuyên nghề đi biển, chài lưới, hoặc thương buôn đường dài, một thời nổi danh trong vùng biển đông. Trong khi các sắc dân cao nguyên sống trong vùng núi non hiểm trở, thiếu giao lưu với bên ngoài, một số làng mạc sống theo nề nếp du canh du cư đốt rừng làm rẩy, canh tác ruộng khô, phải di chuyển theo định kỳ để đất luân phiên phục hồi mầu mở.
Việc phân chia dân tộc Champa thành 2 nhóm căn cứ vào địa bàn sanh sống kể trên là sự phân chia theo kỹ thuật phân tích của các nhà nghiên cứu, chớ không phải là sự phân chia lịch sử của chính dân tộc Champa, bởi lẽ các văn bia, các văn bản lịch sử Champa còn lưu lại không có sự phân chia này. Trong ngôn ngữ Champa, khi nói orang Champa là bao gồm cả người dân Champa sống tại các vùng đồng bằng lẫn miền núi của vương quốc Champa, không phân biệt nguồn gốc hoặc sanh quán của họ. Tuy nhiên, vì mỗi sắc dân trên vùng Cao nguyên Trung Phần, trên quá trình phát triển ở các địa phương, đều đã có và tự hào với những tên gọi riêng như Ê Đê, Jarai, Bahnar, Churu, Kaho, v.v. . .thể hiện căn sắc dân tộc (ethnic identity) của mình cũng như người Chăm vùng duyên hải, nên một số thành phần trí thức Thượng thị thành mà thời thế đã nâng lên đến một địa vị nhứt định trong bộ máy chánh quyền Việt Nam Cọng hòa trước năm 1975, mặc dầu vẫn xác nhận thuộc thành phần dân tộc Champa trong lịch sử, đã tỏ ra không mấy mặn mà nếu không nói là phủ nhận lối gọi chung người Thượng là “Chăm vùng cao”. Đúng ra, đây chỉ là vấn đề thuật ngữ không hơn không kém.
Trong môi trường sống bao quanh bởi núi rừng hiểm trở, khác biệt với người Chăm ở vùng duyên hải, người dân Champa miền núi còn sống gần với thiên nhiên, trong những tập thể xã hội ngăn cách nhau, thiếu phưong tiện giao lưu tối thiểu nên thường được các nhà dân tộc học ngoại quốc, trong quá khứ, nhận diện theo từng bộ tộc thể hiện qua các biểu hiện thực thể văn hóa mà thực chất chỉ là những hư cấu dân tộc học (ethnographic fictions) cho nên có những tên gọi do sách vở đặt cho, nhưng chính người dân trong cuộc lại tự gọi mình với tên gọi khác. Cụ thể như tên gọi Radhê đã được sách vở nghiên cứu ghi từ non một thế kỷ nay thì chính người dân trong cuộc lại thích tự gọi mình là Ê-Đê xuất xứ từ tên gọi Anak H'Đê có nghĩa là con của H'Đê nghe có vẽ trang trọng hơn.
Căn cứ vào ngữ học, dân tộc Champa được xếp thành hai nhóm chủ yếu, nhóm Mã lai đa đảo và nhóm Môn khmer.
Nhóm Mã Lai đa đảo (Malayo Polynesian), còn gọi là Austronesian (Nam đảo) trong đó, có người Chăm, bao gồm có các tộc người chánh yếu, người Roglai, Churu, Ê-đê, Jarai, Hroy v.v.., trong ngôn ngữ, có những âm chính rất gần gũi nhau và thông cảm nhau dễ dàng được học giới Tây phương xếp vào loại “Chamic”:
- Người Roglai gần gũi nhứt với người Chăm, sống trong rừng núi phía Tây Nha Trang, trong khu vực Tây Bắc Phan Rang (Ninh Thuận) và rải rác trong vùng Phan Rí (Bình Thuận). 
- Người Churu sống trong vùng thung lũng Đa Nhim (Đa Lạt, mà theo thông tin truyền khẩu, được xem là tộc người lai Chăm và Roglai, Koho, còn được người Chăm vùng duyên hải gọi là Chăm-Ro tức Chăm t nạn đã trốn chạy trước làn sóng Nam tiến của quân binh nhà Nguyễn.
- Người Ê-Đê tại Buôn Ma Thuôt, vùng sanh sống về phía Tây giáp giới với Kampuchea.
- Người Jarai sống trong vùng Kon Tum, Pleiku, trên một địa bàn nới rộng đến biên thùy Kampuchea về phía Tây và giáp ranh với khu vực người Ê-Đê ở phía Nam. Trong giới người Jarai, có những nhân vật lãnh đạo có tiếng là Patao Apui, tức Vua Lửa từng đựợc triều đình nhà Nguyễn phong là Hỏa xá, Patao Ea, tức Vua Nước, mệnh danh là Thủy Xá; ngoài ra, còn có Patao a-ngin tức Vua Gió... uy danh đượm nhiều màu sắc thần thoại, được dân chúng địa phương kính trọng.
- Người Hroy, sanh sống ở phía Tây Cheo Reo, chính là người Chăm, nhưng môi trường sanh sống, theo thời gian, đã khíến họ hội nhập vào sống nếp sống gần gũi hơn với nếp sống văn hóa và xã hội người vùng cao. 
Nhóm Môn – khmer còn gọi là Austroasiatic tức Nam Á, chủ yếu gồm có các tộc người Bahnar, Seđang, Mnong, Halang, Jeh, Koho, Mạ, Stiêng, Ta Ôi, K’Yu, Bru-Vân Kiều, v.v...:
- Người Bahnar sống tại vùng An Khê (Pleiku) và Kontum.
- Người Seđang sống tại vùng Tây Bắc Kontum.
- Người Halang ở Kontum và giáp giới Nam Lào.
- Người Jeh, ở Đaksut, gần biên giới Lào.
- Người Koho, vùng Đa lạt.
- Người Stiêng, vùng Biên Hòa - Thủ dầu một, v.v...
Ngoài sự gần gũi về ngôn ngữ, có những bằng chứng cho thấy mối quan hệ gắn bó không tách rời của người Chăm và các bộ tộc cao nguyên với tánh cách là dân tộc Champa trong lịch sử.
Trước hết, giữa người Chăm và các sắc tộc vùng cao có những quan hệ dòng họ. Trong người Ê-đê là sắc tộc lớn có nhiều bậc trí thức nhứt Cao nguyên, có họ Êchăm là dòng họ ngoại hôn thuộc dòng tộc Eban. Họ R’Com là một dòng họ lớn của người Jarai thường được xem bao gồm những người “văn minh” nhứt do được tạo điều kiện sớm tiếp cận với nền giáo dục trường lớp thời thuộc địa Pháp. Về mặt từ nguyên, từ R’Com rất gần gũi nên có thể là một biến thể của từ R’Chăm. Người Roglai còn có họ Chamalê cũng xuất xứ từ từ “Chăm”.
Trong số những vị vua Champa, có một vị vua sanh quán tại vùng cao, đáng chú ý nhứt là Vua Pô Romê, vị vua cho đến nay còn được tôn thờ tại một ngọn tháp ở Phan Rang, được dân chúng cúng bái hằng năm, là người gốc Chu Ru. Một vị vua khác là Pô Top đã lên ngôi năm 1655 là con một người con gái của hoàng hậu người Ê-đê của vua Pô Rômê (tức là cháu ngoại của Pô Rômê). Tiếp nối truyền thống quan hệ này, sau khi vương quốc Champa không còn nữa, người dân Roglai hàng năm vẫn cùng nhau xuống đến tận tháp Pô Romê ở Phan Rang cùng người Chăm tham dự lễ Katê là một lễ hội dân gian hàng năm của dân tộc Champa.
Trong lịch sử, các vua Champa trong các lễ vật cống nạp triều đình Trung Hoa, người ta nhận thấy có các lọai gỗ quý giá cùng các hương liệu thì chính xuất xứ từ người Roglai và các sắc tộc vùng cao khác dâng nạp. Ngoài ra, còn có sừng tê giác, bạch tượng, quế, vàng, mật ong... đều là sản phẩm của vùng cao mới có, chứng tỏ mối quan hệ chặt chẽ giữa các bộ tộc cao nguyên với triều đình Champa ngày xưa trong sanh hoạt quốc gia.
Vua quan Champa ngày xưa có lúc đã phải nương náu trong sự bảo bọc của người dân Champa vùng cao khi bị yếu thế trong các cuộc xua quân xâm nhiễu của triều đình Đại Việt, hoặc của Trung Hoa từ phía Bắc, hoặc của triều đình Phù Nam từ phía Tây Nam.
Tuy nhiên, trong học giới, người ta cũng ghi nhận một khuynh hướng phân cách không tán đồng lập luận thành phần dân tộc Champa bao gồm toàn bộ các bộ tộc Cao nguyên miền Nam. Trong một bài phát biểu tại Hội nghị quốc tế về Champa và thế giới Mã Lai tại Viện Đại học California, Berkeley (Hoa kỳ) năm 1990 do Trung tâm nghiên cứu Á châu (Center for Southeast Asia Studies) và Văn Phòng quốc tế Champa (International Office of Champa) kết hợp tổ chức, một vị phát biểu, chỉ có người Churu mới có điều kiện được kể là thành phần dân tộc Champa, còn các dân tộc Cao nguyên khác từ nhiều ngàn năm, đã hình thành và duy trì những trật tự xã hội khác biệt, có truyền thống văn chương truyền khẩu và các hệ thống cúng tế địa phương riêng biệt. 
Một lập luận phân cách khác của nhóm người dân miền núi từ Cao nguyên Trung Phần Việt Nam sang tỵ nạn tại Hoa kỳ sau năm 1975, phản ảnh trong trang nhà Internet của tổ chức hội đoàn “Montagnard Dega Foundation”, trong thập niên gần đây, nhứt là qua trang nhà trên Internet, tự gọi một cách tự hào là dân tộc Dega (chử “Dega” được dẫn giải là “các bộ tộc”).
Các lập luận trao đổi về mặt này sẽ bất tận nếu người ta không thỏa hiệp với nhau trước ở tiền đề về một số tiêu chuẩn cần thiết, bởi lẽ khái niệm tùy thuộc vào một thành phần dù của dân tộc nào, đều mang tính nhiệm ý, thể hiện ít nhiều xúc cảm chủ quan, chịu dưới tác động của bối cảnh bao quanh, không thể né tránh vào đâu được.
Trong số các thành phần dân tộc một nước, bao giờ cũng có một loại thành phần mang tính cốt lõi, thành phần nắm giữ vai trò chủ động áp đảo trong việc hình thành và phát huy dòng chánh lưu (mainstream) về văn hóa, kinh tế, chánh trị, xã hội, v.v. cho toàn dân tộc. Các thành phần khác trong khi lúc nào cũng có khuynh hướng bảo tồn căn sắc của mình, vẫn phải khép mình hội nhập vào dòng chánh lưu.
Sau khi vương quốc Champa không còn nữa, dân tộc Champa - theo đúng nội dung bao gồm cả người Champa vùng duyên hải và các bộ tộc Champa vùng cao - không còn duy trì được một bộ máy chánh quyền vương quốc từ trung ương làm chất kết dính các thành phần đa dạng trong lòng dân tộc Champa như trong lịch sử.
Trong lịch sử, thực hiện chánh sách tầm thực trong cuộc Nam tiến vào thế kỷ 19, nhà Nguyễn nước Đại Việt đã cắt bỏ phần đất vùng cao của vương quốc Champa lập thành hai nước khác: Hoa Anh, Nam Phan đặt trực thuộc triều đình nhà Nguyễn.
Tiếp theo, nhà cầm quyền thực dân Pháp, sau khi áp đặït bộ máy thống trị Việt Nam, đã thực hiện chủø trương chia để trị, cô lập vùng cao nguyên Trung Phần với phần đất còn lại và từ đó, mới xuất hiện từ ngữ “montagnard”chỉ định các sắc dân thiểu số Champa sống trên đó, đồng thời xây dựng một lớp trí thức tự hào với một căn sắc biệt lập mới. Đến khi chuyển giao chủ quyền cho chánh quyền Bảo Đại vào năm 1949 thì lập nên Hoàng triều cương thổ, gọi các sắc dân montagnard kể trên là “Thượng” được quen dùng đến ngày nay.
Trong khuôn khổ các sự kiện kể trên và qua thời gian kéo dài đã non một thế kỷ, tính gắn bó dân tộc Champa, do thiếu điều kiện giao lưu thông suốt của quá khứ, mặt khác, lại phải phấn đấu sống còn tại địa phương, dù muốn dù không, vẫn phải đi đến chỗ phân cách trong không gian. Ngay trong cùng một bộ tộc, cũng lại có khuynh hướng tách rời và có tên gọi mới thọat nhận, có thể nghĩ là không phải cùng thuộc một bộ tộc. Các tên gọi mới này trong một số trường hợp cũng là do quan hệ hôn nhân với bộ tộc lân cận tạo thành một nhóm mới biệt lập. Do đó, tại Việt Nam ngày nay, khi nói đến người Chăm, người ta phải nói rõ là người Chăm Phan Rang - Phan Rí hay người Chăm Châu Đốc, người Chăm Kampuchea. Người Jarai thì có Hđrung, Habau, A-Rap, Tô-buan, Hroy, v.v...; người Ê-Đê thì có Ê-Đê - Kpa, Adham, Ktul, Blo, Epan, Bih, v.v... 
Mặc dầu có những sự kiện nêu trên, sự song tồn của thành phần đa số và thành phần thiểu số trên cùng một lãnh thổ quốc gia bao giờ cũng là một thực tế mà mọi người dù muốn dù không cũng phải chấp nhận.
Khái niệm dân tộc Champa trong nội dung bao gồm người Chăm và các bộ tộc Champa cao nguyên, vốn là thần dân của vương quốc Champa ngày xưa, dù sao, vẫn có giá trị lịch sử, không ai có thể chối bỏ được. Để tránh những tranh cãi không đi đến đâu, nghĩ có thể dung hòa bằng cách, khi nói đến “dân tộc Champa” trong lịch sử thì sẽ bao gồm toàn bộ các sắc dân đã xuất phát từ một cội nguồn từ thời cổ, đã từng sống đùm bọc gắn bó với nhau ngày xưa trong vương quốc Champa.


3. DÂN TỘC VÀ BANGSA

Các thành phần gọi là dân tộc Champa kể trên ngày nay không phải chỉ sanh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Trong lịch sử, vương quốc Champa và vương quốc khmer có những quan hệ khi thì thân thiện khi thì thù địch giết hại lẫn nhau, hậu quả là có một số người Chăm bao gồm cả những nhân vật thuộc hoàng gia Champa sang định cư tại Kampuchea. Ngoài ra, khi nhà Nguyễn nước Đại Việt xua quân thôn tính Panduranga là phần đất có chủ quyền cuối cùng của Champa, thì đã diễn ra những đợt dời cư ồ ạt của người Chăm kể cả dòng tộc hoàng gia còn sót lại sang lánh nạn và đã định cư vỉnh viễn đến ngày nay trên đất nước Kampuchea. Một chi tiết đặc biệt cần được lưu ý là số người Chăm sanh sống tại Kampuchea hiện nay, sau khi đã là nạn nhân của chánh sách tàn sát diệt chủng thời Khmer đỏ sau năm 1975, theo ước lượng của giới có thẩm quyền, là vào khoảng 400 ngàn người, đông hơn Việt Nam (ước khoảng 130 ngàn người) mặc dầu vương quốc Champa ngày xưa nằm trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay chớ không phải Kampuchea.
Dưới thời Việt Nam Cọng Hòa trước năm 1975, các thành phần thiểu số đều được gọi là các “sắc tộc thiểu số” bao gồm sắc tộc Chàm và các sắc tộc Cao nguyên Trung Phần gọi chung là “đồng bào Thượng”; còn người Việt, đối lại, thì được gọi là “người Kinh”. Từ “dân tộc” chỉ dùng cho toàn dân tộc Việt Nam mà thôi.
Chuyển sang chế độ Cọng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mỗi thành phần dân tộc Champa ngày xưa, từ sau năm 1975, đều được chánh thức gọi là “dân tộc” (dân tộc Chăm, dân tộc Jarai, dân tộc Chu Ru, dân tộc Ê Đê, v.v. . ) còn dân tộc Việt là dân tộc Kinh thủ giữ vai trò trội yếu của dòng chánh lưu cùng các dân tộc anh em, tất cả, trên nguyên tắc, hợp thành đại gia đình dân tộc Việt Nam. 
Tại Kampuchea, là một nước có dân số gốc Chăm nhiều nhứt thế giới, và người Chăm đã đạt trình độ thăng tiến xã hội đáng kể, thì một có sự kiện nghịch lý là không còn được gọi là “Chăm”. Lý do: cựu Quốc vương Sihanouk, từ trước năm 1975, dựa vào lý do tránh phân biệt chủng tộc, đã ban hành quyết định không gọi người Chăm là “Chăm” nữa, mà chánh thức gọi chung người Chăm là “Khmer Islam”. Nhưng cho đến ngày nay, trong nội bộ người Chăm vẫn tự gọi là “Chăm”. 
Riêng người Chăm sang định cư tại Malaysia thì được gọi một cách trang trọng là “Orang Malayu Champa”.
Mặc dầu tên gọi chỉ thể hiện mặt hình thức, không nhứt thiết phản ánh trung thực nội dung phong cách đối xử, cách gọi khác biệt như vậy theo thời gian rồi cũng có tác động vào tâm trạng của những người trong cuộc ở những mức độ nhứt định và theo những chiều hướng phát triển khác nhau, qua những tình huống mà họ phải đối phó hoặc xử lý trong cuộc sống thường ngày. 
Trong biên cương chánh trị của các nước, nói một cách khác, thân trạng của người Chăm lệ thuộc vào chánh sách của nhà nước nơi đang định cư. Sự lệ thuộc này, cộng với tác động của dòng chánh lưu về văn hóa, xã hội, nhứt là về ngôn ngữ, qua nhiều thế hệ, có hậu quả làm xói mòn và cuối cùng phá vỡ tính thuần nhứt của nền tảng tinh thần dân tộc Champa thời vương quốc Champa còn tồn tại. Tính thuần nhứt này, trái ngược lại, vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, mỗi khi được gợi lên, trong tinh thần Bangsa vốn không lệ thuộc vào sự thay đổi địa bàn sanh sống, không lệ thuộc vào những tình huống hoặc những sự kiện đương thời, bởi lẽ Bangsa Champa là cội nguồn, là gốc gác của ông bà tổ tiên; cội nguồn là một yếu tố vốn bất di bất dịch không ai có thể

Be the first person to like this.