• Yahoo
  • Google
  • Live
  • Live
admin
by On January 7, 2012
251 views
GiÁ TRỊ NHÂN VĂN QUA TỤC “DAONG GEP” CỦA NGƯỜI CHĂM
Jathraoh
Trong các ngôi làng không giàu sang chỉ tàm tạm, không có bóng dáng một người ăn mày nào, khiến ta phải bất chợt đặt câu hỏi: Sao đối lập với thực tại vậy? Trong các cặp vợ chồng trẻ vốn sinh ra trong một gia cảnh nghèo, sao họ dựng được một căn nhà đàng hoàng sang trọng vậy… ? Trong các hộ gia đình không dư dả chỉ đủ ăn, sao họ có đủ tiền để tổ chức một đám cưới linh đình vậy? Tôi xin trả lời rằng: Đó là do người Chăm có tục “daong gep”! Vậy “daong gap” là gì?
“Daong gep” có nghĩa tương trợ nhau. Chẳng biết tục này hình thành trong xã hội Chăm từ bao giờ? Tục này mang tính cộng đồng sâu sắc. Trong nhiều trường hợp con người có lúc đói có lúc no, người ta san sẻ cho nhau, thành nhưng trào lưu nhân đạo; nhưng để thành một tục thì trong toàn quốc chỉ có ở Chăm. Tục này được hình thành như thế nào là một câu hỏi khá thú vị. Tại sao trong xã hội Chăm có được tục này?
Người Chăm là những người có tổ chức gia tộc rất bài bản. Trong dòng họ có người phụ nữ lớn tuổi đứng đầu, chịu trách nhiệm nuôi dạy con cháu. Các con cháu được nuôi dạy theo cách này đã hình thành nhiều tính nết tốt. Điều này đã giúp đỡ đáng kể cho các cặp vợ chồng trẻ. Trên phạm vi rộng mỗi làng lại cử hai người phụ nữ đứng đầu gọi là Muk buh. Muk buh là người phụ nữ lớn tuổi được dân làng kính trọng. Con cháu quây quần bên mẹ già. Và mở rộng ra làng xóm quay quần bên người “bà mẹ của làng” Muk buh. Điều này đã thắt chặt tình ruột thịt của mỗi người Chăm. Bất cứ thành viên nào trong dòng họ đều được sự quan tâm của bà mẹ đứng đầu gia tộc ấy. Các thành viên lại quan tâm lẫn nhau. Điều này lại được mở rộng ra trong phạm vi của một làng. Trong phạm vi làng thì người ta không thân thiết bằng trong dòng họ nhưng vẫn khăng khít với nhau thông qua tổ chức gia tộc. Cách thức tổ chức gia tộc của người Chăm đã mang lại một cảnh tưởng rằng đối lập với thực tại nhưng lại hiện hữu trước mặt. Việc tổ chức dòng họ kiểu này đã gắn kết các thành viên lại với nhau, hình thành tục “daong gep” như một nguồn ngân quỹ của dòng họ nhằm tương trợ lẫn nhau.
Trong mỗi dòng họ hiện nay có đóng góp một quỹ gọi là jiéng gep likei (quỹ họ trai). Jiéng gep likei nhằm quyên góp lại số tiền của nam giới trong dòng họ. Jiéng gep likei hiện đang hoạt động rất tốt trong làng Văn Lâm và ở nhiều làng Chăm khác. Qũy này được đóng góp hằng năm để trao cho thành viên nào có nhu cầu vay vốn vào dịp lễ Ramâwan. Các bà con trong dòng họ rất phấn khởi mỗi lần nhận tiền quỹ này. Đây không chỉ là số tiền giúp họ tổ chức lễ hội Ramâwan mà còn có thể giúp họ trang trải cuộc sống. Họ cũng dễ dàng cảm nhận được tình thương mà các thành viên trong dòng họ dành cho mình. Điều này giúp họ yêu quý các thành viên trong dòng họ hơn. Ngoài ra nhiều dòng họ còn có jiéng gep kamei (quỹ họ gái) nhằm quyên góp số tiền nữ giới trong dòng họ tương trợ lẫn nhau. Jiéng gep kamei cũng mang lại nhiều điều hay nhưng rất tiếc là một số dòng họ lại không có quỹ này.
Tục “daong gep” không chỉ thể hiện qua tiền quỹ trên. Tục này còn thể hiện qua việc quyên góp tiền để giúp cặp vợ chồng trẻ làm nhà. Họ được anh em trong họ hàng quyên góp một khoản tiền đáng kể để dựng nhà cửa. Mỗi người góp một ít; nhiều người góp lại cũng đủ trả một chí phí lớn. Hỡi ai đến thăm các làng người Chăm sẽ phát hiện một điều kì thú các cặp vợ chồng trẻ có được căn nhà tươm tất mà trong tay vốn không có nhiều tiền. Họ nhận từ anh em của mình, mỗi người dăm ba triệu thế là có được căn nhà khang trang!
Trong đám cưới chủ nhà cũng cảm nhận được một tình thương bao la từ các anh em trong dòng tộc. Họ quyên góp với số tiền rất lớn. Số tiền này thường lên tới mấy chục triệu. Vợ chồng tân hôn cảm thấy rất hạnh phúc mỗi khi nhận số tiền này. Số tiền này không chỉ giúp họ chi phí đám cưới này mà còn có thể mang lại nguồn vốn cho họ làm ăn. Tuy nhiên một điều tôi muốn nói ở đây là đám cưới người Chăm ở Ninh Thuận rất tốn kém, thường phải mất 50 triệu. Nếu như ta tiết kiệm được trong quá trình chi phí cho lễ cưới thì sẽ dành số tiền này cho vợ chồng trẻ làm ăn tốt hơn!
Trong đám tang, tang gia không phải bận tâm đến lễ vật, không cần phải lo việc tổ chức tang lễ. Mọi việc đều do anh em trong dòng họ chịu trách nhiệm. Họ quyên góp tiền để trả chi phí đám tang. Tâm trạng âu sầu mất người thân sẽ được xoa dịu trong bàn tay yêu thương của anh em trong dòng họ.
Người Chăm daong gap như vậy, lẽ nào họ làm ngơ khi thấy anh em trong dòng tộc nghèo khổ? Người Chăm, nếu có một gia đình nào làm ăn phát đạt thì họ sẽ giúp đỡ các anh em trong họ cùng nhau làm ăn. Điều này khiến tình đoàn kết trong dòng tộc được vun đắp thêm. Đây là lí do xã hội Chăm thường không có người ăn mày.
Người Chăm có tục “daong gep” quả là một điều thật hay. Chúng ta cần phải giữ gìn nét đẹp truyền thống này thông qua việc giữ gìn cách tổ chức dòng họ. Hiện nay do mô hình nông thôn truyền thống bị lấn áp bởi môi trường đô thị nên việc tổ chức gia tộc truyền thống phần nào cũng bị tác động. Vì vậy ta cần nghiên cứu kĩ để duy trì cách tổ chức dòng họ truyền thống để gìn giữ tục “daong gep”
Posted in: Văn Học
Be the first person to like this.